Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 22: Trở lại quê nhà



Giữa tháng Ba, tin đoàn quân chiến thắng do Lê Hoàn dẫn đầu trở về đưa đến Kinh thành làm cho người ở Hoa Lưu vui như mở hội. Còn nghe tin đoàn quân chiến thắng về đến đâu cũng được người dân tiến ra hai bên đường chào đón. Bầy tôi dâng tôn hiệu cho Lê Hoàn là "Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế". Đi đến đâu muôn dân ở đó cũng cứ theo đó mà nhất nhất hô vang.

Nhiều người thân của các tướng lĩnh, binh sỹ còn dắt díu nhau đi mấy ngày đường để đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Còn ta, vui mừng vì bọn giặc phương Bắc đã bị đập tan là việc đương nhiên, nhưng bản thân không tránh khỏi khó xử. Mỗi ngày nghe tin đoàn quân chiến thắng trở về một gần mà càng bứt rứt, khó ở. Lê Hoàn đã về. Hoàng Đế mới của nước Đại Cồ Việt đã về. Vậy ta ở đây với danh phận gì? Dòng họ Lê đã đến ngày danh chính ngôn thuận lên trị vì đất nước, lại được ủng hộ của người dân Đại Cồ Việt như thế thì ta, người vợ góa của dòng họ Đinh còn ở lại đây làm gì?

Đang ngày đêm băn khoăn chưa biết xử trí ra sao thì chợt nhớ ra tháng Ba cũng chính là Giỗ đầu của Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu. Từ khi hai người mất tới nay, biết bao nhiêu chuyện xảy ra, ta chưa về để tang được. Nhân thời điểm này cũng cần phải về một chuyến. Thế là ta cùng Toàn Nhi, Lan Nhi và vài người hậu kẻ hạ thân cận vội vã chuẩn bị xe ngựa trở về Đạo Ái.

Bao sóng gió đã đi qua, cuối cùng cũng đã có thể trở về Đông Lỗ, chỉ tiếc rằng Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu đều đã không còn. Ta lại một mình trơ trọi. May mà còn có Toàn Nhi và Lan Nhi.

Tổ chức giỗ chạp chu tất cho Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu xong xuôi, ta bèn biên một thư tấu trình rằng, trang Đông Lỗ giờ không còn ai trông nom, Nghĩa mẫu và Nghĩa phụ đã không còn, ta thì mẹ góa con côi không nơi nương tựa, nên cúi xin Hoàng Đế Đại Cồ Việt cho hai mẹ con ta được ở lại quê hương bản quán, sớm tối quây quần bên nhau.

Xét cho cùng thì ta và Toàn Nhi đâu còn lý do gì để ở lại Hoa Lư. Giang sơn giờ đã là của họ Lê, những người họ Đinh ở lại Hoa Lư để làm gì? Một bà vợ góa của ông vua đã chết thì có danh phận gì ở Kinh thành nữa mà trở lại. Tuy Toàn Nhi vẫn là Vệ Vương đấy, nhưng thiết nghĩ đó chẳng qua cũng chỉ là cái tước vị hữu danh vô thực cuối cùng của một ông vua đã nhường ngôi cho người khác mà thôi. Ở lại nơi này vui vầy sớm tối có phải là vui hơn không? Chỉ tiếc là Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu đã không còn ở đây nữa mà thôi.

Nửa tháng sau thì nhận được Thánh chỉ gửi tới phê chuẩn việc cho ta ở lại quê hương bản quán. Với Toàn Nhi thì Thánh chỉ nói rõ, Vệ Vương vẫn sẽ được hưởng những bổng lộc theo quy định của triều đình đối với tước Vương. Hiện thời còn nhỏ thì có thể ở lại quê nhà cùng Dương Nương nương, nhưng tới khi trưởng thành cần trở lại Hoa Lư cùng Hoàng Thượng và các vị đại thần trị vì đất nước.

Nhưng đó là chuyện của lúc trưởng thành. Ta cũng chẳng quan tâm tới. Bởi đến khi Toàn Nhi trưởng thành, chắc người ở Hoa Lư đã lãng quên mẹ con chúng ta rồi.

Thế là hai mẹ con ta cùng Lan Nhi sớm tối quây quần bên nhau ở trang Đông Lỗ.

Cứ ngỡ rằng sẽ bình yên như thế mà đi đến hết cuộc đời. Nhưng rồi rốt cuộc, mình tính toán sao lại với trời?

Về Đông Lỗ được chừng hai tháng thì mọi sinh hoạt đi vào quy củ.

Hàng ngày, sáng ra Toàn Nhi sẽ sang Võ đường học võ và học chữ rồi tối trở về nhà. Bình thường các môn sinh ở Dương Xá phải ở nội trú, rồi ăn ở, sinh hoạt, tham gia lao động sản xuất tại Võ đường. Nhưng vì Trang ở ngay cạnh Võ đường, lại thêm thấy ta giờ cũng chỉ còn vò võ một mình nên Trưởng tràng Dương Nhị Thuần muốn tạo điều kiện để Toàn Nhi trở về trang vào buổi tối cho ta đỡ cô quạnh.

Dương Nhị Thuần chính là cháu họ ta, là cháu nội của nhị thúc Dương Nhị Kha, nhị thúc của Nghĩa phụ ta, nên mọi việc hết sức dễ dàng.

Năm xưa khi ta rời Đông Lỗ, Nhị Thuần mới chỉ chừng mười, mười một tuổi và cũng không mấy hứng thú với võ biền, còn tưởng rằng sẽ không có ai nối dõi họ Dương làm chủ võ đường Dương Xá, thế mà không ngờ giờ đây trở lại đã trở thành một chàng trai giỏi giang, tuấn tú, lại là Trưởng tràng của Võ đường rồi.

Chiến tranh chống Tống vừa rồi Nhị Thuần và nhiều thanh niên ở Võ đường có tham gia tòng lính, viết tiếp những trang sử hào hùng của Võ đường từ thời tổ phụ Dương Đình Nghệ: Bất cứ khi nào có chiến tranh, có xâm lược, những người ở Võ đường sẵn sàng lên đường vì chính nghĩa, vì độc lập dân tộc. Đến khi chiến tranh kết thúc đã xin về quê hương bản quán để lãnh đạo Võ đường.

Toàn Nhi đi học rồi, ta và Lan Nhi ở nhà hết sức nhàn nhã, thảnh thơi. Sáng dậy sớm uống trà. Ban ngày, khi thì trồng rau, trồng hoa, trồng ngô, trồng cà, khi thì thả cá, nuôi gà. Tối thì hóng trăng thanh, gió mát. Cuộc sống hết sức bình yên tự tại.

Thế nên một buổi, sau khi cơm trưa xong, khi Lan Nhi chợt nảy ra ý kiến vào Thành Tư Phố chơi ta đã không mấy mặn mà, bèn bảo nàng:

- Em muốn đi thì sai người ở trong Trang đánh xe đưa em đi. Ta không có hứng thú lắm. Ta giờ đây chả còn hứng thú với cái gì nữa hết. Em đi rồi ta lên giường ngủ một giấc chờ cơm tiêu rồi chiều đi dạo ngoài vườn là thích nhất.

- Thì em cũng muốn bon chen làm gì đâu. Chẳng qua bỗng muốn vào xem hơn chục năm qua Thành có đổi thay như thế nào mà thôi. Nhớ khi xưa hay cùng Phu nhân vào đó mua bán, ngồi trong xe nhìn ra thật là tráng lệ. Bây giờ thì có thể tự do mà đi lại rồi, nên muốn biết thành thay đổi ra sao, có gì vui vẻ hay không?

- Sao tự nhiên em lại thích vui vẻ thế? Không phải là em muốn lấy chồng rồi đấy chứ?

Ý tứ đó đột nhiên vụt qua đầu ta, ta không suy nghĩ cho kỹ và cũng chỉ định nói cho vui, vậy mà không ngờ làm nàng ta dỗi, không thèm đi vào Thành nữa và vùng vằng giận ta suốt cả buổi chiều.

Ngẫm ra thì cũng còn sống ở đây bao năm nữa ai mà biết được? Cũng không thể cứ quanh quẩn trong Trang mãi. Về sau cần thiết thứ gì cũng đều phải vào Thành mới có được. Thế là sáng hôm sau một chủ, một tớ mang theo hai gia nhân khỏe mạnh đánh xe, thúc ngựa rồi chúng ta đi vào thành.

Mười lăm, mười sáu năm đã trôi qua. Thành quả có nhiều đổi khác. Nhà cửa mọc lên san sát. Dân cư đông đúc và sầm uất hơn. Đèn lồng xanh đỏ giăng ngang khắp phố. Chỗ này bán hàng chỗ kia bán quán. Góc này mùi rượu chỗ kia lại hương bánh. Tiếng rao tiếng mõ, tiếng vó ngựa và tiếng người qua lại rất vui vẻ, rộn ràng. Mọi âm thanh, màu sắc và cả mùi vị hết sức sống động cứ liên hồi ùa tới, đánh thức các giác quan của mình.

Ngẫm ra ở Hoa Lư, tuy phú quý, giàu sang là vậy, nhưng vì trong thành không có người dân sinh sống, nên chẳng thể có được khung cảnh tươi vui, bình dị và sống động như thế này.

Vừa khi đó ta nhìn thấy hiệu vải khi xưa Nghĩa mẫu hay đưa chúng ta tới, bèn bảo gia nhân dừng xe để chúng ta vào xem. Vừa hay chúng ta cũng đang cần thêm ít vải vóc để may quần áo mùa hè. Khi từ Kinh thành về, chúng ta đã đi rất gọn nhẹ nên không mang theo nhiều quần áo.

Tiệm vải vẫn không thay đổi nhiều. Chỉ cơi nới, mở rộng một chút và có thêm nhiều sạp hàng mới. Mới thấy gia tộc tiệm vải đây đúng là gặp thời gặp vận. Bao năm qua vẫn phú quý vững bền.

Thấy chúng ta đến, một phu nhân trạc ngoài bốn mươi, năm mươi đon đả ra chào mời. Đây chính là người con dâu của ông chủ tiệm vải khi xưa. Chắc giờ đây đã kế thừa cơ ngơi rồi.

Chủ hàng dắt chúng ta vào bên trong để cho xem vải lụa mùa hè. Lại thấy chúng ta có vẻ là người lạ nên mới hỏi:

- Quý Phu nhân đây ở đâu sao giờ mới thấy ghé tệ xá đây?

- Chúng ta ở vùng gần đây, vốn tính không thích ồn ào, mua bán nên bấy lâu là gia nhân đi mua sắm cả, nay mới chợt nổi hứng vậy thôi – Lan Nhi vừa nguýt bà chủ một cái vừa trả lời.

- Chà ra là vậy! Thể nào tôi đã đứng bán ở đây mấy năm mà không gặp Quý Phu nhân. Hôm nay đã cất công đến đây rồi thì để tôi giới thiệu cho Quý Phu nhân đây một loại lụa mùa hè cực phẩm, do chính tay một thơ dệt, xưa vốn là cung nữ ở cung Ca Ông dệt nên. Cung Ca Ông chính là cung chăm lo phục trang, vải vóc, lụa là cho Triều đình chắc Phu nhân đã biết rồi. Hết tuổi hầu hạ trong Cung, nàng ta được ân điển ra khỏi cung để lấy chồng, rồi về sống ở đây, hành nghề dệt lụa. Loại lụa này vốn chỉ có Hoàng Thượng, Hoàng hậu, Vương gia cùng các quan Đại thần quyền cao chức trọng mới được dùng thôi. Rất đẹp mà lại nhẹ, mùa hè nóng mặc vào người thì mát lạnh ngay! Số lượng ít lắm vì dệt rất khó, thấy Quý Phu nhân đây là người sang trọng nên tôi mới giới thiệu đấy!

Ta chút nữa thì phì cười vì cái ý nghĩ, giờ đây về quê nhà sinh sống lại phải tranh thủ đi mua cái thứ lụa là vốn chúng ta vẫn dùng thừa mứa ở trong Cung. Mà nghe nói như vậy khéo phải bán cả trang Đông Lỗ đi mới đủ tiền mua được vài súc không biết chừng. Nhưng chưa kịp nói gì thì ở buồng bên đã vang lên một giọng nói mát ra chiều giận dỗi:

- Vợ Gia Hưng nhà ngươi gớm nhỉ! Có lụa quý mà không giới thiệu với ta! Chắc nhà ngươi cho ta là người phàm phu tục tử nghèo hèn đây mà.

Bà chủ tiệm vải nghe thấy thế thì giật nảy mình, chẳng kịp nói với chúng ta một câu vội chạy ào sang buồng bên. Chúng ta cũng chỉ kịp nghe vọng lại câu được câu chăng rằng "xin lỗi Lưu Phu nhân.. tiện nữ không có ý đó..", liền đó vẫn là giọng nói ban nãy tiếp tục vang lên đáp trả:

- Ta đã mua lụa của nhà ngươi bao nhiêu năm, giúp đỡ nhà ngươi những khi làm ăn khó khăn, thất bát, thế mà cũng không bằng một Quý Phu nhân sang trọng mới từ phương xa đến lần đầu hay sao?

Giờ thì chủ hàng rối rít nói những gì chúng ta không nghe rõ nữa. Nhưng nghe giọng điệu Lưu Phu nhân nọ cố tình nói vọng sang bên này như vậy, áng chừng rằng nàng ta đang chĩa mũi nhọn về phía chúng ta hơn là về phía chủ hàng vải.

Nghĩ vậy ta liền kéo áo Lan Nhi nói khẽ "về thôi" rồi hai người nhanh chóng đi ra phía cửa.

Vụ chạm trán với Lưu tiểu thư trong đêm trung thu năm nào chợt lướt qua đầu ta. Cái nơi này thật là kỳ lạ! Không hiểu ta có ân oán gì, mà cả hai lần muốn vui chơi một chút thì đều xảy ra chuyện!

Ra đến cửa thì thấy một Quan gia ăn mặc sang trọng đang đứng đó gọi với vào bên trong "Phu nhân chúng ta mau về thôi!". Chắc đây là đức lang quân của phu nhân gây sự buồng bên. Ta nghĩ vậy khi đi lướt qua chàng ra phía cửa.

Đang ngó nghiêng để nhìn xem gia nhân đứng đợi ở hướng nào thì nghe tiếng gọi với lại ở phía sau:

- Xin hãy dừng chân!

Quay lại nhìn thì chính là Quan gia ban nãy đang tiến về phía chúng ta. Chàng tiến từng bước một tập tệch, hơi chậm chạm. Có vẻ chàng bị thương tật gì đó ở chân.

- Đây không phải chính là Dương Nương nương hay sao! Hạ thần thật là hồ đồ quá đi qua mà không nhận ra Nương nương!

Chúng ta ngỡ ngàng nhìn quan gia đang tiến tới. Ai mà lại có thể nhận ra chúng ta giữa thành Tư Phố heo hút này? Chúng ta đã đi xa Hoa Lư cả ngàn dặm mà vẫn có người biết đến chúng ta được sao?

Vị Quan gia đó tiến lại gần, kính cẩn cúi đầu thi lễ, sau đó cười rất tươi bảo:

- Hạ thần chính à Trịnh Hàm, khi xưa từng là bạn đồng môn với Hoàng Thượng và Phạm Đại tướng quân, Nương nương còn nhớ không?

À, ta đã nhớ ra chàng! Chính là một trong hai huynh đệ thân thiết của Lê Hoàn khi còn ở Võ đường. Cũng chính là người đã giải vây giúp chúng ta trong vụ động độ với Lưu tiểu như nhà Lưu Bao năm nào! Nhưng không ngờ lại gặp chàng ở xứ này! Tưởng rằng chàng đang cùng Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng tung hoành ngang dọc rồi chứ?

Thấy ta ngây người ra như vậy, Trịnh Hàm cười hiền rồi bảo:

- Chắc Nương nương bất ngờ vì gặp hạ thần ở đây? Năm xưa có cùng Hoàng thượng và Phạm Đại tướng quân theo chân Đinh Tiên Đế bình định thiên hạ. Nhưng rồi bị thương ở chân thành tật, không lên xuống ngựa được nên phải ôm hận trở về quê nhà. Vừa rồi có nghe tiểu tử nói chuyện rằng có học võ cùng một Thiếu gia người bên trang Đông Lỗ, thì đoán ngay ra chính là Vệ Vương. Hạ thần chưa kịp gửi thiệp tới thỉnh an Nương Nương và Vệ Vương thì đã gặp người ở đây rồi!

Vừa nói tới đó thì một Phu nhân xinh đẹp tuyệt trần với mày ngài, mắt phượng, môi đỏ, má hồng, tóc dài ngang lưng, châm ngọc lấp lánh, váy lụa tha thướt bước ra, theo sau là một nàng hầu và bên cạnh là chủ hàng lụa dáng vẻ xun xoe, khúm núm. Có lẽ chính là Lưu Phu nhân ban nãy vừa cất tiếng.

Năm sáu cặp mắt đan chéo vào nhau. Một ánh bực bội lướt qua trên gương mặt của Phu nhân xinh đẹp. Nhưng nàng chưa kịp nói gì thì Trịnh Hàm đã tươi cười bảo:

- Phu nhân hãy mau lại đây thỉnh an Nương nương! Đây chính là Dương Nương nương, nguyên là Hoàng hậu của Đinh Tiên Đế, là mẹ của Vệ Vương đang học cùng tiểu tử nhà ta ở bên Võ đường đấy!

Nghe đến đó thì màu phớt đỏ trên hai gò má của nàng liền chuyển sang màu tái xanh. Nàng luýnh quýnh cùng thị nữ vội vàng quỳ sụp xuống, miệng ríu rít:

- Bọn tiện nữ xin thỉnh an Nương nương! Chúc Nương nương vạn thọ vô cương!

Chủ hàng lụa nghe thấy thế cũng hồn siêu phách lạc thủ phục xuống lắp bắp không thành tiếng.

- Các người hãy đứng dậy đi, không cần phải đa lễ!

Ta nói rồi ra hiệu cho Lan Nhi lại đỡ hai nàng dậy. Chủ hàng vải cũng tự lồm cồm đứng lên ở bên cạnh những vẫn không dám ngẩng đầu lên.

- Ta về đây sống cốt muốn an nhàn ẩn dật, xin các vị đừng quá lễ nghi cung kính kẻo người xung quanh biết được lại gây phiền nhiễu tới đời sống hàng ngày của mẹ con ta!

Mấy người nghe thế gật đầu xin vâng. Ta nhìn Phu nhân xinh đẹp bên cạnh bảo:

- Vậy ra đây chính là Phu nhân của Trịnh Khanh gia?

- Đúng vậy! Lưu Phu nhân và Trịnh Hàm không hẹn mà cùng cất lời. Trịnh Hàm chợt phì cười rồi nói thêm: Nàng ta chính là Lưu Ỷ Ngọc, tiểu thư nhà họ Lưu, khi xưa đã từng chạm trán với Nương nương trong đêm trung thu năm nào đấy! May mà ngày đó không xảy ra việc gì, chứ không thì giờ đây đã đắc tội với Nương nương rồi!

Mọi việc trong đêm trung thu đó lướt qua đầu ta như một chiếc đèn kéo quân. Lại đưa mắt nhìn Phu nhân xinh đẹp đang lúng túng đứng trước mặt mình giờ đây đã trở thành vợ của Trịnh Hàm thì không khỏi phì cười. Chính là khi đó nàng định cậy quyền cậy thế bắt nạt ta. Mà vừa hồi nãy cũng chính là nàng định gây ghi dễ. Nhẽ nào tính tình con người này bao năm qua không hề thay đổi hay sao? Chạm trán với nhau như vậy, nhẽ nào chúng ta có nợ nần, là oan gia từ khiếp trước? Nghĩ vậy nhưng cũng chỉ khẽ bảo:

- Có gì mà đắc tội hay không. Chuyện xưa đã là chuyện cũ rồi. Ta chỉ không ngờ giờ đây hai người lại nên vợ nên chồng như vậy. Lúc nào phải kể lại đầu đuôi sự tình cho ta nghe mới được.

- Nhất định rồi! Hôm nào mời Nương nương ghé qua tệ xá, bọn hạ thần nhất định sẽ đem chuyện kể mua vui cho Nương nương bên chén trà!

Nói tới đó thì thấy hai vị khách đang dắt díu nhau bước vào tiệm vải. Không muốn gây chú ý với họ, ta vội bảo:

- Có lẽ chúng ta nên rời đi thôi, khi nào mời hai vị qua trang Đông Lỗ uống chén trà lạt rồi chúng ta tiếp tục hàn huyên nhé!

Hai người họ biết ý, chỉ khẽ cúi đầu chào trong khi ta cùng Lan Nhi nhanh chóng rời đi.

Vậy là không mua được vải như đã định. Chúng ta ghé qua tiệm tạp phẩm mua vài thứ hàng linh tinh khác rồi ghé vào hàng bạc mua ít đồ dùng, vật dụng và nhanh chóng ra về.

Ngồi trên xe suốt dọc đường về, những ký ức thuở trước lại đua nhau trở về trong đầu. Cố xua đi mà một lúc lại ẩn ẩn hiện hiện..

Chừng nửa tháng sau thì vợ chồng Trịnh Hàm đưa thiệp đến xin gặp mặt. Ta hết sức vui mừng mời hai người tới Trang chơi. Lại sai gia nhân bày cỗ thết đãi, pha trà ngon tiếp chuyện, rồi cùng dạo chơi trong Trang ngắm hoa trái, cây cỏ. Dù sao đã xa quê hương bao năm, nay trở về có người làm bầu làm bạn cũng là một chuyện đáng mừng. Hai người còn mang theo rất nhiều lụa quý để tặng. Ta từ chối mãi không được cũng đành nhận cho hai người vui.

Thì ra chuyện tình duyên của Lưu Phu nhân và Trịnh Công tử cũng không thiếu điều ly kỳ trắc trở.

Sau cái lần gặp gỡ trong đêm Trung thu ấy, Trịnh Hàm còn gặp Lưu tiểu thư một lần nữa ở ngoại ô thành Tư Phố. Chính là nàng ta cùng hai thị nữ của mình tự tiện lấy xe ngựa ra vùng ngoại thành chơi. Cũng chỉ định là ra ngoài Thành ngắm cảnh, hóng gió cho thoải mái, không ngờ gặp ngay đám trai làng bất hảo, thấy ba tiểu thư xinh đẹp lại ngồi xe ngựa quý đi qua, bèn dừng lại trêu ghẹo. Không biết chúng định dở trò gì nữa nếu không gặp Trịnh Công tử khi đó đang cưỡi ngựa từ Võ đường trở về thăm gia đình, gặp chuyện bất bình mà ra tay cứu giúp.

Đúng là oan gia thì hay gặp mặt! Đến lúc nhận ra chính là đã thấy mặt nhau trong đêm Trung thu hôm đó thì không khỏi ngượng ngùng. Nhưng Trịnh Công tử vẫn quyết tâm hộ tống theo xe của các nàng về tận Lưu phủ vì sợ dọc đường đi có chuyện gì bất trắc xảy ra. Sau lần ấy thì Trịnh Công tử không khỏi lắc đầu, nhăn mặt vì cái cô tiểu thư nhà giàu mà hay phách lối và gây phiền hà này. Nhưng nàng Lưu ta thì phải lòng chàng mất rồi. Thế là nàng ta ngày đêm bắt gia nhân canh chừng ở ngoài Trịnh phủ, hễ thấy Trịnh Công tử trở về là lăn vào theo đuổi. Trịnh Công tử càng thêm sợ cái người con gái nhỏ bé mà đã muốn làm gì thì cũng phải "dày mặt" làm cho bằng được này.

Vừa khi đó thì Công tử Đinh Liễn về Võ đường để mộ binh, thế là Lê Hoàn cùng Phạm Cự Lượng, Trịnh Hàm và nhiều môn sinh nữa ở Dương Xá lên đường.

Lưu Tiểu thư biết tin chạy theo khóc lóc, thề nguyền sẽ đợi Trịnh Công tử về. Trịnh Công tử nghe thế vừa ái ngại vừa buồn cười. Ái ngại vì đã nhận lời yêu thương gì đâu mà thề bồi hẹn ước, nếu nàng ta đợi thật thì chàng biết sau này xử trí ra sao? Nhưng cũng chính vì thế mà buồn cười, nào đâu đã hứa hẹn gì với nhau đâu mà thề bồi? Rồi sau gặp ai ưng ý, nàng ta theo người ấy, thế không phải là tự mình thề nguyền rồi tự mình bội ước, rất là buồn cười hay sao? Ấy vậy mà Lưu tiểu thư quyết đợi Trịnh Công tử cho bằng được thật. Thời gian sau đó có nhiều nhà gia thế đến xin làm thông gia với họ Lưu mà nàng nhất mực từ chối, chỉ một điều đợi Trịnh Hàm Công tử. Nhà họ Lưu không phải không điên đầu vì nàng, nhưng nàng là con một nên cũng đành chịu.

Đầu năm Năm Mậu Thìn, ngay trước khi chiến tranh kết thúc, Trịnh Công tử bị thương ở chân không thể tham gia trận mạc được nữa, phải đưa về nhà chữa trị. Sau khi hỏi thì chân cũng thành tật, đi tập tệch như bây giờ.

- Sau khi trở về quê, hạ thần thấy mình như vô dụng, lại bị thương tật như vậy nên chí khí nam nhi cũng bị thương tổn ít nhiều. Hạ thật tính rút vào sống ẩn dật, định rằng cứ thế, ngày câu cá, tối câu trăng. Nhưng chính là Phu nhân đã quyết thuyết phục cho bằng được. Cảm kích vì tấm chân tình của nàng, hạ thần cuối cùng cũng chấp nhận.

Lúc đó chúng ta đang đi dạo ở trong vườn. Vườn được những tán cây cổ thụ che chở nên râm mát và trong lành. Nói đến đó Trịnh Hàm đưa bàn tay xiết chặt lấy bàn tay của Lưu phu nhân. Nàng ngượng ngùng khẽ rút bàn tay ra, chàng mỉm cười ấu yếm nhìn nàng. Ánh hồng phơn phớt trên gò má Lưu Phu nhân. Cái khoảnh khắc đó, ngắn ngủi thôi mà yêu thương ngập tràn. Ta có thể cảm nhận được yêu thương đó như khi xưa ta nhìn Thân phụ và Thân mẫu ta bên nhau vậy. Ta nhìn thấy ở đó hạnh phúc và chân tình.

Ngẫm nghĩ cũng kỳ lạ! Đúng là oan gia thì khéo gặp nhau! Không ngờ nàng Lưu ương bướng đó giờ đây lại trở thành phu nhân của Trịnh Hàm Công tử. Và chúng ta lại có ngày trở thành bầu bạn của nhau như thế này.

Bản thân ta nhìn nàng Lưu không phải không có chút cảm thấy tự hổ thẹn. Cùng là thề bồi, nguyền ước, mà cuối cùng họ được ở bên nhau. Còn ta.. Rốt cục chính ta là một người yếu đuối, nhu nhược, không dám chiến đấu vì tình yêu của mình, hay là ngay từ đầu mọi việc đã được an bài như thế? Nghĩ thế rồi nhìn cảnh họ kề vai âu yếm đi bên nhau mà không khỏi cảm thấy chạnh lòng.