Một Đời Không Quên

Chương 35



Cửa kính từ từ hạ xuống, Hải Đăng nhếch nhẹ môi:

– Còn không lên đi?

– Khỏi! Anh đi đi kẻo xe buýt đến tông luôn cả xe cả người anh đấy!

Tôi bực mình đanh giọng nói, từ xa đã thấy xe buýt lừ lừ tiến đến. Hải Đăng vẫn lì lợm không chịu phóng đi, cuối cùng… chẳng hiểu sao tôi lại mở cửa chui vào. Khóe miệng nhếch lên hài lòng, anh đạp ga phóng thẳng. Tôi thắt dây an toàn, mỉa mai hỏi:

– Sao hôm nay sếp tổng lại tốt bụng đột xuất thế? Mà cô thư ký trẻ đẹp của sếp tổng đâu rồi?

– Về nhà chứ?

Hải Đăng không trả lời câu hỏi của tôi, lảng sang chuyện khác. Tôi chán nản lắc đầu, trả lời:

– Không… anh đưa tôi đến trung tâm tiếng Anh!

– Nghỉ ở đó đi! Cô làm cả ngày chưa chán à?

– Tôi đâu có thảnh thơi như anh!

– Món nợ kia… chẳng phải đã hoãn rồi sao?

Thì ra anh cũng biết chuyện này, tôi ậm ừ nói:

– Ai biết lúc nào bà nội anh tỉnh lại, lúc ấy bà ta đến siết cổ nhà tôi thì lấy cái gì mà trả?

– Không nghỉ thì từ mai cô đừng có đến Phong Sơn nữa!

Giờ anh lại có trò này để ép buộc tôi. Anh thắng rồi, vì tôi cần anh. Thở hắt một hơi tôi nhún vai:

– Tôi còn chưa hỏi lương anh trả tôi ở Phong Sơn.

– Nói cô cần bao nhiêu một tháng, tôi sẽ trả.

Tôi hừ nhạt một tiếng. Đại thiếu gia coi tiền như rác cũng có lúc xông xênh với tôi thế này cơ? Ngày xưa… anh chưa bao giờ cho tôi tiền…

– Một trăm triệu. Thế nào?

– Cô cũng biết làm giá quá!

– Anh chẳng bảo tôi cần bao nhiêu à?

– Tôi tính cho cô nhé: Mỗi tháng nhà cô ăn hết mười triệu đi, thuê nhà năm triệu, trả nợ hai mươi triệu mà khoản này đang hoãn, năm sau biết đâu hoãn tiếp, đi thì xe buýt, bố thì có trợ cấp, mẹ thì đi làm có tiền, quần áo thì chẳng bao giờ thấy mua, thôi tôi làm tròn cho cô hai mươi triệu. Lương trợ lý hai mươi triệu không phải là thấp đâu đấy!

Con người này… tưởng giàu mà không biết tính toán từng xu à? Lại còn biết bố tôi có trợ cấp, xem ra điều tra cũng kỹ quá!

– Anh trai tôi… đang thiếu nợ!

Tôi chống chế, dù có chết tôi cũng không trả một xu cho hắn ta.

– Nợ cờ bạc thì nghỉ đi, tính làm gì!

Cái gì cũng biết! Vậy chuyện năm xưa tôi khốn khổ thế nào… anh có biết không hả?

– Tiền chẳng bao giờ là đủ. Tôi còn lo tích tiền để… lấy chồng.

Tôi hậm hực nói. Anh bĩu môi:

– Cô thì lấy được ai? Vừa già vừa xấu, vừa gầy như que củi, chẳng có chút hấp dẫn nào!

– Anh…?

– Thằng người yêu kia đâu rồi, sao chẳng bao giờ thấy mặt thế? Nó bỏ rồi hả? Hay… chém gió!

Tôi tức đến nghẹn họng. Con người này… lại điều tra được gì nữa? Sỉ nhục người khác cũng có mức độ thôi chứ!

– Cho tôi xuống, tôi tự bắt xe!

Tôi bực mình đập đập cửa. Anh cau mày quát:

– Cô ngồi yên đi! Có muốn tai nạn không hả?

Vừa nói anh vừa phanh gấp làm đầu tôi suýt thì đập về phía trước, ngay trước mũi xe có một bà cụ búi tóc dắt xe đạp qua đường chẳng chịu nhìn ai làm tôi hú hồn, cuối cùng đành ngồi yên không dám ho he.

– Anh cứ đáng ghét thế thảo nào bị vợ bỏ! Đáng đời!

Bị chó cắn mà không thể cắn lại thì cũng nên đạp một cái cho bõ tức. Anh nhếch miệng không thèm cãi. Cứ vậy một hồi xe cũng dừng trước đầu ngõ nhà tôi. Trong hồ sơ tôi gửi công ty Thuận Hưng đợt trước tôi có ghi rõ địa chỉ, thế nên anh dễ dàng biết.

– Về ăn ba bát cơm rồi ngủ sớm đi!

Anh dặn với theo khi tôi bực bội mở cửa xe. Tôi vừa đi được mấy bước, hàng xóm xung quanh đã xôn xao hết cả lên khi thấy chiếc xe hơi sang trọng xuất hiện ở cái xóm trọ nghèo này. Có một bà còn trêu tôi:

– Cái Khanh câu được anh đại gia nào rồi à? Cô nhìn thấy rồi nhé, giàu có mà vừa trẻ vừa đẹp trai cứ như người mẫu! Xinh gái như mày phải thế mới xứng con ạ!

Ôi trời đất, anh mới đưa tôi về có một lần mà họ đã suy diễn ra như thế rồi. Tôi nhăn mặt gạt đi:

– Anh ta không phải người yêu cháu! Cô nói thế cháu ế là tại cô đấy!

Không muốn đôi co thêm tôi bước nhanh về căn nhà cấp bốn sâu bên trong. Mẹ tôi đang nấu nướng trong bếp. Dạo này mẹ phụ quán phở buổi sáng, lúc ấy bố tôi còn chưa dậy, sau đó mẹ về chăm bố tôi suốt thời gian còn lại. Lúc lấy bố tôi, còn trẻ mà bố đã là phó phòng, mẹ có chút nhan sắc cũng coi là tìm được nơi xứng đáng, nào ngờ cuộc đời lại bạc đãi mẹ như vậy, chỉ nghĩ thôi đủ thấy đau lòng. Tôi thay quần áo rồi góp tay phụ mẹ làm nốt, nhẹ giọng:

– Mẹ, từ nay buổi tối con ở nhà thôi, không đi dạy nữa.

Mẹ tôi mừng rỡ gật đầu, lâu nay mẹ khuyên tôi thế nào cũng không được, cứ lo tôi làm nhiều quá rồi kiệt sức. Sáng hôm sau, khi tôi đến tổng công ty, Hải Đăng đã đến rồi. Cửa phòng làm việc của anh mở hé, Cẩm Chi còn chưa đến. Cô ta lười biếng đến độ cốc chén hôm qua còn chưa rửa. Mang danh trợ lý của anh, tôi gõ vài tiếng rồi vào phòng, bưng khay ấm chén đi rửa. Vừa bước ra, bắt gặp Cẩm Chi, cô ta có vẻ đắc ý nhìn tôi nói:

– Hôm nay chị cũng biết điều hơn rồi đấy!

Không muốn cãi nhau không cần thiết, tôi bước thẳng ra nhà vệ sinh, rửa xong bưng khay trở lại, định để kệ hai người họ thích làm gì thì làm. Cẩm Chi ỏn ẻn nhìn khay cốc rồi nói:

– Người đâu đã nhà quê còn vụng về, rửa cái cốc cũng không xong, anh nhìn đi, vẫn còn bẩn này!

– Cô giỏi thì làm đi, đã đếch làm còn chê bôi!

Tôi tức lên văng tục một câu, cô ta lập tức tròn mắt, nhìn anh lu loa:

– Anh, sao lại có thứ trợ lý mất dậy trong môi trường văn minh này thế ạ?

– Được rồi, em yên tĩnh đi. Anh đang bận.

Tôi không muốn tranh cãi với loại người như con mất nết này, hơn nữa thể nào Hải Đăng cũng bênh nó chằm chặp, thế nên hừ một tiếng tôi bực bội bước khỏi cửa.