Mối Nguy Khi Sống Một Mình

Chương 8



8.

Tôi ở đồn cảnh sát đợi bọn họ mang tin tức trở về.

“Chúng tôi đã tìm thấy mẹ của cô, chỉ là…”

“Chỉ là làm sao...” Tim của tôi nhảy vọt lên tận cuống họng.

“Chỉ là bà ấy đang hôn mê rất nghiêm trọng, xe cấp cứu đã đến đưa bà ấy đi rồi.”

Tôi thậm chí còn cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe được tin này.

Ít ra, đó không phải là kết quả tồi tệ nhất mà tôi nghĩ đến…

Cảnh sát đưa tôi đến bệnh viện.

Khoảnh khắc nhìn thấy mẹ, tôi lại cảm thấy thật nực cười vì hành động thở phào nhẹ nhõm khi nãy.

Khuôn mặt bà ấy đầy vết bầm tím, trên cánh tay bao phủ toàn những vết cắt nông và sâu.

Không ai biết bà ấy đã phải trải qua những gì…

Tay tôi run rẩy, ký tên lên tờ thông báo bệnh tình nguy kịch của bà ấy.

Nước mắt rơi xuống tờ giấy, tầm mắt tôi nhòe đi.

Mẹ tôi hôn mê suốt ba ngày.

Trong ba ngày ấy, tôi đã hai lần ký giấy thông báo bệnh tình nguy kịch.

Tôi không dám đến bên giường để nhìn mẹ, người mẹ có chút mập mạp trước kia, hiện tại còn gầy hơn cả tôi.

Chỉ cần tôi nghĩ đến điều này liền có thể nghẹn ngào bật khóc.

Cảnh sát nói trước mắt mẹ tôi là điểm then chốt cuối cùng của vụ án.

Nhưng tôi không cần cái gì mà điểm then chốt hết, tôi chỉ muốn mẹ mình có thể tỉnh dậy thôi.

Mấy ngày nay tôi không ngừng gọi điện vào số của bố, nhưng mãi cho đến khi tôi có đủ tinh lực đến đồn cảnh sát để báo có người mất tích thì mới biết—

Bố tôi đã mất từ nửa năm trước rồi.

“Sao cơ?!”

Vẻ mặt của viên cảnh sát hơi thay đổi trước phản ứng của tôi: “Ông ấy đã mất được nửa năm rồi, cô không biết sao?”

Tôi hoàn toàn chết lặng: “Không… tôi không biết… chắc là các anh đã nhầm lẫn gì rồi đúng không? Làm sao có thể chứ?”

Viên cảnh sát nhìn tôi hồi lâu, rơi vào trầm tư:

“Đã bao lâu rồi cô chưa gặp bố mình?”

Tôi thành thật trả lời: “Hơn nửa năm rồi, công việc bận rộn, phải tới Tết Nguyên đán tôi mới về quê.”

Lẽ nào mẹ cố tình giấu tôi?

Chuyện lớn như vậy, làm sao có thể chứ…

Tôi gọi điện thoại cho cô tôi.

“Cô ơi, bố cháu có ở nhà không ạ? Cháu không liên lạc được với ông ấy.”

Giọng cô tôi rõ ràng ngừng lại một chút: “Đứa trẻ ngốc, nói gì vậy chứ? Có phải nhớ bố quá rồi không?”

“......Bố cháu đâu?” Tôi vẫn chưa chế.t tâm hỏi lại lần nữa.

“Lẽ nào mẹ cháu vẫn chưa nói cháu biết sao? Cơ mà không đúng, đám tang của ông ấy không phải cháu cũng về dự sao?”

“....”

Tôi không có cách nào diễn tả cảm xúc trong lòng mình lúc này.

Vừa đau buồn, vừa cảm thấy hoang đường.

Đám tang? Tôi đã về dự?

Còn cả chuyện cái thai vừa được chẩn đoán nữa lúc trước.

Có quá quá nhiều chuyện không thể giải thích được, tôi thực sự tiêu hóa không nổi.

Tôi muốn về quê thăm bố mình, cho dù chỉ là cái bia mộ, tôi cũng muốn nhìn thấy tận mắt.

Nhưng mẹ vẫn còn đang nằm viện, cần có người chăm sóc, giao cho người khác tôi lại không yên tâm, cho nên chuyện về quê chỉ có thể tạm thời gác lại.

Thời gian này ở bệnh viện nên tôi cũng tranh thủ ph.á th.ai luôn.

Tôi không có cách nào thuyết phục bản thân chấp nhận một đứa trẻ không rõ lai lịch được.

Thấm thoát đã trôi qua hơn nửa tháng.

Thời gian đầu vẫn sẽ có cảnh sát đến ghi chép và hỏi thăm bệnh tình, gần đây thì không còn nữa rồi.

Hôm nay có một người lạ mặt vào phòng bệnh.

Theo trí nhớ của tôi thì tôi chưa từng gặp qua anh ta, nhưng anh ta lại nói mình là chồng tôi rồi vươn tay nắm lấy vai tôi.

Tôi ghét bỏ hất tay anh ta ra: “Anh uống say rồi à?”

Mặt anh ta đầy vẻ áy náy: “Vợ à, anh biết lần này anh đi công tác hơi lâu, nhưng chuyện công việc thì anh cũng đâu thể làm gì được, em đừng tức giận nữa mà.”

Đây là chẳng phải là hỏi một đằng trả lời một nẻo à?

Tôi có chút mất kiên nhẫn: “Đây là phòng bệnh riêng, mời anh ra ngoài cho.”

Nhưng anh ta không chịu rời đi, một mực gọi tôi “bà xã”.

Không còn cách nào khác, tôi đành phải gọi y tá.

Y tá đến rất nhanh: “Thưa ngài, phiền ngài ra ngoài cho, đây là phòng bệnh riêng, nếu không phải người nhà thì không được phép vào thăm ạ.”

Tôi quay lại giường rồi ngồi xuống, không can dự vào chuyện này nữa, giao việc đó cho y tá xử lý.

Tôi để ý thấy ánh mắt của cô ấy: “Làm sao vậy?”

Sau khi bọn họ thương lượng một lúc, y tá có chút khó xử nhìn tôi.

“Ngài ấy nói mình là chồng cô….”

Tôi cảm thấy thật buồn cười: “Vậy mà cô cũng tin sao? Chồng tôi chả lẽ tôi lại không biết à?”

Y tá chỉ vào màn hình điện thoại của người đàn ông kia: “ Người trong tấm ảnh cưới này là cô đúng không?”

Ảnh cưới?

Bởi vì câu nói của cô ấy, tôi đứng dậy bước đến.

Những lời phủ nhận trong chốc lát bị nghẹn lại trong cổ họng ngay khi tôi nhìn thấy bức ảnh.

!!!

Cái người trong tấm ảnh đó trông giống y hệt tôi!!