Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 38



38.

"Cậu vẫn còn qua lại với Thư sao?"

Hả? Gì? Làm sao cơ?

Đột nhiên Chi nhìn tôi với ánh mắt căm ghét tột độ. Hả? Tôi ngây người ra. Ý là như thế nào cơ?

Chát! Á! Ớ! Một cái tát đau điếng vả lên mặt tôi! Ngay lập tức, hai chân theo phản xạ lùi ra xa. Đau khủng khiếp! Có phải Chi vừa tát tôi lật mặt không? Ủa tại sao chớ? Tôi làm cái vẹo gì đâu?

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra cả. Khi nhìn lại thì toàn bộ khuôn mặt của Chi đã đỏ ửng lên. Hai mắt vừa căm ghét vừa buồn bã. Những giọt lệ trên đấy cứ thế muốn chực trào. Nhưng Chi đã hít hơi sâu để nhịn chúng lại. Và cậu ta cắn chặt răng, cứ trừng trừng nhất định tức giận với tôi.

"Tại sao cậu vẫn còn qua lại với Thư chứ? Trong khi... trong khi cậu đã biết rõ tôi ghét Thư như thế nào. Tôi đã cảnh báo cậu rồi, không phải sao?"

"Gì?" Tay ôm mặt, miệng cãi lại. "Tôi... Tôi muốn chơi với ai thì chơi chứ? Sao cậu lại cấm cản?"

Chi đốp chát lại, "Cậu không được qua lại với Thư, với bọn người đó. Rõ ràng đó là một lũ xấu xa, dối trá. Tôi không cho phép cậu chơi với họ!"

Hả? Ủa bà tưởng bà là ai mà cấm tui dị bà nội?

"Nếu cậu còn qua lại với bọn họ thì mình không phải là bạn bè gì nữa!"

Cái đéo gì... Được! Được luôn! Mệt quá! Gì tự nhiên má lên cơn điên á? Tôi tặc lưỡi, mặc kệ. Bên má vẫn còn đau. Ủa tát người ta xong mắc mớ gì khóc? Đờ mờ, tui còn chưa khóc nữa á! Tát cái muốn cắm đầu xuống đất luôn! Alo? Ủa? Gì dị trời? Mé khóc nữa hả! Tao ăn tát tao còn chưa khóc mà khóc gì vậy? Khóc cái mẹ gì! Tôi né xa Chi ra, tự động hướng xe về phía mình. Tao cắm cái đầu mày xuống đất bây giờ ở đó mà khóc lóc! Chi nhìn tôi leo lên xe bằng hai mắt ướt sũng. Thôi mẹ tự về đi mẹ. Cút hộ. Quá mệt mỏi. Tao quá mệt mỏi với mày rồi. Lết. Cút. Biến. Mé nó cay thế nhở! Tôi cắn răng lẹ làng phóng xe chạy mẹ ra khỏi đó. Kệ mẹ nó! Nhức đầu vãi linh hồn! Xôi xéo chim cút đi! Tôi phóng lên và phóng chạy trong chớp mắt, tới mức quên luôn đội nón bảo hiểm! Mé! Tự nhiên tát người ta! Cay thế nhở! Bạn bè quen biết qua lại bình thường thôi mà! Khóc gì khóc hoài ủa? Đã thế còn vô lý! Hiểu đéo mẹ gì đâu tự dưng đánh người ta? Thà khóc có lý do ok tao hiểu tao thông cảm! Còn cái quần gì cũng khóc! Thôi ơn mẹ, mẹ biến hộ em cái. Áo em không phải là cái khăn chùi nước mắt nước mũi của mẹ đâu ạ... Giống gì mà khóc cứ dúi cái mặt vô người tui! Thôi! Nguyên bể nước trong người hay gì dị má! Qua! Sa mạc cần lắm! Qua cung cấp đi! Để tôi yên! Dừng lại. Đội mũ bảo hiểm cái đã! Bà mẹ! Cảnh sát bắt là thấy mụ nội luôn! Đã không có nón còn ướt người đã thế còn bị tát! Ngày bà nội mẹ gì vậy chời? Cạch, tôi đội mũ bảo hiểm lên rồi chạy tiếp. Kệ mẹ ai gọi réo rú thét gào gì! Tự đi về mình đi! Chạy! Ai rảnh vòng lại! Má nó! Ướt sũng mẹ cái áo từ đầu giờ! Còn cúp học... Lạy hồn cô hồn luôn.

Lạy. Từ nãy né con ra. Khỏi bạn bè cái mốc xì được luôn!

Tôi ở bệnh viện cũng đã được một hai ngày. Giữ đúng lời nói của mình, Sơn đã trở thành bác sĩ chính, đảm nhiệm ca của tôi. Trải qua khoảng thời gian chúng tôi xa cách nhau bao lâu nay, anh không hề đổi khác. Vẫn là một người tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chỉ biết cúi đầu nhìn vào sách vở trong tay. Sơn không hề nói gì với tôi mỗi lúc đến phòng, ngoài những câu từ liên quan đến tình trạng cánh tay. Và nhất là, đôi mắt của anh vẫn lãnh đạm như ngày nào. Như những cái ngày ấu thơ thuở bé đó. Bây giờ, việc duy nhất giữ tôi có cảm giác còn sống chính là mũi kim truyền nước biển trên cánh tay. Lẫn âm thanh của máy đo nhịp tim hoạt động. Tôi tự hỏi, vốn chỉ là ngã gãy tay, sao phải theo dõi đến những thứ không liên quan khác? Sơn thậm chí còn muốn tôi chụp X-quang. Anh ấy nói mình đang sắp xếp lịch chụp. Và tôi... Sơn không bao giờ nghe lời của tôi, trong bất cứ chuyện gì. Anh ngồi đây trong phòng bệnh của tôi nhưng tất cả những gì anh chú ý lại là đám chữ đen trên trang sách kia. Từ đó, tôi chợt nhớ lại ký ức lúc bé. Tôi tưởng là mình đã quên đi hết. Là rằng từ nhỏ, tôi đã ngồi trên đất, với những món đồ chơi chung quanh và cặp mắt tròn xoe nhìn lên anh. Người anh luôn vùi đầu vào sách vở của tôi. Tổng cả thảy tất cả những lần tôi nhìn Sơn học bài thì tất cả những lần đó Sơn đều không nhìn tôi. Cho dù có là bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ và bao nhiêu tháng ngày trôi qua... Vẫn cho dù tôi có bước đến, níu lấy áo quần của anh hay òa khóc. Anh cũng không hề quan tâm. Có lẽ, Sơn chỉ liếc nhìn một cái... rồi lại quay về với dáng vẻ nghiêm túc học tập. Nhờ đó, anh luôn là người giỏi nhất. Là người con đáng tự hào của gia đình. Và tôi... Và tôi là như thế nào nhỉ? Cuối cùng, tôi đã ra sao mà lại trở thành thế này?

"Sơn."

Bây giờ, anh ngẩng đầu lên khi tôi gọi. Giây phút hiếm hoi rời khỏi những thứ dày cộm trên bàn. Lúc này, đôi mắt mở hờ đen láy nhìn tôi, nhưng miệng không cất tiếng. Đã là cuối ngày. Ánh nắng hoàng hôn vàng như quả trứng hồng hào đang chiếu qua những khe rèm cửa dù chỉ là nhỏ nhất. Cứ thế, chúng đổ màu lên chiếc áo trắng trên cơ thể anh. Lên nước da nhạt nhòa, nhất là khuôn mặt lạnh băng... sắp chìm vào cảnh vật xung quanh.

"Hồi bé, anh có bao giờ dỗ em nín khóc không?"

Tôi hỏi thẳng những điều trong suy nghĩ. Mặc kệ anh sẽ trả lời thế nào. Cớ làm sao giây phút đó trái tim như rớt ra bên ngoài. Mà đổi lại Sơn chỉ nhẹ nhàng lắc đầu: "Không."

Và rồi từ đó, Sơn dẫn tôi đi trở lại dòng ký ức cũ kỹ. Chúng tôi từng trải qua nhưng anh luôn nhớ rõ.

"Mày không nhớ... À ừ không nhớ cũng phải. Ba mẹ không bao giờ, kể cả là để tao dỗ mày nín khóc cả. Họ áp dụng một phương pháp dạy con đặc biệt, gọi là "Cry it out". Giải thích nôm na là ba mẹ hoặc người chăm sóc sẽ để trẻ khóc chán rồi tự nín. Không ôm ấp, dỗ dành hay vỗ về. Nếu áp dụng phương pháp đó, theo quan niệm lẫn kết quả thu về, đứa trẻ sau này sẽ tập được tính độc lập, không phụ thuộc và vòi vĩnh người lớn."

"Vậy tại sao họ còn muốn để em lại với anh?" Tôi buột miệng hỏi, tiếp nối theo lời giải thích của Sơn.

"Chắc là họ muốn hành hạ tao."

Câu trả lời của Sơn làm tôi im bặt. Hàng giờ, hàng ngày phải ngồi lắng nghe tiếng một đứa con nít khóc gào... đúng là cực hình của anh. Nhưng, bỗng nhiên, tôi chợt nhớ, Sơn đã luôn ngồi đó. Anh không bao giờ rời bỏ giữa chừng. Anh luôn học xong bài vở, cho dù tôi gào khóc ngay cạnh bên. Khi ấy, cả người anh tỏa ra bầu không khí lạnh ngắt. Anh cúi đầu xuống và không nhìn tôi. Y như bây giờ, ánh mắt kia lại trải dài trên những dòng chữ. Nếu như anh thấy phiền như vậy... Như vậy. Tại sao anh không bỏ đi luôn đi?

"Hoặc họ sợ mày chết." Sơn kéo lại bầu không khí trước khi nó quá đắng để thở. Anh nói sau khi trút hơi dài. "Có nhiều vụ việc ghi lại khi áp dụng phương pháp bỏ mặc này, phụ huynh đã làm quá để đứa bé chết. Nên ba mẹ để tao ở đấy, trông nom mày không được chết."

Và rồi, anh nhìn vào mắt tôi, "Giống như bây giờ vậy."

Tôi thấy trong cổ họng có gì nấc nghẹn. Bầu không khí không đắng mà cay xè. Nó làm mắt tôi nhòa đi, thành như nhìn qua mưa phùn trên con đường núi, hẹp, dài dẫn đến Đà Lạt. Bỗng chốc, lồng ngực cảm giác như có gì bên trong vừa vụn vỡ. Đau nhói không nói thành lời. Và rồi tôi run rẩy lẩy bẩy. Đầu ngón tay không biết khi nào đã tự bấu lên lớp mền nhàu nhĩ.

"Ngày hôm qua, anh nói dối đúng không?" Tôi hỏi Sơn mà không nhìn anh. Vì cái sự nấc nghẹn chua chát này làm tôi phải cúi thấp đầu mới gồng mình kiềm chế được. "Anh nói dối rằng ba mẹ có tìm em. Nhưng kể từ ngày hôm đó, em đã đến chỗ ông ngoại. Nếu ba mẹ nhất định tìm, đương nhiên sẽ tìm thấy em."

"Mày đã bỏ nhà ra đi sao không bỏ đi đâu xa một chút?" Ngược lại, Sơn trả cho tôi một câu hỏi khác. Và cả hai đều biết, anh không cần tôi phải trả lời.

Đối diện trước lời bóc mẽ của tôi, Sơn không cách nào khác đành thừa nhận, "À mà đúng. Tao nói dối đấy.". Bây giờ, anh cầm bút lên và trở lại với dáng vẻ nghiêm túc lãnh đạm lúc đầu.

"Chẳng có ai tìm mày đâu." Họ vẫn áp dụng phương pháp quái quỷ khốn nạn đó tới tận nay. "Cả tao cũng vậy."

Đổ rạp. Giờ đây, lỗ tai lùng bùng của tôi chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi rầm rập. Nỗi đau trong lồng ngực đã nặng giờ lại còn như gánh thêm một tảng đá lớn. Khiến tôi mệt mỏi thở dốc và không thể kìm nén thêm. Tôi không nhìn Sơn nữa vì mình nằm xoay nghiêng người vào góc tối. Những gì trước mắt giờ lu mờ cả. Chỉ có những dòng nước theo gò má chảy xuống là khóe miệng mặn chát đi. Toàn bộ cơ thể cố gắng không run lên mà đã run lên. Theo bàn tay bấu víu, tấm mền lại càng nhàu nát. Và tôi, hít một hơi sâu vào trong để buộc phải đẩy tiếng nức nở ra.

"Mày khóc đấy à?"

Bất chợt, giọng nói của anh cất lên. Mà nó như hòa vào giữa không gian lạnh ngắt. Quá xúc động, tôi không ngăn được mình lỡ gật đầu.

"Có khó nghe như hồi bé không?" Sơn tiếp tục hỏi một câu thương tổn khác. Tôi không biết anh có đang nhìn mình không. Anh đang làm gì phía sau lưng tôi?

Đáng ghét.

Tôi biết anh sẽ không bao giờ bước đến. Sơn sẽ không bao giờ dỗ dành tôi. Anh trai tôi, có chết cũng không quan tâm đến tôi. Vì thế, tôi đáp lời bằng một câu giận dỗi cay đắng, "Có."

Và trả lại là sự lặng im, y như mình đã nghĩ về anh.

Từ đó, bỗng dưng đèn tắt. Tôi nghe được tiếng chân anh bước đi, tiếng công tắc gạt xuống và cửa đóng sầm rồi ổ khóa lạch cạch vang lên. Sau đấy là một hồi im lặng tiếp nối. Tôi nghĩ là anh đã bỏ đi. Có thế, tôi bấy giờ khóc lớn. Tôi thét gào như đứa trẻ lúc nhỏ bị bỏ mặc và đau đớn vì bị ba mẹ bỏ mặc mình. Nước mắt rơi lã chã xuống làm đôi gò má lẫn tay lạnh căm. Không biết từ lúc nào, đầu ngón tay tôi đã đỏ ửng lên và hơi thở thật sự càng kiệt quệ theo đêm tối. Tôi khóc và tôi khóc. Tôi khóc tới mức không thể nhấc mình lên được. Dù gì, tôi cũng chỉ có thể nằm nghiêng sang một bên. Đau đớn thể xác lẫn tinh thần cấu xé tôi.

Tôi khóc rồi run rẩy. Cắn lên môi rồi thở hắt. Lồng ngực vỡ nát ra. Sẽ khóc đến khi nào không ai hay biết. Mà cũng sẽ chẳng có ai dỗ dành tôi. Xung quanh tôi là những vật dụng vô tri vô giác. Như thuở bé là hàng chục món đồ chơi mà ba mẹ đã mua sẵn cho tôi.

Thật mỉa mai, ngược ngạo lũ người đó.

Họ lo lắng mọi thứ cho đứa trẻ lúc chưa sinh,

nhưng sau khi đẻ ra thì: "Mặc kệ nó.".

Tôi nhớ là con Hà đã bị chính bố mình vứt bỏ khi vừa mới sinh ra.

Tôi có một trí nhớ tồi tệ kinh khủng. Thứ nhất, tôi hầu như không nhớ gì về thời thơ ấu của mình. Luôn luôn phải đặt tất cả các báo thức và lời nhắc có thể nhưng bằng một cách nào đó, tôi vẫn thường xuyên quên những thời hạn, sự kiện hay lời cam kết. Quãng thời gian đi nghĩa vụ quân sự là địa ngục đối với tôi. Tôi luôn luôn là kẻ dậy trễ. Luôn là kẻ quên những nhiệm vụ. Nhỏ và quan trọng. Cách thực hiện. Cả tên của đồng đội. Cả lễ nghi. Cả... tôi không nhớ gì hết. Khó khăn hơn với tôi gấp trăm ngàn lần để tập gấp cái mền cho đúng. Gấp trăm ngàn lần để làm sao nhớ từng thứ tự câu nói khi báo cáo. Tôi tuyệt vọng. Và tất cả những thứ kéo tôi lại với thực tại, mà không có nổi một ký ức nào, từ học hỏi đến ghi nhận, là cơn đau nhức mà cơ thể luôn réo rắt trên da. Những vết thương đỏ rộp không ngừng đau lên. May mắn. Tôi thống khổ lao vào luyện tập để đày đọa bản thân để được tồn tại. Từng mảnh và từng mảnh, và rất nhiều những thứ nhỏ nhặt li ti đó. Là ký ức của tôi, lượm lặt, ghép thành một chiếc bình chứa vỡ toang.

Nhưng, tôi lại nhớ. Nhớ rất rõ là con Hà đã bị bố mình bỏ rơi từ khi mới sinh ra.

Và kể từ đó, tôi nhớ mẹ đã mang nó về nhà, dặn dò tôi phải yêu thương con bé. Câu chữ của mẹ như thế nào đó tại sao lại vang lên văng vẳng bên tai? Nhắc tôi nhớ rằng mình chính là gia đình của con bé. Mẹ bảo Hà chính là em gái của tôi. Tuy nhiên, trái ngược lại, ba lại nhắc tôi nhớ một điều khác. Từng hành động của ba nhắc tôi nhớ rằng con Hà không phải là em gái mình. Ba bủn xỉn với nó. Ba bới móc nó. Ba soi mói nó. Ba xài xể nó. Bấy lâu nay, tôi đã nhìn ba không đối xử với Hà như là một gia đình. Ba bắt nó đi học một mình thay vì cùng nhau đi với tôi, lúc mẹ đi công tác. Ba không chuẩn bị bữa sáng cho nó. Cũng không cho nó tiền tiêu vặt. Suốt quãng thời gian ba quẳng nó ra khỏi cái gọi là gia đình mà mẹ đã bảo mình phải xem con Hà là một phần trong cái vòng tròn đó, đã khiến tôi bối rối. Dẫu cho mẹ có yêu thương con bé tới mức nào thì ngay sau đấy, sự vứt bỏ lẫn thiên vị của ba đã khắc lại sâu hơn vào tâm trí tôi rằng con Hà không phải là người một nhà với chúng tôi. Vậy nên, cuối cùng, tôi ghi nhớ một thứ khác. Tôi nhớ là con Hà đã bị ghẻ lạnh bởi cái người nó gọi là ba nhưng không phải ba.

Mẹ bảo con Hà gọi ba là ba. Nhưng ba bảo phải gọi là "bác". Cuối cùng, con Hà đã không còn gọi bất kỳ ai là ba mẹ. Cuối cùng, cũng như những lần mặt trời quá chói chang buộc nó phải kéo rèm lại... Đứa trẻ đó đã kéo tấm rèm để tự loại bản thân ra khỏi bất kỳ gia đình nào của ai. Tuy vậy, cùng một lúc, nó luôn cố gắng lôi mẹ về phía mình. Nghĩa đen. Nó muốn mẹ ở trong bức màn đấy chung với nó, của riêng nó. Thuộc về nó.

Tôi ghét con bé đấy thậm tệ. Ghét còn hơn cả cảm thông.

Giờ thì có một kẻ tự xưng là ba con bé. Mẹ cũng bảo nó nên gọi ông ta là ba. Người đàn ông là ba con Hà đó lúc này đang ăn tối cùng với gia đình tôi. Một buổi tối ngon lành nhưng không êm ấm. Có lẽ, chỉ thằng ngu mới không nhìn ra được rằng ba tôi ghét ông ta. Tôi hiểu tại sao ba tôi lại ghét ông ta. Ngoài những ánh mắt liếc xéo sắc bén, bàn ăn còn được rải đầy sự khinh khi. Ba khi ghét bỏ một ai, trước mặt mẹ sẽ vẫn tỏ ra là không có gì. Nhưng, chỉ cần mẹ quay đi một khắc, ba mươi giây, cúi xuống ngẩng lên, những nếp nhăn trên mặt ông khác hoàn toàn. Đầy đay nghiến. Con Hà cũng nhìn thấy điều đó. Người đàn ông kia cũng nhận ra điều đó. Và ông ta rất hả hê. Tới mức, ngay khi kết thúc bữa ăn, Tấn đã nở một nụ cười nửa miệng rồi cứ thế bỏ về nhà. Ở chỗ ngồi của mình, tôi mơ hồ nhìn người đàn ông đó đứng dậy, rời đi, giục lại đứa con ở phía sau... Y như cái lúc nó mới vừa sinh ra.

"Cảm giác thế nào khi ngồi cạnh và ăn tối với ba của chính mình hả?"

Tôi nghe thấy ba nói với con Hà khi bản thân đang rửa chén trong bếp. Và mẹ thì ở trong phòng tắm. Mỗi buổi tối như thế này, ba sẽ lén mẹ hút một điếu thuốc. Và con Hà thì chỉ là ở sai chỗ sai thời.

"Mày nghĩ ông ta thật sự yêu thương mày? Ai lại có thể đi yêu thương một đứa trẻ đã bị vứt bỏ như mày? Và ai lại yêu thương đứa trẻ đáng lẽ ra đã phải chết như mày?"

Tôi nhớ những câu nói này. Ba luôn dùng chúng để bới móc con Hà. Và từ nhỏ đến lớn, tất cả những gì nó có thể làm là... Im lặng và cúi thấp đầu. Nó phải ngó lơ. Nó phải đối mặt với chúng như là gió thổi mây bay, và không được phép khóc. Nó khổ sở nhận tất cả tổn thương này vì mẹ. Tôi biết là vì mẹ. Tôi hiểu nó đã cố gắng gắng gượng như thế nào. Điều đấy càng khiến tôi thù ghét con bé hơn.

"Bây giờ, ba của mày đã xuất hiện rồi. Mày cũng đã đủ lông đủ cánh. Chẳng phải nên cảm ơn tao vì đã chăm sóc mày đó giờ sao?" Qua cửa sổ mờ, tôi thấy làn khói thuốc xám. "Sao? Chẳng lẽ tiếng Nhật không có từ cảm ơn nên học sâu quá quên lễ nghĩa rồi?"

Nếu là tôi, tôi sẽ đấm vào mồm ông ta. Tôi sẽ bỏ đi. Sao tôi phải đứng đó? Tôi sẽ nói với mẹ rằng tôi ghét người đàn ông đó đến nhường nào. Tại sao phải xóc xỉa nhau bằng những lời phức tạp như vậy? Thật phiền phức. Sống thật tâm cho nó nhẹ đầu.

"Mày tự biết là phải coi chừng ông ta nhỉ?" Con Hà vẫn đứng yên ở đó, với tay đặt ở sau lưng. "Hiện tại, nhờ vì còn hứng thú với mày nên ông ta vẫn tỏ vẻ tử tế. Nếu một ngày mày không còn giá trị nữa, tất nhiên sẽ bị vứt bỏ nhanh chóng."

Tôi không thấy được khuôn mặt con Hà. Chỉ có bờ lưng áo trắng gầy gò, cùng... đột nhiên nó ngửa cổ lên.

"Tao biết là mày tự biết lẫn cũng đang tự dối lòng mình. Mày phải biết vì ngày xưa, khi mày không có giá trị cũng đã bị bỏ rơi đó thôi."

"Khi nào ông chuyển số tiền đó cho tôi?"

Đột nhiên, con Hà lên tiếng. Giọng nó lạnh ngắt, khiến tôi tự nhiên rụt người lại. Giật mình tới mức bất giác siết chặt cái dĩa trên tay. Không thể ngăn bản thân nhìn qua, tôi thấy con Hà liếc nhìn ba và chính ba cũng ngạc nhiên.

"Mày định đe dọa tao?" Ba nghiến răng tức giận. Bấy giờ, những nếp nhăn khiến khuôn mặt ông càng lúc càng méo mó. Họ đang nói về chuyện gì?

Đáp lại, con Hà nghiêng đầu, "Ông nghĩ sao? Nếu cấp trên của ông biết chuyện ăn chặn này? Nhất là... cấp trên của ông chính là kẻ đang có hứng thú để mà về phe tôi."

"Con ranh." Ba chửi nó.

Nhưng Hà không dừng lại.

"Tôi không muốn nói cho mẹ biết vì tôi không bao giờ muốn là người làm tổn thương mẹ. Nhưng ông ta thì có thể. Ông ta sẽ nói. Ông ta sẽ cho mẹ thấy bộ mặt thật của ông. Bộ mặt xấu xí của ông."

"Mày dám?" Ba tôi vẫn thách thức nó.

"Ồ tôi dám chứ. Tôi nhất định phải dám vì đó là tiền của tôi. Đó là tiền bịt miệng cho những gì tôi biết, thuộc về tôi, từ tài sản của tôi." Con bé ngang ngược cãi lại. "Thử tưởng tượng cảnh đó xem. Người đàn ông mà mình luôn ghen tị với, căm ghét với... phô bày mặt xấu thật sự của mình cho vợ. Nở mặt nở mày quá."

Ba không còn gì để nói ngoài tức giận lên cái điếu thuốc trên tay. Mắt ông trừng lên, long sòng sọc. Những sợi chỉ đỏ như máu nổi cộm. Họ đang nói về chuyện quái gì vậy? Hóa ra, ba tôi không phải là vị thanh tra chính trực như ông đã luôn tỏ vẻ ra. Tham nhũng. Hối lộ. Trăm ngàn bí mật dán kín trên môi.

"Nếu ông nghĩ tôi sẽ không dám vì tôi không tin Tấn? Chính trị là một ván bài liều mạng. Nên dù có chết, tôi cũng phải kéo ông cùng xuống. Tại sao không? Chúng ta cùng nhau chết, chôn chung một huyệt. Đợi đến thế sang kiếp sau nhất định tôi sẽ báo hiếu cho ông."

Cứng cả họng.

"Tôi biết Tấn là kẻ khốn nạn, đốn mạt và không đáng tin cậy. Ông ta phản bội, lợi dụng và thao túng. Ông không giống ông ta. Tôi mới giống ông ta. Vì ông cho tôi biết cho dù như thế nào thì tôi vẫn là con ông ta. Vậy thì sao lại dám đối đầu với tôi?"

Con Hà đang trút bỏ những oán hận trong lòng, một lần và mãi mãi. Hẳn là nó đã chất chứa những thứ này như thuốc độc, thấm sâu vào ruột gan bản thân.

"Ngay ngày mai, ông phải chuyển số tiền đó cho tôi. Tất nhiên, nếu thế tôi cũng sẽ tử tế, không bao giờ đề cập lại chuyện này nữa. Vì tôi đâu phải là người nhưng não bò thích nhai lại như ông."

Nó nói xong câu đó rồi bỏ vào trong nhà, để lại ba tôi đứng cứng đơ. Lúc ấy, ánh nhìn hai chúng tôi giao nhau. Tôi thấy mà không nói. Mắt con bé đỏ ửng. Lồng ngực nó phập phồng. Hít một hơi sâu, cổ nó ngẩng cao lên. Và bước chân vội vã chạy đi. Tôi nghe thấy tiếng cửa đóng sầm ngay sau đó. Thật nhanh. Nó đã rời đi. Đứa trẻ nhỏ trở về với căn phòng rèm cửa kéo kín.

Đã xong. Đống bát đĩa bẩn đã sạch. Tôi đặt cái cuối cùng lên kệ rồi cũng trở lên phòng. Ba ở phía sau. Với tất cả những giả dối theo chân.

Tôi trở về nhà đã là lúc trời đất tối hù. Chị hai vẫn chưa quay về? Có tin nhắn báo trước, tôi liền không lo lắng. Cứ thế thong thả xả cơn bực tức lên phố thị xô bồ. Bao điều Chi nói, đáng lý ra cứ quanh quẩn trong đầu nếu như tôi không chạy đáo chạy đôn khắp nơi. Về đến nhà, Lu vẫy đuôi mừng rỡ như thường lệ. Đột nhiên, cứ thế tôi nhẹ nhõm. Cái sự im lặng yên bình này xoa dịu chốn lòng tôi trở nên dịu dàng. Và rồi, bấy giờ, tôi chợt nhận ra tại sao Hà lại nhận nuôi Lu. "Cho đỡ ồn." - chị nói, vì cả cuộc đời tất bật, phức tạp này đã đủ làm người ta mệt mỏi lắm rồi. Thở phào, ây chà. Tôi ngồi xuống ghế với Lu bên cạnh. Hai mắt tròn xoe mở to, đuôi vẫy vẫy. Lu trông thật vui vẻ. Đơn thuần và vui vẻ. Như thế, tôi bỗng nhiên lại thấy ghen tị. Ghen tị vì mình không phải lúc nào cũng vui vẻ và đơn thuần. Mà hơn hết nữa... Tôi tự dưng ngốc nghếch ước gì mình là một con chó. Giống như Lu. Một con chó vui vẻ, đơn thuần như Lu. Không có việc học. Không có kiểm soát của gia đình. Không có những chuyện dối trá phức tạp. Chỉ có vẫy đuôi. Giờ thì, cả nhà im ắng, không tiếng động. Ây. Tôi duỗi chân, rồi cổ ngửa ra sau ghế. Bên tai giờ ngỡ như có một bức màn sương chắn, liền không nghe thấy gì hết. Rồi lúc này, tôi nhớ đến Mi. Vì sao thì tại vì lúc ăn trưa, Mi luôn đeo một cái tai nghe úp vào. Từ đó, cô ấy cũng không nghe thấy gì hết. Hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Tôi lẫn Khang không biết Mi nghe gì trong đó. Mà Mi đã thường xuyên khóa mình khỏi sự ồn ào của khuôn viên trường. Cứ như vậy, ai cũng thường thấy Mi ngồi một mình và lắng nghe điều gì mà không ai biết vì cậu ấy chỉ ngồi đó một mình. Nhưng, trong Mi rất vui vẻ. Cũng như cái đuôi của Lu. Lắc lư đầu với cặp tai nghe, như thể thế giới này chỉ có mình Mi và thanh âm đó bên tai. Đôi khi Mi sẽ vô tư lự mỉm cười. Lại một mình, nhưng tại sao cô ấy có thể vui đến thế? Thật lạ kỳ vì biểu cảm của cô ấy hiện ra nhiều lúc khác nhau. Chúng tôi đã nghĩ là nhạc thôi, nhưng linh tính mách bảo tôi không phải. Vì có khi tôi thấy như mắt Mi ướt đẫm rưng rưng. Cô ấy sắp khóc vì một bài nhạc? Đó là chuyện không thể xảy ra nhỉ... Vậy mà mắt lúc sáng bừng, lúc u uất như trời trở tối. Như thể cả vùng trời nhiệm màu biết đổi thay sắc thái hiện hữu ở quanh Mi.

Để xem nào, tôi đã ước mình không biết không nói như một con chó.

Tôi cũng ghen tị và ước như Lu rằng cuộc đời chỉ có vẫy đuôi.

Tương tự như thế, tôi lại thấy bồi hồi ngưỡng mộ sự không nghe không thấy của Mi.

Hóa ra, giờ thì tôi đã hiểu, ngu ngốc chưa chắc không phải là một điềm lành.

Reng reng reng. Đột nhiên điện thoại bàn đổ chuông,.. Ai lại dùng điện thoại bàn nhỉ?

"Alo?"

Từ đầu dây bên kia gửi đến một chất giọng lãnh đạm quen thuộc. Tôi nghe mà nhận ra ngay. Phúc hỏi:

"Hà không có nhà sao?"

"Chị hai em hôm nay về trễ. Ủa mà anh không gọi điện di động cho chị được ạ?"

"Điện thoại anh hết pin." Anh ấy đáp. Và rồi ngay lập tức liền muốn tắt máy, "Thế thôi."

"Ây, khoan đã." Tôi vội vã ngăn lại. "Mình nói chuyện chút đi. Sao anh nghe là biết giọng em thế? Em chưa nói gì mà anh đã nhận ra rồi."

Giọng Phúc cứ như đang ngái ngủ, "Tao nhớ giọng mày. Đặc biệt ấn tượng nên nhớ giọng mày."

"Ơ? Ấn tượng như thế nào ấy?" Chưa từng có ai bảo giọng tôi ấn tượng bao giờ.

"Có cái hôm... Chúng mày thuyết trình bằng tiếng Anh, nhớ chứ?" Phúc nói chậm rãi. "Tao có đi ngang qua."

"Nhớ nhớ." Tôi theo thói, gật đầu lia lịa.

"Mày nói tiếng Anh giống y như người Thái ấy."

Hả? Là sao?

"Lại làm tao nhớ đến một người."

"Ai? Ai?"

Lúc này, đột nhiên Phúc lại im bặt. Mà câu trước anh nói như tiếng thở dài. Thật lạ. Là ai chứ? Nhưng rồi anh không nói ra. Tôi phải đành đổi sang chủ đề khác. "Sao anh lại tìm chị em?"

"Mày hỏi làm gì?"

"Thì em muốn biết." Tôi ái ngại lấp liếm. "Ở trường anh không thường nói chuyện với ai. Lúc nào cũng chỉ quanh quẩn, tách biệt một mình. Thế đột nhiên lại gọi điện cho chị hai? Sao thế? Với lại sao không gọi di động mà lại gọi điện thoại bàn chớ?"

Tất cả những câu hỏi mà tôi đặt ra, Phúc đều không trả lời. Chỉ im lặng. Anh ta thật kỳ quái. Trong tâm trí, tôi lục lại sự ủ dột, chán chường của Phúc... thật sự, đúng là một con người chẳng có gì đặc biệt. Đồng ý là anh ta hát hay, đàn giỏi. Ngoại hình cũng coi được. Nhưng có tài năng làm gì nếu như không trình diễn nó ra? Thật là lãng phí.

"Bởi vì điện thoại bàn không lưu lại số."

Bỗng nhiên, có một tiếng nói vang lên đằng sau lưng. Khi tôi ngạc nhiên quay người lại thì đã thấy chị hai đứng đó từ bao giờ. Ngay lập tức, miệng tôi bất giác reo lên: "Chị hai về rồi." Tuy nhiên, đổi ngược lại chỉ là khuôn mặt lãnh đạm, lạnh lùng của chị hai. Rất nhanh, Hà chìa tay về phía tôi, ý chỉ đưa điện thoại đây. Ánh mắt đó đối diện với mình như cơn gió đông rét buốt. Mạnh mẽ và kiên định. Nó cuốn tôi làm theo mà không suy nghĩ, như một mệnh lệnh. Và tôi đưa cái điện thoại bàn cho Hà.

"Tao đây."

Tôi ngồi yên, với cái đầu ngửa lên và hai mắt mở lớn. Trong căn phòng khách thiếu ánh sáng, cảm giác như không khí rất ẩm thấp và ẩm mốc. Tôi nghĩ, bất cứ anh Phúc nói điều gì thì khuôn mặt của chị hai cũng sẽ trông êm đềm như vậy. Đến một cái nếp nhăn cũng không bộc lộ ra. Thấp thoáng, một suy nghĩ chớp nhoáng đột nhiên ùa đến với tôi. Rằng, chị ấy và Phúc đang âm mưu toan tính điều gì đó. Chị hai không nói bất cứ lời gì, chỉ im lặng lắng nghe từ đầu dây bên kia truyền đạt lại. Và tôi biết im lặng chất chứa nhiều thứ còn hơn lời nói gấp trăm lần. Từ đâu đó, bên tai vang lên tiếng thì thầm nhỏ nhẹ. Nhưng, tôi thật sự không thể nghe rõ đó là gì. Và cứ thế, ngay lập tức, chân như bị sũng nước. Nó lầy lội, mắc kẹt vào hố sâu. Cái hố sâu của trí tưởng tượng. Bỗng chốc, tôi chết ngộp. Bộ não rối tinh rối mù phải đoán xem hai anh chị đang nói với nhau những điều gì. Liệu nó có liên quan đến cái chết của Vân? Tôi không biết. Hay chuyện gì đó tồi tệ? Tôi cũng không biết. Căn phòng thật u tối. Tôi thấy Hà nhìn xuống khuôn mặt mình. Tay tôi tự động bật tivi lên, ngay kênh thời sự. Màn hình liên tục nhấp nháy.

"Công an vẫn đang tiến hành điều tra vụ án giết hại đứa trẻ được tìm thấy ở khu vực rừng rậm thuộc huyện Đức Chánh và Bình Trị. Hiện tại, cơ quan chức năng đã mở rộng địa bàn điều tra lên toàn thành phố. Tuy nhiên, do thiếu thông tin và chứng cứ, nên vẫn chưa có manh mối gì. Thủ pháp của tên sát nhân cũng đặc biệt tàn bạo. Trên người của đứa trẻ có nhiều vết chém, chứng tỏ bị hành hạ bởi một lưỡi dao hoặc vũ khí đặc thù. Theo chuyên gia, các vết cắt này đều vô cùng bừa bộn. Tuy nhiên, vết rạch bụng - để moi nội tạng ra khỏi người đứa trẻ đặc biệt vô cùng chuẩn xác. Chứng tỏ, nghi phạm biết cách làm sao để không tổn hại đến các bộ phận bên trong. Từ việc này, công an nhận định, có thể nghi phạm có mục đích và mưu đồ đối với phần nội tạng của đứa trẻ, chứ không phải sát hại vì lý do thù hằn cá nhân. Rất có khả năng đây là hành động của một tổ chức buôn bán nội tạng trái phép vô cùng tàn nhẫn. Về nguyên do tại sao lại có dòng chữ và cách phi tang xác chết vô cùng hoang đường như vậy, cơ quan chức năng vẫn đang cố gắng làm rõ."

Bỗng nhiên, Hà khều vai tôi. À. Tôi bèn nhanh tay tắt tivi đi. Căn phòng liền quay về vẻ tĩnh mịch, u ám như trước. Mà lúc này, chị mới bắt đầu mở miệng, đáp lại lời với Phúc, ở bên đầu dây kia:

"Mày làm như thế chỉ vì muốn biết nó sẽ thế nào thì bây giờ chỉ cần ngồi xem nó sẽ như thế nào. Không cần phải nói cho tao biết nó sẽ như thế nào. Vì ngay từ đầu tao đã suy tính đến nó sẽ như thế nào."

Tôi không nghe được câu trả lời của Phúc. Tôi không biết họ đang nói về cái gì. Chỉ thấy chị hai khẽ cau mày, rồi hai mắt lại đột nhiên... cứ chăm chăm nhìn vào mặt tôi.

"Có thể." Hà nói.

Rồi sau đó, chị liên tục lặp lại hai từ đó. Như một cái máy bị vấp, "Có thể, có thể. Có thể. Ý đó có khả năng nhiều nhất đấy." Tay vô thức cho vào túi áo, chị cứ gật gật đầu. "Thì đều là giả thuyết. Mày muốn biết thực hư thì phải đợi đã."

Tại chỗ mình, tôi nhìn theo chị mà lòng bối rối, lại hụt hẫng. Khoảng trống trong đầu lúc này không thể lắc đầu. Liệu tôi có nên hỏi anh đã nói gì với chị, sau khi cuộc điện thoại kia cúp xuống?

Đột nhiên, chị mỉm cười. "Thế thì lại hay. Tao luôn tò mò mà. Nên mày thấy tao rất hay đọc ngay trang cuối cùng của cuốn truyện để biết cái kết ra sao." Họ đang nói về một cuốn sách gì chăng? "Nhưng cuộc sống thì không như thế." Tôi lặng người theo lời nói của Hà. Căn phòng tối thật tối, và giọng chị đang xa càng xa. Vì Hà đã kéo cái túi xách trên vai và bắt đầu đi lên phòng. Tôi rướn người trông ngóng theo.

"Trong một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mà trí thông minh đi đầu, chuyện ấy có thể xảy ra. Nhưng chúng ta không sống trong thế giới đó."

Hai chân lững thững chạy theo chị. Lối cầu thang dẫn lên lầu thật chật hẹp. Chị hai ơi?

"Cuộc đời đầy rẫy những thứ ta không biết vì nó chưa diễn ra. Chỉ có cách sống tiếp mới biết được thôi."

Và rồi cánh cửa đóng sầm trước mắt. Tôi thẫn thờ. Một mình và trong tăm tối. Không có âm thanh, không có ánh sáng. Không có gì cả. Ngoại trừ thế giới tưởng tượng vô bờ bến bao trùm và bó buộc. Tôi thật lạc lối. Và bỗng chốc, tôi tưởng toàn bộ mọi thứ là cơn mơ.

Nhưng rốt cuộc, bọn họ đang nói chuyện gì với nhau?