[Hệ Liệt Bệnh Kiều] Ao Thần

Chương 2: Ngược dòng (1) – Giao nhân



Năm Sùng Trinh thứ mười một(1), ngõ Bát Đài huyện Nghi.

(1) Sùng Trinh (1628-1644): niên hiệu đời vua Sùng Trinh Đế Chu Do Kiểm, vị vua cuối cùng nhà Minh. Năm Sùng Trinh thứ mười một tức năm 1638.

Năm ấy, nàng mười tuổi.

Cô gái nhỏ nhà họ Lý, dáng vóc chưa đủ, thân mình trên bàn đu dây nhanh nhẹ lẹ làng, tà váy nguyệt hoa tựa ánh trăng múa may trong gió.

Cha nàng kinh doanh tiệm vải, có chút của ăn của để, mới chuyển tới ngõ Bát Đài tháng nay. Nhà ở quanh đây phần đa độc các quan to lão gia, cha nàng tất bật chào hỏi lễ lạt mấy bữa nay, lấy mong việc làm ăn ngày sau sẽ được chiếu cố.

Giờ đã tới trưa cha hãy chưa trở về, cô con gái nhỏ không ngồi yên nổi, thậm thụt gác lại kim chỉ, lẻn khỏi gian buồng ra bàn xích đu ngoài vườn chơi.

Trong vườn có ao lớn, đồn rằng thông tới biển, giấu thần linh, hay có người tới cửa xin được cúng bái cầu phúc.

Cô con gái nhà Lý chẳng buồn tin, đu xích đu mệt rồi thì chạy ra bờ ao nhặt đá ném thia lia.

Nàng ngồi chồm hổm bên bờ ao ném đá một hồi, dỏng tai nghe tỉ mẩn, không thấy tăm hơi tiếng vú nuôi gọi từ sảnh sau, càng chẳng tiếng cha trở về sảnh chính, mới làm liều chỉ lo vui chơi.

Dưới nước có thần linh náu ẩn, ao nhà Lý quả thật ao thần. Người người đều bảo vậy.

Bữa nay nàng cũng muốn coi thử liệu đến cùng trong ao này có thần linh phương nào nương náu.

Cô con gái nhà Lý nghiến răng dồn sức khiêng hòn đá cỡ lớn tìm được ném xuống nước, phủi phủi bụi trên tay, lặng chờ một chốc.

Mặt nước yên ả không gợn gạo.

Đâu ra thần tiên kia chứ, chỉ toàn bịp bợm thôi. Con gái nhà Lý dẩu môi, chán nản quyết định vẫn nên về phòng làm nốt cho xong món nữ hồng khiến mình ngoi ngóp ngắc ngoải.

“Ùng ục…”

Chửa dợm được mấy bước, nàng đã nghe mặt hồ đằng sau có tiếng nước là lạ, trở chân chạy ngay về.

“Rào –” Gợn nước khổng lồ tung tóe trên mặt ao.

Nước hắt nhuộm tà váy nguyệt hoa đẹp đẽ của nàng dính ẩm, hắt đẫm đầu mặt nàng, làm nàng không mở nổi mắt.

Gian nan vuốt chỉnh lại áo quần tóc tai, cô con gái nhà Lý ngửa đầu, đối diện ngay với cặp mắt xanh thăm thẳm, hệt món trang sức bảo thạch mẹ nàng giấu kín đáy hòm.

Nàng đã nào gặp một sinh vật giống thế, ngỡ ngàng mất cả tiếng nói.

Tóc dài buông rủ, lấp lóa ánh vàng rực rỡ, nửa người ngâm trong lòng nước nhìn chẳng tới đuôi; tai dài và nhọn, chóp tai mỏng mảnh tựa cánh ve xuyên thấu; mặt như thiếu nữ, lại mũi cao mắt sâu, da trắng thắng tuyết.

Con gái nhà Lý mắt đối mắt quý ngài đối diện một hồi, dè dặt cất tiếng: “Dám hỏi ngài có phải thần tiên?”

Đối diện: “…?” Nghe không hiểu.

Sinh vật kia quay đầu đi, đã dợm lặn về đáy nước.

Con gái nhà Lý: “…” Hình như tính nết thần tiên không giống lời đồn cho lắm.

Nhưng chẳng dễ gì được mục kích chuyện lạ kỳ, có nhẽ nào con gái nhà Lý lại chịu buông ngay, bèn hô hoán với bóng lưng tóc vàng: “Thần tiên xin hãy dừng chân, dám hỏi tên họ là gì, cũng tiện cho gia phụ sắp lễ tế bái!”

Thần tiên chững bước, ngoảnh đầu, bơi tới.

“…?” Gọi ta? Muốn làm gì?

Con gái nhà Lý nhận ra có lẽ vị thần tiên này không hiểu lời nàng nói.

Nàng chỉ vào mình: “Tiểu nữ tử, Lý Cảnh.”

Nàng lại chỉ thần tiên: “Xin hỏi tôn tính đại danh của ngài?”

Dường như thần tiên đã hiểu lờ mờ ý nàng, hé miệng cất tiếng nói ram ráp: “Sevi.”

“… Thưa thần tiên, ngài nói tiếng địa phương vùng nào vậy?” Ể, tại sao trong miệng thần tiên lại có hai hàng răng nanh nhọn?

“Sevi.”

Dầu cho không hiểu lời, nàng vẫn láng máng nghe được phát âm. Lý Cảnh ra vẻ tốt tính thỏa hiệp, hỏi thần tiên: “Thế về sau ta sẽ gọi ngài là “Tắc Duy”?” (*Tắc Duy đọc là sewei, gần giống Sevi)

Việc này đã được quyết định như thế, do Lý Cảnh đơn phương định đoạt.

Giờ cơm trưa, cha trở về mang cho nàng món đồ chơi mua trên phố. Mẹ thấy nàng làm ướt cái váy mới đã trách mắng một trận. Suýt nàng đã phải đòn, may nhờ cha can ngăn, ôm cô con gái chưa chịu phạt roi đã khóc nức nở chẳng ra hơi ngon ngọt dỗ dành.

Lý Cảnh nghĩ bụng, lần tới phải khóc tội nghiệp hơn nữa, thế thì còn có thể bớt được mấy câu mắng.

Trong bữa cơm nàng rủ rỉ kể cha, bữa nay gặp được thần tiên rồi.

Ông Lý biết nào giờ trong đầu nàng toàn những ý nghĩ lạ lùng quái gở, chẳng điều ngay chỉnh, chỉ coi là lời liên thiên của con trẻ, cười rồi thôi, không tin là thật.

Ông ngắm khuôn mặt thơ bé của con gái, trong lòng yêu thương, không muốn khiến con gái mất vui, bèn kể nàng nghe chuyện quỷ thần ma quái: “… Trong sách “Thái Bình Quảng Ký” có ghi “Hải nhân ngư, sống ở Đông Hải, thân dài năm, sáu thước, hình dạng như người, mắt mày, mũi miệng, tay vuốt, đầu thảy tựa thiếu nữ xinh đẹp, không đâu là không đẹp đẽ. Da thịt trắng tựa ngọc, không vảy, có lông mịn, mềm nhẹ năm màu, dài một, hai tấc. Tóc như đuôi ngựa, dài năm, sáu tấc”.”

(1) (Đơn vị đo của Trung Quốc):

1 thước = 1/3 mét ~ 0,33m.

1 tấc = 1/10 thước ~ 3,33cm.

“Lại xưng là giao nhân, nghe nói có thể dệt lụa thần, khi khóc nước mắt hóa ngọc trai đấy.” Ngó con gái há hốc miệng trầm trồ, ông Lý càng cảm thấy câu chuyện mình kể rất tuyệt, bỏ thêm một câu, “Họ sống dưới đáy biển, hiếm người gặp thấy… Đừng có nghĩ nữa, ngậm miệng lại nuốt cơm xuống đi.”

“Ạ ạ ạ!” Vâng thưa cha!

Thần tiên, phải chăng chính là giao nhân?

Đêm xuống, càng nghĩ Lý Cảnh càng khó thể chợp mắt, trèo qua vú nuôi nằm say sưa bên cạnh, nhón cái áo khoác trên móc áo rồi lật mình nhảy xuống giường. Nàng chạy ra cửa sau, phi ra vườn, ngồi xổm bên ao té nước.

Đêm hè tĩnh mịch, bốn bề rả rích tiếng côn trùng không ngắt nghỉ.

“Tắc Duy?” Nàng nhỏ giọng gọi.

Có bọt khí vỡ ra trên mặt ao.

Lý Cảnh thò tay khua gẩy làn nước: “Tắc Duy?”

“Rào –” Giao nhân ngoi đầu lên mặt ao.

“Đúng là giống như cha đã nói!” Lý Cảnh trầm trồ ngắm nghía giao nhân.

Ngồi xổm tê chân, Lý Cảnh bèn đứng dậy, khom lưng.

Nàng muốn vươn tay chạm vào sinh vật xinh đẹp trước mắt: “Tắc Duy tới từ đáy biển ư?”

“Biển trông như thế nào?”

“Tắc Duy có thiêng không?”

“Vì sao tên của Tắc Duy không giống với người thường?”

“Tắc Duy…”

Giao nhân vươn tay, mười ngón mảnh mai, mềm mại trắng ngần… bịt miệng nàng lại.

Tắc Duy trồi lên mặt nước, cúi nhìn nhóc lùn Lý Cảnh từ trên cao. Mấy bữa nay giao nhân hãy còn ấu niên theo chân đồng tộc trưởng thành tới xứ lạ dạo chơi, bơi đến nơi đây đánh hơi thấy mùi của nhánh dòng tộc khác, phát hiện khi xưa nơi này có người cùng tộc ở lại lâu dài, bèn chia tay người bạn đồng hành rồi một mình ở lại.

Giao nhân ca hay nói giỏi, tiếc thay mấy nay Tắc Duy vẫn chưa kịp lắng nghe ngôn ngữ vùng này. Bấy giờ giao nhân nhỏ tuổi đã hơi sốt ruột.

Tắc Duy chỉ đành ráng vận dụng thứ tiếng dị quốc hãy chưa học thành thạo, bực trách từng chữ nhát gừng: “Li, Jing.” (*phiên âm La-tinh tên Lý Cảnh)

“Phiền.”

Lý Cảnh: “…” Nàng biết rồi, giao nhân này không phải thần tiên.

Còn lâu mới phải.

Giờ khuya rồi, bổn tiểu thư vẫn nên về đi ngủ thì hơn.