[Hệ Liệt Bệnh Kiều] Ao Thần

Chương 4: Ngược dòng (3) – Quà nhận lỗi



Năm Sùng Trinh thứ mười bốn, dịch hạch lan tới kinh thành. Dịch này sớm bệnh tối chết, kinh thành người – ma lẫn lộn, lắm nhà gần như chết sạch.

Ông Lý mới nhập hàng xong trở về, Lý phu nhân múc nước tới cho chồng ngâm chân.

“Phương bắc không yên ổn rồi.” Ông Lý châm ngọn đèn dầu, giở sổ sách nhẩm tính trong dạ, dùng giọng điệu không lấy làm suy sụp kể chuyện tai nghe mắt thấy trên phố cho vợ nghe, “Ôi, phu nhân, nhà ta vẫn còn dư dả lắm.”

Lý phu nhân phì cười, bàn tay xoa bóp chân chồng không chững lại: “Nhà mình có ả hầu này không cần trả công, tất nhiên phải dư dả lắm chứ.”

“Ấy, nói thế là không đúng.” Ông Lý liếc nhanh sắc mặt vợ, “Có phu nhân ở đây, tiền vào dồi dào, không cần tiết kiệm. Giả có phấn, son, trâm, váy ưng mắt, phu nhân cứ việc mua cho thỏa. Nghĩ đến chuyến này tôi có mang về cho phu nhân với Cảnh Nhi mấy xấp vải tốt…”

“Được rồi, biết ông giỏi dỗ ngọt rồi. Con bé giống ông, suốt ngày chỉ biết nói suông dẻo miệng, dỗ tôi nở lòng, còn việc nghiêm chỉnh lại chẳng làm được một. Ông làm cha mà chẳng hay răn dạy, để ngày sau nó thành bà cô già ở rịt trong nhà thì hối hận cũng đã muộn!” Lý phu nhân bưng chậu rửa chân nhấc lên, quở mắng như vờ lại như thật.

Ông Lý tư lự: “Bà nói có lý, tuy vậy, tôi nom Cảnh Nhi rất có khiếu tính toán, cớ gì bà cứ phải ép nó làm tiểu thư bình thường, chỉ rành rẽ mấy việc khuê các. Thuở con thơ bé tôi còn có đôi phần băn khoăn, mấy năm này thì đã nghĩ thoáng ra, nay nuôi như con trai, ngày sau có tuổi, gia nghiệp truyền lại cho nó cũng có thể duy trì dòng dõi nhà Lý.”

Lần này thì Lý phu nhân uất thật, hất mạnh đầu, hừ lạnh một tiếng, đổ phứt nước rửa chân cho tướng công đi. Để bà xem xem lát nữa về lão này sẽ dỗ dành mình thế nào.

Ông Lý nom chừng đã đắc tội bà nhà, cười rồi thở dài, vì kế trước mắt chỉ đành để con gái chịu tủi một phen, giấc mộng thiên kim khuê các của mẹ nó hãy chưa vỡ hẳn…

Bấy lại nhớ tới tin tức từ cuộc luận đàm với mấy ông bạn làm ăn gặp trên phố, lòng trĩu nặng. Bản dịch bạn đang đọc chỉ đăng trên địa chỉ duonglam.design.blog và w@ttpad namonade. Nếu không đọc ở hai địa chỉ này, tức bạn đã đọc ở trang đăng lại trái phép, mọi sai lầm (nếu có) trên những trang này sẽ không được cập nhật.

Phương bắc hạn hán nhiều năm liền, ruộng hoang xâm lấn, trẻ con đi lẻ có số lớn thành thức ăn trong nồi của nạn dân ngoài cổng thành. Xương thành củi đốt, đầu tựa đống dưa, thịt chia cân mà bán. Con nít đi lạc, người mất tích thì thành món lấp dạ cho đám đông chia xẻ, chẳng cần đến lượt dao cắt. Có xác bà lão, nhà đem chưng nấu, khóc lóc mà ăn, hỏi ra thì bảo, mới chết, để ăn với người chẳng bằng cho nhà mình no bụng. Không hỏi ngũ luân, chỉ cầu sống tạm. Kẻ ăn thịt người mắt, mặt sưng phù, không lâu sau cũng bỏ mạng.

Từ năm Sùng Trinh thứ sáu, bệnh dịch khởi phát, bắt nguồn từ Sơn Tây, nay đã lan tới kinh thành, người ta gọi là “bệnh ung nhọt”. Trên bàn trà, hai người trò chuyện tới hồi hưng chí, đến hồi trà lên đã chẳng còn thở, máu trào từ miệng mà ra. Kẻ cưỡi ngựa ngã khỏi yên cưỡi, khách bộ hành phủ phục mặt đường, quan viên tiền nhiệm sai hầu hộc đặt mua quan tài, nhảy vào nằm sẵn, chỉ chờ nhiễm bệnh tức khắc lìa đời. Kẻ có hòm khiêng hòm, không hòm cuốn tấm chiếu cỏ, chặn đứng cổng thành không thể vào, ra. Ngoài thành đào hố lớn lấp xác, huyện nhỏ chẳng mấy hôm đã đầy, đào tới ba hố chôn vẫn chưa thấy ý ngơi. Người chết không chừa một hộ.

Trước mắt quan phủ lại giục giã tiền, lương, thêm do duyên cớ người chết hộ vong mà thuế công vốn chia cho nhiều người nay quá lắm chỉ còn một, hai hộ gánh vác. Loạn dân nổi dậy bốn bề.

Lại nghe đâu quân Thanh nhiều bận nhiễu loạn kinh kì, lăm le bờ cõi. Kinh sư hoang tàn, chẳng biết có thể cầm cự mấy chốc.

Thiên tử giữ bờ cõi, vị kia trong cung lẻ cô trơ trọi, e đất bắc không còn mấy ngày bình yên. Huyện Nghi tọa tại phía nam, lại xưa nay khuất nẻo, chỉ mong giữ được yên ổn.

Trời cao sắp đổi rồi.

Họ Lý nhà họ kinh doanh hàng vải, phận con ong cái kiến, giữa thời loạn chỉ duy cầu cả nhà đủ số, không màng bạc vàng, chỉ đồ yên ổn.

Con gái nhà Lý, Lý Cảnh nay đã mười ba, xinh xắn có tiếng ngõ Bát Đài, lại vì họ Lý làm ăn phát đạt, ông Lý làm người nhân nghĩa lại không thiếu khôn ngoan, kẻ tới cầu hôn lũ lượt.

May nhờ ông Lý đã sẵn không có ý định gả con gái, còn đương mong mỏi con gái kế thừa việc làm ăn của mình nữa kìa. Lý phu nhân tức tối mấy hồi không có kết quả, cũng đành bỏ cuộc chịu thôi.

Ông Lý không hẳn đã nuông Lý Cảnh mọi mặt, khi tiếp khách sẽ cho người dựng tấm bình phong, Lý Cảnh thì núp sau bình phong nghe cha đãi khách, hoặc chăng học cách tính sổ sách, xem hàng trên tiệm, mọi việc đều tay cầm tay chỉ dạy. Lý Cảnh giống cha, học hành đâu ra đấy, Lý phu nhân trông vậy cũng không ép con gái giỏi giang nữ hồng nữa. Ông Lý muốn Lý Cảnh hiểu chữ nghĩa, lại không để nàng đọc sách Khổng, Mạnh thánh hiền, cũng chẳng đả động “Nữ giới”, chỉ thảy cho nàng mấy cuốn sách sử thời trước Tần Thủy Hoàng như “Chiến quốc”, “Tả truyện”,… Lý Cảnh đọc như đọc truyện kể, cũng rất say sưa thích thú.

Có chăng chỉ khổ cậu chàng giao nhân nọ.

Con gái nhà Lý siêng năng cần mẫn, ngày ngày học xong bài học nhà buôn tất phải ra vườn sau đọc sách. Lý phu nhân nom vậy rất vui, bảo con gái biết cố gắng rồi không quản nhiều.

Tắc Duy chống cùi chỏ tay trái trên bờ, tay phải chống cằm, nghẹo đầu ngắm thiếu nữ một tay bốc đồ ăn vặt, một tay đọc sách trên tảng đá lớn rìa ao.

“Tắc Duy, lần trước em gọi anh lên chơi, anh về nhà rồi hả?” Lý Cảnh ném một vốc hạt dưa vào tay Tắc Duy.

Mấy năm nay Tắc Duy đã thông thạo ngôn ngữ bản địa, dù vậy Lý Cảnh vẫn chả nghe thủng thứ tiếng Tắc Duy dạy, chỉ thấy như một chuỗi âm tiết xì xà xì xồ chẳng rõ là gì! Không học!

“Trước giờ anh đâu có thích mấy thứ này.” Tắc Duy dúi mớ hạt dưa ướt ẩm về lại tay Lý Cảnh: “Mới về một chuyến.”

Đường nét mắt, mày giao nhân cơ hồ chẳng thay đổi gì so với thuở đầu gặp gỡ. Lý Cảnh ước ao làn da cậu chàng lắm thay, có bận giữa đông chẳng dễ gì trông được một trận tuyết, giao nhân ngoi lên chơi đùa cùng nàng, toàn thân như lẫn trong trời tuyết buông rủ.

“Ờ ờ, biết rồi, chỉ thuận miệng hỏi thôi mà. Lần sau mang đồ ngọt cho anh.” Lý Cảnh giở một trang sách.

“Lần trước anh không ở đây, em đi xem hội đèn lồng, đẹp lắm lắm luôn, đủ loại đèn lồng nhiều màu tỏa sáng khắp vùng. Em còn thả đèn Khổng Minh, cầu cho cả nhà và Tắc Duy được khỏe mạnh an khang, bình yên vô sự. Vốn dĩ lần đó định chừa cái đèn lồng hình cá cho anh đó, mà anh đi rồi nên lại thôi.” Lý Cảnh cắn hạt dưa kể chuyện.

Mỗi năm Tắc Duy về quê, lòng vòng hao chí ít là ba tháng. Lý Cảnh cũng nhớ cậu rất nhiều.

Giao nhân trông hơi nước trên tay khô đi, đã không thể làm vật bị ướt, rướn người rút phắt quyển sách trong tay Lý Cảnh.

“Anh tới rồi mà em chỉ đọc sách?”

“Ôi ôi, là em không đúng em xin lỗi, em biết rồi, anh trả sách lại cho em đi.”

Lý Cảnh tay ngắn không với tới, Tắc Duy cố ý muốn ghẹo nàng. Mấy bữa này ngày như ngày nàng chỉ ôm riết cuốn sách, chẳng chơi với cậu đàng hoàng, thực lòng Tắc Duy có hơi để bụng.

Lý Cảnh thấy không với được lại chẳng buồn ngó ngàng cuốn sách chi nữa, ngó vành tai giao nhân kề như sát rạt, bất chợt thò tay níu: “Chỗ yếu hại đã tự đưa lên còn đòi ghẹo em, hử?”

Toàn thân Tắc Duy cương cứng: “… Trả sách cho em, thả tay ra.”

“Một tay trả tiền, một tay giao hàng!”

Tắc Duy trả quyển sách về tay Lý Cảnh với vẻ không cam tâm. Lý Cảnh nơi tay, lập tức cậu chàng bọc kín tai bơi ra xa: “Đã bảo không được động vào tai!”

“Lần nào cũng bảo vậy, mà chẳng chịu kể rõ lý do.” Lý Cảnh giơ cuốn sách trong tay, cười ác ý, “Nhưng mỗi lần nắn tai anh anh đều dễ bảo hẳn.”

“Nếu gặp được giao nhân khác, em phải hỏi cho kĩ xem là cớ làm sao.” Trở dậy xuống khỏi tảng đá, nàng nhìn Tắc Duy từ trên cao chẳng hề lễ độ, đúng là gã không biết đùa.

Tắc Duy tức nỗi đỏ cả quai hàm, “Không được! Con gái loài người các em chẳng lẽ không phải luôn đề cao trinh tiết, sao đã nắm tai anh lại còn tơ tưởng giao nhân khác?”

“Hả?” Lý Cảnh thộn mặt. Trinh tiết của nàng thì can hệ chi tới tai Tắc Duy?

“Em! … Tóm lại không được chính là không được!” Cặp mắt lam thẫm của Tắc Duy như sắp phừng lửa.

Lý Cảnh so vai, không đồng tình. Con giao nhân này tưởng nàng không rõ thật đấy à, mỗi bận chạm tới tai rõ là đều thích ngất ngây ấy chứ. Nếu chạm vào mà có chuyện, sao nàng lại nỡ xuống tay.

Ôi, lòng giao nhân, như kim đáy bể!

Nàng dẹp gọn mớ quà vặt, đặt sách trên tảng đá, ngồi xổm xuống bên rìa ao, tay nắm lấy tay phải giao nhân, những ngón tay đan cài: “Được rồi, đừng tức nữa, là em không phải. Nha?” Mỗi bận cha dỗ mẹ đều làm hệt vậy, bất kể chuyện ra sao cứ nhận lỗi trước, nghe mắng vài câu là chẳng còn gì to tát.

Giao nhân thả rủ mái tóc vàng rực che khuất vành tai nhọn, quay đi hầm hừ, bàn tay lại mặc nàng nắm lấy, dần dà riết chặt không để nàng nới lỏng.

“Tắc Duy ~” Lý Cảnh lắc nhẹ bàn tay đang nắm, dài giọng nhõng nhẽo. Nàng quyết không tin, có lẽ nào chân truyền của cha lại không dỗ dành nổi một con cá?!

Hai gò má giao nhân nổi ráng chiều tà, mặc Lý Cảnh dỗ khô cổ vẫn chẳng chịu hé một tiếng, hàng mi dài rung lên nhè nhẹ.

Được rồi, không dỗ được, chẳng hầu nữa, thích thế nào thì cứ thế đi, bổn tiểu thư xin kiếu. Lý Cảnh nguýt lườm trong dạ, đã toan rời tay chạy trước. Còn chưa đọc hết sách nữa, nàng đây là một cô nương phải kế thừa gia nghiệp đó.

Chẳng ngờ cái rời tay này lại chọc giận giao nhân. Cậu chàng giơ cao tay phải, nhân lúc Lý Cảnh không đề phòng chợt lôi rốc nàng xuống nước, tay trái nhân đó riết eo nàng sát vào người, khiến nàng không thể cựa quậy.

“Không được đi!” Tắc Duy cúi đầu nom thiếu nữ chỉ ngang ngực mình, rốt cuộc đã không cần ngửa mặt.

Ngày xuân nước lạnh, Lý Cảnh rét run lập cập trong nước, cũng đâm cáu kỉnh: “Thả ra!”

“Không! Anh làm em ghét rồi, em muốn đi!”

Lý Cảnh bị kìm chặt không thể giằng thoát, lại sợ tạo tiếng động lớn sẽ có người tìm tới, còn lo xiêm áo ướt mà khó ăn nói phân bua. Đến cùng nàng hãy là cô bé mười ba được nuông được yêu từ bé, cơn tủi thân trào lên trong dạ, bặm môi khóc không thành tiếng.

Nước mắt tựa chuỗi ngọc rơi, Lý Cảnh bẽ bàng, muốn giật tay về lau đi lại giật không thoát, trở cơn bướng cứ mặc nó rơi.

Bấy giờ Tắc Duy mới hoảng hồn, nới sức, cuống quýt ôm Lý Cảnh đặt lên tảng đá rìa ao, lại vì sợ Lý Cảnh cứ thế bỏ chạy mà chỉ giữ nàng bằng một tay, không dám siết quá mạnh. Lý Cảnh uất lắm, mếu máo nhìn cậu, mắt đỏ quạch, giọng nghẹn nấc, nước mắt càng chẳng có dấu hiệu muốn ngừng.

Tắc Duy biết phen này mình quá trớn, lại không thể bỏ mặt mũi sĩ diện, nom Lý Cảnh nức nở mà lồng ngực tưng tức, cũng khóc theo.

Rèm mi lấp lóe, hai viên ngọc óng ánh thấu trong rơi trên cỏ xanh rìa ao.

“…!” Thành, thành ngọc trai kìa! Lý Cảnh quên cả quệt nước mắt, ngác ngơ nhìn Tắc Duy như ngốc.

Lý Cảnh hoàn hồn, ý thức được bộ dạng mình không mấy đẹp đẽ, lúng búng bảo: “Em khóc thì cũng thôi đi, anh khóc lại ra cái gì.”

Tắc Duy sầm sịt mặt mày, không đáp, giật hai bàn tay đang đan cài sang, lấy một chiếc vòng tay từ san hô đỏ ra như ảo thuật, tròng vào cổ tay nàng.

“Xích đầu lại đây.” Cậu hậm hực nói.

“?”

“Nhanh lên, đưa cả khăn tay cho anh.”

“Ờm.” Lý Cảnh sụt sịt đáp lại.

Tắc Duy cẩn thận lau nước mắt nàng ráo sạch, tóm đuôi cá cạy một mảnh vảy ra, đặt vào giữa đôi mày Lý Cảnh. Mảnh vảy thoắt chốc tan rã mất tăm tích. Lại nhặt một hạt ngọc trai mới rơi, dè dặt trao vào tay nàng.

“Anh làm gì vậy…” Lý Cảnh nấc nghẹn.

Tắc Duy lườm nàng: ““Nước mắt giao nhân”, loài người các em nằm mơ muốn có đấy.”

“Thế mảnh vảy anh đặt lên trán em kia rốt cuộc là để làm gì?” Tủi thân.

Tắc Duy gấp gọn khăn tay, rít qua kẽ răng độc ba chữ: “Quà nhận lỗi.”

“Anh đã thử làm thế trên con người bao giờ chưa mà cũng dám dùng với em? Đâu có vảy cá của ai mà đặt lên đầu cái là mất tăm luôn chứ… hức hức…” Lý Cảnh được lợi còn to mồm. Không được, hôm nay nàng tất phải đòi cho đủ vốn.

Dứt lời lại nhận một cái lườm.

Lý Cảnh hít sâu một hơi… Xiêm áo bị người ta níu căng.

“Không, không được khóc nữa.” Giao nhân giữ một góc đuôi váy nàng, “Là anh sai.”

Hơi nước bốc hơi khỏi váy.

… Quần áo khô rồi.

Lý Cảnh ngốc ngơ.

“Tắc Duy.”

“Hử?”

“Anh là thần tiên ạ?” Hóa ra ao thần cũng không hoàn toàn là lời bịp người ta!

“Đã bảo là không phải!”

“À, ơ, hắt xì!” Lý Cảnh nhảy mũi liên tục, “Hắt xì!”

“Vào nhà đi.” Tắc Duy hơi hối hận vì hành động xốc nổi của mình, “Phải cất kĩ đồ anh tặng đấy!”

Lý Cảnh gật gật. Nàng phải về xin vú nuôi bát canh gừng.

Tắc Duy dõi bóng nàng đi vào cửa sau, cất kĩ viên ngọc trai còn lại trên bờ, bấy mới rụt về lòng nước.

Mảnh vảy kia, đã được khắc sâu linh hồn, ngày sau bất kể qua mấy đời cậu vẫn nhận ra được. Còn hai giọt nước mắt giao nhân này thì lại có liên kết, nếu nàng ở gần, tất cậu sẽ biết ngay.

Chiếc vòng san hô là vật cậu mang từ cố hương. Trên con thuyền đắm nơi ấy có cơ man báu vật, cậu nghĩ cái này là hợp với nàng nhất.

Lý Cảnh có thích biển chăng? Tắc Duy nghĩ, vốn dĩ hôm nay đã định hỏi nàng, giờ chỉ đành để bận sau.