Ta Không Làm Thiếp

Chương 30



Ra khỏi thư phòng, thấy hai gã thân vệ cầm đao đứng trang nghiêm trước cửa viện, Bùi Thận ra lệnh: “Đi gọi thêm mấy người tới.”

Lâm Bỉnh Trung chần chờ một lát, thấy sương lạnh trên gương mặt Bùi Thận đã tan, thần tình tỉnh táo, đột nhiên cảm thấy hơi sợ sệt, liền gật đầu vâng lệnh rồi hành lễ cáo lui.

Bùi Thận đứng yên trong khoảng sân, thấy bốn phía u tĩnh không tiếng người, chỉ còn gió lùa xao xác qua chạc cây tùng, rì rào rì rào.

Y lặng nghe từng đợt thông reo, thảnh thơi nghĩ, chạc cây tùng này hơi đổ, mọc xiên xẹo tùy tiện, ngày mai phải bảo thợ chăm cây qua cưa tỉa lại.

Bùi Thận suy nghĩ xuất thần, Lâm Bỉnh Trung trở về báo đã dẫn thêm người tới.

Bùi Thận gật gật đầu, bảo: “Đi đi.”

Đi qua cổng dọc theo hành lang, trời trong gió nhẹ, đêm đã lên, trăng vươn từ từ sau rặng liễu, chiếu một dải sáng nhạt màu, chợt thấy dưới hành lang mẫu đơn tô hồng, hải đường như gấm, chuối tây vừa độ, lá trúc ngát xanh.

Nhẽ ra Bùi Thận phải cảm thấy giận dữ khó nhịn, nhưng lúc này y vẫn còn tâm trạng thưởng thức cảnh trí, thong dong dạo bước trở về Tồn Hậu Đường. Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com

Vào trong viện, thấy ba bàn tiệc trong đình đã tan, trên bàn chén đũa ngang dọc, đĩa ly lộn xộn, đám nha hoàn bà tử đang lo thu dọn, thấy Bùi Thận bước vào vội vã kháo nhau uốn gối hành lễ.

Bùi Thận nhẹ nhàng nói: “Gọi tất cả người trong viện tới đây.”

Đám nha hoàn bà tử nhìn nhau, không dám trái lệnh, tất tả chạy về gọi hết những người đang say xỉn, đang ngủ, đã về nhà cũng trở lại.

Qua non nửa canh giờ, trong viện tề tựu chừng hơn hai mươi người.

Bùi Thận nhìn quanh bốn phía, cười hỏi: “Ở đây có ai quen biết biểu ca của Thấm Phương không?”

Tim Thúy Vi chợt hẫng một nhịp, lén lút ngước nhìn Bùi Thận. Thấy y hôm nay mặc bộ y phục bằng gấm dệt kim đen như mực, đầu đội khăn lưới, eo đeo túi hương, đứng trong đình, khí độ hiên ngang, dáng dấp như ngọc, nàng mím chặt môi, cúi đầu không nói lời nào.

Những người còn lại cũng chỉ yên lặng nhìn nhau, không ai dám làm người mở đầu, Bùi Thận thấy đám người trầm mặc không đáp, chậm rãi nói: “Ra tay đi.”

Thân vệ đứng sau lập tức ôm gậy bước lên.

Một trận đánh qua đi, đám nha hoàn nô bộc da tróc thịt bong, đau đến nước mắt nước mũi giàn giụa, chỉ kêu la “Gia tha mạng”, “Nô tỳ biết sai”, “Nô tỳ không quen biểu ca gì của Thấm Phương cả.”

Bùi Thận vẫn đứng trong đình, một lát sau bắt đầu có người không chịu đau nổi mà khai ra chút manh mối. Rất nhanh chóng, lại có thêm những nha hoàn bậc hai khai rằng hôm kia có thấy Thấm Phương vào phòng của Niệm Xuân.

Bùi Thận xua tay, ý bảo thân vệ thả những người đã khai, lạnh lùng liếc nhìn Niệm Xuân, Niệm Xuân bị đánh đầu óc choáng váng, sững sờ nhìn Bùi Thận. Nàng làm sao biết Thấm Phương đi đâu, càng không hề quen biết biểu ca nào của Thấm Phương cả.

Cả người Niệm Xuân đau nhức, sợ lại bị đánh, vội vàng ngừng nức nở, thút tha thút thít nói: “Xin Gia minh giám, ngày đó Thấm Phương chỉ là tới nhờ nô tỳ may hai bộ trực chuyết mà thôi.”

Bùi Thận cười lạnh, quả nhiên là Thấm Phương giở trò. Có lẽ lúc này đã giả thành nam tử mà đi đường rồi.

“Tiếp tục.” Bùi Thận vẫy tay.

Thúy Vi cũng lãnh mấy gậy, nhưng nàng nào dám nói mình hầm rập với Thấm Phương để lừa Bùi Thận, chỉ gắng sức cắn môi thật chặt mà chịu trận, chỉ mong Bùi Thận hỏi không ra thì sẽ ngừng tay.

Nhưng Bùi Thận sớm đã xác định Thấm Phương hiếm khi ra phủ, giao tế lui tới chẳng qua cũng chỉ đám người nô bộc, nha hoàn này thôi. Kẻ tự xưng là biểu ca này chắc hẳn là có người giúp Thấm Phương tìm, nhưng chưa xác định được là ai. Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com

Gậy vẫn vung lên đập xuống liên tục không ngơi.

Người bình thường làm sao chịu nổi trận đòn không ngớt này, có vài người đã bắt đầu nói mê sảng, bắt chước những người đã khai mà được tha, nói từng thấy Thấm Phương ra vào phòng của người nào người nào.

Bùi Thận lăn lộn quan trường đã lâu, nghe qua đã biết vu vạ lung tung để mong không bị gậy, mới nhàn nhã nói: “Nếu thật sự không có gì để nói, thì cũng đừng ở lại trong phủ này nữa.”

Thúy Vi nghe xong sinh lòng sợ hãi, mồ hôi trên trán chảy xuôi hòa lẫn với nước mắt. Nàng bắt đầu cảm thấy hơi hối hận, sớm biết Thấm Phương là đồ hồ ly, luôn mồm mép lừa gạt người khác, sao còn nghe lời nàng nói linh tinh?

Dần dà, Thúy Vi không còn cảm nhận được sự đau đớn ở vùng eo và mông nữa, nàng hoảng hốt, biết đây là biểu hiện của da thịt đã bị đập nát.

Nàng vừa hoảng vừa sợ, không nhịn được nữa, sợ cứ vậy bị đánh tới chết, lớn tiếng khóc kêu: “Gia, không liên quan gì đến nô tỳ, xin Gia tha mạng, xin Gia tha mạng.”

Đúng lúc nàng mở miệng xin tha, cũng có một tiểu nha hoàn mặt mũi trắng bệch không chịu đau nổi mà khai rằng đêm nọ có nghe tiếng trò chuyện trong phòng Thúy Vi, nhưng ngặt nỗi tiếng nói quá nhỏ, nghe không rõ ràng.

Việc này vốn cũng không liên quan gì đến Thấm Phương, lại chưa phân thật giả, có lẽ chỉ là tiểu nha hoàn không chịu được mà khai man lung tung để tránh bị đánh tiếp mà thôi.

Nhưng Bùi Thận tin tưởng, bởi vì tiểu nha hoàn Hà Hương này ở phòng cách vách với Thúy Vi. Y vẫy tay bảo thân vệ dừng lại, Hà Hương thoát nạn, khóc lóc không ngừng.

Bùi Thận không ngó tới, quay đầu nhìn Thúy Vi.

Gương mặt vốn tái nhợt của Thúy Vi nay càng mất sạch huyết sắc. Nàng tái mặt cúi đầu, dường như sắp chết ngất đến nơi.

Thấy thế, Bùi Thận lại tiếp tục hỏi những nha hoàn cùng phòng với Hà Hương, một người đã ngất xỉu, người còn lại bị đánh sợ, không dám gạt Bùi Thận, khóc thút thít nói mình ngủ say như chết nên không nghe thấy gì.

Nghe vậy, Bùi Thận cười lạnh một tiếng, nếu cả ba người này đều nói nghe thấy, y ngược lại khả nghi.

Bây giờ… Bùi Thận liếc nhìn Thúy Vi: “Ngươi còn lời gì để nói không?”

Thúy Vi miễn cưỡng ngẩng đầu, suy yếu nói: “Gia, nô tỳ đối với ngài trung thành và tận tâm, chưa bao giờ từng lừa gạt Gia. Là Hà Hương giá họa cho nô tỳ, nàng muốn giá họa nô tỳ!”

Bùi Thận cười nhạo, thấy nàng còn dám mạnh miệng, trong lòng không vui, nhàn nhạt nói: “Có cần ta phái người ra cửa nách hỏi một chút, hôm trước ngươi có từng rời phủ?”

Thúy Vi thoáng chốc mặt trắng như tờ giấy, giống như lạnh ngắt mà run rẩy cả người.

Thấy nàng không nói tiếng nào, Bùi Thận cười lạnh: “Ngươi sống trong phủ lâu ngày, hầu như không thể nào có cơ hội giao thiệp với nam tử, kẻ tự xưng là biểu ca này chắc hẳn là người nhà ngươi tìm giúp. Ngươi muốn tự mình nói thật ra hay để ta đi tìm cha mẹ, huynh đệ ngươi?”

Lúc này hai hàm của Thúy Vi va vào nhau lập cập, cử động của nàng làm động đến vết thương, đau đớn khiến nàng tỉnh táo lại, đến lúc này nàng mới chợt nhận ra mình đã phạm phải tội ngập trời thế nào.

Nàng rõ ràng chỉ cần đem những lời hỗn láo của Thấm Phương báo cáo lại với Gia, Gia tức khắc sẽ trừng phạt nàng ta. Cuối cùng sao nàng lại để Thấm Phương dụ dỗ? Rõ ràng biết Thấm Phương to gan lớn mật, há mồm lừa người nhưng vẫn tin nàng? Sao có thể tin nàng chứ! Tại sao lại tin nàng ta! Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com

Thúy Vi khóc đứt ruột đứt gan: “Là Thấm Phương lừa ta! Nàng gạt ta!” vừa khóc vừa kêu lẫn lộn: “Nàng muốn bỏ trốn! Muốn về Dương Châu tìm tình lang của nàng! Nàng lừa Gia! Nàng gạt ta, gạt ta!”

Tiếng kêu khản đặc, ai oán bi thương như tiếng chim đỗ quyên khóc than.

Bùi Thận chẳng nhìn đến nàng nữa, bước vào phòng chính, chỉ để lại Thúy Vi khản cổ kêu “Ta không lừa Gia! Ta trung thành!” lặp đi lặp lại.

Bùi Thận vào phòng chính, thấy bốn bề vắng lặng, lúc này mới lạnh giọng ra lệnh: “Lâm Bỉnh Trung, ngươi phái vài người đi tìm người nhà Thúy Vi, hỏi lai lịch kẻ kia, nếu là lương dân thì báo cho quan phủ xử lý, nếu là nô tịch thì bắt lại thẩm vấn tra xem hắn biết Thấm Phương đi hướng nào không.”

“Sau đó, ngươi đích thân cầm bái thiếp của ta đi tìm Thạch Trấn phủ sứ, bảo Cẩm Y Vệ lưu ý động tĩnh của các nhà nghỉ, trạm dừng chân, quán ăn, quán rượu trong kinh đô và các vùng lân cận, xem xem liệu có thanh niên nào dáng dấp tuấn tú, tới lui một người và cần mua lương khô.” Mới nửa buổi chiều trôi qua, Thấm Phương tám phần chạy chưa xa.

“Lại bảo Trần Tùng Mặc giục ngựa đưa thư cho Chuyển Vận sử vùng Lưỡng Hoài – Lý Quảng, hỏi hắn xem, hẻm Hạp Tử ở Dương Châu có một xưởng thêu, gần đây có ai ra vào hay không? Nếu có, bắt lại.”

Bùi Thận xuất thân hiển quý, vốn là quyền thế hiển hách, lại thêm làm quan nhiều năm chăm lo mở rộng quan hệ, đồng niên đồng hương, đồng liêu cấp dưới càng nhiều không đếm xuể.

Lúc này y chỉ vừa vung tay, chẳng mấy chốc Lâm Bỉnh Trung đã quay về bẩm, rằng Cẩm Y Vệ tra được trong nha môn ở kinh đô có một công tử trẻ tuổi, nhà nghèo nhờ người làm giấy thông hành thay.

“Người làm thay có mô tả người thanh niên kia, nói rằng hắn chiều cao chừng năm thước, tuổi độ mười bảy mười tám, trọ một mình, mặt trắng không râu, vẻ ngoài rất nữ tính, cực kỳ đẹp đẽ, tú lệ.” Lâm Bỉnh Trung dừng một chút, “Nói là muốn làm hai tấm giấy thông hành, một tấm để trống, tấm kia ghi đi Dương Châu.”

“Người nọ tên gọi là gì? Ở nơi nào?” Bùi Thận hỏi.

Lâm Bỉnh Trung thấp giọng nói: “Thẩm Lan, ở hiệu Vạn Long của phố Đông.”

“Thẩm Lan?” Bùi Thận cười khẽ, nhận lấy roi ngựa dây mây gắn đầu bạch ngọc từ tay Lâm Bỉnh Trung, xoay người lên ngựa, phóng thẳng về hướng phố Đông.