Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 140: Hồi Hai Mươi Mốt: Vàng son một thuở (a)



Đếm xong xấp tiền toàn tờ một trăm, hai vợ chồng hết ngó xấp tiền, lại ngó Phan Hoài Việt.

- Người bà con bên nội nhờ con mua giùm mấy món này để họ đãi tiệc khuya. Ông bà sui lên bất thình lình quá làm họ trở tay sửa soạn không kịp.

Thím Bảy giả lả:

- Ờ, tại thím thấy bữa nay con đặt mua nhiều hơn lệ thường nên ngạc nhiên... đôi chút. Tưởng đâu con mới trúng số độc đắc thì vợ chồng thím mừng giùm con.

Phan Hoài Việt từ lâu đã thấm thía cái cảnh nghèo đến mức không ai tin anh dám ăn xài sang cả. Họ tuy không nói ra, nhưng vẻ mặt chẳng biểu lộ một nét cằn nhằn nào khi thấy anh mua hàng của họ mà đắn đo từng li từng tí. Đồng lương nhà giáo không đủ để anh ta xoay sở giữa thời buổi vật giá leo thang này.

- Cha! Gió lạnh dữ bây? Ra ngó coi trời có sắp mưa hôn để tao còn sắp xếp lại quầy hàng nữa. - Vừa khuấy nồi cháo lòng cho nó không bị khét đáy, cô Sáu vừa biểu thằng con đang mải chơi game trong nhà ra phụ việc.

Ông Hai "Thời Tiết" đưa mắt nhìn vòm trời dày đặc mây mù, rồi trề miệng phán:

- Mưa.

- Mưa thiệt hôn ông? Đừng có hù tui nghe.

- Chời, dân đóng đáy mà hổng biết coi sao bà?

Tô cháo lòng nóng bốc khói, đỏ rực sắc ớt bột pha vào, chưa ăn mà đã khiến người nhìn thấy đau bao tử giùm. Nhưng ông Hai ăn quen nên húp coi ngọt lìm lịm, những nếp nhăn nơi khóe miệng cong lên thật cao, làm hằn rõ nét cười trên gương mặt đã qua ngũ tuần.

Phan Hoài Việt đứng nghe một đoạn trong vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh". Giọng của nghệ sĩ Thanh Nga cất lên đầy hào hùng;

"Hỡi đồng bào trăm họ, giặc Đông Hán đang xéo giày Đất Nước

Nhục nào hơn nhục nô lê ngoại bang

Thà chết mà đứng thẳng, không cam chịu sống quỳ

Đất Nước Nam cẩm tú, người dân Nam anh hùng

Trước đền thờ Quốc Tổ, thề hy sinh giết giặc cứu non sông..."

Bất giác, trong tim người thầy vọng đến một câu hát trong bài "Đêm chôn dầu vượt biển": "Nhìn lại bến bờ nước non mình, môi mặn, khóc nghẹn ngào."

- Đứa nào mà bảo vở tuồng này gây kích động thì chẳng khác nào vả vào mặt người mà chúng tôn sùng.

- Suỵt... Khẽ thôi ba.

- Cái đám đó biết chó gì về tranh luận? Có mỗi chữ "Kích động" mà nhai đi nhai lại như con bò. - Người lính già nói đoạn, vớ lấy cây nạng rồi lết từng bước khó nhọc tới quầy bán. Sau khi trả tiền cháo, ông lại băng ghế ở trạm xe buýt ngồi đợi xe tới.

Hàng rào có những bông hoa lồng đèn đỏ rực càng ngày càng gần trước mắt Phan Hoài Việt. Nhờ có lũ kiến lửa sống dưới luống râm bụt mà nhà anh không bao giờ bị trộm cướp rình mò, nên anh không tiếc công chăm bẵm nó. Hai cánh cổng anh sơn màu thiên thanh. Anh yêu thích bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn" của nữ sĩ ẩn danh T.T.Kh nên lắp thêm một giàn hoa "hình dáng như tim vỡ" phía trên cổng rào. Đến tận bây giờ, vẫn chưa có ai chắc chắn rằng chuyện tình trong bài thơ này có thật hay không, cũng như thân phận và danh tính của người sáng tác ra sao. Một số nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ, chẳng hạn như "Hai sắc hoa Ti-gôn" của Trần Thiện Thanh.

- Mi đi mô rứa mà lâu dữ vậy hè?

- Dạ, tại quán của chú thím đông quá. - Phan Hoài Việt phát cho mỗi người một chiếc kềm inox để tách càng cua lấy thịt. Một ông thương lái bán sản phẩm làm bếp thấy quầy hàng của vợ chồng chú Bảy bán đắt quá nên gợi ý bỏ mối các loại dụng cụ dùng khi ăn hải sản. Không ngờ các loại sản phẩm được khách ăn ưa chuộng vì tính tiện lợi và dễ xài, nên hai bên trở thành mối ruột của nhau luôn.

Lạc Tương Giang bật nhạc phẩm "Hội nghị Diên Hồng" do ca-nhạc sĩ Trường Hải trình bày:

" Toàn dân nghe chăng, Sơn Hà nguy biến!

Hận thù đằng đằng. Biên thùy rung chuyển..."

Bốn người học trò của cụ không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Ai nấy đều đã lên sẵn dây-cót để đối phó với bài giảng và vô số câu hỏi của ông giáo già họ Lạc.

- Cảm ơn anh. - Phan Hoài Việt rụt rè cất giọng. Đã lâu rồi anh ta mới được nếm lại món thịt cua.

- Ăn chung cho vui. - Hác Đăng Khánh buông xuống một lời mời thâm tình, rồi cầm một con cua khác lên tách lấy thịt. Mãi đến năm chú quen với chị lớn, chú mới biết ăn thịt cua, điều kiện sống nơi cô nhi viện nghèo nàn là nguyên nhân khiến chú không biết đến mùi vị hải sản đắt tiền thuở tấm bé.

Lạc Tương Giang ai hay mô thằng Khánh biết tánh tự ái của thằng Việt, nên "tiền gắp hậu tấu", để thằng nhỏ không thể chối từ.

- Bọn mi khác miền nhưng chung một giàn, ngồi đó ăn đầu mút đũa mần răng mà coi đặng. Toàn nền ông với nhau mà bọn mi cư xử khép nép như nền bà, thiệt là ngụy đời.

- Thầy ơi, "ngụy đời" là cái chi mô? - Hác Đăng Khánh nghệch mặt hỏi.

- Là "Kỳ quặc" đó a. - Lạc Tương Giang vừa lột vỏ con tôm hùm, vừa nhấm nhẳng đáp.

- Rồi, ổng say, ổng nói tiếng Huế luôn rồi. - Nguyễn Giai Kỳ cười khổ. Rồi lấy con ốc khác lể thịt ăn.

- Để từ từ tao quành về tiếng phổ thông. - Ông giáo già lừ mắt nhìn cậu học trò nổi danh "mác-tăng-xít". Rồi trỏ mặt mắng. - Mi đúng là cái đứa bời chời bợt chợt.

Nguyễn Giai Kỳ phì cười. Rồi trở đầu đũa, gắp cho ông giáo thân yêu một con tu hài nướng sa-tế ngon ngọt, nhằm dỗ ông nguôi giận. Tánh nết dân miền Tây sông nước sống phóng khoáng quen rồi. Ghét nói ghét, thương nói thương, ít khi để bụng hay giận dai. Cách nói chuyện quởn xo, không câu nệ ấy có thể khiến người từ nơi khác tới quen nề nếp cảm thấy phật ý, nhưng ở gần mới thấy tâm tính người dân nơi đây rộng lượng và chất phác thế nào. Đi mua bánh xèo, xin thêm rau, người bán cho cả rổ. Đi mua hủ tíu, xin thêm tóp mỡ, người bán cho luôn mấy muỗng đầy vung mà mặt mày không hề dàu dàu hay càm ràm cử nhử. Thậm chí khi đi mua rau ở ngoài chợ, mở miệng xin thêm trái ớt hay cọng hành, người bán cũng sẵn lòng lấy ra cho mà không cơi thêm tiền vào món hàng mua ban nãy. Chỉ có điều, chuyện học vấn không được bà con miền Tây đặt nặng, đứa nào học được thì học tiếp, không được thì nghỉ đi làm công, bà con lối xóm cũng không cười chê khi thấy đứa nào dốt đặc cán mai, đôi lúc họ còn chạy tới can ngăn nếu thấy gia đình nào trong xóm đánh con vì cái tội học dở. Nói thế thì thế, chớ tới lúc cô cậu nào "vinh quy bái tổ", bà con lối xóm lại kéo đến nhà chúc mừng rộn rịp, rồi về khuyên lơn, tỉ tê nhỏ to với con cháu để hướng nó vào con đường Tri Thức, hòng mong cầu cho sắp nhỏ có tương lai đỡ vất vả và cực nhọc như mình.

- Bây giờ, chủ đề mà hôm nay tôi muốn giảng lại cho các hiểu đó là về "Tự do Ngôn luận".

Hác Đăng Khánh chắc ăn mình sẽ không bị ông giáo chửi, bởi ông chú từ hồi nhậm chức tới giờ, chưa hề bắt bớ hay hạch sách những người bày tỏ quan điểm chống đối mình. Chú tươi tỉnh nhịp giò chờ đợi thầy cất tiếng giảng giải.

- Nếu họ phát biểu sai, thì họ sẽ tự nhận lãnh cái nhục, cái hổ ai. Mình căm ghét những ai cấm đoán tự do ngôn luận, mà lại đi làm điều đó với người khác, có khác nào bản thân vừa nhai trầu, vừa chê người ăn trầu là già nua cổ hủ không? Chúng ta chỉ kiện cáo họ khi nào lời lẽ của họ mang hàm ý đe dọa tính mạng và tài sản, hoặc có đủ bằng chứng là họ vu khống nhằm mục đích hạ nhục và bôi nhọ danh dự mình và thân bằng - quyến thuộc. Còn phát biểu ngu và đả kích lẫn nhau là một chuyện tuy không hề tốt đẹp, nhưng chẳng ai có quyền giải người đó lên đồn phạt tiền hay đưa người đó ra tòa cả.

Hóa ra là mấy chuyện lằng nhằng gần đây.

- Ví dụ thế này, tôi ghét trò Việt, tôi mới nói: Nhìn cái mặt là biết ngu rồi. Nhưng các trò biết trò Việt tài năng hơn tôi, thì liền hiểu ngay là tôi đang tị nạnh với trí tuệ của trò ấy, tuy không cãi lại nhưng các trò đều ngấm ngầm coi thường tôi là một người bất tài, mà lại có tánh nói xấu người giỏi hơn mình. Vậy thì bãi nước bọt mà tôi cố tình phun ra để làm xấu mặt trò Việt, giờ hất ngược lại mặt tôi. Các trò thấy đấy, chỉ vì một câu phát biểu ngu của mình mà tôi đã tự hạ thấp nhân phẩm của mình với toàn trường. Cho nên mỗi khi thấy ai phát biểu ngu, các trò chẳng cần tốn thì giờ công kích hay giảng giải chi cho mệt, hãy để họ từ tốn nhận lại hậu quả từ lần phun nước bọt của mình.

Bốn đứa học trò của cụ lặng thinh. Mỗi người rơi vào một dòng suy tưởng riêng. Nét mặt ai nấy đăm chiêu khôn cùng.

- Cái luận điệu "Không thích thì cút sang chỗ khác sống" là một trong những câu ngụy biện "cùn" và ngu xuẩn nhất. Giờ tôi không ưa con mẹ hàng xóm nhiều chuyện thì cũng phải bán nhà dọn đi chỗ khác à? Muốn định cư ở đâu là quyền tự do công dân của tôi, anh lấy tư cách gì mà bắt buộc tôi phải phục tùng anh hay phải thương, phải thích anh. Chừng nào tôi đặt điều về anh thì anh mới có thể đưa ra các chế tài pháp lý nhằm xử phạt tôi. Giống hệt như những kẻ khốn nạn đặt điều con gái miền Tây toàn làm đ* điếm và sính ngoại vậy. Đó là đặt điều và vu khống trắng trợn hòng bôi nhọ danh dự cả một vùng đất. Còn tôi thấy miền của anh trộm cướp nhiều, tôi mới lên tiếng góp ý với anh để anh chấn chỉnh lại an ninh khu vực mà mình quản lý; những thứ tôi nêu ra dựa trên Sự Thật rành rành, nói có sách mách có chứng, thì những gì tôi nói sẽ mang hàm nghĩa phê bình và khuyên lơn, chứ không phải vì ghét nên nảy sinh tâm tưởng đặt điều, bôi nhọ.

Hác Đăng Khánh biết thầy Ba đang nhắc đến mình, nhưng không phản ứng chi sất. Chú lặng câm như cái bóng trên tường, lòng tràn ngập một nỗi niềm chua chát và oan khiên khôn tả.

- Nói tóm gọn lại: Thương ghét là quyền tự do công dân, không phải vì người đó ghét người mà mình tôn sùng hay hâm mộ mà chụp lên đầu người ta đủ thứ "chức danh" vô lý. Vô hình trung, các trò tự đội lên đầu mình những "chức danh" đó luôn.

Giả Nam Phong lột vỏ một con tôm rang muối, rồi đặt vào chén của bạn thân. Gã biết bạn mình bị oan. Gã biết bạn mình bị oan thực sự. Gã biết. Gã chắc chắn biết điều mình biết là đúng. Đúng một trăm phần trăm.

- Tôi không thích Khổng Tử, bởi lẽ có một chi tiết trong tác phẩm "Đông Châu Liệt Quốc", chương 78, đã khiến tôi có thành kiến với ông ta. Các trò cũng biết câu "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" rồi chứ? Nôm na là "Cái gì mình không muốn bị thì đừng làm điều đó với người khác". Vậy mà ông ta lại ra lệnh chém đầu đám con hát cùng khổ để thị uy với vua nước Tề. Ở cái thời phong kiến, những người tàn tật và con hát có chút nhan sắc phải hạ mình và tự làm nhục bản thân để kiếm tiền đắp đổi qua ngày, họ đâu có chủ đích đứng múa may chế giễu ông ta đâu, người sai khiến họ là ông vua nước chủ nhà, họ mà kháng chỉ là sẽ bị chém bay đầu cả họ, thế thì hà cớ gì ông ta lại ra lệnh hành hình họ một cách man rợ và tàn độc như vậy? Nếu áp dụng theo chính câu phát biểu của ông ta, thì ông ta cũng biết sợ đau, sợ liên lụy đến thân bằng quyến thuộc, vậy mà ông ta lại nỡ xuống tay giết họ theo phương thức rất khủng khiếp. Theo các trò, ông ta có sống đúng như những gì đã rao giảng không? Và vì cơn thịnh nộ của bản thân mà ông ta đã tự biến mình thành "minh chứng sống" của câu nói "giận quá mất khôn".

Những người học trò của ông tiếp tục thinh lặng như những ánh sao mờ căm trên nền trời độc sắc mây mù.

- Ông vua Tấn nhờ miếng thịt đùi của Giới Tử Thôi mà vượt qua cơn chết đói. Tới ngày ông ta đăng cơ, vì không muốn ra làm quan nên Giới Tử Thôi dẫn mẹ đi mai danh ẩn tích. Ông ta sai người tra được nơi lánh đời của hai mẹ con, bèn phái quan viên ở đấy tới gọi họ về cung nhậm chức. Hai mẹ con vội vàng chạy trốn ngay sau khi quan viên địa phương rời đi. Cho rằng họ coi thường mình, ông ta kêu quân lính nổi lửa đốt trụi cánh rừng để ép buộc họ phải quy hàng. Và rồi hai mẹ con Giới Tử Thôi đã chết thiêu trong cơn lửa dữ dội.

Phan Hoài Việt bỏ đá vào ly bia của mình. Thanh âm "Lanh canh" rung những nhịp vui tai vào bầu không khí ngột ngạt. Đêm nay, trời có mưa hay chăng?

- Sau đó, sợ lòng dân nổi loạn vì mưu sát người ơn, ông ta chọn ngày lành tháng tốt lập đàn nói "Sorry, sorry" mấy tiếng, giả bộ đứng khóc lóc ỉ ôi một chập, rồi lập ra cái tiết Hàn Thực để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Chi tiết này nằm ở chương 37, cuốn "Đông Châu Liệt Quốc".

"Tách."

Nguyễn Giai Kỳ khui hai lon bia, một cho anh ta và một cho ông thầy. Không biết đám lính ở "nhà" có nhớ gã không ta? Hay là tụi nó đang bắn pháo bông ăn mừng vì thoát khỏi tầm kiểm soát gắt gao của gã?

- Ngột ngạt lắm rồi phải không? Hát vài bản thay đổi bầu không khí đi.

Nguyễn Giai Kỳ mượn cây đàn guitar của anh giáo họ Phan, rồi dạo một khúc nhạc đầy chất vô thường, mang tựa đề "Bên ni bên nớ", được danh ca Anh Ngọc trình bày rất hay:

"Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố

Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm Hạ, ôi buồn phố xá

Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa..."

- Kỳ.

- Dạ?

- Con thấy cậu Đoàn ra răng?

- Bản lĩnh. Khí phách. Có điều hơi ngông chút. Thưa thầy.

- Rải truyền đơn lật đổ thằng Khánh, trong khi tay không tấc sắt, thế lực của thiếu tướng Phạm chẳng đủ để chống lưng nó thoát khỏi án tù. - Lạc Tương Giang cười buồn. Rồi giục trò Kỳ gảy bản nhạc "Xin chia buồn" của nhạc sĩ Nhật Ngân, cụ từng nghe ca khúc này qua giọng hát của Elvis Phương và Duy Khánh. Nhưng gã lắc đầu từ chối vì không biết bài đó. Không biết cũng đúng, bài này bị cấm mà.

Giả Nam Phong chưa hề thấy qua người lính dù ấy. Sóng gió biển Đông và cát bụi Hoàng - Trường Sa đã mài mòn những dòng ký ức của tuổi thanh xuân trong trẻo nơi vị chuẩn tướng tứ tuần. Thứ hiện diện trong gã ở thời điểm này, là tình hình an ninh lãnh hải và ổn định được đời sống của bà con ngư dân nước mình.

Còn nhớ lần đầu đứng lớp dạy họ, Lạc Tương Giang giảng bài bằng tiếng Huế rặt, khiến đứa nào đứa nấy ngáo ngơ như trẻ con bị gửi cho cô giữ trẻ.

"Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Ông giảng cái chi mà toàn răng với rứa. Tê với chả ri." Nguyễn Giai Kỳ ôm đầu kêu lên đầy thống thiết.

"Buổi học bữa ni một phần là lỗi của tôi, tôi khiến các cậu vừa học vừa dịch thuật sang tiếng Việt phổ thông." Lạc Tương Giang rầu rĩ thanh minh thanh nga. "Để đền bù lại, tôi tặng cho mỗi người một cuốn tự điển tiếng Huế về học. À, mạ tôi bữa ni có mần món bánh phất ngon dữ lắm."

"Thầy ởi, cỏn hổng cỏ biết ăn bánh phất đẩu."

"Mi nhái tao hỉ thằng ba bớp?" Lạc Tương Giang trỏ mặt Nguyễn Giai Kỳ mắng xối xả.

Nhớ tới chuyện cũ, cả bọn bỗng cảm thấy xốn xang trong dạ. Mười hai năm đã trôi qua, tổ chức tình báo của Mạc Ngân Thần và Hà Nhất Hương coi sóc đã giải tán, bởi hai trụ cột còn lại đã ra đi về miền miên viễn, ấm êm; để lại những khoắc khoải và uẩn uất do các vụ trọng án mà họ phụ trách hãy còn dở dang cho thế hệ nối tiếp...

- Cậu có giọng hay nhường thế, hát giùm tôi bản "Mưa trên phố Huế" như Duy Khánh đi.

- Con hát thêm bản "Ai ra xứ Huế" và "Huế xưa" nghen thầy? - Nguyễn Giai Kỳ nở nụ cười chuộc lỗi vì chuyện ban nãy.

- Ừ.

"Ai ra xứ Huế thì ra. Ai về là về núi Ngự. Ai về là về sông Hương. Nước sông Hương còn thương chưa cạn. Chim núi Ngự tìm bạn bay về. Người cùng quê ơi người cùng quê. Thương nhớ lắm chi..."

- Nó hát ba bản rồi. Giờ tới phiên con đấy Việt.

Bia vào người, Phan Hoài Việt mạnh dạn cất cao giọng hát nhạc phẩm "Phải lòng con gái Bến Tre":

"Bậu sang phà Rạch Miễu. Qua lẽo đẽo theo sau. Đội bóng trăng trên đầu, màu hường như áo cô dâu..."

- Cô Phi Nhung ca bài này ngọt lắm. Nghe xong muốn "Phải lòng con gái Bến Tre" luôn. - Cùng là người miền Tây với anh giáo trẻ, nên chuẩn tướng Kỳ tỏ ra rất thích thú với màn trình diễn của anh ta.

- Có ông nhà báo người Bắc xuống miệt Kiến Hòa đi tìm mộ ngài Trương Tấn Bửu, nhưng nói nhầm thành Trương Tấn Bảo, nên chẳng ai ở miệt ấy biết cả. Đến chừng một ông cụ trong xóm tinh ý, mới ngoắc lại hỏi, "Phải ngài Trương Tấn Bửu hôn?", thì ông nhà báo mới vỡ lẽ mình lộn tiệm từ sáng tới giờ.

- Trong Nam: "Bửu", "Phước", "Nhứt", "Quới", "Chơn", "Nhơn", "Nhựt", "Bổn", "Đơn",... Ngoài Bắc: "Bảo", "Phúc", "Nhất", "Quý", "Chân", "Nhân", "Nhật", "Bản", "Đan",... Hai miền Nam - Bắc ngữ âm khác nhau, nên cách đặt tên cũng khác nhau, đừng có tùy tiện "sửa lưng" tên gọi người khác, kẻo có ngày phải đi "sửa răng" đó đa. - Nguyễn Giai Kỳ cười khoe hàm răng đều tăm tắp.

- Tao mà lên cơn nói toàn tiếng Huế thì đố bọn mi mần răng mà hiểu. - Lạc Tương Giang khoái chí cười phá lên.

Phan Hoài Việt trầm giọng đọc bài thơ "Phải lòng con gái Bến Tre " của thi sĩ Luân Hoán. Giọng anh ngân vang, đượm buồn, phảng phất nỗi nhớ nhung quê nhà não nề đến lạ:

"... Bậu ơi tin qua chớ

Lắng lòng nghe qua thề

Trước thần Phan Thanh Giản

Nếu như mà u mê..."

Thi sĩ Luân Hoán phải yêu miệt Kiến Hòa lắm đa mới có thể sáng tác một bài thơ nêu đầy đủ tên các bậc danh nhân, đường xá, công thần nước Nam, tôn giáo xứ dừa, chuyện tình muôn thuở, đặc sản trứ danh, sự tích các cồn cát,... của vùng đất nhỏ bé này.

- Trường Phan Thanh Giản từng bị đổi tên. Rốt cuộc, cái tên của ngài ấy vẫn được giữ nguyên, còn cái tên lạ hoắc lạ huơ kia đã bị người dân chối bỏ. Lịch Sử có thể bị xuyên tạc, đặt điều và bôi nhọ, nhưng lòng dân muôn đời là thật. Họ biết người nào đúng và kẻ nào sai, ai đáng được tôn thờ và ai chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng xảo trá, nhưng vì thấp cổ bé họng nên phải im miệng để giữ lấy tính mạng cho mình và gia đình. - Phan Hoài Việt tự nói, rồi tự trào một mình.

Lạc Tương Giang chợt kêu trò Kỳ khảy đàn chơi bản "Một ông già" do nhóm nhạc Lê Minh Bằng sáng tác. Nó đã từng là nhạc chuông điện thoại của cụ. Nghe được non phân nửa, cụ khẽ khàng tâm tình:

- Thuở xưa, có rất nhiều người đã ủng hộ nhầm phe. Họ bị mịt mù tin tức, vì phương tiện truyền thông đại chúng chưa tân tiến tới mức có thể giúp mỗi cá nhân kiểm duyệt nguồn tin hay tự quán chiếu lấy lý tưởng của mình. Có hai bài hát, một của nhạc sĩ Nguyễn Hiền sáng tác mang tựa đề "Em là vì sao sáng", dựa trên một nhân vật có thật trong Lịch Sử chết trong một cuộc biểu tình chống chế độ độc tài; và một của nhạc sĩ Lam Phương sáng tác mang tựa đề "Cho em quên tuổi ngọc", cũng dựa trên một nhân vật có thật, hiện đương định cư ở nước ngoại, cụ bà tham gia đợt sau với đợt của Quách Thị Trang - Nhân vật chính của bài hát tôi vừa nêu - Và hết sức ân hận vì đã ngu muội tham gia phong trào biểu tình đó, trong khi tình hình chính trị vào thời điểm ấy diễn ra hoàn toàn khác với những gì bà bị thuốc chuộc...

Gác cây guitar vào bức vách quét sơn vàng ấm, Nguyễn Giai Kỳ mới khui tiếp một lon bia. Bia hết lạnh rồi, nên uống hơi chán. Thêm đá thì thành ra nhạt phèo, do đó anh ta đành "uống chay".

- Tôi nói thật, không nói về chủ nghĩa bên nào, lấy một ví dụ đơn giản: Tôi có một mảnh đất khô cằn, chó ăn đá gà ăn sỏi, nhưng được cái diện tích của nó rất lớn. Mất hàng mấy năm trời, từ khi mái đầu đen bóng cho đến lúc tóc đã lẫn sợi bạc, tôi mới cải thiện nó thành ruộng khoai màu mỡ được, bằng tất cả vốn liếng và sức khỏe của mình tôi đã làm nên một điều kỳ tích... Bỗng đâu, một đám lười biếng hung hăng xông tới đòi chia lợi tức với tôi. Chúng nói nhăng nói cuội những học thuyết phi lý, rồi thuyết phục tôi làm như thế mới là "Công bằng". Khi thấy tôi từ chối và nhất quyết không chấp thuận vì yêu sách quá vô lý, chúng bèn đem tôi ra đấu tố để cưỡng đoạt tài sản... Nói tóm gọn là "đánh tư sản".

Hác Đăng Khánh chợt lắc đầu. Chú hiểu cái chủ nghĩa mà thầy Ba muốn nhắc đến là gì, và chú đã quá ngán ngẫm với mớ học thuyết "trên cung Trăng" ấy rồi.

- "Cái hay" của đấu tố, là sau khi lăng mạ người khác sướng miệng, bao nhiêu của nả mà người đó ky cỏm mấy đời đều thuộc về tay đồng đảng của các trò hết. Nhưng đúng như câu "Của Thiên trả Địa", những gì mà các trò cướp được chẳng bao giờ giữ được lâu dài.

- Tại sao vậy ạ? - Giả Nam Phong bây giờ mới chịu lên tiếng. Đã biết vết thương trên mặt chưa lành, mà vẫn còn ham ăn "đồ phong", lát nữa ngứa đã cho coi.

- Bởi vì người ta nhờ "chất xám" và sự cần cù mà tạo dựng được cơ nghiệp, còn trò vừa dốt vừa lười thì ngồi không ăn xài bao nhiêu cho đủ. Thêm cái nữa, họ có bí quyết kinh doanh riêng, mà một đứa chỉ giỏi chửi, bươi móc và bịa đặt như trò không bao giờ biết được, nếu người đó không chịu tiết lộ và dạy nghề, thì hỏi sao cơ nghiệp không sụp đổ trong nay mai được. Giờ thử thời ông tỷ phú công nghệ nào đó giao tập đoàn của ổng cho tôi xem, trong vòng chưa đầy mười năm là tôi sẽ làm cho nó banh chành hết, tại tôi có giỏi về lĩnh vực công nghệ hay biết cách quảng bá và phát triển nó đâu? Mà trong giới chính trường, thương trường và quân trường, chỉ cần một chữ ký hạ xuống sai chỗ, là bao nhiêu sinh mạng và tài sản nhân dân sẽ đội nón ra đi không một lời giã biệt.

Phan Hoài Việt nghe tiếng xì xào ngoài hiên nhà, anh bèn xin phép rời đi một lát để kiểm tra. Hai người chuẩn tướng đưa mắt nhìn tổng thống sắp U50 như nhìn một sinh vật lạ; anh ta mà có mệnh hệ gì chắc bọn họ không thoát khỏi án oan mưu sát và đảo chính.

Riêng ông giáo già vẫn thản nhiên gắp thức ăn. Món sụn gà rang muối thật ngon, ăn bao nhiêu cũng không đã.

- Ai ở ngoài đấy vậy con?

- Dạ, hai cha con bán kẹo kéo xóm trên.

- Ừ, nỏ có vấn đề chi thì tốt rồi.

Phan Hoài Việt chưa kịp ngồi xuống bộ ngựa, giọng của thầy Ba lại vang lên đầy trầm buồn:

- Có nhiều đứa mang "mác" chuyên Sử tự kiêu với thành tích của mình, nhưng chúng chẳng biết cái cóc khô gì ngoài mớ nội dung in trong sách giáo khoa và tài liệu mà thầy cô phụ trách môn ấy bắt học. Một người giỏi Sử thực sự phải là một người có khả năng phân tích tình hình Chính Trị vào thời điểm ấy, cũng như là đối chiếu được quan điểm lẫn tư tưởng của mỗi cá nhân sống trong thời đó, và tự rút ra kết luận, nhận xét của riêng mình, không lệ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Nếu các trò may mắn gặp được bậc kỳ tài ấy, các trò sẽ hiểu thế nào là tương ngộ Ngô Sĩ Liên bên mình và Tư Mã Thiên bên Trung Quốc.

"Ầm."

Ngôi nhà mái ngói già cỗi oằn mình chống cự cơn dông lốc kéo đến bất thình lình. Bụi cát bay đầy con lộ cô đơn. Tiếng lá rơi xào xạc nghe như một khúc dương cầm lạc nhịp. Từ xa vẳng đến tiếng chó sủa inh ỏi. Không gian đêm Hạ buồn ơi là buồn.

Lạc Tương Giang uống xong lon bia Con Cọp thứ năm, coi mồi đã say khước. Đám học trò của cụ nháy mắt bảo nhau đem giấu mấy lon bia trên bàn để tránh cụ uống nữa lỡ đứt gân máu chết thì nguy. Phan Hoài Việt bước xuống bộ ngựa, đặng đi pha cho mỗi người một ly chanh đá uống giải chất cồn; anh rất vụng về trong việc nội trợ nên phải sắm cho mình một bộ dụng cụ nhà bếp tân tiến nhằm tránh gây ra thương tích trên cơ thể một cách tối đa.

Đương bỏ chanh vào máy cắt rau củ cầm tay, Phan Hoài Việt chợt nghe tiếng thầy Ba vang lên đầy giận dữ:

- Mày đấy Khánh! Chấp nhận ngồi ghế tổng thống thì phải xem dân như bạn, chứ không phải coi dân như con ghẻ. Suốt ngày ngồi đó nghĩ kế áp đặt, soạn luật đàn áp dân tới cùng chỉ để bao che cho bè đảng của mày.

Hác Đăng Khánh chưa kịp phân bua, thì ông giáo già đã chuyển sang đối tượng xấu số khác:

- Mày đấy Kỳ! Tướng ra tướng. Hề ra hề. Đừng có suốt ngày mang cái bản mặt bỡn cợt đó đi muôn nơi. Quân trường không phải chốn hí trường, muốn bay bướm, muốn lãng tử thế nào cũng được.

Trò Việt và trò Phong liếc mắt nhìn nhau, hình như ông giáo không có ý định phê bình ai trong số họ, vậy là thoát nạn rồi!

- Nước chanh của tôi đâu trò Việt?

- Dạ, sắp xong rồi, thưa thầy.

- Ừ, từ từ thôi con, kẻo phong đòn gánh thì khốn. - Lạc Tương Giang nằm vắt chân chữ ngũ, tay đắp ngang trán. Không biết cụ bị bóng đèn neon làm cho chảy nước mắt sống hay là cụ đang nhớ về ngày xưa mà bậm môi khóc nhỏ nhẻ. Tiếng mưa ngoài kia cũng không thể át đi âm thanh nức nở, chua chát ấy.

"Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi

Gác nhỏ buồn lẻ loi bóng dáng in trên tường loang..."

Bản nhạc "Mưa nửa đêm" do ca-nhạc sĩ Duy Khánh trình bày từ một xe kẹo kéo đậu nhờ mái hiên nhà anh giáo họ Đặng vọng xuống mé nhà sau. Thông cảm với những mảnh đời sống nhờ gánh hàng rong, mỗi bận trời đổ mưa lớn, anh lại mở cổng nhà đón họ vào đụt mưa, tránh rét. Anh không dư dả để đi làm từ thiện, thì anh lấy cái tâm mình ra mà san sẻ vậy.

Phan Hoài Việt nhờ chuẩn tướng Giả bỏ đá viên vào ly, còn phần mình thì mang đồ nhậu còn dư lên cho hai cha con bán kẹo kéo. Đứa trẻ đội mũ tai bèo màu xanh ngọc có quai, ăn mặc rất tươm tất và chỉnh tề. Còn người cha thì tơi tả như Trần Minh khố chuối.

Nhận được mấy túi thức ăn ngon lành, hai cha con anh ta mừng lắm. Người cha mau mắn giục con trai khoanh tay, cúi đầu thưa anh giáo trẻ tuổi. Giờ kẹo kéo bán ít ai ăn, vì các món ăn ngoại quốc luôn hấp dẫn giới trẻ hơn là mấy món ăn dung dị, dân quê này.

Cụ Phan Bội Châu đã từng cám cảnh người dân nước ta mến chuộng món bánh mì Pháp mà viết ra một bài thơ nhằm cảnh tỉnh cái nạn đồng hóa dân tộc:

"Bánh mì

Mì kia gốc phải nước mình không?

Nghe tiếng rao mì thốt động lòng.

Chiếc bánh não nùng mùi đất lạ,

Bát cơm đau đớn máu cha ông.

Văn minh những vỏ chưng ba mặt,

Thấm thía tim gan lệ mấy dòng.

Nhớ lại sáu mươi năm trở ngược,

Say mì lắm kẻ bán non sông.

1939"

- Ơ này, trời còn mưa mà anh với cháu đi đâu đấy?

- Thôi xin phép thầy cho cha con tôi về. Con gái tôi đương ôn thi chuyển cấp, suốt mấy bữa nay toàn ăn ba cái thứ rẻ tiền, nay có mấy món ngon, tôi phải về sớm để kịp hâm lại cho nó ăn tẩm bổ; chứ để sáng ra ăn mất ngon, lại bỏ mứa thì uổng phí lắm.

Sợ thằng bé bị cảm lạnh, anh giáo trung niên đưa cho nó một tấm áo phao dày sụ mua trong một lần ghé thăm Sapa. Riêng về phần người cha, anh tặng luôn chiếc áo mưa mà nhà băng tặng cho anh nhân một dịp kỷ niệm nào đó; chất liệu của chiếc áo rất tốt, anh đã xài suốt hai năm qua mà vẫn chưa hư mục chỗ nào.

Mưa đêm nhỏ những tiếng ngân trầm bổng xuống khu phố đông dân cư. Bóng hình hai cha con xa dần, xa dần, rồi mất hút sau một khúc quanh nơi ngã ba vắng ngắt. Cũng may anh kịp dúi vào tay anh ta một chai dầu gió để xức nếu như bị nhiễm lạnh.

- Thầy Ba ngủ luôn rồi... - Giả Nam Phong nói đoạn, che miệng ngáp dài.

- Anh biết không? Nếu nói bên thắng cuộc lúc nào cũng đúng và chính nghĩa, thế chẳng lẽ giặc Tàu xâm lược nước ta thành công thì bọn nó cũng làm đúng và hành động chính nghĩa à? Tôi sống theo "Thuyết Tương đối", chứ không bao giờ tin vào "Thuyết Tuyệt đối".

- Nhưng rất tiếc, có một số kẻ vì lợi ích cá nhân nên luôn rắp tâm làm mù lòa cả cộng đồng. Chừng nào lửa bén tới thân, chúng mới la hoảng công khai Sự Thật. Việc của chúng ta, là để cho chúng chết chìm luôn trong biển lửa, khỏi cứu vớt chi cho nhọc xác. Đức Chúa và Đức Phật sẽ cứu rỗi và tha thứ cho chúng, song còn tôi thì không... Thôi khuya rồi, thức khuya trong đêm mưa gió thế này dễ nhiễm cúm mùa lắm. Đám thủy thủ tụi tôi sợ nhất bệnh này, một thằng bịnh lây cả nguyên tàu.

- Anh ở đấy hay ăn cá gì nhất?

- Thường thì là cá nục, cá trích hoặc cá ngừ. Hiếm khi có được miếng thịt tươi. Trứng gà, trứng vịt thì không thiếu mấy.

- Anh về đây thích ăn thứ gì nhất?

- Kem của hãng "Thỏ Xanh - Blue Bunny". Tôi hồi nhỏ không biết chữ, cứ thấy logo hình đầu thỏ cách điệu màu xanh nước biển là réo ba me lại mua.

- "Me"? Anh là người Đà Lạt à?

- Phải.

"Xịch."

Hai người dừng cuộc đối thoại, đưa mắt nhìn chiếc xe Jeep bọc thép đậu ngoài hàng rào.

"Xạch."

Chiếc dù màu xanh dương đậm bung ra sau khi người đó bước xuống xe. Vóc dáng và kiểu tóc rõ mười mươi là thanh niên trai tráng, nhưng giọng nói lại rặt nét nữ tính.

- Tôi là Jacqueline, tới đây để đón ông chú về nhà... Tôi là người đồng tính nữ, các người không cần ngạc nhiên đến độ săm soi tôi như một con khủng long vượt thời không đến Thế kỷ này chứ?

Hác Đăng Khánh được hai viên chuẩn tướng hộ tống ra tận xe. Một người là bạn thân từ thuở hàn vi, còn một người luôn ở thế đối địch với mình, tự dưng chú phá lên cười, vì bỗng liên tưởng họ tới hình tượng Ông Thiện - Ông Ác thường thấy ở các ngôi đình làng.

"Rầm."

- Chú chừa cho tôi món chi thế?

- Một con cua hấp bia, vài ký hải sản...

- Chú uống bia à? - Jacqueline nhíu chặt đôi mày chữ Nhất hơi xếch.

Hác Đăng Khánh nhếch miệng cười xác nhận.

- Để về nhà tôi nấu cho chú một nồi cháo giải cảm. Ngày mai...

- Ngày mai không có cuộc họp quan trọng nào đâu.

- Nhưng phải đi thị sát công trình về hệ thống tàu điện ngầm thành đô. Chú đã cam kết với bà con trước tháng Chín, năm nay là sẽ cho khởi chạy mà?

- Tôi nói thật nghen?

- Gì chú?

- Người dân còn không nhớ dai bằng Jack đâu. Tiếc rằng, xét theo học lực, chị không được bổ nhiệm vào ban cố vấn của tôi. Cái nạn bằng cấp dìm chết tài năng này không biết đến kiếp nào mới được dẹp yên.

Ca khúc "Hai mươi năm tình cũ" do Thái Châu trình bày gởi vào hồn chú một niềm nhớ nhung chị lớn thật đầy, thật căng. Nhạc sĩ Trần Quảng Nam còn có bản "Mười năm tình cũ" và "Ba mươi năm tình cũ" rất nổi tiếng. Chú thường nghe bản đầu qua giọng ca của Lệ Thu, Elvis Phương và Ngọc Lan, bản sau thì chưa nghe, vì không ưng giọng hát của ai cả. Nếu Anh Khoa và Duy Trác còn trẻ, Sĩ Phú và Duy Quang còn tại thế, ắt hẳn "Ba mươi năm tình cũ" sẽ trở thành một tuyệt tác. Một điểm thú vị ở Duy Trác, là cụ họ Khuất, Khuất Duy Trác, một cái họ cực kỳ hiếm hoi và khó tìm thấy trên dải đất hình chữ S này.

...

Nguyễn Giai Kỳ chợt rủ Giả Nam Phong ra sau hè tắm mưa. Hình như câu mắng ban nãy không lọt vô lỗ tai gã, nên mặt mày vẫn nhơn nhơn như thường. Mặc độc cái quần đùi thông dụng của lính, gã cứ thế xát xà-phòng lên người tắm rửa.

- Ở bưng nào mà riết như người rừng vậy?

- Thủy thủ cũng toàn tắm ở trên boong tàu mà ở đó biểu tôi người rừng. Chắc anh là người cá quá! - Nguyễn Giai Kỳ bĩu môi. - Hồi ông già còn sống, mỗi bận thấy tôi tắm mưa, ổng vác cây "Đồ Long Đao" ra rượt chạy thấy mẹ. Ổng biểu: "Nhà không có dư dả gì mà mày còn vác xác ra sau hè tắm mưa, lỡ bị bịnh rồi sao? Tiền đâu tao lo đây?" Mà ổng chửi thì chửi, cứ hễ ổng vắng nhà là tôi lại ù ra sân chơi năm mười dưới mưa với đám nít quỷ trong xóm.

"Ầm."

- Oa! Sét lớn dữ!

- Anh nói làm "động lòng" Trời đó. - Giả Nam Phong nói mát. Rồi cũng lột đồ ra đứng tắm mưa chung với thằng bạn "Mác-tăng-xít".

Phan Hoài Việt chỉ uống một lon bia nên với tửu lượng của mình thì anh không đến nỗi say khước. Chồng giáo án cao ngất chất chứa đầy tâm tư và tình yêu non nước sâu đậm của người thầy giáo nghèo mạt rệp.

"Bởi con tạo xoay vần thành trai tráng

Nên tâm tư thường nặng nợ non sông

Không quân phục thì cũng hàng tri thức

Sống cốt sao cho rạng mặt Quê Hương

Không hổ với bậc hùng anh thuở trước

Thắp lửa thiêng Dân Tộc suốt muôn đời."

- Con với cậu Tuyết... là "Người hùng cô đơn" của Trầm Tử Thiêng. Muốn "Khai dân trí", thì con phải chấp nhận cái cảnh thân bằng quyến thuộc xa lánh vì sợ bị liên lụy. Muốn "Chấn dân khí", thì con phải nuốt nỗi oan khiên và uất nghẹn vì bị những người con tin yêu nhất đem ra đấu tố với chính quyền. Và muốn "Hậu dân sinh", thì con phải tự đặt mình vào chính hoàn cảnh của những kẻ rình rập cơ hội vu khống để tố giác con hòng lập công mà đọc cho họ một khúc kinh cầu mang tên thứ tha.

"Cộp."

Cây viết mà Phan Hoài Việt đương cầm trên tay rơi xuống mặt sàn lát gạch bông bóng loáng. Anh quay người lại nhìn thầy Ba, một nỗi xúc cảm khôn tả trào dâng nơi đáy lòng.

- Con biết Đức Chúa Jesus khi bị cực hình đóng đinh đã nói gì chứ? Con biết Đức Phật Thích Ca khi bị vu khống và lăng nhục đã làm gì chứ? Khoan dung cho những kẻ lầm lạc và ích kỷ, cũng chính là giải thoát cho bản thân mình.

Mưa réo rắt ngoài khung cửa sổ. Những giọt nước mát lành ấy lặng lẽ nuôi dưỡng mặt đất khô cằn, ngập mặn mấy tháng qua. Có tiếng chim non kêu váng ở trên cây sầu đâu sát vách gian bếp nhà anh.

- Thầy biết con đang bị những kẻ bưng bô chế độ "đóng" vào người những "cây đinh" tẩm đầy những lời mạ lị, xúc xiểm. Thầy biết cả việc...

- Thôi thầy. - Phan Hoài Việt nói trong nước mắt.

Lạc Tương Giang gỡ mắt kính mà cậu học trò trung niên đang đeo ra, rồi xịt thuốc rửa vào bề mặt của hai tròng kính, sau đó dùng giấy mềm để ở trên bàn bếp lau khô. Vừa làm, cụ vừa thủ thỉ:

- "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà", cụ Đồ Chiểu là người đã viết ra bài thơ ấy. Tới tận bây giờ, rất nhiều kẻ vẫn khiếp sợ những người chỉ có mỗi cây viết trên tay và sổ trắng lận lưng làm vũ khí. Họ sống bất cần như Trang Tử. Chính quyền sợ họ, chứ họ nhất quyết không thỏa hiệp với chính quyền... Của con nì.

- Dạ, con cảm ơn thầy. - Phan Hoài Việt khoanh tay thưa thầy, trước khi nhận lại cặp kính thuốc của mình. Đôi mắt anh hoe đỏ như trẻ con lạc mẹ.

- Muốn hiểu rõ Lịch Sử, hãy nghe những bản nhạc Vàng về lính, rồi tra cứu hoàn cảnh sáng tác của từng bài, tự khắc sẽ biết những gì mà mình đã học qua sách giáo khoa là xảo trá hay chân thật. Các nhạc sĩ thời đó không bị bó buộc về mặt tư tưởng hay "yêu ai", nên họ muốn viết nhạc phản chiến ra sao cũng được.

- Dạ, "Yêu ai cứ bảo là yêu, Ghét ai cứ kêu là ghét", thầy hí?

- Ừ, ráng học tiếng Huế đi rồi tôi làm mai cho cậu một người em gái sông Hương, núi Ngự. - Thầy Ba vuốt tấm lưng cậu học trò cưng mà nở một nụ cười thật tươi như những bông hoa nắng nhảy nhót trên mặt nước sông Hương hiền hòa.

Hai thầy trò bước ra ngoài hàng hiên ngồi ngắm mưa rơi. Bề ngang của hàng hiên rộng chừng bảy thước, nên nước mưa chẳng tạt tới chỗ họ. Mùi mít Tố Nữ gần chín thơm ngọt dịu dàng. Hàng cau nghiêng qua nghiêng lại theo cơn gió dữ. Thỉnh thoảng, vài ánh chớp lóe lên làm sáng cả vừng trời tối mịt.

- Tụi nhỏ bây giờ không chấp nhận lạm dụng ngữ vựng Hán Việt, mà lại đi xài chữ "Trào lưu". Trước đó, nước mình dùng chữ "Làn sóng mới", dịch từ chữ "New wave"; chữ này hợp nghĩa hơn chữ "Trào lưu" rất nhiều mà không ai biết để dùng cả.

Ly trà gừng mật ong phả làn hương nồng ấm vào khoảng không gian lạnh giá.

- Cũng như có đứa mắc dịch, dịch giả đời trước để tựa "Chuông nguyện hồn ai" hay gần chết, nó đổi lại thành "Chuông gọi hồn ai", chỉ có một chữ thôi mà nó đã biến tiểu thuyết trữ tình của người ta thành truyện kinh dị!

"Ầm."

"Vù..."

"Chíp chíp chíp..."

- Thôi ta vào nhà nghen thầy? - Phan Hoài Việt ngó tổ chim trên cây sầu đâu sắp sửa rơi xuống đất mà cám cảnh phận mình.

"Lạch cạch..."

Tuy cửa đã được khóa kỹ, nhưng hơi lạnh của màn đêm kết hợp với mưa phùn vẫn kịp chiếm hữu gian bếp.

- Tôi có một cái tật, mỗi lần soạn giáo án đều cố tình viết sai một sự kiện Lịch Sử hoặc một chi tiết nào đó, để các trò tập thói quen kiểm chứng nhằm tránh bị dắt mũi hoặc định hướng theo ý đồ của ai đó. Tôi rất sung sướng khi nhìn thấy các trò mạnh dạn chỉ ra chỗ sai của tôi, và sửa lại chỗ sai thành chỗ đúng.

Lạc Tương Giang nghe tiếng ngáy của hai đứa học trò từ phòng khách vọng xuống mà trề môi thiệt dài. Riêng Phan Hoài Việt chỉ mỉm miệng cười thật hồn hậu, vừa sắp xếp lại chồng giáo án, anh ta vừa kiểm tra xem trên bàn còn sót vụn bút chì nào không để sẵn tiện quét đi.

- Trò là đứa duy nhất gặp riêng tôi để nhờ tôi xem lại những chỗ giảng sai hôm trước. Không giống với những đứa sĩ phu ngạo mạn kia, chỉ biết tụ lại cười nhạo sau lưng tôi, trò cẩn thận chép những chỗ không đồng nhất của tôi và tài liệu đã đọc rồi trình lên tôi, đoạn hỏi tôi thật chi tiết những điểm nghi vấn và thiếu sót. Đám đó thích làm con bò cho người ta chăn dắt đến vậy thì tôi để yên cho đẹp lòng chúng. Tôi đã cầm sẵn đồ nghề trên tay, chỉ cần mở miệng phát biểu là sợi dây nô lệ tư duy sẽ được tôi tháo ra giúp; nhưng sẵn thành kiến nói đúng thường bị mấy thằng bất tài trù dập và hắt hủi, nên chúng đành ngậm tăm hùa theo tôi. Bởi vậy cho nên suy đi nghĩ lại, chúng đáng thương hơn lả đáng trách.

Ngọn đèn đường vàng vọt hắt thứ ánh sáng đơn côi vào gian bếp đượm màu thời gian. Ông Lam Phương có bài "Kiếp nghèo" rất hay, vô tình lọt vào tay cha nội tiếu lâm bỗng chốc trở thành nhạc hài kịch. Mấy câu ấy như sau:

"Đường về đêm nay tối thui, cô đụng tôi cô nói tôi đui

Đường về đêm nay tối thui, anh đụng tôi anh nói tôi lọt tròng."

Nguyên văn là:

"Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào mưa rơi ướt nhanh

Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng thương kiếp sống mong manh..."

Đêm hôm khuya khoắt, giọng hát Tuấn Vũ nâng bổng cái lạnh của màn mưa rời khỏi không gian ngôi nhà ngói cổ, dìu dắt những con người nặng nợ với Tổ quốc chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm. Ngoài Tuấn Vũ ra, ca khúc này còn rất hợp với giọng hát của Như Quỳnh, Thái Châu, Thanh Tuyền, Anh Khoa, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Thúy,...

- Đúng là lính, ngáy như sấm vậy. - Lạc Tương Giang cúi xuống đắp chăn cho từng đứa học trò. - Ủa mà kỳ hỉ? Bọn nóa tắm khi mô mà lẹ dữ rứa? Tôi nhớ lúc nớ tôi...

- Không những tắm xong, bọn con còn kịp đem đồ dơ bỏ vào máy giặt nữa kìa...

- Mi... Mi...

- Hì, có chi đâu mà thầy kinh hồn hoảng vía lên thế? Lính mà ngủ say như chết thì địch nó tràn vào thảm sát cả trại sao? Phải tập ngủ như con ngựa vậy ấy, nghe động tĩnh khác lạ là thức dậy liền. - Nguyễn Giai Kỳ hơi nhếch miệng cười. Bên cạnh anh ta, gã trai thủy thủ kia đang rục rịch nhỏm dậy. - Ê mày! Dậy hát vài bản cho tao nghe coi!

- Mẹ... Để tao yên!

oOo

Cấp Trên mở tin nhắn. Ca khúc "Fighter" do ca sĩ Christina Aguilera trình bày vọng vào tai gã như một lời nhắn nhủ đầy tính thách thức.

"Cảm ơn anh vì đã hại tôi te tua, nhờ thế mà tôi mới khôn ra, biết cách chống cự lại với lọc lừa và dối trá, và làm cho con người tôi trở nên mạnh mẽ hơn xưa."

Cấp Trên dẩu môi. Rồi rít một hơi xì-gà. Đoạn nhả khói. Những lọn khói trắng mơ hồ như lòng người.

- Chú chim Silas ra tù rồi.

- Ai?

- "Somebody that I used to know."

Đó là tên bản nhạc một thời vang dội khắp năm châu do đôi song ca Gotye - Kimbra biểu diễn.

Chiếc xe Maserati đưa hai con người lầm lạc rời khỏi phố thị sầm uất tới một vùng đất nơi miền Tây rợp mát bóng dừa. Dọc theo đường đi của họ, những cây hoa phượng lác đác nở bông. Vì yêu một cô gái tên Nguyễn Thị Hoa Phượng sống cùng quê ở Sóc Trăng, mà nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết nên khúc tình ca bất hủ "Nỗi buồn Hoa Phượng" để in dấu kỷ niệm mối tình đầu dang dở. Mặc dù hai nữ ca sĩ Hương Lan và Như Quỳnh thể hiện nhạc phẩm này rất tuyệt vời, nhưng ông chỉ ưng mỗi tiếng hát của ca sĩ Thanh Tuyền.

Đoạn băng ghi lại cảnh tượng một cậu trai trẻ bị quấy rối tình dục trong tù. Những lọn tóc mai nâu sẫm che đậy đôi mắt đẫm lệ vì uất hận. Xem được phân nửa cuộn băng, dịch vị nơi dạ dày của Vệ Thanh đã xốn xang kinh khủng. Xem hết, ắt hẳn hắn sẽ nhào đầu xuống xe mà nôn thốc nôn tháo mất.

Xe vừa tắp vào lề đường, tài xế chưa kịp cài thắng tay, Vệ Thanh đã bật cửa bước xuống. Bóng mát của hàng cây mù u che chở cho anh ta thoát khỏi cái nắng hè như thiêu như đốt. Xa xa, một gia đình sống bằng nghề đóng đáy đang kéo vó, nước da mặn mòi màu đất quê hương. Vài đứa bé đương chơi bắn bi dưới tán cây gạo nở bông đỏ rực. Bất giác, hắn nhớ đến nhạc phẩm "Hành trình trên đất phù sa" do Phi Nhung trình bày:

"Chim tung bay hót vang trong bình minh

Chân cô đơn áo phong sương hành trình

Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho xuôi về Gò Công

Tiền Giang ngút ngàn như một tấm thảm lụa vàng..."

- Người miền Tây hiếm có ai mang tâm lý sĩ diện hão, nghèo thì họ phô nghèo, giàu thì họ khoe giàu. Cướp thì họ nói là cướp, mần ăn lương thiện thì họ nói mần ăn lương thiện. Chớ không tự tâng bốc bản thân hay tốt khoe xấu che. Điều ấy thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh. Nhưng cũng vì thế mà rất nhiều kẻ thiếu hiểu biết cố vin vào sự thật thà của họ để vu khống gái miền Tây hay làm đ* điếm. Vì những cô gái sống bằng nghề buôn phấn bán hương dám thừa nhận thẳng chuyện ấy, chứ không ngụy trang thành gái chính chuyên để bốc phét, xạo láo lừa người và nhằm che đậy cái nghề không mấy tốt đẹp của mình, song hành động của họ vô tình khiến những con người có cái đầu mà không có cái não "chụp mũ" đàn bà con gái ở đây toàn làm cái nghề đó.

- Tôi thích sự thẳng thắn ấy. Làm gái thì nói mẹ là làm gái, bày đặt thanh cao, trong trắng như "Em làm công chức trên thành phố" hay "Em làm lễ tân trong khách sạn". Gạt người được dăm ba bữa chứ ai gạt người được trọn đời. Tánh tôi cũng vậy. Tôi chó má, sống khốn nạn thế đấy, chơi được thì chơi, không chơi được thì biến. Khỏi cần hướng hay lôi kéo tôi về nẻo Thiện.

Ngồi xem đôi vợ chồng kéo vó một đỗi, Vệ Thanh buồn miệng kể cho gã trai ấy nghe một câu chuyện tình lâm ly bi đát:

Số là hai người này yêu nhau, nhưng mẹ của chàng trai chê cô gái xấu quá nên không chấp thuận cuộc hôn nhân. Thật ra, bà ta không ưa người yêu của con trai, vì đã tìm được một mối thông gia tốt đẹp hơn nhiều. Chàng trai kiên quyết không tiến tới hôn nhân với cô gái mà mẹ mình ép cưới. Nhưng sau lần tự tử bất thành thứ ba của mẹ, chàng ta đành phải thực hiện hôn lễ. Sau ngày cưới, anh ta dựng chòi ở ngoài mé sông ở, để lại căn nhà rộng thênh thang cho mẹ và người vợ trên giấy tờ sinh sống. Ngót được một năm, chàng trai chạy trốn lên nhà của người tình muôn thuở ở luôn, và gửi giấy ly hôn về cho người vợ trên giấy tờ. Nhận được lá đơn của người chồng hờ, cô vợ mừng hết lớn, vì cô cũng đã có tình lang, anh ta thương yêu và chiều chuộng cô hết mực, nên không do dự gì sất, cô ký cái rẹt. Biết được sở thích đem cái chết ra làm kế bắt ép của má chồng/má ruột, nên hai người nhất trí sẽ ra tòa trong âm thầm. Sau khi hoàn thành xong thủ tục, cô vợ hờ đợi ngày má của chàng trai vắng nhà, liền cuốn gói theo tình lang, để lại lá thư giải thích mọi việc. Về phần chàng trai, anh đợi ngày người yêu sinh con xong mới dẫn về tạ tội với má. Trông thấy đứa cháu đích tôn kháu khỉnh và giống con mình như đúc, bà ta hết thèm tự tử, giờ suốt ngày chuyển sang tìm cách dụ khị vợ chồng con trai về sống chung với ba má. Nhưng sợ vợ mình bị má chồng gây khó dễ, nên chàng ta tới nay vẫn không đồng tình chuyện đó. Đều đặn cuối tuần cả nhà anh ta về thăm và nấu nướng đãi đằng đấng sinh thành. Câu chuyện đó xảy ra ở Bình Đại, thành phố Bến Tre.

- Chuyện tình của họ còn hay hơn cả Romeo và Juliet nữa...

- Vậy là, anh ta chưa từng ngủ chung giường với cô vợ hờ?

- Phải. Nếu không tin, cứ hỏi người dân ở đấy, anh sẽ biết thế nào là mối tình vĩnh cửu. Và người miền Tây là thế đó. Họ luôn luôn thẳng thắn trong mọi chuyện, nhất là về mặt tình cảm, nên hay bị thua thiệt về mặt giao tế. - Ngừng một đỗi, Vệ Thanh mới nói tiếp. - Mỗi lần nhớ lại câu chuyện đó, tôi lại liên tưởng tới ca khúc "Đố ai cấm được chim bay" do đôi song ca Hùng Cường - Sơn Ca trình bày.

Cấp Trên đợi hắn nói tiếp.

- Thật ra, người dân ở đấy nể nhất là bà ta. Bởi vì sao ư? Ba lần thắt cổ tự vẫn mà vẫn không chết thì quả là một kỳ tích ngàn năm mới gặp.

"Tin..."

Chiếc xe sang trọng quay trở lại để đón họ đi tiếp chặng đường còn lại.

Bất thình lình, Vệ Thanh chợt cất giọng hỏi:

- Anh quen tôi vì tôi cùng màu tóc với người này? Này...

Bàn tay phải của Cấp Trên như gọng kềm khóa cứng lấy hai cánh tay của người đàn ông Á Đông trung niên. Những giọt chất lỏng trong vắt có mùi gây gây rơi từng giọt vào mỗi bên mắt anh ta.

- Cưng phân biệt được màu sắc chưa?

Nhìn lọ thuốc nhỏ mắt trong tay gã đàn ông ngoại quốc mà hắn giận run người. Hắn luôn luôn bị thằng điên ấy biến thành trò giải khuây vào những lúc mất cảnh giác.

- Tôi đi ăn bánh xèo đây. Có ai đương đứng kế bên muốn đi ăn chung không đa?

- Phì... Đừng có nhại giọng miền Tây nữa.

- Sao biết miền Tây?

- Miền Bắc chữ đệm cuối câu thường là "í" hoặc "nha", còn miền Tây là "đa" hoặc "đó", và miền Trung là "tê" hoặc "rứa". Miền Nam thì "nghen" hoặc "nghe".

- Còn miền núi?

- Anh lên núi mà hỏi họ đi.

Cấp Trên nắm tay dẫn Vệ Thanh trở lại xe. Vừa đi, anh ta vừa nhắn nhủ:

- Tôi chẳng cần ai thương vay khóc mướn cho mình đâu. Cũng chẳng cần ai bới móc quá khứ để thông cảm giùm. Sống khốn nạn và đểu cáng là sự lựa chọn của tôi. Tôi dám chơi thì tôi dám chịu.

Vệ Thanh chợt khựng lại, bởi trong xe có thêm một người nữa, hoàn toàn lạ mặt và không quen biết với anh ta.

- Tôi không có phục kích cục cưng đâu. Nào, lên xe mau đi... - Cấp Trên dỗ dành.

Silas thoáng chút hoảng hốt mỗi bận phải đối diện với gã trai tóc bạch kim ấy. Cốt cách của anh ta hệt như một con dã thú sống nơi rừng thiêng nước độc, tự tôn xưng mình là vua của muôn loài, mặc những kẻ ở xung quanh chế giễu hay thù ghét thế nào cũng không để tâm nốt.

Ba người ghé một hàng bánh xèo bán trên vỉa hè ở đường Nguyễn Thái Học. Điểm bán tương đối sạch sẽ và tươm tất. Khách ăn lai rai, đủ để chủ quán kiếm lời và đỡ lo toan về mặt sinh kế. Mỗi cái năm đồng, ăn hơi ngán tiền một tẹo, nhưng bù lại nhân bánh rất nhiều và hương vị tuyệt ngon, ăn hoài ngán tiền chớ không ngán bánh.

- Ăn mấy cái đây? - Cấp Trên mỉm miệng cười hỏi hai người kia.

- Ăn ba cái thôi. Ăn nhiều dầu mỡ, đường bột lâu tiêu dữ lắm. - Vệ Thanh nêu ý kiến.

- Tôi cũng đồng ý với anh này...

- Gọi cậu ấy là Venn cho dễ kêu. - Cấp Trên bất thình lình bẹo má cả hai người. Vốn quen với tánh cợt nhả của gã trai ấy, nên chẳng ai thèm để tâm nhiều.

"Ting."

- Oa... Có người gửi tin nhắn cho tôi.

- Nếu cô đó đẹp gái thì cưới luôn cho tôi nhờ. - Đáp lại tấm chân tình của hắn, Cấp Trên bẹo má hắn một cái rõ đau trước khi mở tin nhắn ra xem.

Số máy này từng là bạn bè của Cấp Trên. Anh ta mắc bệnh đãng trí. Đôi khi lên cơn mà tha thiết gọi gã là "My darling". Nhắc mới nhớ, gã và anh ta giống nhau ở điểm này, gặp ai cũng quàng vai bá cổ kêu "Người yêu dấu ơi".

...

Thanh Nguyệt nhìn tập hồ sơ khám sức khỏe tổng quát một đỗi, lòng tràn ngập băn khoăn.

Không ai an tâm để gã ở lại nhà cậu Minh tốt bụng, vì họ sợ sẽ đem nguy hiểm tới cho bọn trẻ. Anh ta rất mến nhóc Thâm, bởi tính nó lầm lầm lì lì như anh. Hồi còn ở đó, hai chú cháu thường chơi cờ tướng. Nó sáng dạ, anh khéo tay, nên mỗi bận thấy mô hình nào ưng ý, họ lại cùng nhau làm.

Cuối tuần này anh ta sẽ ghé nhà cậu Minh để ăn tiệc mừng sinh nhật nhóc Mai. Anh đã mua xong một bộ Lego kiểu mới nhất cho nó. Và hai món quà khác cho hai bé con kia.

Bên cạnh gã, Mộ Khuynh Chiêu đang ngồi thảo trình dữ liệu. Ban nãy điện thoại của ông ấy đổ chuông mấy lần, song ông không bắt máy; những dòng giai điệu ma quái, tang thương đến giờ vẫn ám ảnh gã:

"... Trên không gian mêng man mây đen

Tìm nhau kéo về ầm ầm mang theo mưa giông

Từng cơn bão bùng bao la vây quanh bên anh

Nghĩa trang lạnh lùng..."

Nghe nói nhạc phẩm "Người về từ lòng đất" được nhạc sĩ Quốc Dũng viết ra nhằm tưởng niệm diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh. Khi chọn nhạc chuông, Mộ Khuynh Chiêu thích chọn giọng hát Don Hồ, ông cảm thấy tiếng ca của Minh Thuận không hợp nhạc cho lắm.

- Trụ sở cần anh xác nhận một số điểm...

- Hết tuần này được không?

- Được. Trong người không được khỏe hả?

- Tôi đang soạn một bức thiếp cho một cậu bé nhân ngày sinh nhật của nó, nên muốn dành hết tâm tư vào việc này. Vụng văn khổ thế đấy.

- Okay.

Mộ Khuynh Chiêu toan mở cửa rời đi thì chợt nghe thấy Thanh Nguyệt nói:

- Ông cắt tóc kiểu này đẹp đấy...

- Ồ, cảm ơn. Già mà còn để tóc dài trông chẳng khác nào thằng quỷ ngựa già.

- Mặt mày ông vẫn còn đẹp ấy chứ.

Mộ Khuynh Chiêu mỉm miệng cười buồn, đoạn khẽ khàng xoay người mở cửa phòng, rời đi. Nắng chiều rót lên người ông sắc màu héo hắt bởi lẽ trời sắp chuyển mưa to. Những cánh chim trời hối hả dắt díu nhau về tổ trước khi bị cơn mưa nhấn chìm vào màn nước dữ tợn.

"... Em yêu ôi thôi mau quên đi

Tình yêu não nề đang miên man trong cơn mê

Để anh trở về mộ phần lạnh lùng vơi đi

Nỗi đau âm thầm..."

oOo

Đặng Thừa Tân rất mến mộ nhóm nhạc Lê Uyên - Phương; cô vợ ca sĩ lấy biệt danh là Lê Uyên, còn người chồng nhạc sĩ lấy bút hiệu là Phương, ghép lại thành Lê Uyên Phương. Những ca khúc mà Chàng sáng tác - Nàng hát chính thường mang âm điệu trái cấm nơi Vườn Địa Đàng, câu chuyện tình dục được mỹ miều hóa, nên không gây khó chịu hay phản cảm cho người nghe. Thường thì anh sẽ bật bản "Vũng lầy của Chúng ta" do đôi vợ chồng ấy song ca vào những ngày vắng khách để chiêm nghiệm về khái niệm Tình yêu một mình. Khi lên nghe trên Youtube, anh hay gõ nhóm chữ "Vũng lầy của Chúng ta Lê Uyên Phương 1984" để tìm được video gốc và rõ âm thanh.

Ngày hè nóng nực, anh ta xắn tay áo sơ-mi lên làm việc, hai chữ "Sát Thát" in đậm nơi bắp phải mà chàng giáo Phương Vũ nhớ nhầm thành "Thát Sát" vẫn còn ở nguyên vị trí. Tiếc rằng ông chú không có mặt ở đây để biết mà đính chính lại sự nhầm lẫn của mình.

- Anh hiện đương viết về cái chi vậy?

- Viết hộ em gái toàn bộ... - Đặng Xương Tuyết không đủ can đảm để thốt lên hai chữ "tác phẩm", nhờ viết hộ nó mà mắt anh tăng thêm hai độ chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. -... truyện tình nói về những người đồng giới do nó nghĩ ra.

- Tôi có thể biết lý do được không?

- Đó là ước mơ của nó. Nhưng lực bất tòng tâm. Tôi vốn không có hứng thú viết giùm bất cứ ai, kể cả em gái mình. Song không hiểu sao, khi nhìn mẩu truyện của nó như mảnh ruộng vụng chăm, tôi lại khó chịu khôn cùng, nên phải ngồi vun xới, đắp đất, bón phân và gieo mạ lại từ đầu.

- Mình gọi là thể loại gì nhỉ?

- Chỉ là một cái "tag truyện", hơi đâu mà phải bận tâm đến. - Đặng Xương Tuyết mỉm miệng cười buồn thật buồn. - Nước nhà có đủ thứ vấn đề cần họ nêu lên ý kiến thì không một ai dám hó hé, đóng góp. Giặc Tàu đang quấy nhiễu ở biển Đông kìa, sao không dám mở "Hội nghị Diên Hồng online" sôi nổi như khi họp bàn về những món "trào lưu" mới đi? Có mỗi cái "tag truyện" mà nháo nhào suốt mấy năm ròng.

Như sợ người bạn mới quen không hiểu ý mình, anh buồn buồn cắt nghĩa.

- Họ đã không muốn đọc những thứ anh viết, thì dù anh gắn mác "Tình trai" hay "Đam mỹ" họ cũng chẳng có thèm vào xem đâu. "Kẻ hiểu mình thì không cần giải thích. Mà người không hiểu mình thì càng không nên giải thích." Chỉ tổ phí nước miếng và hao hơi tổn sức.

Đặng Xương Tuyết nói đoạn, bưng ly cà-phê lên nhấp một ngụm. Rồi thả hồn theo nhạc phẩm "Đưa em tìm động hoa vàng" do ca sĩ Duy Quang trình bày. Ca khúc này dựa trên một câu chuyện tình có đôi chút cấm kỵ về tôn giáo, về một thiếu nữ nhỏ tuổi và một chú tiểu đồng trang lứa, mối tình của họ đơn sơ mà trong trẻo như những giọt sương mai nghiêng mình đón nắng trên những phiến lá mởn xanh. Nhưng cũng như sương mai, mối tình của họ tan vỡ thật nhanh chóng. Cô bé ra đi trong một cuộc chạy giặc, để lại chú tiểu thẫn thờ ngồi thầm thì bên nấm mộ hoa vàng xây cất sau ngôi chùa mà mình đang tu học. Thiền sư Phạm Thiên Thư chứng kiến từ đầu chí cuối chuyện tình của hai người, nên xót thương sáng tác ra bài thơ "Thoáng hương qua" dành tặng họ. Về sau, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành những tình khúc bất hủ như "Em lễ chùa này", "Đưa em tìm động hoa vàng", "Gọi em là đóa hoa sầu",... Qua những giọng hát vang bóng mãi mãi như Thái Thanh, Sĩ Phú, Duy Quang, Vũ Khanh, Lâm Nhật Tiến,... chất thơ và hồn nhạc càng được điểm tô thêm rực rỡ.

Đặng Thừa Tân rót cho mình một ly nước đầy nhóc từ chai nước khoáng có ga mang hương vị mận rừng pha với phúc bồn tử. Chất nước ngọt ngào, thơm ngát ấy xoa dịu cổ họng khô ran như ngói phơi ngoài nắng.

- Nếu muốn đặt ra một thể loại tác phẩm mới, trình độ phải cỡ cụ Nhất Linh - Người đã sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn - Chứ còn những người viết bình luận theo kiểu ăn bớt ăn xén chữ nghĩa thì không có đủ năng lực để quyết định đâu.

- "Ăn bớt ăn xén chữ nghĩa" nghĩa là sao hở anh?

- "Hay cực", "Xinh vãi",... đại để là vậy. "Hay cực kỳ", chữ "Cực" mà đứng riêng thường thì dùng để diễn tả về hoàn cảnh nghèo nàn hay khổ ải của một người nào đó; ví dụ như "Mày làm chi cho cực thân vậy?" Hoặc trong số trường hợp đặc biệt như "Cực độ", "Cực hạn", "Cực điểm" và để nói về các Cực trên Trái Đất. Còn chữ "Vãi", ai đời lại ghép chữ "Vãi" vào chữ "Xinh", thử thời các cụ học giả ngày xưa mà thấy các anh viết lách "sáng tạo" như vậy thì liệu có phát cho vài roi vào mông không hả?

Đặng Thừa Tân đã lau khô những chiếc ly thủy tinh, hiện anh đương sắp chúng vào giá để. Anh hãy còn nhớ đến những tít báo có tiêu đề rất mắc cười và không thể chấp nhận được, kiểu như: "Hết hồn với mốt khoe bướm của diễn viên A", vâng, số là cô A mặc cái váy đính họa tiết bướm trắng xuống phố, và bởi vì bất tài, vô dụng, nên cô A phải mượn một tay bồi bút "họa ra" một bài báo để nhắc khéo công chúng nhớ tới mình.

- Chê trách người khác viết văn lậm Tây, lậm Tàu, trong khi bản thân lại viết ra những dòng chữ, câu từ phá vỡ cấu trúc và quy tắc vốn có của tiếng Việt, anh thấy họ nói một đằng làm một nẻo không? À, mà này, tôi đã tìm ra đáp án rồi.

- Anh đã tìm ra đáp án rồi à?

- Là Elvis Phương. Anh hãy gõ nhóm chữ "Tiếng hát Elvis Phương Shotguns 26" là sẽ ra nguyên album. Tôi nói có sách, và luôn mách có chứng.

Đặng Thừa Tân làm thử. Một đỗi lâu sau, anh ta bật ngón cái xác nhận đúng.

- Tôi quyết định bao anh một tháng uống cà-phê miễn phí. Tôi đã tốn rất nhiều thì giờ để tìm ra chủ nhân của giọng hát trong ca khúc này, nên xem như là trả ơn anh sao cho thật xứng đáng.

Tự dưng được hưởng một phần quà rất hời, Đặng Xương Tuyết thoáng lúng túng, nhưng rồi anh mau chóng trấn tĩnh lại mà thốt lên một tiếng cảm ơn chân thành.

- Bộ tứ Anh Khoa - Sĩ Phú - Duy Trác - Anh Ngọc có giọng hát mang âm hưởng một con người thuộc dòng dõi quý tộc. Khi nghe họ hát, anh có thể liên tưởng đến hình tượng một quý ông mặc âu phục hoặc áo sơ-mi kết hợp với quần tây kaki đương đứng nghiêm chỉnh cất cao giọng trên sân khấu. - Vừa bật bản nhạc "Mưa hồng" do ca sĩ Khánh Ly trình bày, anh chủ quán trẻ tuổi vừa rót nước khoáng có ga trong chai của mình vào ly của anh bạn mới quen. Khánh Ly và Ngọc Lan hát đều hay, nhưng nỗi khắc khoải và suối nguồn tương tư mà cụ Trịnh Công Sơn truyền đạt vào trong nhạc phẩm này chỉ có mỗi giọng hát của cô Khánh Ly là khắc họa thành công và rõ ràng nhất. Nếu nói về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này thì dài lắm lắm, cỡ mấy tiếng đồng hồ mới xong, nên chỉ khi tao ngộ được người yêu mến dòng nhạc Trịnh Công Sơn thực sự, anh mới bỏ thì giờ ngồi kể từ đầu tới đuôi cho họ nắm được hết thảy. Còn nếu gặp khách vãng lai tò mò, anh sẽ nói tóm gọn rằng, ca khúc này được nhạc sĩ sáng tác trong khoảng thời gian ở Đà Lạt, ý tưởng nảy đến lúc cụ ngồi viết thư tình cho cô Dao Ánh ở Huế và lòng thì đương miên man nhớ về vùng đồi núi Blao quanh năm chìm khuất trong màn sương mù bảng lảng.

"Trời ươm nắng cho mây hồng

Mây qua mau, em nghiêng sầu..."

Với Đặng Thừa Tân là âm nhạc, còn Đặng Xương Tuyết là văn học. Hai gã người dưng cùng họ, bổ khuyết tri thức và trao đổi cho nhau những tâm tư về thể loại mà bản thân yêu thích.

- Còn Tuấn Vũ, Elvis Phương, Hùng Cường, Chế Linh, Duy Khánh, Jo Marcel,... là những giọng hát độc đáo và đặc sắc, rất hiếm ai có thể bắt chước được. Nhưng họ lại không khơi gợi được cốt cách hoàng gia trong tôi như bộ tứ kia.

Nói đoạn, Đặng Thừa Tân bật bản nhạc "Tình khúc cho em" do đôi song ca Duy Trác - Sĩ Phú trình bày. Một sáng tác của nhóm nhạc Lê Uyên Phương.

- Còn Duy Quang thì sao?

- Đại đa số đồng tình rằng, giọng hát của ông ấy khiến thính giả liên tưởng tới một anh chàng thư sinh đẹp trai, hiền lành và rất mực gương mẫu của trường. Đó không phải là một giọng hát xuất sắc, mà là một giọng hát hết sức đẹp đẽ, nom mong manh như loài hoa sứ trắng vậy.

Sự xuất hiện của người đàn ông để kiểu tóc búi tó củ hành khiến cho cuộc tán gẫu giữa hai người cùng họ trở nên dang dở. Anh ta lặng im tưới nước cho giò lan hồ điệp tím, đôi lúc ngâm nga theo giai điệu tươi vui của khúc nhạc đương phát trong quán. Vẻ ngoài của anh ta hơi gai mắt một chút, vì ngoại hình "nữ tính hóa" quá mức, cộng thêm mái tóc dài suôn mềm càng khiến ít ai ưa nổi diện mạo ấy. Không hiểu sao, Đặng Xương Tuyết bỗng nhớ đến một phân cảnh trong phim "Suối ma" của Đài Loan, nội dung chẳng kinh dị gì sất, chỉ thấy toàn là chuyện tình đồng giới giữa các nhân vật chính, nên anh ráng ngồi chiều nó xem chung, nhưng rồi mười lăm phút sau, anh kiếm cở lảng ra ban-công hút thuốc.

Chậu hoa lan này hóa ra là của Liễu Nhược Thần tặng quán làm kỷ niệm. Hồi trước y làm việc ở đây, không có để mái tóc dài lượt thượt như bây giờ vì Phan Hoài Việt nghiêm cấm nhân viên làm rơi tóc vào trong món của khách.

Liễu Nhược Thần lại quầy kem lấy một hũ kem Blue Bunny loại "Bunny Tracks", rồi toan bước tới quầy thu ngân thì anh chủ quán đã khoát tay, bảo, "Miễn phí."

Đặng Xương Tuyết mời người thanh niên kỳ dị ấy lại bàn ngồi chơi. Y cũng không khách sáo, liền vui vẻ tới ngồi; vừa đi vừa loay hoay mở nắp hũ kem.

- Tôi là đ* đực. Nhờ một dịp may mà tìm được đường hoàn lương. - Liễu Nhược Thần tâm sự bằng giọng đều đều. - Nếu anh cảm thấy cuộc đời tôi có thể gây cảm hứng sáng tác nơi anh, cứ tự nhiên đưa nó vào trong tác phẩm, không cần phải hỏi ý kiến tôi đâu.

- Truyện của em gái tôi đã là một mớ bòng bong...

- Kẹo bông gòn cũng là một mớ bòng bong ngào đường. Ăn rất ngon chứ bộ.

- Nhưng những thứ tôi viết hộ em gái, rất dễ khiến độc giả đứt gân máu chết...

- Chích ngừa một cái, đau, sau đó có thể bị hành sốt, nhưng khả năng phòng dịch bệnh ấy sẽ tăng lên rất nhiều. Lời nói thật gây mất lòng, nhưng rất quý... Anh thấy trong những bộ phim điện ảnh không? Đã có người cảnh báo, khuyên nhủ ngay từ đầu, nhưng đám nhân vật chính vẫn trơ trơ cái mặt, không rủa người ta tâm thần thì cũng chửi người ta rỗi hơi, tới chừng có chuyện thì run rẩy cầu xin người đó chỉ cách cứu giúp.

- Sau khi viết xong cho nó, tôi sẽ đi Sapa một chuyến, cậu có muốn đi cùng tôi không?

- Anh lạ lùng thật!

- Tôi vốn không có bạn, mà cũng chẳng muốn kết bè, cứ cô độc thả cần câu bên bờ sông như Khương Tử Nha là đời đẹp rồi.

- Còn người yêu... À, tôi lẩn thẩn quá! Xuân Vinh là người yêu của anh.

oOo

Trần Cảnh Chiêu rủ nhóm điều tra viên ra sau nhà xác lùi khoai lang. Những người đến thử ADN để tìm kiếm thân nhân cũng lắm, mà số thám thính tin tức nhằm suy xét động tĩnh sắp tới cũng nhiều.

Bên hàng rào, bản tin trên đài đương phát sóng buổi phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Lăng Phụng Quốc về tình hình an ninh lãnh hải Đại Việt.

- Anh Quốc ơi... Từ nay trong gió ra khơi. Từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi...

- Trời ơi! Bộ trưởng chưa chết cha nội "mác-tăng-xít". - Mạnh Cường quở. - Pháp y hết bài rồi sao lại chọn bản "Huyền sử ca một người mang tên Quốc" hử?

Trần Cảnh Chiêu không đáp, chỉ cười giả lả vài tiếng. So với chuẩn tướng Kỳ, thì người đàn ông này điên gấp đôi, gấp bội, gấp cả trăm vạn, ngàn lần.

Một người phụ nữ trạc gần tứ tuần đương hái mồng tơi trên hàng rào, ngó thấy đám đàn ông túm tụm lùi khoai thì bĩu môi một cái, rồi che miệng cười. Hôm qua, người yêu cũ gửi chị ca khúc "Adieu, sois heureuse" do ca sĩ Art Sullivan trình bày; rồi hôm nay, người ấy lại gửi tiếp nhạc phẩm "Vĩnh biệt người tình" qua giọng hát buồn thảm của ca sĩ Anh Tú, đây là lời Việt của bản tình ca ly tan kia, người sáng tác là nhạc sĩ Lữ Liên. Chị xin lỗi vì đã phụ rẫy tấm chân tình ấy, nhưng chị không thể gởi gắm đời mình cho một gã trai rày đây mai đó trên bốn biển mông mênh được.

- Điện thoại của tôi...

Viên Thùy nheo mắt nhìn cậu bạn Đại Hàn lục hết túi quần này sang túi áo nọ với thái độ vô cùng hoảng hốt.

- Cần tôi chừa khoai lùi không? - Mạnh Cường gọi với theo.

Tào Việt Bân bật ngón cái, rồi xoay người chạy thục mạng về homestay.

"Bịch."

- Xin... xin lỗi... anh...

Tào Việt Bân luống cuống đỡ người đàn ông vạm vỡ có nước da rám nắng mà mình vô ý đụng trúng dậy. Trên người anh ta có mùi hương đặc thù của ngư dân sống ở miền duyên hải, hơi gay mũi đôi chút.

- Cậu không sao chứ?

- Tôi không sao... - Tào Việt Bân phủi phủi mông quần và lưng áo. Rồi sực nhớ đến vụ điện thoại, cậu hớt ha hớt hải chạy bán sống bán chết về nhà tiếp. Đằng sau lưng cậu, gã trai ấy đương cúi xuống nhặt lại chiếc nón lưỡi trai.

Quán cơm mà viên Hải Quân gặp gỡ "Người tình ngàn dặm" lần đầu vẫn đơn sơ như cũ. Hai vợ chồng cụ ông thương-phế binh vẫn mạnh giỏi, vẫn ưa nghe những bản nhạc Vàng, vẫn ưa ngồi xem cải lương trên đài.

Giả Nam Phong khoanh tay thưa hai người. Rồi gọi một phần cơm canh ăn lót dạ trong lúc chờ chiếc xe Jeep quân đội sơn màu rằn ri tới rước.

Bản nhạc "Màu mũ anh Màu áo em" do ca sĩ Mai Lệ Huyền trình bày khỏa lấp sự thanh vắng của quán cơm quê. Ca khúc này được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và em trai Trần Thiện Thanh Toàn đồng sáng tác. Ngoài cô Mai Lệ Huyền ra, Trish Thùy Trang và Spencer biểu diễn cũng rất hay.

- Anh Phong... Anh mới "dìa" hả?

Giả Nam Phong ngạc nhiên khi thấy chính mình không bày tỏ thái độ mừng rỡ như thầm tưởng. Gã nhã nhặn hỏi những câu khuôn sáo, không còn tính thân mật giữa hai người như trước đây.

Bản nhạc chuông "Tâm sự thủy thủ" cất lên những giai điệu khoáng đạt và sôi nổi, báo cho gã lính biển biết rằng thiếu tá Hưng sắp tới.

- Bao nhiêu năm rồi mà anh vẫn giữ nguyên bài hát ấy...

- Bởi Phong thích giọng hát của bác Hồng Phúc mà.

- Anh cứ quên mãi... Không phải chỉ có mỗi mình bác Hồng Phúc hát không đâu, mà còn có Thanh Vũ và Phượng Bằng nữa. Họ vốn là một băng tam ca mà. - Ngừng một lát, chị mới nói tiếp. - Cũng như lý do mình chia tay nhau vậy. Không phải chỉ là vì anh đi biền biệt suốt, mà là...

Bỗng chốc, Giả Nam Phong và người yêu cũ im bặt. Bởi tiếng hát của Tuấn Vũ và Giao Linh trong nhạc phẩm "Đường tình đôi ngã" đã nói thay hết tâm sự của họ:

"Thôi em hãy đi về

Vĩnh biệt kể từ đây

Còn luyến lưu làm chi, còn vấn vương làm gì

Ai thật lòng yêu ai đến bây giờ mình đã biết

Chuyện tình đôi ta em hãy xem là huyền thoại

*

Anh đừng giận em

Kìa dĩ vãng mùa thương vẫn đẹp như giấc mơ

Trên trời bao ánh sao, tình ta bấy nhiêu kỷ niệm..."

Cụ ông biết hai người đang khó xử, nên đứng ra xử giùm.

Tà áo dài trắng vụt mất như cánh bướm trinh nguyên nơi vườn hoa đương thời hàm tiếu. Như lời nhạc sĩ Anh Thy đã từng viết trong ca khúc "Hoa biển": "Biển khơi không mang hoa màu trắng." Phải, biển khơi chỉ chứa đựng máu đỏ đồng bào đổ xuống trong những chuyến vượt biển bất thành, tuổi thanh xuân của các chiến sĩ trong những trận hải chiến Hoàng - Trường Sa, và tính mạng của những ngư dân nước mình đã bị giặc phương Bắc hại chết. Biển đối với em là một màu mơ mộng. Biển đối với anh là nước mắt tràn mi, là thương đau cho vận mệnh non sông, là những niềm vui riêng bị quên lãng, là mối tình dang dở vì nghìn trùng ngăn cách.

Giả Nam Phong ăn vội ăn vàng bữa cơm mặn đắng tình đời. Chiều nay gã sẽ quay lại Hoàng - Trường Sa. Một mình viên tướng già họ Tăng không thể xoay sở với trăm công nghìn việc ở đấy. Hoàng Sa và Trường Sa không phải là hai cỗ máy chiến đấu, họ cũng cần phải nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe. Có anh ta chìa vai gánh vác, gia đình đó sẽ đỡ vất vả hơn. Vang vọng bên tai gã là những lời ca bi hùng của nhạc phẩm "Đáp lời sông núi".

- Con có đói bụng hôn? Lại đây chú đãi con một bữa.

Đứa bé mặt mày lem luốc cười thật tươi. Rồi ú a ú ơ huơ tay huơ chân chỉ loạn xạ.

- Nó không có bị câm. Cha dượng nó bạo hành riết nên mới mất khả năng nói chuyện. Mẹ của nó mất khi sinh đứa em kế.

Nhưng chợt nó nói thật rành rẽ, nó chỉ mừng quá nên không kiểm soát được hành vi.

- Khoan.

- Dạ?

- Uống viên thuốc trị bao tử rồi hãy ăn con.

Nó e ngại đưa mắt hỏi thầm ý kiến ông bà nuôi. Thấy họ kêu được, nó mới dám bỏ vô miệng nuốt. Viên thuốc hơi to, nhưng thoảng hương kẹo ngọt, nên uống không khó khăn mấy.

- Con muốn ăn gà chiên KFC không?

- Dạ, con thích lắm, thưa chú.

Lâu thật lâu nó mới ghé chỗ hai vợ chồng cụ ông dùng bữa. Thường ngày ai sai gì nó làm nấy để đắp đổi miếng cơm, nhưng không dám đi "giao hàng" vì sợ hương hồn mẹ hiền quở phạt. Ông dượng Hàn Quốc hồi đầu dễ thương lắm, sau này ghen tuông quá hóa điên, mẹ nó cắn răng chịu tất chỉ vì muốn nó được hưởng một cuộc sống sung sướng nơi xứ người. Người có phúc phần sống tốt thường chế nhạo những cô gái lấy chồng ngoại quốc, là me Tây, me Mỹ, có bao giờ bọn họ nhìn thấy sự đánh đổi hạnh phúc bản thân ở những "nàng Kiều hiện đại" ấy, chỉ vì để đỡ đần gánh nặng kinh tế và trả nợ cho gia đình.

- Con có muốn làm con nuôi của chú hôn?

Đôi mắt của đứa bé sáng lên trông thấy. Dường như viên chuẩn tướng nơi đầu sóng ngọn gió thoáng thấy hình ảnh một người sĩ quan đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm ấy. Gã xúc động khụy xuống ôm chầm nó vào lòng, như ôm gọn tấm mộ bia khắc tên người chiến sĩ đó.

...

- Cậu Bân mất tích rồi à?

Mạnh Cường ngồi thừ người trên sàn nhà đọc lá thư của bọn bắt cóc. Hắn nặng nề gật đầu xác nhận.

Viên Thùy không phát hiện bất cứ vết máu nào trên sàn nhà, sau hơn mấy tiếng đồng hồ mượn dụng cụ của Trần Cảnh Chiêu tìm kiếm. Điều đó tạo cho họ một chút hy vọng rằng cậu bạn Đại Hàn không gặp nguy hiểm đến tính mạng.