Phùng Chiêu

Chương 7: Bái phỏng sư phụ



Thừa Phong thường ngày như chú chim nhỏ, thích líu lo không ngừng bên tai anh nhưng từ cửa công viên đi ra đến xe lại không hé miệng nói một chữ. Bé con này nếu không vui sẽ lập tức lẩm bẩm không ngừng, nếu vui vẻ sẽ cười hì hì nói lần sau lại tới.

Trác Thừa Nghiêm thắt dây an toàn cho y, nhìn em trai trong chốc lát, y vẫn im lặng nhìn phía trước, đồng tử không động. Trác Thừa Nghiêm đưa tay sờ trán y, không có nóng.

"Làm sao vậy?" Anh xưa nay không thích đoán mò, hai tay xoa xoa má y, hỏi.

Như người bị đánh thức khỏi ảo mộng, hai mắt Thừa Phong lại sáng ngời như lúc bình thường, y chớp mắt nhìn anh trai, có phần thắc mắc: "A? Anh ơi sao anh mua nước về nhanh thế? Hả? Sao lại lên xe rồi?"

"Em uống nước xong rồi, chơi xong rồi. Về nhà."

Thừa Phong mờ mịt gật đầu, cũng cảm thấy thật kỳ quái, rõ ràng chơi thêm một lần xe điện nữa sẽ được tặng bóng bay, nếu đã chơi xong thì bóng bay đâu, người lại chẳng có mồ hôi, nước anh trai mua y vẫn thấy nó nằm yên trong hộp xe phía trước, còn chưa mở nắp. Còn người đàn ông kia.....

"Thiếu gia!!!"

Tiếng hét Tử Hàm cắt ngang dòng suy nghĩ của y, cậu đứng trước mặt Thừa Phong, tay huơ huơ qua lại gọi liền mấy tiếng y cũng chẳng nghe, ngồi bất động như tượng đá.

"A?" Thừa Phong hoàn hồn nhìn cậu, ánh mắt vẫn còn vẻ mờ mịt.

"Thiếu gia, người có phải còn chưa khỏe không? Khi nãy ta gọi liền mấy tiếng cũng không thấy người cử động, ta còn tưởng....ta...ta...." Tiểu xú tử mếu máo, giương đôi mắt ngậm nước nhìn y.

Ài, người này thật dễ xúc động.

"Ta không sao. Phải rồi, ta hôn mê bao lâu rồi?"

"Thiếu gia đã hôn mê năm ngày rồi."

Vậy là đã đến nơi đây năm ngày, hy vọng anh trai đến đưa mình về vẫn còn cháy dữ dội trong tâm trí y, chỉ có năm ngày mà thôi, y chịu được. Có câu nhập gia tùy tục, đến cũng đến rồi, một chút ứng phó học được từ phim ảnh xem như giúp ích được cho mình, chỉ cần không tự đâm đầu vào chỗ chết thì bản thân không gặp nguy hiểm.

Ăn xong cháo Tử Hàm bưng lên, Thừa Phong nghĩ ngợi một hồi vẫn là mở miệng hỏi: "Là ai cứu ta?"

Tử Hàm đang lau dọn bàn ghế, nghe y hỏi cũng ngẩng đầu đáp: "Là một vị công tử vô cùng anh tuấn. Còn có, còn có....một tên mặt than xấu xí đáng ghét."

Thừa Phong thấy hơi buồn cười: "Ngươi có cừu hận với người kia sao?"

"Còn không phải sao? Ta muốn ngồi cùng xe với thiếu gia hắn ngăn cản, ta muốn ở bên cạnh chăm sóc thiếu gia hắn cũng ngăn cản." Nghĩ nghĩ một chút liền dùng tay bóp phần dưới cổ giả giọng Chu Tước: "Ngươi biết chữa không? Không biết thì đừng quấy rầy vương gia. Hừ, ta phi."

Thừa Phong bất đắc dĩ cười cười: "Y cũng là có ý tốt thôi."

Tiểu xú tử lẩm bẩm hồi lâu trong miệng, y cũng không lên tiếng. Sau đó cả phòng yên lặng, đến khi Tử Hàm đang định lui ra Thừa Phong liền gọi cậu lại dặn việc: "Ta nghe phụ thân nói phủ Chung tiên sinh cũng ở thành Tây. Tử Hàm, ngươi đi hỏi xem nó nằm ở đâu. Ta muốn đi bái phỏng."

Tử Hàm nghe phân phó đi lấy hành lý gửi trong phủ Dụ vương ở chỗ Trần thúc, sẵn tiện hỏi thăm đường tới Chung phủ. Từ biệt tới lui cùng hai vị tỷ tỷ một hồi cậu cũng ôm đồ quay về phòng.

"Thiếu gia, người trước tiên tắm qua một lần đi, ta ở ngoài sân đợi người." Tử Hàm đổ đầy một thùng nước ấm cho y, đặt một bộ lam y đơn giản lên bàn rồi lui ra ngoài.

Thừa Phong đi ra phía sau bình phong bắt đầu cởi y phục, bạch y trượt xuống lộ ra bả vai cân xứng, làn da trắng như ngâm trong sứ, áo ngoài hoàn toàn bị cởi bỏ, trung y mỏng manh cũng được tháo xuống. Đôi chân thon dài nâng lên bước vào trong thùng ngâm mình.

Nước ngâm ấm nóng bao lấy thân thể y. Hơi nước mờ mờ khiến tâm tình y cũng thả lỏng. Y bắt đầu nghĩ về giấc mộng kia, rốt cuộc người đàn ông đó là ai, vì sao lại là y, vì sao lại là ngày hôm đó.

Y lại nghĩ đến khi bé, sinh nhật đầu tiên vào năm y bốn tuổi cũng là ngày giỗ của mẹ, trong nhà vô cùng bối rối không biết nên làm thế nào cho ổn. Cuối cùng vẫn là âm thầm cúng giỗ trước, tối đến sẽ công khai tổ chức sinh nhật. Đó là ý của cha, ông không muốn con trai bảo bối buồn.

[ Em bé sinh ngày 29/2 nên 4 năm mới có một cái sinh nhật ]

Tối đó khách được mời đến vô cùng đông, thiên thần của bữa tiệc diện bộ quân phục xanh lá cỡ nhỏ, dù sao nhà y cũng có truyền thống quân đội, cháu trai từ nhỏ cũng nên tiếp xúc qua.

Trong lúc chờ đợi bánh kem đẩy lên, lẫn trong tiếng nhạc là tiếng xì xào bàn tán của những người họ hàng lạ mặt.

"Thằng bé thật xinh đẹp, thật giống búp bê."

"Búp bê thì sao chứ? Nghe nói nó mới sinh ra thì chị họ cũng mất."

"Cho nên mới nói, sinh nhật bốn năm mới có đã vô cùng vất vả rồi, lại còn tổ chức chung với giỗ của mẹ nữa. Ây da, nghiệp chướng mà."

"Nhưng mà đó có phải thằng bé muốn đâu, thằng bé còn nhỏ, mấy người đừng có nói mấy lời cay nghiệt như vậy chứ." Có người bất bình chen ngang.

"Còn nhỏ nhưng là sát cô tinh thì vẫn là sát cô tinh thôi. Thay đổi cái gì chứ?"

"Cô bớt nói một câu sẽ không ai tưởng cô bị câm đâu."

"Tôi chỉ nói sự thật thôi."

Tiếng đàn violon không áp được những lời lẽ cay độc của những người lạ mặt kia, một đôi mắt đen huyền nhìn về phía họ, màu mắt đen như mực, chẳng qua đôi mắt ấy đang dao động nhè nhẹ, cả người như hòa nhịp cũng dao động theo. Đôi tay bé nhỏ siết lại thành nắm đấm.

Phải! Y chính là không ngờ trước được số mệnh, y không muốn mẹ chết, y thật sự không muốn bà ấy chết chút nào, y thậm chí còn chưa nhìn được gương mặt bằng xương bằng thịt của bà ấy, những năm qua y chỉ thấy được bà qua khung ảnh đã cũ, thấy nhiều hơn nữa chính là khuôn mặt tươi cười trên mộ phần lạnh lẽo mỗi năm cúng viếng ở nghĩa trang.

Người khác nói y chính là sao Chổi chuyển thế, y chịu. Y từ nhỏ đã không được thần may mắn ưu ái, đó là mệnh y. Người khác nói y sinh ra chính là sát cô tinh khắc chết mẹ y, y không chịu nổi, đó nào phải lỗi của y, có trách thì trách trời cao không có mắt đi, vì sao trút hết lên người y chứ? Y chẳng qua chỉ là một đứa bé bốn tuổi, mới bốn tuổi....

Thừa Phong nâng tay che đôi mắt đã phiếm hồng, chẳng có gì để thương tâm cả, đó không phải lỗi của y, y không cần đau khổ dằn vặt bản thân mình. Y nghĩ mẹ ở trên trời cũng không muốn nhìn y buồn khổ vì chuyện năm đó.

Anh trai nói y chính là bảo bối mà anh yêu nhất trên đời, cha nói y chính là bảo bối ông muốn nâng trên tay cả đời, chị nói y chính là bảo bối chị muốn che chở cả đời. Mọi người đều nói y là bảo bối. Mẹ cũng thế phải không mẹ? Thừa Phong cũng là bảo bối của mẹ nhỉ? Con nghĩ chắc là vậy rồi, mẹ đã yêu thương con bằng cả mạng sống mà.

Y phục màu lam nhạt, đường viền thêu hoa văn vàng kim càng tôn lên màu da trắng sứ. Người kia không biết sống ở đây này thế nào, khi y vừa xuyên qua, vẫn là áo ghi-lê xám ôm sát lấy sơ mi trắng bên trong, còn có cả áo vest đen hôm đó, y xuyên một đường tới đây. Không biết nha hoàn trong phủ ngày đó thấy y như vậy sẽ có biểu tình thế nào mà vẫn thay cổ phục giúp y, ngạc nhiên hay hoảng hốt mà thay?

Y ngồi trước gương đồng chỉnh lại tóc. Vấn đề y luôn không thể hiểu được chính là mái tóc này, trước khi xuyên qua một ngày y đã đi tiệm cắt gọn tỉ mỉ, không lý nào xuyên qua một lần lại dài thế này, có khi còn dài hơn tóc chị Tuệ Niên. Trong phủ đều do nha hoàn buộc tóc giúp y, hiện tại có hơi bối rối, y phục cũng chưa tính chỉnh tề. Y cũng hết cách rồi.

"Tử Hàm!"

Tử Hàm đã không lạ gì việc này, "thiếu gia" lúc nào cũng không tự mình mặc y phục, lần này còn đỡ, đã tự chải tóc và mặc ba lớp áo rồi. Cậu vui vẻ giúp Thừa Phong chỉnh lại thắt lưng, tóc thúc đuôi ngựa cao, đội phát quan bạch kim cố định.

Hai người ra khỏi phủ Dụ vương đi vào con phố giữa thành.

"Bánh bao nóng hổi đây!!"

"Ây da, công tử ghé tửu lâu chúng ta đi mà~~"

"Lụa Tô Châu, lụa Tô Châu chỉ có ba sấp duy nhất, không mua nhất định hối hận."

Phố Ngạn Lâm người ngựa qua lại như mắc cửi. Tiếng rao hàng không ngớt từ hai bên đường tản ra khắp ngõ ngách. Thừa Phong đầu tiên cũng choáng ngợp với sự đông đúc nơi đây, nó chẳng khác mấy trung tâm thương mại lớn ở thời đại của y. Tuy vật phẩm ở đây có phần thô sơ, phần lớn là hàng thủ công nhưng chất lượng và cạnh tranh không kém những sản phẩm sản xuất bằng máy móc thời hiện đại lắm.

Phủ Chung tướng quân ở đối diện Hỉ Lầu, tiệm bánh ngọt nổi danh ở Tây thành. Hỏi thăm vài người cuối cùng cũng đến nơi, người canh cổng hỏi danh tính cả hai sau đó đi vào trong bẩm báo.

"Xin hỏi chư vị đây là?" Chức Lộc ôm theo rổ đựng lá trà đã khô, đây là công việc lúc rảnh của nó, nó sẽ mang trà mà người khác tặng Chung Sính Đình ra phơi. Người qua lại với Chung Sính Đình đều biết ông đam mê trà đạo, lần nào tới phủ hoặc có chuyện nhờ vả đều sẽ tặng trà, từ loại phổ thông đến những loại trà quý, thậm chí có loại mang về tự trồng, chờ đến thời điểm thích hợp hái xuống tặng, trà cho ra sẽ mang vị khác hơn trà chính gốc, rất đáng thưởng thức. Mỗi tháng lượng trà trong phủ càng nhiều, một mình Chung Sính Đình không dùng hết, xem xung quanh đều là người tặng mình chứ chẳng ai yêu thích trà để mình tặng, bán đi thì không hợp lễ cho lắm, thế nên mỗi ngày đều có hạ nhân mang chỗ trà đó ra phơi qua vài nắng, nếu không chỉ sợ sẽ hỏng mất.

"Ta là Tử Hàm - thư đồng của Thừa Phong thiếu gia."

"Thì ra là Trác công tử."

"Vị đây là?"

"Ta là tiểu đồng theo bên cạnh Chung tiên sinh, ông ấy cũng là nghĩa phụ của ta. Công tử cứ gọi ta Chức Lộc là được."

"Ta chính là con trai Trác tướng quân ở Thượng Kinh. Thư cha ta gửi chắc Chung tiên sinh đã xem qua, ta hôm nay đến đây bái phỏng ngài."

"Thật ngại quá, tiên sinh đã ra ngoài. Công tử có thể chờ ngài ở đình phía sau tiểu viện." Chức Lộc dẫn đường để y ra sau hậu viện.

Thừa Phong nhìn rổ trà trong tay Chức Lộc, suy nghĩ một chút: "Đây là loại trà gì?"

"Đây là hồng trà từ Ba Tư, tháng trước Trịnh phủ sai người mang sang đây hẳn ba hộp lớn. Công tử muốn dùng sao? Ta có thể giúp công tử pha một ấm."

Thừa Phong tuy ở thời đại kia là tổng tài nhưng có thời gian ở trong quân ngũ, sinh hoạt từ đầu đến chân đều tự làm. Đó là thời gian đầu, tới khi khởi nghiệp thời gian của y ít đến đáng thương, thế là thuê một cô giúp việc đứng tuổi, cố định mỗi tuần sẽ đến quét dọn và mang đồ đến tiệm giặt ủi, còn việc ăn uống sẽ do tự y nấu, dù bận rộn quên trời quên đất nhưng vẫn đảm bảo ăn đủ ba bữa, không mắc bệnh đau dạ dày như mấy cậu bạn cùng tuổi, điều này cũng làm y rất tự hào.

Tự nấu tự ăn nhiều năm khiến trù nghệ của y tăng lên không ít, cũng vì thế mà rất nhạy cảm đến những nguyên liệu xung quanh. Y nhìn mấy lá trà trong rổ thầm nghĩ trà nhiều như vậy hẳn là Chung tiên sinh rất thích trà, y chẳng kịp chuẩn bị quà ra mắt, vậy làm vài món ngọt dùng cùng trà chắc sẽ ổn.

[ Em bé damdang quá(๑˃̵ᴗ˂̵)و ]

"Không cần. Ta có thể mượn nhà bếp và chút trà không?"

"Đương nhiên rồi." Chức Lộc đưa rổ trà cho y, rẽ hướng dẫn y đến nhà bếp.

Nhà bếp của Chung phủ khá rộng, gọn gàng lại sáng sủa, không bí bách như trên phim vẫn hay chiếu. Thừa Phong khá hài lòng.

Y sai Tử Hàm đi mua chút sữa, không đòi hỏi quá nhiều, chỉ cần ở thời này tìm ra sữa bò hoặc sữa dê đã là tốt lắm rồi.

Thừa Phong đi quanh nhà bếp quan sát nguyên liệu sẵn có và tìm vài nguyên liệu cần cho loại bánh mình sẽ làm.

Có trái cây, tốt.

Có bột gạo, bột nếp, bột mì, bột năng và các loại bột khác, tốt.

Bắt tay vào việc nhồi bột nặn trân châu, lửa đã được Chức Lộc nhờ người thổi xong. Y chỉ việc nấu trân châu và chờ Tử Hàm mua sữa về.

"Thiếu gia, thiếu gia, thứ người cần đây!" Tử Hàm thở hổn hển ôm túi da chạy vào bếp đưa cho y.

Thừa Phong bây giờ mới bắt đầu sên đường và hồng trà, đợi chúng ngả dần sang màu mong muốn sẽ cho trực tiếp sữa vào, sữa bò tươi dù chưa qua xử lí sẽ có tạp chất nhưng dinh dưỡng bên trong không hề thay đổi, quan trọng nhất là thời này người ta chỉ cho bọn chúng ăn thức ăn từ thiên nhiên, không có chất khác, vì vậy uống sữa thô không ảnh hưởng mấy đến sức khỏe.

[ Viết xong lại thèm tà tữa ಥ‿ಥ ]

Làm trà sữa xong sẽ làm đến bánh ngọt ăn cùng, một loại thôi là đủ rồi, y có thể cho nhiều loại nhân bánh khác nhau. Không biết khi nào Chung tiên sinh sẽ về nhưng làm vậy sẽ tiết kiệm thời gian. Y thật sự mong chờ sự gặp gỡ này, có khi những điều vị tiên sinh này dạy sẽ giúp y an toàn ở thế giới này.

[ Mình xem thì thấy song song với con đường tơ lụa thời cổ thì có con đường gia vị nữa nên mấy nguyên liệu này hẳn sẽ có. Còn đường thời xưa tồn tại dạng rắn hay lỏng hay dạng nào khác thì mình không rõ, nhưng mà có thể làm mấy loại bánh ngọt với kẹo hồ lô thì chắc chắn thời này người ta đã làm ra đường. ]