Vương Của Ái Thần

Chương 3



Diệp Doãn và Ngô Tề trước giờ vẫn luôn đi theo Tứ hoàng tử Thủy An, trên triều luôn dùng những từ ngữ để đả kích Nhị Lam cùng Ngô Diên ở dưới trướng Thái tử Thủy Thiên Anh. Mà hai vị hoàng tử này, người vừa mới tròn mười, người lên tám lại không hiểu gì về chính sự cũng chẳng quan tâm đến việc tranh đoạt địa vị. Cuối cùng, cuộc tranh đoạt này cũng chỉ có thể nói đến hai vị mẫu thân đứng ở đằng sau mà thôi.

Hoàng hậu từ trước đến giờ vẫn luôn ốm yếu lại không sinh được hoàng tự nào, nàng chỉ sinh được một tiểu công chúa năm nay lên bảy sau đó không sinh được nữa. Cũng chính vì thế mà ngôi vị Thái tử đã bỏ trống gần chục năm qua, mãi sau này Hoàng Thượng nhận thấy Nhị hoàng tử có đầy đủ tố chất trở thành một quân Vương, vì thế đã gọi người ban Nội các đến, ban lệnh sắc phong.

Khi lệnh sắc phong được ban xuống, đã làm dấy lên một trận phong ba trong triều, một vài quan viên suy tính không thành, liều mạng dâng tấu chương can gián nhưng không có kết quả. Ngay cả các vị phi tần trong hậu cung có hoàng tự cũng đứng ngồi không yên, sau có mấy vị nương nương cảm thấy nhi tử của mình không thể đảm đương trọng trách của một vị Thái tử hoặc do bản thân không dám đứng lên tranh giành đoạt vị nên nhanh chóng bỏ cuộc, im lặng ngồi nghe các phi tần khác kích bác lẫn nhau.

Sau cùng cũng chỉ có một mình Diệp Quý nhân không thể nhẫn nhịn, luôn nghĩ cách đẩy vị Thái tử kia xuống để đưa nhi tử của mình lên. Nhưng hậu cung xưa nay không được phép can dự vào việc triều chính, nàng chỉ còn cách viết thư cho bá phụ kêu than. Diệp Doãn đọc phong thư cũng không ngồi yên được nữa, lập tức cùng Diệp Quý nhân hết lần này đến lần khác bức Thái tử thoái vị.

Tiếng ngựa hí đột nhiên vọng đến, người ngồi bên trong xe ngựa không còn cảm thấy rung lắc như trước. Hàm Bắc nhấc chân mày nhìn rèm che kéo lên một nửa, y ném phong thư đỏ vào một góc, chậm rãi bước xuống.

Không cần Hàm Bắc lên tiếng, Chu Thừa Hạo hiên ngang bước đến trước phủ Thái sử. Đứng ở hai bên cửa là hai tên lính canh tay cầm giáo mác đứng thẳng, vừa thấy gã bước đến lập tức đem giáo mác chặn lại. Chu Đề đốc cẩn trọng lên tiếng: "Phiền ngươi vào báo với Thái sử, Hàm Thái úy muốn diện kiến".

"Thỉnh hai vị đợi ở ngoài." Tên lính cúi đầu hành lễ, nhanh chóng chạy đi bẩm báo. Hàm Bắc không hề nóng vội, thong thả đứng trước cửa phủ. Ngẩng đầu nhìn tấm biển đề ba chữ 'Phủ Thái sử' một lát, lại nhìn về phía cỗ xe ngựa ở bên cạnh đã xuất hiện từ trước, trầm ngâm suy nghĩ.

Lát sau tên lính quay trở lại, báo Hàm Thái úy cùng người của mình có thể vào phủ. Hàm Bắc không nói gì chỉ gật đầu tỏ ý đã biết, sải rộng chân bước qua bậc thềm. Chu Đề đốc ném cho tên lính bên cạnh một thỏi bạc nhỏ, quay người mau chóng đi theo con đường mà y vừa đi.

Bên trong chính phòng, Diệp Thái sử cùng với Ngô Tư mã đang âm thầm chuẩn bị cho đại sự sắp tới, thấy tên lính từ bên ngoài chạy vào bẩm báo Hàm Thái úy diện kiến khiến hai người hoảng hốt nhìn nhau. Mặc dù bên ngoài hai người và Hàm Thái úy không kết thù oán nhưng bên trong lại đấu đá ngầm, tuy trước giờ Hàm Bắc không tính toán với hai lão già bọn họ cũng không đồng nghĩa y có thể để yên việc bản thân bị vu cáo tạo phản. Hàm Thái úy vừa về hôm trước, hôm sau đã tìm đến cửa chắc hẳn cũng chẳng phải chuyện tốt đẹp gì.

Diệp Doãn loáng thoáng thấy bóng dáng y, chậm rãi gõ hai tiếng xuống bàn. Ngô Tề ngồi bên cạnh lập tức đứng dậy, vui vẻ đi ra. Lão vừa mới bước đến bậc cửa đúng lúc Hàm Bắc đến gần, Ngô Tề mở miệng giả chào đón y: "Hàm Thái úy, ngài đến phủ thật sự nể mặt tại hạ rồi".

Nghe được một câu tiếp đón hư tình giả ý như này, khiến Hàm Bắc không thể không nhíu mày nhìn lão nhưng không nói gì, y đưa tay ra hiệu cho người đứng ở phía sau, còn mình tự bước vào phía trong chính phòng. Chu Thừa Hạo lập tức dừng lại nơi bậc cửa, đợi y an tọa mới xoay người lại.

Diệp Doãn cau mày nhìn y bước vào mà không để ý đến lời nói vừa rồi của lão Tề, trong lòng khinh thường y không biết tôn ti là gì. Mà Hàm Bắc cũng lười nhìn sắc mặt của lão, mở miệng báo tên một câu rồi ung dung ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Diệp Thái sử mắt không nhìn y, trầm ồn lên tiếng: "Nay Hàm Thái úy có chuyện gì mà đích thân đến phủ tại hạ một chuyến thế này?".

"Cũng không có gì." Hàm Bắc nhận chén trà từ gia nô trong phủ, giả vờ uống một ngụm nhỏ rồi đặt xuống bàn, nhàn nhạt nói: "Chỉ là tại hạ vừa mới trở về từ biên cương hơn nữa, cũng đã lâu không đến phủ hỏi thăm Thái sử một tiếng, không rõ ngài dạo này thế nào. Hôm nay nhân có việc phải vào cung một chuyến, tại hạ mới có thể bớt chút thời gian qua quý phủ nói chuyện với ngài một lát. Không được sao?".

Tuy Hàm Thái úy nói là vậy nhưng mục đích là gì, đâu phải Diệp Thái sử không rõ. Mặc dù việc lão tấu y tạo phản là thật, sự việc ghi trong tấu chương cũng là thật nhưng uẩn khúc trong chuyện này lại không được ghi vào, mà Diệp Thái sử không chắc y đã điều tra ra sự việc đằng sau hay chưa nhưng vẫn bình tĩnh mà đáp lại: "Không dám. Hàm Thái úy đã đích thân đến phủ hỏi thăm, tại hạ mừng còn không kịp sao dám phản đối".

"Vậy sao?".

Tiếng cười khẩy vang lên giữa chính phòng, cả Diệp Doãn cùng Ngô Tề đã bắt đầu thấp thỏm không yên. Mặc dù phẩm hàm của Diệp Thái sử và Hàm Thái úy là ngang nhau, nhưng Hàm Thái úy lại là kẻ thân cận bên cạnh Hoàng Thượng. Trên dưới triều đình không ai không biết, Hàm Bắc tuy giữ chức Thái úy lại không phải Tể tướng nhưng quyền lực trong triều có thể nói là dưới một người trên vạn người, há chẳng phải đây là y được Hoàng Thượng trọng dụng và dung túng hay sao? Nếu Hàm Thái úy có thể điều tra ra chân tướng sự việc, thì cả Diệp Thái sử cùng Ngô Tư mã đều không thể đảm bảo giữ được cái đầu của mình.

Ngô Tề ngồi phía dưới đã bắt đầu lo lắng, vốn định mở miệng đánh tan cục diện trước mặt lại thấy Hàm Bắc đã lên tiếng trước. Cuộc đối thoại sau đó cũng chỉ xoay quanh những câu hỏi thăm vô nghĩa, Hàm Bắc bình thản vừa uống trà nói chuyện vừa thỏa mãn nhìn sắc mặt hai người, mà cả hai người họ lúc này giống như đang ngồi trên đống củi vừa mới tàn lửa.

"Mấy năm nay tại hạ canh giữ biên cương, trong nước xảy ra chuyện gì tại hạ không thể nắm rõ. May nhờ có Thái sử cùng Ngô Tư mã ở bên cạnh phò tá Hoàng Thượng, tại hạ ở biên cương cũng không cần phải lo lắng." Hàm Bắc khẽ cười, tay mân mê trên miệng chén trà, vô thưởng vô phạt nói: "Chỉ có điều, tại hạ không biết vì sao hai vị lại nắm rõ việc ngoài biên cương như vậy?".

Diệp Thái sử vẫn đang chìm trong suy nghĩ của bản thân, nghe Hàm Thái úy hỏi như vậy giật mình mà buột miệng nói ra: "Việc nước Liên cho người thăm dò nước ta, tại hạ nghe người ta nói không phải là...".

"Thái sử nói nhầm rồi, đây không phải là việc tại hạ muốn nói." Hàm Bắc lập tức cắt ngang. Một câu nói của y nhanh chóng khiến cho lão tái mặt: "Việc mà tại hạ nói đến là việc quân lương được chuyển đến biên cương vào nửa năm trước nhiều hơn quy định hai phần, hơn nữa cũng chính Thái sử đã tấu lên Hoàng Thượng hồi cuối năm. Thái sử, ngài quên rồi sao?".

Nhìn bàn tay Diệp Thái sử run lên không rõ vì sợ hay vì tức giận, ánh mắt Hàm Thái úy dần dịu lại nhưng vẫn không chịu buông tha cho hai người. Không đợi lão lên tiếng thanh minh, y đã nói trước: "Còn về việc nước Liên đưa người sang thăm dò nước ta, việc này ngay cả Hoàng Thượng còn chưa biết, vì sao Thái sử lại biết rõ như vậy?".

Lẽ dĩ nhiên, không có tiếng đáp lại. Nhấc mắt nhìn Diệp Doãn đang đối mắt với Ngô Tề, Hàm Bắc không muốn xem nữa đành đứng dậy cáo từ. Chân vừa bước ra khỏi chính phòng đã thấy Thuần công công dẫn theo hai thị vệ trong cung đi đến, y khẽ cười nhìn ông rồi nhanh chóng hồi phủ.

"Vừa vặn, đúng lúc ta đang đói." Hàm Bắc vừa mới bước chân vào phủ Thái úy đã ngửi thấy mùi thức ăn từ phía ngự phòng, vui vẻ lên tiếng: "Thừa Hạo, ngươi đi gọi Dĩ Tường lại đây ăn cơm với ta".

Chu Thừa Hạo đưa thanh kiếm giắt bên hông cho tên lính bên cạnh, nghe y nói vậy nhanh chóng chạy đi tìm An Dĩ Tường. Chưa đầy nửa khắc đã thấy hai người tất tả chạy về phía ngự phòng, Hàm Bắc chống tay xuống bàn thưởng thức mỹ cảnh 'ngươi cấu ta xé' của hai người.

Tuy Chu Thừa Hạo không nói lại chuyện xảy ra hồi sáng, nhưng An Dĩ Tường vẫn có thể đoán ra sự tình. Tay gắp cho Hàm Bắc miếng thịt, miệng cũng không ngừng nghỉ mà hỏi: "Thái úy, Hoàng Thượng phạt Diệp Thái sử cùng Ngô Tư mã có nặng hay không?".

"Sẽ không." Hàm Bắc gắp miếng thịt trong bát đưa vào miệng, chậm rãi nhai nuốt. Lúc sau mới chịu nói thêm: "Dù sao Diệp Thái sử cũng là bá phụ của Diệp Quý nhân, tuy hắn tố cáo sai nhưng tội không lớn. Cùng lắm chỉ âm thầm khiển trách thôi".

Cùng thời điểm trên, Diệp Thái sử và Ngô Tư mã đang ngồi trên đống lửa. Hai người vào cung đúng lúc Hoàng Thượng đang dùng ngọ thiện, đành phải đứng bên ngoài đợi hắn dùng bữa xong mới được diện kiến.

Khoảng nửa canh giờ sau, Diệp Thái sử cùng Ngô Tư mã cuối cùng cũng đã được triệu vào. Hai người không dám chậm chạp quỳ xuống hành lễ, lão cả gan ngước mắt lên nhìn lại thấy Hoàng Thượng đang chuyên chú phê duyệt tấu chương, cả hai không dám lên tiếng làm càn.

Hoàng Thượng duyệt xong một chống tấu chương cũng mất thêm một canh giờ nữa, đợi người ban Nội các đem tấu chương đi mới nhàn nhạt lên tiếng: "Hai khanh đã biết tội của mình?".

Diệp Thái sử và Ngô Tư mã vội vã cúi đầu nhận tội: "Hồi bẩm Bệ Hạ, chúng thần biết tội".

Hoàng Thượng không đáp lại chỉ nhướng mi mày nhìn hai người đang quỳ phía dưới, trong lòng vẫn cảm thấy khó chịu như trước. Lát sau hắn mới nói tiếp: "Vu người khác với tội danh tạo phản, trẫm thấy hai khanh không muốn giữ cái đầu của mình nữa rồi".

Ngô Tư mã nghe vậy sợ hãi, hấp tấp lên tiếng: "Bệ Hạ, thần biết tội. Chuyện này do thần sơ suất, không cho người điều tra kỹ mới dẫn đến việc tố cáo sai. Là thần ngu dốt đã phạm phải lỗi lớn như vậy nhưng thần cam đoan rằng, thần tuyệt đối không có ý định là hại Hàm Thái úy, mong Bệ Hạ minh xét".

"Bệ Hạ, là do thần ngu dại nên mới tin lời đồn đại bên ngoài làm tổn hại đến thanh danh của Hàm Thái úy. Bệ Hạ trách phạt như nào, thần xin chịu chỉ cầu Bệ Hạ tha cho Phi Nhi một mạng." Diệp Thái sử cố gắng trấn định thỉnh cầu, đầu cúi rạp cầu xin: "Cầu Bệ Hạ khai ân".

Thấy hai người nói vậy, Hoàng Thượng chỉ biết lắc đầu thở dài. Đến khi hắn chuẩn bị bước vào tẩm cung phía sau chính điện mới chậm rãi lên tiếng: "Phạt hai khanh nửa năm bổng lộc, khiển trách công khai".

Nói rồi bỏ đi, để lại hai người vừa cúi rạp vừa nói: "Tạ ơn Bệ Hạ khai ân".