[Oneshot Series] Ngư Thúc Quái Đàm

Chương 39: Xà hoa tử



"Xà Hoa Tử": những người sống bằng nghề nuôi rắn, bắt rắn, bán rắn hoặc bán xà dược.

Câu chuyện này do một vị Hoa Tử bắt rắn lâu năm kể lại.

Lão Hoa Tử kể từ khi có ký ức đã theo sư phụ đi bắt rắn khắp đại giang nam bắc, mấy chục năm qua, rắn lớn, rắn độc nhường nào cũng đều thấy qua, ngũ bộ xà, thất bộ xà, Mang Sơn lạc thiết đầu, bạch xà, rắn hổ mang, cầu xà, cự mãng…

Nhưng khiến ông sợ nhất là một lần tại Quảng Tây, gặp phải một con đại xà hoá rồng.

Quảng Tây nhiều sông lớn, Quế Lâm sơn thủy giáp thiên hạ, đều là thiên đường của động vật, không chỉ có chuột trúc, heo rừng, báo… mà còn có rắn, đặc biệt là rắn lớn.

Muốn bắt đại xà, phải thường xuyên ra bờ sông đi lại, xem xem có dấu rắn bò qua không, ngửi xem có nước tiểu rắn không, đặc biệt là trên mặt sông lúc sương khói mù mịt có những điểm sáng màu đỏ không, những cái này đều là dấu hiệu của đại xà.

Những con rắn này sau khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, trên đầu sẽ mọc ra một cái mào màu đỏ, giống bóng đèn vậy, vào buổi đêm, khi sương mù bao phủ, sẽ phát ra ánh sáng đỏ, đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy.

Năm nọ, Hoa Tử đi Dương Sóc bắt rắn. Năm nào ông cũng phải ở lại Dương Sóc mấy tháng. Dương Sóc sông nước tốt, bắt một con cá bẹ lớn từ sông lên, trực tiếp lấy nước sông đem hầm, tùy tiện cho chút gia vị, hương vị đều rất tuyệt. Nếu lại bắt thêm mấy con thỏ rừng, chuột trúc, nhóm một đống lửa lên nướng ngay bên bờ sông, ngồi đón gió núi, ngày tháng như vậy quả thực có thể sánh với thần tiên.

Đêm đó, sương khói mịt mù, ông nhìn thấy giữa lòng sông có hai chiếc đèn lồng màu đỏ, lắc lư bay ra từ khe núi, hướng về phía sơn cốc.

Ông hết hồn, đại xà trên đầu có một cái mào thôi đã đáng sợ lắm rồi, này có tận hai cái, vậy con rắn đấy phải to đến nhường nào cơ chứ?

Không suy nghĩ nhiều, ông đeo dụng cụ bắt rắn lên, lập tức chạy theo.

Hai chiếc đèn lồng đỏ ở phía trước không nhanh không chậm đi chuyển, khổ nhất chính là Xà Hoa Tử, ông một hồi trèo đèo, một hồi lội suối, mệt đến thở hổn hển.

Lúc này, hai chiếc đèn lồng kia đột nhiên dừng lại, chần chờ tại chỗ một lúc, cuối cùng chậm rãi bay lên trời, giống như hai chiếc đèn Khổng Minh vậy.

Trong đầu ông chấn động, kinh hãi than: "Trời ạ, đây đâu phải là rắn nữa! Con rắn này rõ ràng đã hoá rồng thăng thiên rồi!"

Vừa nghĩ vậy, sương mù vốn dày đặc đột nhiên tản dần đi, ánh trăng chiếu rọi, ông mới phát hiện hoá ra trong thâm cốc có một gốc dâu cự đại, con rắn lồng đèn chính đang ở trên cây, bò lên phía trước, đã không còn thấy bóng dáng.

Ông mới hiểu, thì ra là con rắn kia bò lên cây, còn tưởng rằng nó hoá rồng thăng thiên rồi.

Nhìn từ xa, cây dâu đó cao vút tầng mây, cành lá um tùm, ngửa cổ lên nhìn cũng không thấy rõ cao bao nhiêu, rễ cây như những con rồng lớn bị nước sông chảy xiết làm lộ ra, đan xen nhau tạo thành một cái đảo nhỏ, từ xa nhìn lại, làm gì có chỗ nào giống cây, càng giống đảo hơn.

Cẩn thận từng tí đi tới, lại phát hiện, không ổn!

Trên lớp rễ cây dày đặc như lưới đánh cá kia là một lớp chi chít những con rắn đen to bằng cổ tay, còn có cả những con chuột lớn mình dài cả xích*, đều liều mạng bò lên cây, rất nhiều con chuột rơi vào giữa bầy rắn, cũng hoàn toàn không để ý, tiếp tục bò lên.

(Xích: 1 xích = 1/3 mét)

Nhìn ra rộng hơn, bụi cỏ gần gốc cây, dưới đáy nước cũng từng trận lay động, phảng phất như tất cả những con vật tà hồ trong Hoàng Hà đều tụ tập ở đây, liều mạng muốn leo lên cây.

Xà Hoa Tử sợ đến ngây người. Những con chuột này đã không sợ rắn tí nào, một mực leo lên trên, mà mấy con rắn cũng không hề ăn chuột, hết sức bò về phía trước, không biết trên cây đó có thứ tốt gì nhỉ?

Ông cũng biết mình đã gặp được kỳ sự trăm năm có một, lấy hết dũng khí mò qua, lại phát hiện thân cây này có điểm bất thường, lớp vỏ cây già nua ấy trông giống như những miếng vảy, vừa tinh tế lại vừa quái dị.

Ông lấy dao ra chém thử, lại nghe thấy "bang" một cái, con dao đốn củi như chém phải miếng sắt, té ra cái cây này lại là một cây đá!

Không, đây là một gốc cây hoá đá!

Trước đó ông từng nghe nói, rất nhiều cây cổ thụ một mực đứng thẳng sừng sững, cứ thế cho đến khi hoá đá, ông vẫn luôn cho là chỉ có trong truyền thuyết, không ngờ rằng chuyện như vậy thật sự tồn tại.

Nhìn lên phía trên, cây này cao chọc trời, tán cây xanh tốt, hoàn toàn không giống với gốc cây khô cứng phía dưới, ông kinh hãi, cây dâu cổ thụ này đã già đến mức hoá đá rồi, lá cây làm sao lại có màu xanh được? Lẽ nào là có người chuyên môn trèo lên cây, quét một lớp sơn xanh lá lên à?

Ông suy nghĩ hồi lâu, chỉ có một khả năng, đó là rễ cùng nửa thân dưới của cây này đã hoá đá, nhưng nửa thân trên vẫn còn sống.

Cây này tương đương với… tương đương với đang sống trên một cục đá.

Kỳ thực trong ghi chép của cổ nhân cũng từng viết về chuyện như thế này, nói là cổ thụ thành tinh, thường thường vào ngày mưa gió sấm chớp sẽ hoá rồng mà đi; cũng có cây cổ thụ bị sét đánh, bị thiên lôi bổ đôi, thân cây sau khi bị chặt, chảy ra không phải nhựa cây mà là máu tươi đỏ đặc.

Trăng dần lên cao, nguyệt quang tà tà, trên cây dâu cổ thụ phảng phất ngưng tụ lại ánh trăng bàng bạc, từng phiến lá lấp lánh như được chạm trổ từ ngọc lục bảo, khẽ đong đưa theo làn gió thoảng.

Lúc này, ông cảm giác có gì đó sai sai, những phiến lá xanh ngọc kia làm sao lại bắt đầu biến thành màu đỏ, ngọn cây cũng nhiễm lên một mảng xích hồng, đầm đìa nhễ nhại.

Trời ạ, cái cây này đang chảy máu, cây thực sự chảy máu!

Màu máu trên cây càng ngày càng đậm, từng lớp huyết tương sền sệt theo cành cây chảy xuống, chảy nhiều đến nỗi cây cổ thụ trở thành cây máu, từ cành cây xuống thân rồi xuống gốc cây, cuối cùng hoà vào nước sông, dưới ánh trăng, nửa đoạn sông đã nhuốm màu đỏ ngầu, cực kỳ quỷ dị.

Bóng cây loang lổ, nước sông máu sóng sánh, không biết có thứ gì đang vùng vẫy nơi đáy nước, cũng có mấy phần rợn người, chẳng hay rốt cuộc nên gọi cây này là cây tiên hay là cây quỷ đây.

Cách đó không xa, tiếng nước chảy không ngừng vang vọng, trong nước truyền ra tiếng gầm rống, ngẫu nhiên cũng có thứ gì đó đập vào thân cây, lộp bộp. Mùi máu truyền đi rất xa, có lẽ những con vật cổ quái trong sông cũng bị hấp dẫn đến.

Tóc của Hoa Tử dựng đứng cả lên, lấy tay dùng lực vuốt mấy lần cũng không vuốt xuống được, sợ đến mức không nhấc nổi chân.

||||| Truyện đề cử: Cô Vợ Tài Phiệt: Tạ Thiếu Sủng Thành Nghiện |||||

Lúc này, đột nhiên có một cơn gió thổi qua, một đống gì đó từ trên cây rơi xuống, như lá cây rụng, có một miếng rơi vào chỗ Hoa Tử.

Mượn ánh trăng nhìn xem, đây nào phải lá cây, mà là một miếng da chuột khô quắt. Miếng da chuột đó to bằng bàn tay, phần đầu khô xác lại, phần thân chỉ còn một tấm mỏng, giống như bị ai đó lóc da ăn sạch, sau đó treo da chuột lên cây phơi khô vậy.

Da đầu Hoa Tử tê dại, không biết là con chuột này bị thứ trên cây ăn hay là sao nữa.

Ông sợ toát mồ hôi, nghĩ thầm may là mình có chút tâm nhãn, vừa rồi nếu tùy tiện bò lên cây, bây giờ không khéo đã thành một miếng da người khô treo trên cành cây rồi.

Đột nhiên, trên bầu trời có một bóng đen khổng lồ lướt qua, thậm chí chắn luôn cả ánh trăng.

Hoa Tử ngẩng đầu lên xem, chỉ thấy trên bầu trời xuất hiện một đám mây trắng, đám mây che mất mặt trăng, xung quanh cũng tối đi.

Đám mây đó chậm rãi du tẩu, cách chỗ Hoa Tử càng ngày càng gần. Bỗng nhiên có tiếng chim kêu sắc bén vang lên, thanh âm đó sắc đến khó tả, giống như tiếng chớp xẹt ngang bầu trời, vang vọng, khiến đất đá trên núi cũng ầm ầm rung chuyển.

Hoa Tử nhìn kỹ, mặt trắng bệch, hoá ra đó không phải là mây, mà là một con chim ưng khổng lồ!

Con chim này vậy mà to bằng cả một đám mây, ngay cả mặt trăng cũng bị nó che khuất, vậy rốt cuộc phải to đến mức nào chứ?

Con ưng này lượn quanh cây dâu cổ thụ một vòng, từ từ bay lên ngọn cây, chẳng bao lâu đã truyền ra tiếng gào rú bén nhọn, từng đống da chuột, xác rắn khô rơi xuống như mưa, cành cây gãy lác đác rơi vào sông.

Hoa Tử mới biết, thì ra con chim ưng này đang đánh nhau với con rắn vừa rồi nha!

Lại sau đó, có một cành cây rơi trúng người ông, kéo theo ông rơi vào trong sông, đến lúc vùng vẫy ra được, đã bị nước sông cuốn trôi xa vài dặm. Ông sặc nước suýt chết, mơ hồ lết người ra ngoài, không biết đi bao lâu, cuối cùng tìm thấy một ngôi nhà, uống hết bát canh gừng nóng mới kéo về được nửa cái mạng.

Đợi đến lúc hồi sức, ông hỏi về gốc cây cổ thụ kia, cả đại xà, cự ưng, lại không ai hay biết.

Cũng không biết là bọn họ không biết thật hay là không muốn nói cho ông.

Ông dựa vào ký ức, theo đường sông đi tìm rất nhiều lần, nhưng đại giang đại thủy, thâm sơn cùng cốc, nhìn qua đại khái không khác nhau là mấy, ông căn bản không tìm được địa phương ban đầu.

Nhiều năm qua, ông luôn luôn suy nghĩ về nơi đó, nghĩ xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Sau đó, ông thỉnh giáo một nhà sinh vật học, vị chuyên gia đó nói, có lẽ cây cổ thụ đó xác thực có một nửa sống, một nửa chết. Nhưng nếu toàn bộ nửa dưới của cây đó đã hoá đá, vậy làm sao có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho ngọn cây được? Cho nên nói, cây cổ thụ này nhất định không hấp thu dinh dưỡng nhờ bộ rễ.

Ông nghi ngờ rằng, cái cây này dựa vào ăn máu thịt rắn và chuột để duy trì sinh mệnh.

Giống như trong rừng mưa nhiệt đới Amazon có loài cây Nắp ấm, dựa vào bẫy côn trùng và tiêu hoá côn trùng để duy trì sự sống. Gốc cổ thụ này đã có hơn ngàn năm tuổi thọ, chút năng lực này hẳn phải có.

Hoa Tử lại hỏi ông ta, cái cây này dùng gì để hấp dẫn rắn và chuột, lại làm thế nào để hấp thụ chúng?

Chuyên gia không biết nói gì nữa, chỉ bảo đây cũng là do ông suy đoán, cần xem tình huống cụ thể, phân tích chi tiết.

Hoa Tử nhắm mắt, hồi tưởng lại tình cảnh kinh thiên động địa hôm đó, uống một ngụm rượu, hút một điếu thuốc.

Từ đó trở đi, Hoa Tử không bắt rắn nữa, ông định cư ở Dương Sóc, dựng một túp lều bên bờ sông, chuyên môn ngồi đó đắp tượng đất. Một lần đi dã ngoại, tôi thấy ông đang đắp tượng, mời ông uống hai lon bia Lệ Giang, mới quen biết ông đó.

Nếu bạn có đi Dương Sóc, gặp một ông lão râu ria xồm xoàm, ngồi bên bờ sông vùi đầu đắp tượng đất, hãy mời ông ấy uống một ly đi, ông sẽ tặng bạn một đống tượng đất luôn đấy!

Ừm, là thế đó!