Tạm Biệt Versailles

Chương 15



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Một ngày gió thu nhẹ nhàng nọ, Antonia tới chỗ Nikola. Cô còn chưa vào sân đã thấy thiếu niên đang cặm cụi trước bức tranh.

Antonia nhẹ chân nhẹ tay vào xem.

Cô nhìn rồi lại nhìn, cuối cùng không thể nhịn được nữa.

“Nói thật, bức tranh của ngài xấu quá.”

Nikola: “…”

Thiếu niên lườm Antonia, dịch lên trước ngăn cản tầm mắt của cô.

Hành động giận lẫy của anh chọc cười Antonia.

“Ôi chao, xin lỗi, vừa rồi ta không lễ phép.” Cô xin lỗi không chút thành ý, hỏi: “Vì sao bức tranh ngài vẽ không giống nó?”

Antonia từng nhìn mô hình hơi nước trong bộ sưu tập của phụ thân. Thiếu niên đã vẽ rất lâu, kỳ lạ ở chỗ bức tranh anh vẽ không phải mô hình máy hơi nước.

Tuy rằng khá giống, đường cong kết cấu loằng ngoằng, nhưng Antonia nhìn ra chúng không cùng một kiểu dáng.

“Bởi vì thần không vẽ nó.” Thiếu niên không thèm ngẩng đầu, đáp.

“Ồ?” Antonia nhíu mày, “Rốt cuộc ngài đây đang vẽ gì? Thân là nhà tài trợ, ta bắt đầu lo lắng thay tương lai của ta.”

“Đây là bản thiết kế thay đổi hoàn toàn.”

“Thay đổi hoàn toàn?” Antonia đăm chiêu, hỏi: “Sao ngài không ứng dụng trước, sau đó mới thay đổi?”

Tuy cô không phải nhà khoa học, nhưng cô có thường thức của người bình thường. Rõ ràng mô hình được đưa đến chỗ Nikola chưa khởi động.

“Không cần. Thần có thể hoàn thành thí nghiệm trong đầu.”

Nikola liếc cô, hếch cằm, “Nếu không phải không biết giải thích từ ngữ cho các thợ rèn như thế nào, thần đã không vẽ tranh.”

Sau khi tiếp nhận toàn bộ kiến thức vật lý, năm mười bảy tuổi Nikola sáng chế không cần mô hình, bản vẽ hay thí nghiệm. Anh dựa vào trí não để xây dựng mô hình, tính toán chuẩn xác từng kết cấu.

Đáng tiếc bởi vì còn trẻ, để tránh mọi người nghi ngờ anh là quái vật, trước năm mười lăm tuổi Nikola vẫn phải cư xử khiêm tốn.

Giữa việc bảo vệ bản thân và sáng tạo, Nikola lựa chọn biện pháp trung hòa cả hai. Trước khi trưởng thành, anh quyết định giấu những phát minh kinh thế hãi tục ở trong đầu.

Nếu sức sản xuất của nhân loại nhanh như trí não anh thì tốt.

Nikola nhịn không được oán giận, “Người khác cần lặp đi lặp lại thí nghiệm để đối chiếu số liệu, nhưng thần không cần. Thần chỉ cần thông qua trí não có thể hoàn thành tất cả quá trình. Làm nhiều lần rất lãng phí thời gian và sức lực.”

Antonia một lời khó nói hết.

Nghe có vẻ rất lợi hại… nhưng cũng giống quân lừa đảo. Cô thầm nghĩ.

“Ma pháp khoa học” anh nói với cô quá đỗi kỳ diệu.

Hơn nữa Antonia biết thần đồng có thật. Ví dụ như nhà soạn nhạc nhí nào đó từng cầu hôn cô, từ nhỏ đã bận rộn lưu diễn khắp nơi.

Vì thế Antonia quyết định, hiện tại cô có tài chính, có thể tin tưởng anh.

“Điện hạ tới xem tiến độ?” Lúc này Nikola mới nhận ra bản thân không tiếp đón khách đàng hoàng, “Muốn uống gì không?”

“Không.” Nikola thành công nhắc nhở Antonia lý do cô trốn ra cung, “Ta muốn tìm bác sĩ Swieten [1]. Ngài ấy ở cách chỗ ngài không xa, vậy nên ta thuận đường tới đây.”

“Bác sĩ Swieten?” Nikola dừng bút, “Bác sĩ trị bệnh đậu mùa? Trong Hoàng cung có người bị bệnh đậu mùa?”

Nơi bác sĩ Swieten ở cách đây không xa. Nhưng bởi vì là bác sĩ Hoàng gia, hơn nữa ông ấy chuyên trị loại bệnh người dân Vienna vừa nghe đã sợ mất mật, vậy nên hàng xóm láng giềng xung quanh đều biết sự tồn tại của ông ấy.

Hôm qua Nikola nghe hàng xóm kể mới biết.

“Trước mắt chưa có.” Antonia bình tĩnh đáp: “Nhưng sớm muộn gì cũng có.”

Hiện tại là tháng chín, chưa tới thời điểm dịch bệnh đậu mùa hoành hành. Cung Schönbrunn yên lặng đến lạ.

Năm ngoái, anh trai thứ hai Charles Joseph [2] của cô chết vì bệnh đậu mùa.

Hơn nữa Antonia biết, nếu cô không nhanh chóng hành động, đợt dịch đậu mùa tháng mười hai sắp tới sẽ càn quét cung điện, cướp đi sinh mạng Johanna.

“Người tìm ông ấy làm gì?” Nikola hỏi.

Theo lý thuyết, đây không phải vấn đề công chúa vô ưu vô lo cần quan tâm. Cho dù xuất hiện bệnh dịch, người trong cung tự khắc sơ tán các đại công tước và nữ đại công tước đi, không cần một công chúa bé nhỏ đi tìm bác sĩ.

Hiển nhiên công chúa nhỏ trộm chuồn ra ngoài.

“Ta tìm ngài ấy để chủng đậu.” Antonia đáp.

“…Chủng đậu?” Nikola ngẩn ra.

“Ừ.” Antonia đoán Nikola không biết đó là gì, giải thích: “Đây là phương pháp phòng bệnh dân gian. Sau khi gieo chủng đậu sẽ không sợ mắc bệnh đậu mùa.”

Cách chích ngừa rất đơn giản. Bác sĩ dùng nhíp cọ qua vết thương của người bị bệnh đậu mùa, rạch một vết nhỏ lên tay người khỏe mạnh, sau đó khua khoắng chiếc nhíp lên miệng vết thương. Vài ngày sau, vết thương sẽ mưng mủ. Chờ mủ lành, người đó sẽ không bị bệnh đậu mùa.

“Nhưng mức độ an toàn của chủng đậu không cao.” Nikola nhíu mày.

“Ồ? Ngài biết?”

Vấn đề lớn nhất của chủng đậu là trong số mấy chục người gieo chủng đậu, thường có một, hai người chết vì nhiễm bệnh đậu mùa.

Nhưng so với tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa cao chót vót, mọi người thường có tâm lý ăn may, nghĩ rằng bản thân không nhiễm bệnh. Ai muốn chủng đậu cần có dũng khí rất lớn.

Antonia tin tưởng mình sẽ không sao, bởi vì kiếp trước cô đã chủng đậu, hơn nữa không nhiễm bệnh. Nhưng đó là chuyện của rất nhiều năm sau.

Mấu chốt ở chỗ hiện tại giáo hội phản đối chích ngừa chủng đậu. Mấy lão già đó nói chỉ có Thượng Đế mới có quyền quyết định người sống sót qua đại dịch, vậy nên chích ngừa vi phạm lời Thượng Đế.

Mẹ kiếp! Nếu Thượng Đế ra lệnh anh chị Antonia phải chết, vậy Thượng Đế xuống gặp quỷ đi.

Antonia muốn trộm chích ngừa trước, sau đó thuyết phục Nữ Hoàng và người trong Hoàng cung. Ít nhất cô cần anh chị em của mình chích ngừa chủng đậu, vượt qua đợt đại dịch nghiêm trọng mùa đông này.

Thiếu niên trước mặt suy tư hồi lâu, hỏi: “Người có biết cách chích ngừa khác không?”

“Khác? Ý ngài là hít vảy nốt đậu mùa? Nghe nói tỉ lệ tử vong rất cao.”

“Không.” Nikola lắc đầu, nói: “Có một cách khác có thể đề phòng bệnh đậu mùa giống hệt chủng đậu, hơn nữa không gây chết người.”

...

“Dùng bệnh đậu mùa phòng tránh bệnh đậu mùa? Điện hạ, người chắc chứ?”

Bác sĩ Swieten ngạc nhiên nhìn nữ đại công tước, lại thoáng liếc thiếu niên xa lạ đứng cạnh cô.

Gerard van Swieten là bác sĩ người Hà Lan. Bởi vì say mê y học, ông bị gia tộc coi như kẻ lạc loài, đuổi ra khỏi nhà. Khi đó Hoàng Đế vẫn là Công tước xứ Lorraine, bởi vì hai người quen nhau, vậy nên Hoàng Đế mời ông ấy tới Vienna định cư, làm bác sĩ cố vấn cho Hoàng thất.

Hoàng Đế nhàm chán không có gì làm, thường mời Swieten tới vườn bách thú Schönbrunn chơi. Dạo gần đây ông ấy không có tâm tình, bởi vì dịch bệnh tràn lan, người dân Vienna hoảng sợ.

Năm ngoái, cậu con trai thứ hai của vợ chồng Hoàng Đế qua đời vì bệnh đậu mùa. Thân là bác sĩ Hoàng thất, ông ấy lại bó tay không làm gì được, cảm thấy bản thân là kẻ thất bại.

“Đây là thí nghiệm mới nhất do phương Đông nghĩ ra.” Antonia mỉm cười.

Nikola dặn cô bịa lý do thí nghiệm y học, sau đó giải thích cho bác sĩ Swieten. Dẫu sao tiếng nói của nữ đại công tước nhà Habsburg có trọng lượng hơn thiếu niên lai lịch không rõ ràng.

“Ngài chỉ cần tới thăm nông trường, xem công nhân vắt sữa để nghiệm chứng. Những nữ công nhân vắt sữa từng bị bệnh đậu mùa nhưng không mưng mủ.”

Bệnh đậu bò là căn bệnh thường thấy ở bò sữa, khi vắt sữa bò sẽ xuất hiện bọc mủ. Người bình thường tránh tiếp xúc, nhưng những nữ công nhân không tránh khỏi chạm vào vết thương thối rữa. Các cô lên cơn sốt, nổi mẩn đỏ khắp người, triệu chứng bệnh giống hệt bệnh đậu mùa, nhưng vài ngày sau từ từ biến mất. Không một ai chết vì bệnh đậu bò.

Sau khi khỏi bệnh, các cô nghiễm nhiên được “đặc quyền miễn dịch” bệnh đậu mùa.

Khuyên bảo xong, Antonia tin tưởng bệnh đậu mùa có thể phòng tránh bệnh đậu mùa.

“Nếu đúng như lời người nói…” Bác sĩ Swieten trầm tư, “Vậy không hẳn do bệnh đậu mùa. Có thể các nữ công nhân uống sữa tươi mới vắt, hoặc trong nông trường có thứ gì đó ảnh hưởng họ.”

“…Dù thế nào, đây là biện pháp tốt.”

...

Xe ngựa băng qua phố phường Vienna, Nikola ngồi bên cửa sổ, hứng thú ngắm cảnh xung quanh.

Thời tiết mát mẻ, sắc trời sáng trong, trên đường vô cùng náo nhiệt. Tiếng chuông đinh đang trên cổ ngựa vang lên, ngựa được cài dây cương màu đỏ thẫm. Xe ngựa ngang qua, loáng thoáng thấy tơ lụa và đủ loại phụ kiện chớp lóe, đẹp tựa ánh sao lấp lánh.

Nhưng ai ai cũng vội vàng, bởi vì mọi người biết “đặc sứ trinh tiết” của Nữ Hoàng đang tuần tra xung quanh. Nếu một cô gái xinh đẹp trẻ tuổi đi vào một căn nhà, bọn họ sẽ ôm cây đợi thỏ. Chờ cô gái đi ra, họ sẽ xúm lại chất vấn. Chỉ cần cô gái đáng thương đỏ mặt xấu hổ, họ sẽ tống cô ấy vào ngục giam.

Đột nhiên xe ngựa dừng lại.

“Thưa ngài, sao thế?” Antonia hỏi.

“Hình như có người cãi nhau với đặc sứ trinh tiết… A, đó là ngài Thủ tướng?”

Wenzel Anton von Kaunitz?

Antonia khó hiểu ló đầu.

Đúng là ngài Thủ tướng.

Ông ta vẫn mặc bộ quần áo tinh xảo như thường. Vị chính trị gia này rất chú trọng quần áo, yêu cầu bắt chước giống hệt trào lưu Paris, chỉ xịt nước hoa Pháp chính cống. Ông ta nắm rõ thời trang Paris trong lòng bàn tay. Thậm chí thời điểm Antonia trở thành Vương Hậu Pháp, ông ta còn thường xuyên trao đổi với cô.

Ngài Thủ tướng cưỡi ngựa, dắt một người phụ nữ theo sau. Hửm? Hình như đó không phải phu nhân của ông ta, mà là một người phụ nữ gợi cảm cô chưa bao giờ thấy. Cô ta ăn mặc khá đẹp, có vẻ là tình nhân của ông ta.

Mọi chuyện rõ mười mươi.

Thủ tướng Wenzel tỏ thái độ kênh kiệu ra mặt. Nữ Hoàng đi tuần tra Hungary, hiện tại không ở thủ đô, ông ta dám dẫn tình nhân rêu rao khắp nơi, còn cãi nhau với đặc sứ trinh tiết.

Phỏng chừng Nữ Hoàng về tính sổ, ông ta còn cãi lại Nữ Hoàng. Đây là đặc quyền chỉ ngài Thủ tướng mới có.

“Chúng ta vào ngõ nhỏ đi.”

Xe ngựa chuyển hướng, rời xa đám đông. Antonia nhìn mái tóc bạc lấp lánh của Thủ tướng, nhớ lại lời đồn trong cung.

Lời đồn này khá thú vị, Antonia quyết định chia sẻ cho Nikola tới từ ngoại quốc. Dù sao tám chuyện với người không biết gì vẫn vui hơn.

“Nhìn đi, người đàn ông ăn mặc lấp lánh giống hệt khổng tước đằng kia chính là Thủ tướng Wenzel.”

Nikola gật đầu.

“Thấy tóc giả của ông ta không? Bên trên rải rất nhiều phấn. Nghe nói ông ta xây phòng phấn thơm riêng, mỗi sáng sẽ có người hầu lăn vải trong phấn, sau đó sáu người hầu đứng thành hai hàng. Chờ Thủ tướng đội tóc giả đi qua, người hầu sẽ phủi khăn, như vậy phấn sẽ rơi xuống tóc giả của ông ta.”

Nikola nghiêng đầu nhìn thoáng qua.

Anh không nhịn được nói: “Nếu lần sau có cơ hội, người nhớ nhắc nhở Thủ tướng Wenzel không nên đốt lửa trong đại sảnh phủ phấn thơm, nếu không sẽ tạo ra vụ nổ lớn.”

“Hả?”

“…Không có gì.”

Đột nhiên người ở xe ngựa đằng xa hô to: “Antonia?”

Mozart mặc lễ phục trắng tinh ngồi trong xe ngựa. Cậu ấy mới từ cung điện Schönbrunn về.

Vốn dĩ cậu ấy đang hóng hớt ngài Thủ tướng dám can đảm chống lại đội kỷ luật và tác phong của Nữ Hoàng, đột nhiên phát hiện cô gái tóc vàng ngồi cạnh cậu bé tóc đen trong xe ngựa. Hình như đó là công chúa Antonia cậu thích nhất.

“Xoẹt”, rèm cửa nhanh như chớp đóng kín.

“Hửm?” Mozart sáu tuổi ngẩn ngơ. Chắc vừa rồi cậu ấy nhìn nhầm.

Cậu ấy nhanh chóng ném chuyện này ra sau đầu, vui vẻ ngân nga.

Ngựa xe chật ních, người bán hàng rong đội mũ quả dưa chen lấn xô đẩy. Người dân chen chúc quanh phố, vui sướng nhìn vị quý tộc nọ dám cãi nhau với đặc sứ. Chỉ có nữ nông dân cẩn thận ôm sọt trứng gà, lớn tiếng chửi mắng người lái xe ngựa đâm vào bà ta.

Đột nhiên nữ quý tộc trang điểm tinh xảo lảo đảo ngã xuống, đụng vào xe ngựa.

“Manny!” Thủ tướng Wenzel hoảng sợ, vội vàng xuống ngựa.

Cô gái ngồi trong xe ngựa nhìn người phụ nữ ngã quỵ dưới đất, sợ tới mức sắc mặt tái mét, vội vàng bò ra xa, nói năng lộn xộn: “Cô ta… cô ta nóng quá… Tay cô ta nổi mủ!”

Xe ngựa loạng choạng, tiếng thét chói tai lan xa.

“Bệnh đậu mùa! Là bệnh đậu mùa!”

____

Lời tác giả:

Nikola không ngờ sau khi xuyên không, thứ đầu tiên anh đối mặt là thí nghiệm y học.

Bệnh đậu mùa: Đồ ngốc, bắt chước thí nghiệm y học trong đầu kiểu gì?

____

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Cảm giác Antonia trùng sinh nhưng vẫn có chút kiêu ngạo… hừm… nên miêu tả thế nào nhỉ? Tóm lại vẫn chưa trưởng thành như phần giới thiệu đầu truyện. Nhưng đây là chuyện bình thường, sau này cô sẽ từ từ trở thành Nữ Vương.

____

[1] Gerard van Swieten: Là một bác sĩ người Hà Lan, từ năm 1745 là bác sĩ riêng của Hoàng hậu La Mã Thần thánh Maria Theresa. Ông là cha của Gottfried van Swieten, người bảo trợ của Haydn, Mozart và Beethoven.



 [2] Đại công tước Charles Joseph của Áo (1745 – 1761): Carl Josef Emanuel Johann Nepomuk Anton Proko, con trai thứ hai của Hoàng hậu Maria Theresa I và chồng bà, Francis xứ Lorraine. Cậu được miêu tả là người cởi mở và thông minh, là cậu con trai yêu thích của vợ chồng Hoàng Đế.