Yêu Em, Anh Trở Nên Tốt Hơn

Chương 1: Rắc rối từ trên trời rơi xuống



Reng.. reng..

Tiếng chuông điện thoại dồn dập vang lên, cho dù có muốn giả vờ không nghe để ngủ tiếp thì An Nhiên cũng chẳng tài nào chìm vào giấc ngủ được nữa.

Cô thật sự rất mệt, chỉ muốn chợp mắt thêm một tí. Đêm qua thức khuya đọc giáo trình y khoa, sau đó chui vào chăn lúc 2 giờ sáng và hiện tại đồng hồ chỉ mới hơn 6 giờ. Ai thật sự không có lương tâm, nỡ lòng nào gọi cho cô sáng sớm, có biết con người ta buồn ngủ lắm không?

Cô uể oải với tay lấy di động trên đầu giường và nhấn trả lời với giọng ngái ngủ:

"Alo!"

"An Nhiên! Em đang ngủ sao? Giờ này còn ngủ, biết mấy giờ rồi không?"

Thế chị có biết mấy giờ không? Có biết đêm qua con người ta đi ngủ trễ lắm không? An Nhiên nhủ thầm trong khi chị Khanh tiếp tục huyên thuyên.

"Dậy đi, chị có tin vui, em thay đồ qua chỗ chị ngay nhé!"

Chị Khanh làm một tràng, không có khoảng lặng. Cô dám cá nếu ai đứng trước mặt chị ấy nãy giờ mưa phùn đầy mặt chứ chẳng chơi.

"Em mệt lắm, em phải ngủ chút, trưa nay em còn lên lớp. Nếu chiều nay thực hành ra sớm, em sẽ ghé chỗ chị. Vậy nha chị."

An Nhiên chuẩn bị nhấn kết thúc điện thoại thì đầu dây bên kia chị Khanh đã gào lên: "Em không được cúp máy. Đêm qua làm cái gì bây giờ còn ngủ? Em ở yên đó. Chị sẽ sang chỗ em vậy. Tí nữa chị sang bấm chuông cửa em còn ngủ thì biết tay chị."

Gì nữa đây trời? Cô thiếu nợ chị ấy chắc? Đến ngủ cũng không yên.

Vừa lầm bầm, cô vừa chui vào chăn rồi lại.. ngủ tiếp. Từ chỗ chị ấy sang bên này chắc cũng một tiếng đồng hồ nữa. Cô có thể ngủ thêm 50 phút, vệ sinh cá nhân 5 phút và 5 phút chuẩn bị đón chị ấy.

Tinh thần nghĩ vậy nhưng thể xác không cho phép và cô thiếp đi cho tới khi nghe tiếng rống của ai đó.

"An Nhiênnnnnnnnn!" (lượt bỏ một ngàn chữ N) "Em có dậy ngay không thì bảo? Con gái con đứa gì như vậy hả? Quen biết em bao lâu, bây giờ mới rõ em. Trưa trời trưa trật như vậy rồi còn ngủ, chị đã bảo chị sẽ sang ngay, gõ cửa nãy giờ em cũng không mở. Em quá đáng vừa thôi."

Công nhận giọng chị ấy tốt thật, bị hét trong tình cảnh thế này An Nhiên tỉnh táo hẳn. Cô không tình nguyện ngồi dậy, chưa kịp gấp chăn đã nghe chị Khanh tung một cái tin khiến cô ngã ngồi trên giường.

"Chị đã đăng ký dự thi Hoa hậu cho em. Chen chân mãi tới bây giờ mới có thông tin hồ sơ em được duyệt. Khiếp thiên hạ nhiều người đẹp thật."

"Khoan, chị vừa nói gì? Chị đăng ký dự thi Hoa hậu cho em? Chị vừa nói vậy đúng không?"

"Ờ!"

"Chị giết em rồi."

An Nhiên vò mái tóc chẳng ra hình thù, ngước nhìn chị ấy bằng cặp sương mù do không ngủ đủ: "Chị nhanh đi rút hồ sơ cho em, nhanh làm liền đi. Em không muốn hoa hậu, hoa hòe gì hết. Chương trình học của em nặng lắm, em không có thời gian tham dự mấy cuộc thi thố đó đâu. Hu hu chị đừng hại em mà."

"Chị hại gì em? Em có biết bao nhiêu người muốn chen chân vào nộp hồ sơ không hả? Em có biết để hồ sơ được duyệt phải qua bao nhiêu cửa không hả?" Chị Khanh gào lên.

"Em không cần biết, tóm lại là em không muốn đi thi. Em không có nhu cầu được nổi tiếng. Em xin chị rút lại cho em" An Nhiên vái vái hai tay: "À chị không rút cũng không sao. Em không đi thi là được chứ gì."

"Em nói cái gì mà không đi thi? Em không đi thi là em giết chị đó. Chị dùng uy tín của chị để đăng ký dự thi cho em."

"Chị mà cũng có uy tín à?"

Cốc! Chị Khanh nhào qua gõ ngay lên trán An Nhiên: "Em dám ăn nói như vậy với chị hả?"

An Nhiên xoa trán: "Chị đánh em ác vậy? Chị đăng ký thì đăng ký, không thi thì có ảnh hưởng gì chị đâu?"

"Sao em biết không ảnh hưởng? Công ty thời trang của chị có hợp tác với ban tổ chức trong nhiều sự kiện rồi. Bên chị cũng từng tài trợ trang phục cho nhiều cuộc thi của ban tổ chức nên họ mới cho chị đăng ký mà không qua cửa gì, giờ em nói không thi. Không thi là thế nào? Chị không cần biết, chị sẽ chuẩn bị trang phục cho em, việc của em là đi thi cho chị, tới ngày tới giờ chị sẽ cho thằng Phương tới chở em đi thi, mắc công em trốn." Chị Khanh nói một hơi.

An Nhiên rất muốn phản kháng nhưng đứng trước sự nhiệt tình thành phá hoại của chị Khanh, cô thề là cô không dám mở miệng. Chơi với chị ấy bao lâu, biết tính chị ấy, tốt và vui vẻ thật, nhưng mỗi tội hơi gàn. Chuyện gì chị ấy đã quyết định rồi thì không ai cãi lại được. Nhưng tính nết như vậy chỉ nên áp dụng với nhân viên của chị thì được. Cô có phải là nhân viên đâu hở trời. Cô chỉ cộng tác làm mẫu nghiệp dư cho công ty chị ấy. Khi nào công ty có mẫu trang phụ mới, thiết kế phù hợp, chị ấy sẽ gọi cô thôi mà.

Cô quen chị Khanh rất tình cờ. Năm ấy cuối cấp ba, bạn của cô đang làm nhân viên kết cườm cho công ty chị Khanh. Công ty này có một shop thời trang cao cấp trên con đường sầm uất của trung tâm thành phố. Bạn cô nghỉ học sớm vì nhà bạn ấy không có điều kiện. Nhà cô cũng không có điều kiện nhiều, nhưng truyền thống gia đình cô là hiếu học nên không có chuyện nghỉ ngang. Cô mà bỏ học là chết với ông ngoại ngay lập tức.

Ngày đó, giáo viên bộ môn sinh nghỉ tiết cuối nên cô được về sớm. Mẹ bận với chuyến lưu diễn xa, ở nhà không có ai. Cô bèn tới cửa hàng của bạn chơi.

Cửa hàng đông người nhưng không quen ai ngoài nhỏ Hằng, do đó cô chẳng dám ngó nghiêng. Không ngờ rằng từ lúc cô bước vào chị Khanh đã chú ý tới cô.

Lần đó chị nói bằng con mắt nhà nghề chị cảm thấy cô rất phù hợp với nhiều mẫu thiết kế của chị. Theo lời miêu tả của chị ấy thì cô có nước da trắng, khuôn mặt không phải đẹp sắc sảo mà là kiểu dịu dàng, phúc hậu, pha chút trẻ thơ, nghịch ngầm. Chiều cao thì khỏi phải nói, con gái mà cao 1m72 đúng chuẩn người mẫu.

Từ lúc cô bước vào cửa hàng, chị Khanh đã quan sát cô rất lâu và quyết tâm bằng mọi giá phải giữ cô làm mẫu ảnh cho chị. Cô liên tục từ chối vì biết mẹ và hơn nữa là ông ngoại sẽ không chấp nhận cô làm mẫu ảnh vì lo sợ chuyện thị phi trong nghề.

Mẹ có lẽ dễ thỏa hiệp hơn một chút, vì khi hai mẹ con còn ở nước ngoài, cô đã từng làm mẫu ảnh trang phục rồi. Chương trình dạy học bên đấy năng động nên khuyến khích sinh viên làm thêm và quan hệ xã hội nhiều để rèn luyện kỹ năng cuộc sống.

Do tuổi thơ của cô phải theo mẹ di chuyển từ nước này tới nước khác nên cô sống như học sinh đa quốc gia.

Từ một đến tám tuổi cô sống ở Trung Quốc cùng mẹ. Vì mẹ có hợp đồng biểu diễn và dạy dương cầm với một trường âm nhạc nổi tiếng của Trung Quốc. Cô đã ở Trung Quốc tám năm. Sau đó không hiểu lí do gì mẹ chuyển đến Anh hợp tác với dàn nhạc giao hưởng ở đó. Kết quả là cô ở Anh từ năm đó tới gần 16 tuổi mới quay lại Việt Nam. Nhờ mẹ ép buộc nói tiếng việt ở nhà, nếu không thì cô đã quên tiếng cha mẹ đẻ của mình rồi.

Lúc còn ở Anh, do chi phí đắt đỏ nên ngoài giờ học văn hóa ở trường, cô phải đi làm thêm để phụ mẹ trang trải học phí.

Vì nói được tiếng Trung, cô phụ việc cho một nhà hàng của người Hoa. Tình cờ một hôm có người chuyên chụp hình cho giới người mẫu phát hiện ra cô, ông ấy nói cô ăn ảnh và có khuôn mặt Á Đông nhẹ nhàng nên đã hỏi cô muốn làm mẫu ảnh không? Thế là cô có thêm công việc mẫu ảnh nghiệp dư từ lần đó.

Nói không phải.. nổ chứ cô cũng lăn lộn trong giới người mẫu được vài năm. Đừng thấy chị Khanh bô bô mà nghĩ chị ấy dễ chịu. Trong công việc chị ấy đòi hỏi rất gắt gao, chị có yêu cầu rất cao với người mẫu trang phục của công ty chị.

An Nhiên may mắn vì được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia và siêu mẫu khi cô còn làm mẫu nghiệp dư ở Anh và áp dụng khi làm mẫu trang phục cho chị Khanh.

Chị Khanh rất thích An Nhiên bởi vì tánh tình cô đáng yêu, không xấc láo như các cô người mẫu khác. Chị cũng quý cô bởi vì cô luôn luôn nghiêm túc với công việc mình đang làm. Một khi cô đã nhận chuyện gì cô sẽ tập trung làm cho cho xong, khó khăn cỡ nào cô cũng ít khi than thở hay đòi thêm chi phí.

Đối với An Nhiên, sự nghiêm túc, chân thành, có trước có sau và lòng tử tế là cái đáng quý. Không nên sống mà chỉ biết phần mình, khôn cả phần thiên hạ và không màng cảm xúc của người khác là điều không thể chấp nhận.

An Nhiên cũng quý chị Khanh nhưng chuyện chị tự quyết đăng ký cho cô thi họa hậu thì cô không thích chút nào. Cô cảm thấy bị đặt vào chuyện đã rồi nhưng tánh chị như vậy cô biết phải nói gì bây giờ. Thôi thì kệ chị ấy, cô chỉ có trốn không tham dự là xong.

* * *

Trưa nay An Nhiên mang tâm trạng không thoải mái đến lớp. Vừa bước vào giảng đường Mỹ Anh đã đập một phát vào vai cô. Nhỏ này không bao giờ thay đổi, thích bạo lực thành nghiện. Cô vừa xoa vai vừa cáu:

"Bồ đừng có bạo lực, nói chuyện bình thường không được sao phải động tay động chân?"

"Sao bồ đi trễ quá vậy? Có biết nãy giờ mình phải chiến đấu lắm mới giành được chỗ cho bồ không? Bồ cũng thừa biết tiết của thầy Bình làm gì còn chỗ trống."

"Bởi vậy mình mới cần bồ. Bạn thân để làm gì? Không giành chỗ cho nhau."

"Bồ nói hay quá há, nãy giờ mình cấu xé giành giật như con cờ hó mới được chỗ bàn đầu cho bồ đó."

"Thì mai đi viện học lâm sàng, mình sẽ đền bù cho bồ. Nếu phải đi lấy máu, mình xung phong đi hết cho bồ. Chịu chưa?"

"Chuyện đó tí nói sau, thầy vào rồi kìa."

Giảng đường ồn ào náo nhiệt nhưng khi thầy bước vào, lớp im phăng phắt. Không phải sao, sinh viên y khoa đâu giống các sinh viên trường khác. Ở trường khác các bạn có thể lơ là một buổi không nghe giảng, nhưng với sinh viên y khoa bọn cô không có chuyện thả lỏng một buổi học nào. Các cô phải học cả ngày lẫn đêm.

Đang ở năm thứ tư nên lịch học của cô kín mít. Sáng học lâm sàng ở viện, chiều lên lớp, tối tự học. Đôi khi đêm chỉ chợp mắt được hai ba tiếng đồng hồ. Đùa sao, không tranh thủ đọc sách thì cuối tuần thứ bảy, chủ nhật làm sao đi thi.

Có người nghĩ rằng sinh viên y khoa giỏi, ngưỡng mộ nhưng nào ai biết muốn trụ được cho tới lúc ra trường thì phải có máu điên và cần phải có lòng đam mê thế nào. Trong đầu chỉ có một kim chỉ nam: Học, thi, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương. Phải đọc sách và phải hiểu thật kỹ, phải thuộc lòng các quyển sách dày 200-300 trang, hiểu rõ từng chi tiết. Lúc nào cũng chỉ có học và học, không có khái niệm cho mua sắm, làm đẹp. Bọn cô chỉ có suốt ngày vui đầu vào sách, nhiều khi ăn vội, húp đại bát mì tôm, xong chạy cuống cuồng từ bệnh viện tới lớp.

An Nhiên đang trong giai đoạn năm tư nhiều cái cần phải học. Học trong trường không đủ, phải tự mài mò, nghiên cứu thêm, từ các tài liệu y học trong nước, tới nước ngoài. Nếu ai có kỹ năng ngoại ngữ giỏi sẽ là một lợi thế, có thể đọc và hiểu sâu các sách y học nước ngoài, nó sẽ giúp ít nhiều trong cuộc đời bác sĩ của mỗi người.

Cô ở năm thứ tư, tuy là chưa bằng các anh chị năm thứ năm phải chạy nước rút. Chưa kể ai có có ý định thi nội trú thì phải bắt đầu ôn tập ráo riết để bước vào kỳ thi nội trú và phải học liên tục kéo dài trong ba năm. Thật sự là cam go nhưng với những ai đã bỏ ra công sức và tuổi xuân thì kết quả đạt được xứng đáng cho họ.

Chỉ mới nghĩ sẽ được cấp một lúc ba bằng là An Nhiên thấy hưng phấn. Một bằng là bác sĩ chuyên khoa I, bằng thứ hai là bác sĩ nội trú, và bằng thứ ba là thạc sĩ y khoa. Nói chung để học được y khoa cũng không dễ dàng gì.

Cô may mắn hơn một số bạn vì cô được tiếp xúc tiếng Anh từ rất sớm. Do môi trường sống luôn thay đổi theo mẹ nên không được học cố định tại một trường. Mẹ phải bỏ nhiều chi phí hơn để gửi cô ở các trường quốc tế, có thể nói tiếng Anh giống như ngôn ngữ mẹ đẻ của cô, còn tiếng Việt và tiếng Hoa giống như ngoại ngữ thứ hai và thứ ba.

Hằng ngày, ngoài giờ đi viện để học khám lâm sàng và lên lớp xong rồi tự học, cô còn cố gắng tìm tòi và tự mài mò đọc các sách về y khoa. Thầy nói phải tự thân vận động, không thể phụ thuộc vào các thầy cô. Các thầy cô chỉ là người hướng dẫn khi có điều cô chưa hiểu.

Năm tư, An Nhiên đã học về bệnh học, từ triệu chứng, chẩn đoán sơ bộ phải chỉ định được xét nghiệm, đọc được xét nghiệm và biết về điều trị.

Cô học dựa trên nguyên tắc tự thân vận động. Có thể mọi thứ thực tế không diễn ra đúng như trong sách vở, nên phải tự so sánh, đối chiếu và tự đặt ra câu hỏi tại sao. Thầy khuyên không nên sao chép chẩn đoán trong bệnh án vì không phải bao giờ bác sĩ cũng đúng. Cô phải tự nghiên cứu, tìm tòi các tài liệu y khoa của Schwartz's Surgery, Washington Manual Medical Therapeutics, Harriet Lane Handbook.. Rồi học kỹ năng đọc điện tim, XQ tim phổi, một số thủ thuật chọc dịch màng bụng, ổ bụng, khâu tiểu phẫu vân vân. Tất cả phải được tìm hiểu kỹ càng.

Sang đầu năm thứ năm, vì cô có ý định thi nội trú, nên sẽ bắt đầu xin tài liệu và tự chuẩn bị tài liệu dần dần, xin đề tài tốt nghiệp nữa. Củng cố kiến thức, làm khóa luận, phải học thật trâu bò nếu có ý định thi nội trú.

Nghĩ tới là cô muốn bỏ chạy nhưng vì nhiệt huyết và lý tưởng, theo chân ông ngoại, cậu mợ và thầy Bình, cô sẽ phải cố gắng và cố gắng nhiều hơn. An Nhiên quyết tâm phải thi nội trú nên sang năm tới cô càng phải chuyên cần hơn nữa.

Trên bục, thầy Bình đang giải thích cặn kẽ về chọc dịch màn phổi, cơ bản thầy đang nhắc lại bài cũ để làm nóng không khí. Đã có những cánh tay bắt đầu đưa lên phát biểu ý kiến hoặc đặt câu hỏi.

Quả thật tiết của thầy luôn luôn hào hứng. Toàn giảng đường 250 chỗ, sinh viên ngồi không còn ghế trống. Những cái tay liên tục giơ lên, tiếng bút ghi chú sột soạt, những con ma đêm qua trực đêm mệt rã rời vậy mà giờ chẳng có vẻ gì là thiếu ngủ, họ đang học khí thế như trâu bò.

"Các bạn nghĩ dùng tay khám sơ sơ lên ngực bệnh nhân, khám cho có hình thức thôi à? Khám mà không phát hiện ra trong phổi họ có nước, hay không nghi ngờ được triệu chứng nào? Tôi từng thấy có vài vị cứ tưởng mình hay, khám rất sơ sài và kết luận vội vàng dẫn tới sai lầm nghiêm trọng. Tôi khuyên các bạn nếu chỉ muốn làm bác sĩ để cho vui và lên mặt với người ta thì nên về kiếm con gà mà vỗ ngực nó. Coi chừng nó mổ cho một phát đui mù."

Lớp cười như pháo nổ.

Thầy lại tiếp tục:

"Tôi từng tiếp xúc qua vài vị, vì sao quý vị muốn trở thành bác sĩ. Vì muốn ba mẹ nở mày nở mặt, vì bác sĩ dễ kiếm tiền, vì thấy anh chàng kia làm bác sĩ, được lên xe xuống ngựa. Sai lầm, sai lầm. Bác sĩ là để cứu người, tôi không dùng từ cao siêu như cứu nhân độ thế, vì chúng ta không phải là các Đấng cứu thế các bạn ạ. Nhưng khi chúng ta làm việc gì cũng cần lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Nghề bác sĩ này ngoài lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, chúng ta cũng cần phải có trách nhiệm với bệnh nhân của mình. Người nhà của họ tin tưởng vào chúng ta, chúng ta phải tận lực cứu chữa vì chúng ta lúc đó không phải chỉ cứu mỗi bệnh nhân đó mà còn là giúp cho cả gia đình của họ nữa. Tuy nhiên nói như vậy không phải chúng ta chỉ làm vì lý tưởng. Tôi hỏi các bạn bác sĩ có cần phải ăn không? Cần chứ. Cần tiền không? Rất cần. Vậy có nên vì nó mà bất chấp không? Tất nhiên là không. Khi bạn giỏi thật sự và có đạo đức nghề nghiệp, tự nhiên bạn sẽ kiếm được nhiều tiền bằng công sức mồ hôi bạn bỏ ra, không phải cứ đi đường tắt là thành công. Tôi bảo bạn nếu ai đó muốn đi đường tắt cũng phải nhớ nhìn trước ngó sau, vì những con đường tắt khối kẻ cướp rình mò. Có khi mãi đi đường tắt, vừa đếm tiền, vấp cục đá biết phải làm sao?"

"Thì đứng lên phủi bụi rồi đi tiếp được mà thầy." Tiếng của bạn nào đó từ giảng đường bên cánh phải.

Lớp cười như điên.

Kết thúc giờ giảng của thầy, cô và Mỹ Anh tranh thủ ăn vội ở căn tin rồi hai đứa đèo nhau qua viện A để học lâm sàng.

Nói thật hôm nay cô có chút mệt nên rất muốn chuồn về ngủ. Mắt mở không lên nên khi tới viện cô lờ đờ như gà ngủ gục. Dù vậy cô cũng không dám trốn về, phải theo bác sĩ trực vào phòng khám, sau đó qua khu xét nghiệm phụ việc.

Trong khi đang lấy máu cho một bệnh nhân thì điện thoại di động của cô reo nhưng cô phớt lờ, vậy mà người gọi dường như còn kiên nhẫn hơn cô. An Nhiên dứt khoát không nhìn điện thoại. Cô nhẹ nhàng cầm tay bệnh nhân và tìm ven để lấy máu.

Bệnh nhân hai mươi tám tuổi, bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn ba. Chị ấy trông gầy gò và xanh xao. Cô nhẹ nhàng trấn an và cố gắng giảm cảm giác căng thẳng cho chị.

Khi được học ở viện, chứng kiến nhiều căn bệnh hiểm nghèo, đôi lúc quá nhiều người bệnh nghèo khổ, không có tiền khám, chữa bệnh đành phó mặc cho số trời. Nhưng sau đó do căn bệnh hành hạ đau đớn họ đành phải nhờ tới bác sĩ.

Đôi lúc họ phải bán nhà tranh vách lá kiếm được vài đồng bạc để lặn lội lên thành phố chữa bệnh. Gặp những hoàn cảnh như vậy, sinh viên còn mới ra đời như cô thấy thật mũi lòng.

Nhiều khi thấy họ tội nghiệp rồi nước mắt cô chảy lúc nào không hay. Cô cứ bị các thầy la vì tính quá mềm lòng, hay đau nỗi đau của bệnh nhân. Bác sĩ hướng dẫn bảo cô rằng sau này cô còn gặp nhiều ca còn thảm thương hơn nhưng nếu ai cô cũng mũi lòng thì có mà suốt ngày rơi lệ. Gì thì gì cái đó thuộc về cảm tính, sao cô kiểm soát được mà nói.