[Hệ Liệt Bệnh Kiều] Ao Thần

Chương 6: Ngược dòng (5) – Cách tuyệt



Mấy hôm trước Lý Cảnh theo mẹ lên phố, ghé tiệm trông việc làm ăn, trên đường bị một ông lão chống gậy lưng còng mù mắt nắm góc áo kéo lại.

Bên mép ông lão chảy nước dãi, cặp mắt chỉ còn độc tròng trắng.

Lý phu nhân giật thót, suýt đã đuổi phứt đi.

Lý Cảnh từng theo cha gặp nhiều cảnh đời, cảm thấy ông lão này có điều kỳ lạ, cất tiếng hỏi: “Cụ à, cụ có việc gì sao ạ?”

Cặp mắt ông lão không có tiêu cự. Ông nói với giọng bí hiểm: “Nghiệt duyên thông bốn kiếp, bên nước có người si. Không làm người huyện Nghi, không gặp ao nhà Lý. Mười tám bình an qua, ngày sau phúc lộc đến.”

Lý Cảnh khiếp hãi, không dám kể rõ, kính cẩn vái lạy.

“Đa tạ tôn trưởng chỉ dạy, hậu sinh đã hiểu.”

Ông lão khua gậy chống lộc cộc đi xa, khuất dạng trong đám đông.

Lý phu nhân đứng bên nom mà đầu đặc quánh như sương che mây phủ, cau mày khẽ giọng hỏi con gái: “Có chút thần thông, nhưng ao nhà chúng ta cũng được coi là chốn đất lành có tiếng trong vùng, không biết là rắp tâm gì đây.”

Lý Cảnh nom theo tấm lưng ông lão, chậm chạp quay đi, dạ xáo xào tính toán, mười tám tuổi ư? Khắp cõi thiên hạ không đâu không là đất của vua, mà tổ tiên nàng thì đã cắm dùi huyện Nghi nhiều đời, nàng có thể chạy đi đâu được?

Chạy, chạy được người, không chạy được số mệnh.

Giả mà thoát được số mệnh, đã chẳng có cuộc gặp trời định giữa nàng và Tắc Duy.

Nghiệt duyên.

Độ này Tắc Duy tốt tính tới lạ lùng. Nàng biết rõ vì cớ làm sao.

Cái lần điên cuồng dưới nước suốt chiều tối hôm ấy đã chặt đứt mọi ý định thành thân của nàng, cũng khiến Tắc Duy tưởng rằng rồi sẽ có ngày nàng mủi lòng đổi ý.

Ấy là hồi ức điên loạn nàng không muốn nhớ lại.

Đã không thể thay đổi gì được nữa.

Muốn đi ư? Không thể được.

Nơi này là số mệnh của nàng. Nàng đi rồi, tâm huyết nửa đời của cha sẽ tiêu tan, mẹ lại càng chưa biết sẽ thừa nhận cú sốc này thế nào. Khiến một gia đình êm ấm người người ngưỡng mộ phút chốc tan tành, dẫu có chết nàng cũng không thể làm ra cái việc bất hiếu nhường ấy.

Tha cho nàng đi, nàng đã mệt thật rồi.

Đêm nay, đợi ai nấy ngủ cả, Lý Cảnh rón rén bò dậy men ra bờ ao.

Nàng hít sâu, định gọi tên giao nhân nhưng con chữ cứ mắc mãi cuống họng không thoát được. Nàng thử lại, cả hơi thở phà ra cũng run run.

Không thể bình lặng, không thể lý trí, không thể tỏ bày.

Sau mấy hơi thở, tự lúc nào mặt đã nhòe nước mắt.

Nước ậng mắt không trông rõ sắc đêm và ao nước trước mặt, cũng trông nhòe đường lối cõi đời.

Không muốn trông rõ.

Giao nhân ắng lặng ngoi lên mặt nước, nhìn xuống nàng đang co chặt. Cậu đã trông thấy nàng tới từ ban nãy, đang hân hoan chờ nàng gọi tên mà mãi chẳng chờ đặng, thấy nàng tự ôm mình co ro như phải lạnh rồi chậm rãi ngồi xuống, bấy mới bơi từ đáy nước bơi lên.

Giao nhân cảm nhận được ý đồ của Lý Cảnh.

Không ai cất tiếng.

Chốc lát sau, Lý Cảnh bình tĩnh lại, không ngẩng đầu, giọng đặc nghịt: “Em nghĩ rồi, em không thể đi với anh.”

Giao nhân lặng im, bất động, thậm chí không một biến đổi trên nét mặt.

Lý Cảnh thử nói tiếp: “Anh nên về quê rồi, nơi này không còn yên ổn được bao lâu.”

Giao nhân không nói không rằng.

“Đừng trở lại.”

Mấy câu nói thốt ra, nàng cảm tưởng đã dùng kiệt sức lực, nay mệt nhoài chỉ muốn ngủ ngay tức khắc, tạm coi từ năm Sùng Trinh thứ mười một tới nay là một giấc chiêm bao. Nay chiêm bao xong rồi, nàng đã tỉnh mộng.

Nàng đứng dậy, che mặt bỏ đi.

Cái giọng nhẹ tênh của giao nhân vọng tới từ sau: “Lý Cảnh, em đứng lại.”

Nàng nên đi thôi, Lý Cảnh nghĩ, nhưng hai chân lại không sao nhấc nổi. Đi đi chứ, mau lên, đừng quan tâm anh ấy nói gì, dừng ở đây thôi.

“Bỏ tay xuống, quay đầu lại.” Giọng nói giao nhân hãy êm tai không đổi, chỉ là nay đã lạnh như băng giá, “Nhìn anh.”

Lý Cảnh gian nan quay lại. Nàng hiểu rõ rằng nếu có thể, giao nhân đã muốn cắn xé nàng bằng hàm răng nhọn sắc.

Người run lên, nàng chạm vào mắt Tắc Duy.

“Anh là trò cười ư? Sáu năm nay em coi anh là cái gì, món đồ chơi giết thời gian ư?”

Một giọt nước mắt lại lăn dọc má phải. Lý Cảnh nghĩ, còn đòi kế thừa gia nghiệp kia đấy, rõ là vô dụng hết cứu.

“Em nói đi chứ, Lý Cảnh.”

“Dạy anh tiếng nói, lại gần anh, ôm anh… Chọc ghẹo anh rồi lại hối hận? Em đúng là tốt bụng đấy Lý tiểu thư à.”

Lý Cảnh nhìn cậu, mắt nhòe lệ mà miệng mỉm cười, biết rốt thì mục đích của mình đã đạt được. Thứ nàng muốn chặt đứt, tới hiện tại đã gãy gọn không thể nối hàn.

Âu thế cũng tốt.

“Anh những tưởng em đã là người của anh, có lẽ rồi sẽ mềm lòng mủi dạ đấy. Tiếc thay trái tim khôn ngoan hiểu lẽ của Lý tiểu thư chưa từng đặt tại nơi anh, nói gì chuyện mủi lòng.” Tắc Duy đắm mình trong ánh trăng, lớp vảy bạc phản chiếu luồng sáng nom hệt một vị thần, khuôn miệng lại thốt ra những lời độc ác.

“Anh đành tốt bụng nói cho Lý tiểu thư một câu, giao nhân ấy mà, ghét nhất là trói buộc, sẽ không ở lâu tại một nơi nào trừ hang động của bản thân. Nếu không còn thứ đáng để chờ đợi, giao nhân sẽ không quay về nữa.”

Ấy là lần cuối Lý Cảnh gặp cậu ở kiếp này.

Ngày 15 tháng 5 năm Hoằng Quang nguyên niên, Nam Kinh rơi vào tay giặc.

Ngày 22 tháng 5 năm Hoằng Quang nguyên niên, hoàng đế bị bắt, đưa lên kinh thành xử trảm, chấm dứt niên hiệu Hoằng Quang.

(1) Chú thích của tác giả: Năm đầu tiên Hoằng Quang lên ngôi vẫn là năm Sùng Trinh thứ mười bảy (1944), tới năm thứ hai sau khi kế vị (1945) mới bắt đầu dùng niên hiệu Hoằng Quang.

           

Không người tiếc than, những sự xa hoa dâm dật trong cung Hoằng Quang Đế kia đã lan khắp mọi ngả.

“Án Đồng phi”, “Án đại bi”, “Án Thái tử” từ lâu đã thành đề tài câu chuyện khắp đầu đường cuối ngõ. Dân chúng đã chết lặng, đang nhẩm ngày đếm tháng xem thời đại trị vì bấp bênh của Hoằng Quang có thể cầm được mấy chốc trong cảnh tửu sắc hoan ca, được còn mấy hôm nữa thì thành nô lệ mất nước.

Chút hi vọng ít ỏi lúc mới đầu nay đã vỡ vụn, nát nhừ.

Lý Cảnh rạp người trên tầng hai cửa hàng, dõi trông về phương bắc. Dưới tầng, dân chúng vẫn sinh sống chẳng khác gì bình thường, nếu không vì không khí căng thẳng quanh quất, kể lại không mấy khác những năm trước kia.

Mắt nàng nào có trông được tới chốn kinh thành. Từ bé nàng đã nghe cha kể nơi ấy là chốn thú vị nhất, sầm uất nhất dưới gầm trời này. Ở nơi ấy có thể gặp gỡ đủ kẻ kỳ nhân dị sĩ, một miếng ngói bất kì rơi xuống cũng có thể đập trúng bậc quyền thế giẫm chân là đất bằng rung chuyển.

Còn bây giờ?

Nàng nhìn về phương bắc. Núi xanh ngút ngàn vây bọc huyện Nghi, thậm chí chẳng thể trông tới ranh giới Chương Châu nơi mà huyện Nghi phụ thuộc. Mắt nàng không trông tới được nơi xa hơn, không thể rồi.

Dưới tầng vọng lên tiếng Lý phu nhân gọi nàng ra xem vải. Nàng vâng dạ, gạt thanh chống cửa sổ đứng dậy xuống tầng.

May là anh ấy đi rồi, đi rồi thì tốt. Lý Cảnh mò lấy “nước mắt giao nhân” trong túi hà bao đặt trên bàn tay đảo nghịch. Đây là viên ngọc trai Tắc Duy tặng nàng năm mười ba tuổi, bấy nay luôn tỏa sáng lấp lánh, tuy vậy từ khi giao nhân đi đã không còn bóng bẩy rạng rỡ như ngày nào.

“Lề mề cái gì nữa! Tốt xấu cũng sắp thành bà chủ rồi, con để tâm tí đi chứ!” Dưới tầng, Lý phu nhân đang giục giã.

Nàng tỉnh táo lại, trả lời: “Ôi, đừng giục nữa, con đang xuống đây.”

Không ai biết rằng cùng thời điểm ấy, một chốn thiên đường phương nam cách họ bốn ngàn dặm đã hóa một tòa thành chết.

Không ai biết rằng, sự kiện này còn phải ắng lặng mấy trăm năm, chờ đợi một vị chí sĩ cách mạng từ hải ngoại mang theo đoạn lịch sử đã được cất công che đậy này, mang theo mối thù “mười ngày không ngơi đao, lấy mạng tám mươi vạn”, cho triều Thanh bấy đang sắp tàn lụi một mồi lửa thiêu đốt.

(1) Sự kiện thảm sát Mười ngày Dương Châu (Dương Châu thập nhật), con số tám mươi vạn (tám trăm ngàn) người chết trong cuốn ghi chép Dương Châu thập nhật kí tới nay còn là điều tranh cãi, cho rằng nó đã được phóng đại. Thời Thanh, sách viết về vụ việc này bị cấm lưu hành, cho tới thời cuối Thanh cuốn Dương Châu thập nhật kí mới từ Nhật Bản truyền về lại Trung Quốc. Những tài liệu về vụ việc về sau được sử dụng để chống lại nhà Thanh trong thời kì Cách mạng Tân Hợi (1911).

Trước khi thành phá, quan viên Dương Châu hay tin, nhưng cho đến hơi thở cuối cùng vẫn thề cùng sống chết với tòa thành.

Sau khi thành phá, tri phủ Nhậm Dân Dục vận triều phục mũ mão, ngồi giữa công đường, ung dung đợi chờ quân dịch, trước khi hi sinh để lại một câu “Đây là đất ta, ta tất phải chết ở nơi này” (thử ngô thổ dã, đương tử thử). Những việc khẳng khái bi tráng tương tự càng không kể xiết.

Ngày 25 tháng 5 năm Hoằng Quang nguyên niên, Sử Khả Pháp cùng các quân tướng còn lại, trừ kẻ quyết tử chiến đấu mà vong mạng trên phố, thảy đều tự sát tuẫn quốc, Dương Châu thất thủ.

Quân Thanh vào thành, cướp giết rồi phóng hỏa đốt hết thành tro, mười ngày khiến thành hoang phế. Xác chết ngập đường, tay, chân chồng chất, xác chết lấp kín kênh rạch, nhuộm nước thành một màu ảm đạm.

Nỗi oan khuất bị “án văn tự” vùi sâu bụi bặm, phiêu bạt hải ngoại.

Rốt thì thanh trảm đầu đao bắt đầu tiến xa hơn về mạn nam.

Tháng 6 năm Hoằng Quang nguyên niên, tướng đầu hàng dẫn quân Thanh vào Xương Châu, Xương Châu thất thủ.

Huyện Nghi phụ thuộc Chương Châu, cùng một tỉnh với Xương Châu. Khủng hoảng bắt đầu lan rộng.

Mấy nay việc làm ăn của hàng vải không được tốt lắm, Lý Cảnh đang gảy bàn tính đối chiếu thu chi. Dân chúng bắt đầu tính toán đường ra, có người chạy vào núi sâu, có kẻ di dời cả họ, tất nhiên phần đa vẫn bất động chờ biến như nhà nàng.

Già trẻ còn đây, nào ai lại mong bỏ quê xa xứ, làm một vong hồn tha hương không rõ chết tại nơi nào?

Trên đường trộm cướp giặc cỏ đếm không xuể, người bình thường có thể đi bao xa, có chăng giữ được tính mạng?

Nghe tiếng ông Lý ra ngoài đã trở về, đang bàn bạc chuyện gì với mẹ ở nhà trước, nàng đặt sổ sách xuống ra nghe tin tức cha mang về.

Tin tốt cũng vậy, tin xấu cũng thế, cuộc sống vẫn phải tiếp tục.

Sau tháng 6 nhuận năm Hoằng Quang nguyên niên, tin tốt không nhiều, duy nhất khiến người ta phấn chấn là tân đế mới đăng cơ là vị vua tốt chăm lo việc nước, muốn kháng chiến chống Thanh, ý đồ khôi phục thiên hạ Đại Minh, đổi niên hiệu thành Long Vũ.

Phấn chấn chưa lâu, vụ thảm sát “Gia Định tam đồ” khiến người nghe khiếp hãi đã rửa sạch mọi điều mừng rỡ.

Ông Lý nghe đằng sau có tiếng bước chân, ngước nhìn, thấy là con gái, lại nói tiếp với phu nhân: “Mấy ngày tới chúng ta dọn dẹp lại nhà cửa phòng ốc, thứ gì không cần thì bỏ hoặc bán đi, tiền mặt có thể dùng đem đi đổi hết thành lương thực. Đừng mua nhiều một lần, khiến người ta sinh nghi mà gây ra hoảng loạn. Đổi tiệm mà mua, mỗi ngày bà với Cảnh Nhi hoặc người tin được trong nhà lại luân phiên nhau ra mặt.”

Lý phu nhân nhìn chồng thấy lạ: “Ông định… đầu cơ tích trữ?”

Ông Lý lắc đầu: “Con buôn cũng có đạo nghĩa. Giả tôi làm vậy, ngày sau tôi già rồi, tổ tiên sẽ không tha cho.”

Ông Lý quay sang nhìn Lý Cảnh. Lý Cảnh vội nói: “Con gái tất nhiên cũng không làm vậy! Tài của kiếm được trong nạn nước đều là mạng người, phát tài mà phải yểu thọ, xấu hổ với tổ tông!”

Ông Lý gật gù khen ngợi.

Bấy giờ là tháng thứ 8 năm Hoằng Quang nguyên niên, Cát Châu kế cận Chương Châu lại truyền tin gặp nạn, lần đầu tiên cái chết phủ lên huyện Nghi gần tới thế.

“Đánh tới chỗ chúng ta chỉ là chuyện hoặc sớm hoặc muộn, tích trữ trước là việc không hại, nhỡ thật sự thành bị bao vây, tốt xấu cũng không tới nỗi làm ma chết đói. Nếu có thể, có khi còn quyên góp được một ít.” Ông Lý buôn bán nửa đời người, nay tuổi đã lớn, trông nhiều việc đời, làm gì cũng có lý lẽ riêng.

Lý phu nhân lưỡng lự tiếc nuối, dẫu gì có một phần tiền là để phòng lúc nguy cấp, còn một số khác là của hồi môn bà để giành cho con.

Lý Cảnh ngồi xuống cạnh mẹ, khuyên can: “Thời thế giờ khác rồi, mà tiền đến cùng luôn kiếm về được. Cha nghĩ quả không sai, mẹ đừng xót của nữa.”

Lý phu nhân ôm con gái xót xa, trừng ông Lý trách móc: “Lần này tôi tin ông, hồi môn của tôi năm xưa tôi còn lấy ra bán được, thôi thì không tính toán chuyện này, ngày sau ông phải bù hết phần của Cảnh Nhi lại.”

“Được được được, phu nhân nói gì cũng có lý.” Ông Lý luôn mồm tuân theo.

Lý Cảnh mơn trớn “nước mắt giao nhân” mất sáng cách lớp túi vải.

Nàng dõi ra khoảnh vườn nho nhỏ, Tắc Duy giờ đang ở nơi đâu? Có chăng đã về cố hương rồi?

Ngày sau ấy, sẽ là bao lâu nữa đây?

Lời tác giả:

Phát hiện một truyện ngắn dễ thương của mị đã phải chịu tải khối lượng lịch sử nó không nên nhận orz

Không làm loãng tình tiết, nhưng viết nhiều vậy… Thực ra mị còn đã rút gọn rồi đó mấy thím tin không huhuhuhuhu

Truyện trước “Phong cảnh ngoài cửa sổ” đã viết xong, mị cảm thấy nhân ngư truyện này sắp “đen” rồi

Không ngờ nổi, còn có thứ đen nhanh hơn cả nam chính, là thời đại (nhỏ giọng: mị sai rồi)

[…]

Nam chính không có “đen” nhanh như thế, nhưng đã bắt đầu rồi, cái đen của bạn ý là cả một quá trình, *nhe răng

[…]