[Hệ Liệt Bệnh Kiều] Ao Thần

Chương 1: Về nhà



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cây cối, đồng ruộng, thôn làng và cả đồi núi ngoài cửa sổ không ngừng trôi ngược về sau, mờ nhòe hóa bộ phim câm tua vội, bị đóng khung trong ô cửa sổ xe lửa.

Lý Cảnh dựa vào lưng ghế, tàu xe ngày này qua ngày nọ đã làm nàng thấm mệt.

Tà dương chớm tắt, nắng nhuộm chân trời thành một dải màu đỏ cam chỗ đậm chỗ nhạt. Đồi núi nhấp nhô ẩn trong bóng tối khuất lấp hình thù, nền trời sau những áng mây một màu xanh xám kìm nén, in bóng trên cánh đồng lúa trải tới ngút ngàn. Thảy mọi sắc màu bị trộn lẫn vào nhau, nước gợn lấp lóa, ngỡ đang ăn mừng trong âm ỉ.

Sắp tới rồi, nơi nàng sinh ra và lớn lên, huyện Nghi.

Nàng là đứa con cuối cùng của dòng họ Lý, về thắp nén nhang cho bà nội.

Căn nhà tổ nằm trong một con ngõ khuất nẻo của huyện. Con ngõ tên “ngõ Bát Đài”, là nơi sầm uất và đắt giá nhất của huyện suốt từ thời cuối Thanh cho tới trước giải phóng(1). Năm ấy, người có thể cất nhà tại nơi này rặt những ông quan lớn ngồi kiệu quý tám người khiêng, từ đó mới có cái tên như vậy(2). Hiện giờ trong con ngõ vẫn còn những căn nhà mang đậm nét cuối Thanh khá hoàn chỉnh, biển rộng tường cao, cổng vòm gạch xám.

(1) Thời điểm trước năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành được thắng lợi trước quân Nhật và thành lập CHND Trung Hoa.

(2) Bát đài = tám (người) khiêng.

Tựa như một lát cát thời gian bị người đời quên lãng, thả sức chảy dòng tại chốn nương náu hạn hẹp này chẳng e sợ.

Thông tin về ngõ Bát Đài tới nay chỉ còn trong ghi chép lịch sử của huyện và nghe ngóng qua lời kể của các cụ già tại địa phương, ví dụ năm ấy những anh công tử, những cô tiểu thư ngày thường vui chơi du ngoạn rầm rộ xa xỉ cỡ nào, cổng nhà quạnh quẽ tới ngày tết tưng bừng náo nhiệt ra sao, nhà ai chuyển nhà dọn dẹp đồ đạc lục ra gia phả cũ mới biết hóa ra là bạn cũ của vị danh nhân nào, những chuyện kiểu thế.

Rốt cuộc, thảy đã suy tàn.

Xuống xe lửa rồi vẫn phải cuốc bộ một đoạn đường để bắt tuyến xe buýt liên huyện, sau độ một giờ đồng hồ đường xe mới đến được huyện Nghi, gặp được bác tài xế già chuyên “bắt cóc” khách vãng lai chỉ có trên con phố cổ huyện Nghi. Ngồi xe độ chừng hai chục phút, mới rẽ, ngoặt dăm chục bận len lỏi vào con ngõ cổ xưa này.

Lý Cảnh hỏi bác tài hết bao nhiêu, ông lão xổ cái giọng địa phương chính gốc bảo, giá đúng, năm tệ.

“Bây giờ còn ai tới đây nữa, lên phố ráo trọi rồi. Đời ông nội lão cũng từng sống ở cái chốn thần tiên ấy. Cô gái vẫn nên về sớm đi, nơi này lạnh lẽo, chẳng hơi người.” Một tay ông lão nắm đầu xe khống chế phương hướng, đi qua con phố ồn ã.

Lão nhả một cuộn khói, “Nếu cô gái ở đây, ắt phải biết rõ đất chỗ này rất tà quái.”

Lý Cảnh đã có thể trông thấy miếu thờ ở đầu ngõ từ đằng xa. “Cháu biết ạ.”

Xuống xe, trả tiền, bung ô. Mưa huyện Nghi chẳng bao giờ dừng được, không lớn, chỉ miên man mãi không kết cục.

Lý Cảnh đặt bước vào ngõ Bát Đài. Con ngõ rộng chưa đầy ba mét, mặt đá xanh đổi thay hóa đất bùn nhão nhoẹt, không dễ đi.

Dọc con đường độc những ngôi nhà có mái tường đầu ngựa(1) hai hoặc ba bậc, nóc nhà cao chót vót vươn lên giữa hai khoảng tường hình chữ nhật bọc quanh hai bên. Trước hiên nhà, tấm rèm mưa buông phủ.

(1) Còn gọi là tường cấm hỏa, tường phòng hỏa, một kiểu kiến trúc độc đáo của Trung Quốc. Đây là hai bức tường che bọc, kề sát hai bên hông nhà, cao hơn nóc nhà, được xây theo kiểu bậc thang, có hình dạng giống đầu ngựa.

300

1200px-_-_panoramio

Nàng dừng chân, lấy từ ba lô chiếc chìa khóa kiểu cổ đã ngả xanh màu đồng gỉ. Căn nhà trước mặt chính là nhà tổ của nàng.

Cổng vòm cao cao dán tranh Tần Quỳnh và Uất Trì Cung(1) phai màu rách vụn, hoa văn điêu khắc trên cổng vẫn vẹn nguyên nét đẹp tinh tế xưa, khoảng tường bên trái đóng những tấm gỗ đỏ đã bợt trắng, chữ viết trên nó nay mờ nhòe không đọc nổi, chỉ lờ mờ nom được mấy chữ lớn “Thế gia họ Lý” mở đầu.

(1) Hai vị võ tướng thời Đường, được tôn làm môn thần. Người Trung Quốc thường treo hình hai vị này trước cửa nhà để trừ yểm tà mị.

Nàng kéo ổ khóa nặng trịch trĩu dưới vòng đồng trên cánh cổng, chìa khóa đảo tròn.

“Kịch.”

Bước qua bậu cửa, Lý Cảnh ngỡ mình đã trở về khoảng thời gian rất xa xôi.

Nhà chính và cổng ngoài được ngăn cách bởi khoảnh sân nho nhỏ, mặt sân lát đá xanh cỡ lớn, rêu xanh nhú lan giữa những kẽ đá.

Ngay giữa nhà chính đặt bàn thờ, trên treo tranh Quán Thế Âm, dưới bày hình đen trắng của bà nội. Hai bên trái phải là phòng ở. Nhà chính và nhà phụ nối nhau qua cửa nhỏ. Nhà phụ có các thứ như phòng bếp, có cả cầu thang lên tầng hai. Tầng hai là phòng chứa để toàn nông cụ cũ kỹ, một mặt quây bằng lan can hướng ra cổng trước, không quá lộ liễu dễ ngó nhòm.

Nếu nói tới điều gì hay ho, thì là cửa sau nối với nhà phụ.

Lý Cảnh dọn dẹp nhà chính một lượt, đã là khuya vắng. Tuy thế nàng không định đi ngủ.

Lý Cảnh thành tâm lạy trước di ảnh bà nội ba lạy, thắp cho bà nén nhang.

“Về sau sợ rằng không còn ai tới thăm bà rồi, bà ơi.” Nàng rủ rỉ nói miên man rất dài, cuối cùng kết một câu như thế.

Lý Cảnh dợm bước ra cửa sau, đằng sau là khu vườn thuộc nhà tổ. Do lâu ngày không ai chăm sóc, những chạc cây trong vườn mọc chen đan cài rậm rịt, cỏ dại mọc hoang, cao quá gối người.

Chính giữa khu vườn có một ao nước.

Các cụ già cả vẫn bảo ao nước trong khu vườn nhà họ Lý rất thiêng, không phải nước chết, dám khi thông tận biển.

Từ thuở còn bé tí, Lý Cảnh thường hay thấy mấy bà cụ nhà ai bế cháu tới nhà họ Lý làm khách, xin bà nội cho được vào nhà, cầu nguyện với thần linh ẩn mình trong ao. Nào cầu bình an, xin trừ tai họa, nghe đâu là tập tục đã có từ trước khi nhà họ chuyển tới nơi này.

Các cụ luôn gọi nó là “ao thần”.

Sau này người tới nhiều rồi, thi thoảng lại có đứa trẻ trên con phố gần đây trèo qua bức tường thấp lè tè bao quanh vườn vào chơi trò cút bắt, nói là nghe thấy tiếng người nói chuyện. Có đứa bảo là tiếng đàn ông, có đứa bảo là tiếng đàn bà đang khóc, có đứa bảo toàn là chuyện bịp người.

Tựu chung lại, bởi do cái ao này mà tới nay đã chẳng ai dám bén mảng tới mảnh vườn của họ Lý. Đám trẻ con cũng được căn dặn phải tránh đi thật xa, không được mon men tới đùa nghịch.

Lý Cảnh quỳ thẳng người. Thành Nghi hẻo lánh, không khí trong lành, bầu sao rợp trời soi bóng mặt ao.

Nàng chống hai tay lên rìa bờ ao.

“Em về rồi đây.”