Tà Dương

Chương 5: Phu nhân



Mùa hè năm nay, tôi đã viết ba bức thư gửi người đàn ông đó nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Dù suy nghĩ gì đi nữa tôi cũng không thể tìm ra cách sống nào khác nên đã đặt trọn con tim mình vào trong ba bức thư kia. Gửi đi, chờ mãi mà không thấy trả lời, tâm trạng tôi như người đứng trên mỏm đá cao nhảy xuống bờ vực sóng dữ. Khi tôi bóng gió hỏi Naoji tình hình của ông ta thì nó nói chẳng có gì lạ, mỗi tối đều đi uống rượu, viết ra toàn những tác phẩm vô đạo đức, bị thế gian xa lánh và ghét bỏ, rồi đang rủ rê Naoji mở một nhà xuất bản. Bước đầu tiên đã được hai ba tiểu thuyết gia nhận lời rồi, bây giờ chỉ cần tìm người cấp vốn thôi. Khi nghe Naoji nói thế, tôi thấy rằng hình như mùi hương của tôi chẳng thấm nhiễm một chút nào vào bầu không khí xung quanh người tôi yêu thương. Còn hơn cả nỗi hổ thẹn khi tôi nhận ra mình như một sinh vật riêng biệt, khác hoàn toàn với cái thế gian này. Đó là một cảm giác vô cùng thê lương mà tôi chưa từng nếm trải, như thể đứng trên một cánh đồng mùa thu cô quạnh, thấy mình bị bỏ rơi, cho dù có gào khóc cũng chẳng ai đáp lời. Điều này gọi là sự thất tình chăng? Nghĩ đến cảnh đứng một mình trơ trọi trên cánh đồng hoang, mặt trời lặn xuống, sương mù dâng lên, chẳng còn lại gì ngoài cái chết, tôi thấy ngực và vai mình như bị ngàn cơn sóng đánh, gào khóc không nước mắt, tức ngực không thể nào thở nổi.

Ngay khi tôi quyết tâm bí mật lên kinh thành để gặp bằng được ông Uehara, vì cánh buồm đã giương lên và tàu đã ra ngoài bến cảng, không thể đứng đó mãi được, cần phải đi đến nơi muốn đến, thì sức khỏe của mẹ tôi đột nhiên có vấn đề.

Một đêm kia, mẹ ho dữ dội, tôi lấy nhiệt kế ra đo thì thấy ba mươi chín độ.

- Tại hôm nay trời lạnh mà. Đến mai sẽ khỏi thôi.

Mẹ vừa ho khục khặc vừa nói thều thào nhưng tôi thấy đây không phải là cơn ho bình thường nên quyết định mai sẽ đi mời bác sĩ ở làng dưới đến khám.

Sáng hôm sau, thân nhiệt của mẹ đã hạ xuống và đã bớt ho nhưng tôi cũng đến chỗ ông bác sĩ làng và nói là mẹ cháu dạo này yếu lắm, tối qua lại sốt và ho cả đêm, cháu có cảm giác cơn ho khác với bình thường nên mời bác sĩ đến khám cho.

Bác sĩ nói "lát nữa bác sẽ đến" rồi lấy từ trong chiếc tủ đặt nơi góc phòng khám ra ba quả lê và nói "đây là quà cho cháu". Đến khoảng quá trưa, ông mặc quần áo chỉnh tề đến khám. Như thường lệ, ông đặt ống nghe, bắt mạch rất cẩn thận rồi hướng về tôi nghiêm túc nói:

- Xin đừng lo lắng. Uống thuốc vào sẽ khỏi ngay thôi.

Tôi lấy làm lạ, cố nén cười và hỏi thăm:

- Vậy không cần phải tiêm sao ạ?

- Không cần phải như vậy. Vì chỉ là cảm mạo nên cần tĩnh dưỡng, chẳng bao lâu sẽ khỏi ngay thôi.

Ông lại nghiêm túc nói.

Nhưng cơn sốt của mẹ suốt một tuần không hề thuyên giảm. Tuy ho thì có đỡ hơn nhưng sốt thì buổi sáng chừng 37.7 độ, tối lại lên 39 độ. Còn bác sĩ thì từ ngày hôm sau bị đau bụng nên nghỉ khám. Khi tôi đến nhận thuốc và nói với y tá về tình trạng khác thường của mẹ thì nhận được câu trả lời là theo bác sĩ chỉ là cảm mạo thông thường thôi, nên lại cho tôi thuốc nước và thuốc bột.

Naoji thì vẫn lêu lổng ở Tokyo, mười ngày rồi chưa về nhà. Tôi lo lắng quá nên đã viết thư cho chú Wada thông báo về tình trạng sức khỏe của mẹ.

Sau chừng mười ngày mẹ sốt cao như vậy, vị bác sĩ cuối cùng cũng đã khỏi đau bụng và đến thăm bệnh mẹ tôi.

Vị bác sĩ sau khi khám kỹ lưỡng chợt kêu lên:

- Hiểu rồi, hiểu rồi.

Và quay người sang tôi nói nghiêm túc:

- Tôi đã hiểu nguyên nhân gây sốt rồi. Phu nhân đây bị tràn dịch phổi trái. Nhưng cũng không đáng lo đâu. Tuy sốt kéo dài nhưng nếu yên tâm tĩnh dưỡng thì cũng không đáng ngại.

Mặc dù thấy nghi ngờ là "chỉ vậy thôi sao" nhưng như kẻ chết đuối vớ được cọng rơm, nghe lời bác sĩ nói vậy, tôi cũng nhẹ nhõm được phần nào.

Sau khi bác sĩ ra về, tôi nói với mẹ:

- Vậy là mẹ yên tâm rồi nhé. Mẹ chỉ bị tràn dịch phổi chút ít thôi, hầu hết ai cũng bị mà. Chỉ cần tinh thần phấn khởi là sẽ khỏi ngay đấy. Mùa hè năm nay thời tiết không mưa thuận gió hòa. Con ghét mùa hè, cũng không thích những bông hoa mùa hè nữa.

Mẹ vừa nhắm mắt vừa cười:

- Người ta nói những ai thích hoa mùa hè sẽ chết vào mùa hè nên mẹ cũng nghĩ là mình chết vào hè năm nay nhưng vì có Naoji trở về nên mẹ sẽ sống đến mùa thu đấy.

Khi nghĩ rằng ngay cả cái thằng như Naoji mà cũng trở thành trụ cột cho sinh mệnh của mẹ, tôi cảm thấy cay đắng vô cùng.

- Nếu vậy thì mùa hè đã qua nên mẹ đã vượt đỉnh nguy hiểm rồi đấy. Mẹ à, cỏ thu hagi ngoài vườn đã nở. Rồi thì hoa nữ lang, hoa địa du, hoa chuông, cỏ đuôi mèo, hoa lau nữa. Khu vườn đã khoác áo mùa thu rồi. Đến tháng mười chắc chắn mẹ sẽ hạ sốt đấy.

Tôi cầu mong như thế. Hay là đến đầu tháng chín oi bức, khi những cơn nắng cuối cùng của mùa hạ trôi qua cũng được. Và rồi khi hoa cúc nở, những ngày nắng đẹp ấm áp kéo dài đến cuối thu, chắc chắn mẹ sẽ hạ sốt, khỏe lên lại và tôi có thể gặp mặt người ấy. Biết đâu kế hoạch của tôi sẽ nở bừng tuyệt diệu như một bông cúc đại đóa thì sao. Ah, giá như đã sang đầu tháng mười và mẹ đã hạ sốt thì hay biết bao!

Sau khi gửi thư cho chú Wada, thì khoảng chừng một tuần sau, theo như sắp xếp của chú, một vị bác sĩ già tên Miyake, trước đây vốn là y sĩ cung đình, dẫn theo y tá xuống chẩn bệnh cho mẹ.

Vị bác sĩ già này trước đây cũng có quen biết với người cha quá cố của tôi nên mẹ tỏ ra rất vui mừng. Tiên sinh Miyake từ ngày xưa đã quen thói hành xử không đàng hoàng, nói năng thô tục, nhưng rất quý mẹ tôi, và suốt ngày hôm đó hai người nói chuyện rất vui vẻ chẳng thấy khám bệnh gì cả. Tôi xuống bếp, làm mấy cái bánh pút-đing mang lên mời thì thấy việc khám bệnh hình như đã xong xuôi. Vị bác sĩ già đeo cái ống nghe hờ hững trên vai như đồ trang sức, đang ngồi ở chiếc ghế mây ngoài hiên phòng khách.

- Tôi ấy à, sẽ vào một quán bình dân đứng ăn một tô mì udon, chẳng cần biết ngon hay dở.

Ông vui vẻ tiếp tục nói chuyện trên trời dưới đất. Còn mẹ, vừa nhìn lên trần nhà vừa lắng nghe, chẳng thấy biểu hiện gì. Vậy chắc là không sao rồi, tôi thở phào nhẹ nhõm.

- Không sao chứ ạ? Bác sĩ làng nói là bị tràn dịch phổi trái đấy bác.

Tôi vui vẻ hẳn ra, hỏi thăm ông Miyake. Vị bác sĩ già nhẹ nhàng nói như không có gì xảy ra:

- Cái gì chứ. Không sao cả đâu.

- Vậy thì mẹ cháu ổn rồi.

Rồi vui mừng hớn hở, tôi gọi lớn tiếng: "Bác sĩ nói là không sao mẹ ơi!"

Lúc đó, chợt vị bác sĩ Miyake đứng bật dậy và đi vào căn phòng bài trí kiểu Trung Hoa.

Tôi thấy hình như có sự tình gì đó nên lặng lẽ đi theo sau.

Vị bác sĩ già đi đến bức bình phong của căn phòng thì dừng lại.

- Bác nghe có tiếng lào xào.

- Không phải là tràn dịch phổi ạ?

- Không phải đâu.

- Vậy là viêm khí quản?

Tôi sắp sửa nước mắt vòng quanh.

- Cũng không phải.

Ho lao ư? Tôi không hề muốn nghĩ đến nó. Nếu như viêm phổi, tràn dịch, hay viêm khí quản thì sức lực của tôi có thể làm cho mẹ khỏi bệnh được. Nhưng nếu là ho lao thì có lẽ là vô phương rồi. Tôi cảm thấy chân mình như muốn khuỵu xuống.

- Bác nghe tiếng lào xào ạ. Thế có tệ lắm không?

Tôi khóc nức nở vì lo lắng.

- Cả hai bên lá phổi luôn cháu à.

- Nhưng mẹ cháu vẫn khỏe mà. Luôn miệng nói là cơm ngon cơm ngon mà...

- Hết cách rồi.

- Bác nói dối. Không phải vậy đúng không? Nếu ăn nhiều trứng, bơ sữa thì sẽ khỏi phải không? Chỉ cần cơ thể có sức đề kháng thì sẽ hạ sốt phải không ạ?

- Ừm, cứ cho ăn thật nhiều vào đã, thứ gì cũng được.

- Đúng vậy bác nhỉ. Mỗi ngày mẹ cháu ăn năm củ khoai tây đấy.

- Ừ khoai tây cũng tốt thôi.

- Vậy không sao chứ? Mẹ sẽ khỏi đúng không?

- Tuy thế căn bệnh này sẽ lấy đi mạng sống của mẹ cháu. Cháu cứ chuẩn bị tinh thần đi là vừa.

Lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến cảm giác hiện hữu của rất nhiều bức tường tuyệt vọng, nơi mà sức người dù gắng đến đâu cũng không thể làm gì được.

- Vậy còn được hai năm? Hay ba năm?

Tôi vừa run vừa hỏi.

- Bác không biết. Dù sao chúng ta cũng chẳng làm được gì.

Rồi vì hôm đó đã có hẹn với lữ quán suối nước nóng Nagaoka ở Izu nên bác sĩ Miyake cùng với cô ý tá rời đi. Tôi ra đến tận cổng đưa tiễn, rồi chấn chỉnh tinh thần, vào ngồi bên gối mẹ nơi phòng khách và cười như không có gì xảy ra.

- Thế bác sĩ nói sao hả con?

Mẹ hỏi thăm.

- Dạ nói rằng chỉ cần cơn sốt hạ là khỏe lại thôi.

- Thế còn ngực mẹ thì sao?

- Hình như chẳng có gì nghiêm trọng. Cũng giống cơn bệnh lần trước của mẹ ấy mà, con chắc thế. Khi khí trời mát mẻ, mẹ sẽ dần khỏe lại thôi.

Tôi cố gắng tin vào lời nói dối của mình. Và cố gắng quên đi những từ đáng sợ như "tuyệt mệnh". Tôi nghĩ nếu như mẹ mất đi thì toàn bộ cơ thể tôi cũng sẽ tiêu biến mất và tôi không thể nào hình dung ra sự thật ấy. Từ giờ trở đi, tôi sẽ gắng quên đi tất cả và lo cho mẹ ăn thật nhiều món như cá, súp, thịt hộp, gan, nước thịt hầm, khoai tây, trứng, sữa rồi thì cơm trắng, bánh nếp, canh đậu hũ. Tôi sẽ bán tất cả quần áo tư trang của mình để mua bất cứ thứ gì có vẻ ngon lành về nấu cho mẹ.

Tôi đứng dậy, bước vào căn phòng Trung Hoa, mang một chiếc ghế trong phòng ra đặt nơi hiên phòng khách để có thể nhìn thấy gương mặt của mẹ tôi. Gương mặt đang yên ngủ của mẹ chẳng có vẻ gì là bệnh nhân. Hai mắt mẹ vẫn ngời sáng đẹp đẽ, sắc mặt hồng nhuận vô cùng. Mỗi sáng mẹ đều dậy đúng giờ, đi rửa mặt rồi quay lại phòng và dùng bữa ngay trên giường. Sau đó thì mẹ lúc ngủ lúc thức và suốt buổi chiều thì đọc sách báo, chỉ về đêm mới lên cơn sốt mà thôi.

- Ah, mẹ còn khỏe mà. Chắc chắn sẽ không sao đâu.

Và trong tâm trí tôi, lời chẩn đoán của ông Miyake đã biến đi mất.

Trong khi đang nghĩ đến tháng mười hoa cúc sẽ nở rồi thì... tôi bắt đầu gà gật và ngủ mơ. Tuy thực tế tôi chưa bao giờ nhìn thấy quang cảnh đó nhưng trong mơ lại thường hay gặp. Tôi nghĩ thầm "ah, mình lại đến đây rồi" và thấy mình đang đứng bên bờ hồ trong khu rừng quen thuộc. Tôi đi dạo cùng một thanh niên mặc quần áo truyền thống Nhật Bản, không nghe thấy tiếng bước chân. Toàn thể phong cảnh như bị bao phủ trong một màn sương màu xanh lá cây. Và dưới đáy hồ, một chiếc cầu nhỏ màu trắng đang chìm sâu.

- Ah, cầu chìm mất rồi. Hôm nay không thể đi đâu được cả. Ta hãy vào trong khách sạn này nghỉ ngơi đi. Chắc là còn phòng trống đấy.

Bên bờ hồ có một khách sạn bằng đá. Vách tường đẫm ướt sương mù xanh. Trên cổng đá có khắc một dòng chữ vàng và mảnh "Khách sạn Switzerland". Trong khi đọc dòng chữ SWI, bất giác tôi nghĩ đến mẹ. Tôi tự hỏi giờ mẹ ra sao và nghĩ không biết mẹ có ở trong khách sạn này chăng? Tôi cùng người thanh niên đi qua cổng đá và bước vào khu vườn phía trước. Trong khu vườn sương mù, những bông hoa lớn như hoa cẩm tú cầu nở như bùng cháy. Hồi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy những hoa văn trang trí trên mền là những bông hoa cẩm tú cầu đỏ rực đang rơi, sao tôi buồn đến lạ. Và bây giờ, tôi biết là những bông hoa cẩm tú cầu màu đỏ là có thật.

- Em lạnh không?

- Dạ, một chút. Sương thấm vào trong tai lạnh quá!

Và vừa cười tôi vừa hỏi anh ta:

- Không biết mẹ sao rồi nhỉ?

Người thanh niên bỗng cười buồn, tỏ vẻ cảm thông vô hạn rồi trả lời:

- Mẹ em giờ đang nằm dưới mộ.

- Ah.

Tôi rên khe khẽ. Thật vậy sao? Mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa sao? Đám tang của mẹ cũng đã xong xuôi rồi à? Khi ý thức là mẹ đã mất, toàn thân tôi chìm đắm trong nỗi buồn thương không sao nói thành lời. Và tôi mở mắt ra.

Bóng hoàng hôn đã phủ ngoài hành lang. Trời đang mưa. Nỗi cô đơn màu xanh lá vẫn còn phảng phất quanh đây như còn trong giấc mơ.

- Mẹ à? - Tôi gọi nhỏ.

- Con đang làm gì thế? - Mẹ đáp lời như vậy.

Tôi bật lên vì vui sướng, đi vào phòng khách.

- Con mới ngủ dậy đấy.

- Vậy à? Mẹ cũng nghĩ là con đang làm gì đó. Một giấc ngủ trưa dài đấy nhé.

Mẹ cười có vẻ rất thú vị.

Được sống và hít thở trong bầu không khí ưu nhã của người mẹ như thế này khiến tôi quá đỗi vui mừng và cảm thấy biết ơn.

- Thế thực đơn bữa tối, mẹ có ý kiến gì không ạ?

Tôi cao hứng hỏi mẹ.

- Được rồi. Mẹ chẳng cần ăn gì đâu. Hôm nay mẹ sốt lên 39.5 rồi đấy.

Đột nhiên tôi cảm thấy tuyệt vọng, trống trải. Và ngơ ngác nhìn xung quanh căn phòng âm u. Tôi muốn chết.

- Sao thế nhỉ? Đến 39.5 cơ đấy!

- Chẳng có gì đâu. Chỉ là mẹ không ưa những triệu chứng trước khi sốt thôi. Đầu hơi đau, ớn lạnh toàn thân và rồi là sốt.

Ngoài sân bóng tối đã bao phủ. Mưa ngừng rơi nhưng gió vẫn còn thổi. Khi tôi thắp đèn, định đi vào phòng ăn thì mẹ nói:

- Chói mắt lắm! Con tắt đèn đi!

- Nhưng cứ nằm trong bóng tối vậy, mẹ không sợ sao?

Tôi đứng yên và hỏi như vậy.

- Thì cũng như nhắm mắt mà ngủ vậy thôi. Mẹ chẳng thấy hiu quạnh chút nào. Ngược lại, mẹ ghét bị chói mắt lắm. Từ giờ, con đừng có bật đèn phòng khách nữa nhé.

Tôi lại cảm thấy sự bất tường, im lặng tắt đèn, đi sang phòng kế bên, bật đèn lên, cảm giác vô cùng cô quạnh, tôi vội vàng đi xuống bếp, lấy cơm nguội ra ăn với cá hộp, nước mắt rơi lã chã.

Càng khuya gió càng thổi mạnh. Từ khoảng 9 giờ đêm, mưa với gió theo nhau vần vũ thành một cơn bão thực sự. Bức mành trúc ngoài đầu hành lang mà tôi cuốn lên hai ba ngày trước đang va đập lạch cạch trong gió. Tôi ngồi trong căn phòng sát bên phòng khách, đọc quyển "Kinh tế học nhập môn" của Rosa Luxemburg[1], thấy thích thú lạ kỳ. Quyển này tôi lấy từ căn phòng trên gác hai của Naoji cùng với những quyển như "Tuyển tập Lênin", "Cách mạng xã hội" của Kautsky mà chưa hỏi nó. Những quyển này để trên bàn tôi trong căn phòng kế bên phòng khách. Buổi sáng mẹ thức dậy đi rửa mặt trở về có ngang qua phòng tôi, thấy ba quyển sách, mẹ cầm lên, đọc qua, rồi khẽ thở dài, đặt xuống, quay sang nhìn tôi với gương mặt buồn bã. Tuy nhiên trong đôi mắt chan chứa nỗi buồn ấy không có một chút gì là cự tuyệt hay ghét bỏ. Những quyển mẹ chọn đọc là của Hugo, cha con nhà Dumas, Musset và Daudet nhưng tôi biết trong những quyển sách lãng mạn ngọt ngào kia cũng phảng phất một mùi cách mạng. Cũng giống như mẹ, những người có được sự "giáo dục thiên bẩm", từ này nghe có hơi kỳ lạ, có lẽ sẽ chờ đón cuộc cách mạng như là chuyện đương nhiên, không có gì là bất ngờ. Khi đọc sách của Rosa Luxemburg, không phải tôi không cảm thấy cái vẻ kiểu cách lên gân giả tạo, nhưng nó mang lại cho tôi niềm hưng phấn sâu xa theo cảm nhận của riêng tôi. Những điều được viết trong sách là về kinh tế học, nhưng nếu đọc theo kiểu kinh tế học thì nó thực sự chán ngắt, toàn là những chuyện đơn giản không cần phải chứng minh. Không, chắc là do tôi chẳng hiểu gì về kinh tế học cả. Tôi chẳng cảm thấy một chút thú vị gì. Trong cái môn học mà nếu không có tiền đề "con người là ích kỷ tham lam, vĩnh viễn tham lam ích kỷ" thì không thể nào được thành lập này, đối với người không tham lam mà nói, thì vấn đề phân phối chẳng mang lại chút hứng thú nào. Tuy nhiên, khi đọc quyển sách này, tôi lại thích thú ở một điểm khác. Đó là tác giả đã có sự liều lĩnh và dũng khí phá hủy hết tư tưởng xưa nay từ gốc đến ngọn, không chút do dự nào. Và tôi chợt nghĩ đến hình ảnh một người đàn bà chạy trong giá lạnh đến nhà người mình yêu cho dù điều đó vi phạm đạo đức đến thế nào đi nữa. Tư tưởng phá hoại. Sự phá hoại là điều buồn bã, bi ai nhưng đẹp đẽ. Một giấc mơ về sự phá hủy, tái thiết và tựu thành. Mặc dù sau khi phá hoại, ngày tựu thành có lẽ sẽ không bao giờ đến nhưng vì tình yêu ta phải phá hủy, ta phải làm một cuộc cách mạng. Rosa đã dành cho chủ nghĩa Marx một tình yêu nhiệt thành buồn bã.

Đó là mùa đông của mười hai năm về trước.

- Bạn đúng là một cô gái trong nhật ký Sarashina[2] đấy nhỉ. Nói gì với bạn cũng vô ích thôi.

[1] Rosa Luxemburg (1871-1919), chiến sĩ cộng sản người Ba Lan, nhà triết học, nhà lý luận chủ nghĩa Marx. Franz Mehring, người viết tiểu sử Marx, từng nói Rosa Luxemburg là khối óc tốt nhất sau Marx (the best brain after Marx).

[2] Nhật ký Sarashina 更級日記 do con gái của Takasue viết vào khoảng năm 1060, thời Heian, thuật lại những chuyện trong khoảng thời gian từ năm bà mười ba tuổi khi theo cha về Kinh thành cho đến năm năm mươi hai tuổi. Trong đó có nhiều đoạn miêu tả những cơn mộng mị. Người bạn ám chỉ Kazuko như "kẻ mơ ngày".

Người bạn ấy nói thế rồi bước đi. Khi ấy, tôi gửi trả quyển sách của Lênin mà tôi chưa đọc.

- Bạn đọc rồi à?

- Xin lỗi nhé! Vẫn chưa.

Từ trên cầu có thể nhìn thấy nhà thờ kiểu Nga ở trung tâm Tokyo.

- Tại sao? Có chuyện gì vậy?

Người bạn ấy cao hơn tôi chừng ba xăng-ti-mét, rất giỏi về ngôn ngữ học, là một người rất đẹp, có gương mặt từa tựa nàng Mona Lisa. Bạn đội một chiếc mũ bê rê đỏ rất hợp với mình.

- Tại mình ghét cái bìa sách.

- Bạn kỳ lạ thật đấy. Không phải vậy chứ? Thực ra là bạn sợ mình phải không?

- Mình không sợ. Chỉ là mình không chịu nổi cái bìa sách thôi mà.

- Vậy sao?

Bạn ấy nói với vẻ buồn bã, rồi lại nói tôi là cô gái trong nhật ký Sarashina, nói gì với tôi cũng vô ích thôi.

Chúng tôi cùng im lặng, nhìn xuống dòng sông mùa đông.

- Bình yên nhé, nếu đây là chia tay vĩnh viễn thì xin em hãy vĩnh viễn bình yên[3] (Byron[4]).

[3] Bản tiếng Nhật: ご無事で、もし、これが永遠の別れなら、永遠に、ご無事で.

[4] Lord Byron (1788-1824): nhà thơ lãng mạn Anh.

Bạn ấy nói vậy rồi nhanh chóng chuyển sang đọc nguyên bản tiếng Anh và khẽ ôm tôi.

Tôi xấu hổ và khe khẽ thì thầm.

- Mình xin lỗi nhé!

Tôi đi bộ về phía nhà ga Ochanomizu. Khi ngoái lại nhìn, tôi vẫn thấy bạn ấy đứng bất động trên cầu dõi nhìn theo bóng tôi.

Từ đó tôi không gặp lại bạn ấy nữa. Tuy chúng tôi vẫn cùng đến học ở nhà cô giáo nước ngoài nhưng đã khác trường.

Đã mười hai năm trôi qua mà tôi vẫn còn ngơ ngác như cô gái trong nhật ký Sarashina, không khá hơn được chút nào. Trong suốt thời gian đó, mình đã làm gì nhỉ? Chưa từng làm cách mạng, cũng chẳng biết đến yêu đương. Cho đến bây giờ, những người lớn trong thế gian này đã dạy tôi tình yêu và cách mạng, hai thứ đáng sợ và ghê tởm nhất mà trong thời chiến tranh tôi đã nghĩ như vậy. Nhưng sau chiến bại, chúng tôi không còn tin vào lời thế gian và cảm thấy con đường sống thực sự của mình là phản kháng tất cả những lời thuyết giáo đó. Tôi cho rằng, vì tình yêu và cách mạng thực sự là hai điều đẹp đẽ, tuyệt vời nhất của cuộc đời này nên những kẻ thế gian mới ác ý nói dối với chúng tôi rằng đó là những trái nho xanh. Tôi muốn xác thực điều này. Con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng[5].

[5] In đậm trong nguyên tác: 人間は恋と革命のために生まれてきたのだ。

Bất chợt cánh cửa giấy mở, mẹ tươi cười ló mặt ra hỏi tôi:

- Con còn thức à? Chưa đi ngủ sao?

Tôi nhìn đồng hồ trên bàn. Đã mười hai giờ đêm.

- Dạ vâng. Con không buồn ngủ. Vì đọc mấy quyển sách về chủ nghĩa xã hội nên phấn khích quá.

- Vậy à? Sao con không uống rượu đi! Giờ này làm một ly vào rồi đi nằm sẽ ngủ ngon lắm.

Mẹ nói có vẻ đùa vui nhưng không hiểu sao trong thái độ đó có một vẻ đẹp duyên dáng và phóng đãng.

Đã sang tháng mười mà trời vẫn chưa vào thu. Những ngày oi bức âm u như những ngày mưa mùa hạ vẫn tiếp tục kéo dài. Và cơn sốt của mẹ hàng đêm cứ lên xuống khoảng giữa ba tám và ba chín độ.

Rồi một buổi sáng kia, tôi nhìn thấy một điều đáng sợ. Cánh tay mẹ bị sưng lên, phù nề. Cho đến khi ấy, mẹ còn nói bữa sáng sao mà ngon nhưng ngày hôm đó mẹ chỉ ngồi dậy nơi giường, húp từng thìa cháo nhỏ và nuốt rất khó khăn. Hôm đó, tôi đã cho nấm thông matsutake vào súp nhưng mẹ không ưa mùi nấm hay sao ấy nên cầm chén đưa lên miệng rồi lại đặt xuống trên khay. Khi ấy tôi nhìn thấy cánh tay của mẹ và ngạc nhiên đến sửng sốt. Cánh tay phải sưng tròn lên.

- Mẹ, tay mẹ làm sao thế?

Ngay cả mặt của mẹ cũng hơi tái xanh và sưng lên nữa.

- Không có gì đâu con. Chỉ chừng này thì đâu có gì.

- Mà mẹ bị sưng từ khi nào vậy?

Mẹ im lặng, mặt như thể bị chói nắng. Tôi muốn khóc thành tiếng. Đây đâu phải là tay của mẹ tôi. Đây là tay của người đàn bà nào xa lạ. Tay mẹ tôi nhỏ và mảnh mai hơn nhiều. Bàn tay ấy tôi biết rất rõ mà. Bàn tay dịu dàng. Bàn tay thân ái. Phải chăng bàn tay ấy đã vĩnh viễn biến mất rồi? Tuy cánh tay trái vẫn còn chưa sưng lên, nhưng đau đớn quá, không thể nào nhìn tiếp được, tôi ngoảnh mặt đi, nhìn chằm chằm vào lẵng hoa nơi góc phòng.

Vì nước mắt sắp sửa ứa ra không sao kìm lại được nên tôi vội vàng đứng dậy, đi vào phòng ăn và thấy Naoji đang ăn trứng luộc. Tuy Naoji thỉnh thoảng có ghé về nhà, nhưng cứ đến tối là nó lại mò đến chỗ cô Osaki uống rượu, đến sáng vác cái mặt lờ đờ về nhà, không ăn cơm mà ăn bốn năm quả trứng luộc, rồi lại lên tầng hai lúc ngủ lúc thức vật vờ.

- Tay mẹ sưng lên rồi đấy.

Tôi cúi mặt nói với Naoji. Rồi không nói tiếp được nữa, tôi cứ cúi mặt thế mà khóc nức nở.

Naoji không trả lời. Tôi ngẩng mặt lên:

- Vô vọng rồi. Em không nhận thấy sao? Bị sưng lên như thế thì không còn làm gì được nữa.

Tôi nắm chặt mép bàn. Gương mặt Naoji u ám.

- Sắp sửa rồi. Mẹ kiếp! Cái chuyện vớ vẩn này!

- Chị muốn mẹ khỏe lại. Dù thế nào chị cũng muốn chữa lành cho mẹ.

Tôi nắm chặt hai tay lại. Đột nhiên Naoji khóc thút thít.

- Chẳng thể làm gì được đâu. Chúng ta không có cách nào khác cả.

Vừa nói, Naoji vừa lấy tay dụi dụi mắt.

Ngày hôm đó, Naoji lên Tokyo để thông báo với chú Wada về bệnh tình của mẹ và hỏi chuyện sau này, còn tôi những lúc không ở bên mẹ thì chỉ biết khóc. Khi đi lấy sữa bò vào buổi sáng trời còn sương mù, khi vuốt tóc soi gương, khi tô son môi, lúc nào tôi cũng khóc. Những ngày tháng hạnh phúc sống bên mẹ hiện ra như một bức tranh. Tôi cứ khóc không ngừng. Hoàng hôn rồi tối đến, tôi ra trước hiên của căn phòng Trung Hoa mà khóc, nước mắt giàn giụa. Trên trời thu, sao lấp lánh, dưới chân tôi, con mèo nhà ai đang nằm thu mình bất động.

Hôm sau, cánh tay mẹ còn sưng to hơn ngày hôm trước. Mẹ không ăn uống gì được. Ngay cả nước cam mà mẹ cũng nói cổ họng khô rát không uống nổi nữa.

- Mẹ à, con lại làm cho mẹ cái khẩu trang mà Naoji nói nhé?

Tôi vừa cười vừa định nói vậy nhưng nói chưa hết câu thì cảm thấy đau khổ quá nên bật khóc nức nở.

- Mỗi ngày con đều bận rộn lo lắng cho mẹ, mệt lắm phải không? Con thuê y tá đi nhé!

Mẹ nói nhẹ nhàng. Thấy mẹ lo lắng cho Kazuko còn hơn lo lắng cho sức khỏe của mình nữa, tôi lại càng buồn hơn, đứng dậy chạy vào phòng tắm và khóc lóc không ngừng.

Đến quá trưa, Naoji dẫn theo bác sĩ Miyake và hai người y tá về nhà.

Ngay cả vị bác sĩ lúc nào cũng đùa cợt được này cũng làm ra vẻ nghiêm trọng, vào ngay phòng bệnh để bắt đầu khám, và nói trống không:

- Đã yếu đi nhiều rồi đó.

Nói rồi vị bác sĩ tiêm cho mẹ một liều long não[6].

[6] Nguyên văn: カンフル camphor): Dùng trong, dưới dạng thuốc tiêm để hồi tỉnh cơ tim, chữa trụy tim hay suy nhược.

- Bác sĩ sẽ nghỉ ở đâu?

Mẹ nói như đang mê sảng.

- Lại ở Nagaoka. Tôi đã đặt chỗ trước rồi, không cần phải lo đâu. Chị đừng lo lắng cho người khác nữa, hãy lo cho mình và ăn bất cứ thứ gì mình thích đi. Nếu hấp thụ nhiều dinh dưỡng, cơ thể sẽ khá lên. Ngày mai tôi lại đến. Tôi để lại đây một người y tá, có gì cứ gọi cô ấy nhé!

Vị bác sĩ già ấy hướng về phía mẹ nói lớn tiếng như thế rồi đứng lên nháy mắt ra hiệu cho Naoji.

Một mình Naoji đưa bác sĩ và người y tá ra tận cổng. Khi quay vào, mặt nó như đang kiềm chế nước mắt.

Lúc ấy, tôi đang từ trong phòng mẹ đi ra, xuống phòng ăn.

- Vô vọng à? Phải vậy không?

- Chán lắm!

Naoji cười, miệng méo xệch.

- Suy nhược diễn ra quá nhanh. Bác sĩ nói hôm nay hoặc ngày mai chưa biết chừng...

Vừa nói Naoji vừa tuôn trào nước mắt.

- Vậy mình khỏi cần điện báo cho mọi người cũng được.

Tôi ngược lại, bình tĩnh không ngờ.

- Em có bàn với chú Wada rồi. Chú nói bây giờ không thể tập trung mọi người được đâu. Cho dù họ có đến thì trong căn nhà chật hẹp này sẽ thất lễ với người ta, mà gần đây lại không có cái nhà nghỉ nào cho ra hồn cả. Cho dù có mời đến suối nước nóng Nagaoka thì cũng không thể đặt trước hai ba phòng ở đó được. Có nghĩa là chúng ta nghèo, không đủ sức mời những người cao sang đó. Chú nói sẽ đến ngay nhưng lão ấy từ xưa vốn là keo kiệt, không thể nhờ vả gì được đâu. Ngay cả tối hôm qua, lão ấy chẳng quan tâm gì đến bệnh tình của mẹ lại sang sảng thuyết giáo cho em. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, có ai sáng mắt ra bởi những lời thuyết giáo của bọn keo kiệt đâu chứ. Cái lão ấy với chị em mình và mẹ nữa sao quá khác nhau, như nước với lửa, em chán lắm!

- Nhưng giờ chị em mình phải dựa vào chú ấy thôi.

- Không đời nào! Em thà đi ăn mày còn hơn. Chính chị ấy, từ bây giờ chị mới phải dựa vào chú Wada.

- Chị ấy à?

Nước mắt tôi ứa ra.

- Chị đã có chỗ để đi rồi.

- Cưới xin à? Đã quyết rồi sao?

- Không phải.

- Tự lập à? Một phu nhân đi làm việc. Nực cười!

- Không phải tự lập đâu. Chị sẽ trở thành nhà cách mạng.

- Cái gì cơ?

Naoji nhìn tôi trân trối.

Lúc đó, người y tá mà bác sĩ Miyake để lại, cất tiếng gọi tôi:

- Quý phu nhân gọi cô đấy.

Tôi vội vàng chạy vào phòng bệnh, ngồi bên mẹ.

- Gì thế ạ?

Tôi ghé sát mặt mẹ hỏi thăm.

Mẹ vẫn im lặng nhưng hình như muốn nói điều gì đó.

- Nước à?

Tôi hỏi thăm.

Mẹ khẽ lắc đầu. Hình như mẹ không cần uống nước. Một lát sau, mẹ thì thầm:

- Mẹ nằm mơ.

- Vậy sao? Giấc mơ thế nào ạ?

- Giấc mơ về rắn.

Tôi bất giác hoảng sợ.

- Trên tảng đá nơi lối đi ngoài vườn, có một con rắn cái sọc đỏ đúng không? Con ra xem thử đi!

Tôi lạnh toát người, lập cập đứng lên đi ra phía hành lang. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy một con rắn nằm dài trên tảng đá phơi mình trong nắng thu. Tôi choáng váng, tối tăm mặt mũi.

Tao biết mày. Tuy mày có lớn lên và già đi so với hồi đó nhưng đúng là con rắn cái đã bị tao đốt trứng đi. Tao biết mày đến đây phục thù. Hãy biến đi ngay!

Tôi niệm chú như thế nhưng khi nhìn lại con rắn vẫn không nhúc nhích chút nào. Tự nhiên tôi không muốn cho người y tá nhìn thấy con rắn. Tôi dậm chân thật mạnh.

- Không có đâu mẹ ơi. Giấc mơ của mẹ sai rồi.

Tôi cố tình nói lớn hơn mức cần thiết và rồi khi nhìn ra tảng đá ngoài vườn, con rắn cuối cùng cũng đã cử động, chậm chạp trườn đi.

Thôi, vô phương rồi. Khi nhìn thấy con rắn, cảm giác đầu tiên tôi phải thừa nhận là mọi chuyện đã được an bài. Khi cha tôi mất, bên gối ông có một con rắn nhỏ màu đen, rồi thì trên khắp các cây trong vườn tôi thấy cơ man nào là rắn.

Mẹ dường như không còn đủ sức ngồi dậy, lúc nào cũng có vẻ nửa tỉnh nửa mê, phó mặc mình cho cô y tá. Còn ăn uống thì hình như không nuốt trôi khỏi cổ nữa. Từ sau khi nhìn thấy rắn, tôi cảm thấy sự bình an của tâm tư đã xuyên qua đáy của niềm tuyệt vọng, nếu có thể nói như vậy, nó gần với cảm giác hạnh phúc đã xuất hiện trong tôi. Và giờ tôi chỉ muốn ở bên mẹ chừng nào còn có thể.

Ngày hôm sau, tôi chỉ ngồi bên mẹ mà đan áo. Tôi đan nhanh hơn người ta nhưng rất xấu. Vì vậy mà mẹ lúc nào cũng chỉ cho tôi những chỗ đan vụng về. Ngày đó, tôi chẳng có tâm trạng nào mà đan lát cả, chỉ là muốn ngồi bên mẹ mà không muốn tỏ ra mất tự nhiên nên làm bộ vậy thôi. Tôi mang hộp đựng len ra và bắt đầu tập trung đan áo.

Mẹ nhìn chăm chú vào đôi tay tôi rồi nói:

- Con đan vớ chân à? Nếu không đan rộng ra tám phần thì khi mang vào sẽ chật đó.

Hồi còn nhỏ, dù mẹ chỉ dạy bao lần tôi cũng không thể nào đan được. Và cũng giống như ngày xưa, tôi bối rối, rồi xấu hổ và nhớ tiếc. Khi nghĩ đến việc mẹ không còn có thể chỉ dạy tôi được nữa, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra không nhìn rõ mũi len đang đan.

Mẹ vẫn ngủ, không thể hiện ra bất kỳ một sự khổ sở nào. Từ sáng đến giờ, mẹ vẫn chưa dùng bữa, chỉ thỉnh thoảng ngậm miếng băng có tẩm nước trà mà tôi đưa cho. Nhưng ý thức mẹ vẫn còn tỉnh táo, đôi khi bình tĩnh mà nói chuyện với tôi:

- Trên báo có hình chụp Thiên Hoàng đấy, mẹ muốn xem lại một lần nữa.

Tôi đưa tờ báo sát gần gương mặt mẹ.

- Đã già đi nhiều rồi.

- Không đâu, tại bức hình chụp tệ quá thôi. Chứ tấm hình chụp gần đây Bệ hạ trông trẻ và tươi vui lắm. Trong thời buổi này, Ngài nên vui lên mới phải chứ.

- Tại sao?

- Thì lần này, Thiên Hoàng cũng được giải phóng còn gì?

Mẹ cười với vẻ cô đơn. Rồi một lát sau mẹ nói:

- Mẹ muốn khóc mà nước mắt không tài nào ứa ra được.

Tôi chợt nghĩ, biết đâu giờ mẹ đang hạnh phúc. Cái cảm giác hạnh phúc phải chăng giống như mảnh bụi vàng lấp lánh dưới đáy sông tuyệt vọng? Nếu cái tâm trạng sáng sủa không thể ngờ khi vượt qua đáy sâu của nỗi buồn là hạnh phúc thì Thiên Hoàng, mẹ và cả tôi nữa chắc chắn đang hạnh phúc đây. Buổi sáng mùa thu yên tĩnh. Khu vườn mùa thu ánh sáng chan hòa. Tôi ngừng đan, nhìn ra mặt biển sáng lấp lánh cao ngang ngực tôi.

- Mẹ à, cho đến tận bây giờ, con chẳng hiểu gì về thế gian cả.

Tuy còn có nhiều điều muốn nói nhưng thấy xấu hổ vì bị cô y tá trong góc phòng đang chuẩn bị tiêm cho mẹ nghe thấy nên tôi ngưng lại.

- Con nói cho đến bây giờ...? - Mẹ khẽ cười và hỏi lại.

- Vậy là đến bây giờ con đã hiểu thế gian?

Không hiểu sao mặt tôi đỏ bừng.

- Mẹ chẳng hiểu thế gian là gì nữa.

Mẹ ngoảnh mặt đi, thì thầm như độc thoại.

- Mẹ cũng không hiểu nữa. Chắc cũng không có ai hiểu đâu. Cho dù bao nhiêu thời gian trôi qua, tất cả chúng ta đều là con trẻ cả thôi. Chẳng hiểu biết được gì hết.

Nhưng dù sao tôi vẫn phải sống. Nếu có là trẻ con đi nữa thì cũng không thể mãi nũng nịu. Từ bây giờ tôi phải tranh đấu với thế gian. Có lẽ mẹ là người cuối cùng có thể sống được một cuộc đời đẹp đẽ và buồn bã, không tranh đua với người, không thù ghét sân hận. Từ bây giờ, chắc sẽ chẳng còn ai có thể sống được như vậy. Người chết đi thật là đẹp. Nhưng còn cuộc sống. Sự sống còn. Tôi có cảm giác nó thật là xấu xa, nhơ nhuốc và tanh mùi máu. Tôi thử hình dung ra cảnh con rắn cái có chửa đang đào một cái hang trên nền chiếu tatami nhưng không sao tưởng tượng ra được. Hổ thẹn cũng được nhưng tôi sẽ đấu tranh đến cùng với thế gian để sinh tồn. Rõ ràng là mẹ đang dần dần chết đi và cùng với điều đó, cái chủ nghĩa lãng mạn và sự cảm thương trong tôi cũng dần biến mất. Tôi cảm giác mình đã biến thành một sinh vật giảo quyệt đầy toan tính.

Quá trưa ngày hôm đó, khi tôi đang ngồi bên cạnh mẹ, đưa bông băng ngâm nước trà cho mẹ thấm họng thì nghe tiếng xe hơi dừng trước cửa. Vợ chồng chú Wada từ Tokyo xuống thăm. Chú bước vào phòng bệnh, đến ngồi bên cạnh gối mẹ và im lặng. Mẹ lấy cái khăn tay che phần dưới mặt rồi cứ nhìn chú Wada mà khóc. Tuy khóc nhưng nước mắt không chảy ra được. Tôi có cảm giác mẹ giống như một con búp bê.

- Naoji, ở đâu?

Một lát sau mẹ nhìn sang tôi mà hỏi.

Tôi lên tầng hai, nói với Naoji đang nằm dài trên chiếc trường kỷ đọc tạp chí:

- Mẹ gọi em đấy.

- Ôi, lại một trường sầu thảm! Chúng ta đã gắng sức chịu đựng đủ rồi. Thần kinh đã nặng, bạc tình làm sao! Chúng ta khổ sở, nhiệt tình còn đây nhưng thân xác rã rời, không còn khí lực mà ngồi bên cạnh mẹ nữa.

Naoji vừa ca cẩm như vậy vừa mặc áo khoác vào rồi theo tôi đi xuống nhà dưới.

Khi chúng tôi cùng ngồi bên cạnh mẹ, đột nhiên mẹ giơ tay lên rồi im lặng chỉ vào Naoji, chỉ vào tôi. Sau đó mẹ ngoảnh mặt về chú Wada chắp hai lòng bàn tay lại.

Chú Wada gật đầu quả quyết:

- Em hiểu, em hiểu.

Mẹ có vẻ như an tâm, khẽ nhắm mắt lại rồi đưa tay luồn vào trong chăn.

Tôi bật khóc còn Naoji cũng cúi mặt thổn thức.

Lúc ấy, vị bác sĩ Miyake từ Nagaoka trở về, ghé vào tiêm ngay cho mẹ.

Mẹ gặp được chú Wada rồi nên chắc không còn gì lưu luyến nữa, mới nói:

- Bác sĩ, hãy cho tôi được toại nguyện đi!

Vị bác sĩ và chú đưa mắt nhìn nhau im lặng. Khóe mi hai người long lanh nước mắt.

Tôi đứng dậy đi vào phòng ăn làm bốn suất mì udon mà chú Wada ưa thích rồi mang vào phòng Trung Hoa mời chú, thím, vị bác sĩ và Naoji. Sau đó tôi lấy phần bánh sandwich của khách sạn Marunouchi, quà của chú Wada, đưa cho mẹ xem. Khi tôi đặt bánh bên cạnh gối mẹ thì nghe mẹ thì thầm:

- Con bận quá nhỉ.

Trong phòng Trung Hoa, mọi người nói chuyện gẫu một lúc lâu. Chú thím thì nói dù thế nào đi nữa tối nay phải về lại Tokyo rồi đưa tôi phong bì đựng tiền. Vị bác sĩ Miyake và người y tá cũng về cùng chú thím nên dặn dò cô y tá ở lại là ý thức bệnh nhân còn tỉnh táo và tim cũng chưa đến nỗi nào nên cứ tiếp tục tiêm thì sẽ kéo dài được chừng bốn năm ngày nữa. Rồi ngày hôm đó, mọi người kéo nhau lên xe đi về Tokyo cả.

Sau khi ra tiễn mọi người, tôi quay lại phòng bệnh, mẹ mỉm cười thân thiết như mọi khi chỉ có hai mẹ con với nhau:

- Con vất vả quá!

Mẹ nói thật nhỏ như thì thầm. Gương mặt mẹ lúc ấy thật lung linh sống động. Tôi nghĩ chắc mẹ vui mừng lắm khi gặp được chú Wada.

- Dạ, không có gì đâu.

Tôi mỉm cười trả lời, có phần vui vẻ.

Và đó là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa hai mẹ con.

Ba tiếng sau, mẹ qua đời... trong buổi hoàng hôn mùa thu yên tĩnh, khi người y tá đang bắt mạch, tôi và Naoji ngồi bên. Người mẹ đẹp đẽ, người phụ nữ quý tộc cuối cùng của đất Phù Tang.

Gương mặt mẹ khi mất hầu như không thay đổi. Lúc cha lâm chung, sắc mặt ông đột nhiên biến đổi còn mẹ vẫn y như khi còn sống, chỉ có điều không thở nữa mà thôi. Mẹ ngưng thở khi nào tôi cũng không biết nữa. Chỗ sưng trên mặt mẹ đã xẹp xuống từ ngày hôm trước. Hai gò má trơn mịn như sáp ong. Đôi môi nhợt nhạt hơi cong như đang mỉm cười. Trông mẹ còn đẹp đẽ hơn cả khi còn sống. Tôi thoáng nghĩ đến đức mẹ Maria từ bi.