Không Vũ Lực Không Hợp Tác

Chương 20



Rửa sạch cái bát cuối cùng bỏ lên kệ bát đũa, tôi nói với hắn: “Anh về đi.”

Hắn âu yếm nhìn tôi, không nói gì.

“Muốn tôi lặp lại những lời ở sảnh bệnh viện sao?” Tôi nhìn hắn, thấp giọng hỏi, “Chắc họ cũng thuật lại rõ ràng hết rồi mà.”

Nói xong, tôi im lặng, không thuật lại những gì mình đã nói với đám vệ sĩ của hắn lúc trong bệnh viện.

Tôi không muốn nhắc đến những câu đó.

Với tôi, có thể không lặp lại là tốt nhất, đấy không phải thứ làm người ta vui vẻ.

Đối với tôi muốn quên đi quá khứ là thế, mà đối với hắn lần nữa theo đuổi cũng là thế.

Tôi hi vọng hắn có thể tự hiểu ý tôi.

Tôi nghĩ hắn đã sớm hiểu vào lúc tỉnh lại, thuộc hạ chuyển những lời tôi nói trước khi đi, hoặc là trước cả lúc đó.

Chẳng qua là đang giả ngu mà thôi.

Hắn im lặng không lên tiếng, chỉ nhìn tôi, tôi cũng không nói gì, nhưng nhìn nơi khác chứ không nhìn hắn.

Hắn nhìn một hồi, vẫn không nói, sau đấy thăm dò vươn tay lại, nắm lấy tay tôi.

Nắm được rồi, thần thái trên mặt và động tác trên tay hắn đều mang theo sự cứng rắn kiên nghị.

Tựa như nắm được rồi thì sẽ không buông tay lần nào nữa.

Tay hắn rất ấm.

Nửa năm qua, tôi bắt tay với đủ kiểu người, nữ, nam, có phụ nữ xinh đẹp, cũng có đàn ông khí phách, bàn tay hoặc mềm mại hoặc mạnh mẽ, nhưng không cái nào ấm áp như bàn tay này.

Mỗi khi hắn dùng bàn tay hoặc cơ thể to lớn của mình bảo bọc lấy tay hoặc cơ thể tôi, tôi luôn cảm nhận được hơi ấm xung quanh.

Tôi vẫn rất thích.

Thích của ban đầu, ngây ngô mà mơ hồ; thích của nửa năm trước, pha lẫn giữa đau xót và mềm lòng; nhưng bây giờ và quá khứ không còn giống nhau.

Bây giờ tôi bình yên tĩnh lặng, biết tay hắn ấm áp, biết mình rất thích, nhưng, nhưng mà không còn quá lưu luyến.

Giống như sau trận mưa gió, bắt gặp chiếc lá xanh đáng yêu có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu trên phố, dừng lại ngắm nghía nó xong thì tiếp tục bước đi trên con đường của mình.

Giờ đây tôi trải qua quá nhiều, bắt đầu có cuộc sống và địa vị thuộc về riêng mình, đủ để chèo chống cho bản thân.

Tôi nhìn tay hắn nắm siết tay mình, không phản kháng.

Bây giờ tôi có thể dửng dưng không cần phải nói gì vỗ gạt tay hắn.

Nắm tay tôi rồi, hắn không trả lời câu hỏi “Muốn tôi nói lại những lời ở sảnh bệnh viện”, mà chỉ nhìn tôi, dường như không có ý trả lời.

Hắn cứ nhìn cho đến khi tôi cho rằng câu hỏi vừa nãy không quan trọng, thì hắn bất chợt, như thể ấp ủ đã lâu, nói bằng ngữ điệu rõ ràng và kiên định.

Bàn tay đang nắm tay tôi khẽ siết nhẹ, hắn hỏi: “Cho anh một cơ hội nữa nhé?”

Nói xong, ánh mắt nhìn tôi sâu thẳm như nước.

Như có vật gì đấy ấm áp bao quanh lấy tôi.

Tôi quay đi tránh ánh mắt hắn, chỉ có thể thấy một bên vai mơ hồ của đối phương và vách tường nhà bếp của mình.

Không phải tôi trốn tránh tiếp xúc với ánh mắt của hắn, chỉ là thấy không cần thiết giao tiếp bằng mắt như tình nhân.

Cái đấy không thuộc về tôi và hắn.

“Hà tất phải vậy.” Lát sau, tôi khẽ mở miệng.

Tay hắn run lên.

Tôi hít một hơi thật sâu trong lòng, trầm ngâm trong chốc lát, rốt cục vẫn nói: “Vô ích thôi, tôi không còn bao nhiêu tình cảm với anh.”

Tay hắn không nhúc nhích, tôi cảm nhận được ở một bên khác của bàn tay ấy đang run run lên.

Tôi nhẹ nhàng rút tay mình ra khỏi tay đối phương.

Ấm áp đấy, tôi không cần.

“Anh về đi.” Tôi nói.

“Cho anh thêm cơ hội nữa,” hắn khẩn thiết nhìn tôi, “Một lần thôi.”

Tôi từ chối: “Không.”

“Lúc ở trên núi, anh còn tưởng em bằng lòng cho anh cơ hội.” Hắn nói một cách nặng nề, vẫn nhìn tôi khẩn khoản.

Tôi vẫn trả lời: “Không.”

Hắn nhìn tôi thật lâu, trầm giọng kể: “Lúc trên xe cấp cứu, em nắm tay anh, gọi tên anh là khoảnh khắc anh hạnh phúc nhất trong mấy năm qua.”

Tôi lắc đầu, đi qua hắn, bước ra nhà bếp.

Hắn cũng đi theo, tôi tỏ thái độ không muốn nói tiếp nữa, hỏi: “Anh muốn ngủ ở đâu, ở đây, hay là bên ngoài?”

Tôi hi vọng hắn chọn bên ngoài, nên nói nhấn mạnh vào hai chữ “bên ngoài”.

Vậy mà hắn lại nói: “Ở đây.” Còn dịu dàng nhìn tôi, mang theo sự hi vọng tha thiết.

Tôi không nói gì, nghĩ liệu mình có nên ngang ngược mà đuổi hắn ra ngoài không.

Nghĩ một lúc, thấy làm vậy cũng chẳng có ích gì.

Chiếc giường nhỏ ở thư phòng đủ để tôi nằm ngủ, hắn cao hơn tôi, nên tôi sắp xếp cho nằm trên giường của tôi, nhưng nghiêm nghị nói với hắn: “Chỉ cho anh ở lại một đêm.”

Hắn nhẹ giọng đề nghị: “Để anh ngủ ở thư phòng…”

Nói được một nửa thì bị tôi ngắt lời “Anh ra ngoài ở đi”, hắn không dám cự nự nữa, ỉu xìu không vui đi vào phòng ngủ.

Tôi nằm trên giường nhưng không ngủ, chờ hơn hai tiếng, đoán chừng hắn ngủ rồi nên xuống giường đi ra ngoài, đến nhà của một người bạn cũng độc thân, bảo cậu ta cho mình ở ké vào cuối tuần này.

Người trong nhà tỉnh lại thấy căn nhà trống không, chắc chắn sẽ hiểu tôi đang tránh hắn.

Con người hắn, nói chuyện thì sẽ không phân được rõ trắng đen, dùng hành động từ chối mới hiệu quả nhất.

Quả nhiên, tối chủ nhật tôi về, hắn không còn trong nhà.

Tốt lắm tốt lắm. Tôi nhảy lên chiếc giường của mình, ngủ bù lại giấc, hai ngày qua bị bạn bè kéo đi, mỗi ngày phải chơi trò Counter-Strike với cậu ta đến tận nửa đêm.

Đây mới là sinh hoạt bình thường của đàn ông độc thân.

Ngủ một mạch đến khi thức dậy, thấy có một mảnh giấy cạnh gối, bên trên là nét chữ quen mắt, “Cơm tối rất ngon, giường cũng cực thoải mái, cảm ơn, anh yêu em.”

Dấu phẩy sau từ “cảm ơn” lớn đến lạ lùng, nhìn kỹ lại, ban đầu là dấu chấm được đổi sang dấu phẩy, sau đấy là sửa dấu chấm thành dấu phẩy, viết thêm câu cuối vào.

Nhận được mảnh giấy đó, tôi biết có lẽ hắn vẫn chưa tuyệt vọng, nên cũng không mấy bất ngờ khi hắn lại xuất hiện trước cửa nhà mình.

Mặc dù không bất ngờ, nhưng hôm nay không phải cuối tuần, thời gian tôi có thể dành ra để ứng phó với hắn không có nhiều. Vừa tan ca sau ngày làm việc mệt nhọc, chỉ muốn nghỉ ngơi, cả sức lực nấu cơm cũng không có. Lúc nhìn thấy hắn, biết mình phải lên tinh thần để ứng phó, tôi cực kỳ mệt mỏi.

Hắn khác với tôi, giây khắc thấy tôi, mắt hắn tỏa sáng, bộc phát sự vui vẻ từ trong thâm tâm.

Hắn vội vã bước lên, cầm lấy cái túi trong tay tôi.

Tôi còn đang ngớ ra nghĩ mình nhìn thấy hắn thì tâm trạng sẽ kém đi, còn hắn nhìn thấy mình lại vui vẻ như thế. Nhưng người biến đổi sắc mặt rõ rệt là tôi.

Bất cẩn để hắn cầm lấy túi.

Cầm được rồi, hắn cười, hỏi bằng âm điệu rất mềm mỏng, không kích thích đến thần kinh khó chịu của tôi: “Về rồi? Vào chợp mắt trước đi, đến tối mình cùng đi ăn.”

Dường như hắn chỉ cần quan sát tôi một chút thôi là biết tình trạng hiện tại của tôi.

Tôi không còn tinh thần, không nói lời nào mở cửa đi vào.

Nhưng vẫn còn chút sức trả lời hắn: “Không đi, không có công không nhận lộc.”

Hắn im lặng, dẫn tôi đang buồn ngủ đến bên giường, sau một lúc cầm khăn nóng lại lau mặt cho tôi, lau xong, ngón tay ấm áp bồi hồi không buông: “Ngủ đi.”

Rồi lại chạm tay lên mặt tôi.

Trong giấc ngủ, nhiệt độ xung quanh vẫn ở đó, dường như hắn vẫn ngồi bên giường nhìn tôi.

Trong mơ màng tôi đã nghĩ, nếu nhiệt độ ấy chưa từng rời đi, thì bây giờ tôi sẽ không từ chối.

Tôi và hắn thành như hiện tại, tôi cũng chịu thôi.

Không biết hắn còn muốn dây dưa với tôi bao lâu.

Tôi ngủ thẳng đến hừng đông ngày hôm sau, hắn đi rồi, để lại tờ giấy ghi “Tuy hơi mệt nhưng mà vẫn ngồi bên cạnh nhìn em, không nỡ nhắm mắt. Vì có lịch trống nên hôm qua đến thăm em, giờ phải quay về rồi. Trong nhà bếp có đồ ăn.”

Về sau, có vẻ như hắn đoán được rồi, biết không phải cuối tuần thì tôi sẽ không thể tránh né hắn, nên lần nào cũng đều chọn không đến vào cuối tuần.

Tôi không thừa sức lực tính toán với hắn, thái độ của hắn cũng không làm tôi tức giận nổi, không thể làm gì khác ngoài để hắn đi vào.

Hắn đến một lần một tuần, đôi khi ở lại một đêm rồi đi, đôi khi nán lại thêm một ngày, nhưng chưa bao giờ ở lại hai đêm.

Thấy hắn chạy đi chạy lại giữa hai nơi như thế, mà cũng không quá phiền nhiễu đến mình, nên tôi không muốn ác mồm ác miệng, chỉ muốn để hắn từ từ hết hi vọng.

Bảo hắn đừng đến nữa, nói tôi với hắn không còn khả năng, hắn trả lời “Ừ”, nhưng vẫn không đi về, xong lần sau lại đến.

Cũng chỉ đành chờ hắn từ từ hết hi vọng vậy.

Có hai tuần hắn không đến, tôi nghĩ nếu không phải do quá bận thì là đã tuyệt vọng rồi, ngờ đâu trước giờ cơm tối một ngày nào đó, hắn xuất hiện nhấn chuông cửa, xách theo ít nguyên liệu nấu ăn, hỏi “Chưa ăn phải không?” xong quen thuộc đi vào nhà bếp.

Trước kia hắn sẽ không nấu ăn, nhưng lần này nấu không tồi.

Hắn không đề cập vì sao bỗng nhiên biết nấu ăn, mà tôi cũng không hỏi.

Tuy nhiên thủ nghệ của hắn, so với tôi chỉ biết nấu món đơn giản nhất, thì tốt hơn quá nhiều.

Hình như là vì câu nói “không có công không nhận lộc” của tôi, nên hắn không nhắc đến chuyện đi ra ngoài ăn nữa, mà là vịn vào lý do tôi từng nấu cho hắn, mỗi lần đến, đều xách theo ít nguyên liệu tươi mới mua ở siêu thị gần đây, đi vào bếp nấu nướng.

Thế nhưng, có vẻ như hắn làm gì cũng đều rất thích hợp, dáng vẻ xách túi siêu thị vào cửa cũng rất thu hút.

Tôi không biết vì sao hắn luôn có thể chọn lúc tôi ở nhà, đồng thời không ăn bên ngoài mà xuất hiện, nhưng mỗi tuần đều ăn cơm hắn nấu một lần, dần dà đã được một thời gian.

Mới đầu, tôi thể hiện rằng mình không muốn ăn, hắn luôn đến khuyên nhủ, sau này, tôi thấy ăn đồ ăn người ta vất vả lựa chọn, nấu nướng, làm ra mà còn tỏ sắc mặt này nọ thì có vẻ như không tốt lắm.

Những lần sau đấy, mỗi khi hắn dọn bàn ăn xong gọi tôi, trong lúc tôi do dự ăn hay không ăn thì hắn luôn im lặng, dẫn tôi đến bàn, bới cơm rồi gắp món tôi thích vào bát.

Hắn không để tôi rửa chén; từ lần thứ ba, chủ động vào thư phòng ngủ; đợi tôi ngủ, đắp chăn cho tôi xong mới đi ngủ.

Tôi biết người ta chăm sóc chu đáo cho mình như vậy, mong muốn duy nhất chỉ là sự đồng ý kia mà thôi.

Đôi lần tôi mềm lòng, tỉnh dậy thấy hắn vẫn ngồi bên giường, lẳng lặng nghĩ gì đấy, thì muốn bằng lòng với hắn.

Thật ra lý do cũng rất đầy đủ, cách đây không lâu vì cứu tôi mà hắn bị thương nặng.

Vả lại, công sức người ta bồi thường cho quá khứ đâu phải chỉ ngày một ngày hai.

Nếu tôi không đầu không đuôi nói “Ừ” với cái người đang ngồi bên giường, cá là đối phương sẽ lập tức hiểu ý tôi, vẻ mặt khi ấy của hắn chắc chắn cũng sẽ rất đáng xem.

Nhưng những ký ức trước kia luôn chặn lại kích động nhất thời của tôi.

Suy nghĩ nhỏ bé đó chẳng mấy chốc sẽ bị triệt tiêu bởi ám ảnh trong quá khứ và suy xét trong tương lai, giống như gỗ nổi trên biển bị những con sóng đánh tới tấp cả trước lẫn sau đến mất dạng không thấy đâu.

Tôi không bằng lòng gì với hắn, nhưng dần dần, sau thời gian dài sống chung với tôi, tâm trạng của hắn trở nên tốt hơn, không còn gò bó hạn chế như lúc ban đầu, mà sẽ tùy ý đi lại trong nhà tôi, cũng sẽ tự đi rót nước uống.

Hôm nay ăn cơm, tôi nhận điện thoại xong bỏ xuống bàn ăn, hắn tự nhiên cầm nó lên lưu số của hắn vào.

Tôi không ngăn, nhìn hành động tiếp theo của đối phương, hắn không lấy điện thoại của tôi gọi đến máy hắn rồi lưu dãy số lại; mà là nghiêm túc nhìn số điện thoại của tôi, rồi gõ từng số một vào trong danh bạ của hắn.

Gõ xong, bên môi ngầm có ý cười.

Có số của tôi rồi, hắn thường hay gọi đến, thăm hỏi vài ba câu, đa phần là: “Khỏe không? Mấy ngày nay thế nào? Bên em đến tối có thể sẽ có mưa, nhớ mang ô theo.” Cũng sẽ hỏi: “Cuối tuần này đi công tác à?”

Nếu phải đi công tác, ngay lúc hắn hỏi đi hỏi lại, tôi sẽ ậm ừ trả lời một tiếng, còn nếu tôi không trả lời, hắn sẽ vui vẻ hỏi: “Không đi hả?” Rồi cuối tuần có mặt ở đây.

Đến cửa nhà tôi, hắn sẽ móc điện thoại ra báo: “Anh đến rồi.” Nhưng chưa bao giờ hối tôi về nhanh, thậm chí còn không hỏi “Khoảng chừng nào em về?”

Hắn vẫn chỉ đứng chờ ở đấy.