Quỳnh - Thiên Nguyên

Chương 11: Sống lại



Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Quỳnh và Trần Trang vỏn vẹn chưa đầy mười phút, nhưng đã hoàn toàn thỏa mãn sự trông đợi từ tận đáy lòng của cả hai người.

Ngay cả việc chỉ ngồi nghe tiếng khóc của Quỳnh thôi, chàng cũng cảm thấy, không có điều gì trên đời đáng giá hơn khoảnh khắc này nữa.

Còn với Quỳnh, bao nhiêu khổ sở cùng ấm ức nửa đời này cộng lại, cũng không bằng một cái xoa đầu dịu dàng của Trần Trang.

Nàng muốn nói với chàng rất nhiều điều, muốn hỏi rằng có phải chàng coi thường em không, hay vì em không còn trong sạch nữa nên mới thương hại em, hay làm ơn, van xin chàng đừng bao giờ nhìn em bằng ánh mắt đó.. Rất nhiều lời đến bên cửa miệng, lại hóa thành tiếng nức nở, chua xót khổ sở dâng lấp cổ họng mà không có ai để bày tỏ, nay gửi gắm vào chỗ dựa duy nhất của cõi lòng, ngăn cả hô hấp, trướng đau cả tim.

Nhưng nhờ vậy, Quỳnh lại có cảm giác như cuộc đời mình bắt đầu từ giây phút ấy mình vừa mới cất lên tiếng khóc đầu đời, sau khi được sinh ra một lần nữa.

Khi tiễn Quỳnh trở lại con đường cũ, hai người thấp thoáng thấy người hầu của Mợ Cả đang đứng tựa vào tường chờ đợi phía xa. Không ai mở lời trước hẹn cho cuộc gặp gỡ tiếp theo là khi nào, chỉ có hai người họ mỗi lần nhìn vào mắt nhau là thấu hiểu tất cả, những điều chỉ có đối phương mới thấu hiểu được toàn bộ vùng trời thương nhớ của người còn lại.

Tết nguyên tiêu năm trước, Quỳnh gặp được Trần Trang, tết nguyên tiêu năm nay, sau bao nhiêu trắc trở, ông trời lại mang chàng đến cho nàng lần nữa.

* * *

Sau khi trở về, Quỳnh tỏ ra như chưa từng có chuyện gì, tiếp tục công việc quần quật hằng ngày của mình. Người ở đi cùng Quỳnh hay những người hầu khác trong nhà có thể không quan tâm đến từng biểu hiện nhỏ nhặt của nàng, như làn da đỏ ửng bởi vừa được rửa mặt bằng nước mắt, hay Mợ cả, ít khi chú ý đến Quỳnh cũng không để ý đến điều đó, nhưng bé Mai một sớm một chiều luôn bên cạnh giúp đỡ nàng, làm sao mà không biết được?

Đợi khi chỉ còn hai người ở với nhau bên cạnh bếp lò, đã huỵch toẹt hỏi ngay:

"Mợ ba, Mợ cả vừa đánh mợ hả?"

Quỳnh giả ngơ nói: "Không có."

Bé Mai gật gù: "Cũng đúng, mà cho dù có đánh mợ, con có bao giờ thấy mợ khóc đâu." Nghe đến đây, trái tim của Quỳnh bỗng nhảy lên một cái, ánh mắt run rẩy chờ đợi câu tiếp theo của bé Mai.

Quả nhiên, suy tư vài giây sau, bé Mai hỏi tiếp:

"Vậy tại sao mợ lại khóc?"

Lúc vừa về nhà, Quỳnh chui vào trong phòng, tự nhìn mình qua chiếc gương cũ kỹ bị bể hai đường dài, chính nàng còn bị hoảng hốt bởi đôi mắt sưng húp giống hạch đào của chính mình.

Trái lại, trong con ngươi đen láy luôn trôi nổi sự xa xăm nhàn nhạt, khóe mắt trĩu xuống đượm buồn, hay chỗ hốc mắt ươn ướt, tất cả đều đã gột rửa sạch sẽ, tựa như một sa mạc khô cạn được một cơn mưa lớn tưới mát ngay từ trong những hẻm hóc sâu nhất, đều đem toàn bộ cành cây ngọn cỏ thổi mát, cứu sống qua một đời.

"Mợ ba, mợ ba!" Bé Mai lay gọi Quỳnh đang mơ màng lạc vào cõi mơ, giọng điệu ngây thơ hỏi: "Có chuyện gì mà Mợ ba lại mỉm cười vậy? Còn vừa nãy khi đi ra ngoài mua đồ về, sao Mợ ba lại khóc thế? Kể con nghe với."

Quỳnh bị hỏi tới tấp dồn dập, ấp úng không trả lời được hồi lâu, lát sau bức quá, nàng đành bịa đại ra một lý do lừa con bé:

"Tôi bị té, đau quá nên khóc."

"Ở đâu?" Bé Mai lớn giọng hỏi, khi nhận ra phản ứng của mình, em bịt miệng mình lại, sau đó nhỏ giọng cố chấp hỏi tiếp: "Mợ ba té ở đâu, có nặng không?"

Quỳnh lắc đầu, vì cảm thấy ngượng nên đầu lông mi luôn hướng xuống, nhìn chằm chằm đám lửa bập bùng trong lò, chậm rãi nói: "Ở trong người, nhưng không sao đâu."

Bị bé Mai dùng dằng hơn một lúc, Quỳnh mới thoát ra được "tra tấn", khi có cơ hội lui ra khỏi phòng bếp, nàng nhảy vào phòng trực tiếp nhốt mình lại, thậm chí còn không ăn cơm tối.

Đối với Quỳnh, cảnh tượng ngày hôm nay đã đủ biến thành thức ăn "no" nhất trong tâm trí rồi.

* * *

Lần gặp nhau thứ hai của hai người là vào hai tuần sau đó.

Quỳnh sợ bị nghi ngờ, phải cố không tỏ ra quá háo hức. Đến khi dọc theo bờ tường bước ra được khỏi cửa chính, trái tim đập thình thịch của nàng vẫn chưa thể bình tâm lại được.

Ngay cả khi bị bắt làm việc chui rúc trong xó bếp suốt ngày đêm hay thêu đồ cho Mợ cả tới tận sáng, Quỳnh cũng không cảm thấy tốn sức bằng việc diễn trò một trận.

Có lẽ vì lần này, trong tim còn có một người đang trú ngụ, nên không kìm được mà không an phận.

Danh họa Trần Trang ngày càng nổi tiếng trên mọi thôn làng, huyện lớn nghe đến tên chàng, cũng tức khắc mời người đến, vẽ cho ông chủ lớn cậu chủ nhỏ nhà họ mỗi người một bức, dần dần khắp nơi, không ai không treo một bức tranh do Trần Trang họa bút trong nhà.

Giống như lần trước Quỳnh đã bắt gặp, chồng của Quỳnh đã mời cho bằng được chàng về, vẽ một bức sơn thủy treo trước nhà chính.

Tựa đầu trên vai chàng, mỗi lần nhắc đến ngôi nhà kia, chân tay Quỳnh lại có chút bủn rủn, phút chốc như người đứng trên cao bị giật dây một phát té ngã trở về thực tại, lạnh lẽo khôn xiết. Dường như cũng nhận ra được sự sợ hãi của Quỳnh, Trần Trang luôn cùng sự dịu dàng nhất vươn tay ôm chặt người trong lòng, đôi mắt đục ngầu sương khuất lấp sau đỉnh đầu của Quỳnh. Chàng hôn nhẹ lên trán nàng, ân cần nói:

"Quỳnh, cho ta thời gian, ta sẽ đưa nàng thoát khỏi nơi đó."