Vũng Bùn

Chương 1



Sống trong một gia đình có truyền thống trừ tà thì như thế nào?

Khiết An rất hay được người khác hỏi những câu như thế. Lúc này, cô sẽ cười đáp lại nhẹ nhàng với họ.

"Như quần què."

Đúng vậy. Cuộc sống như thế chẳng khác nào là nỗi đáng sợ bậc nhất đối với Khiết An. Từ nhỏ, khi lần đầu tiên thấy thứ đen lòm đáng sợ đấy ở góc nhà, Khiết An đã sợ đến mức tè ra quần, khóc lớn gọi cha gọi mẹ tới cứu mình, khiến họ chứng kiến cảnh tượng xấu hổ đó mà bây giờ khi rảnh liền đùa vui về nó. Đến khi em trai Khiết An ra đời, câu chuyện đó còn được kể lại cho em cô nghe.

Khiết An hận bản thân sao không chết đi cho rồi.

Khiết An đặt tên cho thứ đen lòm như bùn là "chúng". Theo lời cha mẹ thì "chúng" vốn không phải là linh hồn của người chết, không phải là ma hay quỷ, mà chỉ là cảm xúc tiêu cực của con người tích tụ lại và dần hình thành. Nhưng khi Khiết An còn nhỏ, cô đã luôn tự nghĩ rằng "chúng" là ma và lúc nào cũng bám lấy cô.

Cho đến tận bây giờ, sự xuất hiện của "chúng" ngày càng nhiều. "Chúng" vẫn như thế, luôn xuất hiện xung quanh cô, ngay cả ở trong nhà, thậm chí là trong phòng.

Tưởng tượng thử xem, khi bạn bước vào phòng, "chúng" đã chực chờ sau cánh cửa, ở góc phòng, trong tủ quần áo, dưới gầm giường... Chẳng thể ngờ được khi nào "chúng" sẽ nhảy ra hù dọa, và cũng chẳng thể nào làm được gì chúng.

Khiết An từng tìm nhiều cách như đổi phòng, nhưng kết quả vẫn như vậy. "Chúng" vẫn xuất hiện ở căn phòng cô ở. Thậm chí dùng cách trừ tà thì sau một khoảng thời gian những con mới sẽ xuất hiện, đôi khi số lượng sẽ nhiều lên so với ban đầu. Hầu hết "chúng" sẽ không làm gì, chỉ nhìn hoặc nhảy ra hù, nhưng sẽ có vài trường hợp, khi Khiết An ngủ, một số sẽ cố gắng khiến cô chết ngạt.

Từng có một thời gian dài, Khiết An bị bóp cổ nhiều đến mức cô không tài nào ngủ được, thậm chí là không dám ngủ. Nỗi sợ bị làm cho ngạt thở khiến cô khóc cả đêm, vừa khóc vừa nghe tiếng cười vang khắp cả phòng.

Khiết An cũng không thể kết bạn. Vì dòng tộc nhà cô nổi tiếng với việc trừ tà đến mức không bạn học nào dám đến gần. Họ sợ bản thân sẽ bị nguyền, nổi sợ đó vô tình khiến họ cô lập Khiết An. Đương nhiên một số sẽ không ngại điều đó mà... bắt nạt cô.

Khiết An từ trung học đã là nạn nhân bị bạo lực học đường. Thể xác không hề hấn gì nhưng tinh thần Khiết An vô cùng hoảng loạn ngay lúc đó. Tóc cô bị xén đi, bị dội nước, bị sai vặt, hằng ngày phải nghe những lời nói tiêu cực, xúc phạm,... Từng suy nghĩ tiêu cực cứ hiện hữu trong đầu nhiều lần khiến cô từng có ý định gieo mình xuống lầu tự vẫn. Nhưng khi thấy "chúng" luôn há miệng chực chờ cô nhảy xuống, Khiết An liền sợ hãi mà gục xuống khóc lớn.

"Chúng" vẫn luôn mong chờ cô giết chết bản thân mình. Kể từ lúc đó, Khiết An không bao giờ nghĩ tới chuyện chết nữa.

Tại sao không nguyền bọn họ nhỉ?

Khiết An đã nhiều lần nghĩ thế, đúng là một phương thức tuyệt vời, tay lại không dính máu nhưng cô chợt nhớ tới điều luật của gia tộc. Không được phép nguyền rủa người thường. Bởi lẽ, đó là điều cấm kị. Người thường yếu đuối, nếu bị nguyền, họ sẽ chết một cách đau đớn nhất. Và chính người nguyền họ sẽ phải gánh chịu nghiệp chướng. Nghiệp chướng ngày càng nhiều sẽ biến thành một trong số "chúng". Khiết An từng nghe kể, có rất nhiều người theo nghề trừ tà đã phạm vào điều cấm kị mà linh hồn không thể nào siêu thoát được. Khiết An không muốn như vậy, càng không muốn bị biến thành "chúng" - nổi đáng sợ của cô.

Bản thân Khiết An cũng không thể đứng lên chống trả lại, một mình cô thì không thể chống lại bọn chúng. Cô càng không được ai đưa tay ra giúp đỡ. Bạn học thì xa lánh, giáo viên xem đó chỉ như một trò đùa của bạn học với nhau, cha mẹ lại quá bận việc và bắt đầu phải quan tâm chăm sóc cho đứa em trai mới chào đời của cô.

Đến tận năm lớp 8, khi không chịu nổi sự bắt nạt. Khiết An đã xin cha mẹ nghỉ học và học gia sư tại nhà.

Tâm lý yếu đuối của một đứa trẻ chưa thành niên khiến Khiết An cho rằng tất cả tại "chúng". Tại "chúng" mà Khiết An không được sống một cuộc đời bình thường, không thể là một người bình thường, không thể kết bạn, không được làm điều mình thích. Với nỗi sợ luôn dấy lên mỗi khi thấy "chúng" Khiết An luôn từ chối nghĩa vụ trở thành đời tiếp theo ròng rã suốt 4 năm.

Năm cô 18 tuổi, là năm cuối cấp 3, cũng đã đến lúc suy nghĩ về tương lai của mình.

Khiết An khi còn nhỏ đã được khuyên đủ điều, về việc cô nên làm khi đã lớn hơn. Cô vẫn phải tiếp quản công việc của gia tộc, nhưng cha mẹ sẽ không cấm cô làm thêm việc bên ngoài xã hội nhưng có rất nhiều điều kiện kèm theo. Công việc đó chỉ nên kiếm những công việc nhỏ, không nên quá bận rộn hay chú tâm vào quá nhiều. Việc cô chỉ nên chú tâm vào chính là trừ tà.

Khiết An vô cùng yêu thích việc giảng dạy, và cô cũng thích con nít nữa. Vậy nên, mong muốn sau này của cô là có thể trở thành một giáo viên mầm non. Nhưng, nếu cô không thể lại gần những đứa trẻ được. Bởi nghề trừ tà có rất nhiều rủi ro, vậy nên đôi khi nghiệp chướng sẽ vô tình ảnh hưởng tới con nít, và khiến chúng yếu dần.

Phải từ bỏ công việc yêu thích của mình, Khiết An cũng chẳng tha thiết việc trở thành người trừ tà. Khi đủ 18, trong các bữa ăn cùng gia đình, cha mẹ cô sẽ luôn nhắc đến "tương lai" của cô, khuyên nhủ, biện hộ mọi lí do, áp đặt cô vào khuôn mẫu "tương lai" họ định sẵn.

Mỗi bữa ăn đó đều khiến bụng cô cồn cào, chẳng muốn ăn gì nữa.

Mặc dù trốn tránh nghĩa vụ suốt 4 năm, nhưng đã đến tuổi 18 rồi, cha mẹ Khiết An ngày càng sốt ruột hợn nữa. Ngày nọ, cũng như mọi bữa ăn, cha Khiết An hắng giọng mở đầu câu chuyện.

"Đã tới lúc con nên nghĩ về nghĩa vụ trở thành đời kế tiếp rồi Khiết An."

"Con..." Khiết An dừng đũa trước món ăn mình thích, cảm giác cồn cào trong bụng khiến cô chợt muốn nôn. Khiết An chịu đựng cảm giác khó chịu trong bụng, ngước lên nhìn cha. "Không muốn trở thành thầy trừ tà."

"KHIẾT AN!"

Cha Khiết An hét lớn, đập tay lên bàn khiến chiếc bàn có rung chuyển, phần lớn thức ăn đổ ra bàn. Em trai Khiết An sợ hãi, khóc toáng lên. Cậu bé nhanh chóng được mẹ bồng vào phòng.

Lúc mẹ Khiết An trở ra, mặt bà mang nét buồn bã, bà cẩn thận dọn thức ăn bị đổ ra bàn. Cha Khiết An vẫn không nói gì, ông day trán mình, lầm bầm tự hỏi vì sao Khiết An lại không chấp nhận việc kế thừa gia tộc.

Khiết An rũ mắt, nhìn xuống đôi bàn tay đan vào nhau nắm chặt lại. Cô cắn môi, muốn nói điều luôn giữ trong lòng suốt mấy năm, cảm giác cồn cào trong bụng âm ỉ liên hồi.

"Con sẽ không bao giờ trở thành người trừ tà."

"Khiết An! Con nói cái gì vậy?"

Lần này là mẹ Khiết An lên tiếng, bà vội vàng chạy tới bên cô, nắm chặt lấy vai cô.

"Con đùa đúng chứ?"

Dường như không thể tin điều cô vừa nói, mẹ Khiết An tự lừa dối bản thân mình, nhưng đây là sự thật. Điều Khiết An nói chẳng phải là đùa.

"Con đã quyết định như vậy rồi." Khiết An cố không làm giọng mình run rẩy, từng lời chôn giấu trong lòng cứ lần lượt tuôn ra ngoài. "Con không muốn làm theo sự áp đặt của cha mẹ."

Cha mẹ Khiết An im lặng, dù Khiết An vẫn cúi đầu xuống tránh né ánh mắt của họ, nhưng cảm giác bị nhìn chằm chằm khiến cô lạnh gáy. Họ vẫn nhìn chằm chằm vào Khiết, có buồn bã, có tức giận, có thất vọng chứa trong ánh nhìn.

"Đó là quyết định của con?"

Cha Khiết An lên tiếng trước, giọng ông bình thường hơn khi nãy, nhưng dù gì sống cũng đã bấy lâu nay, Khiết An hiểu tâm trạng của ông là gì. Đó là sự thất vọng tràn trề, rằng cha cô không muốn quan tâm đến cô hay chuyện cô muốn làm.

"Vâng." Khiết An gật đầu.

"Muốn làm gì thì làm."

Cha Khiết An lướt qua cô một cách vô tình và rời đi. Phòng ăn vốn đầy ắp người giờ chỉ còn mỗi Khiết An cùng mẹ.

Mẹ Khiết An cũng thế, bà không nói gì, chỉ lặng lẽ dọn lại một bàn ăn mới cho hai người và bắt đầu ăn. Khiết An nhìn các món ăn, hôm nay vẫn vậy, vẫn là những món cô yêu thích.

Cô cầm đũa, bắt đầu ăn nhưng bụng bắt đầu cồn cào lại.