Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 116



Lý Tiêu Nhân đi một mình đến gặp Vương Trăn hiển nhiên là vì có việc cần bàn.

Vương Trăn biết ý, nói: “Giờ hẵng còn sớm, vừa nãy lúc lên chùa Định Quốc, ta thấy dưới chân núi có một quán trà để nghỉ chân.”

Lý Tiêu Nhân hiểu ngay ám hiệu của chàng: “Nếu Vương đại nhân đã muốn vậy, hai chúng ta ghé quán trà đó dừng chân một lúc được không?”

Vương Trăn cười: “Được.”

Hai người cùng đến quán trà.

Quán trà này mở ở dưới chân chùa Định Quốc, coi như được hưởng ké đèn nhang thịnh vượng của ngôi chùa này. Tuy ở trong thung nhưng quán vẫn đông khách uống trà – họ đều là những người lên núi dâng hương lễ Phật, dừng chân nghỉ lại nơi đây. Vương Trăn và Lý Tiêu Nhân vào quán, lựa riêng một nhã gian.

Vừa vào phòng, Lý Tiêu Nhân đã ủ rũ hỏi: “Hôm nay Vương đại nhân có thấy Thiện Thính không?”

Vương Trăn: “Trước đây ta đã gặp Thiện Thính đại sư ở đài Đăng Tiên. Lý đại nhân có việc gì?”

Lý Tiêu Nhân bỗng hoài nghi thái độ của Vương Trăn với Thiện Thính, đâm không biết phải nói thế nào. Nhưng quả tình y đang cùng đường lắm, thành thử y chỉ do dự một thoáng rồi nói với Vương Trăn ngay: “Chẳng giấu Vương đại nhân, từ khi Thiện Thính vào cung, bệ hạ sủng tín hắn vô cùng. Ngày nào hắn ta cũng luyện chế đan dược, tụng niệm kinh văn cho bệ hạ. Những chuyện bình thường thì thôi không nói, kẻo Vương đại nhân lại hiểu nhầm rằng Lý Tiêu Nhân này chỉ chăm chăm bài trừ gian thần đối lập với mình.” Nói tới đây, Lý Tiêu Nhân cũng im lặng mất một lúc vì tự chột dạ. Y hắng giọng nói tiếp: “Chẳng qua ta cứ thấy có gì đó không phải.”

Vương Trăn thản nhiên nói: “Lý đại nhân bầu bạn với bệ hạ hơn hai mươi năm, lòng trung thành trước sau như một của ngài trong triều có ai mà không biết?”

Lý Tiêu Nhân biết thừa Vương Trăn đang nói mỉa, nhưng y vẫn thấy xuôi tai lắm. Giờ thì y yên tâm hẳn vì biết Vương Trăn vẫn đứng về phe mình. Mà ngẫm ra, y và Vương Trăn quen biết đã bao nhiêu năm nay, trong khi Thiện Thính chỉ vừa chân ướt chân ráo vào kinh thành. Muốn gạt y ra để đôn Thiện Thính lên, Vương Trăn sẽ phải hao tâm tổn sức, lợi bất cập hại.

Lý Tiêu Nhân: “Từ mười mấy năm trước, sau cơn bệnh nặng gây hôn mê bất tỉnh hơn mười ngày, bệ hạ liền đi theo con đường tầm đạo thành tiên. Trước giờ Thánh thượng luôn tu tiên trong đài Đăng Tiên hằng ngày, hấp thụ linh khi thiên địa, nhưng thường chỉ tu một canh giờ. Bệ hạ kiểm soát bản thân rất nghiêm ngặt, dù bận tu tiên nhưng người luôn tận tụy lo việc nước. Song từ khi Thiện Thính xuất hiện, thời gian bệ hạ giải quyết chính vụ đã giảm sút, mỗi ngày bệ hạ đều ở trong đài Đăng Tiên tận ba canh giờ!”

Vương Trăn nghe thế liền sửng sốt.

Thái độ của chàng khiến Lý Tiêu Nhân hết sức hài lòng, y nói tiếp: “Ta đã thử khuyên can bệ hạ, chớ vì tu tiên mà tổn hao long thể. Linh khí đất trời vào từ huyệt Bách Hội, đi tới huyệt Thần Đình, xuyên qua huyệt Tinh Minh. Khi hội tụ ở huyệt Tam Âm Giao rồi đi ra từ huyệt Dũng Tuyền thì đạt đến trạng thái cực kì nhàn hạ của việc hô hấp thổ nạp1. Cưỡng cầu thái quá chỉ tổ hại thân, thánh thượng phải chú ý gìn giữ long thể. Vậy mà thánh thượng không hề nghe ta, ngài triệu ngay hòa thượng Thiện Thính tới để giảng tụng kinh văn.”

[1] BH: Đỉnh đầu. TĐ: chính giữa phía trước tóc. TM: gần mắt. TAG: trên mắt cá. DT: dưới bàn chân.

“Ý của Lý đại nhân là…”

Lý Tiêu Nhân ưu sầu hết sức, lo lắng nói: “Hạ quan lo bệ hạ ngày ngày tiêu tốn nhiều tâm huyết vào việc luyện đan tu tiên như vậy, lỡ may ảnh hưởng đến long thể thì biết tính sao đây?”

Hai người từ biệt nhau ở quán trà rồi ai nấy về kinh.

Sau khi từ biệt Vương Trăn, thái độ của Lý Tiêu Nhân quay phắt lại như thường.

“Không biết Vương Tử Phong có lập mưu triệt hạ quách cái tay Thiện Thính chết bầm ấy được không đây!”

Đồ đệ của Lý Tiêu Nhân chờ bên ngoài quán trà đã lâu, thấy y đi ra, tiểu đạo đồng vội vã chạy tới che ô quạt mát cho sư phụ. Dĩ nhiên nó cũng nghe được lời phàn nàn của Lý Tiêu Nhân. Mắt liến láu, tiểu đạo đồng hỏi: “Sư phụ ơi, Vương Tử Phong có thể giúp chúng ta hất cẳng con lừa đần kia thật sao?”

Lý Tiêu Nhân: “Làm sao mà ta biết được!”

Tiểu đạo đông ngớ người: “Ơ?”

“Hầy, ta cũng chỉ bí quá hóa liều thôi. Đã ba ngày nay vi sư không được thấy mặt rồng, còn tên Thiện Thính ngày nào cũng được gọi đến đài Đăng Tiên truyền tụng kinh văn cho bệ hạ. Những điều ta vừa nói với Vương Tử Phong đều là lời gan ruột, nếu cứ tiếp tục tình hình này, long thể thánh thượng bị ảnh hưởng là cái chắc. Than ôi, đến giờ ta vẫn không hiểu được lòng dạ hắn, chỉ hi vọng giờ hắn cứu chúng ta được một bàn thua. Nếu hắn có ơn với mình, tự khắc ta sẽ ghi lòng chờ ngày sau báo đáp.”

Triệu Phụ tầm đạo tu tiên cũng đã được hơn hai mươi năm, giờ tự dưng ông ta chuyển sang ăn chay niệm phật làm các đại thần trong triều thấy hoang đường quá thể. Song phàm những việc hoàng đế muốn làm thì có ai dám cả gan xen vào? Ngự Sử đài vờ như không biết đến sự tồn tại của Thiện Thính, tuyệt nhiên không có quan Ngự Sử nào đàn hặc2 ông ta hết.

Năm Khai Bình thứ ba mươi mốt, triều đình dậy cơn sóng cả. Trận sóng thần này không đến từ việc Triệu Phụ đột nhiên chuyển từ tầm Đạo sang thờ Phật, mà vì chuyện ba hoàng tử bắt đầu tham dự triều chính, lo việc quốc gia.

Năm nay Triệu Phụ đã sáu mươi bảy tuổi nhưng các hoàng tử của ông ta hẵng còn trẻ. Nhị hoàng tử Triệu Thượng – người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới ba mươi hai tuổi. Ba hoàng tử đã trưởng thành từ lâu nhưng bị Triệu Phụ ghẻ lạnh bao năm nay; việc ông ta cho bọn họ tham dự triều chính là một tín hiệu cực kì nhạy cảm.

Thịnh Kinh, phủ Hữu tướng.

Ở thành Thịnh Kinh, bọn nhi đồng vẫn truyền tai nhau câu vè nơi đầu đường cuối ngõ về hai vị thừa tướng của Đại Tống. Câu vè ấy rằng: “Phủ Tả tướng – củi gạo mắm muối, phủ Hữu tướng – tiên cảnh trần gian” ý chỉ Tá tưởng Kỷ Ông Tập làm quan liêm khiết, thanh bạch, trong nhà chỉ có dăm ba món đồ đạc, còn Hữu tướng Vương Thuyên thì ngược lại. Vương tướng công không phải hạng tham quan ô lại, song ngài vốn thuộc dòng dõi danh môn thế gia, gia cảnh sung túc sẵn. Phủ Hữu tướng mang đậm vẻ đẹp hài hòa của một lâm viên Giang Nam, ngắm chơi thôi thì không có gì đáng kể, nhưng nơi này sẽ là cảnh tiên nơi trần thế nếu so sánh với phủ Tả tướng đơn sơ.

Hiện giờ, Hữu tướng Vương Thuyên đang đứng trước thư trai3, mở cửa sổ ngắm hoa sen nở kín mặt ao phía đằng xa trong khu vườn.

[3] Tương tự như thư phòng

Thư trai này có tên là “Bát Cầu Trai”, trên cửa treo một tấm biển với ba chữ “Bát Cầu Trai” rồng bay phượng múa. Nguồn gốc của những con chữ này không hề tầm thường chút nào, bởi chúng được chính tay hoàng đế Triệu Phụ ban tặng. Nguồn gốc của cái tên “Bát Cầu Trai” là “Cầu thư bát pháp4” của một nhà sưu tầm sách triều đại trước, cũng là thú vui yên bình và cao nhã của người đọc sách.

[4] Tám phương pháp sưu tầm sách.

Trong Bát Cầu Trai, Vương Thuyên cho bày sáu giá sách, vừa vào phòng là nghe thoang thoảng hương mực.

Ngắm hoa sen trong hồ, Hữu tướng thoáng nhíu mày, thở dài một tiếng: “Kể mà có trận mưa to, thì những đóa sen kia phải náu mình nơi nao mới tránh khỏi kết cục mưa dập gió vùi?”

“Sao thúc tổ lại cảm khái vậy?”

Vương Thuyên quay lại nói: “Con chớ có bảo mình không thấy cái thế mây vần đang nổi lên trong triều đình gần đây!”

Vương Trăn đang đứng bên giá sách, nghe vậy thì cười: “Hiện giờ con chỉ thấy gió êm sóng lặng thôi, việc gì mà phải sửa nhà trước khi trời mưa hả thúc tổ?”

Vương Thuyên: “Tử Phong đã nghe ngóng được gì đấy ư?”

“Chưa hề.”

“Thế vì đâu mà con thong dong đến vậy?”

Vương Thuyên nắm quyền hành trong triều đình đã bao năm nay, cũng đã đọ sức với Kỷ Ông Tập ngần ấy năm. Nếu giờ bảo ông đối mặt với Kỷ Ông Tập, ông dám khẳng định rằng mình đã hiểu tường tận đối phương. Vậy mà đối với đứa cháu của mình, đôi lúc Vương Thuyên không tài nào hiểu nổi. Chẳng biết tự bao giờ, Vương Trăn đã gần kề với tâm tư đế vương hơn cả ông. Quả là quân tâm khó dò, quân tâm khó lường! Triệu Phụ tín nhiệm nhóm quan viên trẻ như Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn còn hơn cả ông và Kỷ Ông Tập.

Vương Trăn: “Vì từ trước đến giờ Tử Phong chỉ tin vào một thứ.”

Vương Thuyên bị khơi dậy hứng thú: “Ồ, thứ gì thế?”

Vương Trăn giơ tay chỉ lên trời, mỉm cười nói: “Con tin ngài ấy.”

Vương Thuyên tròn mắt, hồi lâu mới nói: “Hồi trước có một mình Lý Tiêu Nhân thì không sao, giờ lại phát sinh thêm một Thiện Thính. Sau khi Thái hậu băng, con cũng thấy Thánh thượng thay đổi ra sao rồi đấy.” Chợt ông im bặt, vẻ ngạc nhiên hiện lên trên khuôn mặt. Vương Thuyên bỗng bật cười, chẳng thể làm gì hơn ngoài lắc đầu: “Đều là cận thần của thiên tử, vậy mà giờ ta chẳng hiểu rõ thánh ý bằng con.”

Vương Trăn: “Con cũng chỉ suy đoán thôi mà.”

Vương Thuyên khoát tay, cười sang sảng: “Không bàn chuyện ấy nữa. Trong nhà đã chuẩn bị sẵn cơm nước cho con, toàn những món đặc sản Tô Châu mà con thích ăn đấy. À phải rồi, bao giờ con mới dẫn Đường Cảnh Tắc về nhà ra mắt đây?”

Vương Trăn dở khóc dở cười: “Hẵng còn sớm quá!”

Vương Thuyên: “Đêm dài lắm mộng!”

Trong lúc Vương Trăn thưởng thức của ngon vật lạ ở phủ Hữu tướng, Đường Thận đang ở nhà một mình. Vừa và miếng cơm thì Diêu Tam trở về, cậu lập tức buông đũa, gọi Diêu Tam vào thư phòng, mặc bụng đói, nghe Diêu Tam báo cáo.

“Tiểu đông gia, tôi đã điều tra kĩ càng, Thôi Hiểu đúng là Phi kỵ úy phủ Kim Lăng.”

Đường Thận: “Anh chắc chắn là người đó chứ?”

Diêu Tam: “Chắc chắn ạ. Vì việc này, tôi đã bỏ tiền ra mời một quan sai ở phủ nha Kim Lăng đi uống rượu ở tửu lầu. Tôi nói với hắn rằng mình có một người bà con xa công tác ở phủ nha, làm chức Phi kỵ úy phủ Kim Lăng. Hắn bảo tôi mô tả kĩ tướng mạo người ấy, tôi bèn tả Thôi Hiệu, người quan sai ấy nói ngay: ‘Chẳng phải Thôi đại nhân đó sao!’”

Mấy năm nay Diêu Tam theo Đường Thận vào nam ra Bắc, làm việc ngày càng chu đáo cẩn thận, khiến Đường Thận cực kì yên tâm.

Đường Thận gật đầu: “Anh có điều tra được hắn phạm tội gì không?”

Diêu Tam cười ảo não: “Thôi Hiểu có thể lặn lội đường xa đến Thịnh Kinh xin gặp tiểu đông gia, hiển nhiên tội lỗi của hắn chưa đến nỗi gây xôn xao dư luận, tôi không điều tra được. Nhưng tôi nghe tin rằng Thôi Hiểu là một tên quan cực kì tham lam, không ai bì được. Chỉ cần được mớm tiền, hắn sẵn sàng làm bất kể điều gì. Thế nên, tội mà hắn phạm phải có khi liên quan đến tiền bạc.”

Anh ta nói vậy, Đường Thận lập tức tỉnh ra ngay, cậu đã đoán được vì sao Thôi Hiểu lại đến tìm mình, cũng đoán được nguyên do Thôi Hiểu và Lương Tụng quen biết năm năm về trước.

Năm năm về trước, Lương Tụng đột nhiên nhận được tin Chung Thái Sinh bị giam ở thiên lao hơn hai mươi năm bỗng mắc bệnh nặng, e chẳng còn thọ được bao lâu. Nếu không cứu chữa gấp, chỉ sợ chẳng chóng thì trầy cũng từ trần. Lương Tụng ở tít tận Cô Tô, làm sao biết được tình hình trên Thịnh Kinh. Ông chỉ còn cách đi sang Kim Lăng để thám thính tin tức, tìm kế sách cứu mạng Chung Thái Sinh.

Lương Tụng là một trong Tứ nho thiên hạ, nhưng đây là việc ông phải giữ bí mật chứ không thể gióng trống khua chiêng. Chính vì thế, ông không thể tìm đến những quyền thần đại quan mà mình quen biết mà phải lén lút thu lượm tin tức. Chiếu theo lẽ đó, việc ông dùng tiền mua chuộc Thôi Hiểu, mong mượn tay hắn dò la nội tình cũng không phải bất khả thi.

Hồi trước Đường Thận hoàn toàn không tham dự vào việc này, lần duy nhất cậu nhúng tay vào là lần Từ Tuệ – cháu Lương Tụng tìm đến cậu, nhờ giúp đỡ điều tra một đạo sĩ về thăm người thân ở phủ Cô Tô.

Việc này chỉ có mình Từ Tuệ biết đến, người nhân viên giúp dò la tin tức thuộc Hậu cần Đường thị cũng được Đường Thận cho tiền để rời khỏi Cô Tô, chẳng biết hiện giờ đang ở phương nào.

Không biết vì đâu mà Thôi Hiểu nghe ngóng được quan hệ giữa Đường Thận và Lương Tụng, nhưng không có chứng cứ rõ ràng mà chỉ nói suông thì đừng hòng lay chuyển địa vị hiện giờ của Đường Thận.

Đường Thận yên tâm rồi, cậu cười nói: “Nếu liên quan đến tham ô thì có gì phức tạp đâu, chỉ đơn giản là hắn bị ai đó tố cáo hành vi phạm pháp, gửi cáo trạng lên tận Thịnh Kinh khiến Thôi Hiểu không dìm xuống được!” Cậu suy nghĩ một lát, “Việc này dễ thôi, nhưng có lí nào ta phải làm hộ Thôi Hiểu!”

Đường Thận lạnh nhạt nói: “Cứ nhốt hắn ở Đại lý tự đi!”