Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi

Chương 10



12.

Buổi tối tôi nằm trên giường lại không ngủ được. Nhưng lần này là vui vẻ.

Hôm nay dì Chu bảo tôi theo bà ra ngoài dạo phố, Chu Hải Yến muốn đi theo, bà bảo anh đợi ở chỗ nào mát mẻ.

Sau đó, dì dẫn tôi vào một cửa hàng đồ lót mà tôi chưa bao giờ đến. Lần đầu tiên tôi biết, hóa ra đồ lót con gái có nhiều loại, nhiều màu sắc như vậy, hóa ra tuổi dậy thì phải mặc đồ lót khác, hóa ra không đồ lót là không bình thường.

Bà không chê phiền mà thử cho tôi hết cái này tới cái khác, cho đến khi chọn được cái thích hợp cho tôi.

Bà cầm tay dạy tôi cách mặc những loại đồ lót khác nhau theo đúng cách, cài dây như thế nào.

Bà nói, ngực phát triển là hiện tượng sinh lý bình thường, chứng tỏ là Thanh Thanh đang trưởng thành, ngẩng đầu ưỡn ngực, đừng thẹn thùng.

Bà nói, nếu chọn đồ lót không phù hợp dễ gây các vấn đề về ngực, đặc biệt là tuyến vú.

Thế là ngày hôm đó tôi có được bộ đồ lót đầu tiên thực sự trong đời, là dì tặng tôi.

Có thể bà quá tinh tế, chu đáo nên chị nhân viên cảm thán, bà quan tâm đến con gái quá.

Dì không phủ nhận, chỉ ôm tôi vào lòng, cười nói: “Con gái ngoan như vậy sao mà không thương?”

Dì Chu còn giống mẹ hơn cả mẹ.

Tôi vùi mặt vào lớp chăn mềm mại, cảm giác mình hạnh phúc đến choáng váng.

Từ giờ trở đi, tôi cũng sẽ là một đứa trẻ với những bộ đồ lót đẹp đẽ, thoải mái!

Đồ lót!

Trời!

Tôi sực nhớ ra, bật ngồi dậy. Đồ lót còn để trên sô pha dưới lầu! Dì nói phải giặt tay rồi mới mặc được.

Tôi mang dép lê, nhẹ nhàng xuống lầu, định tối nay giặt sạch.

Phòng khách có bóng đèn nhỏ mờ mờ, người đàn ông ngồi trên sô pha ẩn nửa người trong bóng tối, làn khói trắng mỏng manh từ đầu ngón tay anh tỏa ra, anh không nhúc nhích, tựa như linh hồn đã biến mất, chỉ còn lại thân xác mặc sức cắn nuốt.

Tôi dừng chân.

Anh như cảm giác được, dập tắt thuốc. “Đói bụng?”

Tôi lắc đầu, nhớ ra anh không nhìn thấy nên lên tiếng: “Không phải, em lấy cái túi nhỏ, trong đó có quần áo chưa giặt.”

“Em nói hai cái áo ba lỗ? Anh giặt xong phơi lên rồi.”

Hả?

Tôi giật mình.

Liếc mắt ra ban công thì thấy chúng được treo ngay ngắn trên mắc áo, ẩm ướt, nhăn nhúm, nhìn là biết giặt bằng tay.

Trong lòng dâng lên cảm giác lạ lùng không giải thích được.

Anh siêng như thế làm gì, khiến tôi giống như quỷ lười.

Anh vỗ vỗ ghế bên cạnh, ra hiệu tôi ngồi xuống. Giọng khó hiểu: “Không giặt tay được à?”

Tôi chống má, gật đầu rồi lại lắc, “Thật ra không phải, lực tay anh mạnh, em sợ anh vò hỏng.”

Anh: “…”

“Lần sau anh cẩn thận hơn.”

Khi đó trong mắt anh tôi chỉ là một đứa trẻ chưa lớn, mà tôi không có kinh nghiệm tiếp xúc với người khác giới, anh xem tôi là em gái, tôi xem anh là anh trai, chúng tôi không nhận ra chuyện này có gì không ổn.

Gần 12 giờ, anh giục tôi về phòng ngủ. Tôi không chịu.

Vì hoàn cảnh gia đình, để tránh bị đánh đập, tôi đã có thói quen hành động theo sắc mặt của ba, dần dà tôi rất nhạy cảm với cảm xúc của mọi người.

Bây giờ tâm trạng Chu Hải Yến rất tệ.

Anh như một tù nhân tuyệt vọng, đang chờ đợi, canh gác điều gì. Nó khiến tôi cảm thấy, giờ phút này tôi nên ở cạnh anh.

Sau này, vô số lần hồi tưởng lại đêm đó, tôi đều thấy may mắn vì trực giác của mình đã đúng.

Đồng hồ điểm 12 giờ.

Trên lầu chợt có tiếng mở cửa, dì đi xuống lầu.

Nhưng hình như bà không để ý đến chúng tôi, đi thẳng qua phòng khách, đi ra sân, dừng dưới gốc cây hoa quế.

Tôi tưởng là mộng du nên không dám phát ra tiếng, sợ quấy rầy bà.

Bóng đêm đen kịt, gió thổi qua kẽ lá lay động chuông gió trên cây, tiếng lanh canh cô đơn khuếch đại đến vô tận.

Thân người mảnh khảnh kia chuyển động, quay đầu, bắt đầu khiêu vũ theo tiếng chuông, mỗi động tác đều dùng hết toàn lực. Dường như mọi khát vọng và cuộc đời đang bùng cháy, mà dì sẵn sàng làm con thiêu thân lao vào ngọn lửa, lấy tư thế cực kỳ bi thương này táng thân nơi biển lửa.

Gió lạnh bi ai, mọi thanh âm tĩnh lặng, Chu Hải Yến và tôi ngồi ở cửa, im lặng làm khán giả cho điệu nhảy cuộc đời này.

Một khúc múa, dì ngã người ra sau như muốn giao thân mình cho người khác.

Nhưng hy vọng quá mức sẽ dẫn đến tuyệt vọng cùng cực.

Phía sau không có gì, dì chật vật ngã ra đất, đôi tay điên cuồng đấm xuống đất, nước mắt rơi như mưa.

“Tại sao anh không quay về thăm em một lần. Em sợ ma nhưng mà không sợ anh. Anh không ở đây, bọn họ đều ức hiếp em.”

Tôi muốn bước tới ngăn bà lại nhưng bàn tay to bên cạnh đã kéo tôi. Giọng khàn khàn mệt mỏi: “Em tới bà sẽ không tỉnh.”

Đau khổ chảy qua mọi người theo cùng một cách, nhưng mỗi người sẽ vượt qua dòng sông đau khổ theo những cách khác nhau, có người sa vào đó mê man không tỉnh, có người vác hành trang lên vai lẻ loi độc hành.

Buông bỏ là con đường duy nhất trong đời.

Đêm đó, dì khóc đến kiệt sức, Chu Hải Yến mới bước tới đưa bà về phòng.

Tôi lấy khăn ấm cẩn thận lau mặt, tay dì. Lau đi những vết bùn và nước mắt, nhưng tôi biết, vết thương trong lòng bà tôi không lau được.

Dì ngủ rồi, Chu Hải Yến lại ngồi trên sô pha, tôi yên lặng ở bên cạnh anh.

Dưới ánh đèn, người đàn ông ngửa đầu nhìn trần nhà, hốc mắt đỏ lên.

Thật lâu, anh hỏi: “Có sợ không?”

Tôi đáp: “Không sợ.”

Theo truyền thuyết, chuông gió treo trên cây khi gió thổi qua, người c/h/ế/t sẽ theo tiếng chuông về nhà.

Khi mẹ mới mất, mỗi đêm tôi sẽ treo một cái chuông gió ở cửa. Nhưng suốt hai năm trời, tôi không mơ thấy bà dù chỉ một lần.

Thay vào đó, ba đập vỡ chuông gió, cảnh cáo tôi không được làm loạn, hại ông ta trằn trọc, gặp ác mộng.

Thế nên có gì sợ đâu?

Điều bạn sợ hãi là điều mà người khác ngày đêm mong ngóng mà không thể nhìn thấy.

Tôi không sợ, nhưng tôi đau lòng.

Tôi đau lòng rõ ràng họ là “ốc còn không mang nổi mình ốc”, thế mà vẫn cố hết sức mang lại ấm áp cho tôi.

Tôi đau lòng vì thế giới luôn vỡ nát này lại vẫn có người miệt mài khâu khâu vá vá.

Tôi đau lòng vì chúng ta dường như ngậm những nỗi đau khổ trong lòng, ngả nghiêng qua thế gian này.

Trong lòng Chu Hải Yến quá đau khổ, khổ đến mức tôi chỉ ngồi bên cạnh anh là có thể chìm vào nỗi đau, sự cô độc không nói thành lời của anh, như thể đứng trước ranh giới sinh tử, đồng thời bị hai người vứt bỏ.

Mà tôi lại không thể làm được bất cứ điều gì.