Một Đời Không Quên

Chương 56



Thảo từ trong phòng ngủ của Hải Đăng bước ra trước đôi chân khựng lại của tôi. Cô ta lạnh mặt nhìn tôi, đôi mắt trừng lên không che giấu vẻ ghét bỏ. Chiều nay chứng kiến một cảnh như vậy chắc chắn cô ta điên lắm. Tôi khẽ lắc đầu nhìn theo dáng người lắc lư trong bộ đồ y tá màu trắng tỏ vẻ “chuyên nghiệp” của cô ta, chẳng muốn nghĩ nữa, chỉ gõ cửa phòng ngủ của anh.

– Anh xong chưa thế?

– Cứ ngồi đó chờ tôi một lát!

Chờ anh thu dọn “chiến trường tình ái” chắc? Cảm giác khó chịu cứ như củi khô âm ỉ cháy trong lòng, tôi bực bội bước ra sofa ngồi chờ, còn tiện tay rót một tách trà ngọt có sẵn trên bàn uống cho hạ hỏa. Một hồi anh bước ra trong bộ đồ thun xám khác ban tối, mái tóc ngắn còn hơi ẩm, tôi cũng đứng dậy. Lướt qua khuôn mặt đẹp trai hơi ửng hồng của anh, trái tim khẽ nhói lên tôi quay mặt đi trước.

– Giờ này tôi qua liệu có làm phiền ông không?

– Ông dễ tính cô cũng biết mà.

Tôi “ừm” nhẹ một tiếng, sau vài bước chân anh đã bước song song tôi, tự dưng lại giống như… đôi tình nhân cùng dạo bước vườn hồng. Hương hoa hồng thoang thoảng, không gian đẹp đẽ thanh khiết làm lòng người dịu mát, tôi thả lỏng bản thân hít sâu một hơi đầy lồng ngực.

– Cô thích cây cối thì có thể làm vườn, chú ý sức khỏe là được. Thời gian này cô nên đọc sách kinh tế, sẽ tốt cho chuyên môn của cô.

– Vâng. Gia đình tôi ở đây… ông… nghĩ gì không anh?

Tôi lúng túng hỏi, tự nhiên lại cảm thấy hai má nóng ran. Có tiếng cười phì bên tai, Hải Đăng cúi xuống như hít hà mùi thơm trên tóc tôi, khẽ hỏi:

– Theo cô ông nghĩ gì?

– Làm… làm sao tôi biết được? Có thể ông không nghĩ gì, nhưng chuyện chiều nay… lỡ như đến tai ông… thì rất khó cho tôi!

– Không cần lo.

Anh đáp gọn một câu, thái độ hờ hững trở lại. Tôi chẳng biết nghĩ sao, một hồi đã đến trước gian nhà cổ kính nhất được dựng hoàn toàn bằng gỗ trong ngôi biệt phủ rộng lớn. Gian ngoài là phòng khách vừa cổ điển vừa hiện đại với bộ sofa gỗ đồng bộ, gian trong là phòng ngủ. Từ ngày bà Dung nằm một chỗ, bà ta nằm ở giường chăm sóc đặc biệt trong một gian nhà khác để y tá tiện chăm sóc.

Khi tôi và anh bước đến cất lời chào, ông Quốc đang ở hàng hiên trước nhà chăm sóc mấy chậu bonsai. Dáng người cao gầy, ở độ tuổi thất thập nhưng ông vẫn toát lên vẻ phong lưu nho nhã. Một tháng làm việc ở Phong Sơn tôi đã gặp ông ấy vài lần ở tổng công ty nên cũng không còn lạ.

Nhướng hàng mày qua cặp kính, ông cười chào đón, ánh mắt dường như hiếu kỳ nhìn hai chúng tôi:

– Cái Khanh ốm phải không, ta nghe thằng Đăng nói vậy?

– À vâng… cháu cảm ơn ông đã quan tâm… Ông uốn cây ra hình con rồng này ạ? Nhìn đẹp thật đấy!

– Ừ… ta uốn thân cây từ ngày nó còn non… hà hà… cũng như con người, phải uốn nắn từ nhỏ đó cháu.

Tôi gật đầu đồng tình, bất giác quay sang anh cũng đúng lúc anh nhìn tôi, tự nhiên tôi lại ngượng ngùng quay đi. Hải Đăng mất mẹ từ nhỏ, bố hết người mẫu này đến diễn viên khác, bà nội anh ghê gớm nhưng ông nội lại hiền từ, ông cũng là người gần gũi với anh nhất, thấu hiểu anh nhất, có lẽ ông chính là người “uốn nắn” anh ra được dáng vẻ hiện tại. Có phải đó là may mắn của anh không?

– Thằng Đăng cũng một tay ta uốn nắn, có gì mà ta không hiểu nó chứ?

Ôi trời đất ơi, chính ông xác nhận điều này với tôi làm tôi nong nóng mặt. Có khi nào… ông đã biết hết mọi chuyện giữa chúng tôi không? Ông Quốc cười lên một tiếng, sau đó thở dài:

– Chẳng biết có ngày ta được bế chắt không đây?

Nghe ông thở dài tự nhiên tôi lại hơi áy náy nhìn ông. Ông Quốc có bốn người cháu, cháu đầu là Việt Phong một vẻ phong lưu đa tình mà tuyệt nhiên không thấy nhắc đến người yêu bao giờ, cháu thứ hai là Hải Đăng xưa nay chẳng che giấu vẻ đào hoa trước tôi, tưởng cưới đến nơi lại hủy hôn ước, còn hai thằng cháu ngoại của ông thì nghịch ngợm rách giời đang ở trời Tây, xem ra ông lo cũng là hợp lý. Tôi cười cười an ủi ông:

– Các anh ấy còn kén chọn, ông cứ ra tối hậu thư là sẽ có chắt ạ!

– Haha… con bé này cho ông ý kiến hay đấy! Được, ông sẽ ra tối hậu thư!

Ông Quốc vui vẻ cười quả quyết. Hải Đăng lừ mắt nhìn tôi, ánh nhìn làm tôi khẽ rùng mình. Chẳng lẽ… anh bực bội vì câu nói của tôi sao? Con người anh… thực sự tôi chẳng hiểu được chút nào, dù cho… dường như anh đang sát kề tôi, chỉ cần vươn tay ra là sẽ chạm vào nhưng tôi vẫn chưa bao giờ chạm tới.

– Thôi chúng cháu về đây, không làm phiền ông nữa!

– Ơ cái thằng này… còn chưa nói được bao nhiêu chuyện. Thế thôi hai đứa về đi!

Hải Đăng xoay lưng bước đi trước, tôi áy náy chào ông Quốc rồi bước theo anh. Đường về anh đi trước, tôi theo sau, cảm giác nặng nề như thể tôi vừa làm điều gì đó khiến anh không vừa ý. Muốn hỏi anh tại sao nhưng… tôi lại chẳng thể mở miệng, cuối cùng chỉ khiến tâm trạng càng thêm tồi tệ.

Anh cứ vậy đóng sầm cánh cửa ngay khi bước vào, cách tôi mấy bước chân. Tưởng anh trưởng thành thế nào, hóa ra đại thiếu gia khó tính khó nết lại được nước trở lại thì phải! Khẽ lắc đầu tôi bước qua gian nhà của anh để trở về phòng.

Bố tôi đã bình tĩnh hơn để cảm nhận được mọi thứ, biết mẹ tôi giờ về đây làm việc, còn tôi cần điều trị bệnh. Thỉnh thoảng hơi hơi tỉnh ra bố còn hỏi tôi chữa bệnh gì nhưng tôi không dám nói thẳng, chỉ bảo bố là tôi chữa bệnh phụ nữ khi đến tháng đau bụng. Chỉ cần bố an tĩnh ở đây là đủ để mẹ con tôi sống yên ổn rồi, nếu không mẹ con tôi cũng không biết phải làm sao nữa.

Uống xong ca thuốc đêm, tôi nằm thiu thiu ngủ, trong lòng có ý chờ đợi. Biết đâu… đêm nay tôi có thể gặp được anh, có thể phát hiện được ra sự thật, vậy mà tôi ngủ sâu giấc cả đêm không mộng mị, đến sáng phát hiện mẩu giấy nhỏ tôi gài ở khe cửa vẫn còn nguyên. Có lẽ… đêm trước chỉ là ảo tưởng mà trong cơn mê man tôi tự vẽ ra…