Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 2 - Chương 5



Đăng Khoa tuy được dưỡng dục trong gia thế thần tướng, tu luyện võ công từ nhỏ nhưng không phải vì thế mà trở thành khô khan, lạnh lùng. Tâm hồn ấy vẫn có khi bay bổng, mơ mộng theo tiếng nhạc, điệu sáo. Bạch long này rất thích thổi sáo, nhất là từ khi Ngọc My xuất hiện tiếng sáo càng réo rắt, du dương, ru lòng người.

Rồi gần đến dịp sinh nhật bạch thố đáng yêu, sợ tặng quà hiện vật trước mặt mọi người sẽ khiến Ngọc My bị soi mói, bạch long sau mấy hôm đắn đo đã quyết tặng người ta bài sáo làm quà. Muốn biến nhạc thành quà tặng dĩ nhiên phải luyện tập cho thành thạo, bởi vậy rồng con đi quanh quất cố tìm cho được chốn kín đáo để dạo khúc sáo. Tìm chừng canh giờ, Đăng Khoa chợt phát hiện một gốc cổ thụ um tùm nơi khá vắng người qua lại. Đang định ngồi xuống giữa đám rễ cây chằng chịt thì bất thần phía bên kia thân cây, những thanh âm khi trầm khi bổng, lúc não nùng lúc trong trẻo, lúc âu sầu khi lại đầy hân hoan, cứ thi nhau vọng vào tai bạch long. Len lén nhìn ra sau mới thấy thật là duyên kỳ ngộ, rồng nhỏ nhận ra hươu con bị ném đá mấy ngày trước đang chơi đàn tranh, có cả sư muội kỳ lạ của hắn. Vốn tính hay trêu người khác, thấy hươu sao chơi đàn Đăng Khoa liền chen ngay vào mấy tiếng sáo cốt quấy nhiễu người ta. Nhưng hươu con cũng không vừa, tài nghệ càng chẳng phải tầm thường, Đăng Khoa thổi cao quãng nào, hắn cũng chơi đàn được cao đến quãng đó, tiếng sáo thấp đến đâu tiếng đàn cũng xuống thấp theo đến cùng, âm sắc hòa quyện không chênh lấy một cung. Cuối cùng rồng nhỏ đã biết hóa ra hươu con này rất giỏi âm luật. Đến đây Đăng Khoa mới ngồi xuống hỏi thăm tên họ hươu sao, sau dăm câu thì biết hắn tên Tỉnh Vĩ, còn sư muội tên Đường Lệ - thần tiên của nắng nên vóc dáng có tí dị thường. Hai anh em đấy đều là tiểu tiên học việc ở Y Viện. Trò chuyện hồi lâu, xem ra cũng có vẻ hợp ý nhau, Tỉnh Vĩ bắt đầu xa gần hỏi thăm về hắc long hôm trước đi cùng rồng trắng.

Tảo Triều vốn chẳng yêu thích gì cầm ca sáo nhị, hơn nữa tập sáo tặng bạch thố mà dẫn theo con rồng đó thì khác nào rước tiếng cười nhạo nên hôm nay chỉ có mỗi mình Đăng Khoa lang thang ra đây. Nhưng lời hỏi thăm vô tình khiến bạch long nghịch ngợm nảy ra ý nghĩ tinh quái trêu hắc long mà đâu lường trước bản thân đang vô tình gây nên câu chuyện bi thương dai dẳng đến tận sau này.

...............................................

- Đăng Khoa! Anh bịt mắt em đưa đi đâu vậy? - Tảo Triều bị bịt kín hai mắt, chân lò dò bước theo hướng dẫn của Đăng Khoa.

- Cứ đi theo thôi! Anh có quà cho em.

- Nhưng chưa đến sinh nhật em mà, anh có nhầm với sinh nhật bạch thố của anh không đấy. Đăng Khoa? Anh đâu rồi?

Tảo Triều huơ huơ hai tay trong không khí, miệng gọi thất thanh khi bằng hữu không đáp lời. Định tháo khăn bịt mắt ra để mắng Đăng Khoa vì tội đùa dai, thì bỗng có ai đẩy thật mạnh từ đằng sau, Tảo Triều cứ thế lao về phía trước. Ngỡ sẽ ngã sấp xuống nền đất cứng lạnh, chợt hắc long bám phải thứ gì đó vừa mềm vừa ấm. Nghĩ là Đăng Khoa, rồng đen giật vội khăn che mắt, đưa tay lên định đánh bằng hữu cho hả giận nhưng bàn tay mới vung lên đã đứng sững, lơ lửng... Đâu phải Đăng Khoa, Tảo Triều đang ngã vào lòng một hươu con - hươu con hôm trước. Hươu sao cũng tròn mắt ngạc nhiên, tay gãi gãi đầu, môi nở nụ cười ngu ngơ, nét mặt chẳng giấu nổi thẹn thùng. Hôm qua chỉ hỏi Đăng Khoa việc hắc long nhỏ, chứ hắn nào cần gửi đến tận nơi theo kiểu này. Tảo Triều nhìn vào mắt hươu sao, cứng đờ cả người, bốn mắt nhìn nhau mà tuyệt nhiên không ai mở một lời. Lúc này Đăng Khoa mới từ phía sau bước đến cười khì khì.

- Tỉnh Vĩ! Đã đúng người cần tìm chưa? Ha Ha!

Tiếp theo rồng trắng còn ranh mãnh thì thào vào tai Tảo Triều.

- Người ta cũng để ý em đấy còn không mau tranh thủ.

Lời nói quá nhỏ Tỉnh Vĩ không nghe được gì chỉ thấy hắc long cầm chuôi kiếm gõ gõ mấy cái vào đầu Đăng Khoa.

Từ đấy một mối tình bằng hữu được hình hài giữa bốn tiểu tiên, các thần tiên nhỏ tuổi chẳng biết câu nệ tiểu tiết, chẳng xem trọng xuất thân, chỉ mong đừng phản bội nhau đã có thể nên nghĩa sinh tử chi giao. Nơi cánh đồng lau trắng lần đầu giao ngộ, bốn tiểu tiên nguyện thề trước nhật nguyệt đất trời mãi mãi là huynh muội vạn kiếp không chia lìa.

Bốn huynh muội kết nghĩa chiều chiều lại tìm đến bên nhau, kẻ đánh đàn, người thổi sáo, người lại vẽ tranh. Đăng Khoa và Tảo Triều dạy Tỉnh Vĩ và Đường Lệ yếu ớt vài thế võ phòng thân nhưng có vẻ hai thần tiên mảnh mai này không nhập tâm được bao phần. Tỉnh Vĩ cũng bày vẽ lại cho Đăng Khoa chơi đàn tranh dù bạch long cứ càu nhàu đánh đàn tranh đau hết mấy đầu ngón tay, chẳng nhẹ nhàng giống dùng sáo. Có những trò vui vẻ, cũng có những cuộc vui làm người ta phát điên như lúc Đăng Khoa muốn cho lửa gần rơm mới vẽ trò vờ làm lễ cưới hỏi cho Tỉnh Vĩ và Tảo Triều. Lần ấy bạch long bị đánh thâm cả người mà đâu biết có hai kẻ lòng cũng thầm mong đến ngày được thật sự cùng nhau nâng chén giao bôi.

Gió lướt qua đồng lau trắng không trở lại, mây trời bay hoài không nghỉ, mấy vạn năm trôi qua các tiểu tiên đều thành thần tiên cao lớn, chững chạc, chẳng còn bóng dáng đám nhóc đùa giỡn, chạy núp dưới bóng hoa lau. Lời Tảo Triều hỏi năm xưa, Đăng Khoa đã đủ trưởng thành để trả lời, đúng là Đăng Khoa yêu bạch thố Ngọc My, yêu tận đáy lòng, nhất định sẽ có ngày cho bạch thố đáng yêu đấy có danh phận đường đường chính chính.

Tình yêu bắt đầu từ những ngày Đăng Khoa lén lút nhìn theo bóng Ngọc My bên ngoài song cửa, dưới ánh trăng mờ nhập nhòe sau mây. Sau bao năm bạch thố vẫn làm tỳ nữ cho trưởng tử nhà bạch long tướng quân, một tỳ nữ được trả công bằng... trái tim thiếu gia trọn một đời. Thường canh ba nửa đêm, Ngọc My vẫn chưa được nghỉ ngơi vì còn phải làm chút việc mọn như chẻ củi hoặc tranh thủ giặt vài bộ y phục. Nhiều đêm trời trở gió, Đăng Khoa nhói cả tâm can khi nhìn người ta quần quật với mớ việc ngổn ngang chồng chất, càng lo thỏ trắng cứ thế, nhỡ đổ bệnh thì rồng con chắc chẳng an lòng được.

Đến một tối, không còn chịu nổi, bạch long chạy hẳn ra ngoài phụ thỏ con làm việc, nếu lỡ bệnh thì cả hai cùng bệnh là xong. Ngọc My lúc này chưa phải là nhân tình của thiếu gia, dẫu lòng có chút xuyến xao nhưng chẳng dám mong ước xa xôi, đành xem tình cảm đấy thành ngưỡng mộ thông thường. Bởi vậy, thấy Đăng Khoa ra giúp đỡ mình thỏ con hoảng hốt bảo.

- Việc này đâu dám để thiếu gia động tay vào, thiếu gia làm thế sẽ khiến em đây bị mắng đấy.

Nhưng Đăng Khoa cười cười đáp.

- Nửa đêm khuya khoắt ai biết mà la mắng, cứ để ta phụ một tay, chứ em cứ miệt mài một mình thì biết bao giờ xong, chẳng nhẽ định thức trắng trọn đêm.

Biết không lay chuyển được bạch long, Ngọc My đành chấp nhận cho người ta giúp chút ít chuyện nho nhỏ... Từ đó không biết tự khi nào giờ tý canh ba thành giờ Đăng Khoa hẹn hò hàn huyên với Ngọc My bên bó củi, chậu giặt. Ban đầu là những cái chạm tay lén lút, những lần làm như vô tình động vào nhau, và rồi khoảng cách giữa cả hai cứ dần dần thu hẹp, chẳng còn phân chia chủ tớ, chẳng hề đắn đo cao thấp, chỉ có hai kẻ... ngã vào lòng nhau. Có thỏ trắng ngây thơ lòng buồn rười rượi nếu đêm nào đó thiếu gia bận học không ra sân, buồn đến áo giặt mãi chẳng xong, buồn tới củi chất lên rồi cũng đổ nghiêng đổ vẹo theo lòng người. Và cũng có rồng con bao đêm nhấp nha nhấp nhỏm lo... tỳ nữ của mình giận bởi trót lỗi hẹn cho người ta chờ, bạch long cũng sợ mình đến muộn biết đâu lại có tên hầu to gan nào chạy đến thế chỗ thì sao. Những cảm giác mong nhớ, giận hờn cứ đan xen lẫn lộn hoài rồi người trong cuộc cũng phải biết đó là yêu.

Dần dần, canh ba nửa đêm, trăng tà từng ngày chứng kiến những cái ôm vội vàng lưu luyến, những nụ hôn ngọt ngào ấm nồng, cùng lời thề ước cả đời sắc son của một mối tình không phân chia sang hèn, chả so đo xuất thân, mối tình đúng nghĩa đến từ trái tim.

Còn Tỉnh Vĩ và Tảo Triều, liệu lời trêu đùa ngày xưa có thành sự thật? Đáp án cho câu hỏi này không đâu xa.

"Hoa lau hay đấy sóng lòng

Yêu ai lau mãi phập phồng chẳng yên?

Giống ta ngày tháng triền miên

Say sưa bóng dáng, lụy mê nụ cười."

Một trong những thú vui khác của bốn huynh muội chính là làm thơ, đây chính là những vần thơ ẩn tình trong tim hươu sao Tỉnh Vĩ gửi đến một người mà ai cũng biết.

Tảo Triều hay hỏi Tỉnh Vĩ vì sao thần giới muôn ngàn hoa cỏ mà chỉ thích làm thơ về hoa lau. Hươu sao đưa tay chạm nhẹ lên đôi lúm đồng tiền bên má hắc long bảo rằng vì hoa lau đưa lối cho tim hắn gặp được lương duyên. Hắn còn bảo thơ hắn làm bao nhiêu chỉ vì Tảo Triều, nếu ngày nào Tảo Triều dứt tình chắc hắn chẳng còn muốn làm thơ.

Đăng Khoa ngồi nghe mà lòng thật ngao ngán, lúc còn nhỏ bốn huynh muội đã thề trọn kiếp bên nhau, sinh tử không rời nhưng có lẽ với lời thề ấy Tỉnh Vĩ chỉ hướng đến mình hắc long. Nhớ có ngày hươu sao này chơi điệu nhạc rất lạ, hỏi ra mới biết hắn cùng Tảo Triều lén xuống trần, vô tình học được điệu nhạc phàm gian. Người trần thường tấu những điệu nhạc như Nam Xuân, Nam Ai,... hoặc Bình Bán, Cổ Bản, ít phổ biến hơn có mấy bài Chánh Oán gồm Tứ Đại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng Cầu. Trong bốn bài Oán, điệu Phụng Cầu Hoàng khá buồn, cung điệu nỉ non, đượm màu biệt ly, vậy mà chẳng hiểu Tỉnh Vĩ thích thú gì điệu nhạc bi thiết ấy để rồi cố học, tấu cho người tình nghe.

Hươu ngốc lúc đầu gây ấn tượng cùng hắc long nữ bởi lòng trượng nghĩa quên mình, sau đó dần dần chinh phục trái tim người ta bằng những bài thơ tình, bằng cung đàn tranh từng nhịp nhặt khoan. Chỉ một bài nhạc nhưng hắn muốn trong trẻo sẽ thành trong trẻo, hắn muốn nhạc hóa u buồn lập tức bao giai điệu nhạc nháy mắt hóa tha thiết sầu não. Cách gảy đàn cũng khác biệt, lúc thì dùng ba ngón tay, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhưng lắm khi chỉ dùng ngón cái cùng ngón trỏ là đủ.

Ngày đầu tiên được hắn chỉ cho vài ngón đàn, Đăng Khoa đã nhận ra huynh đệ kết nghĩa vận dụng âm luật rất lạ, dẫu hắn ta bảo học từ sư đệ đồng môn cốt hạc mới khác bình thường đôi chỗ, nhưng bạch long vẫn nghi ngờ lời nói đó. Bạch long dùng sáo đâu có nghĩa mù tịt về đàn tranh, trong dòng họ rồng trắng, vài chú bác biết dùng đàn, bạch long nghe lỏm cũng hiểu ít nhiều, biết cả cách chơi đàn của loài hạc tiên. Chưa kể sư đệ hạc tiên Tỉnh Vĩ hay nhắc bạch long nào lạ lẫm gì, cũng là bằng hữu gặp nhau thường xuyên. Kẻ đó không hề dùng đàn tranh theo cách mới lạ giống hươu sao, loài bạch hạc chú trọng chơi nhạc theo cung cách truyền thống, có cách tân cũng trong chừng mực, còn hươu ngốc chơi nhạc gần như lạ lùng hoàn toàn, tưởng đâu hắn học đàn tranh từ nơi nào đó tận ngoài thần giới. Cụ thể đánh song thanh dành cho hai dây cùng một lúc thường chỉ dùng cho quãng tám mà Tỉnh Vĩ lại đánh hai dây cùng lúc cho nhiều quãng khác như quãng bốn hoặc quãng năm, thậm chí hắn còn đánh ba bốn dây một lượt tạo thành hợp âm. Còn cả những thủ pháp lạ như vê dây đàn, vuốt, láy rền, đánh chồng âm..., Đăng Khoa thật lần đầu thấy qua.

Hỏi tới hắn cười bảo, mấy ngón đàn hơi lạ đều học từ thân phụ, nơi đây dùng đàn mười sáu dây, riêng quê nhà hắn dùng đàn có thể lên đến mười bảy, mười chín, hoặc hai mốt dây. Nói xong hắn dùng tay trái tạo lên những cách chơi độc đáo như phản đòn hay chơi hài hòa. Hắn biết cả kỹ thuật mượn dây, tay phải gảy dây còn tay trái nhấn sâu, tạo nên cung nhạc khác biệt nhằm chơi những bài nhạc tưởng chừng không bao giờ có thể chơi bằng đàn tranh. Hắn giải thích rằng từng thấy cha tấu nhạc cách này nên mới học theo.

- Cha ngươi hẳn là cầm sư nhỉ, người làm nghề ấy chắc nhẹ nhàng ôn hòa lắm. - Đăng Khoa tò mò hỏi.

Tỉnh Vĩ chợt hồi tưởng về quá khứ, những ký ức về thân phụ lần lượt trôi qua, với hắn ta nếu nói từ ngữ nào trái ngược nhất với bản chất cha mình hẳn chính là nhẹ nhàng ôn hòa.

Tảo Triều không học nhiều về âm luật giống Đăng Khoa, long nữ chỉ thích võ thuật, thích luyện kiếm, hắc long nghe người tình nói về chơi đàn, nhìn người ta chơi đàn thành thạo đủ loại giai điệu càng thêm mấy phần ngưỡng mộ.

- Chàng đánh đàn đi, em sẽ múa kiếm theo tiếng đàn của chàng, lần này không thua nữa đâu.

- Cái đó phải xem em nhanh được tới đâu. Ha Ha!

Tảo Triều múa võ theo tiếng đàn người thương chẳng phải vì đã quen dùng kiếm hay vì không biết những vũ khúc mềm mại giống nữ nhi mỏng manh hiền thục mà bởi với cung đàn của hươu ngốc nếu chẳng múa võ thì ắt không cách múa nào theo kịp. Đàn tranh tuy không thích hợp cho những bản nhạc trầm hùng mạnh mẽ nhưng Tỉnh Vĩ biết cách biến tấu những âm sắc trong trẻo thành dồn dập, sáng sủa thành cuộn trào như sóng vỗ bờ, và Tảo Triều phải biết cách nương tiếng đàn nếu không muốn thua.

Nhìn bên ngoài ngỡ hai người chơi đùa nhưng kẻ từng trải sẽ hiểu hươu sao đang... luyện võ cho người tình. Ngày hắn còn nhỏ đã từng học võ theo cách này, các anh em trong nhà dựa vào tiếng đàn phụ thân tấu lên để thi triển võ nghệ, nhanh chậm theo nhịp đàn, chiêu thức tùy ứng biến miễn không ngã là được, đây là cách luyện tập nhẹ nhàng nhất nên hắn mới dùng với Tảo Triều. Nay hắc long đã quen với cách luyện võ theo cung đàn chứ ngày đầu toàn loạng choạng lóng ngóng, lắm lúc còn ngã lăn quay.

Nhớ thời gian trước hắn còn thách long nữ dùng kiếm tay trái trong khi bịt kín hai mắt, ban đầu nàng cự nự phản đối bảo nhân tình bày trò trêu mình, tuy nhiên hắn nghiêm túc hỏi ngược rằng ở đời cẩn tắc vô áy náy. rồng đen sớm muộn gì cũng phải ra trận, liệu có dám chắc nơi muôn vàn quân địch ấy luôn thuận tiện cho bản thân dùng tay phải, có chắc tầm nhìn luôn thuận lợi. Ngẫm nghĩ lại lời người thương nói đâu sai, Tảo Triều thử làm theo xem sao dẫu việc này khá ức chế, còn gây trầy xước khắp người. Nhưng nhờ kiên trì luyện tập, không ngại khó, từ những phút vụng về dùng kiếm nghịch tay lúc mới bắt đầu, hắc long dần tiến bộ lúc nào chẳng hay, nay nàng dùng kiếm tay trái hoặc phải đều thành thạo như nhau, tưởng chừng không gì làm khó nổi long nữ này được nữa. Giờ nhìn người thương phô bày từng đường kiếm hoa lệ, tự biết ứng biến kiếm chiêu, Tỉnh Vĩ thầm hài lòng nghĩ hẳn nay mai hắc long sẽ thành cao thủ kiếm pháp.

Bỗng Tỉnh Vĩ sực nhớ về thử thách phụ thân từng đặt ra nhằm dạy con cái hiểu võ công không phải lúc nào cũng cần nhanh, phải có lúc nhanh lúc chậm, lúc nhu lúc cương, biết khi nào tiến khi nào thoái. Nghĩ tới bài học đó, hắn ta liền giảm tốc độ đàn xuống dần dần, giai điệu từ từ chậm đi theo từng phút giây, thế nhưng đâu dễ làm khó hắc long, Tỉnh Vĩ muốn chậm đến đâu, nàng sẽ chậm đến đó, chậm tới độ cung đàn không còn khiến nàng bối rối nữa. Và đến thời điểm đó, Tỉnh Vĩ nhấn tay lên dây đàn rồi giữ nguyên cả buổi trời, đương nhiên lúc ấy Tảo Triều cũng phải giữ vững tư thế. Mà hươu sao lại chuyên chọn ngưng lại ngay những khi người tình đang cực kỳ khó khăn để giữ thăng bằng. Y như lúc này, Tảo Triều đang đứng một chân, tay cầm kiếm trong thế giật về sau, đứng tư thế ấy mãi ai chịu cho được, cuối cùng long nữ phải chịu thua trong tiếng cười khúc khích của người tình. Nàng cứ tức giận hỏi Tỉnh Vĩ.

- Chàng cứ thích trêu em, nếu là chàng có làm được không.

Hươu ngốc đương nhiên thừa sức làm, đứng lâu hơn vẫn được nhưng chẳng muốn làm lộ bí mật nên mới nói tránh sang chuyện khác.

- Nàng thua tức là thua, thực hiện giao kết đi.

Long nữ đỏ mặt hôn lên má nhân tình hai cái thật nhanh. Đăng Khoa ngồi bên kia hỏi Ngọc My có muốn làm như thế không, thỏ con nghe vật liền rụt rè cụp hai tai che mắt lại tỏ vẻ chẳng đồng ý, bạch long vuốt nhẹ tai thỏ nhỏ to thì thầm gì đấy mà khi dứt lời bạch thố cũng ngượng ngùng quay đi. Ai cũng có đôi có cặp chỉ mỗi Đường Lệ cô quạnh làm bạn cùng giấy trắng cọ vẽ, lòng thầm hỏi nửa kia của đời mình đang bơ vơ chốn nào, bao giờ thân này mới có tình yêu.

Lúc huynh muội đủ mặt gặp nhau thì chơi đàn luyện võ, lúc hươu sao và hắc long hẹn hò riêng tư lại ngọt ngào, quyến luyến hơn. Tảo Triều thích cùng người tình nằm lên bãi cỏ, vẽ nên tương lai hạnh phúc tràn trề. Hươu ngốc muốn Tảo Triều ngày sau phải sinh cho mình thật nhiều con cái có cả trai lẫn gái, hai người sẽ dạy lũ nhóc con võ nghệ lẫn y thuật, dạy cả âm luật, văn chương. Long nữ hay đùa.

- Nếu sinh thì em chỉ sinh con gái thôi, con gái xinh đẹp giống em, con trai giống chàng thì... xấu lắm.

Tỉnh Vĩ chẳng những không giận hờn trái lại còn cười ha hả đầy thỏa mãn.

- Xấu thì đã sao, xấu nhưng hớp hồn được long thần kia mà, tôi dẫu chả tuấn tú nhưng biết bao giai nhân khen tôi có tài đấy.

Câu này hắc long chẳng phản đối nổi, nàng thực bị hắn hớp hồn, nàng để ý hắn trước rồi thỉnh thoảng nhờ tay Đăng Khoa bày trò câu dẫn. Cứ cho rằng nàng chủ động tán tỉnh hắn thì cũng đâu cần nói thẳng thừng vậy chứ, nàng ta dầu gì vẫn là phận nữ nhi, nói thế thật quá ngại ngần. Long nữ e thẹn đỏ cả mặt, phải dùng hai tay che đi đôi gò má mỗi lúc một hồng hơn. Nhìn nhân tình thẹn thùng đáng yêu đến nhường đó, hươu ngốc thì chẳng nghĩ gì nhiều, lập tức xoay người sang hôn lên môi người thương thật lâu, long nữ cũng không phản đối, cứ nhắm mắt nồng nàn hưởng ứng.