Chiều Nay Không Có Mưa Rơi

Chương 40



Thế giới này có rất nhiều những điều kì lạ khiến con người ta không khỏi bất ngờ. Lí thuyết đôi khi lại không đúng như trong sách vở, thực tế vẫn luôn là sự thật chính xác nhất.

Điển hình như việc một cây vải có thể ra hoa kết quả giữa mùa Đông lạnh giá. Điều làm tôi phải lắc đầu mà thốt lên rằng: Đúng là không thể tin nổi.

Một buổi tối tôi trở về nhà muộn. Tiểu Hồ đang ngồi trên ghế cùng con Mập theo dõi một bộ phim về Thế giới động vật. Ở trên bàn là mấy gói đồ ăn vặt, một gói snack khoai tây đang bóc dở.

Hôm nay, Tiểu Hồ đã tự tay chuẩn bị bữa tối đợi tôi cùng ăn. Trứng rán, thịt luộc, canh đậu hũ rong biển. Đó là một trong số ít những món Tiểu Hồ được mẹ tôi dậy, theo như lời kể háo hức của Tiểu Hồ.

Tiểu Hồ mở tủ lạnh và khoe với tôi về món quà cô ấy mới được gửi tặng. Đó là một chùm vải còn xanh lá, quả chín đỏ nâu căng mọng.

"Em đã nói có những cây vải ra quả muộn mà anh không tin. Ai nói mùa Đông thì không thể ăn lệ chi cơ chứ?"

Tôi ồ lên. Rất lâu trước kia, ba Kẹo có trồng một cây vải cạnh nhà. Cây lớn rất nhanh và khoẻ mạnh. Tuổi của cây cũng tương đương với số tuổi của Kẹo. Người trưởng thành, cây cũng trưởng thành. Người bước qua thanh xuân, đi qua thời gian dằng dẵng. Cây im lìm tỏa bóng mát, vươn những cánh tay để mà chở che. Nắng, mưa, giông, bão, cây đứng vững. Xuân, Hạ, Thu, Đông, cây thay lá, nảy mầm. Một phần ba đời người, cây chưa từng một lần nở bông hoa trắng. Mùa Đông năm nay, giữa cái lạnh bủa vây, giữa hạt mưa giăng lối, lần đầu tiên cây biến hoa thành quả. Từng chùm nặng trĩu cứ thi nhau mà xuất hiện. Lấp lánh ánh đỏ trên những nhánh cành khẳng khiu rụng lá.

Mấy này trước, Kẹo nghe được mong muốn của Tiểu Hồ. Cái yêu cầu tưởng chừng vô lý lại biến thành lưỡi dao xé toạc đi quy luật của tự nhiên. Kẹo mang chùm vải chín đến cho Tiểu Hồ, cũng là mang theo lòng tin để Tiểu Hồ mạnh mẽ mà tuyên bố: Lời nói của em không phải là ngu ngốc.

Tiểu Hồ không cho tôi được ăn. Món quà ý nghĩa đó là phần thưởng của riêng mình cô ấy. Tôi tự an ủi mình, cũng may là tôi thích ăn táo hơn ăn vải.

Mấy món ăn Tiểu Hồ nấu cũng rất vừa miệng. Đây mới chính là điều khiến tôi bất ngờ hơn cả, và còn thấy vui trong lòng nữa. Tôi ăn liền một chặp cả hai bát cơm mà vẫn còn thòm thèm. Những người phụ nữ luôn luôn biết cách để lấy lòng và chinh phục một người phụ nữ khác. Tôi có nằm mơ cũng chưa mơ đến phân đoạn Tiểu Hồ tự tay nấu nướng bữa cơm cho tôi.

"Ngày mai mình đi trượt băng đi."

Tiểu Hồ bỗng nhiên hỏi khi tôi đang dọn dẹp rửa bát. Tối nay tôi nhận nhiệm vụ này, gọi là phân chia công việc. Tôi nói:

"Mai anh làm cả ngày rồi."

"Vậy anh về sớm một hôm. Em đã được trượt băng bao giờ đâu."

"Đi sau cũng được mà."

"Em muốn đi luôn ngày mai. Chỗ đó mới mở, để lâu người ta trượt mòn hết băng mất."

"Em khéo nghĩ. Để cuối tuần anh đưa em đi."

"Lại cuối tuần. Em phải đặt tên cho anh thành Cuối Tuần mất thôi. Anh làm em hết hứng thú rồi. Kệ anh. Em đi tắm."

Tôi bật cười nói Tiểu Hồ không được chạy trong nhà như vậy. Nhìn những quả vải tròn vo nằm trên đĩa như đang mời gọi, tôi không cầm được lòng mà ngắt một quả để ăn. Vải trái mùa, nhưng mà đúng là ngọt thật. Tôi đưa một quả cho con Mập cùng thưởng thức. Nó gầm gừ nhìn tôi sủa lên mấy tiếng như muốn thông báo cho Tiểu Hồ: Ở đây có một kẻ đang ăn vụng.

Giờ nghỉ giữa ca, tôi tình cờ bắt gặp Kẹo đang hì hục đẩy chiếc xe máy ở dưới lòng đường. Ánh mắt Kẹo sáng lên khi nhìn thấy vị cứu tinh xuất hiện. Chiếc xe bị trục trặc không thể nổ máy. Tôi thử cố đạp chân mấy lần cũng không có kết quả. Kẹo nói đang trên đường về nhà. Sẵn gần khách sạn, tôi mang xe máy để ở đó rồi lấy xe đưa Kẹo về.

Nhà Kẹo nằm trong khu phố được quy hoạch giống như một bàn cờ caro. Nếu nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy hàng loạt những con đường được cắt vuông góc và song song với nhau. Hai bên đường là hàng cây với tán lá rộng, mùa hè nắng không đến mặt, mùa đông cũng chẳng ướt mưa. Dừng xe trước một ngôi nhà ba tầng sơn màu vàng trắng, tôi khá ngạc nhiên vì nhà Kẹo lại to lớn và khang trang như vậy.

"Anh có muốn vào trong không?"

"Tôi ở xe được rồi."

"Vậy chờ em một lát."

Kẹo mở khóa cánh cổng sắt tiến vào khoảng sân rộng trước nhà. Tôi cũng ra ngoài để hít thở một chút không khí.

Nơi này thật sự lí tưởng cho một cuộc sống gia đình. Không có khói bụi, ồn ào. Xung quanh đều là những căn nhà cao lớn, dường như đây là chỗ tập trung của những người có thu nhập khá giả.

Một quán coffee bên đường thu hút sự chú ý của tôi. Có hai người đang tập trung đánh cờ tướng, một già, một trẻ. Cạnh bên là một ông chú trung tuổi nước da ngăm đen luôn miệng chỉ điểm nhưng đều bị hai người kia gạt ra.

"Uống gì?", ông chú hỏi khi thấy tôi.

"Cho cháu hai cốc nước chanh nóng, một vừa một ngọt."

"Cốc ngọt cho nó chứ gì?"

Ông chú nhe hàm răng ra cười rồi nói:

"Mày là bạn trai nó hả? Lần đầu tiên tao thấy nó đi cùng đàn ông."

Tôi hơi bất ngờ vì cách nói của ông chú nên ậm ừ cho xong chuyện. Ông chú vào quầy làm nước, còn tôi ngồi xuống theo dõi diễn biến trận cờ tướng đang diễn ra.

"Mày cũng biết chơi cờ đấy à?", ông chú nói lớn.

"Cháu biết một chút."

"Một chút thì không ăn thua rồi. Tao tưởng mày có bản lĩnh thì đánh cùng tao mấy ván."

"Cháu sao dám múa rìu qua mắt thợ."

"Mẹ cái thằng lươn lẹo. Tao thấy mấy thằng đẹp trai chỉ toàn giỏi mồm mép. Mày dụ được con kia cũng là vì cái mồm thôi."

Ông chú này nói chuyện đúng chất thô lỗ, kiểu như không quan tâm đến người nghe vậy. Tôi hỏi lại:

"Chú biết cô ấy à?"

"Tao lạ gì. Tao ở đây từ lúc nó còn ở chuồng. Ông già nó vẫn hay qua đây đánh cờ với tao. Cha đó hay, tao với lão một bảy một sáu."

Thành ngữ một chín một mười được ông chú biến tấu đi khiến tôi phải bụm miệng để không cười thành tiếng. Ông chú nói tiếp:

"Lão già đó vẫn còn thua tao mười ngàn chưa trả. Mày trả cho lão luôn đi."

"Sao chú không hỏi cô ấy?"

"Không dám đâu", ông chú kêu lên vẻ sợ hãi, "tao hỏi là nó đấm tao luôn. Mày cẩn thận, nó đấm cả mày đấy."

Tôi bật cười cảm thấy ông chú này rất thú vị. Vốn đang rảnh, tôi liền tiếp chuyện trêu ông ấy:

"Cô ấy chưa đánh cháu bao giờ."

"Mày cứ chờ mà xem", ông chú nói đầy quả quyết, "nó khùng lên là nó đánh. Lần trước gặp nó, tao chỉ hỏi nó là ông già chết chưa, thế mà nó nhặt cành cây đuổi tao. Tao chạy không nhanh là nó đánh tao gẫy giò rồi. Lão già hiền khô mà đẻ ra đứa con gái độc ác như quỷ."

Càng nghe ông chú nói, tôi càng hiểu được vì sao Kẹo lại hung dữ với ông như vậy. Điều này thì chắc bản thân ông cũng không biết.

"Nước chanh của mày đây. Bốn chục hai cốc, mười ngàn của ông già là năm chục. Mày đưa tao tiền lẻ."

Tôi móc trong ví đưa hai tờ hai mươi ngàn và một tờ mười ngàn cho ông. Ông chú bỏ bốn chục vào hộp, còn mười ngàn ông cho trong túi quần. Tôi phần nào đoán được mục đích của ông sau hành động ấy.

"Đi nước đấy là vất", ông chú chỉ tay vào bàn cờ nói với người thanh niên, "mày đi nước cờ ngu như bò. Tấn xe xuống có phải chiếu tướng không?"

"Xuống xe là pháo họ ăn về mất xe chú", tôi nói.

"Mày biết gì. Pháo mà ăn về xe thì pháo mày ăn pháo nó luôn. Một nước kéo mã xuống nữa thì nó chạy đi đâu?"

"Chú đi pháo vậy lộ tướng với xe họ rồi."

"Mày ngu", ông chú bỗng nhiên nắm tay tôi đặt lên con pháo nói, "giờ mày đi như này nhé.."

"Này ông già."

Ông chú bị giọng nói của Kẹo làm cho giật thót, vội vã chạy về nấp sau quầy nước xua xua tay nói với tôi:

"Mày về với nó đi. Đừng cho nó qua đây."

Tôi không nhịn được cười, quay trở lại xe. Tôi đưa cho Kẹo cốc nước chanh pha ngọt. Kẹo nói:

"Anh đừng chấp. Ông già người Miên, ở đây bao năm nhưng vẫn giữ cách nói chuyện bản địa. Với lại ông già cũng không được bình thường cho lắm."

"Ông chú nói sợ cậu đánh."

"Sợ tiêm thì đúng hơn. Trước đây ông già hay nhăn nhở chọc tức em, em cầm cái kim tiêm qua dọa mà ông ấy sợ xanh mặt. Từ đó cứ thấy em là trốn."

Kẹo mang theo hai cái túi nilong trắng, bên trong là vỏ gối, ga giường, khăn rửa mặt và những đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác. Tôi tò mò hỏi thì Kẹo trả lời là lấy giúp người khác. Trên đường đi, Kẹo hỏi tôi về Trần Phong Vũ. Tôi kể lại một vài câu chuyện về cậu ta, nhưng dường như Kẹo không có cảm tình với Trần Phong Vũ cho lắm. Tôi cho rằng Kẹo chưa biết rõ về con người cậu ấy, nếu tiếp xúc nhiều hơn, Kẹo sẽ thấy Trần Phong Vũ thật sự là tốt bụng.

Kẹo nói tôi dừng lại trước một cửa hàng điện máy để mua thêm chiếc quạt sưởi. Kiểm tra một hồi cẩn thận, Kẹo hỏi tôi:

"Cái này được á. Mà anh thấy hai cái này thì cái nào tốt hơn?"

"Giống hệt nhau mà", tôi nói.

"Đâu có. Một cái màu xanh, một cái màu trắng."

"Tôi đang nói đến cấu tạo và hiệu suất."

"Vẫn cần phải để ý vẻ bề ngoài chứ. Em thấy màu xanh này đẹp hơn."

Sau cùng, Kẹo chọn chiếc quạt sưởi màu vàng với lí do màu vàng mang đến sự ấm áp. Tôi ngỏ ý sẽ đưa Kẹo về bệnh viện trước rồi sẽ trở về khách sạn và Kẹo đồng ý.

Chỉ là, sự tình cờ đôi khi trùng hợp chỉ trong khoảnh khắc.

Giây phút tôi mở cửa xe cho Kẹo, cũng là lúc hình ảnh của tôi nằm gọn trong đôi mắt của Tiểu Hồ. Tiểu Hồ lướt qua tôi rất nhanh, nhưng chừng đó cũng đủ để cô ấy nhìn thấy được toàn bộ.