Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 39



39.

Ngó ra ngoài ô cửa sổ, tôi thấy trời hanh nhưng có sấm. Không mưa, nhưng chớp sáng lóa. Xé rách tấm vải đen đang được phủ kín trên đầu vạn vật. Bóng tối chiếm lĩnh chẳng có gì ngoài đan xen những tia lửa điện hung tợn. Mà tôi không thấy sợ hãi. Không giật mình. Vì tiếng la và gào thét đã át mất tất cả đi. Lúc này, tôi không còn ở Việt Nam nữa. Lên đường, tới nơi cũng đã mấy ngày rồi. Hiện giờ, phía trên đầu, ngoài một cái cửa sổ ô vuông nhỏ để xem bây giờ là mưa hay nắng... Thì là một cái sòng bài đồ sộ. Tôi không nói khoác. Phía trên chính là nơi không có đồng hồ lẫn cửa sổ. Chỉ có những bàn xoay mãi mãi. Và những con xúc xắc sáu mặt. Các cô gái xinh đẹp. Những tay chia bài gọn lẹ. Những thủ thuật lướt qua nhanh như chớp, mà là sét đánh đoạt mạng người. Cambodia thời tiết nóng nực nhưng không khí lại dễ thở. Dễ. Thở nhiều vào. Đám người đang thở hồng hộc. Hổn hển. Nước mắt và mồ hôi chảy cả vào mồm. Mặn chát. Như xát muối vào vết thương. Do bị đánh. Do bị giật điện. Khốn khổ do bị bỏ đói và tra tấn mà thành. Tiếng tru tréo làm chai lì lỗ tai tôi. Không cảm xúc. Mặt tôi thờ ơ nhìn những con chó bị trói cả tay và chân trong cảnh khốn cùng.

Sao bọn họ lại ở đây? Lại phải chịu nỗi hành hạ đau đớn, tủi nhục thế này. Sao lại không ở nhà? Nhà? Nhà cái đến từ Châu Âu. Nhà tài trợ uy tín nhất Đông Nam Á. Và rồi, giấc mộng đẹp đẽ của những con người nghèo khổ đã được thổi phồng lên. Nó như tia chớp nhoáng giữa cả trời không mưa không gió. Sét vô ích. Sét nguy hiểm. Ôm giấc mộng "việc nhẹ lương cao", trả đắt. Giờ trả cái giá quá đắt. Việc nhẹ nhàng làm mười hai tiếng. Trước khi tới nơi, ngồi trong xe hàng, đói khát và lạnh lẽo. Núi rừng phía Tây trập trùng, u tối. Có lúc đi bộ... đau chân tới, tưởng là thiên đường. Thành phố thủ đô nhà người ta hoa lệ. Các sòng bạc ở Cambodia mở cả ngày lẫn đêm. Từ sáng đến tối. Đủ loại người ra vào. Âm nhạc xập xình nặng tai. Tiếng những đồng tiền trò chơi rủng rỉnh. Mộng ảo nhanh chóng và mong manh. Nó bể vỡ. Nó thành nỗi khốn cùng của tra tấn và hành hạ từng giờ từng phút còn sống trên đời.

"Cứu tôi..."

Tiếng khóc và ánh mắt vươn tới chới với. Tôi chứng kiến mọi thứ mà không nói câu nào. Tôi chứng kiến cảnh thằng Dưỡng thằng Việt đưa họ đến bằng xe thùng. Một lúc chắc cũng khoảng hơn hai mươi người. Chất chồng, như những con lợn chờ mổ thịt nhưng không biết mình sẽ phải chết. Ánh mắt tràn đầy hy vọng. Và rồi, hy vọng ấy tắt ngúm. Tôi thấy anh Quyết đưa mỗi người một cái sim điện thoại. Anh Quyết nói với họ những lời mềm mỏng. Những lời dụ dỗ anh dụ họ, họ dụ người khác chơi game, đánh bạc trên mạng để nạp tiền... Vừa làm vừa chơi. Chơi nhiều hơn làm lụng và rồi nợ nần lên tới hàng trăm triệu đồng. Lũ mất dạy chỉ biết cờ bạc. Muốn dạy chó thì phải dùng gậy đánh. Mà thân phận họ lúc này còn thua cả con chó què. Bị đánh đập bằng gậy sắt, đánh tới mức hộc máu rồi ngất lịm. Tôi thấy Lộc chích điện vào vùng kín của những con vật. Nó cười ha hả. Và bọn ông Hiếu đá lên cơ thể bầm dập những chỗ tím tái làm tồi tệ hơn. Cái chết còn sung sướng hơn. Nhưng ngày mai lại tỉnh lại. Rồi lại làm việc, lại đau đớn. Mùi nôn ọe kinh tởm. Tôi trề môi. Hai mắt mở to. Giữa bóng tối của khu đày là ánh điện chớp nhoáng. Giật gân. Khóc thét. Co rúm và quỵ lụy. Cái chết còn sung sướng hơn, tôi thấy trong mắt họ lặp lại vô vàn lần câu nói ấy. Nên họ chết. Họ nhảy lầu chết hoặc bị hành hạ tới chết. Họ chết ở đây, trong tay anh Quyết, ông Hiếu, thằng Dưỡng, thằng Việt... Hay họ chết ở ngoài kia. Cũng lại là nơi sòng bạc xô bồ mình đã bị bán đến, sau khi bước xuống cái thùng xe dơ bẩn vào thế giới tối tăm. Vậy mà chưa bao giờ hết người ngu ngốc. Lò mổ của khu đày càng lúc càng đông. Họ bước vào tươi cười rồi lại òa khóc. Họ tưởng họ đã thực hiện ước mơ. Giàu sang sung sướng và đầy tiền của. Sáu tháng, một năm và thế là sống đi chết lại không biết bao lần. Tôi thấy tất cả đều là những món hàng hóa. Để kiếm ra tiền. Chúng tôi không bán họ đi đâu cả nếu làm được việc. Con chó làm được việc còn con người rách rưới, dốt nát bị bán đi. Chúng tôi buôn cho nơi nào trả giá cao nhất. Nếu gia đình thân yêu giàu có thì có thể mua lại mạng sống của con, của chồng. Nước mắt rơi nhưng không thể đẻ ra cục vàng lớn. Uất hận nhìn người thân yêu bị đọa đày như súc vật tới chết. Tra tấn ngày đêm. Mắt trợn ngược, miệng chảy dãi. Ngày nào cái chết cũng kề cận ngay cổ. Tôi thấy tất cả mà chẳng cất một tiếng nói. Mắt ghi nhớ lại hết nhưng lòng chả động đậy gì. Im lặng, tôi ngồi bên cạnh ba Hùng đang kiểm tra lại số tiền chuộc mà người nhà khó khăn vừa gửi đến. Khói thuốc xám đục ngầu lờ mờ. Xung quanh dãy phòng được bọn ông ấy xăm trổ, hung bạo và luôn có "hàng nóng" trong người cang gác. Không có cách nào trốn thoát ngoài con đường mà tiền trải. Hùng vô cùng đắc thắng. Tiền đã đến, dĩ nhiên vui vẻ. Người nhà khốn khổ chuyển tiền vào không cần biết thật giả, đúng sai. Những đồng tiền cất công khó nhọc mới vay mượn được. Lại thành một vòng luẩn quẩn. Sớm ngày sẽ lại có người đến bôi tro trát trấu lên nhà cửa. Có người cầm lưỡi dao bén ngón kè vào cổ hoặc lấy mất mấy ngón tay. Đến đây, tất cả hiện rõ như một cái lò bát quái không lối thoát. Chỉ có cái chết và những tờ tiền như là rác, trải trên xác thịt đã phân hủy thành cặn bã vì hành hạ. Trong mắt tôi, thế giới đã trở nên mục nát vậy sao?

Chính là thế. Mục nát và thối rữa đến thế. Dơ dáy, bẩn thỉu. Thế giới là tồi tệ như thế. Bị những đọa đày tàn nhẫn hành hạ. Không một ai vươn tay cứu giúp. Những lời hồi đáp im hơi lặng tiếng và cái chết ở ngoài biển khơi.

Vậy, tại sao tôi lại ở đây?

Tôi ngồi bên cạnh ba Hùng. Như con chuột nhỏ dựa vào con hổ lớn. Vết mực đen xăm trổ hung tàn trên da đỏ ấy vậy mà không dọa được tôi. Khó hiểu vì sao Hùng luôn tốt bụng với mình. Chẳng lẽ chỉ vì lý do là con gái của người bạn cũ? Có thể hơn thế, tôi không biết nữa. Tôi chỉ nhớ rằng Hùng đã luôn đối xử tốt và chăm sóc mình. Lắm lúc, ông xoa đầu tôi nhẹ nhàng. Ông không để Hiếu hoặc bất kỳ tên côn đồ nào đụng đến tôi, làm tôi bị thương. Hùng bảo Hiếu dạy tôi những trò mánh khóe mà mọi người biết. Hùng bảo Hiếu dẫn tôi đến những nơi mà tôi có thể chạy đến mỗi khi cần. Hùng đặt tôi dưới sự bảo vệ của cả băng. Hùng bảo Hiếu xem tôi là em gái, và ông xem tôi là con gái của chính mình. Nên tôi ở đây vì ông ở đây.

Thời tiết thành phố này thật thoáng đãng. Nhưng dưới khu đày ẩm thấp thì hơi quá lạnh lẽo nếu so sánh với quận 4. Tôi mặc trên người chiếc áo rồng phụng nhưng vẫn bất giác thấy sống lưng mình buốt lên. Nên Hùng trùm lên vai tôi một chiếc mền bông dày ấm áp. Và ông để tôi ngồi đây, muốn làm gì làm, với đôi mắt mở lớn nhìn tất cả những người kia hành hạ những lũ người khác. Tất cả thật nhỏ bé. Tôi không cảm thấy gì cả, ngoài sự bảo bọc của lớp mền dày dặn. Liếc sang Hùng, lắm lúc, mình thuận miệng gọi ông là ba. Ba Hùng, tôi gọi như thế từ lúc nhỏ. Chắc ông đã nhìn thấy đôi mắt long lanh của đứa trẻ, cùng với đôi cánh tay bé bỏng như cành măng vươn về phía mình. Lúc ấy, tôi nhớ Hùng bế tôi vào lòng, xoa đầu và nựng má. Ông đáp lại một cách dịu dàng rằng: "Ba đây. Ba Hùng đây." Cứ như vậy, tôi gọi Hùng là ba thay vì gọi ba tôi là ba suốt cả thời thơ ấu. Thậm chí, lắm lúc, tôi còn không nhớ đến rằng bản thân có một người cha thực sự đang làm việc tại xí nghiệp ở cái tỉnh xó xỉnh nào. Ba tôi đã luôn phải đi làm xa tít tận đâu đó. Vài tuần một lần về và không dự đám tang mẹ tôi. Trong khi đó, Hùng luôn có mặt những lúc cần thiết nhất. Ông không để tôi một mình chống chọi với bất kỳ cái gì, chẳng giống như ba. Tuy không cùng nhau sống chung dưới một mái nhà. Vì ngày thường tôi vẫn là đứa trẻ không cha không mẹ, căn nhà chỉ tỏa mùi nhang. Nhưng tối đến, Hùng lại đến và xoa đầu tôi như khoảnh khắc bố về đến nhà của bao đứa trẻ khác. Hùng cho tôi tiền để ngày mai đến lớp đóng tiền học. Khờ lắm. Lúc ấy tôi quá nhỏ để biết những đồng tiền ông đưa mình là dơ bẩn đến vậy. Mục rữa hết cả dù không rách rưới. Sau này, hóa ra, Hùng nuôi tôi sống nhờ vào việc cưỡng bức trên mạng người. Những đồng tiền thối vậy mà sạch sẽ. Vậy mà đầy ắp tình yêu thương hơn cả những tờ giấy bạc của ba mỗi khi có dịp trở về nhà.

"Buồn ngủ rồi à?"

Hùng cất tiếng hỏi, giọng khàn khàn khi tôi ngả đầu mình lên đôi vai có hình xăm hổ hung tợn của ông. Bấy giờ, tôi không trả lời nhưng lại theo bản năng cứ dụi dụi vào người bên cạnh. Tự dưng, tôi biết mắt mình đỏ ửng. Nước cứ vậy mà chực trào. Ông cho tôi ở đây vì sau chuyện ngày hôm trước, ba đã đuổi tôi ra khỏi nhà. Ba thương mợ Lan hơn tôi. Nên ba đuổi tôi khỏi nhà vì tôi dám dọa đánh mẹ kế của mình và cả đứa con gái hỗn xược của bà ta. Ba mắng tôi hỗn láo. Ba chửi tôi là cái đồ mất dạy, vô học. Nhưng, ba đã có bao giờ để tâm dạy dỗ mình đâu?

"Ba Thắng không giận con lâu đâu. Ổng nói vậy thôi chứ vẫn còn thương con lắm." Hùng an ủi tôi bằng những lời biết là vô nghĩa nhưng vẫn muốn nghe. "Có lẽ vài ngày nữa, tụi ta cùng nhau về, bảo một câu là xong."

Đáp lại lời Hùng, tôi gật đầu mà môi mím chặt với nhau. Không nói gì cả, cơ thể tuy thế lại càng nép sát vào người ba. Bàn tay lớn của ông xoa xoa lên sống lưng mệt mỏi, lạnh ngắt của tôi làm nó mềm yếu. Làm cho cả ruột gan cũng ấm áp hơn. Thế là, tôi càng dựa dẫm vào ông. Bên tai vẫn chưa dứt tiếng gào thét của tra tấn, nhưng tôi lại thấy cả khung cảnh yên bình. Mà lạ lắm, đột nhiên nước mắt lại nhỏ giọt xuống, chảy dài từ khóe mi. Lúc lớp sương mờ cả tròng mắt, tôi thấy hình như bọn ông Hiếu đã thấm mệt. Vì họ đã xích những con vật lại dù chúng ngất lịm cả, rồi đang bước về phía chúng tôi.

"Hóa ra bà Thư cũng biết làm nũng á." Thằng Dưỡng bâng quơ đùa một câu. Đổi lại, tôi liếc nó rồi lại càng siết tay ôm ba Hùng của tôi.

"Ê, cái thằng hôm bữa, em con Hà. Mày mới bỏ cái thằng công an kia, lại quen ngay em con Hà à?" Ông Hiếu hỏi tôi lại về thằng nhóc. Bây giờ, tuy khối u trên đầu vì bị ly trà sữa đập vào đã mất nhưng Hiếu sẽ không bao giờ quên cái khoảnh khắc đã thành trò cười.

Ngay lập tức, tôi đáp lại, "Nó là bạn em thôi." mà mắt lại không nhìn vào mặt Hiếu. Buồn ngủ quá đi.

"Thật không?" Bấy giờ Hùng mới hỏi. "Thật là bạn bè đúng không?"

Tôi ngửa đầu lên và gật xuống, trong khi hai tay vẫn ôm lấy ngang hông Hùng. Có như thế, ông yên tâm lắm. Liền ngược lại cũng ôm lấy tôi, xoa xoa đầu. Bấy giờ, Việt vỗ vai cả bọn rủ đi ăn cơm tối. Tra tấn cả ngày rồi, cũng nên đến lúc ăn uống. Thế là bọn họ bỏ đi, còn tôi với Hùng ngồi cùng nhau. Có lẽ, Hùng đã thấy tôi mệt mỏi, nên ông để tôi nghỉ ngơi, dựa vào mình. Mặt khác, con hổ lớn lúc này bỗng nhiên lại cúi đầu, nhẹ nhàng thế lại áp môi lên mái đầu. Như là một cái hôn mà thủ thỉ cho tôi nghe:

"Con nói là bạn bè thì tụi ta sẽ tin. Nhưng con phải nói thật để chuyện cũ như cái bữa *** mẹ trước kia không xảy ra nữa. Ta không cho phép thằng đàn ông nào làm hại đến con, dù là ai. Nếu có, ta sẽ băm chúng ra bã. Giết chúng chết để trả thù cho con."

Những lời nói đó tuy không văn chương, có lúc lại vô cùng dữ tợn nhưng làm tôi hết thấy sợ hãi. Dịu dàng kỳ quặc, Hùng gò mình vào lòng và đôi mắt trợn lên dọa nạt mà tôi lại lập tức nở nụ cười. Bây giờ, tôi hỏi Hùng vì sao ông đối tốt với tôi như thế. Tôi chỉ hỏi để biết, để khi nào giọt nước mắt sắp rơi xuống tôi lại nhớ đến ông. Hoặc lúc, sắp cất tiếng gọi thì lại dùng hai chữ: "Ba ơi!" thật trìu mến. Tôi thương ông.

"Lắm lúc, con giống mẹ con thật. Mẹ con cũng hay hỏi ta câu đấy. Con làm ta nhớ mẹ con."

Tôi lắng nghe những lời Hùng nói. Và rồi, để tất cả những sự dịu dàng ấy dắt mình vào cơn mơ.

"Ta coi Thư như con gái của mình vậy đấy. Nên dù gì đi chăng nữa, con vẫn còn có ta. Cứ yên tâm, không có gì đáng lo sợ. ** má, Thắng mà đánh con thì ta cũng không tha cho ổng đâu."

Đến đây, nước mắt trào ra, tôi không thể nén. Ngay tức thì, Hùng ôm chầm tôi vào lòng. Âu yếm dỗ dành. Ba Hùng xem tôi như đứa trẻ con bé bỏng ngày nào mình vẫn còn ẵm bồng, và hôn lên trán những cái đầy thương yêu. Khi xưa, mẹ cũng đã từng làm thế. Mà tôi còn nhớ, mẹ kể ba Hùng đã bồng tôi lúc mẹ vừa sinh và ông ở đó với mẹ tôi.

"Sao lại khóc thế này?" Hùng dỗ tôi mà vừa cười vừa nói. "Ngoan ngoan. Mắt ướt rồi. Rồi rồi. Không khóc nữa. Có ba ở đây. Ba Hùng thương bé Thư. Ba Hùng đây."

Tôi khóc rồi thiếp ngủ. Giữa cái cảnh tù đày của bóc lột cùng hành hạ, Hùng ôm lấy và dỗ dành tôi hãy an lòng ở cạnh ông.

Hai ngày cuối tuần đã trôi qua, tôi vẫn chưa nghe tin gì từ anh Tuấn. Nói thật, những giây phút bình yên như thế này làm bản thân bỗng chốc quên hết đi mọi chuyện. Tôi dường như không còn nhớ đến cái chết của Vân, cả những việc chị Hà đã làm dối trá mình... Tuy nhiên, mọi thứ lại bồi hồi trở ngược lại, tự dưng lúc gió thổi khẽ qua mang tai. Tôi nhớ lại khi nhìn thấy Hà ngồi thản nhiên với cuốn sách trên tay. Thông thường mỗi cuối tuần, chị sẽ dành thời gian để đọc một quyển bất kỳ. Mà, lúc đó, khuôn mặt chị vô cùng thư giãn. Không khó chịu, không lườm nguýt. Chỉ cúi đầu, đôi mắt đen láy tập trung vào những dòng chữ vây kín trên mặt giấy trắng, thông qua gọng kính dày. Cuối tuần, cả con Lu cũng ngáp ngắn ngáp dài ngái ngủ. Nó nằm ườn trên chiếc giường bông tôi vừa mới mua cho, vô tư và lười biếng. Nhiều lúc, Hà và Lu cùng nhau ở ngoài vườn, với cuốn sách trên đùi, tiếng chim hót. Những ngón tay chị nhẹ nhàng vuốt lông con vật nuôi. Sau đó, tôi thấy khe khẽ khóe môi nhạt nhòa kia mỉm cười. Hà vô tư cười một mình lúc riêng tư không ai thấy. Cho dù là tôi hay là người thích chị vô cùng là anh Tâm. À nhắc mới nhớ, dạo này tôi không thấy chị nhắc gì đến anh ấy nữa. Mà anh Tâm cũng không còn qua nhà chơi... Mấy nay hầu như Hà nhốt mình trong khuôn viên thoải mái ở nhà. Có vẻ làm thế khiến chị cảm thấy tự do hơn hẳn. Hoặc an toàn hơn. Tôi không biết phải miêu tả thế nào nhưng nếu là tôi thì tôi thấy những ngày ở nhà làm mình chán ngán. Không được chạy nhảy ra ngoài khiến ngay lập tức tôi thấy bồn chồn tay chân. Tựa như bản thân mình có gắn máy động cơ, tôi nhất định phải được thả cuốn theo gió. Tôi phải chạy càng xa. Bay thật cao và lặn càng sâu. Nhưng, Hà thì khác. Hà bằng lòng ở lại cái chốn chị thấy an toàn. Chị không muốn mở cửa và giao du với bất kỳ ai thêm nữa. Chị nhắc nhở tôi kín tiếng. Chị không mỉm cười và vẫy tay chào lại cô hàng xóm giống như tôi. Cả một ngày đẹp trời như vậy mà chị chỉ ở nhà, với con vật nuôi ngoan ngoãn. Chị thảnh thơi chôn chân một mình ở phố thị Sài Gòn náo nhiệt. Phí hết cả hiện đại lẫn xô bồ. Chị chẳng giống ai.

Bấy giờ, hai chân ngập ngừng bước ra phía ngoài, về hướng chị. Ở đó, chị hai lơ đãng ngồi trên băng ghế gỗ. Lu dưới chân. Vì lưng đối diện lại với mình, nên Hà không thấy tôi nhìn chị ấy. Đấy, tôi lại thấy chị khe khẽ một mình mỉm cười. Trời ơi. Những lúc như vậy, chị trông thật xinh đẹp. Nước da đã trắng, tóc đen mượt mà ngang vai, khuôn mặt nhỏ nhắn... Mười ngón tay thon dài dịu dàng. Chị tôi thật xinh đẹp khi nở nụ cười. Mà thực chất, kể cả khi chị chọn không mỉm cười, tôi cũng thấy chị là người chị gái xinh đẹp nhất.

"Chị hai." Nghe tôi lên tiếng, Hà liền quay đầu lại. "Chị đang đọc gì đấy? Hôm nay trời đẹp, mình đi ra ngoài chơi đi! Mình đi mua sắm nhé?"

Giọng chị lãnh đạm đáp, "Hỏi mỗi lần một câu thôi."

"À... Thế chị đang đọc sách gì đấy?" Tôi ái ngại lặp lại câu hỏi đầu tiên.

"Mày không biết đâu." Chị đáp, rồi đầu lại cúi xuống đọc những dòng chữ đen thẳng hàng. Ngộ nhở? Gì mà coi thường nhau? Hứ. Sao lại không biết? Nhướng mắt, tôi tò mò nên ráng ngó vào trong. Ấy. Tiếng gì đấy nhỉ? Đâu phải là tiếng Việt đâu?

"Đấy là tiếng gì đấy chị?"

Những ký tự ấy có hình thù thật lạ lẫm. Nó không phải bảng mẫu chữ cái bình thường mà ta biết. Nó ngoằn ngoèo, nhiều nét và phức tạp hơn hàng chục lần.

"Tiếng Nhật." Hà đáp nhưng không nhìn tôi.

"Tiếng Nhật? Chị biết tiếng Nhật à? Hay vậy?" Tôi trầm trồ khen ngợi chị.

"Điều kiện bắt buộc để học lên tiến sĩ y khoa là phải có bằng cấp thuộc trình độ đại học của các thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung, Nhật. Tiếng Anh thì tất nhiên là tao biết. Còn có cả tiếng Nhật và tiếng Đức nữa."

"Òa." Ôi trời, chị tôi giỏi vậy sao? "Vậy cái bộ chị đang đọc nó tên gì ấy?"

"Tuyệt Ca."

Hở? Là sao? Nghĩa là gì? Tôi liền hỏi ngay, "Ơ, nghĩa là gì?"

Nhưng chị chỉ cất giọng nhạt nhòa, "Tao đã bảo là mày không biết đâu."

"Ơ? Thế tiếng nhật đọc như thế nào?"

Đúng lúc, tôi đang gặng hỏi, đột nhiên, gió lại lớn. Tại nó mà khi chị nói thì tai không nghe rõ. Tôi mơ hồ nắm bắt được là: "Zekka." Tuy đã trả lời tôi nhưng chị không nói rõ. Cứ úp úp mở mở, bí mật vô cùng. Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng có khi chị không muốn mình biết được nên mới chọn đọc bản tiếng Nhật. Nhở? Thế là, tôi liền ngồi ngay xuống bên cạnh chị. Bấy giờ, Hà không tránh mặt tôi mà hai mắt cứ mở lớn. Thật lạ lùng là chúng đột nhiên mở lớn. Chị nhìn tôi không rời. Và rồi tay tôi chạm lên tay chị, đang nắm lấy một bên bìa sách trắng tinh khôi.

"Chị đọc thử cho em nghe một đoạn đi. Xem viết gì trong đó."

Có lẽ chị sẽ từ chối. Tôi đã nghĩ vậy, nhưng thật quái lạ là chị lại gật đầu. Có thế, lòng mình bỗng chốc lại hồi hộp. Giờ thì, mắt tôi nhìn ngược lại chị. Còn chị thì đọc những dòng chữ phức tạp màu đen.

Tôi không còn là tôi nữa.

Tai lắng nghe giọng đọc vô cùng nhẹ nhàng của chị. Cứ một câu tiếng Nhật rồi lại tiếng Việt, tuần tự cất lên.

"Thiếu niên A" - nó đã trở thành đại từ chỉ về tôi.

Tôi chẳng còn là một con người bằng xương bằng thịt mà là một "biểu tượng" vô cơ.

Đối với nhiều người, nó là biểu tượng của "đứa trẻ vị thành niên phạm pháp".

Sống trong một thế giới khác với thế giới họ. Không có miếng cảm xúc nào của loài người.

Là biểu tượng của một "con quái vật" kinh hoàng. Đáng sợ.

Đột nhiên, chị ngẩng mặt lên. Tôi sửng sốt. Tim đập thật nhanh, lúc hai mắt chị trừng trừng nhìn vào tôi. Bỗng nhiên, thật đáng sợ. Tôi thấy sống lưng mình lạnh cóng. Tay chân tự dưng run rẩy. Bất chợt, tôi nhớ về bài báo Chi mang đến ngày hôm trước. Cứ như thế, tất cả mọi thứ ùa về như cơn bão. "Em học sinh H.". Chị không còn là Hải Hà nữa mà là "học sinh H". Là nghi phạm chính của vụ án giết người bạn cùng lớp. Là kẻ đã cất giấu hung khí bên mình. Sự choáng ngợp làm cả cơ thể ran rát. Nóng. Rất nóng. Toàn thân tôi đổ mồ hôi. Lúc này, tim trong lồng ngực đập thùng thục như muốn vỡ nát. Tôi sợ vậy mà chị cứ nhìn. Ý chị nói là gì chứ? Tại sao lại nhìn tôi như vậy? Thật khó thở... Cả người tôi tê cứng. Cổ họng muốn hét mà không thể cất lời.

Reng! Reng! Reng!

Ơn trời! Tiếng chuông điện thoại trong túi quần đã cứu tôi! Cảm tạ trời đất! Tôi nghe thấy tiếng reo liền tỉnh lại. Ngay lập tức, vội vàng chạy ngược vào nhà, bắt máy. Suýt chút nữa là chết... Quá trời quá đất. Lúc ấy, tôi thật sự vô cùng sợ hãi. Tay vô thức lau mồ hôi lúc nói chuyện điện thoại. À, là cửa hàng hôm trước ở gần nhà cô Xuân gọi lại cho tôi. Họ hẹn tôi ngày mai đến phỏng vấn. May thế. Cùng một lúc tôi đã gặp hên cả hai chuyện. Chỉ còn một chút nữa... Nếu để tôi ngồi với chị hai thêm một chút nữa thì sẽ không chịu nổi mà nói ra hết quá. Tôi thở hồng hộc trong lúc đáp vâng vâng dạ dạ với anh chủ cửa hàng. Sợ quá.

"Vâng... Sáng mai mười giờ em sẽ đến ạ. Dạ vâng."

Đáp mà lòng không nghĩ gì ngoài nghiệm lại đoạn văn chị vừa đọc. Tôi đã nhớ lại tất cả, nhờ có những câu từ sầu muộn đó. Tôi đã nhớ lại cái chết của Vân, rồi kế đến là sự bắt nạt mà Hà đã hành hạ chị. Giờ thì tôi đã nhớ lại mọi thứ, kể cả câu chuyện con tu hú của anh Tuấn và nỗi đau đớn tuyệt vọng của Chi với ba Chi. Mà, theo đó, tim tôi mới bình tĩnh đập ổn định trở lại. Bỏng rát. Hụt cả hơi. Sau tất cả, tôi nhìn sang chị hai đã trở về với bộ dạng cũ ở ngoài cánh cửa sổ lớn. Chị lại cúi đầu đọc sách. Những dòng chữ phức tạp mang ánh hào quang đen.

Đêm về, đám con trai chơi bời ở những nơi đèn chớp tắt. Từng buồng từng buồng có treo tấm rèm cửa kim tuyến màu nhàn nhạt. Long lanh lóng lánh. Bên tai chúng tôi nghe âm nhạc xập xình, và những lời đường mật ngọt ngào nhất trên thế gian. Chúng tôi nhìn vào những đôi mắt lấp lánh. Cơ thể để những bàn tay mĩ miều chạm vào,... Và rồi thỏa thích đắm chìm các cuộc vui. Bấy giờ, tôi nghĩ bên ngoài đã là trời chưng hửng sáng. Tầm lúc mặt trời sắp mọc, khi cái niềm vui của trụy lạc đã phai dần đi, trở lại thành vị đăng đắng trên đầu môi. Ở đây đầy khói thuốc lẫn màu trắng bệch của bong bóng, tôi hít rồi hít. Nhưng có hít bao nhiêu thì ngoài những cái cười nhạt nhẽo, vẫn cảm thấy cả cơ thể mệt nhoài. Đầu tôi trống rỗng. Các cô gái ở trước mắt không còn thấy xinh đẹp nữa. Tôi thấy bọn họ không có đầu. À đúng là vậy, họ chỉ có thân xác. Một thân xác ảo, chất đầy nhựa, rẻ tiền và để người ta mua vui.

"Ê Bảo. Mày lại đi kiếm người yêu đấy à? Hay mày kiếm một con mới luôn đi cho nó nhanh không? Đây em nào em nào... lựa lựa đi."

Vì những tấm ngăn giữa các buồng rất mỏng nên tôi hầu như có thể nghe thấy hết cuộc đối thoại của bên kế cạnh. Loáng thoáng, lúc người dựa vào thành ghế, sõng soài.

"Không, nay thầy thấy chúng mày vắng nhiều quá bắt tao đi tìm. Chứ Thư làm gì ở những chỗ thế này?"

"Dắt gái!" Một tên ất ơ nào đó ở bên kia hét lên. Rồi chúng cười sặc sụa. "Hôm trước, tao thấy nó... à không anh của nó đi bắt mấy đứa con gái về. Trên xe tống ba bốn thằng mà còn chở thêm gái nữa. Má, lúc đấy có mỗi một mình chứ không là chết mẹ với tao rồi."

Một tên khác đáp lại, "Mày định làm gì tụi nó? Tới rồi, dùng máu nhuộm đao hả ba?"

"Hừ. Cay thế nhở. Chúng nó đông mà còn là địa bàn chúng nó nên không làm được gì." Tên hồi nãy đáp lại.

"Thôi. Tao nghe nói chúng mày cũng bắt tay với tụi đấy vài đợt còn gì. Sạch sẽ hơn ai đâu."

Giọng nói này quen quá. Mà ngay lập tức những tên kia cũng đáp lời. Giọng chúng như lũ con nít mè nheo.

"Cái gì mà không sạch sẽ... Mình gọi đấy là... ờ gì nhỉ, cộng sinh. Hôm bữa, bác Thống hỏi tụi tao có thấy mấy tên đó không? Hay mấy vụ khác nữa..."

Đang nói thì bị một thằng cướp mất lời, "Tao liền trả lời là: Không, làm gì có. Nhưng lúc thằng Phước hỏi lại, tao kiểu: *** cụ, tất nhiên là thấy. Thấy rõ mồn một. Thấy hết từ lúc nó bóc mấy đứa con gái lên xe. Rồi chở về. Rồi cũng thấy luôn lúc mấy đứa con gái đi vào vũ trường. Thấy hết đấy mà phải giả mù thôi."

"Mù tạm thời. Như cái lúc ba bốn giờ sáng ngay tiếng kêu có cướp giật đấy, là điếc tạm thời."

Lúc này, cái giọng quen quen đó lại lần nữa cất lên, "Thôi. Tụi bây liệu chơi nhanh cho xong còn về trường đấy. Tao về ngủ trước đây. Sắp sáng mẹ rồi."

"Ê Bảo."

Nghe mà giật thót. Tiếng gọi chiêu hồn về là vậy đó sao?

"Tao thấy... mày nên bỏ con bé đấy đi."

"Mày nói cái gì vậy, Phước?"

Đúng là tôi nghe thấy giọng Bảo. Mà là còn nó dẫn dắt tôi đi.

"Khoan khoan. *** cụ, bà mày thằng này tính nóng như kem... Tại bữa tao nghe thằng Lâm nè. Nó kể mày tâm sự với nó là con bé ấy dù gì cũng không muốn cưới mày, không muốn sinh con cho mày. Thế thì phải dây dưa với nhau làm gì?"

"Mày câm cái mồm lại." Bảo hằm hè.

"Tao không câm." Chân tôi đã đến rất gần rồi. Giờ thì tôi có thể nhìn rõ mặt thằng Phước, thằng Lâm. Tôi thấy hết chúng qua bức rèm mỏng tanh. "Mày thiếu gì gái? Tao nghe nói có mấy đứa còn thầm thích mày. Mà nếu để giải quyết sinh lý thì mày cần chi nhọc nhằn thế? Con ấy xinh nhưng đến chó còn biết điều hơn nó."

Tai tôi đã nghe thấy tiếng cự lộn. Mà Bảo chỉ có một mình. Bức màn mỏng này đột nhiên sao lại vướng thế nhỉ? tôi nghĩ thầm. Nên dùng tay vén nó ra. Căn phòng màu đỏ, lũ quỷ đói công an màu xanh. Và tôi nhìn thấy Bảo đứng giữa cả vùng đất nhầy nhụa, với đôi bàn tay tự siết chặt nắm đấm. Bây giờ, cả lũ bất ngờ khi tôi bước vào. Có lẽ, bọn chúng không biết mình là ai, nhưng mà Bảo biết.

Tôi nghĩ là Bảo sẽ ra tay. Hắn sẽ lao vào đấm vào mặt thằng bạn thân bị thối mồm một trận vì dám xúc phạm người con gái mà mình yêu nhất.

Nhưng dù sao thì hắn cũng đã trễ. Bởi tôi đã thay Bảo làm việc đó. Tôi đã lao vào, đấm thẳng vô mặt thằng Phước ngay tức thì. Rất nhanh, mọi thứ đều trở nên lộn xộn. Người người xô đẩy nhau. Ẩu đả. Không biết đâu là mặt đất, đâu là bầu trời. Có lúc Bảo cản tôi nhưng tôi đã vùng ra. Khớp ngón tay đỏ ửng. Cả mặt cũng đau nhói. Tôi chửi rủa Bảo to mồm. Tôi hả hê khi một trong những tên láo nháo ấy ngã xuống... Và tôi, có khi cũng ngã xuống y như vậy. Nhưng, mình đứng lên rất nhanh. Mình lại nhào vào cuộc hỗn loạn. Bảo cũng đã sấn sổ vào. Tôi không biết hắn theo phe ai nhưng Bảo không đấm mình. Đầu ong ong đau nhức nhưng tôi lại nhớ rất nhiều thứ. Cảm giác cả cánh tay mệt mỏi đột nhiên tràn trề sức lực. Đấm nhau với bọn công an này thật vui. Chúng nó vừa đấm vừa hét. Đánh bằng cái tay hay cái mồm vậy mấy ba? Chúng tôi lộn ngược cả căn phòng màu đỏ. Ly vỡ, gạt tàn vỡ. Tôi nhớ có người lôi cả đám ra ngoài. Trời chập choạng sáng. Bầu không lạnh ngắt nhưng tôi vẫn gào lên. Tôi muốn đấm chết bọn chúng, tất cả bọn chúng. Cả Bảo nữa. Nhưng hắn đang vòng tay giữ quanh eo mình. Thả tao ra. Cuộc vui vẫn còn chưa hết mà. Tôi vùng vẫy cả hai chân.

Sau đấy... Tôi mơ hồ quá. Tôi mơ hồ những chuyện tiếp theo sau tiếng còi hú và những ánh đèn chính nghĩa trong đêm. Ngay từ lúc bắt đầu, mọi thứ vốn đã rất nhanh. Vô cùng xô bồ. Cho nên, bỗng nhiên tôi không nhớ gì cả. Cũng không nhớ rõ có đã có mặt ai, làm gì ở đó. Chỉ thấy Bảo đã thả mình ra. Rồi hắn đưa tôi về lại chiếc xe mình đỗ bên vệ đường. Hắn bảo rằng tôi nên về nhà ngay đi. Về nhà? Về nhà... Tôi lèm bèm miệng mồm đắng chát, và ngẩng đầu lên thấy rằng trời sắp bình minh. Chắc là tôi phải về nhà rồi đó. Hừm, cuộc chơi cứ thế đã kết thúc rồi sao? Hai tay tôi đặt lên tay lái nhưng mắt lại không mở nổi. Tôi phóng nhanh rồi chớp mắt, rồi lại phóng nhanh. Có thấy đường gì đâu giữa thời khắc sáng đêm hỗn loạn. Lúc này, đường phố Sài Gòn vừa vắng vẻ vừa lạnh tanh.

Bỗng nhiên, tôi nghe thấy một âm thanh rất lớn. Như là tiếng đổ bể.

Tiếng cái gì bị chèn ép rồi tan nát cả ra. Tuy nhiên, khoảnh khắc ấy thôi rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Tôi lại chạy tiếp. Tôi không biết mình đã chạy đi đâu hay có ở đâu... Mọi thứ mơ hồ quá.

Mọi thứ mơ hồ quá, tôi lẩm bẩm. Như kẻ mê sảng, tôi lặp lại bốn từ đó ở bên miệng và rồi thấy quang cảnh trắng tinh. Lần cuối cùng nhắm mắt lại mở mắt ra ở một nơi khác. Nơi có màu trắng bệch, nhạt nhòa khác với căn phòng sặc sỡ, đầy mùi rượu bia. Tôi tỉnh lại và thấy mình vẫn còn sống. Đang nằm và đầu ngửa lên, chỉ thấy trần nhà. Từng viên gạch trắng liền nhau. Có mùi cồn trong không khí. Tôi thấy mình đang được chụp ống thở cùng truyền nước biển vào cổ tay.

"Ân tỉnh rồi!"

Nghe thấy rồi, tiếng mẹ gọi tên mình, cùng nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt. Lúc này, tôi quay đầu, mắt lại chớp để cố gắng nhìn rõ hơn nữa. Tại sao tôi lại ở đây? Mếu máo nhưng không cất thành lời.

Ai nói cho tôi chuyện gì đã xảy ra được không?

Đột dưng... hai mắt rõ ràng. Giờ thì, tôi thấy con Hà đang đứng cạnh mẹ. Ngay kế bên với tấm áo blouse trắng đặc trưng. Tôi thấy nó đang nhìn mình nhưng không nói gì cả. Đột nhiên, khóe môi tôi bỗng chốc cười nhạt. Hình như mặt nó không vui.