Tà Dương

Chương 6: Khởi đầu cuộc chiến



Khởi đầu cuộc chiến.

Tôi không thể chìm sâu vào nỗi sầu não này mãi được. Tôi nhất định phải chiến đấu. Một luận lý mới, mà không, nói như vậy có vẻ đạo đức giả quá. Tình yêu. Duy nhất chỉ có thế thôi. Như Rosa đã dựa vào kinh tế học hiện đại để mà tiếp tục sống, tôi cũng không thể sống nếu không bấu víu vào một tình yêu. Giêsu đã công kích thói đạo đức giả của những kẻ quyền uy, có học, những nhà đạo đức và tôn giáo trên cõi đời này và rao giảng cho mọi người không chút do dự về tình yêu đích thực của Thiên Chúa. Những lời dạy của Ngài dành cho mười hai đệ tử để sai họ đi khắp nơi, trong trường hợp của tôi cũng không phải không có liên hệ.

Ðừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy. Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em.

Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ítraen, thì Con Người đã đến.

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.

Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.

Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được[1].

[1] Kinh Thánh Tân Ước, Tin mừng theo thánh Matthêu. Chúng tôi sử dụng bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Khởi đầu cuộc chiến.

Nếu như tôi thề sẽ sẵn sàng tuân theo lời dạy của Giêsu vì tình yêu, chắc Ngài sẽ chỉ trích tôi chăng? Tại sao tình yêu thể xác lại xấu xa còn tình yêu tinh thần thì cao đẹp, tôi thật không hiểu nổi[2]. Tôi không thể không nghĩ rằng chúng giống nhau. Tôi muốn tự hào nói rằng chính tôi là người dám hủy hoại cả thân xác và linh hồn trong hỏa ngục vì tình yêu và vì cả nỗi muộn phiền sinh ra từ đó.

[2] Nguyên văn: なぜ「恋」がわるくて、「愛」がいいのか、私にはわからない. Hai chữ "luyến" 恋 và "ái" 愛 đều có nghĩa tình yêu nhưng "luyến" mang tính vật chất, vị kỷ như người Nhật nói là chữ "luyến" có bộ tâm 心 ở dưới có mang nghĩa là hạ tâm, còn "ái" tình yêu tinh thần, vị tha, nên bộ tâm ở ngay chính giữa.

Nhờ sự sắp xếp của chú Wada mà mẹ được bí mật an táng ở Izu còn tang lễ chính thức thì được tổ chức ở Tokyo. Tôi và Naoji sống những ngày gượng gạo ở sơn trang Izu, có khi cả ngày chẳng ai mở miệng nói với ai câu nào. Naoji lấy hết nữ trang của mẹ đem đi, nói là tiền vốn để đầu tư vào nhà xuất bản, rồi sau khi ăn nhậu bê bết ở Tokyo thì lếch thếch quay về Izu, mặt xanh xao vàng vọt như một kẻ bệnh tật nặng và lăn ra ngủ li bì. Mấy ngày trước nó dẫn một cô gái trẻ trông có vẻ là vũ công về nhà. Quả nhiên là Naoji cũng tỏ ra bất tiện một chút nên tôi lên tiếng:

- Hôm nay chị đi Tokyo được chứ? Chị đến chỗ người bạn, đã lâu lắm rồi không gặp nên muốn đến thăm. Chị ở lại hai ba hôm sẽ về, em trông nhà dùm nhé! Chuyện cơm nước thì em nhờ cô ấy nấu giúp là được mà.

Tôi nhân dịp này, giống như con rắn tinh khôn, nhét vội một ít mỹ phẩm, bánh mì... vào túi xách, có thể lên đường đi Tokyo gặp mặt người ấy một cách hết sức tự nhiên. Trước đây có lần tôi kín đáo dò hỏi Naoji thì nó nói nếu đi tuyến ngoại thành Tokyo, xuống xe ở ga Ogikubo ra cửa Bắc và từ đó đi bộ chừng 20 phút sẽ đến chỗ nhà mới của ông Uehara.

Đó là một ngày gió thổi dữ dội. Khi tôi xuống tàu tại ga Ogikubo thì trời đã chập choạng tối. Tôi níu lấy người qua đường hỏi thăm địa chỉ. Họ chỉ cho tôi góc phố đằng kia, quanh quẩn gần một tiếng đồng hồ trên con đường ngoại thành tối tăm, tôi vô cùng lo sợ, ứa nước mắt. Đã thế còn vấp chân vào tảng đá làm quai guốc đứt ra khiến tôi đứng sững lại không biết phải làm sao. Chợt nhìn sang hai căn nhà bên phải, trong bóng tối lờ mờ thấy một căn có bảng tên loáng thoáng như là Uehara. Vẫn để nguyên một bàn chân mang vớ, tôi khập khiễng chạy đến bên hiên nhà đó nhìn thật kỹ. Đúng là trên bảng hiệu có viết chữ Uehara Jiro nhưng trong nhà thì lại tối đen.

Tôi đứng bất động một lúc, không biết phải làm gì. Một lúc sau sau tôi dựa người vào cánh cửa nơi hiên nhà như muốn quỵ người xuống, buông xuôi.

- Xin lỗi!

Tôi nói, dùng mười ngón tay tỳ vào cánh cửa.

- Ông Uehara - Tôi thì thầm.

Có tiếng trả lời. Nhưng đó là tiếng một người phụ nữ.

Cánh cửa từ trong mở ra, một người phụ nữ quê mùa, mặt gầy gò, lớn hơn tôi chừng ba bốn tuổi, mỉm cười từ trong hành lang tối:

- Xin hỏi ai vậy?

Trong cách hỏi thăm không có vẻ gì ác ý hay đề phòng gì cả.

- À, xin lỗi nhưng mà...

Tuy thế, tôi không kịp nói tên mình. Chỉ đối với người này thôi, tôi thấy tình yêu của mình có gì đó tội lỗi. Sợ hãi, gần như là khúm núm, tôi hỏi:

- Dạ, chẳng hay tiên sinh có ở nhà không?

- Không, nhưng...

Người phụ nữ nhìn tôi ái ngại.

- Nhưng mà chỗ ông ấy thường đi...

- Có xa không ạ?

- Không đâu.

Người đàn bà lấy tay che miệng có vẻ như buồn cười.

- Ở Ogikubo ấy. Nếu cô đến tiệm oden[3] tên là Shiraishi trước nhà ga hỏi thăm thì đại khái sẽ biết được ông ấy đang ở đâu.

[3] Oden: おでん một món hầm rau củ với nước dùng.

Tôi vui mừng:

- Vậy sao?

- À, mà đôi guốc của cô bị làm sao vậy?

Người phụ nữ mời tôi vào nhà, đi qua hành lang và mời tôi ngồi xuống phản, rồi lấy một sợi dây da có thể dùng thay cho quai guốc bị đứt. Trong khi tôi sửa guốc, người đàn bà thắp một cây đèn cầy mang ra phía hành lang.

- Thật không may là hai bóng đèn đã bị cháy hết cả. Đèn điện dạo này đắt mà mau hư quá. Nếu chồng tôi ở nhà thì đã nhờ ông ấy đi mua rồi. Nhưng tối qua rồi tối hôm kia nữa cũng không về nên ba hôm nay hai mẹ con tôi không xu dính túi phải đi ngủ sớm thôi.

Người đàn bà nói và cười rất thư thả. Nấp sau lưng bà là đứa con gái khoảng mười hai mười ba tuổi có đôi mắt to, thân hình gầy ốm, có vẻ không chút thân thiện với người lạ một chút nào.

Kẻ thù. Tuy tôi không nghĩ vậy nhưng chắc chắn một ngày nào đó hai người này sẽ cho tôi là kẻ thù và căm ghét tôi. Trong thoáng chốc, tình yêu của tôi chợt trở nên nguội lạnh. Thay xong quai guốc, tôi đứng dậy, xoa xoa hai tay phủi bụi và cảm thấy nỗi cô đơn ngập tràn cơ thể mãnh liệt gần như chịu không nổi. Tôi dao động dữ dội, muốn chạy lên phòng khách, nắm lấy hai bàn tay của người đàn bà mà khóc nhưng khi chợt nghĩ đến dáng vẻ trắng trợn vô duyên của mình sau này, tôi đã chùng lại.

- Cám ơn phu nhân rất nhiều!

Tôi tạ từ một cách lễ phép và bước ra ngoài. Từng cơn gió lạnh buốt quất vào người. Phải chiến đấu. Bắt đầu thôi. Tôi yêu thương, khao khát, thực sự yêu thương, thực sự khao khát. Vì nhớ nhung nên không còn cách nào khác. Vì yêu thương nên không còn cách nào khác. Vì khát khao nên không còn cách nào khác. Phu nhân là một người tử tế hiếm thấy, cô con gái cũng xinh đẹp nữa nhưng tôi đã đứng trước tòa xử án của thần linh và không thấy mình bị cắn rứt chút nào cả. Con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng nên chắc chắn thần linh sẽ không trách phạt tôi đâu. Tôi hoàn toàn không xấu xa. Vì thực sự yêu đương nên tôi cần mạnh mẽ, cho dù phải ngủ lang bạt hai đêm ba đêm cũng nhất định phải gặp người ấy một lần.

Tôi tìm thấy ngay tiệm Oden tên Shiraishi trước nhà ga. Nhưng người ấy lại không có mặt.

- Vậy chắc chắn là ở Asagaya rồi. Ngay cổng phía Bắc của nhà ga Asagaya ấy. Đi khoảng chừng hơn trăm mét thì phải. Có một tiệm kim khí, rẽ phải ngay đó đi chừng năm mươi mét cô sẽ thấy một tiệm ăn nhỏ tên "Cây liễu". Tiên sinh dạo gần đây đang mặn nồng với cô hầu bàn nên cứ ăn dầm nằm dề ở đó miết.

Tôi đi ra ga, mua vé lên chuyến tàu đi về hướng Tokyo, xuống ga Asagaya, ra cửa Bắc, đi chừng trăm rưỡi mét, rồi rẽ phải ngay tiệm kim khí, đi thêm năm chục mét thấy tiệm "Cây liễu" thưa vắng không người.

- Tiên sinh mới vừa rời khỏi đây, đi cùng với một nhóm người nữa, bảo sẽ đến chỗ cô Chidori ở Nishiogi say sưa đến sáng đấy.

Người hầu bàn trẻ hơn tôi, đĩnh đạc, cao quý và có vẻ thân thiện này chắc hẳn là người mà ông Uehara đang "mặn nồng" chăng?

- Quán Chidori? Là chỗ nào của khu Nishiogi ạ?

Tôi lo lắng, nước mắt chực ứa ra. Tôi nghĩ phải chăng mình điên mất rồi.

- Tôi cũng không rõ lắm. Nghe đâu là xuống ga Nishiogi, ra cửa Nam, rồi rẽ trái hay sao ấy. Nếu cô đến đồn cảnh sát hỏi thăm thì chắc sẽ biết ngay. Nhưng ông ấy cũng không ở một quán nào cố định. Không chừng trước khi cô đến được quán Chidori thì nhóm ông ta lại kéo nhau đi chỗ khác rồi cũng nên.

- Tôi sẽ đến quán Chidori xem thử. Xin tạm biệt!

Lại phải quay ngược về. Từ ga Asagaya, tôi lên tàu điện đi về hướng Tachikawa, qua Ogikubo, rồi xuống tàu ở Nishiogi, ra cửa Nam, lang thang trong gió lạnh tìm kiếm đồn cảnh sát, hỏi thăm đường đến quán Chidori. Rồi theo như chỉ dẫn, tôi đi như chạy trên những con đường tối tăm, cuối cùng cũng nhìn thấy cái lồng đèn xanh đề chữ Chidori. Không do dự, tôi đẩy cửa bước vào.

Có một cái nền đất và sát bên là một căn phòng rộng chừng sáu chiếu. Trong phòng khói thuốc mịt mù, khoảng mười người đang ngồi quanh một cái bàn lớn, uống rượu mạnh, quậy phá tưng bừng. Trong đó có ba cô gái trẻ hơn tôi cũng đang uống rượu và phì phèo thuốc lá.

Tôi đứng trên nền đất nhìn vào và thấy ngay. Và tôi nghĩ mình đang mơ. Khác quá. Sáu năm rồi. Quả thực ông ta đã trở thành một con người hoàn toàn khác.

Đây là cầu vồng, M.C và là lẽ sống của cuộc đời tôi sao? Sáu năm. Mái tóc rối bù ngày xưa vẫn vậy nhưng có phần xơ xác và thưa hơn trước, mặt xệ ra và vàng vọt hơn, mắt đỏ quạch, răng cửa bị rụng đi mấy cái, miệng cứ nhai trệu trạo không ngừng. Tôi có cảm giác như mình nhìn thấy một con khỉ già lưng còng đang ngồi trong góc phòng vậy.

Một cô gái nhìn thấy tôi và nháy mắt ra hiệu cho ông Uehara biết là tôi đến. Người ấy vẫn ngồi yên, chỉ rướn cái cổ dài nhìn về phía tôi, không chút cảm xúc, ông hất cằm ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Đám đông vẫn tiếp tục hò hét dường như không quan tâm gì đến tôi, mặc dù họ ngồi sát vào nhau dành chỗ trống ngay bên phải ông Uehara cho tôi ngồi.

Tôi yên lặng ngồi xuống. Ông Uehara rót đầy rượu vào ly của tôi, sau đó tự rót cho mình và cất giọng khàn khàn:

- Cạn ly.

Hai ly chạm nhẹ vào nhau tạo ra tiếng "keng" buồn bã.

"Này thì máy chém, này thì máy chém", ai đó la lên và lập tức có người hưởng ứng "máy chém đi, máy chém đi" rồi mọi người cụng ly thành một tiếng "keng" thật lớn và uống cạn. Hết người này đến người kia ca cái bài hát vô nghĩa không đầu không đuôi đó, cứ "này thì máy chém, máy chém đây" rồi cụng ly như thể đó là một nhịp điệu để lấy đà nốc rượu vào cổ họng.

- À, xin phép nhé!

Nghe thế tôi cứ tưởng có ai trong số họ lảo đảo ra về nhưng thì ra có vị khách mới khệnh khạng bước vào, và sau khi gật đầu chào ông Uehara lấy lệ thì chen vào đám đông ngồi.

- Này ông Uehara, chỗ kia, ông Uehara, đằng kia có một nơi tên là AAA. Mình phải đọc như thế nào đây? A, A, A hay là AA, A đấy nhỉ?

Người chồm lên hỏi chắc chắn là diễn viên kịch Fujita mà tôi nhớ đã nhìn thấy anh ta trên sân khấu.

- Đọc là AA, A. Phải nhấn giọng như là ahah, ah, rượu ở Chidori chẳng rẻ một chút nào vậy đấy.

- Chỉ toàn nói chuyện tiền bạc thôi - Một cô gái nói với ông Uehara.

- Hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng xu[4]. Vậy câu ấy có nghĩa là đắt hay rẻ?

[4] Câu trong Kinh Thánh. Nguyên đoạn như sau "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ"

Một vị thân sĩ trẻ hỏi.

- Vậy còn câu "Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng". Rồi còn "Ông cho người này năm yến[5], người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người" nữa chứ, toàn là những dụ ngôn khó hiểu. Ngay cả đức Chúa cũng tính toán khá chi li đấy nhỉ.

[5] Tức talents talăng), đơn vị tiền tệ hoặc đơn vị trọng lượng thời xưa ở một số nước.

Một vị khác nói.

- Đã thế, lão còn là một tửu đồ ấy chứ. Lạ kỳ là có rất nhiều ngụ ngôn về rượu trong Kinh Thánh. Mà mọi người có để ý là chỉ những người thích rượu mới bị chỉ trích thôi chứ không phải là những người uống rượu nhé. Vì thế mà chắc chắn Giêsu cũng là một tay bợm rượu có hạng đấy. Tớ cho là lão ấy có thể làm một lúc cả thăng rượu ấy chớ.

Một vị khác nêu ý kiến.

- Đủ rồi đủ rồi. Mấy người sợ hãi đạo đức mới phải viện dẫn đến Chúa Giêsu. Chie chan, uống đi em. Máy chém này, máy chém đây.

Ông Uehara nói vậy rồi cụng ly thật mạnh với cô gái trẻ đẹp nhất và uống một hơi cạn sạch. Rượu chảy lan từ khóe miệng ướt tới cằm, ông lấy lòng bàn tay chùi chùi một cách vội vàng thô tục, sau đó ông liên tục hắt xì hơi năm sáu cái rõ to.

Tôi lặng lẽ đứng dậy đi sang phòng bên, hỏi thăm bà chủ mặt mày trắng xanh như người có bệnh xem nhà vệ sinh ở đâu và khi quay trở lại thì thấy cô gái trẻ đẹp nhất tên là Chie đang đứng đó như thể chờ tôi.

- Cô chắc là đói bụng lắm.

Chie mỉm cười thân thiện hỏi thăm tôi.

- Vâng, nhưng tôi có mang theo bánh mì đây rồi.

- Mặc dù chẳng có gì nhưng mà... - Bà chủ như người bệnh đang ngồi uể oải nơi lò sưởi than cất tiếng.

- Hãy vào đây, ăn chút gì đi nhé! Nếu cô bầu bạn với mấy hũ rượu đó suốt cả đêm sẽ không ăn được gì đâu. Vào đây đi! Chie cũng vào luôn đi em!

- Này này, Kinu chan, hết rượu rồi đấy.

Một quí ông bên cạnh hét lên.

- Vâng, vâng có ngay.

Người phục vụ tên Kinu đó tuổi trên dưới ba mươi, mặc kimono có hoa văn nhã nhặn lên tiếng và bưng một cái khay đựng khoảng mười bình sake từ trong bếp bước ra.

- Này! - Bà chủ quán gọi lại.

- Cho đây hai bình nhé! - Bà vừa cười vừa nói.

- Kinu này, làm phiền em một chút, hãy ghé tiệm Suzuya ở sau quán mình gọi dùm hai tô mì udon, nhanh nhanh lên!

Tôi và Chie ngồi cạnh nhau bên lò than, giơ hai tay sưởi ấm.

- Ủ thêm chăn vào đi, trời lạnh đấy! Uống rượu nhé!

Bà chủ quán tự tay rót rượu vào chén uống trà của mình và rót vào hai chén khác. Thế là ba chúng tôi nhắm rượu trong yên lặng.

- Các cô uống khá quá nhỉ?

Không hiểu sao giọng nói của bà đầy chân tình.

Có tiếng mở cửa lạch cạch. Giọng một thanh niên cất lên:

- Tiên sinh, tôi đã mang bản thảo đi rồi. Ông giám đốc chi li quá, tôi cố gắng xoay xở giá hai mươi ngàn yên mà cuối cùng chỉ được mười ngàn.

- Trả bằng ngân phiếu à? - Ông Uehara hỏi giọng khàn đặc.

- Dạ, là tiền mặt ạ. Xin lỗi tiên sinh!

- Được rồi, để tôi viết cho anh cái giấy biên nhận.

Bài ca cạn ly "máy chém này, máy chém đây" nơi căn phòng vẫn tiếp tục vang lên không dứt.

- Naoji đâu rồi?

Bà chủ quán hỏi cô Chie, vẻ mặt rất nghiêm túc. Tôi giật nảy mình.

- Làm sao em biết được. Em đâu phải là người canh giữ anh ta.

Chie bối rối trả lời, mặt ửng đỏ.

- Không biết gần đây nó và ông Uehara có xảy ra chuyện gì không. Bình thường lúc nào hai người cũng đi chung mà. - Bà chủ quán từ tốn nói.

- Nghe nói anh ấy chuyển qua thích khiêu vũ. Có lẽ đã có người yêu là cô vũ công nào đó không chừng.

- Ừ, thằng Naoji mà, hết rượu đến đàn bà nên có lẽ sẽ có một kết cuộc thảm hại thôi.

- Đó là nhờ sự huấn luyện của tiên sinh đấy.

- Nhưng bản chất thằng đó là xấu xa. Ai đời cậu ấm mà lại...

Tôi mỉm cười đằng hắng. Nếu im lặng thì có lẽ sẽ thất lễ với hai người.

- Tôi là chị của Naoji đây ạ.

Bà chủ quán có vẻ rất bất ngờ, nhìn kỹ lại mặt tôi nhưng Chie thì bình thản.

========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Quân Hôn Khó Cầu: Gả Cho Đô Đốc Thực Vật
2. Vì Anh Yêu Em
3. Thoát Khỏi Trái Đất
4. Bác Sĩ Sở, Hãy Yêu Đi!
=====================================

- Mặt mũi giống y chang nhau mà. Lúc đứng ngay chỗ tối em nhìn thấy cứ tưởng là Naoji chứ?

- Đúng vậy à?

Bà chủ quán thay đổi giọng điệu:

- Sao cô lại đến nơi sa đọa này? Vậy là... cô và ông Uehara đó biết nhau từ trước hả?

- Dạ, có gặp nhau một lần hồi sáu năm trước...

Tôi cúi đầu, ngập ngừng nói, nước mắt như sắp sửa ứa ra.

Cô hầu gái bưng tô mì udon vào.

- Mọi người dùng đi, tranh thủ lúc còn nóng.

- Dạ vâng.

Tôi vục mặt vào tô udon nóng hổi, húp xì xụp và nhận thấy lúc này mình đang nếm trải sự cô đơn cực hạn của kiếp người.

Ông Uehara bước vào chỗ chúng tôi, miệng cứ ca ư ử "máy chém này, máy chém đây, này thì máy chém, máy chém là đây" rồi thả người ngồi phịch xuống bên cạnh tôi, đưa cho bà chủ quán một cái phong bì lớn.

- Chỉ có bấy nhiêu đây thì sau này đừng có khoác lác nữa nhé.

Bà chủ quán không thèm nhìn bên trong phong bì, nhét nó vào trong ngăn kéo, vừa cười vừa nói.

- Tôi sẽ mang đến nữa. Phần còn lại xin để qua năm sau.

- Có được không đó?

Mười ngàn yên. Số tiền đó có thể mua được bao nhiêu là bóng đèn điện. Còn tôi với số tiền như thế có thể sống được gần một năm.

Mấy người này chắc có gì sai lạc đây. Nhưng bọn họ có lẽ cũng như trường hợp tình yêu của tôi, không làm thế thì không tài nào sống nổi. Nếu như con người được sinh ra trong thế gian này dù thế nào đi nữa vẫn phải sống thì cái kiểu cách sống của mấy người này cũng không đáng ghét đâu. Sinh tồn à? Công cuộc sinh tồn, phải chăng đó là một đại nghiệp, cho dù ta sức cùng lực kiệt vẫn không thể nào hoàn thành?

- Dù sao đi nữa...

Tiếng một vị thân sĩ ở phòng bên.

- Từ giờ trở đi, nếu những người sống ở Tokyo mà không thể bình thản chào nhau một tiếng dù là khinh bạc nhất thì là vô phương rồi đấy. Như bọn chúng ta đây xem việc truy cầu những mỹ đức như thành thực và đôn hậu chỉ là thứ ngáng chân vướng cổ mà thôi. Đôn hậu à? Thành thực à? Vứt, vứt hết. Chúng ta có thể sống bằng mấy thứ đó được không? Bây giờ nếu còn không thể chào nhau một tiếng nhẹ nhàng nữa thì chỉ còn có ba con đường. Một là về quê làm ruộng, hai là tự sát, ba là bám váy đàn bà thôi.

- Đối với những thằng nhà quê tội nghiệp không biết đi theo con đường nào thì ít ra cũng còn một phương pháp duy nhất.

Một vị thân sĩ khác lên tiếng.

- Đó là bám lấy Uehara Jiro mà đi uống chực cho thống khoái.

- Hay, hay. Máy chém này, máy chém đây, này là máy chém, máy chém là đây, máy chém đây này, máy chém đây.

- Không có chỗ nghỉ qua đêm phải không?

Ông Uehara nói thì thầm như độc thoại.

- Tôi à?

Tôi thấy mình như con rắn đã ngóc đầu dậy. Ý thức thù địch. Một cảm xúc gần như vậy làm người tôi đông cứng lại.

- Vậy cô ngủ chung phòng với bọn tôi luôn. Trời lạnh đấy.

Ông Uehara lẩm bẩm, không chú ý đến sự tức giận của tôi.

- Không thể nào. – bà chủ quán xen vào – Tội nghiệp lắm!

- Mẹ kiếp! - Ông Uehara tặc lưỡi.

- Đáng ra cô không nên đến những chỗ như thế này.

Tôi im lặng. Chắc chắn người này đã đọc hết những bức thư tôi gửi. Và cảm nhận qua ngôn từ cho tôi biết, ông ta cũng yêu tôi hơn ai hết.

- Chẳng còn cách nào khác. Đến chỗ ông Fukui thử xem vậy. Chie này, dẫn cô ta đi được không? Mà thôi, toàn đàn bà con gái đi đường nguy hiểm lắm. Phiền phức ghê! Bà chủ này, làm ơn mang đôi guốc của cô ta vòng qua ngả bếp được không? Tôi sẽ đưa cô ta đi vậy.

Bên ngoài, trời đã về khuya. Gió đã dịu bớt mấy phần. Bầu trời ngàn sao lấp lánh. Chúng tôi sánh bước bên nhau.

- Tôi có thể ngủ ở đó mà.

- Ừ - Bằng giọng buồn ngủ, ông Uehara làu bàu.

- Chắc ông muốn chỉ hai chúng ta bên nhau thôi phải không? Đúng vậy không? - Tôi vừa cười vừa nói.

- Thì vậy mới phiền phức. - Ông méo miệng cười cay đắng. Tôi cảm thấy mình đang được yêu chiều.

- Ông uống nhiều rượu quá nhỉ. Mỗi đêm đều như vậy à?

- Đúng vậy. Mỗi ngày. Uống từ sáng sớm.

- Thế có ngon không? Rượu ấy?

- Dở tệ.

Không hiểu sao tôi thấy rùng mình trước lời nói đó của ông Uehara.

- Công việc của ông ra sao?

- Chẳng được gì. Tất cả những gì tôi viết đều có vẻ nhảm nhí, chỉ có một nỗi buồn vô phương cứu vãn. Buổi hoàng hôn của sinh mệnh. Hoàng hôn của nghệ thuật. Hoàng hôn của nhân loại. Ngay cả điều đó nữa, cũng tầm thường thôi.

- Là Utrillo[6] à?

[6] Maurice Utrillo (1883-1955), họa sĩ Pháp, chuyên vẽ tranh phong cảnh, nghiện rượu và rối loạn tâm thần.

Tôi bật ra gần như là vô thức.

- À, đúng là Utrillo. Nghe nói vẫn còn sống. Đắm chìm trong rượu. Trở thành một thi hài rồi. Những bức tranh của hắn trong vòng mười năm trở lại đây đều thô tục dị thường, tất cả đều vô giá trị.

- Đâu phải chỉ riêng Utrillo đúng không? Tất cả các bậc thầy đều thế cả...

- Đúng vậy. Suy nhược. Tuy nhiên, một cái chồi mới cứ suy nhược mãi là chồi thôi. Sương mù. Frost[7]. Dường như thế gian bị bao phủ trong làn sương mù bất tận.

[7] Tiếng Anh trong nguyên bản. Furosuto: フロスト sương mù.

Ông Uehara khoác nhẹ vai tôi. Thân thể tôi như được ôm trong tay áo ông Uehara nhưng tôi không cự tuyệt mà trái lại còn nép sát vào, rồi hai người cùng chầm chậm đi trên con đường vắng.

Hàng cây hai bên đường. Những cành cây trơ trụi không còn một chiếc lá, mảnh mai và sắc nhọn đâm thẳng lên bầu trời đêm.

- Những cành cây trông đẹp quá!

Bất giác tôi nói như độc thoại.

- Ý em là sự kết hợp giữa cành cây đen trũi và những bông hoa đúng không?

Giọng đáp có vẻ bối rối.

- Không, em thích những cành cây như thế này. Không hoa, không lá, không chồi gì cả. Tuy vậy mà chúng vẫn đang sống. Khác hẳn với những cành cây khô.

- Chỉ có tự nhiên là không suy nhược thôi nhỉ?

Nói vậy rồi người ấy hắt xì hơi mấy cái liên tục.

- Ông bị cảm hay sao?

- Không đâu, không đâu. Thực ra tôi có một thói tật rất kỳ khôi, khi say sượu đến điểm bão hòa thì sẽ lập tức hắt xì hơi liên tục không ngừng, như đến ngưỡng của cái máy đo nồng độ rượu vậy.

- Còn tình yêu thì sao?

- Cái gì cơ?

- Thế ông có ai không? Người mà làm ông đạt đến mức bão hòa ấy.

- Thôi, đừng đùa nữa. Đàn bà, tất cả đều như nhau. Phức tạp vô cùng. Máy chém này, máy chém đây. Thực ra thì cũng có một người, không, có nửa người thôi.

- Ông có đọc những bức thư em gửi không?

- Có xem.

- Vậy câu trả lời là?

- Tôi không ưa quý tộc chút nào. Dù sao đi nữa, họ vẫn luôn phảng phất cái mùi ngạo mạn không thể nào chịu nổi. Ngay cả Naoji. Nó là một chàng trai thượng đẳng đấy nhưng đôi khi cái vẻ màu mè của nó làm tôi ngứa mắt. Tôi là con của một người nông dân và mỗi lần đi ngang qua con sông nhỏ như thế này, tôi lại vô cùng nhớ đến con sông quê nơi hồi bé tôi thường vớt cá lòng tong hay câu cá giếc.

Chúng tôi bước đi trên con đường nhỏ bên triền sông. Dòng sông chảy trong đáy bóng tối.

- Quý tộc bọn cô không thể nào hiểu nổi cảm xúc của chúng tôi mà lại còn khinh miệt nó nữa.

- Còn Turgenev thì sao?

- Gã ấy cũng là quý tộc. Vì vậy tôi cũng không ưa.

- Nhưng còn "Bút ký người đi săn"[8]?

[8] "Bút ký người đi săn": tác phẩm của nhà văn Nga Turgenev 1818-1883), được sáng tác từ 1847 đến 1852 trong những cuộc đi săn của nhà văn ở điền trang Spasskoye. Tập sách nói về thiên nhiên nước Nga và cuộc sống, phẩm chất của những người nông nô bằng phong cách viết theo chủ nghĩa hiện thực của Turgenev và phản ánh tư tưởng chống chế độ nông nô của ông.

- À, chỉ riêng tác phẩm đó là tương đối khá. Quyển đó nói về những xúc cảm của đời sống thôn quê...

- Vậy chúng ta thỏa thuận gã ấy là một quý tộc nhà quê nhé!

- Em giờ cũng là một cô gái nhà quê đấy. Em trồng rau. làm vườn, là cô gái quê nghèo hèn rồi.

- Em vẫn còn yêu tôi chứ?

Giọng điệu thật thô tục.

- Vẫn còn muốn một đứa con của tôi chứ?

Tôi không trả lời.

Gương mặt người đó sát lại gần với sức mạnh như núi lở đá lăn, rồi tôi bị hôn tơi tả. Nụ hôn mang mùi dục tính. Tôi vừa nhận chịu vừa chảy nước mắt. Những dòng lệ cay đắng hổ thẹn nhục nhã đầm đìa trên mặt tôi.

Rồi hai chúng tôi lại bước đi.

- Tiêu đời. Tôi đã yêu em mất rồi[9].

[9] Nguyên văn:しくじった。惚れちゃった。 Từ しくじる trong tiếng Nhật có hai nghĩa: thất bại và bị sa thải.

Người đó cười và nói.

Tuy nhiên tôi lại không thể nào mà cười được. Tôi cau mày mím môi. Đâu thể nào khác.

Tôi nhận thấy mình đang lê guốc đi trong nỗi tuyệt vọng mỏi mòn.

- Tiêu đời rồi.

Người đó lại nói.

- Mình đi đến chỗ cần đến nhé?

- Đừng vờ vĩnh nữa.

- Cô bé quê mùa này.

Ông Uehara lấy tay vỗ vỗ vai tôi và lại hắt xì hơi.

Khi đến nhà của người tên là Fukui thì hình như mọi người đều đã đi ngủ rồi.

- Điện báo, điện báo. Fukui à, có điện báo đây.

Ông Uehara vừa la vừa gõ cửa hành lang.

- Phải là Uehara không?

Giọng một người đàn ông từ trong nhà cất lên.

- Đúng vậy. Hoàng tử và công chúa đến xin ngủ nhờ một đêm đây. Trời lạnh quá mà tôi lại hắt xì hơi không ngừng, và con đường tình ái cất công đi đã biến thành một vở hài kịch.

Cửa hành lang mở ra. Một ông già người nhỏ thó, đầu hói trụi, tuổi chừng trên năm mươi mặc một bộ quần áo ngủ sặc sỡ, miệng cười nhăn nhở ra đón chúng tôi.

- Cảm phiền nhé!

Ông Uehara chỉ nói đúng một câu, không thèm cởi áo khoác, bước xăm xăm vào trong nhà.

- Cái xưởng vẽ này lạnh quá đấy. Cho tôi mượn tầng hai nhé. Lên thôi em!

Ông nắm lấy tay tôi, dẫn qua hiên nhà rồi bước lên cầu thang. Khi bước vào căn phòng tối, ông đưa tay bật công tắc nơi góc phòng.

- Căn phòng giống như nhà hàng quá nhỉ.

- Ừ, sở thích của kẻ trọc phú mà. Nhưng quả là uổng phí với tay họa sĩ dở tệ như Fukui. Khi vận may kéo đến tai họa được miễn trừ. Những người như vậy ta phải lợi dụng mới được. Mà, đi ngủ, đi ngủ thôi.

Cứ tự nhiên như ở nhà mình, ông lấy chăn mền trong tủ trải ra chiếu.

- Em ngủ ở đây. Tôi về. Sáng mai sẽ đến đón. Nhà vệ sinh thì nằm bên phải ngay dưới cầu thang ấy.

Ông bước vội vàng xuống cầu thang cạch cạch cạch như thể đang lăn xuống vậy. Rồi thì hoàn toàn im lặng.

Tôi tắt đèn, cởi áo khoác được may bằng vải nhung mà cha tôi mua tặng khi đi nước ngoài về, rồi chỉ cởi dây đai lưng, tôi để nguyên bộ kimono mà chui vào trong chăn. Chắc tại mệt hay là vì uống rượu mà cơ thể tôi rã rời, chìm ngay vào giấc ngủ lơ mơ.

Không biết từ lúc nào nữa, người ấy đến nằm kế bên tôi... Và tôi đã kháng cự gần một tiếng đồng hồ trong im lặng.

Rồi tự nhiên tôi cảm thấy tội nghiệp quá nên buông xuôi...

- Nếu không làm chuyện này thì không yên tâm được phải không?

- Đúng thế đấy.

- Sao lại tàn phá cơ thể mình như vậy. Đang ho ra máu đúng không?

- Làm sao em biết? Thực ra thì dạo gần đây, tôi ho dữ lắm nhưng không muốn cho ai biết cả.

- Vì ông có mùi y chang như mẹ em lúc sắp lìa đời.

- Tôi uống rượu như chết vậy. Cuộc sống này buồn quá. Không phải dư thừa nỗi cô đơn, hay nghèo hèn đâu mà là nỗi buồn đấy. Khi cứ phải nghe những tiếng thở dài u uất vọng từ bốn bức tường thì chắc chắn làm gì có hạnh phúc cho mình đúng không? Khi hiểu được hạnh phúc và vinh quang của mình chắc chắn không thể có được lúc còn sống thì người ta sẽ cảm thấy như thế nào đây? Nỗ lực ư? Cái thứ đó chỉ là miếng mồi cho những con dã thú đói khát thôi. Có quá nhiều những con người bi thảm. Lại vờ vĩnh nữa chăng?

- Không đâu.

- Chỉ còn tình yêu thôi. Đúng như em đã viết trong thư ấy.

- Đúng vậy.

Tình yêu đó của tôi đã chết rồi.

Đêm đã tan.

Căn phòng lờ mờ sáng. Tôi nhìn vào khuôn mặt người đàn ông đang ngủ cạnh tôi. Gương mặt của một con người sắp chết. Gương mặt thật mệt mỏi.

Gương mặt của nạn nhân. Một nạn nhân cao quý.

Người ấy của tôi. Cầu vồng của tôi. Con tôi. Con người đáng ghét. Con người tà ma.

Khi nghĩ dường như đây là gương mặt đẹp nhất đời, chợt tình yêu sống dậy tươi mới làm tim tôi thổn thức. Vừa đưa tay vuốt tóc, tôi vừa hôn lên gương mặt ông ta.

Sự tựu thành của một tình yêu buồn, quá buồn.

Ông Uehara vẫn còn nhắm mắt, đưa tay ôm lấy tôi.

- Nhầm lẫn rồi. Bởi tôi là con của nông dân mà.

Tôi sẽ không rời xa con người này nữa.

- Bây giờ em thấy hạnh phúc. Cho dù có nghe tiếng kêu than vọng từ bốn bức tường thì cảm giác hạnh phúc của em cũng đạt đến điểm bão hòa rồi. Hạnh phúc đến độ sắp hắt xì hơi đây này.

Ông Uehara bật cười.

- Nhưng quá trễ rồi. Đã hoàng hôn.

- Không, trời đã sáng.

Buổi sáng ngày hôm đó, em trai tôi, Naoji, tự sát.