Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 121



Đường Thận thao thức cả đêm. Giờ Tý, trời mưa như thác đổ. Ngoài song cửa, bèo lục bình lao đao trong cơn mưa sầm sập đến tận hừng đông2.

Hôm sau, Tiết độ sứ Liễu Châu Tần Tự được triệu về kinh.

Ba năm trước, Hữu thị lang bộ Hộ Tần Tự phạm tội giám sát ty Độ Chi thiếu hiệu quả, bị hoàng đế đày đến Liễu Châu làm Tiết độ sứ ngũ phẩm. Liễu Châu dù không trù phú như Giang Nam nhưng cũng là một vùng dồi dào sản vật và đông đúc dân cư. Trong thời gian Tần Tự giữ chức Tiết độ sứ Liễu Châu, miền này mưa thuận gió hòa, tức là vừa gặp thiên thời địa lợi lại thêm nhân hòa, nên anh ta được triệu về Thịnh Kinh.

Hôm đó, Triệu Phụ gặp Tần Tự ở điện Thùy Củng.

Tần Tự đã ba mươi sáu tuổi, ba năm trước khi rời kinh anh ta vẫn chưa để râu, giờ dưới cằm đã có một chòm râu nhỏ khá mượt, trông mặt mũi cũng thay đổi đôi phần. Thấy Triệu Phụ, anh ta không nhiều lời mà báo cáo ngay những việc đã làm ở Liễu Châu trong ba năm qua, cùng với những điều quan sát được về dân cư bản địa.

Triệu Phụ nghe say sưa, thấy chòm râu của Tần Tự, ông ta cảm khái: “Tần Vu Đức cuối cùng cũng già rồi!”

Những người thân quen đều biết Tần Tự là một người không chấp nhận sự già cỗi bao giờ. Trước giờ anh ta luôn tự nhận là hào hoa phong nhã. Thế nên suốt ba mươi năm nay, giữa thời đại rất nhiều quan lại chuộng để râu và coi đó là đẹp, anh ta chưa một lần nuôi râu. Thậm chí khi bị hỏi, anh ta còn lấy Vương Trăn ra làm lá chắn: “Thượng thư đại nhân có để râu bao giờ! Thế mới gọi là phong lưu tiêu sái, phiêu diêu tựa tiên!

Nhưng hai tháng trước, sau khi Vương Trăn sai người gửi thư ám chỉ với anh ta rằng sắp đến lúc có thể về Thịnh Kinh, Tần Tự liền cố tình nuôi râu.

Giờ được nghe Triệu Phụ nhận xét thế, Tần Tự xúc động rơm rớm nước mắt, anh ta muốn nói đôi lời nhưng rồi lại thôi, chỉ vái dài, thưa: “Thần đã ba mươi sáu tuổi rồi ạ.”

Triệu Phụ thâm thúy nhìn anh ta: “Đời người chẳng có được mấy lần ba năm, chỉ tiếc trẫm và ngươi sắp không được gặp nhau nữa.”

Tần Tự nghe thế thì cả kinh, anh ta cứ tưởng mình lỡ miệng chỗ nào, hoặc tiểu xảo gây lòng thương cảm của mình đã bị hoàng đế phát hiện. Lưng lạnh toát, Tần Tự cười chua chát, thầm nhủ thông minh quá lại ngã vì thông minh.

May mắn thay, vừa rời cung thì anh ta nhận được chiếu lệnh của Triệu Phụ, thăng Tiết độ sứ Liễu Châu Tần Tự làm Đô bộ trướng sử ty Ngân Dẫn, bậc tam phẩm. Tần Tự cảm động rơi lệ, nhận chỉ. Không lâu sau, rất nhiều người quen cũ đến viếng thăm Tần phủ, chúc mừng niềm vui được thăng chức của anh ta.

Tuy Tần Tự phải đi U Châu nhậm chức ngay, nhưng anh ta cũng kiên trì tiếp đãi các quan đến thăm để thắt chặt quan hệ.

Hai ngày sau Tần Tự mới hết bận. Anh ta sai người mua một hộp điểm tâm từ Thái Kỳ trai để đến phủ Thượng thư bộ Hộ gặp Vương Trăn.

Tần Tự dâng hộp điểm tâm lên.

Vương Trăn liếc nhìn: “Điểm tâm Thái Kỳ trai đó hả?”

Tần Tự: “Trước giờ hạ quan vẫn thích ăn điểm tâm Thái Kỳ trai. Ba năm trước ở đình Thập Lý ngoài kinh thành, Thượng thư đại nhân tặng cho hạ quan một hộp, hương vị thơm ngon tuyệt vời ngày ấy vẫn in đậm trong lòng hạ quan đến tận bây giờ. Hôm nay được trở về kinh thành, hạ quan liền mua để nếm lại, cũng muốn chia sẻ món ngon với đại nhân.”

Vương Trăn giữ Tần Tự ở lại phủ dùng bữa, hai người trò chuyện với nhau thật vui vẻ.

Tần Tự thể hiện lòng trung thành của mình với Vương Trăn, nhận được ám chỉ của Vương Trăn, anh ta không trù trừ nữa, mấy hôm sau khởi hành đến U Châu nhậm chức luôn.

Quay vào phòng, Vương Trăn nhìn hộp điểm tâm, sai quản gia: “Gửi điểm tâm này sang cho Đường đại nhân.”

Quản gia gật đầu vâng lệnh.

Chưa đi được hai bước, quản gia đã được Vương Trăn gọi lại. Vương Trăn cầm hộp điểm tâm nhẹ bỗng lên, mở tầng thứ nhất. Trong tầng này là bánh Bạch Đường Vạn Thọ, bánh Tuyết Nhi và bánh Tảo Nhi. Xem đến tầng thứ hai, trong tầng này đựng bánh hoa sen, bánh xốp vỏ giòn và bánh xốp nhân hoa quả.

Vương Trăn yên lặng một thoáng, nhẹ nhàng gõ hai cái rồi cạy tấm gỗ dưới đáy tầng hộp thứ hai ra. Giữa hai tầng đáy hộp chính là bản dập Minh Kính thiếp duy nhất còn sót lại của Thư thánh3 thời xưa, cầm lên ngửi thử vẫn còn mùi bánh ngọt, chắc sẽ ám một lúc lâu.

[3] Tức nhà thư pháp lừng danh Vương Hi Chi (303-361)

Vương Trăn than: “Phung phí của trời!

Quản gia thấy bức Minh Kính thiếp cũng choáng ngợp, nghĩ thầm: Tần đại nhân quả là không tiếc báu vật!

Vương Trăn cất bức Minh Kính thiếp vào ngăn kép của hộp rồi đưa cho quản gia: “Mang sang cho Đường đại nhân đi.”

Quản gia ngỡ ngàng: “Kìa công tử?” Trên đời lấy đâu ra một bức thư pháp ngàn vàng khó đổi thế này.

Vương Trăn nghiêm túc nói: “Bảo đệ ấy rằng đây là tấm lòng của ta, dặn đệ ấy phải thưởng thức cẩn thận.”

Quản gia đành mang hộp điểm tâm Thái Ký trai sang phủ Thám hoa.

Vương Trăn dặn thế nào thì ông ta phải nói đúng y như vậy. Mặc dù rất muốn bảo Đường Thận rằng trong hộp này có một bức thư pháp của chính Thư thánh, nhưng quản gia không dám trái lệnh Vương Trăn. Lúc về phủ Thượng thư, quản gia cứ lưỡng lự mãi, sợ Đường Thận không phát hiện ra bức thư pháp mà vứt chiếc hộp đi.

Nhưng lúc này Đường Thận còn đang thấp thỏm không yên.

Ba ngày trước, ở phủ Thượng thư, Vương Trăn đã ngâm bài thơ “Trăn Vị” cho cậu nghe. Từ bấy đến giờ, giọng nói trầm bổng dịu êm của chàng lúc nào cũng quanh quẩn bên tai cậu, khiến Đường Thận trằn trọc mất ngủ không thôi. Suốt cả ba ngày, Đường Thận ra sức né tránh Vương Trăn, không hề đến gặp chàng. May mà hiện giờ Đường Thận làm việc ở Ngự Sử đài nên họ chỉ xuất hiện cùng nhau khi lên triều. Vương Trăn đường đường là quan nhị phẩm, Đường Thận chỉ là quan tứ phẩm, nếu không cố tình thì rất khó chạm mặt nhau.

Giờ nhận được quà của Vương Tử Phong, Đường Thận hết sức cảnh giác, làm gì có chuyện ăn bừa?

Cậu thậm chí chẳng dám động vào một miếng bánh nào!

Tỉ mẩn phỏng đoán ý đồ của Vương Trăn, Đường Thận nhấc mấy khay bánh ra khỏi hộp gỗ, rồi ngồi ngơ ngác trong thư phòng, chăm chú nhìn cái hộp. Một lúc lâu cậu mới giật mình như sực nhớ điều gì, bèn kiểm tra xem hộp có ngăn kép không. Vừa mới kiểm tra…

“…” Đường Thận cầm bức Minh Kính thiếp lên mà mặt lạnh tanh.

Tuy không sưu tầm danh tác của người nổi tiếng và cũng không rõ giá trị thực của bức thư pháp này, nhưng làm sao Đường Thận không biết vật này quý giá nhường nào? Chớ kể là đem tặng, chỉ cần phát hiện thôi cũng phải dâng vào cung để nhập kho riêng của hoàng đế, gìn giữ như báu vật quốc gia!

Vật này mà huynh cũng dám tàng trữ làm của riêng hả Vương Tử Phong?!

Còn đưa cho cậu nữa?!

Cái củ khoai bỏng tay này, Đường Thận không dám nhận.

Sáng sớm ngày kế, sau khi tan triều, Đường Thận cố ý nán lại ngoài cung để chờ. Thấy cỗ xe ngựa treo đèn “Thượng thư bộ Hộ” đi ra khỏi cổng cung, Đường Thận liền đón đầu xe ngay. Vương Trăn kinh ngạc vén rèm, thấy Đường Thận, chàng mỉm cười: “Sao bỗng dưng tiểu sư đệ có can đảm đến gặp ta thế?”

Đường Thận: “…”

“Có can đảm” đến gặp huynh là sao hả, đã bao giờ ta không dám đâu? Đường Thận bê hộp quà, đưa cho Vương Trăn bằng hai tay: “Hôm qua ta mới viết một bản tự thiếp, muốn nhờ Thượng thư đại nhân đánh giá, chỉ điểm đôi điều.”

Vương Trăn nhướng mày: “Gửi Thượng thư đại nhân hả?”

Đường Thận không hiểu ý chàng: “…Vâng?”

Vương Trăn đanh mặt, dõng dạc nói: “Giữa ban ngày ban mặt, có trời đất chứng giám, ngay trước chốn hoàng cung mà ngươi cũng dám cả gan biếu xén bản quan? Bản quan nhớ Đường đại nhân làm việc ở Ngự sử đài kia mà? Phải chăng gương sáng cũng có vết nhơ? Đường đại nhân muốn hối lộ bản quan sao?”

Đường Thận bị chàng trách cứ thì thần người ra.

Vương Trăn vươn tay: “Lên đây đi.”

Nghe răn dạy một hồi mà Đường Thận ngơ ngơ ngác ngác. Lên xe rồi, Vương Trăn mới cầm tay cậu, mở hộp gỗ ra. Đương nhiên trong hộp không phải tự thiếp do Đường Thận viết mà là bản Minh Kính thiếp kia. Vương Trăn thở dài: “Đã tặng đệ rồi, sao còn trả lại làm chi?”

Đường Thận muốn rụt tay về, nhưng bàn tay mát rượi của Vương Trăn đã ấp vào lòng bàn tay cậu. Rõ ràng đương độ nắng gắt cuối thu, vậy mà bàn tay chàng chẳng khác nào chủ nhân của nó, cảm giác mát dịu gợi lên cốt cách rắn rỏi mà thanh cao. Đường Thận không kiềm được ý muốn ủ ấm bàn tay chàng, cậu không nỡ đẩy nó ra, khiến cõi lòng chàng nguội lạnh.

Đường Thận vô cùng đắn đo. Hồi lâu, cậu mới lí nhí nói: “Vật này quý quá, đệ không dám nhận.”

Vương Trăn nhận ra hết sự chật vật của cậu: “Nếu đệ gửi nó cho Thượng thư đại nhân, thì gọi là hối lộ thượng cấp. Còn nếu đưa cho sư huynh thì không hề gì.”

Đường Thận lập tức nói: “Đệ gửi cho sư huynh mà.”

Vương Trăn nắm chặt tay cậu, cười phá lên: “Sư huynh không nhận đâu, cảm ơn ý tốt của tiểu sư đệ.”

Đường Thận: “!!!”

Vương Tử Phong, huynh còn chơi trò này nữa à?!

Đường Thận có cảm tưởng mình sắp bị Vương Trăn trêu đến phát điên rồi, cậu làm gì có cửa thắng Vương Tử Phong cơ chứ! Lúc này, cậu chỉ muốn hất quách tay Vương Tử Phong ra, kệ cho chàng lạnh. Ấy thế mà Vương Tử Phong lại đan tay mình vào tay cậu, ngón tay chàng tỉ mỉ mân mê. Sự đụng chạm ấm nồng dịu nhẹ làm bừng lên sức nóng rạo rực nơi da dẻ họ tiếp xúc với nhau, trái tim Đường Thận như được hơ trên ngọn lửa. Cậu cố gắng bám víu lấy giới hạn của bản thân, rồi lại không nỡ đẩy người ta ra, cậu sợ người đàn ông này sẽ nhìn cậu bằng ánh mắt thất vọng một lần nữa.

Khi sự giằng co và sốt ruột trong Đường Thận lên tới đỉnh điểm cũng là lúc phu xe chợt bẩm: “Đại nhân, đến Ngự Sử đài rồi.”

Bàn tay mân mê của Vương Trăn khựng lại một thoáng, rồi như thể không nghe thấy gì, chàng cứ tiếp tục vuốt ve tay cậu.

Đường Thận thì như trút được gánh nặng, cậu hất tay Vương Trăn ra, hấp tấp xuống xe như đi trốn. Cậu quay lại, thi lễ với Vương Trăn: “Hạ quan xin cáo từ trước.” Nói đoạn, Đường Thận rảo bước chạy biến đi.

Vương Trăn bỗng bật cười, tự giễu: “Mình giống thiên tai thú dữ thế kia à?” Chàng lắc đầu, chẳng biết nói gì hơn: “Về bộ Hộ.”

Buổi trưa, Đường Thận đang ngồi đờ đẫn ở Ngự sử đài thì bỗng có quan sai mang chiếc hộp gỗ đến.

Đường Thận: “…”

Thôi bỏ đi, khỏi trả lại nữa. Huynh đã khăng khăng giúi tiền cho ta, mất gì đâu mà không nhận!

Là Gián nghị đại phu kiêm Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn, Đường Thận đương nhiên phải quán xuyến công việc thuộc ty Ngân Dẫn. Cậu viết tấu chương trình lên, không bao lâu, Triệu Phụ liền hạ chỉ triệu hồi Mai Thắng Trạch và Vương Tiêu về làm Đô bộ lang trung ty Ngân Dẫn, thành thuộc hạ của Đường Thận.

Ý chỉ của Triệu Phụ như cơn mưa rào sau chuỗi ngày nắng hạn, Đường Thận mừng rỡ vô cùng. Cậu càng vững tin hơn vào lời Vương Trăn – phải tin tưởng vào vị hoàng đế này. Dù ông ta ngày ngày luyện đan, ngày ngày tu tiên, ông ta vẫn tốt hơn vô vàn vị hoàng đế khác.

Vì ông ta nhìn thấu triều đình này!

Mấy hôm sau, Mai Thắng Trạch và Vương Tiêu sẽ về Thịnh Kinh nhận lệnh. Cùng lúc đó, ở Nam Kinh Tích Tân phủ nước Liêu xa xôi, lái buôn trà Kiều Cửu đang bưng một đống lễ vật đến bái phỏng Tả Bình chương chính sự phủ Tích Tân Tiêu Châm.

Thấy Kiều Cửu, thoạt tiên Tiêu Châm còn làm bộ dửng dưng. Phải đến lúc thấy đống quà cáp Kiều Cửu bưng tới, lão ta mới hí hửng ra mặt.

Tiêu Châm lệnh cho gia nô cất lễ vật đi, đuổi người hầu kẻ hạ lui hết, chỉ chừa lại mỗi Kiều Cửu.

Tiêu Châm giễu cợt: “Quả nhiên Gia Luật Cần và Gia Luật Xá Ca coi chúng ta như quân cờ, mặc sức lợi dụng! Ngươi có biết chuyện gì đã xảy ra trong đại trướng hôm nay không?”

Kiều Cửu giật mình: “Chuyện gì?”

Tiêu Châm: “Chẳng phải thích khách kia đã khai chủ mưu giấu tay là Vương tử Thái bảo Gia Luật Ẩn sao? Nhưng đến giờ Gia Luật Cần vẫn không tung tin đấy ra. Ta cứ tưởng Nhị hoàng tử không định rêu rao việc đấy. Rốt cuộc, hôm qua hoàng đế bệ hạ bỗng nhiên bị đột quỵ, mãi tận sáng nay mới tỉnh lại, bấy giờ Nhị hoàng tử mới tố cáo vụ ám sát.”

Tiêu Châm đã biết thân phận của Kiều Cửu, thậm chí lão ta còn bị Tô Ôn Duẫn mua đứt. Tô Ôn Duẫn tóm được điểm yếu của lão, lại hứa hẹn đủ đường ngon ngọt, vừa dọa dẫm vừa dụ dỗ bằng lợi ích. Sẵn mối hận với Gia Luật Xá Ca và Gia Luật Cần, hiển nhiên Tiêu Châm hả hê đóng vai gian thần ngay.

Kiều Cửu suy đi tính lại. Về nhà, hắn bèn viết thư gửi tới U Châu.

Trong thư chỉ có một dòng ngắn ngủi…

“Trai cò tranh nhau, làm ngư ông thế nào?”