Thưa Thầy, Em Là Cán Sự Bộ Môn Của Thầy Nè

Chương 3: Đến dạo phòng ngủ của thầy Nghiêm



Editor: Yang Hy.

Tầng trên là dạng hai phòng trống một phòng khách rất phổ thông, cộng thêm một phòng chứa đồ nữa.

Trong phòng thầy không bật điều hòa mà chỉ có một chiếc quạt điện đặt dưới sàn đang quay với tốc độ thấp nhất, tấm rèm cửa màu xanh nhạt cứ bị thổi cho phấp phới. Bàn đọc sách ở đối diện cửa sổ, còn giường thì đặt kề bên bàn.

Thầy lôi cái ghế dưới gầm bàn ra cho cậu học sinh ngồi rồi đặt một cái hộp đựng giấy lên bàn và nằm uỵch xuống giường đắp chăn, trông rất là "Cậu thoải mái khóc, tôi ngủ phần tôi". Cậu đang định ấp ủ cảm xúc thì thầy lại đột ngột ngồi dậy, mò mẫm tìm cái điện thoại trên bàn rồi lại chui vào trong chăn gọi điện. Mũi của người bệnh như đường hầm bị đất lở chặn lại, chỉ có thể hít thở bằng miệng, lúc nói chuyện cứ khò khè khụt khịt.

Cậu học sinh nghe thấy thầy giáo nói với người trong điện thoại rằng đã tìm được kẻ bỏ trốn.

"Để em ấy ở lại chỗ tôi trước, tôi sẽ khuyên bảo em ấy. Chị gọi điện đến trường xin nghỉ đi, không thì trốn học sẽ ảnh hưởng đến kỷ luật đấy."

Tiếng nói chuyện yếu dần, tay thầy cầm điện thoại nằm nghiêng không nhúc nhích, không biết có phải là nhắc đến chuyện gì nghiêm trọng hay không. Cậu học sinh nhịn không được liền nghiêng người về phía trước, lại phát hiện thầy đã ngủ thiếp đi trong tư thế đó. Cái miệng hít thở khí có hơi khô, bị gối đầu đẩy nhô lên.

Không có một lời khuyên bảo nào hết, nước mắt của cậu cũng cạn rồi, nhưng hụt hẫng thì lại tăng vọt. Cậu khom người ngồi xuống trước bàn sách, xé đống khăn giấy thành những dải mỏng và gom chúng lại một chỗ. Trên bàn có một cốc nước, cậu nhúng đuôi giấy cho thấm nước rồi dán vào mép bàn. Khi toàn bộ các cạnh đều bị cậu dán giấy, chiếc bàn mọc ra phần tóc mái màu trắng, quạt lắc đầu thổi gió, tóc mái nhẹ nhàng tung bay.

Đến khi thầy tỉnh lại, sửng sốt không thấy cậu đâu, nhìn đống giấy trắng bay đầy trước mắt còn tưởng mình ngủ một giấc đã đến suối vàng luôn rồi.

Còn kẻ đầu têu thì đang xem sách về lập trình.

"Xem có hiểu không?" Thầy Nghiêm uống một ngụm nước trong ly.

Cậu trò đáp lại một tiếng rồi ngẩng đầu lên, nét mặt có vẻ hứng thú nói: "Em nghĩ em hiểu đó."

Trên màn hình của loa đồng hồ hiển thị lúc này là bốn giờ hai mươi ba phút chiều. Hắn rút quyển sách từ tay cậu rồi cất lại trên giá sách.

"Đi thôi."

"Đi đâu ạ?" Cậu học sinh bối rối.

"Về nhà."

Học sinh càng hoang mang hơn, thầy đã nói sẽ khuyên bảo nhưng lúc tỉnh dậy còn chưa nói câu nào đã đuổi người ta đi. Cậu dán mông vào ghế, móc hết đống giấy dính ở khắp nơi xuống. Thầy đã đi tới cửa lại quay trở vào, động tác nhanh chóng xử lý sạch sẽ hết đống giấy. Cậu học sinh ngẩng đầu nhìn thầy mình không có biểu cảm gì, sợ bị biến thành đá nên lại cụp mắt xuống.

Có người không phải giáo viên nhưng ở họ lại toát ra khí chất nhà giáo. Có người rõ ràng là thầy giáo, dù mặc đồng phục đeo thẻ vào nhưng trông lại giống y như diễn viên hạng ba.

Thầy Nghiêm hít mũi một cái rồi lấy giấy chặn lại. "Đi, theo chơi game với tôi nào."

Hắn lại quầy lấy một nắm tiền xu, không nói lời nào đã chọn "đấu đơn" với bạn Trương. Vốn có thể hóa bi thương thành tức tối rồi trút cảm xúc ra bằng con đường đúng đắn, tiếc là, bạn Trương bị thầy Nghiêm đánh cho tơi tả không còn giọt máu, cái mặt vốn đã chù ụ dần biến thành nhăn nhó.

"Em không chơi nữa!"

Bạn Trương tức giận đập tay lên bảng điều khiển, lỡ tay đưa nhân vật của mình đến trước mặt kẻ thù và bị đối phương dùng một chiêu tuyệt sát đánh cho bay lên trời rồi ngã xuống đất.

"Cmn thầy làm giáo viên không thể nhường cho học sinh sao!"

"Giờ tôi không có đi làm, không phải thầy giáo."

Câu này nói sai thì không sai, nhưng nói đúng thì lại tìm không ra được lập luận chính xác ở đâu.

Bạn Trương bật dậy khỏi ghế, đi chưa được hai bước đã nghe thấy thầy Nghiêm nói ở phía sau: "Về nhà rồi bảo mẹ gọi điện cho tôi."

"Ai nói em muốn về chứ!" Bạn Trương quay đầu lại hét với thầy Nghiêm: "Thầy đừng đi theo em!"

Mặc dù thầy Nghiêm đứng lên nhưng chỉ dụi mắt thôi, chơi game gần một tiếng nên mắt có hơi khô. Hắn đi ngang qua người bạn Trương và xoay người lên lầu, dùng hành động thực tế để đáp lại mệnh lệnh của cậu. Bạn Trương ngỡ ngàng đứng nín thở một lúc, sau đó lê bước trở lại ngồi trước máy chơi game. Thầy Nghiêm không lấy tiền xu đi nên bạn Trương vớ lấy một xu ném vào khe đựng tiền, hững hờ điều khiển các nút và trục quay.

Cảm lạnh không phải là bệnh nặng khó chữa, chỉ cần nghỉ ngơi thật tốt thì cơ thể sẽ nhanh chóng hồi phục. Ném gà con lại rồi về phòng ngủ, một tiếng sau thầy Nghiêm bị gọi dậy ăn cơm chiều, đầu không còn choáng, mũi cũng đã thông hơn một chút.

Trên chiếc bàn gỗ tròn đặt bốn bộ bát đũa, bên cạnh cũng có ba người ngồi, thầy Nghiêm ngớ người đứng đó dù có bị cận cũng không thể nào tính sai được. Bạn Trương mới đụng vào đũa thì lại chạm phải ánh mắt của thầy Nghiêm, cậu ngượng ngùng không ngóc đầu lên được, nắm tay lùi về dưới gầm bàn.

"Mẹ thấy cũng không còn sớm nên đã giữ thằng bé lại ăn cơm." Mẹ của thầy Nghiêm nói.

Hai người lớn tuổi đều thích trẻ con, bọn họ đối xử với bạn Trương mười mấy tuổi như bé con vừa mới học chạy, hết gắp thức ăn lại hỏi han ân cần. Sau khi ngồi xuống, thầy Nghiêm im lặng ăn cơm không nói tiếng nào. Bạn Trương đứng ngồi không yên, ăn một lúc mới nhận ra đồ ăn hơi đậm vị. Cái này ăn hết thì khó chịu mà nhè ra lại không hay, bạn Trương đang gặp phải thế khó thì bị nhét một đống cơm trắng vào miệng. Cơm có vị ngọt tự nhiên nhai cùng với đồ ăn làm vị đậm cũng dần giảm đi. Bạn Trương hơi quay đầu sang nhìn thầy Nghiêm vừa nhét cơm cho mình, người kia gắp rất ít đồ ăn mà cơm thì lại đầy miệng, đúng là một cách ăn rất khôn khéo, thì ra vừa rồi không phải cố ý chặn miệng cậu.

"Đồ ăn có vừa miệng không?" Bố của thầy Nghiêm hỏi.

Khi bạn Trương ngồi ở phòng khách trên lầu chờ cơm có trông thấy ông bố bận rộn trong phòng bếp, người cầm muôi đã hỏi thì đương nhiên cậu phải trả lời sao cho người ta hài lòng rồi. Cậu vừa há miệng thì đã thoáng thấy thầy Nghiêm đang liếc nhìn mình.

"Ngon ạ!" Bạn Trương nói xong liền gắp một miếng thịt heo xào cho vào trong miệng rồi lại xúc một ngụm cơm lớn.

Câu trả lời này không chỉ khiến ông bố hài lòng mà còn chiếm được nụ cười nhẹ của thầy Nghiêm.

Bạn Trương bị bất ngờ. A Hoa A Hồng A Yến trong lớp luôn nói thầy Nghiêm nghiêm túc, đã cool lại còn đẹp trai, nhưng lúc này thì bạn Trương không đồng ý, rõ ràng là cười lên trông mới dễ nhìn mà.

"Bố, ngày mai có thể con phải tăng ca, bố để đồ ăn trong nồi, lúc về con tự hâm nóng lên ăn."

Bạn Trương nghe lén lịch trình của thầy Nghiêm, bất giác mở miệng hỏi: "Thầy ơi, hôm nay có bài kiểm tra nhỏ, thầy xin nghỉ bệnh vậy là đổi sang ngày mai ạ?"

Thầy Nghiêm khẽ gật đầu, "Cho nên cậu cơm nước xong xuôi có thể về nhà học bài không?"

Hôm nay đã chạy trốn cả ngày, cũng đến lúc nên đối mặt với hiện thực rồi. Bạn Trương cúi thấp mặt xuống gật đầu.

"Nếu lần này không lọt vào top năm thì tôi sẽ cân nhắc việc đổi cán sự bộ môn đấy." Thầy Nghiêm nói.

Bạn Trương ngồi thẳng lưng lại, nghe thấy bố mẹ già hỏi mình thi thố có khó không, cậu hết lắc đầu rồi lại gật đầu, hồn lìa khỏi xác.

Thầy Nghiêm bị bệnh không uống thuốc Tây mà dùng thuốc Đông, sau bữa ăn phải đi hâm nóng món canh thuốc đen sì trong phòng bếp. Nhà bếp được thiết kế hình chữ "冂", gần cửa là bếp ga, bạn Trương thu dọn bát đũa bước vào thì thấy bếp đang nấu, cậu đứng khựng lại ngay cửa, thậm chí còn lùi về phía sau. Canh thuốc đã nóng nên thầy Nghiêm tắt bếp, lúc này bạn Trương mới cẩn thận bước vào trong.

"Đừng, đừng bật lửa, khí ga, khí ga cũng nên vặn lại đi ạ."

Trông thấy thầy Nghiêm đóng van lại, bạn Trương âm thầm thở phào một hơi. Thuốc cảm có vị đắng, thầy Nghiêm cau mày uống hết một hơi, sau khi đặt cái chén xuống liền nói sẽ đưa bạn Trương về nhà.

"Đây không phải 'đưa', là 'áp giải' mới đúng ấy..."

Thầy Nghiêm nghe thấy bạn Trương tự giễu thì khóe môi khẽ cong lên.

Mẹ già cảm thấy bạn Trương là khách nên đến giờ cơm tối đã treo biển "Nghỉ ngơi" ở ngoài quán game, mọi người đều ngồi ngay ngắn vào một bàn ăn cơm. Dưới lầu không có người chỉ có máy móc phát ra ánh sáng nên trông có hơi đáng sợ một tí. Thầy trò hai người xuống lầu đi ngang qua quầy, thầy lấy từ trong tủ lạnh ra hai chai nước khoáng, một chai mình uống, còn một chai đưa cho học sinh.

Trời nóng nực làm chai nước vừa tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài liền xuất hiện những giọt nước bé li ti. Cái cách thầy rót nước vào bụng trông có hơi quen quen, học sinh cũng uống theo hai ngụm mới hiểu ra được. Từng ngụm nước đá trong veo làm giảm bớt hiện tượng khát sinh lý do đồ ăn đậm vị tạo thành. Hai người một trước một sau uống hết chai nước, không hẹn mà cùng hít một tiếng. Thầy Nghiêm quay đầu nhìn cậu học sinh, bất giác nở nụ cười.

Cậu ngơ ngác hỏi: "Bác ấy làm đồ ăn mặn như vậy sao thầy không nhắc bác ạ?"

Hắn vứt chai nước đi, "Vị giác của bọn họ có hơi thoái hóa rồi, đậm một chút mới có thể nếm được vị."

Một chiếc xe đạp chạy qua phía sau làm cả con đường đều vang lên tiếng chuông, hai người bị giật mình và va vào nhau trong lúc bối rối. Cậu đã biết thầy cao hơn mình một cái đầu từ trước, chỗ cằm cọ vào ống tay áo thun của đối phương. Bạn Trương suy tư nhìn thầy mình. Cậu thường xuyên nghe người khác nói mẹ cậu trẻ đẹp, nhìn hai mẹ con như hai chị em. Thầy trẻ hơn mẹ, không mặc áo sơmi quần tây lại trông càng giống người anh họ bà con xa của cậu hơn. Nhưng dù tuổi tác chênh lệch thế nào thì vấn đề mà thầy đang đối mặt hiện giờ, sớm muộn gì cũng đến lượt cậu, chỉ là nó còn rất xa xôi nên tạm thời chưa trải nghiệm được thôi.

"Khi người ta già đi đều sẽ như vậy sao thầy?"

Nhìn cái người còn đang buồn lòng vì mụn dậy thì hỏi về vấn đề này nghe buồn cười thật đấy.

Trong một con hẻm nhỏ có người đang hút thuốc, thầy Nghiêm dậm dậm chân nói với bạn Trương: "Tôi đi kiểm tra điện thoại một lát, chờ tôi hai phút." Rồi mới đi vào con ngõ nhỏ và vùi mình vào làn sương khói mờ nhân ảnh.

Cậu học sinh cũng lấy điện thoại ra tra mạng, tất cả mọi người đều đang thảo luận về vấn đề "Làm gương sáng cho người khác". Có một giáo viên hút thuốc ở ngoài trường học bị chụp ảnh đăng lên mạng, chỉ một lát sau đã bị người ta bóc phốt. Có người nói nhà giáo dục nên làm tấm gương sáng mọi lúc mọi nơi để tạo nên ảnh hưởng tích cực đến học sinh. Cũng có người đặt câu hỏi tại sao giáo viên lại trở thành công việc hai mươi tư giờ, làm tăng ca không lương còn chưa đủ hành hạ người ta sao, giờ đến thời gian nghỉ cũng đòi quy định thế này thế kia nữa. Bàn tới bàn lui, cuối cùng nhà trường tạm thời đình chỉ giáo viên kia.

Bạn Trương thấy mí mắt mình cứ giật liên tục, cậu không nói tiếng nào liền đi vào trong con ngõ lôi thầy Nghiêm ra ngoài và đưa điện thoại cho đối phương xem, ai ngờ lại rước lấy một trận cười của người nọ.

Cậu lo lắng dậm chân, "Có phải thầy hút thuốc tới nỗi đầu óc xảy ra vấn đề rồi không?"

"Cái này cũng đâu phải là chất gây ảo ảnh."

Cậu học sinh cố hết sức kéo thầy về nhà, "Vậy là do thầy ăn quá mặn quá ngọt nên bị ngố đó."

Thấy thầy Nghiêm không phản bác, cậu lại nói tiếp: "Em thấy nước thầy uống mỗi ngày đều rót vào trong đầu rồi, thầy mà lắc đầu là có thể nghe được tiếng nước ào ào luôn đó. Thầy không định nói với hai bác là ăn nhạt một xíu sao? Thà không nếm được vị còn tốt hơn là cơ thể xảy ra vấn đề mà? Vậy là thầy có hiếu nhưng dại dột rồi..."

(Hy: Hơi láo ròi đó:>)

Thầy Nghiêm có hơi dừng lại nhưng vẫn lựa chọn im lặng là vàng. Trên đường đi bị học sinh của mình quở trách từ đầu đến chân, cậu nói khô cả mồm, đến cuối còn liếm liếm môi, trông giống nhà giáo nhân dân lên lớp một ngày hơn cả hắn.

Đưa học trò đến dưới lầu, cuối cùng thầy Nghiêm cũng mở miệng: "Nước lần này cũng không tính tiền cậu. Sau này đừng có đến quán game nữa."

Người dạy sẽ rất khó chịu khi đối mặt với sự bướng bỉnh chậm hiểu của người học, cuối cùng bạn Trương cũng cảm nhận được công việc gian khổ của một nhà giáo rồi.

Updated - 31/07/23