Bạn Chung Bệnh Viện

Chương 1



Một tên thần kinh sống ngay trên tầng của tôi.

Từ khi cậu ta chuyển đến tôi chưa từng có một giấc ngủ ngon nào nữa.

Hình như cậu ta không bao giờ ngủ vào giờ mọi người nên đi ngủ.

Mười một giờ đêm, tôi nằm ở trên giường chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, cậu ta lại chơi đàn điện tử.

Một giờ sáng tôi đang ngủ say, không biết cậu ta đang hát bài gì.

Ba giờ sáng tôi bị âm thanh đánh thức, nghe thấy cậu ta đang phát lặp lại một bài hát.

Năm giờ sáng cậu ta nghe một cuộc điện thoại, có vẻ như xảy ra tranh cãi với người kia, đang chửi ầm lên.

Bảy giờ sáng tôi thức dậy đi làm, vẫn có thể nghe thấy tiếng bước chân cậu ta đi tới đi lui ở trên tầng.

Chịu đựng hơn một tuần như vậy, sau khi bị tiếng trống của cậu ta đánh thức lần nữa cuối cùng tôi không chịu nổi, đầu vừa uống thuốc trước khi ngủ lại đau âm ỉ, chỉ thiếu một sợi nữa là đứt dây suy nhược thần kinh.

Liếc nhìn thời gian, đã hai giờ sáng.

Tôi gần như vội vàng mặc áo khoác sau đó lên tầng tìm, càng gần cánh cửa kia tiếng nhạc bên trong truyền ra càng to.

Tôi tiếp tục gõ cửa hai phút âm thanh kia mới dừng, ngay sau đó là tiếng động đi tới, cánh cửa mới chậm rãi mở ra trước mặt tôi.

Cậu ta đứng ngược sáng, nhưng không cản trở việc tôi nhìn rõ gương mặt của cậu ta, trông mới hơn hai mươi tuổi, cắt quả đầu đinh ngắn đến mức sắp dán vào da đầu, mắt cá chết và sắc mặt tái nhợt, bờ môi cũng không hồng hào, giống như tội phạm cải tạo vừa ra tù.

Tóm lại trông rất hung dữ, trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt này lại mặc áo ba lỗ bóng rổ, trong tay vẫn đang cầm dùi trống.

Ấn tượng lập tức tệ hơn.

“Cậu có biết mấy giờ rồi không?” Tôi cau mày hỏi cậu ta, “Cậu thật tưởng là những người khác không cần đi ngủ vào giờ này à?”

“…” Cậu ta không nói lời nào, ánh mắt hung dữ trợn trừng tôi cả buổi.

Tôi càng giận không có chỗ trút, nâng cao âm lượng lên: “Đang hỏi cậu đấy! Điếc à?”

Cậu ta lại im lặng một lúc, hoàn toàn không giống phản ứng người bình thường nên có.

Tôi dần bắt đầu thấp thỏm không yên, hoài nghi lẽ nào người này thật sự không nghe được.

Nếu thật sự không nghe được, vậy tôi… có tính là bắt nạt người khuyết tật không.

Nhưng rõ ràng tôi đã nghe cậu ta hát và gọi điện thoại.

Ngay khi trong lòng tôi bắt đầu rụt rè thì cậu ta cũng mở miệng, tôi hơi khiếp sợ bởi vì chuyện khác hẳn trong tưởng tượng của tôi.

“Xin lỗi…” Giọng cậu ta hơi khàn, như bị giấy ráp mài qua, “Tôi không ngủ được…”

Vốn cho rằng bầu không khí sẽ trở nên giương cung bạt kiếm, không ngờ thái độ nhận sai của cậu ta thành khẩn đến vậy, giọng điệu cũng không hung dữ như dáng vẻ.

Sau này tôi mới biết cậu ta không ngủ được vì rối loạn lưỡng cực[1], đáng ra là tuổi học đại học, nhưng đã nghỉ học trốn ở trong nhà uống thuốc.

Hưng cảm[2] khiến tinh lực của cậu ấy không có chỗ trút ra, mới trở nên như bây giờ.

[1], [2]
    [1] Rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorders – RLLC), hay còn được biết đến với tên gọi bệnh hưng – trầm cảm, là một loại bệnh lý tâm thần khá thường gặp trong xã hội hiện đại. Biểu hiện đặc trưng thường thấy của bệnh là sự thay đổi rõ rệt tâm trạng, cảm xúc, hành vi cũng như năng lực cá nhân. Những thay đổi này diễn tiến theo từng giai đoạn. Khi người mắc RLLC trong trạng thái hưng cảm (mania) biểu hiện quá mức những cảm giác phấn chấn, vui vẻ, hào hứng. Ngược lại, khi người bệnh trong giai đoạn trầm cảm (depression) sẽ rơi vào tình trạng trầm uất, buồn chán, thờ ơ. Bệnh nhân có thể toan hoặc thực hiện tự sát. Tỷ lệ tự sát mắc phải suốt đời ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực được ước tính gấp ít nhất 15 lần so với dân số nói chung.
    [2] Hưng cảm: hay mania là một tâm trạng hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích thích, cáu kỉnh, khuấy động và/hoặc đầy năng lượng. Trong một ngữ cảnh nào đó, nó có nghĩa trái ngược với trầm cảm. Hưng cảm là một triệu chứng để chẩn đoán một số bệnh tâm thần.


Nghĩ đến một tuần này tôi đều đặt điều ác ý về cậu ấy đột nhiên hơi áy náy, nhưng hành vi này của cậu ấy quấy rầy đến việc tôi nghỉ ngơi cũng là sự thật.

Có điều tôi cũng biết, hành vi này không kiểm soát được.

Chuyện lập tức trở nên hơi khó xử lý, nhưng tôi cũng phải sống, lại không thể vì những điều này mà cưỡng ép đuổi người ta đi, làm vậy không có tình người.

Phiền não cả một ngày tôi cũng không nghĩ ra cách giải quyết nào, chỉ có thể thở dài thu dọn đồ đạc chuẩn bị tan làm, tiện thể đi mua đôi nút bịt tai.

Chúng tôi đã trao đổi phương thức liên lạc, thỉnh thoảng cậu ấy sẽ gửi tin nhắn nói cho tôi khi nào không ở nhà.

Nhưng thời gian này ít vô cùng.

“Hôm nay có ở nhà không?” Tôi gửi tin nhắn hỏi cậu ấy và vừa ra khỏi siêu thị.

“Có.” Cậu ấy trả lời rất nhanh.

“Vậy tới nhà tôi ăn lẩu đi, uống được rượu chứ?”

Một lát sau cậu ấy mới trả lời: “Được…”

Tôi cứ cảm thấy hôm nay cậu ấy không giống như phát tác hưng cảm, đang cảm thán không chừng đêm nay có thể ngủ một giấc ngon lành, đâu biết ra khỏi thang máy đã nhìn thấy một tên đầu đinh mặc áo bóng rổ đứng trước cửa nhà mình.

Cậu ấy nghe thấy tiếng động quay đầu lại nhìn tôi, nước mắt lập tức chảy ào ào.

Tối nay tôi vẫn chưa uống thuốc, dây thần kinh sinh ba trong đầu giật thình thịch đau nhói.