Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 183: Bánh trôi



Đào thị thuận lợi sinh con, Nhị Bảo kiểm tra xong cũng nói không có gì cần lo lắng.

Hắn cũng chỉ kê chút thuốc bồi bổ nên mọi người mới an lòng.

Đào thị mệt quá nên chỉ nhìn thoáng qua đứa nhỏ đỏ hỏn nhăn nheo sau đó ngủ luôn.

Ân Tu Trúc thấy Đào thị ngủ say mới đứng dậy ra ngoài cảm tạ bà mụ trấn trên và Trần thị cùng thôn, còn có Đại Tần thị và đương nhiên là cả Lý thị cùng Lưu thị.

Lưu thị mừng vì có cháu ngoại, con gái cũng bình an thế nên lập tức thu dọn quà để con rể đưa cho bà đỡ.

Nhà Ân Tu Trúc không nuôi gà, vì thế không thể đưa một rổ trứng gà làm tạ lễ như nhà bình thường.

Hắn móc bạc đã chuẩn bị trước ra để đáp tạ hai bà đỡ cùng Đại Tần thị.

Bà mụ hắn mời từ trấn trên thì cười tủm tỉm nhận tiền sau đó lại nói lời chúc mừng.

Còn Trần thị và Đại Tần thị thì từ chối, nói là mình chỉ tới hỗ trợ, không cần đưa tiền.

Đặc biệt là Trần thị, bình thường trong thôn có nhà nào mời bà tới đỡ đẻ cũng chỉ đưa một rổ trứng gà làm quà cảm ơn, đây là lần đầu tiên nhận tiền vì thế bà nhất quyết không nhận, chỉ nói lời chúc mừng sau đó cáo từ.

Bà mụ ở trấn trên cũng cáo từ, Ân Tu Trúc nhìn nhìn sắc trời và cũng không cố giữ họ ở lại nữa.

Tự hắn tiễn bà đỡ tới cửa thôn, lại nói cảm ơn mãi và dặn bà ấy đi đường cẩn thận.

Lần này bà đỡ phải đi rất xa nhưng thu hoạch không tệ, nghĩ tới tiền cất trong ngực áo là lòng bà lại vui vẻ: “Xin yên tâm! Ta cáo từ ở đây thôi!”

Ân Tu Trúc trở lại sườn núi thì thấy trong chính phòng đứng toàn là người.

Cả nhà Đào Tam gia, ngoài hai cô cháu dâu đang có thai thì mọi người đều tới Ân gia.

Lý thị đang ôm đứa nhỏ được bọc chăn như cái kén mà trêu chọc hắn, Lưu thị và Đại Tần thị đứng ở một bên nhìn hắn với ánh mắt dịu dàng.

Ân Tu Trúc lại tới phòng ngủ ở phía đông nhìn nhìn Đào thị.

Sau khi kiểm tra cửa sổ, lại dém chăn cho vợ hắn mới nhẹ nhàng ra cửa đi tới chính phòng.

Nói thật, từ khi con trai ra đời hắn cũng chưa tinh tế nhìn ngắm đứa nhỏ mà vẫn luôn quan tâm Đào thị.

Lúc vào phòng hắn đi thẳng tới chỗ vợ luôn, sau đó lại vội vã cảm tạ bà đỡ, sau khi bận rộn xong hắn chỉ nhớ rõ con hắn như con khỉ con hở mỗi cái mặt khỏi đống chăn tã.

Lúc này con khỉ con đang nhắm mắt ngủ ngon lành, cái mặt nhỏ phấn nộn lộ ra khỏi chăn.

Thoạt nhìn hắn cực kỳ ngoan ngoãn.

Đây là đứa nhỏ đầu tiên thuộc hàng chắt thế nên ánh mắt của cả nhà Đào Tam gia nhìn hắn đều mang theo yêu thương và che chở.

(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Đặc biệt là Đào Tam gia.

Ông duỗi tay muốn chạm vào khuôn mặt đứa nhỏ nhưng lại ngừng và nhìn nhìn ngón tay tràn đầy vết chai và khe rãnh của mình sau đó thở dài: “Nhìn cái tay ta này, có khác gì vỏ cây không?! Không thể sờ vào làm chắt trai của ta khóc được!”

Lý thị cười nói: “Cũng may ông còn tự mình biết lấy!” Nói xong bà đưa cái kén trong ngực mình cho chồng và nói: “Bé ngoan, cho cụ ngoại ôm một cái nào!”

Đều nói cách thế hệ sẽ thân thiết, hiện tại Đào Tam gia ôm đứa nhỏ cách hai thế hệ nên trong lòng cảm khái cực kỳ.

Trong ngực ông chính là hy vọng được truyền thừa, là quả của cây đào nào đó trải qua năm tháng kết ra.

Hắn sẽ trưởng thành, sẽ nở hoa rồi kết quả, cứ thế di truyền sinh mệnh này xuống muôn vàn đời sau.

Lý thị nhìn Đào Tam gia hơi ngây người thì duỗi tay đón lấy cái kén sau đó cười nói: “Thôi để ta ôm, bộ dạng ông thất thần thế kia lỡ đánh ngã đứa nhỏ thì sao!”

Đào Tam gia cũng cười: “Ta có thể đánh ngã mình chứ sao đánh ngã chắt trai của ta được!”

Lý thị trợn trắng mắt: “Cái gì mà chắt trai, nhớ rõ thêm chữ ngoại vào, đừng để Tu Trúc nghe được sẽ có ý kiến!”

Ân Tu Trúc vội vàng tiến lên cười nói: “Bà nội nghĩ nhiều rồi!”

Lý thị đưa cái kén nhỏ trong tay cho Ân Tu Trúc và cười nói: “Đứa nhỏ nhà họ Ân thì cũng nên để người nhà họ Ân ôm một cái!”

Ân Tu Trúc máy móc cong tay ôm lấy đứa nhỏ trong tã lót nhưng thấy nhẹ hều, hắn chỉ thấy tay mình chạm vào một đống mềm nhũn như bông.

Đại Tần thị còn chưa đi, lúc này bà ấy đứng bên cạnh cười nói: “Nữu Nữu đúng là đứa nhỏ có phúc, thành thân chưa tới một năm đã có con trai.”

Lý thị và Lưu thị cũng vui mừng, Lưu thị còn cảm thán: “Đúng vậy, người làm mẹ như ta cũng yên tâm!”

Đại Tần thị nhớ tới đêm Đào thị động phòng thế là cười: “Vào lúc động phòng năm trước ta đút bánh trôi sống cho nàng hỏi sinh hay không sinh thế mà đứa nhỏ này chỉ biết ăn, một cái từ ”sinh” cũng không chịu nói.

Lúc đút tới cái thứ hai ta phải nói thầm nhắc nhở thế nhưng nàng lại nói ‘sinh bánh trôi’ khiến mọi người nghe cười bò ra.”

Lý thị và Lưu thị đã sớm nghe nói tới việc này, đây chính là đề tài nóng hổi trong thôn lúc ấy vì thế Lý thị cười nói: “Đứa nhỏ này nó cứ thiếu thiếu một cây gân như vậy đó!”

Đại Tần thị không cho là đúng: “Cái gì mà thiếu cây gân? Ta thấy Nữu Nữu là người hiểu rõ cực kỳ, nói ”sinh” hay không cũng kém cái bọc tã lót mọi người đang ôm trong lòng kia kìa!”

Lý thị đồng tình: “Đúng quá rồi! Nữu Nữu nhà ta tên là Đào Tử đó, lúc trước lão nhân lấy cái tên này cho nàng chính là muốn nhiều con nhiều phúc!”

Đào Tam gia tức khắc cảm thấy lâng lâng.

Ông vẫn luôn đắc ý với cái tên Đào Tử này, nhưng cháu gái lớn lên lại không thích, tình nguyện bị gọi là Nữu Nữu cũng không muốn bị gọi là Đào Tử.

Tam Bảo đúng là cái đồ phá đám, lúc này hắn lại nhảy ra nói: “Bà nội, nhiều con nhiều cháu thì phải lấy tên là thạch lựu hay quả nho chứ, liên quan gì tới quả đào!”

Đào Tam gia trừng mắt nhìn Tam Bảo, Lý thị cũng thế, thậm chí bà còn lẩm bẩm: “Chuyện của mình còn chưa lo xong kia kìa! Có thời gian rảnh rỗi thì đi gặp nhị ca con mà khám xem thế nào!”

Tam Bảo lập tức héo.

Nhị Bảo cười nói: “Bà nội yên tâm đi, cháu sẽ mang Tam Bảo về y quán rồi khám xem thế nào!” Sau đó hắn quay qua nói với Ân Tu Trúc: “Ta trở về bốc thuốc rồi sẽ mang tới đây!”

Ân Tu Trúc gật đầu thế là Nhị Bảo lôi kéo Tam Bảo ra khỏi nhà.

Lưu thị thấy con rể lóng ngóng ôm đứa nhỏ thì tiến lên đón lấy bọc tã và hỏi: “Đã nghĩ được tên cho hắn chưa?”

Ân Tu Trúc gật đầu cười nói: “Nữu Nữu đã sớm lấy nhũ danh cho đứa nhỏ rồi!”

Đào Tam gia vội vàng hỏi: “Tên gì thế?” Nói thật ông muốn ôm việc đặt tên cho chắt ngoại nhưng rốt cuộc đây không phải chắt nội vì thế ông cũng không dám lên tiếng.

Ân Tu Trúc cười nói: “Mới vừa rồi không phải Ngũ nãi nãi đã nói rồi ư? Lúc Nháo Động Phòng Nữu Nữu nói một câu ‘sinh bánh trôi’ vì thế đây chính là Bánh Trôi!”

Lý thị vỗ tay: “Hay! Tên này rất hay! Nhìn da thịt mềm mịn, bộ dạng tròn vo này đi, là cái bánh trôi chứ gì!”

Tiểu Ngọc Nhi cũng vỗ tay khen hay, sau đó vội vã chạy ra ngoài nói là về bẩm báo cho hai cô chị dâu.

Ngũ Bảo không phục: “Bà nội, đứa nhỏ này rõ ràng hồng hồng, có chỗ nào giống bánh trôi đâu!”

Lý thị cười: “Đứa nhỏ mới sinh mỗi ngày một khác, qua hai ngày nữa là hắn sẽ trắng ra ngay thôi!”

Tứ Bảo sờ đầu Ngũ Bảo và cười nói: “Ngũ Bảo, khi đệ còn nhỏ cũng như vậy, hồng hồng như con khỉ con! Còn bây giờ chẳng phải đệ cũng môi hồng răng trắng à?!”

Ngũ Bảo hừ hừ: “Đệ mới không cần môi hồng răng trắng, đệ muốn lớn lên cũng ngăm đen như tứ ca cơ!”

Tứ Bảo cực kỳ vừa lòng với màu da của bản thân, bởi vì đây là màu da của người lao động chính, so với tiểu mạch còn thâm hơn nhưng không phải đen.

Vì thế lúc này hắn đắc ý nói: “Da của tứ ca là do phơi nắng lúc làm việc mà có, đệ theo ta xuống ruộng nhiều một chút là sẽ có màu da này.”

Đào Tam gia vừa nghe Tứ Bảo khuyến khích Ngũ Bảo xuống ruộng làm việc đã vội vàng nói: “Trong nhà không thiếu Ngũ Bảo, vẫn nên để hắn đọc sách cho tốt đi! Mấy đứa không phải người có thiên phú học tập nhưng ông thấy Ngũ Bảo không tệ lắm.

Nếu hắn mà thi đỗ tú tài thì sẽ là người đầu tiên của Đào gia thôn đạt được vinh dự ấy! Khi đó chắc phần mộ tổ tiên nhà chúng ta cũng phải bốc khói nhẹ ấy chứ!”

Tứ Bảo cười hê hê sau đó lôi kéo Ngũ Bảo nói: “Ngũ Bảo, tứ ca nói với đệ nhé, lúc trước ông nội nói là ‘không cầu các con gia quan tiến tước, chỉ mong các con hiểu lý lẽ, biết tiến thối’.

Thế nên cái gì mà thi tú tài đều không sao, cũng không cần áp lực, ông chỉ nói nói thế thôi!”

Đào Tam gia tức thổi râu sau đó trừng mắt mắng: “Làm gì có đứa nào làm anh mà không có chí tiến thủ như con thế hả!”

Tứ Bảo quay đầu cười nói: “Ông nội, cháu làm anh nông dân là vui rồi!” Nói xong hắn chào hỏi Ân Tu Trúc rồi dắt Ngũ Bảo đi về.

Đào Tam gia thấy đám cháu đều đi rồi thì cũng dặn dò vài câu sau đó xuống núi.

Lưu thị còn phải ở lại chăm sóc Đào thị ở cữ vì thế Lý thị, Trương thị và Đại Tần thị thu dọn xong cũng đi về trước.

Chỉ chốc lát sau Lý thị mang theo ba rổ trứng gà ra ngoài, một là cho Đào thị ăn lúc ở cữ, hai cái kia là để cảm tạ Trần thị và Đại Tần thị.

Ân Tu Trúc và Tam Bảo cùng nhau mang theo trứng gà tới nhà Trần thị và Đại Tần thị tặng quà cảm ơn.

Trần thị thì có nhận nhưng Đại Tần thị thì nhất quyết không lấy.

Bà nói mình chẳng giúp được gì, sao có thể nhận trứng gà.

Thái độ của bà kiên quyết thế nên Ân Tu Trúc và Tam Bảo đành phải mang trứng về.

Lý thị cười nói: “Đều là láng giềng, không cần quá so đo, về sau ắt còn nhiều cơ hội báo đáp!”.