Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 23: Gặp lại



Đầu tháng Bảy, vợ chồng Trịnh Hàm mời ta tới tư gia chơi ít hôm. Thứ nhất là cho biết nhà biết cửa, thứ hai cũng chính là sinh nhật của Lưu Phu nhân. Hôm đó nàng Lưu có mời một đoàn hát sướng và diễn xiếc đến biểu diễn ở sân nhà, nên rất muốn mời ta tới xem cho vui. Ngẫm ở nơi thôn dã này có vợ chồng nàng làm bầu làm bạn cũng bớt phần quạnh hiu, lại thêm sinh nhật của nàng Lưu nên chẳng thể nào từ chối được, ta và Lan Nhi bèn chuẩn bị quà cáp, mang theo một số gia nhân thân tín vào Thành.

Đến rồi mới biết phủ thất của nhà họ Lưu đúng là thiên hạ đệ nhất ở thành Tư Phố này. Vì Lưu Ỷ Ngọc là con một của họ Lưu, mà nay cả hai vợ chồng nhà Lưu Bao đều đã qua đời nên đương nhiên nàng Lưu và chồng trở thành người tiếp quản cơ ngơi này.

Nếu mang ra so sánh với Hoa Lư, nhiều chỗ ở Lưu phủ có khi còn tráng lệ hơn nhiều. Cũng phải thôi, họ Lưu đã mua may, bán đắt, thịnh vượng bao nhiêu năm qua, nên gia tư bề thế, phú quý là điều dễ hiểu.

Bước qua cổng Tam quan đi vào Phủ, gia nhân dẫn ta và Lan Nhi đi qua tầng tầng lớp lớp các gian nhà, lại đi qua nhiều hàng lang có mái che, các lầu hóng gió không khỏi khiến chúng ta thấy chóng mặt. Vốn là người sống trong Cung với thành quách trong ngoài bao nhiêu năm, vậy mà vẫn thấy như bước vào mê cung vậy. Cuối cùng chúng ta cũng được dẫn tới một gian lầu nhỏ xây giữa mặt hồ, nơi Lưu Phu nhân đang ngồi uống trà.

Đây là một chiếc Hồ nhỏ, có lẽ chừng nửa xào. Hồ nhân tao thì đúng hơn là hồ tự nhiên. Xunh quang hồ có nhiều nhà cửa, lối đi, vườn hoa, cây cảnh. Những thân liễu xanh mềm rủ xuống mặt hồ mang lại cho khung cảnh nét thướt tha, kiều diễm. Con chim oanh trong chiếc lồng sơn treo trên mái nhà cất những tiếng lỏnh lót trong vắt như nước dưới mặt hồ.

Thấy ta tới Lưu Phu nhân vui vẻ chạy ra, thi lễ cung kính rồi dắt tay ta lên lầu, miệng không ngừng líu lo như chim hót. Ngẫm cũng thấy thật lạ, khi chưa quen thì thấy nàng ta là người hay ra oai và rất thích gây phiền hà, quen rồi thì thấy nàng ta thực ra lại rất tốt bụng, chẳng qua nàng ta cứ hay thích làm loạn lên cho vui mà thôi. Hay gây sự, chắc là thú vui của những người giàu có đôi khi thấy cuộc sống quá nhàm chán chăng?

- Thấy Nương nương nhận lời tiện thiếp vui mừng quá! Không ngờ lại được Nương nương hạ cố tới dự sinh nhật của mình như thế này!

- Ta mới là người vinh dự khi được Phu nhân mời tới đây. Lưu phủ quả thật là nơi tráng lệ bậc nhất ở Đạo Ái này rồi!

- Không phải là Nương nương đang cười chúng thần đấy chứ! So với Kinh thành thì tệ xá của bọn chúng thần chẳng đáng để Nương nương quan tâm rồi!

Ta phì cười, nếu cứ khen qua khen lại như vậy thì e rằng đến chiều vẫn chưa hết câu chuyện, bèn bảo nàng:

- Thôi chúng ta không cần khách khí nữa. Lưu phu nhân đang uống trà gì xin cho ta thưởng thức với!

Nàng vội vã kéo ghế cho ta ngồi, rồi rót cho ta một chén trà. Rồi chúng ta cùng ngồi xuống thưởng thức.

Đưa chén trà thơm mùi hoa cúc lên miệng, phóng tầm mắt nhìn ra khung cảnh hữu tình xung quanh, bỗng lại chạnh lòng nhớ những ngày cùng Trinh Minh Nương nương ngồi uống trà thưởng hoa ở trong Cung. Mới đó mà giờ đã xa ngàn dặm. Tri kỉ đó mà nay bặt tin nhạn rồi.

Hóa ra đời người, ai cũng chỉ có thể cùng ta đi cùng một đoạn đường, còn lại phần lớn chính là chỉ một mình ta suốt chặng đường dài mà thôi.

Nay ta ngồi đây với Lưu phu nhân, tuy không phải là tri kỉ mà cũng không khỏi ngậm ngùi, rồi mai sau có còn được ngồi với nhau như thế này nữa chăng?

Chà! Bỗng hiên ta lại bi lụy quá! Ta đặt chén trà xuống, bảo:

- Sao không thấy Trịnh khanh gia đâu? Phải chăng hôm nay bận chuyện gì?

- Quả đúng thế! Mấy hôm nay có một vị quan gia từ phương xa tới tệ xá của chúng thần tá túc, nên tướng công thần thiếp hơi bận một chút. Nhưng buổi tối có tiệc rượu diễn sướng, nhất định sẽ tới để hầu hạ Nương nương.

- Vị quan gia từ vùng nào sao không tới Tri phủ thết đãi, mà lại phải qua đây tá túc?

- Thần thiếp cũng không rõ là từ phương nào. Chỉ nghe nói là ngài ấy đi giải quyết việc riêng nên không muốn làm phiền đến cửa quan. Tướng công thần thiếp có bảo, khi xưa chính là có quen biết nhau nên ngài ấy muốn tới đây ở sẽ tiện hơn.

- Ra là vậy.

Buổi trưa, sau khi dùng bữa xong, Lưu phu nhân xếp cho ta một phòng khách để nghỉ ngơi.

Buổi chiều, sau ngủ trưa dậy thì một cơn mưa lớn kéo về làm nàng Lưu buồn thiu. Vì tiệc sinh nhật nàng định tổ chức ngoài trời, từ trước một vài ngày đã cho dựng rạp và sân khấu để diễn sướng ở sân lớn trong Phủ. Vậy mà mưa thì chưa biết làm thế nào. Nàng lo quá, chẳng còn tâm trí đâu mà dẫn ta đi vãn cảnh, bèn sai một nàng hầu nhỏ tới dẫn chúng ta đi.

Càng đi dạo xung quanh càng thấy, Lưu phủ đúng là rất nguy nga tráng lệ, tầng tầng lớp lớp tường trắng mái đỏ ủy nghiêm, lầu son gác tía nối tiếp. Những khu vườn được tạo lập rất công phu với những cây tùng, cúc, trúc, mai được cắt tỉa tinh tế, đẹp mắt. Đây đó một vài hồ nước tiểu cảnh điểm xuyết với liễu buông mành, với hoa soi bóng hết sức thảnh thơi, tao nhã. Nói thì có vẻ có lỗi với nỗi lo lắng của Lưu Phu nhân, nhưng trời mưa như thế này, đi men theo những hành lang mà ngắm cảnh vườn yên ả trong cơn mưa thật ra rất thú. Đôi khi một vài giọt nước bắn vào làm ướt váy áo, nhưng không sao.

Có một mùi hương từ một loài hoa gì không rõ, rất dịu ngọt quẩn quít khắp lối đi.

Đi một hồi cũng tới được hồ Thủy Nguyệt, nơi được nàng hầu nhỏ giới thiệu là hồ lớn nhất và có cảnh quan hữu tình nhất trong Lưu phủ.

Hồ bạt ngàn sen nở. Lá xanh chen bông trắng, bông hồng trông thật là đẹp mắt! Hương sen quện vào với mùi mưa cuối hạ đưa lên thơm ngào ngạt và thanh tao.

Hồ rất rộng, nhưng được bao quanh bởi những hành lang và lối đi với bao lơn đỏ, tạo cảm giác xa mà gần, mênh mông đó mà lại hết sức gần gũi. Đây đó là các dãy nhà lầu mái ngỏ có cửa lớn và cửa sổ hướng ra phía hồ, cho thấy nhà họ Lưu rất biết tận dụng cảnh quan của hồ để làm phong phú tầm nhìn cho phòng ở.

Một số nơi lại có những bậc tam cấp dẫn xuống hồ để các thị nữ rửa chân, hái sen chơi. Lại có một cây cầu sơn đỏ, thếp vàng cong cong bắc qua hồ. Xa xa có dáng một vài thị nữ váy đỏ thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện trong màn mưa nơi hành lang liễu rủ làm cho phong cảnh thêm mơ màng như ở chốn bồng lai.

Ta với Lan Nhi rất muốn đi lên phía cây cầu để ngắm hoa sen từ trên cao, nhưng nàng hầu nhỏ bảo, cây cầu này dẫn thẳng tới khu nhà mà vị quan gia phương xa đang ở, mà Trịnh Gia gia có dặn, không ai được lại gần khu đó nếu không được phép. Thế là chúng ta lại thôi. Chẳng muốn kinh động tới dù đó là ai đi nữa.

Đành lững thững kẻ đứng, người ngồi bên lan can ngắm những đài sen im lặng ngửa mặt đón những hạt mưa trời. Nàng hầu nhỏ lôi tay Lan nhi lại bậch tam cấp lên xuống hồ gần đó, hai người định khều hoa sen vào để hái chơi.

Ta ngồi xuống tràng kỷ đặt bên lan can ngó ra hồ. Buông lơi tâm trí theo những hạt mưa rơi xuống lá sen, tụ thành những hạt nước rất to rồi rớt xuống hồ.

Đúng lúc đó thì ta nhìn thấy con người ấy!

Xuyên qua làn mưa trắng mờ. Ở một phía hồ, nơi khung cửa sổ tròn sơn son thếp vàng. Người đang đứng đó, hai tay bắt chéo sau lưng, lặng thinh nhìn ra hồ sen, nhìn ra màn mưa trắng.

Nét mặt tựa một áng mây mùa thu. Có một chút hững hờ. Có một chút bình thản.

Ánh mắt tựa hồ nước cuối mùa hè. Trong vắt. Có một chút dịu dàng. Lại phảng phất một chút buồn mang mác.

Người đó chính là đương kim Hoàng đế Đại Cồ Việt: Lê Hoàn!

Ta chết lặng trong một chốc.

Sen. Mưa. Lê Hoàn.

Những kỷ niệm xa xăm chợt ùa về như những giọt mưa rơi ở trong lòng.

Chưa kịp quay mặt đi để tránh thì Lê Hoàn đã đưa mắt nhìn ta. Ta lại càng không biết nên làm thế nào. Cứ đứng im như tượng, mắt không rời đi được.

Một chút ngỡ ngàng nhẹ như sương khói lướt qua trên mặt Lê Hoàn nhưng nhanh chóng biến mất. Liền đó khuôn mặt lại trở về với trạng thái không thể đoán định hàng ngày. Lê Hoàn sẽ gật đầu chào ta. Ta vội vã cúi người chào lại. Đang chưa biết nên làm gì tiếp theo thì Lan Nhi và nàng hầu nhỏ ùa tới, trên tay năm, sáu bông hoa sen mà các nàng vừa hái được. Mấy giọt nước ở trên cánh hoa rớt vào váy ta. Rót cả vào lòng ta. Lành lạnh..

- Có gì mà Nương nương đứng ngẩn người ra thế? Vẫn chằm chằm nhìn vào mấy bông hoa, Lan Nhi hỏi cho có câu chuyện.

- Không có gì. Đến đây cũng đã hết đường rồi, chúng ta cũng nên về nghỉ ngơi một chút để chuẩn bị cho tiệc chiều thôi.

Các nàng đều cho là phải, cùng gật đầu rồi tất cả lững thững ra về. Lan Nhi líu ríu như trẻ nhỏ chạy theo nàng hầu đùa nghịch với mấy bông hoa. Ta xoay người đi, không thể không đưa mắt nhìn về phía khung cửa sổ ban nãy. Nhưng người đã không còn ở đó. Một chút nhẹ nhõm cùng một chút trống trải vô cớ dâng lên ở trong lòng.

Ra là quan khách phương xa đang ở tại Lưu gia chính là Đương kim Hoàng Thượng! Cũng phải thôi, khi xưa Lê Hoàn, Trịnh Hàm, Phạm Cự Lượng chính là những anh em thân tín tại Võ Đường.

Nhưng có việc gì mà Lê Hoàn phải vi hành về đây? Có lẽ là giỗ Thân phụ, Thân mẫu chăng? Nghe nói sau khi trở về, ngoài việc bổ nhiệm một số quan lại thân tín vào các vị trí trọng yếu trong triều đình. Lê Hoàn còn truy phong cho cha mẹ lần lượt là Trường Hưng Vương và Hoàng Thái hậu. Nên dịp giỗ chạp năm nay về là phải. Còn phải lập bài vị mới cho cha mẹ. Có lẽ vì không muốn rình rang và kinh động đến mọi người nên vi hành cho gọn nhẹ.

Khi trông thấy ta Lê Hoàn có vẻ bất ngờ. Có lẽ đã không được Trịnh Hàm báo trước về việc này. Có lẽ Trịnh Hàm thấy việc này không quan trọng, hoặc cũng là một sự cư xử rất ý tứ.

Buổi chiều tối mưa tạnh. Việc chuẩn bị sinh nhật cho Lưu Phu nhân được gấp rút hoàn thành. Sân khấu đã được trang trí rực rỡ, những gian rạp nhỏ được bắc hướng về phía sân khấu giờ cũng đã được trang hoàng và buông rèm kín đáo. Có lẽ mỗi gian là giành cho một gia đình hoặc một vị Phu nhân sang trọng là bạn của nàng Lưu để các nàng có thẻ ăn uống, xem hát thoải mái mà không sợ ai dòm ngó.

Ta cũng được xếp cho một gian ở ngay chính giữa sân, rất gần sân khấu, tiện cho việc xem kịch. Nhưng đến giờ thì ta không còn một chút hứng thú nào nữa.

Từ lúc nhìn thấy và biết Lê Hoàn đang ở trong Lưu phủ ta đã mất hết cả nhuệ khí rồi. Rượu nhạc cũng không còn ý nghĩa gì hết. Không muốn làm gì nữa cả. Chỉ muốn nhanh chóng về lại trang Đông Lỗ.

Tiệc rượu đã bày ra, nhã nhạc đã vang lên, nàng Lưu và Trịnh Hàm đi khắp các nơi cảm ơn, mời rượu. Ta cũng chỉ cười nói qua loa gọi là. Rồi cứ đưa mắt nhìn lên những tầng lầu tôi tối ở những gian nhà bao xung quanh sân là lại băn khoăn không biết liệu Lê Hoàn có đang đứng đâu đó nhìn ra và cười nhạo ta không? Nghĩ thế rồi lại tự cười mình, tại sao Lê Hoàn lại phải làm cái việc lén lút như thế? Mà tại sao ta lại nghĩ là sẽ cười nhạo ta? Ta có làm gì sai đâu, có làm gì đáng xấu hổ đâu? Tại sao lại cười nhạo? Ta chỉ đến đây dự sinh nhật một người bạn, chỉ là muốn vui vẻ một chút thôi mà.

Nhưng những ý nghĩ như thế không giúp ích được gì, càng làm ta bứt dứt ở trong lòng. Chỉ muốn đứng bật dậy và chạy đi ngay. Như khi xưa còn bé chạy trốn một điều gì sợ hãi.

- Nương nương! Người làm sao mà trông thất thần ra như thế? Lại còn toát hết cả mồ hôi ra nữa! Lan Nhi một tay nắm lấy tay ta, tay kia thì dờ lên chán rồi tiếp: Nương nương, người bị sốt rồi, người ốm đau ở đâu sao?

Ta chỉ đợi có thế, liền bảo với Lan Nhi:

- Ta bỗng thấy trong người rất khó chịu, em hãy đi báo với Trịnh Gia và Lưu Phu nhân chúng ta sẽ về nhà ngay bây giờ!

Trịnh Hàm và Lưu Ỷ Ngọc thấy ta đột ngột muốn về Giáp Mau ngay trong đêm thì hết sức lo lắng và can ngăn. Sợ rằng đã có gì không hay xảy ra làm mất lòng ta, lại không muốn ta về giữa đêm lỡ sinh chuyện rắc rối thì họ mất mạng. Nhưng ta nói mệt và chỉ muốn về. Mãi rồi họ cũng đành chịu. Lại cho cả chục gia nhân khỏe mạnh áp tải theo xe về.

Xe ra khỏi Lưu phủ, ra khỏi thành Tư Phố, đi trên những con đường đồng quê hướng về Giáp Mau, ta mới thấy dễ chịu trong người. Buông lòng chân tay, dựa vào thành xe, thở dài ra một tiếng.

Lan Nhi thấy vậy quay sang nhìn ta, bảo:

- Nương nương, thực ra là có chuyện gì? Tại sao bỗng dưng lại muốn về nhà ngay? Đã có chuyện gì xảy ra sao? Người đã trông thấy gì mà em không biết?

Quả không hổ danh là nàng thị nữ thân cận đã theo hầu ta hai chục năm nay. Ta có muốn dấu nàng cũng không được. Mà cũng có gì đâu mà phải dấu nàng! Mới liền bảo:

- Quan gia tới tá túc tại Lưu phủ chính là Đương kim Hoàng Thượng. Khi chúng ta tới hồ Thủy Nguyệt ngắm cảnh chính ta đã nhìn thấy. Vì thế ta không muốn ở lại Lưu phủ nữa.

- Ra là vậy.. Lan Nhi buông lửng câu nói vẻ trầm ngâm.

Chẳng hiểu nàng ta nghĩ gì về việc ấy mà tỏ ra suy tư như vậy. Nhưng ta cũng kệ chẳng buồn nói thêm gì nữa. Hai người cứ im lặng như thế cho tới tận Trang.

Việc gặp Lê Hoàn ở thành Tư Phố tưởng chẳng có gì đáng kể, vậy mà chẳng hiểu sao lại xáo động cuộc sống của ta đến như thế. Ta thấy trong lòng không được bình an như trước nữa.

Những ngày tháng khi chúng ta còn bên nhau ở Càu Chày này, nhưng ngày tháng cùng đuổi bướm, hái hoa, cùng ngắm cảnh trăng thanh gió mát, những ngày ta cùng đi hái sen, dạo chơi trên cánh đồng, hay những buổi chiều tà cùng nằm dài trên triền đê nghe chàng thổi sáo chập chờn trở về trong trí nhớ. Khi mới từ Hoa Lư về đây, ta đã ngăn không để cho những kỷ niệm đó ùa về. Thì nay con đê mỏng manh ấy đã vỡ tan, để nước lũ vỡ bờ trào ra tung tóe. Không sao ngăn lại được.

Rồng cả những ngày tháng sống ở Hoa Lư cũng trở về. Như vừa mới đây thôi mà đã xa xôi quá rồi. Họ Đinh, Trinh Minh Nương nương, Nam Việt Vương, Kiểu Quốc, Đan Gia, thậm chí cả Phất Kim, Liên Hoa.. những khuôn mặt ấy cứ không ngừng ám ảnh giấc mơ của ta. Rồi hình ảnh Ngự điện, Ngự thư phòng, lầu Vọng Nguyệt, chùa Am Tiên.. và tất cả những ngóc ngách ở cung Cồ Quốc cũng cứ lúc ẩn, lúc hiện.

Không ngờ những cảnh lâu đài thành quách cũ ấy, giờ đây lại khiến ta nhớ nhung đến thế. Nhớ đến quay quắt! Đến đau lòng!

Không phải là cảnh giàu sang phú quý, lầu son gác tía làm ta nhớ. Mà chính là những năm tháng tuổi trẻ với tất cả những hỉ nộ ái ố ở nơi đó làm người ta nhớ. Chính là nơi ấy đã ghi lại bao dấu ấn, bao kỷ niệm trong cuộc đời ta. Thế mà đã mãi xa rồi..

Đau đớn! Nhớ nhung! Chập chờn! Mơ tỉnh!

Thế là ta ốm một trận. Người lại lúc thì nóng, lúc thì lạnh, lúc thì mê mê, lúc thì tỉnh tỉnh. Nhưng đã không còn Nghĩa mẫu hay Trinh Minh Nương nương ở bên chăm sóc cho ta nữa. Chỉ còn lại một mình Lan Nhi. Nghĩ thế lại càng thêm buồn. Ốm đau cứ kéo dài ra mãi.

Khoảng mười ngày sau, lúc ta đã khỏi bệnh, đang đòi ra vườn ngồi cho thoáng thì Lưu phu nhân tới thăm.

Thì ra Trịnh Ân – Tiểu tử nhà họ Trịnh có nghe Toàn Nhi nhà ta tâm sự về việc này nên nàng biết mà tới thăm. Hai đứa trẻ là huynh đệ rất tốt ở bên Võ đường làm hai gia đình chúng ta rất vui vẻ, nở mày nở mặt.

Lưu Phu nhân đến còn mang theo bao nhiêu là quà cáp, thuốc bổ biếu tặng khiến ta cảm thấy rất phiền hà. Nhưng nàng nhất định không chịu mang về nên ta cũng đành chịu. Đã thế còn xắn tay áo vào bếp tự nấu cho ta một nồi nước xông giải cảm khiến ta không khỏi xúc động. Cứ nhìn nàng mà rớt nước mắt.

Ta cũng không thể hiểu nổi ta nữa. Có lẽ ốm đau không có mẹ, có chị ở bên khiến ta tủi thân quá mà ra thế chăng?

Rồi ta cũng dần dần bình phục. Mọi chuyện tưởng cứ thế rồi cũng sẽ qua, rồi cũng sẽ yên bình trở lại thì đến tháng Tám, ta nhận được một bức thư.

Lúc đó ta với Lan Nhi vừa dùng bữa sáng xong, đang ngồi bên chiếc bàn dài kê dưới gốc khế ngoài sân để uống trà hoa cúc.

Mùa này hoa Cúc vừa chớm vụ, sáng sớm tinh mơ dậy sớm, hái lấy những nụ hoa tròn, mẩy nhất đang chờ ánh mặt trời lên để bung ra, đem về phơi khô dần trong bóng dâm rồi dùng uống dần là thơm nhất.

Gió sớm mùa thu mát mẻ.

Một vài bông hoa khế chẳng rõ là nở sớm hay nở muộn rơi lả tả trên mặt bàn. Tim tím, trăng trắng hết sức hồn nhiên.

Đúng lúc ấy thì một gia nhân lực lưỡng, thuộc đội gác cổng, bảo vệ trong Trang đi vào chuyển cho ta một bức thư. Bên ngoài thư không đề tên người nhận cũng không có dấu triện của người viết.

Thấy người gác cổng đích thân đi chuyển thư, lại nhìn bức thư lạ lùng như vậy ta không tránh khỏi băn khoăn:

- Thư này từ đâu tới, sao lại kỳ lạ vậy?

- Bẩm Nương nương, vừa nãy có một quan gia ăn mặc rất sang trọng, ngồi xe ngựa đi tới cổng Trang, không xin gặp mà chỉ xin chuyển tận tay lá thư này cho Nương nương rồi đi. Trước khi đi còn dặn, nếu để lọt bức thư ra ngoài hoặc không tới được tay Nương nương thì họa đâu do hạ thần chịu. Bởi vậy hạ thần mới phải đích thân mang tới đây.

- Quan gia từ đâu tới, không xưng danh gì sao?

- Hạ thần có hỏi nhưng vị quan gia đó chỉ bảo, danh xưng quan trọng gì đâu, nội dung trong thư mới là quan trọng. Nói rồi đi luôn nên hạ thần cũng không hỏi được thông tin gì khác nữa.

Biết là có hỏi nữa cũng vô ích, ta cho người lui rồi bóc thư ra xem.

Giấy viết thư là loại giấy cực phẩm mà ta hay dùng ở trong cung ngày trước. Giấy này vốn chỉ có Hoàng thượng và quan lại cấp cao triều đình mới được sử dụng. Lại thoang thoảng mùi hương hoa nhài rất dễ chịu.

Lật giở hai nếp gấp thì nhìn thấy giữa trang giấy trắng mấy dòng chữ:

"Nga Nhi

Tối nay ta muốn gặp nàng bên sông Càu Chày, chỗ cây gạo lớn.

Lê Hoàn"

Ta thực sự không còn tin vào mắt mình. Cứ thế nhìn trân trối vào tờ giấy. Ta lật giở tờ giấy lên xuống mấy lần, rồi ngó nhìn vào trong bao thư, rồi lại nhìn vào mấy dòng chữ ấy một lần nữa. Không phải là ta không hiểu được những dòng chữ ấy, mà chính là ta không thể tin nổi vào cái nội dung mà ba dòng chữ ấy truyền tải. Ta không lĩnh hội được.

Lê Hoàn muốn gặp ta? Tại sao? Vì sao lại là bên sông Càu Chày, nơi chúng ta từng hẹn hò thuở trước? Tại sao lại xưng hô như vậy? Có lý nào Lê Hoàn muốn.. Không! Không thể có chuyện như thế được! Nhưng nếu không phải như thế thì là thế nào?

Thấy ta cứ loay hoay với tờ giấy trên tay và mặt thì nghệt ra thất thần, Lan Nhi không khỏi tò mò cũng ghé mắt nhìn vào tờ giấy. Đọc xong nàng ta cũng chỉ im lặng. Có lẽ nàng ta cũng đang cố hiểu cho đúng những điều viết trong đó.

Có ba dòng chữ. Rất ngắn gọn, rõ ràng. Nhưng chính vì nó quá ngắn gọn, rõ ràng, hiển nhiên nên lại càng khó tin, khó hiểu, khó lý giải.

- Có lẽ Hoàng thượng.. Hay là ai đó nặc danh? Sau một hồi suy nghĩ nàng ta cuối cùng cũng cất tiếng.

- Có lẽ vậy chăng.. Ta buông một tiếng thở dài mà không thể dứt ra khỏi những ý nghĩ hỗn độn ở trong đầu.

Nét chữ thực chất chính là nét chữ của Lê Hoàn. Ta nhận ra nét chữ này. Nhưng nếu có ai cố tình giả nét chữ thì sao? Nhưng như thế để làm gì? Còn có ai định hại ta vào thời điểm này để làm gì nữa hay sao? Được cái gì và vì cái gì chứ? Hơn nữa cái lối xưng Nga Nhi, lại biết điểm hẹn khi xưa chúng ta hay gặp mặt thì không phải là ngẫu nhiên..

Loại giấy viết thư vốn chỉ trong Triều đình mới có. Nhưng cũng không phải không có trường hợp kẻ xấu nào đó có được..

Cứ nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ đúng rồi lại nghĩ sai, nghĩ trái rồi lại nghĩ phải như thế, mà ngày dài lê thê mãi chẳng chịu qua.

Lúc chúng ta đang đi dạo trong vườn sau bữa trưa cho nhẹ bụng, tưởng đã cố tình mà quên cái bức thư và cuộc hẹn vào buổi tối rồi thì Lan Nhi bất giác hỏi ta:

- Vậy Nương nương sẽ đi gặp Hoàng thượng chứ?

Ta suy nghĩ một hồi mà không thể tìm ra được câu trả lời. Chẳng kể đến chuyện bức thư đó là thật hay là giả, thì việc ta nên đi hay không nên đi mới thực sự là vấn đề. Lê Hoàn gọi ta bằng cái tên cũ Nga Nhi ấy, cách gọi mà dân gian vốn chỉ dùng để gọi những thiếu nữ chưa lấy chồng, lại hẹn ta ra nơi cũ ấy làm gì? Cũng không lấy Tôn hiệu Ngọc tỷ ra mà đóng vào thư, mà chỉ đơn giản là viết hai chữ Lê Hoàn như vậy là có ý gì?

Thực ra ta cũng có một phỏng đoán lờ mờ ở trong đầu. Nó lý giải cho việc bao năm nay, dù đất nước đã hòa bình, cuộc sống an nhàn phú quý nhưng Lê Hoàn vẫn không chịu lập thất. Ngay cả khi họ Đinh muốn kén làm Phò mã cho Tiểu thư Liên Hoa thì Lê Hoàn cũng không chấp nhận. Rồi sau đó một vài quan lại, đại thần thấy mối tốt cũng muốn mai mối cho con, em mà cũng một mực từ chối. Lại đem chuyện khi xưa đã lỡ từ chối Liên Hoa Tiểu thư ra nhắc nhở, giờ lại đi kết thân với con em các vị đại thần, thế chẳng phải là vuốt mặt không nể mũi thì là gì? Các vị đại thần nghe lý ấy thì về sau thôi, không còn ai đả động tới chuyện hôn sự ấy nữa.

Mà nay Lê Hoàn như thế, phải chăng..

Không! Có lẽ ta đã quá hoang đường rồi!

Nhưng nếu như vậy thì có thể vì việc gì? Sao không danh chính ngôn thuận mà gửi một bức thư tới với dấu Ngọc tỷ đàng hoàng, như thế có phải hơn không? Và sao lại muốn hẹn hò ở đúng chỗ đó?

Cứ nghĩ ngợi như thế cũng chẳng thể trả lời được câu hỏi của Lan Nhi. Cũng chính là câu hỏi của chính mình, nên đi hay nên ở.

Buổi tối, lúc ta đang ngồi bần thần ngoài hiên nhà thì gia nhân vào báo, có một quan gia tự xưng là Vương Công công, là người hầu hạ Hoàng Thượng xin vào gặp mặt.

Nghe tới chữ Công công và Hoàng Thượng ta xây xẩm hết cả mặt mày. Nhưng vẫn phải cho mời vào.

Vương Công công đi vào, cung kính thi lễ rồi xuất trình thẻ bài bằng ngọc quý để chứng minh mình là Thái giám ở trong Cung, chuyên hầu hạ Hoàng thượng. Vương Công công thì ta không quen mặt, vì từ khi Lê Hoàn lên cai quản Hoa Lư đã cắt đặt bổ nhiệm những ai ta không thể biết. Nhưng tấm thẻ bài bằng ngọc quý chạm khắc tinh tế chỉ cần nhìn qua đã biết là đồ ở trong Cung. Thấy vậy liền bảo:

- Vương Công công hôm nay có việc gì lại đích thân về tận đây gặp ta như vậy?

- Thưa Nương nương, thần đến để chuyển lời của Hoàng thượng rằng, Nương nương tối nay không cần tới gặp Hoàng thượng nữa. Hoàng thượng đã trở về kinh thành gấp rồi. Có tin từ triều đình báo xuống, hai sứ giả Từ Mục và Ngô Tử Canh được Hoàng thượng cử sang Chiêm Thành đã bị vua Chiêm bắt giữ, vì vậy Hoàng thượng phải trở về gấp để giải quyết công việc.

- Có biết vì sao vua Chiêm Thành lại bắt hai sứ giả của ta không?

- Thưa Nương nương, Hoàng thượng hồi Cung rất gấp nên cũng chỉ kịp dặn lại như vậy. Do đó hạ thần cũng không biết gì hơn.

Ta khẽ gật đầu. Nước Chiêm xưa nay là một nước nhỏ, nhưng luôn có dã tâm đánh chiếm Đại Cồ Việt. Khi xưa Ngô Nhật Khánh nghe tin họ Đinh mất sang đó cầu viện, vua Chiêm đã lập tức cho ngàn chiến thuyền sang xâm lược. May ông trời có mắt, mà cả ngàn thuyền đều bỏ mạng ngoài khơi. Vua Chiêm nhờ mệnh to phúc lớn mà sống sót trở về. Tưởng đã đổi ý tu chí làm ăn, thế mà thấy Đại Cồ Việt gửi sứ giả sang thiết lập quan hệ bang giao trở lại, lại bắt nhốt như vậy thì ý là gì? Phải chăng muốn ngấm ngầm tuyên chiến? Phải chăng muốn nhân cơ hội nước Việt vừa bị hao tổn trong cuộc kháng chiến chống Tống mà định thừa nước đục thả câu?

Đất nước vừa qua cơn binh đao, khói lửa, nay lại tiếp tục đối mặt với khó khăn. Quả thật làm bậc Đế Vương quá đỗi mệt mỏi. May là mẹ con ta giờ đã không còn phải gánh vác những trọng trách đó nữa. Không thì mẹ góa con côi, chẳng biết xoay sở thế nào. Hết đợt sóng to này lại tới đợt gió lớn kia!

Hi vọng Lê Hoàn sẽ tìm ra đối sách hợp lý nhất để tránh cho đất nước khỏi cơn can qua này.

Quay sang nhìn Vương Công công vẫn thấy đang đứng lom khom ở bên cạnh, ta liền bảo:

- Công công, trời cũng sắp tối rồi, ngài hãy ở lại tệ xá của ta nghỉ ngơi rồi mai hãy về Hoa Lư chứ?

- Thưa Nương nương, hạ thần xin phép cáo lui thôi! Chỉ vì muốn đích thân hạ thần tới thông báo cho Nương nương nên Hoàng thượng mới lệnh cho hạ thần đi sau một lúc, chứ công việc bận bịu không thể lưu lại được. Được Nương nương yêu quý hạ thần xin đa tạ! Hẹn khi khác có dịp sẽ về Trang xin ân sủng của Nương nương!

Nói vậy thì ta không giữ nữa. Suy cho cùng cũng phải thôi. Công công còn phải lo hầu hạ Hoàng thượng, làm sao có thể la cà chốn thôn dã này được? Thế là để cho Vương Công công lui.

Chẳng biết điều gì đang chờ ta phía trước, nhưng có một linh cảm lờ mờ rằng, cuộc đời của ta có lẽ không bao giờ còn có thể bình yên nhàn tản được nữa rồi.