Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 139: Hồi Hai Mươi: Đánh bài tố (c)



Bãi biển Las Las Flores tràn ngập những bóng dáng du khách và dân địa phương đi nghỉ mát. Mòng biển vỗ cánh trên thinh không xanh trong như màu ngọc bích. Vài tay lướt sóng đang ôm ván chuyện trò với nhau. Đâu đó có mấy bé con đang chơi trò đắp cát, xây lâu đài hoặc rượt nhau chạy vòng vòng. Những làn gió biển mang hơi muối mặn vào gian phòng của cậu trai có khuôn mặt hiền tựa thiên thần. Bây giờ là mười giờ rưỡi sáng, nhân viên phục vụ của khách sạn sẽ đánh thức y dậy vào khoảng độ một tiếng nữa. Đã lâu lắm rồi, y mới quay về El Salvador thân yêu.

Bản nhạc chuông "Not Afraid" do rapper nổi tiếng Eminem trình diễn đánh thức anh ta dậy. Sau lần bị băng đảng đối thủ bắt cóc rồi tra tấn một trận thừa sống thiếu chiếu, bài hát với giai điệu chẳng mấy êm tai này đã vực y dậy từ địa ngục tù túng nơi bệnh viện hạng sang suốt bảy năm ròng.

Angelo Cristoval Salcedo - Đó là họ và tên của y, mang hàm nghĩa "Thiên thần nam của Đức Kito Vua".

Số máy gọi tới nói tiếng Anh không mấy rành rẽ, nhưng vẫn đủ để Angelo hiểu, vì giọng nói này hết sức thân quen với y. Cậu trai này đã từng gửi biếu y mấy pounds thịt bò khô tự làm rất ngon. Ngoài ra, hai người còn trò chuyện với nhau suốt mấy năm trời. Nhờ thế mà khoảng thời gian nằm viện cũng đỡ tẻ nhạt và lẻ bóng.

- Min hả? Ba năm rồi mới được nghe lại giọng cậu...

- Angelo! Thật tốt khi thấy anh mạnh giỏi.

- Tôi không có chỉ tội Andy nữa đâu mà cậu sợ gọi tới thăm chừng... - Angelo nhấn chuông gọi nhân viên dọn bữa trưa. Tiếng chuông bấm vọng vào tai cậu bạn kết giao trên mạng xã hội nghe như thể tiếng chuông đêm Giáng Sinh.

- Không thể coi nhau là bạn được sao?

- Well... - Angelo nhỏm dậy, rồi với tay chống nạng. Những bước chân đính kèm với tiếng nạng gỗ va chạm với mặt sàn lót thảm nhung. "Lách cách", cửa phòng bật mở. Người nhân viên mỉm một nụ cười hòa nhã khi thấy y, rồi nhỏ nhẹ xin phép đẩy xe đựng bữa trưa vào phòng. Bữa trưa của y có món cá mú nướng nguyên con kiểu Địa Trung Hải, một phần bánh tacos cuộn gà và một chén súp đậu. Thức uống có món cocktail Dry Martini thơm nồng giúp khử mùi răng miệng và giảm ngán ngấy đồ ăn rất hiệu quả.

- Hôm nay anh uống cocktail vị gì?

- Ha... Vẫn còn nhớ hả? Là Dry Martini. Còn cậu?

- Một lon cocktail của nhãn hàng Clubtails, cái tên của nó ngộ lắm: Sex on the beach.

- Tôi cũng có nghe qua. Nhưng chưa muốn uống thử. Vị của nó thế nào? Có ngon bằng cocktail "tươi" không?

- Gần bằng.

- Bên cậu mấy giờ?

- Chúng ta cách nhau khoảng mười ba tiếng đồng hồ. Tính ra, đã gần một giờ sáng. - Vệ Minh bậm nhẹ cánh môi.

- Cậu có muốn biết tôi và Andy có mối quan hệ như thế nào không?

- Anh và Andy quen biết với nhau trước khi tôi gặp gỡ anh ấy à?

- Ngạc nhiên sao?

Vệ Minh nén tiếng thở dài đong đầy sự bất an của mình mà ráng lên tiếng nói, "Phải."

- Dẫu cho "thằng nhỏ" của tôi hết nhúc nhích đi chăng nữa, tôi cũng chẳng thèm khát đến độ đi tìm khoái cảm bằng đường hậu môn đâu. - Angelo chỉnh lại máy trợ thính. - "Đường truyền" của tôi đủ tốt để thu thập... những thứ mà một kẻ tật nguyền khốn khổ như tôi cần. Nên chuyện giữa cậu và anh ta, tôi biết rất rõ. Hai đứa tôi chỉ là đối tác làm ăn, xong thì dông, không có lưu luyến hay tiếc nuối chi sất. Chỉ có điều năm đó, anh ta đã đẩy tôi một cú quá mạng, khiến tôi trở nên thân tàn ma dại như ngày hôm nay.

Nhấp một ngụm đồ uống Clubtails mang tên "Sex on the beach", Vệ Minh thủng thẳng thăm dò ý tứ của cậu trai El Salvador.

- Có ghi thù không?

- Không... Anh ta chẳng xứng đáng để được tôi ghi thù tạc dạ. Vả chăng, nhờ vậy mà cha tôi mới tránh được sự truy cứu của pháp luật suốt mười năm nay.

- Nói chuyện trên đây không tiện nhỉ?

- Phải. Hacker ở khắp mọi nơi. Bên chính phủ, bên giang hồ, bên nhiều chuyện, bên buôn bán tin tức,... Khi nào sức khỏe tôi ổn định, tôi sẽ ghé sang thăm cậu. Còn bây giờ, chấm hết nhé?

- Giữ gìn sức khỏe để sau này chúng ta còn có thể gặp nhau ngoài đời nhé? - Vệ Minh chợt thấp giọng như đang thủ thỉ với người bạn thân.

Ở đường truyền bên kia, Angelo khẽ nhoẻn miệng cười, rồi tiếp tục gỡ thịt cá mú. Hình ảnh cậu thiếu niên chưa đầy mười bảy tuổi tái hiện trong tâm trí anh ta. Giọng nói đã thôi còn cái nét hấp tấp và nhanh nhẩu đoảng năm xưa. Có lẽ thời gian đã tôi rèn sự trầm lặng và bình tĩnh cho Min, tiện thể khiêng đi luôn sự tươi vui hồn hậu của cậu.

Những tiếng kêu quang quác của chim mòng biển khỏa lấp không gian căn hộ khách sạn mà Angelo đương ở. Anh rửa tay với dung dịch sát khuẩn, rồi khập khiễng chống nạng tới bên ban-công đầy gió và nắng. Đây là "La isla Bonita" của anh trên Trái Đất này.

Vệ Minh gửi cho chồng cưng ca khúc "Người tình ngàn dặm - 500 miles" do ca sĩ Ngọc Lan trình bày, trước khi mở ứng dụng Uber đặt xe. Nhạc sĩ Trường Kỳ cũng viết lời Việt từ nhạc phẩm dân ca "500 miles" này mang tên "Tiễn em lần cuối"; về sau, mọi người thường lấy phần trình bày của ca - nhạc sĩ Trung Hành làm khúc ca tưởng niệm cố ca sĩ Ngọc Lan.

Một hồi lâu sau, khi chiếc taxi Uber tới đón cậu, An Kỳ mới gửi lại nhạc phẩm "Mandoley" do ca-nhạc sĩ Trung Hành trình bày.

Ngồi trong chiếc xe hiệu GMC có kiểu dáng vững chắc và rộng lớn, Vệ Minh đeo tai nghe để thưởng thức khúc nhạc trữ tình qua giọng ca ngọt ngào của cô Ngọc Lan:

"Người tình hỡi, nếu trên đường phố có anh từng khuya đón đưa em về, giọt mưa rơi sẽ không não nề. Mình càng đam mê..."

- Tôi muốn xuống xe ở đây...

- Ồ được. - Nguyên khúc đường này không có chỗ cho phép dừng xe, nên anh ta cáo lỗi, rồi bậm môi chạy thêm một đoạn nữa mới đậu lại. Hy vọng cậu khách không khiếu nại với công ty rằng mình "vẽ chuyện" để tính thêm tiền.

"Xịch."

Vệ Minh đưa tấm thẻ ngân hàng cho người tài xế mặt mày già dặn. Anh ta coi xét một chút, rồi mới cà thẻ thanh toán cước phí; có lẽ anh ta hơi tiếc khi thấy không có tiền "boa".

- Đây là phần của anh.

Vừa nhận tờ tiền mệnh giá năm mươi đồng từ tay cậu khách "sộp", gã tài xế vừa rối rít cảm ơn, nhưng vẫn canh cánh trong lòng chuyện ban nãy.

- Tôi cam kết không khiếu nại với công ty đâu. Mong anh đừng lo lắng hay muộn phiền nữa.

- Cảm... cảm ơn... cậu... nghen...

Một mình cậu độc bước trên con phố đêm quạnh vắng. Hai bên đường hàng quán thưa thớt vì cơn mưa ban chiều càng lúc càng nặng hạt, ai cũng tưởng đêm nay sẽ mưa to lắm, nên cả khu phố ráp nhau nghỉ bán gần hết. Không thể ngờ rằng Ông Trời giỡn cợt, khuya nay tịnh không có lấy một giọt mưa. Mây mù khuất lấp vòm trời rộng lớn. Gió dữ thổi ù ù nghe như tiếng người đàn bà đương thổi lò nấu cơm trong bếp.

Bất giác nhớ tới chuyện năm xưa với gã trai họ Ngôn, Vệ Minh lấy làm tiếc nuối vì vở kịch của mình bị lộ tẩy quá sớm. Uổng công cậu đêm ngày "hầu hạ" gã, mà cái đám chó kia vẫn phát hiện cậu không hề bị mất trí nhớ. Chúng cố tình chọn người thăm dò có ngoại hình hao hao như An Kỳ để thử cậu. Cậu biết tỏng ngay từ khi giáp mặt lần đầu, toan tẩn cho gã một trận ra trò trong đêm hôm đó, nhưng sực nhớ ra lá thư "đề nghị" làm nhân chứng chống lại người thương, cậu đành nuốt xuống cơn thịnh nộ mà nín nhịn tương kế tựu kế. Vô tình cậu đã biến anh Ba thành một thằng ngớ ngẩn và rỗi hơi trong suốt mười năm qua. Nhưng biết làm sao đây, khi cậu không có khả năng đặt niềm tin vào Tần Hối, người có thể là nội gián của phe kia cài vào để thu thập tin tức của cậu từ khu vực của anh Ba.

- Cậu gì ơi... Mua tò he không? - Một ông lão đứng bày hàng dưới một mái hiên quán cơm tấm thưa khách cất giọng gọi.

Nhìn xuống mới thấy cái chân trái của ông lão bị quấn băng và nẹp ghim rất cẩn thận, nếu muốn lừa đảo kiếm tiền thì phải lựa vắt sáng, chứ ai đâu lại...

- Dạ, xin ông đợi con chọn kiểu một lát. - Nói đoạn, Vệ Minh đi lại quầy đặt tủ kính đựng thức ăn đặt một dĩa cơm tấm thập cẩm. Nếu ăn ngon, lát nữa cậu sẽ mua về cho mỗi người hộp. Giờ này chắc cha nội kia đã vì xiêu lòng mà cho sắp nhỏ thức khuya chơi game "thả cửa". Cậu cũng mới biết, Uông Trác rất thích được khen đẹp trai, thành ra cứ bị mấy đứa nhỏ lừa hoài, bởi anh ta tin chắc nịch rằng con nít không biết nói dối. Anh ta có mà đẹp trai trong con mắt của Ý Hiên, chứ còn với cậu thì chấm cho con điểm trên mức trung bình là quá ưu ái rồi.

Dường như đã lâu mới được nghe lại cách nói chuyện tử tế, nên ông lão xúc động lắm.

- Cậu... Con... Con muốn ông nặn hình gì?

- Dạ, con thích hoa hồng và... - Vệ Minh sực nhớ ra sở thích của mỗi đứa con.

- Con cứ tự nhiên đưa mẫu cho ông, ông sẽ cố gắng nặn giúp cho. Xin con đừng ngại. - Ông lão khẩn khoản đề nghị.

Bất đắc dĩ, Vệ Minh đành tìm mẫu của các nhân vật hoạt hình đưa cho ông lão. Trong lúc ấy thì ông lão đã nặn sắp xong một bông hồng nhiều lớp đỏ thẫm tuyệt đẹp. Nhân viên quán ăn đã bưng phần cơm và chén canh ra bàn.

- Tới trễ thế?

Người đàn ông có dáng gầy như nhành mai, con hạc ấy chỉ cười mà không đáp. Anh ta rút khăn mùi soa thường mang theo bên mình ra lau mồ hôi trán cho cậu. Bang chủ thứ Sáu của Tống Vũ Môn - Báo Tuyết.

- Công việc kinh doanh của anh Sáu dạo này ra sao rồi?

- Lai rai. Đôi lúc ham vui tân trang lại quán hay mời ca sĩ về hát nên có khi phải đắp tiền túi vào bù lỗ.

- Cái vỏ bọc của anh tốt nhỉ? Tốt hơn của em Út nhiều...

- Sắp tới sinh nhật của Boo ú rồi nhỉ? - Anh Sáu đánh trống lảng.

- Kêu nó ú nó giận đấy. Cu cậu lớn phổng rồi. Nên biết tự ái rồi.

- Em nên chăm mình như chăm nó thì sức khỏe sẽ tốt hơn.

- Tháng này gia đình em có tiệc sinh nhật, anh ghé chơi nhe?

- Của ai? Cậu Thanh hay bác gái?

- Không, là của con trai em, nó sinh cuối tháng Năm.

- Nhưng Boo sinh tháng Sáu mà... À, là con trai của Andy...

- Nó chưa từng được tổ chức tiệc mừng tuổi mới nên nôn nao lắm...

- Em nói gì nghe lạ. Con nhà giàu nhường ấy mà chưa từng được tổ chức sinh nhật hay tiệc mừng tuổi mới sao?

Vệ Minh không muốn giải thích. Cậu chẳng thích nói xấu chồng mình và cô Yến. Quá khứ của họ đã trôi qua rồi. Sự vụng dại và dở tính ấy đã làm đảo lộn cuộc đời của tận mấy con người. Nay nhắc lại làm chi cho thêm đau lòng.

Có lẽ đã hiểu ra, anh Sáu chỉ lắc đầu cười buồn. Tuy anh không sinh trưởng trong một gia đình giàu sang, nhưng đều đặn năm nào ba má cũng vun vén tiết kiệm để lo cho anh và các anh chị em khác trong nhà được một ngày mừng tuổi tươm tất và náo nhiệt. Tới tận bây giờ, ba má vẫn nhắc nhở anh nhớ về nhà để ba má chuẩn bị tiệc sinh nhật.

Hai người im lặng dùng bữa khuya muộn trong màn mưa rơi rả rích và giọng hát tuyệt diệu của nam danh ca Duy Trác. Ca khúc "Sắc hoa màu nhớ" chan chứa những câu tự thuật về cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Đây cũng là lần duy nhất Duy Trác hát nhạc của người nhạc sĩ này.

Bây giờ không còn ai có giọng hát trầm ấm, du dương và ngọt ngào như bộ tứ Anh Khoa - Sĩ Phú - Duy Trác - Anh Ngọc đã từng trình bày, và làm mê đắm không biết bao nhiêu trái tim dễ rung cảm khắp non nước này. Giọng hát của các bác sẽ vĩnh viễn khiến trái tim người nghe bị hẫng một nhịp vì kinh ngạc, và tận sâu nơi đáy lòng rung lên từng tràng xúc cảm hân hoan diệu kỳ với từng âm vực cao thấp mà các bác cất lên.

Ông lão vẫn tỉ mẩn nặn những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh. Thỉnh thoảng lại ngâm nga theo tiết tấu của giai điệu.

Nơi máy cát-xét, nhạc đã chuyển sang bài "Bên ni bên nớ" do ca sĩ Anh Ngọc trình bày. Hai người đàn ông rắn rỏi đang băng qua màn mưa để vào quán ăn cơm; họ là những tài xế lái xe container đường dài, vì không có vốn nên lái chung một chiếc xe cho nhẹ tiền góp hàng tháng.

- Em cười chuyện chi?

- Có một ca khúc mang tên "Woman in Love - Đi tìm Tình Yêu" do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt từ ca khúc "Woman in Love", trùng tên với bài hát của một kẻ viết nhạc thời nay. Chuyện sẽ không có gì là đáng nói, nếu không xảy ra một câu chuyện nhầm lẫn tai hại và rất tức cười như vầy: Một số người chưa nghe nhạc mà đã tùy tiện gắn "lyric" của anh ta bên dưới clip nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, và còn đánh dấu vi phạm bản quyền clip nhạc vì cho rằng đã đăng tải MV của người này trái phép.

- Trời! Sao quái gở vậy?

Lắng tai nghe ca khúc "Chờ người" do nữ ca sĩ Như Quỳnh thêm một đoạn nữa, Vệ Minh mới tiếp tục câu chuyện:

- Bài hát đang phát trong quán là của nhạc sĩ Khánh Băng sáng tác, trùng tên với ca khúc "Chờ người" của nhạc sĩ Lam Phương. Chuyện đặt tên trùng nhau chẳng có gì đáng nói, điều đáng chê trách ở đây là sự vô duyên khi chèn "lyric" bài này sang bài kia. Và hầu hết các clip nhạc "Đi tìm Tình Yêu" của nhạc sĩ Phạm Duy đều thấy "lyric" của anh ta, cũng như bị gắn cờ vi phạm bản quyền. Em thực sự chẳng hiểu những con người làm việc đó có từng nghe hết một câu trong nhạc phẩm do cụ ấy viết lời không nữa.

- Nếu muốn nghe lại ca khúc "Đi tìm Tình Yêu" của Phạm Duy thì phải làm sao?

- Anh Sáu lên Youtube gõ nhóm chữ "Woman in Love Khánh Hà" là sẽ ra. Còn "Woman in Love - Khi nàng yêu" do cô Ngọc Lan trình bày là của nhóm nhạc Lê Minh Bằng.

Anh Sáu buông xuống một câu nhận xét, rồi mới chịu ăn nốt phần cơm:

- Hậu sinh khả ố.

Ông lão khẽ khàng thông báo cho Vệ Minh hay là đã xong. Sau khi trả tiền, cậu mời ông dùng cơm tấm. Ông cũng không khách sáo, bèn chọn một chỗ ngồi gần nơi làm việc ăn cơm.

Mưa hãy còn rả rích rơi. Từng giọt sầu bi kêu vang trong đêm khuya thanh vắng. Những hàng cây me tây ướt sũng. Dưới mặt đất, ấu trùng ve vẫn ngủ say. Trong những lùm cỏ um tùm chưa phát quang, bầy dế đang thi nhau cất tiếng gáy râm ran, đầy rộp rịp. Nơi góc phố, lâu lâu lóe lên những ánh đèn pha của xe hơi, sắc vàng ấm như cúc ngọt khoe sắc dưới ánh nắng mùa Hạ.

oOo

- Anh có nghĩ ra lời giải của câu đố lần trước chưa?

- Chưa. Tôi bận bịu quá nên quên khuấy mất.

- Vừa có ứng cử viên thứ tư cho bài hát "Chờ người" của nhạc sĩ Lam Phương.

- Ai vậy?

- Danh ca Duy Trác.

- Ba người kia tôi còn không biết nên chọn ai. Giờ tiếp thêm ứng cử viên thứ tư thì làm sao tôi chịu thấu đây anh bạn? - Đặng Xương Tuyết cười khổ. Giá mà có tờ bìa in tên album thì hay biết mấy, anh sẽ biết giọng hát tuyệt vời ấy là của ai.

Bản nhạc "Con chim lạc bạn" do ca sĩ Duy Trác trình bày khiến không gian quán cà-phê đương ồn ào trở nên lặng phắt. Ai nấy đều như muốn uống trọn từng âm vực của tiếng hát sang trọng và tao nhã ấy. Ngay cả khi khúc tình ca chấm dứt, mọi người vẫn chưa hoàn hồn được.

- Đoán được chưa?

- Tôi chịu thua. - Đặng Xương Tuyết lắc đầu xin hàng.

Không muốn làm khó người bạn mới quen, Đặng Thừa Tân bèn để lại khoảng lặng cho anh ta suy tưởng hòng tạo ra tình tiết đặc sắc cho cốt truyện sắp tới. Vừa bật ca khúc "Trăm mến Ngàn thương" do ca sĩ Anh Khoa cất giọng, anh vừa giục đám nhân viên lau dọn bàn ghế.

"... Một yêu non nước như mối tình đầu

Lại yêu Quê Hương mảnh đất đẹp màu

Và tha thiết nữa là anh với tôi

Khi đã cho nhau cuộc đời mặn nồng đôi có đôi..."

- Tôi chỉ dùng cách gọi "thợ hát" và "thợ diễn" với những kẻ kê khống chi phí điều trị hòng làm tiền người hâm mộ và mạnh thường quân; chứ còn những người trong giới giải trí mắc bệnh hiểm nghèo tôi vẫn giúp đỡ bình thường, không kỳ thị hay phân biệt ai. - Đặng Thừa Tân khẽ khàng tâm tình với anh bạn cùng họ.

Tự dưng Đặng Xương Tuyết nhớ tới cái hôm gặp gỡ ông cụ phế binh. Anh có nói sai ở một chi tiết khi nhắc đến ca khúc "Thói đời", là nó đã tiên tri về con đường đặt chân đến nước Mỹ của cố nhạc sĩ Trúc Phương, chứ không phải là về hoàn cảnh của cụ vào thời điểm định cư bên ấy, vì cụ vượt biển lần nào cũng bất thành. Đáng lý ra một người từng trải và sành sỏi nhạc Vàng như cụ ông phải đính chính ngay. Đằng này, cụ lại tiếp lời của anh ta chứ không sửa chỗ sai. Có lẽ cơn mỏi mệt do bệnh hậu gây ra đã khiến cho cụ mất đi sự minh mẫn và giảm sút trí nhớ. Nhưng nếu đúng như cảm nghĩ của anh, thì tại sao cảnh sát Cường lại...

- Trên con đường theo đuổi sự nghiệp Văn Chương, anh có gặp tình huống bi hài nào không?

- Văn phong lậm Tàu là thứ tôi mắc cười nhất mỗi khi đọc nhận xét của bạn đọc. Nếu tôi giới thiệu tên của một quyển sách do nhà văn ngày xưa viết, mà không ghi tên của tác giả ra, chắc chắn sẽ có khối người nhảy cẫng lên và vào dạy đời cách viết sao cho "thuần Việt". Đọc sách thì toàn lựa truyện giải trí, thì làm sao đủ hiểu rằng giọng văn không thể nào mang hơi hướm nước này hay nước nọ. Có chăng là sử dụng câu từ sai văn phạm hay quy tắc tiếng Việt... Đã thế trong đầu họ chỉ biết mỗi Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, nên luôn mặc định viết như vậy mới là "thuần Việt". Thật là nực cười!

- Anh đề xuất cuốn nào?

- "Cơn lốc" của nhà văn Ly Châu, "Kẻ lạ mặt trên hải cảng" của nhà văn Minh Quân, "Hồn bướm mơ tiên" của nhà văn Khái Hưng, "Đôi bạn" của nhà văn Nhất Linh, "Bên hàng giậu" của nhà văn Ý Yên... Anh còn muốn tôi liệt kê thêm ít nhất ba mươi cuốn tiểu thuyết khác nữa không?

- Thôi, trước mắt đọc bốn, à, năm cuốn này đi. Anh có thể giới thiệu đôi nét về hai trong vài tác phẩm trên không?

- "Kẻ lạ mặt trên hải cảng" là một câu chuyện kể về cậu bé Hà Đình Minh và anh bạn thân người Ý, cả hai đều yêu biển cả và tha thiết với cái nghiệp thủy thủ vượt trùng dương. Càng đọc, tôi càng tưởng hai người này yêu nhau... À mà này, người sáng tác là con cháu hoàng tộc Huế, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi. Không những thế, cụ còn quen biết với cả Phan Bội Châu. Và ngoài ra, cụ còn là dịch giả cuốn tiểu thuyết "Túp lều bác Tom". Nên mong đừng có ai bắt bẻ cái tên của nhân vật chính lậm Tàu hay dạy đời cụ ấy cách viết văn thuần Việt.

- Còn "Cơn lốc"?

- Sau một biến cố bất ngờ, đôi mắt của nữ nhân vật chính trở nên mù lòa. Gia đình được tin các bác sĩ bên Nhật có thể chữa lành đôi mắt của cô, bèn gởi gắm cô lên ở nhờ nhà người bà con xa trong khoảng thời gian chờ đợi thông báo chính thức. Cô và người anh họ đã trót yêu nhau. Mối tình ngang trái của họ khiến tôi liên tưởng tới nhạc phẩm "Lạc mất mùa Xuân" do ca sĩ Anh Tú trình bày. Rồi thì cái gì đến cũng phải đến, người anh họ tìm cách lừa cô sang Nhật chữa mắt, còn anh ta thì qua Hoa Kỳ du học hòng gột rửa mối tình trái luân thường đạo lý. Trước đó, anh ta đã thú nhận chuyện tình của hai người và mong người nhà "đánh lạc hướng" cô bé. Vì cô bé biết rằng, một khi mắt mình sáng trở lại, cô phải trở về Đà Lạt sống với gia đình, đồng nghĩa chấm dứt việc được ở bên cạnh người anh họ; do đó mà cô kiên quyết không chịu sang Nhật chữa mắt... Tôi không kể nữa đâu, hãy đọc tới cuối câu chuyện, rồi anh sẽ hiểu...

Đặng Thừa Tân mỉm miệng cười buồn.

- Những kẻ nói văn phong Trung Quốc mới hoa mỹ, còn nước mình thì không xứng bằng, đáng bị gọi là đám lai-căn Tàu. Họ đọc được bao nhiêu đầu sách do người Việt viết, mà dám chụp mũ bất cứ ai sử dụng nhiều phương thức diễn đạt bay bổng trong một câu văn là lậm Tàu hay bắt chước Tàu. Cái đám đó đọc xong "Hồn bướm mơ tiên" dám chừng nói cụ Khái Hưng là đạo ý tưởng của mấy truyện diễm tình ba xu bên Tàu, hoặc nói cụ là sao chép văn phong Tàu, rồi còn đọc nhiều Ngôn Tình nên bị lậm nữa.

Ly cà-phê đen đá vang lên những tiếng lanh canh vui tai khi Đặng Xương Tuyết dùng muỗng khuấy đều thức uống ấy.

- Và dám chừng chúng đọc tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" của cụ Tân Dân Tử lại chửi cụ là toàn cóp nhặt cách viết bên Tàu. - Đặng Xương Tuyết còn nhớ có kẻ không biết cụ Hồ Biểu Chánh là ai, nên đã mạt sát cụ viết văn sai chính tả tùm lum, trong khi giọng văn của cụ rặt giọng miền Tây Nam Bộ. Bây giờ hỏi tới cái trào lưu nào cũng rành, quành sang Văn chương thì ú a ú ớ, nhưng hễ đọc thấy không viết đúng như lối mòn cũ rích mà họ quen mắt thì lại nhảy dựng lên chửi người viết lậm Tàu. Có những cái tên của các bậc trí sĩ, các bậc học giả nước Nam mà nếu những ai ham tìm hiểu không nói ra, chưa chắc gì họ đã biết. Và từ cái chỗ không biết, họ lại sẵn sàng "chụp mũ" bất cứ ai viết không hợp ý mình bằng những câu nhận xét thiếu tính khách quan lẫn kiến thức, nhưng lại nặng tính miệt thị, móc mỉa.

Đặng Thừa Tân vừa kiểm kê sổ sách, vừa lắng tai nghe những lời tâm tình của anh bạn cùng họ.

- Nội có hai chữ "Bất quá" mà cũng cãi nhau om sòm. Chữ này đã được sử dụng từ xưa. Nếu không tin, tôi mời họ tìm đọc cuốn "Chị em khác mẹ" của nhà văn Thụy Ý, chương Năm. Quyển tiểu thuyết này xuất bản trước năm 75, và người viết sống ở trong Nam. Tôi nói có sách, và luôn mách có chứng.

- Người càng đọc ít, thì lại càng cho rằng bản thân hiểu nhiều, đâm ra lười nhác học tập và ưa thích chụp mũ bất cứ ai trái ý kiến. Người càng đọc nhiều, thì càng tự biết bản thân mình ngu, nên luôn cố công trau dồi và học tập thêm nữa. Nhất là về vấn đề Lịch Sử và Chính Trị, kẻ chỉ đọc một chiều sẽ vĩnh viễn bị dắt mũi, người đọc đa chiều sẽ trang bị cho mình một vốn kiến thức đủ lớn để không bị bất cứ ai sai khiến hay điều khiển. Sức mạnh của Tri Thức là vô biên. Tôi đã từ lâu không tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng xã hội, bởi theo tôi thấy, Trắng ra Trắng, Đen ra Đen, chứ đừng có chơi hai hàng như màu Xám. Tôi ghét nhất là mấy thằng hai mặt chuyên đi hai hàng.

- Nhân Văn Giai Phẩm ra đời với mục đích đả phá đám bồi bút, lũ bưng bô chế độ, bọn ton hót để kiếm sống. Vì vậy mà kẻ thù của họ nhiều vô số kể. Hoặc làm người, hoặc làm chó, họ tự đẩy mình vào một sự lựa chọn duy nhất nên cuộc đời bi thảm khôn cùng. Và cũng vì vậy, cuộc đời họ đáng kính và bất khuất khôn cùng.

- Anh có muốn thành lập Tự Lực Văn Đoàn đệ nhị không?

- Không. Thế nào tôi cũng bị đem ra đấu tố để lập công với chính quyền. Hãy để Tự Lực Văn Đoàn mãi mãi gắn liền với cái tên của các cụ Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam,... Thế hệ sau, nếu đủ yêu Nước và yêu Văn chương như cụ Phùng Quán, hãy tự thành lập một hội nhà văn khác.

Nói đoạn, Đặng Xương Tuyết khẽ ngâm nga:

- "... Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm

Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ

Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá."

- Là bài thơ "Lời mẹ dặn" của cụ Phùng Quán phải không? Cố nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc cho ca khúc này, và lấy tên gốc làm tựa đề bài hát. Con trai của cụ là ca-nhạc sĩ Duy Quang hát bài này rất hay.

- Phùng Quán, Võ Phiến và Hữu Loan, anh cũng biết kết cục của các cụ ấy khi nhất quyết không chịu sống kiếp quỳ gối viết văn phải không? Tôi còn nặng nợ với nước non như các cụ ấy, nên không thể bình tâm viết ra một áng văn chương trữ tình lai láng quá nhiều lần. Mỗi lần viết một đoạn văn ướt át, diễm tình, tôi phải nghe những tình khúc để tìm quên đi hiện thực xã hội trước mắt.

- Nhắc mới nhớ, bài thơ "Màu tím hoa sim" của thi sĩ Hữu Loan dựa trên câu chuyện có thật mà cụ ấy từng trải qua. Cụ và người vợ đầu quen nhau trên đồi hoa sim, sau cụ bà đi giặt quần áo bị nước lũ cuốn, xác trôi dạt lên đúng một triền đồi đương mùa hoa sim nở rộ. Từ nỗi đau ấy mà cụ Hữu Loan mới tức cảnh viết ra bài thơ tôi nêu trên. Và nhờ bài thơ ấy mà cụ mới sáng mắt sáng lòng, mới biết đâu là bến, và đâu là bờ, đâu là công lý, đâu là ngụy danh. - Nói đoạn, Đặng Thừa Tân bật bản nhạc "Tím cả chiều hoang" do ca sĩ Bảo Tuấn trình bày lên cho mọi người nghe. Người phổ nhạc là nhạc sĩ Anh Bằng.

- Bài hát "Những đồi hoa sim" do nhạc sĩ Dzũng Chinh lấy ý tưởng từ bài thơ của cụ. Tôi thường hay nghe qua giọng ca của cô Thanh Tuyền. Kỳ lạ làm sao, người nhạc sĩ này cũng chết đúng trên một triền đồi hoa sim đương mùa nở rộ! Nơi nhạc sĩ ngã xuống là địa danh núi Chà Bang ở Phan Rang.

- Chưa kể đến là "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy, "Chuyện hoa sim" của Anh Bằng. "Màu tím hoa sim" của Duy Khánh. Bài đầu có cô Thái Thanh, bài giữa có cô Như Quỳnh, và bài cuối có chính tác giả trình bày thì theo thiển ý của tôi là hay nhất. Đương nhiên ai thích giọng nào thì tìm nghe giọng đó. Trên đây chỉ là gu cá nhân của mỗi mình tôi mà thôi.

Vệ Lô Địch và Phương Vũ nghe cuộc đối thoại thú vị quá, nên nán lại giả vờ đọc thực đơn để theo dõi.

- Dạ, hai anh cần chi? - Đặng Thừa Tân rời khỏi quầy thu ngân, bước tới gần họ và nhoẻn miệng cười đậm chất khách sáo.

- Tụi tôi mới ghé quán lần đầu, nên...

- À, thì ra các anh đương phân vân...

Phương Vũ biết ông chủ của cái quán này là võ sư Vovinam, "Vovinam"* có nghĩa là "Việt Võ Đạo", võ đường của anh ta nằm trên đường Cường Để. Tuy dáng vóc mang vẻ thư sinh và tính nết có phần kiệm lời, nhưng có Trời và đám bụi đời mới biết anh ta đã từng thân chinh đi dẹp loạn các vụ hỗn chiến giữa các nhóm giang hồ không biết bao nhiêu lần rồi.

- Tôi không muốn uống si-rô đâu. - Phương Vũ pha trò.

- Vậy à? Nhiều người hay được tôi cho uống si-rô dâu miễn phí lắm.

Trên bắp tay phải của anh ta xăm hai chữ "Thát Sát", và nơi thân thể có hàng tá vết thương "nho nhỏ" khác. Tuy anh ta không nhớ ra ông chú, nhưng ông chú vẫn nhớ mặt anh ta, vì hôm đó hai người gặp nhau ở một nhà tắm công cộng, người bạn của Phương Vũ đã rỉ tai kể cho chú nghe rất nhiều mẩu chuyện giang hồ của anh ta, thậm chí cả những chuyện hoang đường về việc anh ta là tình nhân của các bà vợ "sếp lớn" trong quân đội.

- Muốn uống nước hay uống máu? - Phương Vũ nghe rõ từng tiếng rít qua kẽ răng của anh ta. Hai người đã cù nhây với nhau suốt hơn mười lăm phút.

- Tay dơ thì lấy nước mà rửa, Nước dơ thì lấy máu mà rửa. - Đấy là câu nói của vua Duy Tân.

- Hai người chơi câu đối à? - Vệ Lô Địch vừa kéo áo Đặng Xương Tuyết, ra hiệu "Người quen nè." Đoạn cất giọng đặt nước. - Cho tôi một ly hồng trà chanh.

- Uống cái gì ngộ vậy? - Hai người kia tạm gác chiến sự mà ngạc nhiên hỏi dồn.

- Ủa, ở đây có phân loại giới tính cho đồ uống nữa hả? Tôi thích gì thì tôi kêu nấy. Hai người nhiều chuyện quá!

Phương Vũ giơ tay chào ký giả họ Đặng, rồi nắm tay kéo cậu trẻ đi lựa chỗ ngồi. Chỗ ngồi của họ nằm sát bên khung cửa sổ nên có thể nhìn ra con đường tràn ngập lá me bay và hoa nắng. Nhạc sĩ Anh Việt Thanh trong một lần tức cảnh sinh tình đã sáng tác nhạc phẩm "Vùng lá me bay" rất đỗi ngọt ngào và sâu lắng. Những danh ca từng hát qua ca khúc này có Thanh Tuyền, Chế Linh, Như Quỳnh,...

- Uống gì đây? - Đặng Thừa Tân lạnh giọng hỏi.

- Chanh muối. Ly lớn. Lấy đá bào không lấy đá viên.

- Anh băng qua lộ, mua một hũ kem Baskin Robbins vị Daiquiri Ice là đáp ứng đủ sở nguyện.

- Trong đó có tinh chất rượu Rum, trời hãy còn sáng bửng nên tôi không muốn uống thứ có chất cồn.

Đặng Thừa Tân nhác thấy có khách mới tới, nên giao việc ghi đơn lại cho cậu nhân viên. Rồi niềm nở bước đến tiếp đón. Ông chú và cậu trẻ không hẹn mà cùng dõi theo cử chỉ của ông chủ quán, nụ cười trên môi họ bàng bạc như ánh trăng.

- Lê Chiêu Tông và Lê Chiêu Thống, khác nhau có một chữ cuối, và cách nhìn nhận của hậu thế cũng khác biệt nhau nốt. Khi viết sách, tôi thường hay gõ nhầm cái tên của hai vị này nếu không để ý kỹ triều đại. - Đặng Xương Tuyết mở ebook "Đại Việt sử ký toàn thư" để tra cứu lại các dữ kiện lịch sử vừa ghi. Đôi lông mày anh hơi cau lại, như thể đang nghĩ sao mà mình ngu thế, có vậy mà cũng lầm lẫn được. Những ngón tay như ống trúc lướt nhanh trên bàn phím ảo của chiếc máy tính bảng. Ngón giữa và ngón trỏ đều có nốt chai sần khá lớn và đỏ au vì cầm bút quanh năm suốt tháng. Mỗi bận viết sai cái gì, ngoài xin lỗi độc giả ra, anh còn bắt bản thân chép phạt chỗ thiếu sót hàng chục hay hàng trăm lần, cho tới khi nào không còn nhớ nhầm nữa mới thôi. Dù công việc viết lách hộ em gái quá cố chẳng giúp anh tìm được chút "hiện kim" mua Salonpas, nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành trong quỹ thời gian dôi ra ít ỏi của mình. Anh thường cầu khẩn sao cho chương mới thật ít lỗi sai để anh đỡ ăn năn và ray rứt vì đã khiến cho người đọc phải bỏ thì giờ đọc một thứ hỏng hóc kiến thức. Nhất là các phần đầu do Phương Đan viết, anh không nỡ sửa những dòng chữ mang âm hưởng kỷ vật của em gái nên đành để cho nó "trơ gan cùng tuế nguyệt", dầu rằng lần nào đọc chúng anh cũng ứa gan, xung huyết.

Đặng Xương Tuyết nhớ đến những lời bỉ bôi, mai mỉa mà anh từng đọc qua những trang Facebook em gái anh "Theo dõi". Những nhận xét tiêu cực và mang tính chụp mũ ấy đã khiến bệnh tình em gái anh trở nặng. Nó ôm ngực thở hồng hộc trên giường; hai viên thuốc vẫn chưa tan, chúng hãy còn nằm yên trong dạ dày của nó. Nó khóc đến lịm người. Nó khóc tới dại đi. Không một ai chứng kiến sự nỗ lực của nó khi nó cố gượng sống từng ngày hòng viết nốt tác phẩm đầu đời. Những kẻ dạy đời nó cách viết văn thì có ai bình luận được một câu đúng ngữ pháp tiếng Việt đâu? Không "tà tữa" thì cũng "siêu to khổng lồ" hay "cực gắt". Những từ ngữ, cái chữ làm biến dạng tiếng Việt ấy thì không một ai lên tiếng can ngăn, họ biện minh rằng đấy là trào lưu mới nên dùng chẳng sao cả. Chẳng sao thật ư? Chẳng sao thật ư? Anh thường xuyên cản lại em mình đừng có học theo cái thói sử dụng tiếng Việt kỳ khôi ấy, bởi lẽ những người nói đớt luôn luôn gặp khốn khổ với cách phát âm sai lệch, và mình may mắn không bị như vậy giờ bỗng dưng biến mình thành một người có tật chỉ để theo kịp mấy cái trào lưu "ngắn hạn" trên mạng.

Anh vẫn còn nhớ đến một câu chuyện, về một người thanh niên được dặn đi chợ mua khoai dáy, nhưng vì không phát âm được vần "y" nên anh ta cứ đứng đó chần chờ hoài mà không dám hỏi mua. Mãi đến khi có người ghé mua thứ khoai đó, anh ta mừng rỡ nói với bà bán hàng bán cho con loại khoai y hệt cái chị vừa mới ghé mua cái sột nhưng lấy con một ký thôi. Người ta có tật nói đớt, mà người ta biết hành xử văn minh với người bán hàng, không dám phát âm cái chữ tục tĩu trước mặt bác gái lớn tuổi, mặc kệ ai nghĩ mình ngu cũng chịu. Bây giờ mình đương lành lặn, lại cố bẻ miệng sửa chữ cho bằng bạn bằng bè, há có phải là tự biến bản thân thành con vẹt sống đời sao chép không?*

"Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

Ai ghét, ai thương, tôi mặc kệ đời

Là người nói thẳng, thù nhiều hơn bạn

Nhưng ai cần chơi với những kẻ hai mang?"

Anh từng khuyên em gái một câu, "Yếu đuối quá thì đừng có viết văn." Sau câu nói ấy, nó nghỉ viết chừng nửa tháng. Trong khoảng thời gian ấy, nó không khóc một lần. Và có lẽ nó đã hiểu, nếu yêu thích Văn Chương, nó phải chiến đấu tiếp, một mình.

Đây là tác phẩm đầu đời của em gái anh. Rất tiếc, anh không thể rắc đầy bột phép của Tinker Bell hay phủ đầy màu phấn hồng mơ mộng, nên anh đã phá nát nó bằng tâm tưởng của người đã trải qua quá nhiều dông tố và cảnh đói khổ trong cuộc đời.

Hai người đàn ông kia tạo cảm giác họ là một đôi hơn là bè bạn hay tri kỷ. Nhưng dù họ là gì của nhau, gã văn sĩ điên cũng chẳng muốn được biết. Trong cuộc đời anh ta có năm ngã rẽ, và không có ngã rẽ nào dành cho sự nhiều chuyện "không cần thiết". Anh đã gây thù đủ rồi, không cần thêm một sư đoàn hay hạm đội cho đủ quân để lấy số má đâu.

- Tôi về nghen anh Tân!

- Đi đường mạnh giỏi nghe!

- Cảm ơn anh. Anh cũng buôn may bán đắt hen...

Trạm xe buýt nằm trước mặt tiền quán cà-phê "Sóng Nhạc", nên Đặng Xương Tuyết chỉ tốn không quá mươi, mười lăm phút để tới đó. Anh ngồi đọc quyển "Nam Ông mộng lục" do tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chắp bút trong lúc chờ chuyến xe tới. Một con người thuộc hàng kỳ tài nhưng sinh nhầm thời, nhầm nhà như cụ luôn khiến cho anh cảm thấy chạnh lòng.

"Xịch."

"Tu..."

Ống khói lắp trên chiếc xe buýt phả từng mảnh khăn bụi đen mỏng như voan vào không gian. Tiếng kêu đầy mỏi mệt của nó gây cho anh một sự liên tưởng tới bản thân vào những ngày tháng già nua, lụm cụm.

Lơ xe đang đi đến từng chỗ thu tiền. Cũng có người mua vé tháng hoặc biết cách tính tiền bằng việc bỏ mấy đồng xu vào hộp thu ngân điện tử, nên trình tấm vé ra cho anh ta coi. Anh bước tới gần bác tài xế, thả tiền vào khe hở của chiếc máy, rồi chờ nó xuất ra tấm vé cho mình.

Mùi thuốc lá ám khắp người bác tài xế khiến cho những hành khách dễ say xe ngồi dạt hết xuống các hàng ghế cuối. Còn mỗi mình Đặng Xương Tuyết, anh thư thả chọn được băng ghế đầu mà mình yêu thích nhất để đặt mông ngồi xuống.

"Phịch."

Một người thanh niên có khuôn mặt kiêu hùng như tác phong của tướng quốc Đinh Công Trứ bước lên xe. Vết sẹo do bị chém rạch ngang khuôn mặt tuấn tú. Chiều cao khoảng chừng mét chín.

- Dạ, bác có thể bật bản nhạc "Tâm sự thủy thủ" của ca sĩ Hồng Phúc không?

Để chuyến xe êm đẹp, bác tài xế đành ngậm hột thị mà tìm bản nhạc của ông Y Vũ theo sở nguyện của gã trai phong trần.

"Anh đã phiêu lưu nhiều năm tháng dài miệt mài

Thế giới bao la nhiều khi thấy lòng bồi hồi

Mà chỉ luôn luôn thương nhớ Quê Hương mà thôi

Mà bao thời gian đã ghi tên vào cuộc đời

Biển đời mở rộng càng cho anh thấy em là người yêu anh đã đi tìm khắp nơi gầm trời..."

- Lái xe khách mà bật bản nhạc thủy thủ biển hồ hình như chơi hơi "sốc hàng" nghen?

- Miễn ông làm ơn làm phước đừng có tưởng lầm mình đang lái tàu rồi chạy theo đường lượn sóng là "é", "é"...

- Thôi bà đừng có bày đặt nói tiếng Anh giùm tôi cái. Bà "É", "É" một hồi bà "É" xuống sàn là chiều nay tôi nghỉ nhậu. - "Everything's OK", bác tài xế biết tỏng cô bạn học năm nào định nói cái gì nên chận họng ngay.

Bác gái giận dỗi, ngoảnh mặt sang phía cửa sổ vờ ngắm cảnh. Chủ đề mà hai cô gái ngồi ở hàng ghế phía sau lưng bác đang thảo luận làm bác quên ngay cơn buồn bực. Bác lập tức quay xuống tán chuyện cùng các cô.

- Họ chia tay rồi. Tháng tới cô ấy sẽ về nhà chồng. Ba mươi tám tuổi rồi, đời còn lại bao nhiêu thời gian mà cứ phải đánh đu với một gã suốt ngày rong chơi trên bốn biển. - Người đàn ông mặt sẹo vòng tay đỡ đầu. Đôi mắt sáng rực như ngọn đèn hải đăng ấy thoáng nét buồn châu pha.

- Chắc vậy nên chuẩn tướng Phong mới không về dịp Tết này.

Giả Nam Phong cười buồn, đoạn ngoảnh mặt sang hướng cửa sổ để ngắm cảnh như bà bác lúc nãy. Trong đầu vị tướng tứ tuần đang nhớ lại hai bản tình khúc "Ngày buồn" và "Kỷ niệm xa bay" do đôi song ca Thanh Lan - Anh Khoa trình bày. Một bài có câu, "Giờ thì cũng yêu mà yêu với chồng. Mộng lòng chết theo rượu nồng pháo cưới"; và một bài có câu, "Chưa chiều nào buồn bằng chiều nay, bên nhà ai tiệc cưới vui vầy..." Bao nhiêu đau thương trong lòng gã đều bộc lộ hết vào đấy.

- Bác ơi...

- Có chuyện gì hôn cậu?

- Bác bật giúp con bài "Điên" của Y Vũ do ca sĩ Thái Châu hát được không?

Bác tài xế rất muốn nói người hát bản này hay nhất phải là tao, bởi vì sự quấy rầy của mày đã khiến tao phát điên từ nãy đến giờ mà không dám lên tiếng nè!

Giả Nam Phong nhắm mắt. Rồi thiu thiu ngủ trong tiếng ca ai oán của ca sĩ Thái Châu lúc nào không hay. Con đường dốc thoai thoải biến chiếc xe buýt thành một chiếc tàu vượt trùng dương.

- Tới bến xe Đắc Lộ rồi... Có ai xuống hôn...

- Trời ơi thằng quỷ dịch vật! Mày làm lơ xe hay... - Toan nói "Mở cửa mã", nhưng bác tài xế đã kịp ngậm miệng lại.

- Dạ, tới bến xe Đắc Lộ rồi hả bác?

- Ờ, cậu xuống đây hả?

- Dạ thưa đúng.

Người đàn ông mặt sẹo cũng xuống chung tuyến với anh. Khuôn mặt anh ta hãy còn vương nét ngái ngủ.

Giả Nam Phong lần giở mẩu giấy ghi địa chỉ quán ăn của gia đình cậu sĩ quan Hải Quân bị thương trong cuộc đụng độ với hải tặc tuần qua. Cũng không xa lắm, chỉ còn hơn một cây số về phía Tây mà thôi. "Đời lính quen yêu gian khổ, quân hành..." mà*

Bến xe Đắc Lộ là cái tên gọi thân yêu mà bà con xứ này đặt cho lô đất vàng sáu mẫu, chứ kỳ thật đây là một khu phức hợp vô cùng sầm uất và náo nhiệt. Từ nghề "Đen", cho tới nghề "Trắng", ôi thôi đủ cả, cái chi cũng có hết, nên mức độ mất trật tự trị an cũng tỷ lệ thuận với độ phát triển kinh tế.

Đặng Xương Tuyết bị những người phát tờ rơi níu lại để đưa xấp giấy quảng cáo. Con nhà giàu thì dựng clip đập nát siêu xe, con nhà nghèo thì hằng giờ làm lụng cực nhọc để có tiền trang trải phí tổn sinh hoạt. Anh không sợ họ dàn cảnh móc túi, bởi vẻ ngoài tàn tạ của anh đủ để đám người ấy biết mà lượn đi tìm con mồi béo bở khác. Vả chăng, anh nhận giùm họ vài tờ, họ sẽ được về sớm hơn một chút, và lại giúp họ tránh được cảnh xả rác xuống đường hòng ăn bớt thời gian lao động.

Bọn nhà báo ấy hẹn anh ở một quán bán thức ăn nhanh. Đôi khi anh trộm nghĩ, tại sao mỳ gói thì gọi là mỳ ăn liền, mà bây giờ lại tạm dịch tiếng "fast food" thành thức ăn nhanh? Tình trạng dịch nghĩa theo kiểu "word by word" diễn ra hà rầm. Thật không may, anh cũng nằm trong nhóm người tối dạ đó, nên ngày nào cũng phải ngồi học tiếng Anh hơn hai tiếng đồng hồ để bổ túc lại vùng kiến thức thiếu hụt ấy. Nói cụ thể như nhóm chữ "Under the table", trong một số ngữ cảnh, nó mang hàm nghĩa "dấm dúi, thập thò và làm những hành động, cử chỉ có tính chất mờ ám, bí mật, không minh bạch", chứ không phải là "Ở dưới cái gầm bàn"!

"Liên Khúc Tình Yêu" do bộ ba Trung Hành - Ngọc Lan - Kiều Nga trình bày vọng đến bên tai anh ngay khi vừa đẩy cửa bước vào. Màn biểu diễn này lồng ghép phần ca hát của cô Ngọc Lan thuở còn sống với phần trình bày của hai người bạn đồng nghiệp. Để ý kỹ sẽ thấy, đôi mắt của cô Kiều Nga ngấn lệ theo từng câu hát của người bạn nghệ sĩ quá cố, thành thử ra giọng hát của cô Kiều Nga trở nên gượng gạo và rất đơ cứng.

- A, quý nhân tới rồi! - Thường Khán Bình vẫy tay chào mừng nhiệt liệt.

- Chào... Chào các anh.

- Ăn gì chưa? Vô gọi món đi anh Tuyết. Chỗ này có món mỳ ống sốt kem ăn với xúc xích nướng bơ tỏi ngon lắm. - Nguyễn Chí Công cười khoe cái răng khểnh. Kể cũng lạ, cả hàm trên hàm dưới đều đều tăm tắp, ấy vậy mà góc bên trái hàm trên lại có một chiếc răng khểnh hơi chìa ra so với mấy thằng bạn của nó.

Anh đâu dám vô duyên khai rằng hôm qua vừa giữ cầu nửa buổi, nên giờ phải chừa những món có liên quan đến bơ sữa và lạ miệng.

- Tôi ưa ăn hải sản. Để xem... À, có món cơm cà-ri cá viên Hồng Kông, cái này rất hợp khẩu vị của tôi. Mỗi bận nửa đêm viết bài gặp cơn đói bụng tôi thường đi tìm mấy quán hàng rong ăn lót dạ. Giá tiền dễ chịu. Cảnh vật yên bình và vô cùng thơ mộng. Gặp khi trời rắc cơn mưa phùn trên con phố nhỏ, không khí hanh hao, thơm thảo hương đất Mẹ quyện với nét ấm sực của món ăn vừa mới làm xong, nơi buồng phổi của tôi như ôm trọn cả dòng chảy thời gian của con phố đêm và mọi nét chân tình ở quê hương mình... Thành thật xin lỗi, tôi lại lên cơn rồi.

Thường Khán Bình và các bạn của mình chỉ lắc đầu phì cười. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên thuở còn sinh thời cũng từng hệt thế, lang thang khắp mọi nẻo đường phố thị, đôi lúc đứng như trời trồng ở trên vỉa hè một ngã tư đông nghẹt người qua lại để suy tưởng, để bần thần về một cái chi đó.

Bữa ăn trôi qua trong một bầu không khí ngượng ngùng và ngài ngại, do đôi bên chưa quen thân với nhau mấy.

Chiếc xe Mitsubishi bảy chỗ hãy còn khá mới. Đồ nội thất chắc được lau chùi thường xuyên nên không có mùi khó ngửi dễ thấy ở những chiếc xe qua thời. Hương nước khử mùi xe thoang thoảng, không quá nồng hay thơm gắt khó chịu. Ghế ngồi rất êm, lưng ghế dựa vào vô cùng thoải mái; Đặng Xương Tuyết chọn băng ghế sau cùng để có thể đặt hành lý kế bên mình cho dễ quản. Đợi một lúc sau, máy điều hòa mới đưa hơi mát đến khắp không gian bít bùng của chiếc xe màu xanh dương đậm.

- Hà... Tao ngủ trước nghe mày...

- Đáng ra tía má mày nên đặt cho mày cái tên "Vô Tư", chứ không phải "Chí Công". Bạ đâu cũng ngủ được hết, y hệt con nít. - Anh bạn có cái miệng móm sọm đả đớt nói. Tên cúng cơm của anh ta là Lê Đức Hoàng.

Đặng Xương Tuyết mở cuốn "Chuyện giải buồn" của cụ Huỳnh Tịnh Của ra đọc giết thời gian. Nhưng bất thình lình, cú thắng gấp của anh Bình khiến mặt anh đập vào thành ghế.

"Két..."

- Gì vậy thằng mắc dịch? - Ba người bạn của Thường Khán Bình nhao nhao lên mắng vốn chàng ta.

- Chỗ này bán thịt xiên nướng ăn ngon lắm. Tụi bây xuống mua giùm tao đi. Lát tao gửi tiền.

- Để tôi xuống mua cho. Chầu này hãy để tôi bao.

Đặng Xương Tuyết quyết định mua cho mỗi người mười xâu. Thế là đi tong hai ngày lương của anh. Nhưng bù lại không mắc nợ ân tình - Thứ nợ mà anh ghét vướng phải nhất trên đời.

- Năm... năm mươi xâu?

- Dạ. Con mua mão luôn nửa mâm.

- Chờ tôi nướng lại một chút nghen?

- Dạ, xin bác đừng gấp, tụi con không có gì phải vội đâu. À, bác chia giùm con năm phần để tụi con dễ bề ăn riêng.

Đặng Xương Tuyết mở sách đọc tiếp trong lúc chờ ông cụ làm xong. Bên trong chiếc xe Mitsubishi qua thời, đám nhà báo đang cá cược số xâu thịt nướng anh mua cho mỗi người.

- Từ ngày nó mượn tiền tao là tao sẽ biết có ngày tao cầm micro đơn ca bài "Anh biết em đi chẳng trở về" như ca sĩ Vũ Khanh rồi. - Người khách ngồi ở bàn bên bỗng cất tiếng than vãn với thằng bạn. Thằng bạn của anh ta vẫn chăm chú theo dõi diễn biến ở sàn chứng khoán, mặc cho người đàn ông thốt lên những tiếng cằn nhằn cử nhử.

- Rồi giờ mày hát bài nào?

- "Căn nhà dĩ vãng" như đôi song ca Chế Linh - Thanh Tâm.

- Sao kỳ vậy?

- Tại cái nhà của tao bị ngân hàng xiết rồi.

- Mẹ! Ngu như, à không, ngu hơn con bò. Bị gái gạt tán gia bại sản. Thôi về đây tao nuôi.

- Tao hổng chơi "bê-đê" với mày đâu nghe thằng dịch vật.

- Chơi "bê-đê" với tao mày còn có cơm ăn áo mặc. Chơi với con quỷ cái đó giờ hổng còn, à, còn có bộ đồ dính thân.

- Giờ mày giúp sao?

- Ông bô tao có cửa hàng điện tử, mày chịu khó sửa đồ phụ ổng vài tháng để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chừng nào có Ông Bụt hiện ra nhận mày vô làm ở chỗ tốt hơn thì dông. Tao không bắt mày làm tỳ thiếp của tao đâu mà sợ trốn hoài.

- Nhờ ơn của mày mà tao bị nguyên một cái xóm đồn thổi là "bê-đê" đó. Tao sợ cha tao... Mày biết rồi đó, ổng là đệ tử đời thứ tám ngàn của Nho Giáo - Khổng - Mạnh. Chu choa mạ ơi ông khó banh nhà lồng. Lần trước bị con mẹ đầu xóm thọt thẹt như vậy mà ổng về chửi tao một tăng, thiếu nước cầm dao chém tao thôi.

- Người dưng tao còn chửi được, chứ bác trai...

- Mà mày có phải vậy không?

- Không. Tao thương mày như anh em ruột thịt. Chứ hổng yêu thương chi sất. Mà nếu tao có là người đồng tính đi chăng nữa, tao cũng kiếm người đẹp trai cỡ Châu Nhuận Phát hay Cổ Thiên Lạc. Chứ cái "Mặt trận Tổ quốc" của mày chỉ cỡ Ngô Mạnh Đạt thì ai thèm yêu.

Ông cụ bán thịt nướng vừa trở mấy xâu thịt, vừa hơi nhếch miệng cười. Sắp tới ngày giỗ của vợ ông rồi. Bất giác, ông buột miệng hát khúc ca "Tiễn em lần cuối" của nhạc sĩ Trường Kỳ:

- Trời lạnh giá, bước chân buồn bã, đưa hồn em tới nơi xa vời. Đoàn xe tang tiễn đưa em về vùng trời xa xôi...

"Vù."

Một bông hoa sứ từ đâu bay lại, đậu trên nóc tủ kính. Bông hoa trắng nõn, thơm hương dịu dàng.

Ông cụ ngước mắt nhìn cây hoa sứ đang run rẩy trong cơn gió báo mưa sau hàng rào của ngôi biệt thự cổ kính. Người trong ngôi biệt thự ấy cũng đương khoắc khoải chờ đợi một hình bóng cũ...*

- Của cậu đây. Tất cả hết hai trăm năm mươi đồng.

- Dạ, đây bác. - Vừa đưa tiền cho ông cụ, Đặng Xương Tuyết vừa cố nhớ ra ông ta là ai. Hình như anh đã từng nhìn thấy người này ở đâu thì phải? Trời đã ngả về chiều, lái xe ban đêm rất dễ gặp nguy hiểm nên anh đành cắt đứt dòng suy tưởng để mau chóng trở lên xe. Đằng sau lưng anh, ông cụ đang đưa mắt ngắm cây hoa sứ trắng muốt, xấp tiền đang cầm trong tay thật - giả cũng không thèm xem xét. Kể cũng thật lạ...

"Xạch."

- Này, mỗi người một hộp.

- Ui chu choa mạ ơi... Cái hộp coi bộ nặng dữ bây... Bọn mi thua tao là cái chắc rồi. - Sau một tràng cười đắc chí, Thường Khán Bình xuýt xoa mở hộp. - Xin lỗi anh trước nghen... Một, hai, ba,... mười... Ủa? Ủa? Hai xâu còn lại đâu?

- Rồi xong. Hổng có đứa nào thắng hết. - Lê Đức Hoàng méo mặt nhìn các bạn và anh bạn cộng sự.

- Chơi cá độ à? - Đặng Xương Tuyết không kiềm được mà bật cười hỏi. - Không ai thắng hết hả?

- Tôi cá mười hai xâu, thằng Công cá ba xâu, thằng Ngạn cá năm xâu, còn thằng Hoàng cá có một xâu.

- Tôi mua mười xâu. - Đặng Xương Tuyết nói đoạn, há miệng hút một ngụm cà-phê đựng trong bịch nylon mát lạnh đến ê răng. Phải chi anh đừng sống quá bảo thủ và đa nghi thì tuyệt biết mấy. Anh cũng sẽ có một nhóm bạn cho riêng mình và tha hồ bày trò với họ. Như những con người căng tràn nhiệt huyết dù đã qua thời thanh xuân này vậy.

oOo

Một trong những bài giảng gây tranh cãi nhất của Phan Hoài Việt là về thói tôn sùng và suy tôn nguyên thủ của một số người dân nước Việt. Bài giảng của anh bị những con kền kền ăn hôi trình lên Hác Đăng Khánh hòng lập công.

Hác Đăng Khánh đuổi đám người thóc mách ra ngoài, rồi khóa chặt cửa trong, sau đó mở máy chiếu lên nghe giảng.

"Tật tôn sùng và suy tôn một nguyên thủ cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự Thịnh - Suy của một Quốc gia. Nó biến các trò thành thần dân của ông ta, thay vì là công dân của một đất nước tiên tiến và phát triển. Để biết bản thân có mắc phải chứng bệnh ấy không, các trò hãy tự vấn bản thân rằng, có phải khi nhắc đến một cái tên nào đó đính kèm với những tin tức có thật nhưng chẳng hay ho gì thì lập tức nhào tới như thể muốn đòi ăn tim, uống máu người kể. Sau đó các trò chụp mũ họ bằng những thứ đã được ai đó tinh tế "thảo trình" trước, hoặc phát ngôn những câu rất ngớ ngẩn kiểu như "Có bằng người ta không mà dám ý kiến ý cò?"

Hác Đăng Khánh vuốt cằm. Định bụng tối nay sẽ cạo râu, nhưng vì ăn no đâm lười nên hẹn lại sáng mai.

"Một ví dụ rất cụ thể, đó là Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Phước Ánh. Một số trò mến mộ Quang Trung khi nghe dư luận trái chiều về ngài ấy thì... Tôi khỏi nói chắc các trò cũng biết nhỉ? Nếu như các trò học Sử hoặc luận bàn về Chính Trị mà chỉ sử dụng một bên tai và một bên mắt thì không thể nào có cái nhìn khách quan và công chính được. Những người mà tôi ngưỡng mộ, họ cũng có vô số tật xấu, và mỗi khi giới thiệu về nhân vật đó, tôi sẽ kể luôn cả những ưu và khuyết điểm ra để các trò xét xem có nên coi trọng người đó như tôi không, chứ tôi không chơi cái trò "tốt khoe - xấu che" để dắt mũi các trò. Như Ông Hai Đạo Dừa tôi đã từng kể, tật xấu lớn nhất trong cuộc đời ngài ấy chính là quá cả tin, nên phải hứng trọn cảnh làm ơn mà toàn mắc oán, và chết một cách oan ức, tức tưởi. Chưa kể đến còn bị con gái vu khống, đấu tố nữa...

"Rồi kết cục của con gái ông ấy thế nào hở thầy?"

"Sau cái hôm đấu tố Ông Hai, bà ta đột nhiên ngã lăn ra đất chết tươi tại chỗ, và chuyện này bị giấu kín tới giờ. Các trò ạ, Trời Đất không bao giờ dung chứa những đứa con bất hiếu và bất nghĩa như vậy đâu..."

"Còn những sư hổ mang thì sao hả thầy?"

"Tôi nhớ có một gã sư hổ mang nhận chôn vàng giúp những người vượt biển để ban đêm họ tới lấy mang theo. Tối hôm đó, ông ta tố cáo họ với chính quyền và cuỗm trọn số vàng ấy. Về sau, số của cải mà ông ta cướp trắng trợn tan thành mây khói, bản thân ông ta mắc bệnh tiểu đường và nổi ung nhọt khắp người, sống vất vơ vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, và khi chết phải nhờ người thiện tâm chôn giúp... Tôi đã chứng kiến và kinh quả vòng tròn Nhân quả - Báo ứng, nên hoàn toàn tin vào điều trên."

Hác Đăng Khánh biết thầy Ba rất tâm đắc với cậu Việt. Cứ hễ có dịp là lại đem cậu ta ra khoe. Thiếu điều ai cũng tưởng cậu ta là con ruột ông ấy.

"Quay trở lại với chủ đề, lấy một ví dụ đau thương trong dòng chảy Lịch sử, nếu năm đó nhân dân đồng lòng chống lại giặc Minh cùng cha con Hồ Quý Ly thì đất nước mình đã không bị một ngàn năm nô lệ. Đánh vào lòng tưởng nhớ nhà Trần của nước mình thời đó, chúng đã nghĩ kế để chia rẽ lòng dân và ý chí chiến đấu của quân binh nước mình, bằng cách dựng ra phong trào khôi phục nhà Trần... Tôi thấy đáng lý ra trong hoàn cảnh đó, dân tộc mình nên hợp sức chống lại giặc Minh, rồi sau đó muốn giải quyết cha con Hồ Quý Ly như thế nào cũng chẳng muộn. Nhưng vì sự tin kính nhà Trần quá mức và độ căm thù cha con Hồ Quý Ly cao ngút trời mà nước mình đã bị rơi vào bẫy của chúng. Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã từng chua chát thốt lên, "Thần không sợ đánh. Thần chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi."

Hác Đăng Khánh nhớ đến cảnh nội các xâu xé nhau như thời Trịnh - Nguyễn phân tranh khi thầy Hai còn tại vị mà ngán ngẫm khôn cùng. Một phát súng ân huệ từ phe đối địch tặng cho ông ấy sau tám năm tranh đấu với nhau trên võ đài chính trường. Và người kế tiếp có thể là chú.

"Chọn sai một người lãnh đạo, Đất Nước này sẽ đi luôn, chứ không còn cơ hội đi xuống đâu. Cho nên cụ Phan Châu Trinh mới đề cao ba chữ "Khai dân trí", kế đấy mới tới "Chấn dân khí", và cuối cùng là "Hậu dân sinh". Các trò nên nhớ một điều, không có tiền thuế, phí của muôn triệu gia đình Đại Việt góp lại, thì cái đám quan chức chính phủ đói nhăn răng. Và cả tôi cũng vậy. Nếu không có các trò đóng học phí, chắc giờ tôi cũng đã phải chật vật kiếm sống rồi." Nói đoạn, anh ta cúi gập người xuống thay cho lời cảm ơn chân thành nhất. Sau vài phút sững sờ, các cô, cậu sinh viên đồng loạt rủ nhau đứng dậy cúi người đáp lễ thầy giáo.

"Click."

Hác Đăng Khánh không hiểu sao người này lại không chấp nhận việc ứng cử chức dân biểu. Tài năng của anh ta chưa tới mức đáng được ngưỡng mộ và trọng vọng, nhưng tình yêu Quê Hương - Dân Tộc đủ to tát để mọi người xí xóa những chỗ hạn hẹp và thiếu sót trong kiến thức và luận điểm của anh ta. Người đầu tiên mà chú muốn bắn, là cái đám đã đưa cuốn băng này lên hòng đấu tố anh thầy. Chúng mới chính là những kẻ phản Quốc, trong đầu óc toàn rặt những mưu mô bịt miệng hiền tài và người tranh đấu vì Quê hương và Dân tộc.

"Cạch."

- Con muốn mời cậu ấy một bữa cơm có được không thầy?

- Một là cậu bị ám sát. Hai là nó bị ám sát. - Lạc Tương Giang chưa kịp ngồi xuống đã bị câu nói của cậu học trò lớn tuổi làm cho đứng chết trân. - Ăn cơm hay ăn cám mà phát biểu một câu ngu thế?

- Thầy Ba... Con cần cậu Việt chuyện trò để giải đáp những khúc mắc ở trong lòng. Có một người sống theo "Thuyết tương đối" sẽ an tâm hơn...

- Thôi được. Tôi sẽ cố thu xếp cho cậu.

...

Ngôi nhà mái ngói màu cam nằm bên hông một khu chợ bình dân náo nhiệt. Đầu chợ có một cây sưa thuộc dạng đại thụ; mỗi độ nở bông, hoa rợp trắng cả tán cây. Ở đây nổi tiếng với gánh chè bà Bảy, món chè sương sa hột lựu trứ danh của bà đã được rất nhiều tạp chí và trang web ẩm thực ca ngợi.

Phan Hoài Việt đương ngồi soạn giáo án. Tiếng chuông cửa dồn dập đã khiến anh phải ngừng công việc, bước tới ghé mắt qua mắt mèo.

Một gã đàn ông cao gầy, ăn mặc như Sherlock Holmes, chỉ thiếu cái tẩu là hoàn chỉnh bài bản, đang vừa ấn chuông vừa ngó dáo dác vào nhà anh.

Nếu được phái tới đây ám sát anh thì đáng ra nên mặc đồ giản lược hơn một chút, chưa giết được người khác mà bản thân đã lăn đùng ra đất chết vì bị sốc nhiệt và ngợp thở rồi.

Bản nhạc chuông thân thuộc vang lên. Người gọi đến là thầy của anh, ông Lạc Tương Giang, báo cho anh hay người đứng ngoài cổng rào là ai. Trong nhà, bài hát "Đưa em vào Hạ" do ca sĩ Duy Khánh trình bày vẫn đương nhả những tiết tấu buồn thương vào gian phòng khách nhỏ.

- Tổng...

- Gọi tôi là Khánh được rồi. Vịt nướng lu. - Hác Đăng Khánh giơ túi đựng vịt nướng và mấy ổ bánh mì nóng giòn lên khoe. - Nhà có bia chưa?

- Anh mà xảy ra chuyện, thì tôi có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không gột sạch hết được oan khiên. - Phan Hoài Việt rất muốn hát một câu trong ca khúc "Một người đi" như ca sĩ Hoàng Oanh: Tôi tiễn anh lên đường, hôm nay trời đẹp quá.

- Hai đứa còn định đứng đây hoạt cảnh tới chừng nào? - Đôi mắt của ông thầy Ba tức đến đỏ ngầu.

Phan Hoài Việt hết hồn hết vía. Anh cuống quít đưa hai người vào trong nhà trước khi thầy Ba nổi máu nóng. Hương thơm của loài hoa quỳnh cũng không thể giúp tâm trạng của họ vơi bớt lo âu và căng thẳng.

Cởi xong đôi giày, Hác Đăng Khánh cởi luôn tấm áo măng-tô mặc vô nóng muốn chết ra, rồi sung sướng chạy tới bên cây quạt đứng chỉnh cho nó quay một chỗ, đoạn ngồi xuống đón từng làn gió mát rượi.

Vọng đến bên tai Lạc Tương Giang là nhạc phẩm "Người em sầu đông" do ca sĩ Sĩ Phú trình bày. Bài hát thật hợp với lối kiến trúc Retro của ngôi nhà; vì không có tiền sắm sửa đồ nội thất mới, nên người giáo nghèo cóp nhặt những món đồ trang trí đã qua sử dụng để tân trang không gian nhà mình.

Nhạc phẩm này nói về bà Phùng Thị Cúc, cũng tức Điềm Phùng Thị, một nữ điêu khắc gia Đại Việt được lọt vào danh sách những tài năng Nghệ thuật lớn nhất của Thế kỷ Hai mươi trong từ điển Larousse. Bà còn vinh hạnh được đề bạt vào chức Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm, Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Âu Châu. Mối tình đầu dang dở với bà đã trở thành niệm cảm hứng cho thi sĩ Lưu Trọng Lư sáng tác bài thơ "Một mùa đông". Về sau, nhạc sĩ Y Vân phổ thành tình khúc "Người em sầu mộng", và được rất nhiều danh ca trình diễn như Nhật Trường, Thanh Lan, Vũ Khanh, Giao Linh, Bằng Kiều, Hương Lan, Sĩ Phú,...

Ba người xuống nhà sau ngồi nhậu. Bộ ngựa mộc mạc và rộng rãi, ngồi vừa mát lại vừa dễ lau chùi, nhưng vì choáng kha khá diện tích nên người sống nơi phố thị rất hiếm khi để nó trong nhà.

"King coong... King coong..."

Giả Nam Phong một tay xách túi đồ nhắm, một tay ôm một thùng bia lon, có vẻ đã quen với khối lượng ba-lô nhà lính nên động tác của anh ta trông thật nhẹ nhàng và gọn ghẽ.

- Phong... - Ông chú tổng thống thảng thốt kêu lên. Người tướng phong trần ấy chỉ mỉm miệng cười, đoạn đặt các thứ xuống vạt ngựa, rồi bước tới khoanh tay, cúi đầu thưa thầy Ba. Lạc Tương Giang lần tay lên vết sẹo trên mặt gã, hai hàng nước mắt ông cứ thế trào ra không ngớt.

Bất giác Phan Hoài Việt nhớ đến bữa cơm cuối cùng của Trạng Quỳnh, miệng chợt trở nên đắng nghét dù chưa hớp được ngụm bia nào.

"King coong... King coong..."

- Ủa ai tới nữa vậy thầy? - Hác Đăng Khánh cất giọng hỏi thầy Ba. Nhưng ông chỉ im lặng uống bia. Anh thầy cũng không dám hó hé gì.

Nguyễn Giai Kỳ bị điều tới đây nhập tiệc. Gã ta thừa hiểu mình sẽ bị thẩm vấn về chuyện chứa chấp phần tử đe dọa quyền lực của ông chú họ Hác.

Tướng Thủy Quân Lục Chiến và tướng Hải Quân ôm nhau cười vang. Huynh đệ chi binh mà, cùng mang áo lính, cùng chung một cờ. Hai người thi nhau hỏi và kể cho người kia nghe những mẩu chuyện đời lính đa sắc như kính vạn hoa mà mình từng trải. Tuổi trẻ như quay lại với họ, trên khuôn mặt dãi dầu nắng mưa đã điểm mấy nếp nhăn, nụ cười tràn trề nhựa sống ấy làm nét già vơi đi gần hết.

Nghe tiếng đằng hắng của thầy Ba, hai người vội vàng chấm dứt chủ đề, rồi phóng lên bộ ngựa và cùng sửa soạn bàn tiệc với hai người kia. Nguyễn Giai Kỳ mang tới rất nhiều đồ ăn ngon, tất cả đều là đặc sản của mọi miền đất nước.

- Sao mua có ba khúc giò heo phá-lấu vậy? - Hác Đăng Khánh hỏi đùa trong khi đương gắp một khoanh giò giòn rụm. Nước tương tỏi ớt trong chén sóng sánh theo những đợt chú nhúng khoanh giò vào.

- Ba khúc giò heo này tượng trưng cho ba miền Nam - Trung - Bắc, mang nghĩa...

- Thôi. Khỏi cần cắt nghĩa dài dòng, tụi tôi hiểu rồi. - Lạc Tương Giang nhấm nhẳng.

- Cố vấn Lạc vẫn còn giận cha con sao?

- Tôi không dám giận cha cậu...

- Ai cũng biết ngài Bàng bị súng bắn chết, chứ chẳng phải bị nhiễm chất phóng xạ gì sất. - Nguyễn Giai Kỳ buồn bã tâm sự. Rồi đá sang chuyện khác. - Anh này là học trò thầy ạ?

- Ừ, tôi rất hãnh diện về nó.

Phan Hoài Việt chợt xin phép rời bàn tiệc một lát. Anh ta sực nhớ ra trong chợ có một quầy bán hải tươi sống và chế biến sẵn rất ngon, mua về làm mồi nhắm vô cùng thích hợp.

Mọi người bèn hùn tiền, rồi dặn anh mua những món họ thích. Nào cua hấp bia, nào sò huyết nướng mỡ hành, nào ốc luộc,... cộng thêm với món của mình là gần một chục thứ. Tính tổng số tiền hơn một ngàn đồng, anh đành phải thủ sẵn vài lời nói dối để đối đáp với hai vợ chồng chủ quán, vì họ dư biết anh là nhân vật chính trong tác phẩm "Con nhà nghèo" của cụ Hồ Biểu Chính, thì đào đâu ra số tiền lớn đến thế để mà ăn sang chứ?

- Bọn tôi khao anh. Nên dư bao nhiêu thì mua thêm món khác. Đừng ngại nghen? - Hác Đăng Khánh dặn hờ. Ông chú biết người này trong túi không bao giờ có dư hơn ba trăm đồng, nên giả vờ kêu nhiều để một lát cho anh bạn học cùng thầy ăn chung.

oOo

Chú thích:

1/ "Vovinam" cũng có thể dịch ra là "Võ Việt Nam".

2/ Câu chuyện này hoàn toàn có thật, xảy ra ở một chợ nhỏ ở xứ dừa, do người bán khoai kể lại đầu đuôi cho biết. Người thanh niên ghé mua là dân miền Tây chính cống. Xui cho chàng ta là tấm biển đề chữ "Khoai dáy" bằng giấy carton bị gió thổi úp xuống nên không thấy mà chỉ. Lúc kể lại bà ấy vẫn còn cười ngặt nghẽo, bởi vì tưởng đâu gặp ông tâm thần nào tới phá sạp hàng của mình. Tuy cười thì cười, nhưng bác gái vẫn "boa" cho anh ta một củ khoai lang về ăn lấy thảo.

3/ Một câu trong nhạc phẩm "Rừng lá thấp" do ca-nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh sáng tác.

4/ Nhân vật này nằm bên "Gia Thường Vô Ý". Hiện mình vẫn chưa viết xong. Dự tính viết không quá mười chương.