Lặng Thầm

Chương 9: Ừ, có những thứ gọi là sự thật



Đầu tháng, Vãn Hà về thăm nhà. Cô mở xắt tay lấy bao thư gửi má. Bà Hậu tỉnh bơ móc ra đếm. Bà cau mặt ngay lập tức:

- Vẫn chỉ có 3,000,000 đồng à?

Vãn Hà khó hiểu:

- Dạ, 1,000,000 đồng là tiền lương của con, 2,000,000 đồng là của anh Tín. Như bình thường mà má.

Bà Hậu cất tiền:

- Đồ keo kiệt. Mỗi tháng cho gia đình vợ có 1,000,000 đồng.

Vãn Hà nhẫn nhịn:

- Khi nào con được tăng lương, con sẽ phụ má thêm.

Bà Hậu liếc ngang Vãn Hà một cái:

- Mày không hiểu hay giả bộ không hiểu? Tao không nói tới đồng lương ba cọc, ba đồng của mày. Mày biết thằng Tín làm lương mỗi tháng bao nhiêu không?

Vãn Hà thật lòng:

- Anh ấy không nói, con cũng chưa hỏi tới.

Bà Hậu chì chiết:

- Đó, thấy chưa, nói mày ngu mày không chịu.

Ngọc Hòa ngồi giũa móng tay gần đó, đủng đỉnh xen vào:

- Theo thông tin dò la được là khỏang 20 triệu gì đó. Chưa kể % chia trên từng công trình, nhận bản vẽ, chạy công trình ngoài...

Bà Hậu liếc Vãn Hà nửa con mắt:

- Mày nghe chưa hả? Nói vậy là tiền về nó không đưa cho mày giữ phải không?

Vãn Hà chịu đựng sự hạch họe của má:

- Dạ. Nhưng mỗi tháng anh ấy đều đưa tiền cho con chi tiêu trong nhà và tiền phụ má.

Ngọc Hòa xì một cái:

- Có bấy nhiêu, nhiều nhặn gì đâu? “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Mọi người nghe mày lấy được con trai ông Lãm cứ tưởng mày phụ được gia đình này nhiều lắm, cứ tưởng gia đình này được đổi đời. Dễ ăn của thằng con hoang đó quá.

Vãn Hà không thích:

- Chị đừng gọi chồng em bằng cái cách đó nữa.

Ngọc Hòa nhại giọng:

- Chồng em, chồng em - Hòa dằn cây đũa xuống bàn - Tao thích gọi sao là tao gọi.

Vãn Hà bậm môi:

- Nếu cách cư xử vậy không làm chị thấy xấu hổ thì chị cứ tiếp tục.

Ngọc Hòa đạp bàn một cái trút giận:

- Chưa gì đã vội lên mặt rồi em gái. Mày nghĩ mày là ai? Từ nhỏ mày được ông bà Lãm thương yêu, lo lắng. Mày được ăn ngon, mặc đẹp, học hành đủ thứ, giao tiếp nhiều với những người giàu có. Nứt mắt lớn thì được con trai ông Lãm chọn về làm vợ – Môi Ngọc Hòa run run khi nói. Nó thể hiện sự ganh ghét, tỵ hiềm đã chất chứa từ nhiều năm – Thế là mày cho mày danh giá, cao quý hơn mọi người trong nhà ư?

Vãn Hà ngạc nhiên phân trần:

- Em không có suy nghĩ đó. Chị đừng áp đặt cho em. Chuyện nào ra chuyện nấy. Chị gọi anh Tín bằng những từ ngữ miệt thị là chị có lỗi.

Ngọc Hòa chỉ tay vô mặt Vãn Hà, nói không nên lời:

- Mày... mày...

Hòa ngó sang bà Hậu cầu cứu. Bà Hậu bắt tréo chân:

- Tao cũng hay gọi thằng Tín là con hoang đó. Không biết tao có cần phải thấy tự xấu hổ không Hà?

Vãn Hà còn quá trẻ. Cô mới bước qua tuổi hai mươi. Kinh nghiệm ứng tình huống không nhiều. Ngoài ra, từ nhỏ tới lớn cô đều im lặng phục tùng. Một sớm một chìu, khó có thể thay đổi.

Vãn Hà ấp úng hồi lâu:

- Anh Tín đã là con rể trong nhà, con mong mọi người có cái nhìn đúng về anh ấy. Đừng đem chuyện má anh ấy ra làm khổ anh ấy nữa. – Vãn Hà nói thêm – Con nghĩ không có công việc thấp hèn, chỉ có con người thấp hèn.

Ngọc Hòa mai mỉa:

- Ăn nói văn vẻ chưa kìa. – Hòa nhại lại – “Không có công việc thấp hè, chỉ có con người thấp hèn”.

- Làm cái nghề dơ bẩn đó, còn không chịu thấp hèn sao? A... a... – Hòa ré lên – Mày nói ai thấp hèn hả con quỷ nhỏ?

Vãn Hà chán nản. Cô không đủ khả năng cãi lại và cũng không muốn làm việc đó. Cô tìm cớ thóai thác:

- Con xin lỗi má. Hôm nay con có hứa trực thay chị đồng nghiệp. Con xin phép về trước.

Bà Hậu thâm trầm:

- Giờ đã đủ lông đủ cánh, đủ khôn để cải cha, cải mẹ phải không Hà? Đứng nói mẹ con tao không nhắc mày. Về nhà coi lấy được bao nhiêu thì lấy đi. Thằng Tín sắp bỏ mày rồi.

Thấy vẻ mặt chấn động của Vãn Hà, Ngọc Hòa hả dạ lắm:

- Chưa biết à? Tội nghiệp chưa? Khờ khạo cỡ mày, thằng Tín qua mặt vèo vèo là phải. Nó sắp quay lại với Mỹ Liên đó. Dạo này, rất nhiều người thấy hai đứa cập kè với nhau.

Vãn Hà nói không đủ hơi:

- Trưa nay ba có về nhà không má?

Bà Hậu móc họng:

- Không đi trực giùm bạn nữa à? Muốn giở trò, vẽ chuyện qua mặt tao hả? Chưa đủ trình độ đâu con.

Bà Hậu bắt tréo chân nói tiếp:

- Trưa nay ổng không về. Con gái đã gả đi như bát nước hất ra đường. Có chuyện thì ráng tự xoay sở lấy. Đừng có về nhà báo cha mẹ nghe chưa? Tao có lòng báo trước cho mày quơ được bao nhiêu thì quơ.

Bà Hậu nhún vai:

– Tùy mày. Thấy cách cư xử tao thấp kém, tao không ép. Nhưng lúc trắng tay rồi, ráng lấy cái sĩ diện ăn thay cơm.

Còn lời nào tàn nhẫn hơn không? Vãn Hà chịu không nổi. Cô bụm miệng chạy nhanh ra khỏi nhà cha mẹ ruột.

Cô chạy đi được một đọan thì va phải bà Cầm.

Bà Cầm vừa nghe tin cô về thăm nhà liền vội vã xuống đây tìm cô.

Cả hai người đều vội vã, đều ngổn ngang suy nghĩ nên đã không trông thấy nhau.

Vãn Hà hết hồn đỡ bà Cầm lên:

- Con xin lỗi bác.

Bà Cầm phủi phủi bụi cỏ bám quanh người:

- Không sao. Do bác lơ đãng không nhìn đường mà. – Ngẩng lên, thấy mắt Vãn Hà hoe đỏ, bà ân cần cầm tay hỏi:

- Họ lại làm con buồn à?

Hà biết từ họ bà Cầm đang ám chỉ là những người thân trong gia đình cô. Cô gượng cười lắc đầu. Đôi mắt lại rướm nước mắt. Giá như má quan tâm đến cô bằng một phần mười bà Cầm, cô đã hạnh phúc lắm.

Vãn Hà lảng chuyện:

- À, bác xuống đây có chuyện gì không bác?

Bà Cầm ngập ngừng:

- Nghe con về nhà chơi, bác tính xuống nhờ con chút chuyện. Giờ e không tiện.

Vãn Hà cố tập trung để nói chuyện với bà Cầm:

- Dạ có gì bác cứ nói. Chuyện gì làm được, con nhất định sẽ làm.

Bà Cầm tát yêu má Hà:

- Con bé này. Lâu lâu gặp lại nói chuyện rào đón với bác thế?

Vãn Hà cười rất nhẹ. Bà Cầm thân mật khóac tay Vãn Hà đi:

- Nhà ngoại thằng Tân có chút việc, bác phải về gấp. Tính khí thằng Tân lúc này hay trở chứng. Bác chưa biết tính sao. Gặp con về đúng lúc...

Vãn Hà hiểu ý:

- Dạ, bác cứ đi công chuyện. Con sẽ chăm sóc anh Tân đến khi bác về.

Bà Cầm ái ngại:

- Nhưng con...

Vãn Hà cười:

- Con không sao.

Bà Cầm siết tay Hà:

- Bác cám ơn con. Giờ thằng Tân đang ngủ, con lên phòng nó chơi đi. Chừng nào nó thức, con cho nó ăn ít trái cây giùm bác.

- Dạ.

Bà Cầm nheo mắt xa nôi:

- Chỉ có con hiểu thằng Tân, thật lòng quan tâm thằng Tân thôi.

Vãn Hà biết việc mình đi lấy chồng ảnh hưởng không nhỏ đến anh Tân:

- Con xin lỗi.

Bà Cầm nén tiếng thở dài. Con bé lại quơ trách nhiệm về mình. Là do thằng quỷ kia giở trò thôi mà - Bà Cầm cay cú nghĩ – Nó đã cướp được Vãn Hà. Nhưng ngay cả chút thời gian con bé nhín nhút được về thăm thằng Tân nó cũng chiếm đoạt luôn. Đồ hẹp hòi, ích kỷ! Nó tưởng nó là ai? Có thể xoay chuyển mọi thứ trong cái nàh này ư? Lầm rồi. Muốn đối đầu cùng bà sao?

Bà dẫn Vãn Hà đi lối cửa sau vào thẳng phòng Tân. Bà Cầm nhỏ giọng nói khẽ như tránh làm Tân thức giấc:

- Con giúp bác nha.

Vãn Hà gật đầu, giọng tự nhiên nhỏ xuống tương ứng:

- Dạ, bác cứ yên tâm đi.

Bà Cầm thì thầm:

- Cám ơn con.

Vãn Hà nói khẽ:

- Đâu có gì đâu bác.

Bà Cầm nhẹ nhàng đóng cửa, rồi nở nụ cười khoan khoái. Giờ bà chỉ việc ngoắc taxi đi đâu đó chờ thu lượm kết quả thôi.

Còn lại một mình trong phòng, Vãn Hà xoay ngang nhìn Tân trong giấc ngủ. Đúng là anh ốm đi một chút so với trước đây. Cô vuốt nhẹ tóc anh, nói nhỏ:

- Em xin lỗi anh

Vãn Hà mệt mỏi, ngồi dựa lưng vào vách. Đầu óc trống rỗng. Cô muốn suy nghĩ, mổ xẻ, phân tích mọi chuyện để có được một cách giải quyết. Khổ nổi các dây thần kinh trong đầu cô như bị tách rời. Cô không nghĩ được gì hết. Toàn là những dấu lặng, những khoảng trống vô tận.

Vãn Hà rút một bộ xếp hình, trút ra xếp. Căn phòng này không hề xa lạ với Hà. Ừ, lúc chưa kết hôn, cô hay lên đây chơi với Nhật Tân.

Vãn Hà trút hết miếng ghép xuống đất, bắt đầu tìm hình ghép lại. Có việc gì đó làm đỡ hơn ngồi bó gối ngắm thời gian lờ lững trôi qua nhiều.

Bức tranh cô đang xếp lãng mạn vô cùng. Một trích đọan trong truyện “Cô bé lọ lem”, cảnh hoàng tử đang khiêu vũ với cô bé lọ lem, gần bên bờ hồ trong lâu đài.

Màu sắc được phối bàng bạc, lung linh khá ấn tượng. Gương mặt cả hai đều toát lên vẻ hạnh phúc.

Vãn Hà di chuyển ngón tay trên hai gương mặt đó. Đây là giấc mơ thuở nhỏ của Hà.

Không đến nổi khốn khổ như cô bé lọ lem, nhưng tình cảnh Hà cũng không sáng sủa mấy. Cô đã mơ sau này lớn lên, sẽ có một hoàng tử đưa cô ra khỏi cuộc sống mệt mỏi.

Và... giấc mơ là giấc mơ! Thực tại là thực tại.

“Một ngày em mơ bao giấc mơ tươi đẹp. Nào đâu có mấy giấc mơ đến như em mong chờ. Và đời cho em những nổi đau vô bờ. Chờ anh đến xóa hết những đau thương.

Ước mơ trọn đời có ai đâu ngờ đôi khi sao quá xa xôi.

Vẫn mong một ngày, nắng lên xanh ngời, ta bên nhau sánh đôi.

Biết anh bây giờ chắc vẫn mong chờ, thôi thì anh cứ mong chờ. Những phút vui nào có đến bao giờ. Yêu nhau trong mơ thế thôi”.

(Ước mơ trong đời-Đức Trí)

Nước mắt Hà rơi lả chả, nhòe nhoẹt gương mặt cô bé lọ lem và chàng hoàng tử đang sáng bừng hạnh phúc.

Tiếng Trọng Tín vang rõ mồn một khiến Vãn Hà giật mình ngó quanh:

- Sao ba cho người bắt con về?

Tiếng ông Lãm trầm trầm:

- Mời anh về khó quá nên tôi phải ép anh về.

Vãn Hà sực nhớ phòng làm việc của ông Lãm sát vách phòng Nhật Tân. Hà thầm lo ngại không biết lại có chuyện gì. Ba chồng cô xưng hô khách sáo thế chỉ khi nào nào ông rất giận.

Trọng Tín mở bung mấy nút áo sơ mi:

- Sáng gặp ba vợ, con đã nói là tối con qua gặp ba.

- Cũng may anh còn biết ông Khiêm là ba vợ của anh – Ông Lãm hừ giọng nói tiếp – Từ đây đến tối, chừng ấy thời gian đủ khiến anh làm thêm vài chuyện dại dột.

Trọng Tín hỏi lại:

- Trong mắt ba, con là một thằng rất dại?

Ông Lãm thẳng thừng, không khoan nhượng:

- Ừ, rất dại. Dại vì gái, dại vì thói tự kiêu luôn cho mình là đúng, dại vì thành kiến đối với cha mình mà không nghe lời khuyên của ông ta, dù đúng hay sai, dại vì không biết trân trọng Vãn Hà.

Trọng Tín cắn môi gật gật theo lời nói của ông Lãm. Bị một hai lôi về, anh đang nóng như hơ.

Ông Lãm chướng mắt với thái độ thằng con ghê gớm:

- Vãn Hà giờ ở đâu?

Trọng Tín lừng khừng:

- Con không biết. Chắc là đang ở nhà.

Ông Lãm nhắm mắt:

- Tao dặn ông Khiêm rồi, về nói với gia đình không ai được nói ra, nói vô trước mặt Vãn Hà. Mày về nhà liệu mà giải thích. Đừng để nó biết chuyện này qua một người khác, không phải mày. Tội cho nó.

Trọng Tín đến ghế ngồi.

- Con tự biết phải làm gì.

Ông Lãm mở choàng mắt:

- Mày tự biết phải làm gì?

Trọng Tín quay đi, không nói.

Ông Lãm nghiêm khắc:

- Mày nghĩ coi tao phải xử con bé Liên sao đây?

Trọng Tín mím môi:

- Con không thích bị uy hiếp.

Ông Lãm cười lắc đầu:

- Nó lấy của tao một số tiền không nhỏ. Chưa đầy một năm, nó quay lại bám mày tiếp. Vậy mà tao phải mắt nhắm, mắt mở cho qua?

Trọng Tín không muốn làm căng với ông Lãm. Anh giải thích mong ông hiểu:

- Đức Hiển bỏ Mỹ Liên rồi ba. Tiền bạc cũng tiêu pha hết. Giờ Liên chỉ còn con là chỗ dựa. Con không thể khoanh tay không giúp.

Ông Lãm tự nhủ mình bình tĩnh, phải hết sức bình tĩnh:

- Nó tốt nghiệp đại học, nó đã đi làm. Mày nói vẫn chưa đủ sức tự lực là sao?

- Lương cô ấy mỗi tháng có 2,000,000 vnd, đâu đủ chi tiêu.

- Sao không đủ chi tiêu?

Trọng Tín nhăn mặt:

- Có hàng trăm thứ phải chi, ba biết mà.

- Tao không biết hàng trăm thứ phải chi của nó là gì. Tao chỉ biết, mấy đứa làm công nhân lương tháng nó có vài trăm, cao hơn là được một, hai triệu, tụi nó vẫn sống được đó.

Trọng Tín lầm lì:

- Mỹ Liên khác, bọn họ khác.

Ông Lãm cố tình dồn Trọng Tín:

- Khác chỗ nào? Sống ở đời phải liệu cơm gắp mắm chứ con. Khả năng kiếm tiền có bao nhiêu đó, thì phải vun vén mức sống phù hợp chứ.

Trọng Tín đuối lý:

- Mỹ Liên không đòi hỏi. Do con không chịu được khi nhìn cô ấy sống vất vả.

Ông Lãm cười lạt:

- Nên mày mua nhà cho nó phải không?

- Nhà chung cư ở Thanh Đa không có mắc lắm đâu ba.

Người ta hay dùng từ “bó tay”, chứ ông Lãm phải nói “bó toàn thân” với thằng con trai:

- Con bé nó coi mày là cài hủ vàng nhà nó chắc. Nó chỉ biết xài tiền của mày. Nó có thèm quan tâm, để kiếm ra tiền mày phải lao động cật lực ra sao không?

- Con muốn Mỹ Liên vô tư, thanh thản mà sống.

Ông Lãm chỉnh lại:

- Vô tư hay vô tâm? Mày tính cưu mang con bé ấy đến khi nào? – Không nén nổi lòng, ông mỉa mai – Đến suốt đời chắc?

Trọng Tín đổ lì:

- Nếu con đủ khả năng và nếu Mỹ Liên cho phép con làm điều đó.

- Với tư cách gì hả con? Mày đừng quên mày đã có vợ. Đừng mượn hai từ bạn bè để che đậy những xấu xa, tội lỗi.

Trọng Tín ngang bướng:

- Con không che đậy. Con yêu Mỹ Liên. Con muốn làm những chuyện tốt đẹp cho tình yêu của con.

Ông Lãm xao trán liên tục:

- Không đáng đâu. Con bé đó không đáng. Tại sao vẫn còn yêu? Mày chưa vẫn chưa nhận ra bản chất cô ta?

Trọng Tín kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình:

- Nói như ba. Chẳng lẽ chỉ có người tốt mới được quyền yêu? Mỹ Liên như thế nào chứ? Cô ấy ngây thơ, dốc hết lòng cho tình yêu; yếu đuối, cần được che chở. Con biết Đức Hiển không đủ bản lĩnh che chở cho cô ấy. Con cố tình giữ cô ấy bên cạnh. Từng ngày, từng ngày đợi cô ấy chính chắn, trưởng thành hơn để cô ấy nhìn ra được ai là người thật sự có khả năng cùng cô ấy đi hết quãng đường đời.

Ông Lãm nóng nảy cắt ngang:

- Vậy nếu khi mày không còn đủ bản lĩnh che chở cho nó thì nó lại chạy đi tìm thằng khác bản lĩnh hơn?

Trọng Tín sạm mặt:

- Con tin là con đủ bản lĩnh che chở Mỹ Liên suốt đời.

- Tình yêu thật sự không phải vậy. Hai người phải sát cánh bên nhau trong lúc giàu sang cũng như trong lúc hoạn nạn khó khăn.

- Con xin lỗi ba. Nhưng ba nói giáo điều quá, nghe như lời thề nguyền trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Sau đó, mấy ai giữ được lời thề? Dù thật tế có trần trụi, có can đảm nhìn thẳng nó vẫn hơn. Biết Mỹ Liên không chịu được khổ cực, con càng thấy mình cần bản lĩnh hơn, có trách nhiệm hơn với cô ấy.

Ông Lãm tức đến nghẹn lời:

- Còn Vãn Hà? Mày có nghĩ cho con bé không?

Trọng Tín phân vân:

- Con bây giờ chưa có quyết định gì. Trước mắt, con chỉ muốn lo cho Mỹ Liên một cuộc sống ổn định. Mọi chuyện từ từ tính sau. Suy cho cùng, con cũng chưa làm chuyện gì có lỗi với Vãn Hà.

Ông Lãm thấy máu dồn lên mặt:

- Vậy còn chưa có lỗi? Đợi chừng nào mới có lỗi con? Trong tình cảm, nội có ý niệm phản bội, tơ tưởng đến người khác đã nguy hiểm lắm rối. Huống hồ chi mày... không được. Tao phải xử con bé đó và cả mày nữa.

Trọng Tín đứng phắt dậy:

- Con mong ba đừng nhún tay vào chuyện tình cảm của con nữa.

Ông Lãm thách thức:

- Nếu tao kiên quyết nhún tay vào?

Trọng Tín mím chặt môi:

- Ba đừng ép con.

Ông Lãm chỉ tay vào ngực Trọng Tín:

- Tao ép mày? Làm cha thấy con mình lao xuống vực tao không thể không cứu.

Trọng Tín nhìn thẳng mắt cha:

- Nếu là con cam tâm tình nguyện lao xuống thì sao?

- Mày đang ép mày.

- Ba thấy cái đó là vực thẳm, còn con coi nó là thiên đàng. Con không là ba. Con không thể nào có quyết định giống ba được. Ba đừng đem suy nghĩ của mình áp đặt người khác. Không phải con không có cách phản kháng lại ba, hay thoát khỏi sự ảnh hưởng của ba đâu. Ba đừng ép con.

- Tao là cha mày...

Trọng Tín tỏ ra mất hết kiên nhẫn:

- Làm, ơn, đừng nhân danh là cha con nữa. Nếu anh Tân không phát bệnh, liệu ba có nhớ trên đời còn một đứa con như con không?

Ông Lãm cứng họng. Về chuyện này ông hoàn toàn có lỗi.

- Với con, má là tất cả. Việc nhìn nhận cha con khiến má hạnh phúc, ok, con nhìn nhận. Con chấp nhận mình là sự lựa chọn tình thế của ba.

Người ông Lãm run nhẹ:

- Ba xin lỗi con.

Trọng Tín hít một hơi thật sâu, ứ tràn lồng ngực rồi thở hắt ra:

- Vì sao ba nhận con, ba hiểu hơn ai hết. Vậy, ba đừng nhân danh cái quyền làm cha... – Trọng Tín thấy bất nhẫn – à, một người cha mà can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc sống riêng cho mình.

Ông Lãm dịu giọng:

- Trong quá khứ, ba có những sai lầm. Nhưng con đừng nghĩ ba nhân danh cái này, cái nọ áp chế con. Con có thể không hiểu ba, có thể xúc phạm, có thể oán hận ba. Còn ba thì không thể để con mình trượt dốc.

Trọng Tín bối rối. Giữa đàn ông với nhau, ít khi nào nói chuyện văn vẻ, tình cảm ướt rượt lắm:

- Con đã trình bày với ba rồi đó. Thiên đàng hay địa ngục tùy thuộc quan điểm từng người. Ba có thể thấy con đang sống trong địa ngục. Con lại thấy mình đang ở thiên đàng. Ba khuyên con vì muốn thấy con sống vui, sống hạnh phúc. Và... rõ ràng là con đang vui, đang hạnh phúc rồi ba. Mong ba hãy tôn trọng sự lựa chọn của con.

- Con bé đó không xứng.

Trọng Tín hấp tấp cắt ngang lời ba:

- Ba đừng đánh giá con cao. Bản chất con người con cũng rất tầm thường ba à.

Ông Lãm đau đầu dễ sợ.

Trọng Tín nói tiếp:

- Nữ hoàng Clê-ôn-pát vừa biết thưởng thức trí tuệ, phong thái rất lịch lãm của Xê-za, nhưng cũng rất thú vị trước một Mác Ăng-toan vai u thịt bắp...

Ông Lãm bực mình cắt lối so sánh ví von màu mè của thằng con trai. Giọng ông thô lổ:

- Rốt cuộc tao phải làm gì để mày đổi ý?

Mặt Trọng Tín rắn đanh:

- Ba đừng làm gì hết. Con rất cám ơn. Và... – Trọng Tín nói thêm – Ba đừng nhờ Vãn Hà tác động tâm lý Mỹ Liên nữa. Lần này, con sẽ thẳng tay.

Ông Lãm tựa người vào thành ghế:

- Nói vậy, con biết hết rồi phải không?

Trọng Tín thừa nhận:

- Con biết một số chuyện.

- Vãn Hà nói cho con biết à?

- Dạ, không.

- Là ông Khiêm?

- Dạ, không.

- Tại sao con biết?

- Con tự biết.

Ông Lãm không hỏi tiếp, còn có một điều làm ông thắc thỏm hơn:

- Hãy nói với ba, không phải vì lý do này con kiên quyết lấy Vãn Hà chứ?

Trọng Tín không trốn tránh:

- Đó là một trong những nguyên nhân.

Lòng bàn tay ông Lãm rịn mồ hôi:

- Làm sao con có thể hành xử như vậy hả Tín?

Trọng Tín bình thản:

- Hành vi tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận. Con vốn là như vậy.

Ông Lãm vụt co tay dộng rầm rầm xuống bàn:

- Mày ngưng ngay cái kiểu nói tỉnh tỉnh ấy đi. Một người đàn ông đúng nghĩa không ai hành xử như vậy đâu.

Trọng Tín hỏi ngược lại:

- Vậy nếu con là một trốn chạy thực tế, ba sẽ hài lòng hơn?

Ông Lãm không nhìn Trọng Tín:

- Mày làm tao thất vọng.

- Ngay từ đầu con đã nói, ba đừng kỳ vọng vô con. Thật phi lý khi ba đem những kỳ vọng không thành ở anh Tân trút hết lên con.

Ông Lãm lạnh nhạt:

- Thằng Tân đã ra nông nổi này, mày còn có thể tỵ nạnh? Còn có thể xúc xiểm, chê trách nó là kẻ hèn nhát?

Trong mỗi chúng ta đều có một yếu huyệt. Khi ai chạm vào nó, vô tình hay cố ý, đều khiến chúng rất đau, khó lòng kiểm soát bản thân. Trọng Tín ngoài mặt luôn tìm cách phủ nhận ông Lãm. Nhưng hơn ai hết, anh luôn muốn được cha quan tâm, yêu thương. Anh luôn chứng tỏ mình trước cha. Anh rất ganh với Nhật Tân...

- Bệnh tật của anh Tân là do ảnh tự chuốc lấy. Chỉ vì không dám quay về đối mặt với thực tế, không dám làm lại từ đầu, anh ấy trốn kỹ trong cái tháp ngà tâm linh. Để hết mọi trách nhiệm cho người khác, mặt kệ sự lo lằng, đau khổ của người thân. Vậy không hèn nhát là gì?

Ông Lãm phạm sai lầm khá nghiêm trọng. Ông đã bức bách Trọng Tín trong cơn giận dữ:

- Nói hay lắm. Sao không tự nhìn lại mình? Mày anh hùng lắm sao khi trả thù Vãn Hà kiểu đó? Còn quay về đóng kịch gạt tao để tao đứng về phe mày?

Trọng Tín không khuất phục:

- Không phải Vãn Hà đã nói: Yêu là có thể làm mọi thứ để cho người mình yêu được hạnh phúc, không cần biết bản thân mình có được tham dự vào cái hạnh phúc đó không? – Trọng Tín gật gù – Ra giữa nói và làm là một khoảng cách không thể san bằng. Ai yêu cũng muốn được yêu hết. Hà đã lấy tư cách gì xen vô làm thay đổi cục diện giữa con với Mỹ Liên? Nếu không vì Vãn Hà yêu con? Nếu không phải bản thân cô ấy muốn nhân cơ hội có cái gì đó cho riêng mình?

Ông Lãm quắc mắt:

- Trọng Tín, tao không muốn nghe từ mày những lời nói như thế. Đầu óc mày bệnh hoạn rồi. Mày nghĩ ai cũng xấu xa như mày?

Trọng Tín cười lớn:

- Xấu xa? Con người ai cũng rất tầm thường với những vị kỷ riêng, sao lại không dám thừa nhận? Lấy con, Vãn Hà đã đạt được tâm nguyện. Lấy con, Vãn Hà không phải lấy một kẻ mắc bệnh tâm thần.

“Bốp!” “Bốp!” Không dằn dược, ông Lãm xáng Trọng Tín hai cái. Trọng Tín nuốt nước miếng có hòa lẫn máu. Mặt anh hằn lên mười ngón tay rõ rệt:

- Khi dì Cầm đề cập với ba điều này, ba có đánh và mắng dì như đã làm với con không?

Trọng Tín bước tới hỏi dồn:

- Ba thông cảm với dì phải không? Vì con trai, dì có quyền làm như thế?

Trọng Tín cười thật tươi, đối lập với những điều kinh khủng anh sắp tuôn ra:

- Còn ông Khiêm, vì tình cảm riêng tư cá nhân mà đành đọan đồng ý với dì Cầm? Có đáng thông cảm?

Trọng Tín vẫn giữ nguyên nụ cười... “ác” đó:

- Má và chị gái Vãn Hà chỉ vì sự khác biệt, nổi trội của Vãn Hà mà nỡ ganh ghét, ngược đãi cô ấy. Hai người đó cộng thêm thằng em trai cực kỳ mê tiền, khóai hưởng thụ nhưng lười lao động đã...

Ông Lãm chỉ mặt Tín, nói không ra hơi:

- Mày im đi. Cái nhìn của mày méo mó, dị dạng đến kinh tởm.

Trọng Tín cười khanh khách. Tiếng cười giờ đã lộ vẻ bi thương:

- Con dám nói ra những điều khuất lập bên trong mỗi con người nên con đáng tởm? Ba nghĩ ba khác họ ư? Không! Ba đồng tình với họ. Ba không cứng rắn hơn với anh Tân. Ba tưởng cách ba đối xử với mẹ con con là bản lĩnh đàn ông? Nếu bản lĩnh, ba đã không ra ngoài trăng hoa. Dù ba có xin lỗi, yêu thương, bù đắp, con vẫn không thễ quên ba từng không mong đợi sự có mặt của con trên đời; không thể quên sự dè bĩu, chê khinh của thiên hạ; không thể quên tại sao ba chịu thừa nhận con.

Trọng Tín thấp giọng đột ngột:

- Trí nhớ con người thật đáng nguyền rủa.

Ông Lãm rủ người, gục mặt. Đôi tay ông xoăn xít nhau, nhớp nháp mồ hôi.

Ở phòng bên, Nhật Tân cựa mình thức giấc. Mở mắt thấy Vãn Hà, Tân mừng rỡ phóng xuống giuờng tíu tít:

- A, Vãn Hà, em chịu qua chơi với anh rồi hả?

Ông Lãm và Trọng Tín bên này biến sắc. Nhìn nhau một cái, hai người vội vã chạy qua phòng bên.

Nhật Tân nắm hai tay Vãn Hà lắc lắc:

- Biết anh chờ Hà lâu lắm biết không?

Vãn Hà ngồi khóc ngất. Nước mắt không ngừng rơi trên gương mặt thất thần.

Nhật Tân vụn về chùi nước mắt cho Vãn Hà. Chùi hòai nhưng nước mắt cứ chảy hoài khiến Nhật Tân cuống quýt:

- Em bị ai la hay đánh hả? Ngoan, ngoan, đừng khóc, anh dẫn em đi chơi chịu không?

Trọng Tín bối rối chùng bước.

Ông Lãm đến xốc Vãn Hà đứng lên. Cô như quặt quẹo trong tay ông. Cô không thể đứng được.

- Tại sao con có mặt ở đây hả Hà?

Rồi ông lại thấy chán ngán khi chợt đoán được lý do.

Trọng Tín thoát khỏi cảm giác bối rối ngay. Phúc chốc, anh lạnh tanh. Anh cũng biết được tại sao Vãn Hà có mặt ở đây.

Bà Cầm muốn Vãn Hà nghe được sự thật về tình cảm của anh đối với Mỹ Liên.

Bà muốn cô ly dị quay về bên Nhật Tân. Không có Vãn Hà, cuộc sống Nhật Tân sa sút rõ rệt: sức khỏe kém, không được vui vẻ như lúc trước, thường xuyên cáu bẳn, ươn ngạnh, hay lên cơn.

Ông Lãm ôm siết Vãn Hà không nói được bất cứ điều gì.

Trọng Tín lẳng lặng quay đi, gọi xe cấp cứu. Anh sẽ nói chuyện với cô sau vậy... chừng nào nghĩ ra được sẽ nói gì với cô.

Anh nhắc chừng ông Lãm:

- Ba đặt Hà xuống để cô ấy nằm thoải mái, đứng xa ra để Hà dễ thở hơn. Nhiều người đứng bu quanh quá càng khiến cô ấy ít không khí để thở.

Ông Lãm nghe theo lời Tín. Ông gọi người giúp việc pha ly chanh đường cho Vãn Hà uống.

Uống xong, Hà có vẻ tỉnh táo hơn. Mắt cô cứ đầy ắp nước mắt.

Ông Lãm thở hắt ra:

- Con à…

Vừa nghe tiếng của ai đó, Vãn Hà liền lắc đầu nguậy nguậy. Hai tay cô vò nát tấm ra giường.

Tiếng còi xe cứu thương vang lên. Trọng Tín nghĩ Hà không cần đến bệnh viện làm náo động thêm. Anh nói với chú làm vườn đang hấp tấp chạy lên báo xe tới, kêu chú trả tiền xe rồi kêu xe về giùm, người bệnh đã tỉnh táo rồi, không sao.

Nhật Tân thấy Hà ngất, sợ quá, đứng im nãy giờ. Bây giờ thấy Hà tỉnh lại. Anh hơn hở bước tới, muốn tíu tít với Vãn Hà nhưng bị ông Lãm chặn lại. Ông ra hiệu Tân im lặng và ra dấu cho Trọng Tín dẫn Tân ra ngoài.

Tín nhìn Vãn Hà một cái trước khi bỏ đi. Anh nghĩ anh có ở lại cũng không giúp ích được gì, còn làm cô kích động thêm. Anh suy nghĩ như thế đó.

Anh đâu biết rằng Vãn Hà cần anh ghê gớm. Chỉ cần anh nói đó không phải sự thật, đó chỉ là lời đơm đặt. Cô nhất định tin anh. Chỉ cần anh ôm cô vào lòng, cô sẽ không còn đau đớn nữa.

Nhưng không… anh bỏ đi.

Vãn Hà khóc ngất. Ông Lãm ngần ngừ:

- Ba biết con cần yên tĩnh một mình.

Ông Lãm cố nói trước cái đầu lắc liên tục của cô:

- Con bình tĩnh xíu nghe ba nói nè. Ba sẽ ra khỏi phòng lập tức. Con bình tâm nha. Chuyện đâu còn có đó. Ba luôn đứng về phía con. Con hãy nhớ điều đó. Mọi chuyện còn có ba. Thằng Tín không phải muốn làm gì thì làm đâu.