Mật Ba Dao

Chương 98: Ngoại truyện 7



Sau khi con trai ra đời không lâu, đoàn kịch thay đổi một vị trưởng đoàn mới trẻ tuổi, quyết đoán. Vị trưởng đoàn Lưu này trước kia đã từng theo đuổi Diệp Đường nhưng bị từ chối. Lúc bị Diệp Đường từ chối thì trưởng đoàn vẫn còn bị người ta gọi là Tiểu Lưu. Đoàn kịch chủ yếu là do các diễn viên nữ chiếm vai trò chính, diễn viên nam không nhiều. Tiểu Lưu có ưu thế với gương mặt đẹp, môi hồng răng trắng, mắt mày chứa tình, vẻ ngoài này làm rung động không ít cô gái, bao gồm cả con gái lãnh đạo cỡ lớn. Cha cô tiểu thư này đúng là có thực lực, sau khi mạnh mẽ tác hợp Tiểu Lưu và con gái thì không bao lâu Tiểu Lưu biến thành trưởng đoàn Lưu.

Hắn vừa nắm quyền là đã bắt đầu phê bình những diễn viên độc chiếm vai diễn, không phải vai chính không diễn, vai chính vai phụ đều là vì nhân dân phục vụ, không cho phép bên trọng bên khinh; còn nhấn mạnh là phải cho những đồng chí mới có cơ hội rèn luyện. Luận điệu này đã khiến Diệp Đường lập tức lui về hàng thứ hai.

Trưởng đoàn Lưu đối xử với Diệp Đường vừa khiêm tốn vừa kiêu ngạo, một mặt kiên quyết không cho cô diễn vai chính, mặt khác khi Diệp Đường nói với hắn vài câu thì hắn cần nhiều thời gian để nghiền ngẫm ý ở ngoài lời.

Một lần trưởng đoàn đến nhà ăn quan sát tâm tư quần chúng, thấy Diệp Đường ngồi ăn cơm một mình, trong hộp cơm chỉ có một cái màn thầu trắng và miếng bắp cải nhỏ. Trưởng đoàn Lưu chủ động qua ngồi cùng Diệp Đường, chia cho cô thịt sườn heo kho tàu, gà xé cay của mình. Diệp Đường mặt vô cảm bảo không cần.

Trong nhà ăn đông người, trưởng đoàn Lưu không tiện thể hiện lộ liễu, vì vậy hỏi Tiểu Diệp công việc gần đây có khó khăn gì không, nếu nhà ăn nấu không ngon thì đến văn phòng hắn mà nói. Quần chúng có vấn đề thì trách nhiệm một người lãnh đạo như hắn phải giải quyết.

Diệp Đường nói không có khó khăn gì, nếu mấy diễn viên trong đoàn đóng vai chính gặp khó khăn thì cô có thể đảm nhận vai chính ngay.

Trưa hôm sau, Diệp Đường vừa định đến nhà ăn thì bị Lưu Tuấn gọi đến văn phòng.

Lưu Tuấn để ý thấy váy Diệp Đường mặc là váy từ ba năm trước. Trong lòng cảm thán, người này đã kết hôn mà dáng người vẫn đẹp như thế, eo ra eo, chân ra chân. Trước khi Diệp Đường đẹp theo kiểu trong sáng, giờ lại hình thành vẻ đẹp chín muồi, đuôi mày khoé mắt đều hiện vẻ đa tình, tựa như yêu tinh quyến rũ, không giống vợ hắn, y hệt như cái lu nước di động. Vì chú ý đến Diệp Đường từ lâu nên Lưu Tuấn mới biết tuy quần áo cô mặc hàng ngày không trùng lặp nhau nhưng phần lớn đều là mua trước khi kết hôn, vì vậy có thể xác định là sau khi kết hôn cô sống không tốt lắm.

Trưởng đoàn Lưu nói mấy lần, Diệp Đường mới ngồi xuống. Hắn lấy trong ngăn kéo ra một cái phong bì, nói đây là chút lòng thành, bảo Diệp Đường cầm trước chi dùng, không cần gấp gáp trả lại.

Diệp Đường không nhận, trưởng đoàn Lưu dúi vào tay cô. Trước kia khi diễn kịch hắn từng chạm tay Diệp Đường, khi đó là công việc, bây giờ lại chạm đến thì hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Tay vợ hắn là bôi kem dưỡng da nên rất mềm và trơn, anh ta sờ bàn tay mềm mềm trơn trượt đó thì chỗ cần cứng cũng mềm theo, vì chiều lòng vợ mà gần đây hắn phải uống thuốc bổ. Hôm nay chạm vào tay Diệp Đường thì thấy còn hiệu quả hơn cả uống thuốc. Diệp Đường gạt tay hắn ra ngay, tựa như ném một con sên, không hề nể nang.

Lưu Tuấn trong lòng đã có ba phần không vui nhưng mặt vẫn giữ được nụ cười.

Hai người nay đã khác xưa. Hắn đâu còn là Tiểu Lưu mà là trưởng đoàn Lưu; Diệp Đường cũng không còn là nhân vật chủ chốt người người vây quanh, mà là một bà mẹ bỉm sữa. Nếu cô chưa kết hôn, không cho sờ thì không nói, giờ đã kết hôn rồi, con cũng đã có, tay đã bị người ta sờ không biết bao nhiêu lần, toàn thân trên dưới cũng bị sờ hết, hắn sờ tí thì sao chứ. Hắn không nóng vội, hắn có thể chờ, chờ ngày Diệp Đường cầu xin hắn sờ cô.

Hắn mang ra hộp cơm có thịt bò hầm khoai tây, cá hố kho, muốn chia cho Diệp Đường.

Diệp Đường hỏi hắn: “Đây là vợ anh làm sao?”

Trưởng đoàn Lưu đẩy một hộp cơm cho Diệp Đường, mắt như mang theo gió xuân, mỉm cười, rất sốt sắng đề nghị: “Anh mang theo hai hộp cơm, em ăn cái này đi.”

“Anh vẫn nên giữ mà ăn đi, về nhà còn nhiều trọng trách gánh vác, không ăn sao có sức khỏe được.”

Sắc mặt trưởng đoàn Lưu sầm xuống, Diệp Đường đang chế giễu anh ta cưới một người vợ nặng cả 100kg, những lời này nghe hết sức chói tai.

Diệp Đường rời khỏi văn phòng, cô đi rửa tay mấy lần rồi mới đến nhà ăn ăn cơm. Hôm nay Cố Trinh nhân lúc cô không kịp chuẩn bị, nhét táo với trứng gà vào túi cô.

Hết giờ làm, cô đón xe về nhà cha mẹ ruột đón con trai. Hết thời gian ở cữ, cô đi làm lại, ban ngày gửi con cho mẹ cô trông, buổi tối ăn uống xong thì cùng Cố Trinh đưa con về nhà. Trước khi kết hôn, cô về nhà ăn cơm xem như bình thường, thỉnh thoảng mua ít quà biếu cha mẹ xem như có lòng thơm thảo. Từ lúc có con, mỗi tháng cô và Cố Trinh nộp cho mẹ một phần ba tiền lương, xem như tiền ăn của ba người. Cơ hội diễn kịch ngày càng ít, ngoài tiền lương cơ bản thì gần đây tiền trợ cấp của cô xem như không có. Cô cũng không muốn cho Cố Trinh biết tình hình của mình thời gian này, sợ anh coi thường mình. Nhưng cô cảm giác Cố Trinh biết, vì cô không còn đưa vé cho anh đi xem cô diễn kịch.

Lại một mùa đông, con trai lên hai tuổi, khăn quàng cổ Diệp Đường vẫn chưa đan xong. Cô đi cửa hàng bách hoá mua một chiếc khăn quàng cashmere cho Cố Trinh, một chiếc mũ cho con trai, đến lượt mình thì không mua gì. Cô mặc thử mấy chiếc áo khoác, khi đó người bán hàng không được hưởng hoa hồng trên doanh số bán, Diệp Đường mua hay không thì chẳng ảnh hưởng đến tiền lương của họ. Bác gái bán hàng liếc Diệp Đường một cái dài sọc, đơn giản là vì khi cô thử quần áo thì ẹo qua ẹo lại, mùi hồ ly tinh toả nồng ba dặm.

Diệp Đường phớt lờ ánh mắt sắc như dao cau của bác gái đó, tiếp tục thử đồ.

“Rốt cuộc là mua hay không?” Bác gái nói giọng khô khốc như đang thẩm vấn kẻ địch.

Diệp Đường cười lạnh lùng: “Không thử thì làm sao biết nên mua cái nào?” Cô không có ý định mua.

“Mua không nổi đâu có gì mất mặt, giả vờ giàu có làm gì?”

Diệp Đường dừng tay đang cầm quần áo, nhìn chằm chằm vào mặt bác gái kia, từ mắt qua mày chuyển xuống miệng. Cô dựa vào ưu thế vẻ đẹp của mình, lần nào cũng khiến người khác xấu hổ.

Bác gái kia bị nhìn chằm chằm đến thẹn quá hoá giận, bà đã trải qua nhiều huấn luyện nên sức chiến đấu không như người thường, cách mắng chửi không thô tục, không nặng nề, chỉ là mắng Diệp Đường lẳng lơ mà dùng không dưới sáu kiểu tu từ. Diệp Đường không cam lòng yếu thế, chửi khéo bác gái kia xấu xí. Ở thời đại bình thường, mắng người ta xấu bao giờ lực sát thương cũng mạnh hơn tác phong không tốt. Diệp Đường chiếm ưu thế, bác gái từ đấu võ mồm thành đấu võ thật, giơ tay túm tóc Diệp Đường.

Khi Cố Trinh nhìn thấy Diệp Đường thì cô đang khóc lóc với đồng chí cảnh sát, tóc tai rối tung. Trên sân khấu thì kỹ thuật diễn của cô chỉ ở mức trung bình, nhưng trong đời thực thì vẫn đủ dùng. Chưa kể mọi người đều thấy đúng thật là bác gái kia ra tay trước.

Chồng bà bác đó là một người đàn ông nhỏ bé yếu ớt, thoạt nhìn là đã biết hàng ngày chịu đựng bác gái kia. Bác gái kia đầu tóc tán loạn, mặt trầy xước. Trong lúc lấy lời khai, bác gái nhìn Diệp Đường khóc lóc ra vẻ là người bị hại, không nhịn nổi mắng Diệp Đường là con đĩ nhỏ ti tiện, cảnh sát quát ngăn bà lại. Nếu người mắng Diệp Đường là đàn ông, Cố Trinh chắc chắn sẽ đá người đó ra khỏi ghế, nhưng mà trước mặt anh là phụ nữ, cho dù bây giờ không còn nhìn ra giới tính.

Cố Trinh thỉnh thoảng lại đá vào ghế bác gái kia, bà ta cảm nhận được thịt trên người mình rung rung. Bà oán hận chồng mình nhu nhược, thấy mình bị bắt nạt cũng không lên tiếng, chỉ đành tự mình ra trận mắng: “Nhìn cái dáng vẻ lẳng lơ của cô ta đi, không chừng sau lưng đã cắm cho cậu mấy cái sừng!” Không để Cố Trinh ra tay, Diệp Đường vừa nãy còn giả bộ yếu ớt đã nhảy bật lên khỏi ghế, hai tay vung lên tát vào hai mặt bà ta. Khi bà ta định chống trả thì tay đã bị Cố Trinh giữ chặt.

Cố Trinh nhìn bà ta đầy khinh miệt: “Tôi biết bác rất muốn cắm sừng chồng mình, nhưng mà thật ngại quá, vẻ bề ngoài của bác thế này thì không ai tình nguyện phối hợp. Nếu có ai mắng bác một tiếng đĩ thõa, chắc hẳn bác sẽ rất cao hứng trong lòng. Nhưng mà bất kể ai nhìn thấy gương mặt này đều nhận định là bác là ‘trung trinh liệt phụ’. Tôi biết, bác phải nuốt nghẹn vào lòng, nhưng mà cho dù bác nghẹn đến đâu cũng không thể đem mơ ước của mình đặt lên người vợ tôi. Chúng tôi không nhận nổi.”

Bà kia nghe xong một tràng này thì chưa kịp phản ứng, nữ cảnh sát bên cạnh che miệng cười, người cảnh sát nam nghiêm mặt nói với Cố Trinh: “Anh cũng đừng tiện thể!”

Cố Trinh hỏi, “Bây giờ chúng tôi đi được chưa?”

“Chưa xác định được bồi thường, hai bên thương lượng đi.”

Cố Trinh cởi áo khoác ngoài khoác cho Diệp Đường, liếc nhìn bác gái kia đang đơ người, “Chúng tôi không cần bồi thường, chúng tôi chỉ hy vọng chị đại đây có thể ở đồn cảnh sát mấy ngày, tiếp thu những giáo dục của đảng. Loại người này mà để vào xã hội làm việc vì nhân dân phục vụ, những người dân bình thường như chúng tôi nào dám để cho bà ấy phục vụ?”

“Anh còn có yêu cầu gì khác không?”

“Làm phiền anh cho vợ tôi giấy chứng nhận để tôi đến đơn vị cô ấy xin nghỉ phép.”

Mãi đến khi bác gái kia nhận ra Cố Trinh mắng bà thậm chí không đủ tư cách để ngoại tình thì Cố Trinh đã cõng Diệp Đường ra ngoài. Diệp Đường nằm trên lưng Cố Trinh, không còn vẻ yếu ớt như trong đồn cảnh sát. Cô nói với Cố Trinh, mình không bị tổn thương gì trong trận đánh nhau vừa rồi, bà kia thậm chí không chạm được vào mặt cô, chỉ bị cào mấy cái ở cổ. Cô cũng không định mua áo khoác trong trung tâm thương mại, nó quê mùa còn hơn cả bà bác kia nữa, mặc ra ngoài rất mất mặt, mua làm gì.

Cố Trinh hỏi cô những quần áo đó quê mùa thế nào.

Anh cõng cô đến bệnh viện, rồi lại cõng về nhà, đi đường mất hai giờ đồng hồ. Con trai gửi nhà bà ngoại, tối đó trong nhà chỉ còn hai người.

Tối, Cố Trinh gội đầu cho Diệp Đường xong, lại bôi thuốc cho cô. Từ khi có con, thời gian hai người ở riêng rất hiếm hoi. Đêm nay Diệp Đường không e dè có con bên cạnh, không cần lấy gối che miệng mình lại.

Diệp Đường ở nhà nghỉ dưỡng mấy ngày, Cố Trinh mượn một đống sách từ thư viện về cho cô giải khuây. Cố Trinh ngoài việc hầm canh ra thì không biết nấu món khác, đúng lúc cái nồi hầm canh lúc anh đang nấu lại bị nứt. Hai người không mua nồi mới, cùng ăn cơm mà Cố Trinh mang từ nhà ăn về. Mỗi khi ăn cơm, ban đầu Diệp Đường còn ngồi đối diện Cố Trinh, ăn một lát thì lại biến thành ngồi cạnh anh.

Đến khi Diệp Đường khỏe lại đi làm, Cố Trinh mới nhớ ra anh còn cậu con trai hai tuổi đang gửi bên mẹ vợ.

Con trai gặp lại ba mẹ rất vui vẻ, ôm bình sữa của mình đưa cho hai người. Bình sữa có sữa bột mà cậu thích nhất, bốn tháng là cậu đã uống sữa bột cho đến tận bây giờ. Lúc mới sinh cậu ốm đau triền miên, nhưng hiện giờ đã hoạt bát khỏe mạnh. Nhưng trẻ con chưa đến ba tuổi không làm người lớn bớt lo, rảnh rỗi là ở trong sân trêu gà chọc chó, chó bị nhốt trong lồng, nhìn cậu khiêu khích bên ngoài thì sủa điên cuồng. Lâu dần, chó nhìn thấy cậu thì thờ ơ, cho dù cậu làm gì thì nó cũng ngó lơ không thèm nhìn. Chó không thèm để ý cậu, cậu đi dọa gà, sau đó thì gà thấy cậu thì bay lên cây. Ông ngoại xưa nay vẫn luôn hy vọng có con trai, thấy cháu ngoại trai nghịch ngợm thế này lại cảm thấy nuôi con gái tốt hơn.

Cậu nhóc quậy như thế nhưng gặp ba mẹ thì giả vờ ngoan ngoãn, mong họ có thể đưa cậu về. Cậu hy vọng về nhà sẽ được cưỡi lên vai ba xoay vòng quanh, ông ngoại đã lớn tuổi, ngoài lúc may vá thì chỉ ngồi chơi cờ tướng với người khác, cậu không thích xem cờ tướng, cũng không muốn đi theo bà ngoại lặt rau, đánh bài. Trước kia dù sao cậu cũng còn được gặp ba mẹ mỗi buổi tối, nhưng bây giờ suốt cả tuần không được gặp họ.

Mẹ Diệp tưởng cháu ngoại sắp được đón về nên vội vàng thu dọn đồ đạc. Đứa cháu ngoại này là đứa bé đẹp nhất trong nhà, bà rất thích, nhưng mà ở bên cạnh 24/24 với bà thì bà thật sự chịu không nổi. Diệp Đường ngăn mẹ lại, nói gần đây cô với Cố Trinh rất bận, con trai gửi lại thêm một thời gian nữa.

Cố Trinh đem mấy món quà với một tháng tiền lương giao cho mẹ vợ, nhờ bà vất vả chăm con trai thêm một thời gian. Cố Trinh cho con cưỡi lên vai, xoay vòng vòng trong phòng. Trước khi đi, anh đội mũ mà Diệp Đường mua cho con trai, nói với cậu, phải ngoan ngoãn nghe lời bà ngoại, hai mươi ngày sau ba mẹ sẽ đến đón cậu, đến lúc đó sẽ mua cho cậu chiếc xe lửa nhỏ. Con trai nghe cái hiểu cái không gật gật đầu, nhìn ba cười.

Đến khi Diệp Đường và Cố Trinh ra về, cậu mới nhận ra ba mẹ đã bỏ cậu lại, bắt đầu lăn lộn trên đất, con chó trong lồng liếc mắt nhìn cậu một cái rồi quay mặt đi, nó không thông cảm nổi với cậu nhóc này, cho dù cậu nhóc quậy này đôi lúc cũng mang sữa bột chia cho nó, nhưng nó chẳng phân biệt được sữa với nước có gì khác nhau.

Mẹ Diệp thầm càu nhàu với chồng: “Ở đâu có kiểu ba mẹ như chúng nó, không thèm nhớ con trai, chỉ biết sung sướng thoải mái cho bản thân.”

Nói rồi lại nhìn tấm vải Cố Trinh đưa cho mình, thở dài, đôi vợ chồng trẻ này thật sự không biết cách sống sao cho tốt, đưa tiền cho bà cũng được, bà để dành lại cho họ.

Những ngày không có con trai, cuộc sống hai người phong phú hơn rất nhiều. Cố Trinh quen với người ở Viện tư liệu điện ảnh, rảnh rỗi là dẫn Diệp Đường đi xem phim nước ngoài. Cuối tuần đưa Diệp Đường đi trượt patin, xem nhạc kịch. Phản ứng đầu tiên của Diệp Đường là Cố Trinh lại đến tiệm cầm đồ, nếu không thì lấy đâu ra tiền đưa cô đi nhà hàng.

Cô lại bắt đầu nguyền rủa trưởng đoàn Lưu, hy vọng đêm đến hắn ta sẽ bị vợ đè chết, nếu không phải do hắn ta thì cô cũng đâu đến mức chỉ có tiền lương cơ bản, cuộc sống hai người có thể thoải mái hơn phần nào.

Diệp Đường quyết định, qua thời gian hai vợ chồng ở cùng nhau thế này, cô sẽ bắt đầu tiết kiệm.

Gần đây Cố Trinh thường xuyên đến tiệm cầm đồ, nhưng không phải để cầm đồ. Con trai còn nhỏ như vậy, nếu mỗi tháng anh đi cầm đồ một lần thì chỉ sợ đến khi con vào nhà trẻ thì có lẽ nhà chỉ còn bốn bức tường. Anh bắt đầu có ý định kinh doanh, mua những đồng hồ cũ không còn sử dụng được ở tiệm cầm đồ. Ban đêm chờ Diệp Đường ngủ thì anh lặng lẽ rời giường, qua phòng bên để sửa chữa đồng hồ, thời đó đồng hồ được xem là hàng xa xỉ, sửa xong bán lại có thể kiếm được không ít tiền.

Anh không có ước mơ học thuật cao xa gì, cái chức danh giáo sư trường đại học này với anh mà nói, chẳng có gì khác với nghề đầu bếp ở nhà ăn, đều là dùng khả năng để kiếm sống, chẳng qua là anh thích và am hiểu công việc anh làm. Anh không có ý định trở thành người hơn người gì, chỉ là Diệp Đường kết hôn với anh cuộc sống lại không được như xưa, anh có lỗi với cô. Anh đã đến đoàn kịch mua vé xem một vở diễn. Hôm đó Diệp Đường chỉ đóng một vai phụ mà lại đoạt hết ánh sáng của diễn viên chính khiến nữ diễn viên đóng vai Tây Thi trở thành trò cười.

Một ngày trước khi đón con trai, Cố Trinh đến cửa hàng bách hoá, mua cho Diệp Đường chiếc áo khoác mà cô chê là quê mùa nhất. Diệp Đường nhìn thấy bảo mang trả, Cố Trinh khuyên cô, quê có điểm tốt của quê, ít nhất bác gái kia gặp em thì không còn tự ti nữa, coi như em làm chuyện tạo phúc đức.

Anh khoác áo lên người Diệp Đường, đẩy cô đến trước gương để cô nhìn xem mình quê mùa đến mức nào.

Diệp Đường đột nhiên che mặt lại, ngăn nước mắt trào ra.

Cố Trinh gỡ tay cô ra, cười nói: “Em là vì quê mùa đến không nhìn nổi sao?”

Hai người thống nhất, từ tháng sau bắt đầu ghi chép lại chi tiêu, mỗi tháng trích ra 15 đồng tiết kiệm.

Cố Viên từ trước nay chưa được học hành gì, ngoài việc chọc chó thì là trêu gà, đến lúc gà chó chả thèm để ý cậu nữa thì cậu lại trèo cây bắt gà. Lần nào cũng trèo lên được nửa chừng thì ông ngoại kéo cậu xuống, cậu lại lăn lộn trên đất. Ban đầu ông ngoại còn khuyên nhủ, sau lại phớt lờ, cậu lại nhanh nhẹn bò dậy. Bà ngoại mua truyện cổ tích, Cố Viên không đọc, lấy xé chơi. Trước đó Diệp Đường mua cho cậu hai khối Rubik, cậu ném hỏng. Nhưng Cố Trinh nói 20 ngày sau sẽ đón cậu, thế là cậu thực sự học đếm, có thể đếm từ 1 đến 20. Cháu ngoại cuối cùng có được một việc được xem như chiến tích đáng khen ngợi, mẹ Diệp cố gắng tán thưởng cậu.

Ngày Cố Trinh Diệp Đường đón con trai, Cố Viên đang biểu diễn đếm số với người khác, cậu nói với người kia đếm que diêm không thú vị, cậu muốn đếm kẹo, nếu cậu có thể đếm đúng thì số kẹo đó cho cậu.

Nhìn thấy Cố Trinh đến, Cố Viên cầm kẹo trên tay chạy về phía ba mình, chạy nửa đường thì bị ngã, cậu đứng dậy ngay, không phủi quần áo mà lại giữ chặt số kẹo trên tay chạy về phía ba mẹ. Cố Trinh đi tới bế con trai công kênh lên vai. Trời trong xanh, Cố Viên rất vui vẻ, cậu mở giấy gói kẹo, nhét vào miệng một viên. Cậu nắm chặt kẹo trong tay, bảo Cố Trinh đoán xem là gì, nếu đoán đúng sẽ cho ba kẹo trong tay cậu.

Diệp Đường nghe vậy thì cười con trai ngốc nghếch, đã nói vậy còn bảo người khác đoán.

Cố Trinh bảo vệ con: “Con vì muốn cho anh kẹo ăn quá thôi mà.”

Nhưng anh cố ý trêu con trai: “Có phải là đá không?”

Cố Viên quyết định cho ba một cơ hội nữa.

Cố Trinh lại đoán: “Có phải que diêm không?”

Cố Viên lo lắng đến toát mồ hôi: “Con cho ba một cơ hội nữa, nếu lần này đoán sai con sẽ không cho ba kẹo trong tay con đâu.”

Cuối cùng Cố Trinh đoán đúng, Cố Viên xòe bàn tay mũm mĩm của mình ra, đổ hết kẹo qua cho ba, cậu nói với Cố Trinh: “Ba chia cho mẹ một nửa đi.”

Buổi tối hai người đến nhà hàng Nga ăn, Cố Viên ngồi bên cạnh ba, ăn hơn nửa hộp kem hạt dẻ.

Cậu nghĩ, thật ngọt.