Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 123



Có câu: tham lam mà độc ác, cùng một giuộc với lũ sói đỏ tàn hại1.

[1] Tả bản tính loài sói xám (lang). Sói đỏ là sài.

Trong lúc Đường Thận không hề hay biết, cậu đã bị Dư Triều Sinh vẽ hẳn cho một đảng phái riêng gọi là Đường đảng. Không thể phủ nhận rằng khả năng đánh hơi của Dư Triều Sinh quá nhạy bén, ngang ngửa với người thầy Từ Bí của anh ta. Ngoài mặt, chuyến này Vương Tiêu và Mai Thắng Trạch đến làm việc ở ty Ngân Dẫn chẳng hề liên quan đến Đường Thận. Hai người bọn họ thuộc Đô bộ của ty Ngân Dẫn, thượng cấp trực tiếp của họ đáng lẽ phải là Tần Tự.

Nhưng chỉ dựa vào quan hệ trên mức bình thường giữa Đường Thận và họ, Dư Triều Sinh đã phát hiện, hoàng đế không phái hai người ấy đến U Châu nhằm phụ giúp Tần Tự mà để bố trí thêm hai trợ thủ đắc lực cho Đường Thận.

Hiện giờ, Vương Tiêu và Mai Thắng Trạch đang ở U Châu. Hàng ngày, họ phải thực hiện chức trách của ty Ngân Dẫn – bận bịu quản lí ngân khế và hỗ trợ điều hành Ngân khế trang bộ Binh ở ba mươi sáu phủ trên toàn quốc. Song song với đó, cả hai còn phải bí mật liên lạc với các thám tử được phái sang nước Liêu.

Công cuộc theo dõi nước Liêu không hề đơn giản chút nào.

Hai người mới đến U Châu đã nhận được tình báo của Kiều Cửu về việc vua Liêu bị đột quỵ, Nhị hoàng tử nước Liêu nhân cơ hội khuấy động tình hình. Bề ngoài, Vương Tiêu và Mai Thắng Trạch là quan đồng cấp, nhưng người có tiếng nói quyết định vẫn là Vương Tiêu. Anh ta rất quyết đoán, ra lệnh cho Kiều Cửu chớp thời cơ, hỗ trợ Tiêu Châm xâm nhập sâu hơn vào nội bộ nhóm quan thuộc phe Nhị hoàng tử, khai thác thêm nguồn tin tình báo.

Một tháng sau, tin tình báo từ nước Liêu gửi về tới tấp.

Tin tình báo thông thường đều được Vương Tiêu, Mai Thắng Trạch xử lí, chỉ khi có việc khẩn cấp, họ mới bí mật gửi về Thịnh Kinh để Đường Thận và Tô Ôn Duẫn quyết định.

Cứ thế, chẳng mấy chốc một tháng đã trôi qua, tháng Mười lại tới.

Mùng bảy tháng Mười năm Khai Bình thứ ba mươi mốt là lễ đại thọ của Triệu Phụ. Năm ngoái, ông ta tổ chức thọ yến vô cùng long trọng, quan lại ba mươi sáu phủ gửi quà mừng thọ về từ hàng tháng trước dịp lễ. Năm nay mọi thứ đã thay đổi khi Triệu Phụ bỗng dưng bắt đầu ăn chay niệm phật. Đầu tháng Chín, ông ta ban bố một chỉ lệnh trong buổi triều, gọi là “Tư kỷ chiếu2“.

[2] Ngẫm về bản thân

“Trẫm ở ngôi ba mươi mốt năm qua, không mong mỏi kiến tạo nên thành tựu gì vẻ vang, chỉ mong không phạm phải lầm lỗi. Nhưng than ôi, sông Hoàng Hà hằng năm dâng nước gây ngập lụt, làm bách tính đôi bờ khốn đốn lầm than; đất đai mất trắng, biết cất nhà nơi đâu? Trẫm là con của trời cao, là hóa thân của rồng, làm sao an giấc đặng?”

“…Trẫm quyết định, lễ thọ đản năm nay không tổ chức xa hoa nữa. Các địa phương tiết kiệm chi tiêu, lòng trẫm mừng vui khôn xiết.”

Con người Triệu Phụ xưa nay chẳng dễ gì mà đoán được. Đột nhiên ông ta chán làm thọ yến cầu kì, khiến toàn thể bộ Lễ cất công chuẩn bị suốt nửa năm nay không biết đường nào mà lần. Tuy thế, chuyện này cũng chẳng có gì to tát. Năm ngoái, mùng bảy tháng Mười là thọ đản của hoàng đế, đâu có ai nhớ một ngày trước đó là sinh nhật Vương Trăn?

Giờ thì ngay cả Triệu Phụ cũng nhớ đến. Trong điện Thùy Củng, ông ta cười bảo:  “Sang năm Tử Phong ba mươi tuổi rồi. Trẫm nhớ hôm nay là sinh nhật ngươi phải không?”

Gần đây Triệu Phụ rất hay nhắc đến chuyện này, ông ta ưa nói về tuổi tác.

Thường thì các hoàng đế càng già càng kiêng kị người khác nhắc đến chủ đề tuổi thọ. Kể cả các cụ già bình dân cũng không thích đả động tới vấn đề này. Ấy thế mà Triệu Phụ cứ phải khác người. Càng tu tiên niệm phật, ông ta càng muốn bàn về tuổi thọ. Loại trẻ măng như Đường Thận, Triệu Phụ chẳng buồn nói. Còn như Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn, rồi cả Tả tướng Kỷ Ông Tập, Hữu tướng Vương Thuyên, các quyền thần trong triều hiện nay, ai cũng phải nghe Triệu Phụ nhắc một lần.

Vương Trăn: “Muôn tâu bệ hạ, hôm nay đúng là sinh nhật thần.”

Triệu Phụ suy nghĩ một lúc: “Sinh nhật thì nhất định phải kỉ niệm thật vui mới được.”

Thế là khi Vương Trăn còn đang làm việc ở bộ Hộ chưa về, phần thưởng của Triệu Phụ đã lũ lượt đổ về phủ Thượng thư. Thế nhưng lĩnh chỉ xong, Vương Trăn lại rời phủ Thượng thư sang tư dinh của Phó Vị, nơi Đường Thận và Phó Vị đã bày sẵn tiệc mừng sinh nhật chàng.

Thầy trò ba người chén tạc chén thù. Cuộc vui tưng bừng dưới ánh trăng, có gió mát đủng đỉnh dạo qua, phảng phất như bức thư họa huyền ảo.  

Những năm gần đây Phó Vị đang biên soạn một bộ sách, tháng trước đã viết đến phần cuối rồi. Nhưng sau năm năm, ông đã không còn là Đại nho Phó Hi Như mà Đường Thận gặp gỡ ngày xưa nữa. Hai bên tóc mái ông càng ngày càng nhiều sợi bạc hơn.

Phó Vị xúc động: “Năm tháng chẳng từ một ai, trông mái đầu bạc phơ của ta này, năm ngoái còn che bớt đi được, năm nay chả hiểu sao tóc bạc mọc như măng xuân sau mưa, vò một cái là xổ ra cả mớ. Than ôi, vi sư già khú đế rồi. Trông hai đứa bây đương độ hào hoa phong nhã, nước mắt lão già này cứ trào cả ra3. Ôn Thư, lấy cho ta cái khăn tay.”

Bây giờ tiểu đồng Ôn Thư túc trực bên Phó Vị hàng ngày, chăm sóc ông mọi lúc.

Nghe Phó Vị nói xong, Ôn Thư đồng tử lẩm bà lẩm bẩm “Mắt ngài ráo hoảnh thế kia cơ mà”, nhưng vẫn rút chiếc khăn tay từ trong tay áo ra đưa cho Phó Vị.

Phó Vị làm bộ như thất vọng lắm, ông quệt quệt mấy giọt nước mắt vô hình rồi mới ngẩng đầu nhìn hai đệ tử.

Đường Thận dở khóc dở cười: “Sao bỗng dưng tiên sinh lại nói thế? Trong lòng con, tiên sinh chẳng khác gì ngày xưa cả. Vẫn nhanh nhẹn minh mẫn, có già đi tí nào đâu.”

Phó Vị: “Thì sao? Chỉ cho mỗi hoàng thượng hở ra là chê người khác già, không cho ta được than thở hử?”

Giờ Đường Thận mới hiểu, hóa ra Phó Vị suốt ngày bị Triệu Phụ ca bài “Ái khanh già rồi đấy” nên mới trút nỗi bực dọc này lên cậu và Vương Trăn. Đường Thận đành chịu ông.

Cậu cũng biết dạo này Triệu Phụ rất hay cho vời các quan vào gặp rồi hỏi han chuyện tuổi tác. Tiếc là Đường Thận còn non quá nên Triệu Phụ chưa bao giờ gọi cậu hết. Ngay cả Tô Ôn Duẫn cũng bị tuyên triệu đến vài lần. Trong các quyền thần và tâm phúc của hoàng đế, chỉ còn mỗi Đường Thận chưa được hưởng niềm vinh hạnh này. Có lúc Đường Thận cảm tưởng mình bị Triệu Phụ bỏ quên mất, nhưng ngay sau đó Triệu Phụ sẽ cho vời cậu vào cung, ân cần hỏi chuyện mấy câu, xua tan nghi ngờ của cậu.

Vinh dự chưa viếng thăm Đường Thận nay đã được Phó Vị ban phát tận nơi.

Thầy trò hai người tán gẫu với nhau, Phó Vị bèn kể về một bài từ tuyệt hay vừa xuất hiện trong văn đàn gần đây.

“Tác giả của bài từ ấy là một viên Tham tướng, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chẳng biết nổi hai chữ đại tự.” Phó Vị cố tình dừng ngay khúc hồi hộp, cười bí ẩn: “Xong Cảnh Tắc biết sao không?” Không đợi Đường Thận trả lời, ông đã hấp tấp tiết lộ đáp án: “Tham tướng ấy là tay võ biền chẳng được học hành, nhưng nghe đồn vợ mới cưới của gã là tài nữ nức tiếng trong vùng.”

Đường Thận ăn ý phụ họa theo: “Còn có chuyện như thế kia ạ?”

Phó Vị: “Viên ‘Tham tướng’ ấy sáng tác được nhiều bài thơ, bài từ hay lắm. Khéo quá, phủ vi sư cũng có tác phẩm mới nhất của anh ta. Nhưng mà để ở đâu ý nhỉ…” Phó Vị ngoái lại hỏi: “Này nhóc tiểu đồng, con để nó đâu rồi?

Ôn Thư đồng tử vô tội nói: “Tiên sinh, cất sách là việc của Phủ Cầm đồng tử kia mà, làm sao con biết được!”

Phó Vị: “Cái thằng cu tiểu đồng này, lí do lí trấu quá thể, sai mi đi tìm sách thì cứ đi đi. Thôi thì Cảnh Tắc đi cùng nó, giúp thằng nhóc ngờ nghệch này tìm tập thơ đấy được không?”

Đường Thận lấy làm lạ, cậu liếc nhìn Phó Vị rồi đứng lên đáp: “Vâng.”

Đoạn, Đường Thận và Ôn Thử đồng tử liền đi vào Điêu Trùng thư trai của Phó Vị.

Tạm thời, phòng khách chỉ còn hai thầy trò Phó Vị và Vương Trăn.

Vừa nãy khi Đường Thận và Phó Vị chuyện trò, Vương Trăn chỉ lặng lẽ uống rượu và lắng nghe. Chàng cười mỉm, chẳng phụ họa theo câu nào, như thể chỉ lắng nghe thôi là đủ. Giờ Đường Thận đã đi tìm sách, Phó Vị huơ huơ đôi đũa trước mặt trò cưng. Vương Trăn đưa mắt lên nhìn tiên sinh nhà mình.

“Tiên sinh cố ý để Cảnh Tắc tránh mặt vì việc gì thế?”

Giọng Phó Vị ồm ồm: “Ta để nó tránh mặt đi bao giờ, con đừng có nói linh tinh.”

Vương Trăn cười: “Người nghĩ Cảnh Tắc không biết thật à?”

Phó Vị: “Gớm, hai đứa bây giờ lớn tướng, cánh cứng rồi, tiên sinh còn quản được tụi bây đâu.” Đùa xong, nét mặt Phó Vị bỗng nặng nề hẳn. Ông đặt đũa xuống, nhìn học trò mình.

Hai mươi tư năm về trước, Phó Vị tình cờ ghé thăm Kim Lăng trong chuyến du ngoạn Giang Nam.

Khi ấy, Tứ nho thiên hạ lừng danh đã có tên Phó Vị. Vì thế khi ông đến chơi Kim Lăng, Lang Gia Vương thị gửi thiếp mời Phó Vị đến phủ, mở tiệc thết đãi vị đại nho này.

Phó Vị cũng là con cháu thế gia đại tộc, nhưng dòng họ Phó đã neo người từ thời ông cha ông, cảnh nhà sa sút, không được vinh hiển bằng thuở xưa. Dầu vậy, lạc đà gầy còn hơn ngựa béo, dòng họ ông vẫn có tiếng tăm ở vùng Bắc Trực Lệ, tuy chẳng sánh nổi với nhà họ Vương. Phó Vị là trụ cột trong nhà, được Lang Gia Vương thị mời, đương nhiên ông mừng rỡ và ngạc nhiên lắm, bèn sửa soạn đi dự tiệc.

Thế gia Giang Nam, cầu con nước chảy, vườn tược tinh xảo.

Sau bữa tiệc, Phó Vị được người ta dẫn đi dạo chơi vãn cảnh trong vườn. Hai người đang cười nói thì bỗng gặp một cậu bé trai vô cùng xinh xắn, ăn vận đẹp đẽ, đang chăm chú ngắm nghía một đóa hoa giữa vườn. Phó Vị đứng cạnh đó nhìn bao lâu, đứa bé trai cũng ngắm hoa bấy nhiêu lâu.

Phó Vị hiếu kỳ hỏi: “Cháu đang ngắm gì thế?”

Đứa bé trai ngẩng lên nhìn ông rồi ngó sang thúc phụ đứng kế bên, ngoan ngoãn lễ phép vái chào, thưa: “Cháu đang ngắm hoa.”

Phó Vị: “Vì sao chỉ ngắm một đóa hoa mà cháu ngắm lâu đến vậy?”

Đứa bé đáp: “Ban đầu cháu chỉ định ngắm một lát thôi, nhưng rồi cháu phát hiện quý khách đang ngắm nhìn cháu. Cháu ngắm hoa, quý khách ngắm cháu, có thể ví như đang thưởng thức một bức họa, cháu không thể làm mất nhã hứng của ngài được. Vậy, thưa quý khách, ngài đang ngắm gì thế ạ?” Nói xong, cậu bé ngước đôi mắt đen láy trong veo, tò mò nhìn Phó Vị.

Phó Vị bất ngờ quá đỗi. Sau khi nghe nói cậu bé đó là Vương Trăn – con trưởng của nhà họ Vương, Phó Vị nằng nặc đòi nhận cậu bé làm học trò. Thoạt tiên nhà họ Vương cũng hơi khó xử, nhưng Phó Vị cứ ở lì dưới Kim Lăng, cuối cùng chính Vương Trăn đã đồng ý bái Phó Vị làm thầy.

Vương Trăn: “Con ngắm hoa như ngắm tranh, tiên sinh lại ngắm con như ngắm tranh. Có lẽ đây là duyên phận mà Nhị thúc tổ thường nhắc tới.”

Vì thế, Vương Trăn trở thành đồ đệ của Phó Vị.

“Không ngờ, chớp mắt đã qua hai mươi tư năm.” Phó Vị bùi ngùi, “Hầy, sao ta cứ nhắc mãi những chuyện xưa cũ làm chi không biết!”

Vương Trăn đưa mắt nhìn tiên sinh nhà mình.

Chuyện hồi năm tuổi đương nhiên chàng vẫn còn nhớ như in, dù sao cái tài đã trông qua là nhớ của chàng thì quá nổi tiếng rồi. Ngày ấy tuy là thần đồng lừng danh, nhưng giờ ngẫm lại, cũng phải công nhận tác phong thuở bé của Vương Trăn hơi khác người. Xưa nay Vương Trăn không bao giờ thích đề cập đến chuyện quá khứ của bản thân. Tỷ như chuyện sau khi bái Phó Vị làm thầy, lúc học viết, chàng từng tập viết một nghìn chữ đại tự trong cả một ngày, rồi mệt quá ngủ li bì. Tỉnh lại, chàng mới phát hiện mặt mình lem luốc mực, mất hết cả phong độ!

Vương Trăn hảo tâm nhắc nhở: “Tiểu sư đệ sắp về rồi.”

Phó Vị chững lại. Hồi lâu sau, ông nhìn Vương Trăn, giọng nghiêm nghị và đầy ắp âu lo: “Mấy ngày trước, Cảnh Tắc có tặng cho ta một bức tranh. Tranh vẽ cực kì có hồn, nhưng nó khiến vi sư lo lắng quá thể. Tử Phong… Rốt cuộc sư đệ con định làm gì?”

Vương Trăn sững người, dường như chàng đã đoán ra gì đó, bèn hỏi: “Tranh gì vậy thầy?”

Phó Vị trầm ngâm, nói: “Một bức tranh hoa điểu, vẽ cảnh trăm chim đua tiếng, biển hoa dập dờn. Giữa bầy chim có một con phượng hoàng lượn vòng trên không trung, giữa muôn hoa có một bông mẫu đơn ngạo nghễ trước vạn vật. Quả là một tuyệt tác, mà người vẽ lại chính là Họa si Lâm Cửu Đức xứ Thục. Đã hơn mười năm nay ta chưa gặp ông ta, tài vẽ của ông ta còn xuất chúng hơn xưa.”

Vương Trăn nhíu mày.

Phó Vị biết chàng đã hiểu ý mình: “Tranh trăm chim chầu phượng là một bức tranh bình thường, nhưng thực ra thời tiên đế đã từng có bức tranh như thế… Thuở ấy, người vẽ tranh chính là tiên thái tử.” Phó Vị thở dài: “Hồi đó ta là thầy dạy thư họa cho tiên thái tử, chỉ điểm cho ngài dăm câu, cũng có chút tình thầy trò.”

Những năm gần đây Phó Vị tập trung nghỉ ngơi dưỡng sức, không tranh không đoạt, giấu kín bản lĩnh.

Nhưng hơn mười năm về trước, ông đã từng là Hữu tướng đầy quyền uy của triều đình.

Người khác có thể không nhận ra khát khao mà Đường Thận nung nấu, nhưng Phó Vị hiểu rất rõ. Ông thở dài: “Cứ tưởng nó sẽ không làm gì cho Lương Bác Văn, hoặc là nhiều năm quá rồi, có làm gì cũng vô nghĩa. Ai ngờ nó vẫn khắc ghi trong tâm khảm. Sao nó có thể ngờ nghệch và dại dột thế cơ chứ!” Mắng vậy, song thái độ Phó Vị rõ ràng có ý ngợi khen. Ông vê chòm ria mép, “Tuy nhiên sư đệ con hành động thế là cực kì nguy hiểm! Con có biết rốt cuộc nó muốn làm gì không? Chẳng lẽ nó định lật lại bản án của lão già Chung Thái Sinh?”

“Con chẳng biết.”

Phó Vị ngẩn người, mãi sau ông mới giật mình: “Con không biết ư?!”

Vương Trăn nhìn ông, hỏi ngược: “Vì sao tiên sinh lại cho rằng con nhất định phải biết tiểu sư đệ muốn làm gì và đang làm gì?”

Phó Vị đứng lên đi qua đi lại một hồi. Ông ngoái đầu, vẫn không tin: “Làm sao mà con không biết cơ chứ?”

Vương Tử Phong, con mà lại không biết sao?

Lắm mưu nhiều kế như con, có thể chấp nhận chuyện tiểu sư đệ làm những điều vượt khỏi tầm mắt mình ư?

Vương Trăn nâng ly, dốc một hơi cạn sạch. Có lẽ đã quá chén nên chàng không kiềm chế cảm xúc của mình nữa, thả cương cho nhiệt huyết bừng lên cùng men say. Lúc này, trông chàng ngời ngời như vầng trăng sáng. Vương Trăn cười ngạo nghễ: “Con cần gì phải biết điều em ấy muốn làm?”

Phó Vị: “Hả?”

“Con chỉ cần biết, bất kể em ấy làm gì, con sẽ không rời mắt khỏi em ấy. Vì em ấy, mọi chướng ngại phía trước con sẽ san phẳng. Vì em ấy, mọi phiền nhiễu sau lưng con sẽ dẹp sạch. Như thế chẳng tốt sao?”

Phó Vị đứng sững như trời trồng. Ông ngồi phịch xuống ghế: “Tình cảm mi dành cho sư đệ mi, quả nhiên là thế!”

Vương Trăn cười khẽ.

Hôm nay, Phó Vị nói chuyện bức tranh với chàng, đâu phải chỉ để hỏi chàng xem Đường Thận muốn làm gì, mà còn để dò thử lòng dạ của chàng với Đường Thận nữa. Lí nào chàng lại không hay? Chẳng thà cứ thuận nước đẩy thuyền, vả lại…

Nói trắng ra rồi đấy, thì đã làm sao?

Mãi lâu sau, Vương Trăn mới thực lòng than: “Hôm nay con quá chén thật!”