[Hệ Liệt Bệnh Kiều] Ao Thần

Chương 5: Ngược dòng (4) – Giãi bày



Thảy mọi thứ trong ấn tượng của Lý Cảnh bắt đầu từ ngày hôm ấy.

Chập choạng hôm ấy, cha bước vào cửa với khuôn mặt trắng bợt. Mẹ hâm cho cha ít rượu ấm định thần, tĩnh trí.

Dốc cạn bát rượu, sắc mặt cha mới đỡ hơn. Hai mẹ con đều lo lắng. Mẹ day bóp vai cho cha, dùng mắt ra hiệu nàng về phòng trước.

Cha cất tiếng: “Để con bé ở lại.”

Môi ông Lý run run, nhắm nghiền mắt mấy bận mới gượng thốt được câu hoàn chỉnh.

“Hoàng thượng, mất rồi.”

“Vua chết thì nước suy.” Ông Lý trào lệ, “Cảnh nhi, chúng ta dập đầu với hoàng thượng, coi như đưa tiễn người.”

Ngày 19 tháng 3 năm Sùng Trinh thứ mười bảy, hoàng đế treo cổ tự vẫn trên núi Cảnh, vạt áo trong còn dòng di chữ: “Trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư. Đều do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, lấy tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, không thương hại tới một người dân chúng.”

Rốt thì Đại Minh đã đi đến hồi tận.

Bầu trời huyện Nghi, đổi thay âm ỉ.

Độ này nàng ôm tâm sự nặng lòng, nghĩ ngợi rất lung, không biết nên đối mặt Tắc Duy thế nào.

Gần đây Tắc Duy bắt đầu quấn quýt nàng, rủ rê nàng cùng theo về cố thổ.

Nhưng thân thuộc bạn bè nàng và cả cơ nghiệp tổ tiên hãy còn trên đất này, nàng là đứa con độc nhất của cha, nếu nàng đi, căn nhà này rồi sẽ ra sao?

Nay nàng đã tuổi đôi tám, ông Lý tuy không bắt nàng gả chồng nhưng rốt cục cũng chẳng phải muốn nàng cứ mãi ở vậy, còn đã sinh ý kén người về ở rể.

Nàng không muốn gả chồng.

Lý Cảnh không rõ bản thân đang băn khoăn cớ gì, nhưng quả thật nàng không muốn thành hôn.

Mọi đề nghị của cha nàng luôn gạt chối, chỉ rằng: “Hiện giờ thời thế bất ổn, có ai hay rõ chuyện ngày mai. Vẫn nói phu thê như chim cùng rừng, đại nạn đường ai nấy bay. Nếu một ngày nhà chúng ta xảy ra cơ sự, sợ rằng họ sẽ còn hút máu nhà mình thế nào không biết nữa kìa.”

Ông Lý thấy nàng xưa nay có chính kiến, bèn không nhiều lời. Biết bao tấm gương các nhà kén rể gặp cái kết thảm thê hãy bầy hầy ra đó, nếu quả cùng đường, thôi cứ chọn một đứa trẻ từ nhà thân thích cơ khổ nào đấy cho Lý Cảnh nhận làm con thừa tự cũng không phải không thể.

Lý Cảnh biết ơn trước sự cởi mở của ông Lý, trong dạ biết thực chất cha mẹ muốn trông nàng có một tấm chồng. Cha mẹ già rồi, dầu bảo vậy song xét ra vẫn ngóng ngày được ôm cháu ngoại, không muốn con gái thành bà cô già, thậm chí cô quả suốt kiếp.

Nhưng bí mật của nàng lại không thể tỏ bày cùng ai.

Có lẽ nàng nên nhân khi còn sớm mà dứt đoạn ý nghĩ viển vông không nên có.

Nếu sáu năm trước không gặp người ấy thì hay rồi. Nàng sẽ lớn lên như một người bình thường, lấy một người không quen biết, quán xuyến hàng vải của họ Lý, sống qua một đời.

Mồng 3 tháng 5 năm Sùng Trinh thứ mười bảy, Phúc vương Chu Do Tung đăng cơ, lập ra triều Nam Minh(1), đổi niên hiệu thành Hoằng Quang, là năm Hoằng Quang nguyên niên.

(1) Chương trước có chú Chu Do Kiểm là vua cuối của nhà Minh, nhưng thực chất khi đăng cơ Chu Do Tung (em họ Chu Do Kiểm) vẫn giữ nguyên quốc hiệu Đại Minh. Cái tên triều Nam Minh do sử sách về sau gọi để phân biệt, do khi ấy Chu Do Tung đã chạy về Nam Kinh (kinh đô thứ hai và cũng là kinh đô dự phòng của nhà Minh) và lên ngôi ở Nam Kinh. Nhà Nam Minh chỉ còn trấn thủ một vài khu vực phía nam Trung Quốc.

Rốt thì gương mặt cha đã sáng sủa lại, bầu không khí trong huyện Nghi cũng trở nên thanh thản.

Phía nam nay tạm coi là an ổn, ai nấy đều ngóng trông triều đình có thể vực dậy Đại Minh, lên bắc kháng Thanh.

Buổi chiều nắng đẹp, Lý Cảnh ngồi trên tảng đá, ném đá vụn xuống lòng ao.

Nàng biết Tắc Duy cảm nhận được.

“Tắc Duy, ra đây đi, em có lời muốn nói với anh.” Lý Cảnh uể oải không tươi tỉnh nổi, “Đừng nấp nữa, chẳng vui gì cả.”

Giao nhân tung mình nhảy khỏi mặt ao, Lý Cảnh ngồi trên tảng đá cùng cậu mắt đối mắt. Nam nữ phải giữ giới hạn, lúc này nàng lại tự hiểu thấu.

Dường như những năm gần đây cậu đã cao hơn thuở mới gặp khá nhiều, mắt, mày cũng đẹp đẽ hơn cả, Lý Cảnh nom mà chộn rộn mơ màng.

“Em chịu đi với anh rồi?” Cặp mắt giao nhân ràng chặt quanh nàng như thú săn rình rập con mồi.

Lý Cảnh không dám để mắt chạm mắt cậu.

“Tắc Duy, anh vẫn nên về quê sớm đi.” Lòng mơn man hãi sợ, nàng không dám thốt ra câu nói ấy.

“Cảnh không đi cùng anh? Cảnh phải đi với anh, nơi ấy cơ man là châu báu, Cảnh sẽ thích. Cảnh cũng sẽ có rất nhiều những đứa trẻ đáng yêu với anh.” Cặp mắt màu lam của giao nhân cứ ngày một thẫm tối những năm nay, đã gần với màu biển cả.

Móng tay Lý Cảnh cắm ngập vào lòng bàn tay rưng rức. Nàng cố nén cơn nghẹn ngào, vờ như bình tĩnh chống chế: “Nhưng chúng ta không thích hợp.”

“Lòng anh có Cảnh, chẳng lẽ Cảnh không như thế? Mà đã như thế, cớ gì chúng ta lại không thích hợp?” Giao nhân không sao hiểu nổi. Muôn đời giống loài cậu đều như thế, tìm được người mình thích, họ sẽ rời khỏi bộ tộc sống tựa vào nhau.

Lý Cảnh không đáp. Nàng không đáp nổi, không thể hồi đáp.

“Vậy tức em ghét anh!”

“Không phải!”

“Thế là vì cớ gì?!”

Giao nhân vươn tay kéo nàng xuống nước: “Rõ là trong lòng Cảnh có anh!”

“Trán em đã hòa tan vảy anh, giờ em có thể hít thở bình thường dưới nước. Đừng sợ…”

Níu lấy chút tỉnh táo cuối cùng, nàng nói vào tai Tắc Duy: “Cho em lên đi, xin anh, xin anh đấy.”

Tắc Duy vừa xót xa lại vừa tức giận, bế nàng ngoi lên mặt nước, đặt cẩn thận trên tảng đá, lại miết thẳng nếp nhăn nơi váy áo nàng, chải lại tóc tai nàng ngay chỉnh.

Đêm về gió lạnh, trăng sáng mới nhú.

Tắc Duy lo nàng trở ốm, hong khô váy áo nàng mới bỏ đi.

Quá lắm cậu lại chờ đợi bên nàng, chừng vài năm là nàng sẽ mủi dạ, chịu về với cậu thôi.

Gần cả ngày không thấy bóng Lý Cảnh, họ Lý đang lấy làm lạ lùng. Ngay lúc nóng ruột lo con gái chạy đâu không biết, Lý phu nhân nghe tiếng vú nuôi từ vườn sau vọng về: “Tìm được rồi! Tiểu thư đang nằm ngủ trên tảng đá!”

Trong mơ màng loáng thoáng gương mặt vú nuôi, Lý Cảnh dụi vào tay bà nhõng nhẽo: “Đau, nặng đầu, muốn ngủ…”

“Ôi chao bà cô nhỏ của vú ơi, tiểu thư hứng gió lâu như thế không nhức đầu mới là lạ đấy. Mau dậy đi, về phòng rồi ngủ, còn nằm đây nữa thì sẽ nhiễm phong hàn mất!”

Lý Cảnh ôm cái đầu nặng trịch về phòng nằm một lát. Lý phu nhân rờ trán nàng thấy không phát sốt, bấy mới yên cái dạ đang thắt lại, cho người lấy thêm tấm chăn, đắp một đêm cho ra mồ hôi là sáng mai sẽ khỏe lại.

Bữa nay nom con bé này tội nghiệp vậy, thôi thì để mai hẵng răn cũng chưa muộn.

Lời tác giả:

[…] Một số sự kiện lịch sử đề cập trong truyện là thông tin thực tế và có thể tra cứu, tuy vậy địa danh thì đôi chỗ đã được sửa đổi ít nhiều. […]

Linh ta linh tinh:

Phần lời trăng trối của Sùng Trinh Đế Chu Do Kiểm, thực ra tớ không dịch ra dạng văn như thế nổi đâu. Đoạn đấy là chép từ trên mạng, nhưng chẳng tìm thấy nguồn dịch từ ai nữa.

Mà có ai để ý không nhỉ, khả năng là trong chương này có một cảnh H ẩn đó:3