Duyên Số

Chương 22: Ngoại truyện 2



Về đến phủ, cha cậu liền gọi cậu đến sân sau. Cậu còn đang tò mò không biết cha gọi có việc gì, ra đến sân sau thì đám người làm đang đứng thành hàng giữa sân. Thấy cậu, cha cậu liền nói:

“ Con vừa đi ra ngoài?”

“ Dạ…đúng rồi ạ.”

Người cha xoa trán tỏ vẻ ngán ngẩm liền nói:

“ Hai thằng hầu còn không ngăn được con, ta mới tuyển thêm người, ta thấy người này được việc nên sẽ chuyển đến bên cạnh con. Con hãy nghiêm túc lại đi, ta không muốn phải nhiều lời với con đâu. Con cũng lớn rồi, tập trung mà học tập, sau này còn tiếp quản xưởng vải của ta nữa.”

“ Thưa cha, con biết rồi ạ, nhưng người thì con không cần đâu ạ.”

“ Không cần cãi, ta đưa người đến rồi. Con về phòng là sẽ thấy. Cố gắng mà làm quen.”

“ Vâng.”

Cậu giận dỗi bỏ về phòng. Cậu khó khăn lắm mới trốn được hai người kia, giờ có thêm người nữa thì sao cậu ra ngoài được. Men theo đường gạch đỏ dẫn đến phòng cậu, hai bên là cây cỏ nở xanh tươi. Căn nhà này rộng lớn nhưng với cậu, nó cũng chỉ như nhà giam đối với một cậu thiếu niên hai mươi còn đang tuổi ham chơi vậy. Bước vào phòng, vừa mở cửa ra, cậu đã thấy tên hầu quỳ trước mặt mình, đầu cúi xuống. Thấy vậy, cậu liền đỡ dậy, nói:

“ Không cần làm vậy đâu, đây là chỗ của tôi chứ không phải của cha, anh cứ cư xử bình thường đi.”

“ Không được đâu ạ, dù sao cũng là thân người hầu…” Anh ta vừa nói, vừa ngẩng đầu lên.

“ Là…là anh?”

Cậu vội quay người lại, bảo hai người còn lại ra ngoài trông rồi đóng của lại.

“ May quá, đúng là anh với tôi có duyên mà. Tôi còn quên mất không hỏi tên anh, cũng chưa tạ ơn nữa.”

“ Cậu hai, giờ tôi đã là người của cậu rồi, đó là phước của tôi. Cậu đừng đối xử với tôi như vậy, ông chủ mà biết thì…”

“ Ây tôi hiểu mà, nhưng đây là phòng của tôi, không ai ra vào được đâu nên anh đừng lo. Dù sao tôi ở đây cũng cô đơn lắm, giờ có anh nên cũng thấy vui hơn. Anh cư xử với tôi như bình thường nhé? Nói cách khác thì…giống như làm bạn vậy.”

“ Liệu có ổn không ạ?”

“ Không sao đâu, tôi cũng không có bạn nên chán lắm.”

Thấy người kia còn bối rối, cậu liền nói:

“ Bỏ qua chuyện đó đi, tôi có thể hỏi anh tên gì không?”

“ Tôi tên Duy, năm nay hai mươi ba tuổi ạ.”

“ Còn tôi là Nam, năm nay mới hai hai thôi. Vậy nên anh đừng dùng kính ngữ với tôi nhé.”

“ Được rồi, tôi sẽ cố gắng cư xử tự nhiên nhất, nhưng cậu hãy cho tôi chút thời gian nhé.”

“ Vâng, à mà nhà anh ở đâu vậy? Nhà anh có mấy người? Anh thích làm gì nhất? Anh…”

“ Cậu hỏi dồn dập quá tôi không biết trả lời từ đâu nữa. Tôi…không có gia đình. Từ nhỏ tôi đã bôn ba khắp nơi, không ai dẫn lối tôi cả. Tôi chỉ biết bản thân xuất phát từ một phiên chợ nhỏ phía Nam.”

“ Tôi xin lỗi khi để anh nhắc lại chuyện buồn. Nhưng anh dũng cảm thật, còn nhỏ mà anh không sợ gì cả. Nếu tôi là anh chắc tôi không chịu nổi đâu, khi nhỏ tôi vô tình bị lạc cũng đủ thấy sợ rồi.”

“ Tuỳ người thôi mà. Nhưng ai bảo tôi không sợ, tôi sợ chứ. Nhưng thứ tôi sợ là bản thân phải một mình, không có ai để trò chuyện. Nhưng sau này tôi không sợ nữa, vì những lúc cô đơn, tôi thường hát và đánh đàn. Giờ thì tôi còn có cậu nữa.”

Mặt Nam đỏ ửng lên từ khi nào, nhưng cậu vẫn tủm tỉm cười. Thấy Nam như vậy, Duy cũng thoái mái hơn phần nào. Nam để ý thấy Duy nhìn mình, cậu ngượng chín mặt không biết nói gì nên đánh trống lảng:

“ A, hay anh hát cho tôi nghe thử đi? Tôi đó giờ toàn ở trong nhà, ngoài cắm mặt vào sách thì chẳng làm gì cả nên chán lắm.”

“ Hát bây giờ á?”

“ Vâng, hát bài mà anh yêu thích nhất ấy.”

“ Nhưng giờ không có đàn ở đây. Vậy tôi hát chay nhé?”

“ Vâng được ạ.” Nam háo hức.

“….Làng tôi xanh bóng tre…từng tiếng chuông ban chiều…”

Khi giọng hát của Duy cất lên, cậu cảm thấy rất bất ngờ bởi anh hát rất hay, giọng hát trầm ấm nhưng rất nhẹ nhàng.

“ Xin lỗi anh vì đã cắt ngang nhưng cho tôi hỏi tên bài hát được không ạ?”

“ Đây là bài Làng tôi của Văn Cao, tôi rất thích bài này bởi năm sáu tuổi, tôi bị lạc tại một ngôi làng và tôi đã được nghe bài này đầu tiên. Ngôi làng đó với tôi rất quan trọng, có thể coi là quê hương. Người dân trong làng rất tốt với tôi, họ cho tôi ăn, cho tôi chỗ ngủ và không hề xa lánh tôi. Tôi cứ nghĩ tôi có thể ở đó đến hết đời nhưng không may, một trận hỏa hoạn đã xảy ra. Khi đó tôi không hiểu nguyên nhân vì sao, tôi cứ chạy nhưng chẳng thấy bóng dán ai cả, lửa ngày càng lớn, ánh lửa rực cùng hơi nóng cứ bao lấy tôi. Tôi đã ngất đi, nhưng vẫn thấy bóng ai đó tiến lại gần. Vì vậy khi nghe bài hát này, tôi lại nhớ về ngôi làng ấy.”

Nam không kìm được mà ôm lấy anh. Có lẽ đó là cái ôm của sự cảm thông, cậu thấy thương anh. Quá khứ của anh thật tội nghiệp, thật may vì giờ anh ấy vẫn lạc quan và trở thành một người chính trực. Cậu càng thêm yêu quý anh.

“ Tôi xin lỗi, tôi tự ý quá. Nhưng thật sự tôi rất rung động bởi câu chuyện của anh.”

“ Cảm ơn cậu. Tôi đã chia sẻ thêm về bản thân rồi, vậy giờ đến cậu được chứ?”

“ A tôi cũng chẳng biết nói sao nữa. Nếu nói về sở thích thì có lẽ tôi có đam mê với hội họa.”

“ Thật sao?”

“ Nghe khó tin nhỉ? Để tôi lấy tranh của tôi đưa anh xem.”

Nói rồi cậu lấy trong ngăn tủ bàn một tập giấy, cậu nhập ngừng đưa Duy. Thấy vậy, Duy liền đón lấy, từ từ mở ra xem. Anh bất ngờ bởi đây là những bức kí họa cậu vẽ bằng bút mực, những bức tranh không màu nhưng cũng đủ hút hồn anh.

“ Đẹp thật! Tôi thấy cậu có năng khiếu trong hội họa đó. Sao cậu không bảo cha để cậu được phát triển tài năng?”

“ Hì, anh nói quá. Đúng là tôi có đam mê với hội họa, nhưng để nói đến việc theo đuổi nó thì khó lắm. Cha tôi không muốn tôi theo ngành này, ông ấy muốn tôi phải học kinh doanh để nối nghiệp gia đình. Nhưng tôi dù học như nào cũng không thể bằng anh trai, vậy nên cha tôi hay so sánh rồi bắt tôi học nhiều hơn. Vậy nên tôi mới bị nhốt trong phòng như vậy đây, nhưng tôi không sợ cha nên cũng hay trốn ra ngoài lắm.”

“ Cậu yên tâm, giờ có tôi rồi nên cậu không thể ra ngoài nữa đâu.”

“ Ơ này, anh theo cha tôi à? Vậy tôi không nói chuyện với anh nữa.”

“ Haha tôi đùa thôi, thỉnh thoảng tôi sẽ giúp cậu.”

Nam phì cười, cậu cũng thấy bớt cô đơn hơn phần nào. Cứ như vậy, hai người cùng nhau sẻ chia mọi thứ trong suốt hai tuần.