Đầu Gấu Của Lòng Em

Chương 70: Hoa xương rồng nở giữa sa mạc (1)



Hai hôm sau, Khưu Dĩnh Ninh và Mộc Tịnh Kỳ có hẹn đến buổi họp lớp năm cấp ba. Mới gần bốn năm trôi qua, người đã kết hôn, người đã có con biết đi chập chững.

Nhưng sau tất cả, điều mọi người để tâm nhất chính là chuyện Khưu Dĩnh Ninh và Mộc Tịnh Kỳ vẫn ở bên nhau. Bởi trong lớp còn có nhiều cặp khác hẹn hò nhưng hầu như đều đã chia tay quen người mới.

Tình yêu tuổi mười bảy dễ vỡ vụn, nhưng suốt những năm tháng yêu đương, giữa Khưu Dĩnh Ninh và Mộc Tịnh Kỳ chưa từng có một trận cãi vã hay nhắc đến hai chữ chia tay.

Tính tình Khưu Dĩnh Ninh có thể cục súc hay khó ở, riêng đối với Mộc Tịnh Kỳ lại luôn nhường nhịn, bao dung. Vì cô gái hiểu chuyện chưa từng một lời than vãn ở bên cạnh anh trước kia và hiện tại, trong tim cô có những vết sẹo không lành. Nếu ngay cả anh cũng làm tổn thương cô, thì nói ngàn lần từ “hối hận” cũng sợ rằng không kịp nữa.

Thêm một cái Tết ấm áp bình yên trôi qua nhưng niềm vui lại kéo dài chẳng được bao lâu. Sáng mùng bốn Tết, mẹ Mộc gọi điện cho mẹ Khưu nhờ bà chuyển lời lại với Mộc Tịnh Kỳ về nhà nội bởi bà nội Mộc vừa mất.

Sự thật khó phủ nhận, không chỉ mối quan hệ với cha mẹ, mà ngay cả mối quan hệ với hai bên nội, ngoại của Mộc Tịnh Kỳ đều không tốt. Nếu nhà ngoại không chấp nhận vì mẹ Mộc cãi lời theo cha Mộc thì nhà nội lại ghét bỏ vì Mộc Tịnh Kỳ, đơn giản vì cô không phải là con trai nối dõi.

Chính vì người trong nhà, chảy cùng dòng máu lại luôn mâu thuẫn, không nhìn mặt tức giận lẫn nhau, người lớn lại xem Mộc Tịnh Kỳ là gốc rễ mà trút giận. Và cũng vì đã quen với việc bị người nhà xua đuổi, khi Mộc Tịnh Kỳ nhận được tình yêu thương của cha mẹ Khưu lại sợ hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ.

Nếu nói Mộc Tịnh Kỳ đau lòng khi nghĩ về ruột thịt thì điều đó trong lòng cô đã sớm nguội lạnh. Thứ tồn tại rõ nhất trong tâm trí cô chính là những đòn roi của cha Mộc, tiếng oán trách than thân trách phận của mẹ Mộc, tiếng chì chiết khinh thường của bà nội và cô chú.

Lần đầu Khưu Dĩnh Ninh và Mộc Tịnh Kỳ nói chuyện với nhau, anh đã hỏi: “Tại sao bị họ đánh mắng, cậu lại không phản kháng hay cầu cứu?”

Đáp án của Mộc Tịnh Kỳ rất đơn thuần, lại khắc sâu khó quên: “Vì nếu xảy ra chuyện, họ có người khác đến giúp, còn mình chỉ có một người cần, là cô độc.”

So với mẹ Khưu cùng là phái nữ nhưng có lẽ bà không thể hiểu được Mộc Tịnh Kỳ hơn Khưu Dĩnh Ninh, anh không chỉ hiểu được nỗi đau chôn giấu trong lòng cô, mà anh còn hiểu được định nghĩa hạnh phúc trong tim cô.

Không để Mộc Tịnh Kỳ phải một mình đối mặt với quá khứ chất chứa đau đớn, Khưu Dĩnh Ninh quyết định theo cô về nhà nội dự đám tang.

Sau nhiều năm không gặp, không chỉ cha mẹ Mộc mà những người họ hàng đều dùng ánh mắt ngạc nhiên nhìn về phía Mộc Tịnh Kỳ, thiện cảm thì ít nhưng ác cảm lại vô cùng nhiều.

Ghét người hơn mình, xem thường người thua mình, đây dường như đã trở thành “đức tính đặc trưng” của nhà họ Mộc, may mắn Mộc Tịnh Kỳ là ngoại lệ duy nhất không giống bọn họ.

Bên nội Mộc Tịnh Kỳ còn có hai người cháu trai của cô chú, đứa lớn hai mươi tuổi quậy phá ham chơi, đứa nhỏ mười lăm, mười sáu tuổi thì hỗn láo xấc xược. Bộ dáng cả đứa cháu trai này của bà nội Mộc như lưu manh đầu đường xó chợ, trước mặt người lớn và khách đến viếng tang còn thản nhiên khạc nhổ vung tục.

Thế nên, sự xuất hiện của Mộc Tịnh Kỳ xem như là sự vớt vát lại cuối cùng cho gia đình, có người còn không ngại miệng gọi bà nội Mộc sống dậy xem cho rõ đâu mới là đứa cháu nên yêu thương bảo bọc.

Ông nội Mộc Tịnh Kỳ mất từ sớm, trong nhà chỉ còn tầm năm bảy người và vài người hàng xóm thường xuyên qua lại đến viếng tang bà nội Mộc.

Bầu không khí chung không hề có cảm giác tang thương hay ảm đạm, ngược lại còn bị biến thành cuộc gặp mặt để tỏ vẻ ta đây của những người trong nhà họ Mộc.1

Người cô ruột của Mộc Tịnh Kỳ ngoài bốn mươi nhưng ăn mặc lại sặc sỡ trong đám tang mẹ ruột. Cô ta vừa thấy Mộc Tịnh Kỳ đã liếc háy, còn cố tình lớn tiếng nói với cha Mộc đứng bên cạnh quan tài với mặt mũi kham khổ hốc hác.

“Anh hai, anh coi anh có phước không, vợ con anh vớ được đại gia, thiếu gia, ăn sung mặc sướng lại bỏ anh phải chạy về đây ăn bám mẹ.”

Cha Mộc lườm ngoắc qua, giọng nói như đang cố đè nén cơn phẫn nộ dâng trào: “Cô im miệng không ai nói cô câm đâu!”

Có lẽ vì hổ thẹn, thái độ cha Mộc trở nên kích động khi bị người khác nhắc đến. Ngày trước ông ấy bên ngoài phong lưu, cặp kè vung tiền cho các cô gái xinh đẹp trẻ tuổi, thậm chí còn đổ tiền vào cờ bạc. Kết quả của cuộc sống khốn khổ hiện tại đều là trái đắng do chính ông ấy tự tay gieo trồng.

Bị mắng, người cô ruột đó của Mộc Tịnh Kỳ bĩu môi khinh thường, cô ta không thèm nói nữa thì thằng con mười lăm, mười sáu tuổi của cô ta liền chen miệng vào: “Mẹ con nói đúng mà cậu, Tịnh Kỳ là con cậu, cậu kêu Tịnh Kỳ báo hiếu đi.”

Bỏ ngoài tai mọi lời xỉa xói, Mộc Tịnh Kỳ trước sau vẫn điềm thản, không để lộ ra mặt bất kỳ cảm xúc nào, cô bước đến trước quan tài thắp nhang cho bà nội Mộc.

Thắp nhang xong, Mộc Tịnh Kỳ mới cất bước đến phía đối diện cô ruột, từ tốn cất tiếng hỏi: “Cô đã từng hỏi anh cô, ông ấy đã từng xem mẹ tôi là vợ, đã từng coi tôi là con chưa? Còn con trai của cô, cậu ta có báo hiếu cho cô được ngày nào chưa, lại bảo tôi phải báo hiếu cho kẻ vùi dập tuổi thơ của tôi?”

“Mày...”

Cô ta giận dữ trợn mắt nghiến răng, Mộc Tịnh Kỳ không để ý đến mà xoay đầu nhìn cha Mộc cúi thấp đầu xấu hổ.

Mộc Tịnh Kỳ khẽ cười nhạt, lướt mắt qua từng người trong nhà nội, nhẹ nhàng nắm thóp: “Tôi chưa từng được thừa nhận là con cháu nhà họ Mộc, người chung máu mủ cũng bỏ mặc sống chết tôi bên ngoài. Thế nên, tôi sống tốt hay tệ, không đến lượt các người đánh giá.”

Ngay lập tức, đứa em họ hai mươi tuổi còn lại của Mộc Tịnh Kỳ liền lớn giọng hỏi: “Ê Mộc Tịnh Kỳ, bây giờ có tiền rồi không nhận người nhà nữa à? Sống vô ơn như chị còn về đây ra oai cho ai xem?”

Không đợi Mộc Tịnh Kỳ đáp, Khưu Dĩnh Ninh đã bước lên ôm vai cô bảo vệ trong vòng tay mình. Anh tỏ ra khinh thường, lên tiếng trả lời thay: “Đương nhiên là để ra oai cho những kẻ có mắt trở thành những kẻ không có mắt.”