Chuyện Đời Của Gia Gia

Chương 26



Sau cuộc đối thoại không mấy vui vẻ đó, chúng tôi không ai nói với ai câu nào. Tôi thì lo lắng, anh cũng thế. Ai cũng có quan điểm riêng của chính mình, nhưng cũng chỉ vì quan tâm nhau thôi. Ấy vậy mà nhiều lúc lời nói ra không đúng với tâm ý đối phương, lại sinh ra hiểu lầm không đáng có.

Theo thói quen, tới nhà anh vẫn nhắn tin cho tôi báo bình an. Tôi cũng thuận tiện nhắn lại vì chưa bận rộn. Dặn anh uống thuốc và nghỉ ngơi thật tốt.

Mọi thứ như chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi làm việc, chat với Tú, nói chuyện với cậu một số việc như thường ngày. Trời vẫn mưa rất to, con đường trước công ty bị nước dâng lên đến tận mép hè. Thời tiết Sài Gòn kì quái như thế, nắng thì khô đến mức chỉ cần ló mặt ra khỏi nhà là rát buốt như kim châm, còn mưa thì ngập lụt đến gần như cả chiếc xe máy to lớn cũng bị chìm trong nước.

Tối đến thật nhanh, may mắn mưa cũng đã tạnh dần. Con đường trải qua một ngày mưa gió đã được gột sạch bụi bẩn, trời mát mẻ trong lành. Tôi nhẹ bước về hướng nhà xe, xung quanh là tiếng cười đùa của nhóm học viên ca tối. Tôi cũng nhẹ mỉm cười, trong lòng cảm thấy mọi thứ thật bình yên.

Sau ngày hôm ấy, Duy không qua gặp tôi, mặc dù chúng tôi vẫn liên hệ với nhau bằng tin nhắn. Chân anh sau hai tuần mới khỏi hoàn toàn. Tôi cũng không muốn thắc mắc lí do anh không qua, tôi tự bảo mình, mọi thứ hãy cứ để trôi qua tự nhiên. Con người mà, tâm tính luôn thay đổi, cái gì đến thì cứ đến, không cưỡng cầu, cũng chẳng âu lo. Nhưng tôi cũng không ngờ, có lẽ vì câu nói hôm ấy lại trở thành lí do để chúng tôi xa nhau.

Ngày qua ngày cứ thế trôi đi. Sau hơn một năm làm việc tôi nhận ra nhiều thứ không giống như mình từng biết. Hợp đồng làm việc với nhân viên công ty được kí hay không chưa từng được bộ phận nhân sự công ty báo trước. Có những người tới ngày không được kí, hôm sau tự động thôi việc vì lí do "công ty không tái kí hợp đồng". Hoặc có vài người, làm cho công ty đến vài năm nhưng vẫn giữ một mức lương, chẳng hề thay đổi.

Tôi là người ở dạng thứ hai. Mặc dù tôi là người được công ty tái kí hợp đồng, cũng được công ty tỏ thái độ giữ người, nhưng lương vẫn không tăng, chế độ vẫn giữ mức như cũ. Hình như công ty nào lúc phỏng vấn cũng nói rất tốt nhưng rồi làm đi mới nhận thấy, có những thứ không nên tin một cách mù quáng.

Sau một thời gian đắn đo, tôi quyết định nghỉ việc. Mức lương tôi mong muốn cao hơn nhiều so với những gì tôi nhận được tại công ty này. Một đứa nhà quê như tôi, bương chải ở thành phố Sài Gòn đầy cạm bẫy chỉ vì đồng lương mỗi tháng, nhưng nếu công ty ấy không cho tôi được thứ tôi cần thì tôi phải cố gắng để thay đổi thôi.

Nhận được tin tôi thôi việc, các học viên đều la hét hỏi tại sao, tôi chỉ mỉm cười nói tôi lấy chồng. Cả đám đồng thanh nói tôi lừa người. Tôi chỉ im lặng tạm biệt tụi nó. Bỏ qua hết những khó khăn trong công việc, tôi thầm nhủ với chính mình, đây có lẽ là nơi khiến tôi lưu luyến nhất. Bởi sự thân thiết của những đứa trẻ lớn tướng này, bởi những lần vui chơi không vụ lợi, cũng bởi từ nơi này, tôi tìm ra một vài tình cảm gắn bó mà tôi nghĩ khó có thể quên.

Trước khi thôi việc, tôi đã tìm được một công việc mới ở trường dạy đầu bếp. Công việc tương tự như trường Aptech. Tuy nhiên lương và chế độ gần như cao gấp đôi. Nhưng khi bắt đầu đi làm ngày đầu tiên, tôi vỡ òa cảm giác mất mát. Đi làm không có máy tính công ty chuẩn bị cho riêng tôi như đã hứa ban đầu, văn phòng chật chội không có chỗ ngồi, mùi dầu mỡ và các tạp vị hỗn độn làm tôi thấy sợ hãi. Tôi nghĩ nếu tôi làm mãi ở đây và với môi trường như thế này cho đến sau này, chắc tôi điên mất. Thế là tôi vội trốn sau một buổi sáng vật lộn với đống tư liệu mà người hướng dẫn đã quăng cho tôi.

Bỏ đi nơi ấy, gần như suốt một tháng tôi lâm vào tình trạng thất nghiệp. Nếu ai đã từng trải qua rồi mới thấy. Tiền không có, cơm cũng chẳng dám ăn. Thời gian ấy, tôi như ngồi đống than đỏ lửa. Đi phỏng vấn, có công ty từ chối thẳng, có công ty phỏng vấn hai ba vòng, hi vọng rồi thất vọng. Lặp đi lặp lại. Gần một tháng thấp thỏm và chờ đợi công việc, tôi có giác như mình rơi vào cái lò, bị đốt nóng đến không thể thở nỗi. Cũng may mắn là trong suốt thời gian ấy, Duy và Tú đều bên cạnh, chia sẻ khó khăn, đưa tôi đi giải buồn, nhiều khi rảnh Duy sẽ đưa tôi đi phỏng vấn. Mặc dù tính khí tôi không được tốt, rất dễ nóng nảy, nhưng cả hai đều chịu đựng để làm tôi vui vẻ. Nhớ lại khoảng thời gian này, tôi đều thầm thì hai tiếng cảm ơn.

Rồi cũng đến ngày tôi tìm được việc làm trong một công ty dược phẩm. Cảnh thất nghiệp đeo bám khiến tôi chấp nhận một công việc ở công ty thật xa chỗ làm, quãng đường gần một giờ đồng hồ đi lại. Tôi nghĩ rồi sẽ tìm phòng ở gần đó nếu công việc làm cho mình cảm thấy vừa lòng. Giống như chị tôi từng nói, người ta có nhà, họ sẽ chấp nhận một nơi làm việc xa. Hết một ngày làm việc mệt mỏi, họ sẽ lại về, có người nấu sẵn cơm, có người chờ đợi sự quây quần bên nhau mỗi tối. Còn những người tha hương như chúng tôi, chỉ được cố định một khoảng thời gian nào đó nếu công việc mình lựa chọn có thể nuôi sống được mình. ngôn tình hài

Ngày đi phỏng vấn, Duy đưa tôi đi. Anh gần như bỏ thời gian của mình ra rất nhiều để hi vọng tôi có một công việc tốt. Khi biết tôi đậu sau cuộc phỏng vấn này, anh vừa vui mừng cùng tôi lại vừa bồn chồn lo lắng. Tôi cũng không hiểu anh bị làm sao. Tôi nhận ra được điều gì ở anh là ngay tại buổi tối hôm ấy.

Buổi tối đó, ba chúng tôi ngồi lại với nhau để chúc mừng cho công việc mới của tôi. Trong buổi gặp mặt này, Tú và Duy đều không cho tôi tự lái xe đi làm. Trước khi kiếm được phòng trọ gần nơi ấy, thì Duy sẽ đưa tôi đi và đón tôi về. Họ cho rằng đường đi của tôi chủ yếu là quốc lộ, đây là đoạn đường nhiều xe tải và xe liên tỉnh, hai người sợ tôi xảy ra chuyện. Hai người kiên quyết thống nhất như thế mặc sự phản đối kịch liệt của tôi. Cuối cùng, hai thắng một, tôi thua.