Trăng Sáng Trên Lầu Bắc

Chương 34: Lễ nhìn mặt



Sau khi vụ án tham ô Mục Châu lắng xuống, Vi Bắc Lâu mới có thời gian rảnh rỗi mà trông đến khoa thi mùa xuân năm nay. Lễ bộ Thượng thư Vệ Thi nhiều tháng qua đều sứt đầu mẻ trán về chuyện này. Trần quốc ba năm tổ chức thi cử một lần, thế nhưng năm vừa rồi mất mùa đói kém nặng, khoa thi bị hủy bỏ. Xuân năm nay mới tổ chức lại, Vệ Thi mới nhậm chức bận rộn đến chân không chạm đất.

Thấm thoát ngày ngày trôi qua nhanh như dệt vải, hai kì thi Hương thi Hội đã tổ chức xong, giờ chỉ còn lại thi Đình. Theo lệ cũ, đề thi Đình là do Hoàng đế đích thân chấp bút để tuyển hiền tài cho quốc gia.

Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Kẻ sĩ trong thiên hạ vì tình thế loạn lạc mà nan kham, kiêng dè. Vi Thái phó vẫn luôn biết, những kẻ nho học cổ hủ vẫn luôn chỉ trích mắng mỏ hắn là đệ nhất gian thần, xảo lộng quyền hành, không cho phép học trò ra kinh ứng thí. Trong triều kỉ cương khiếm khuyết, quan chức vô năng, hành động của kẻ sĩ phu chẳng khác nào lửa cháy đổ thêm dầu. Vi Thái phó có lòng nhưng thiếu người trợ giúp, hắn càng ôm đồm nhiều việc, tiếng xấu càng đồn càng xa, cứ như uống rượu độc giải khát. Vấn nạn lớn triều chính thì không giải quyết được. Khi hắn còn trẻ khỏe thì không sao, nhưng đợi thêm vài năm nữa Vi Bắc Lâu cũng bước sang tuổi tứ tuần, hắn tự nhận, mình lo không nổi nhiều chuyện như vậy.

Đừng trách vì sao Vi Thái phó phải kết giao bè đảng rộng lớn như thế, người theo Vi đảng thì hắn mới dùng được, còn kẻ cứng đầu cố chấp thì chỉ càng làm mâu thuẫn thêm trầm trọng, quốc gia mau lâm nguy mà thôi.

Vừa rồi Vệ Thi đã soạn ra một bài 'Cầu hiền chiếu thư' cho mã khoái thúc ngựa đến công bố cho toàn thiên hạ, bày tỏ khát khao có được người hiền phò tá cho triều đình đã như lửa sém lông mày, Trần quốc nếu không muốn vong, phải có nhiều kẻ sĩ ra giúp sức, để cho bá tánh không phải lo toan, nhà nhà được hưởng thái bình thịnh trị, chứ không phải bữa đói bữa no lại lo lắng ngoại tộc xâm nhập. Ở biên cương Mục Châu người Chẩm như hổ đói rình mồi, đã phát sinh mấy trận giao tranh nhỏ, dân chúng Mục Châu đang được Bình Vũ tướng sơ tán bớt, hình ảnh cả gia đình dắt díu tay xách nách mang, khuôn mặt xanh xao vàng vọt vì chạy nạn đã không còn xa lạ ở các huyện thành. Vi Thái phó nhìn tin cấp báo mà thở dài trong lòng.

Hoàng đế với học lực như vậy dĩ nhiên không thể ra được đề bài gì hay ho. Vi Thái phó cũng muốn tự tay làm cho an ổn lắm, lại ngặt nỗi thanh danh của hắn đã không tốt lành gì rồi, muốn tự tay ra đề sợ rằng những thư sinh kia lại có kẻ nóng đầu mà dấy lên làn sóng 'phản đối lộng quyền' gì đó. Để phòng ngừa tình trạng này, Vi Thái phó quyết định đề thi năm nay sẽ do Nội các tự thảo luận tự ra đề. Thà thế còn đỡ hơn là để đám học trò bỏ thi rồi viết thơ ngoài sáng trong tối chửi Vi Thái phó.

Tuy Mộ Dung Thừa tướng gian xảo vô ơn nhưng tài văn chương thì không thể phủ định, đề bài hắn trình lên vào đúng trọng tâm, đề cao tinh thần của kẻ sĩ, trung dung với quân, trung thành với nước, đánh trúng vào suy nghĩ của không ít Nho sĩ đương thời.

Vi Bắc Lâu cười lạnh, có thể tưởng tượng ra, sau khi đề bài này được công bố, những văn nhân kia sẽ có bao nhiêu khâm phục Mộ Dung Thừa tướng, bao nhiêu căm ghét Vi Thái phó lộng quyền bất kham. Vi Bắc Lâu xưa đến nay không hề để ý thanh danh, hắn đi một bước tính mười bước, trong lòng luôn nắm vững hướng đi của mình, căn bản không quan tâm lời xằng bậy bên ngoài. Ngoài mặt hắn luôn hoàn mỹ đúng mực, không ai chỉ trích được lời nào... Còn nếu có làm gì không đúng mực, thì cũng không có kẻ nào cả gan nhảy ra làm chứng. Những kẻ không biết im miệng đã bị Vi Thái phó tiễn đưa xuống suối vàng cả rồi. Thế nên đống tin đồn Vi Thái phó đại gian đại ác, bất nhân bất nghĩa này đã bị người thao túng sau lưng. Còn thủ phạm, bây giờ Vi Bắc Lâu đã nhìn rõ mười mươi thủ đoạn của Mộ Dung Thừa tướng rồi. Tư vị bị đồng bạn đâm một đao sau lưng này, Vi Bắc Lâu nhớ kỹ!

Vi Thái phó phê vào tấu chương hai chữ "Sửa chữa" rồi cho người trả lại phủ Thừa tướng, ngoài mặt không làm hắn nghi ngờ, bên trong tìm cách kéo dài thêm thời gian.

Thám tử của hắn tìm ra không ít thứ thú vị ở Mộ Dung phủ đâu. Khóe môi Vi Bắc Lâu nhếch lên, đứa cháu trai kia của Mộ Dung Thừa tướng, mới lên kinh năm ngoái, bình thường vẫn ở trong phủ ngoan ngoãn hiểu chuyện, thi cử còn đậu đến thi Hội hạng năm. Mộ Dung phu nhân hết mực tự hào, vẫn đang tuyển chọn các tiểu thư quyền quý để tìm một kẻ xứng đôi với cháu trai bà, cũng từng gửi bái thiếp đến Vi phủ.

Mộ Dung Thừa tướng xuất thân từ một gia tộc dòng dõi thư hương ở huyện Bình An, Thanh Châu. Ở Bình An Mộ Dung gia cây to cắm rễ, rất nhiều bàng chi. Mộ Dung Ninh làm quan lớn nhất phẩm trong triều, cả gia tộc nhờ đó mà thơm lây, sống ở huyện Bình An nhỏ nhoi không khác gì thổ hoàng đế. Huyện lệnh Bình An mắt nhắm mắt mở, không dám đắc tội ai trong Mộ Dung gia. Có lẽ được vênh mặt thành quen, ở Bình An có không ít chuyện xấu của người nhà Mộ Dung...

Vi Bắc Lâu đọc tin tức thám tử gửi đến, nụ cười nhạt trên chưa từng tắt. Hắn đốt hết tin tức nhận được rồi quay về chính phòng.

Thanh Lê đang học võ với Trúc Lĩnh ở sân trước, thiếu niên mặc trang phục gọn gàng khoa tay múa chân đến mồ hôi ròng ròng. Nói là học võ cho êm tai, chứ Tiểu Trúc Tử có bản lĩnh gì mà dạy cho công tử đây, chẳng qua là tập một ít động tác cường thân kiện thể. Thể chất tiểu khôn tử quá yếu ớt, Hoàng đại phu cũng có nói, bình thường nên vận động một chút sẽ tốt cho sức khỏe hơn là cứ nằm lì trên giường. Vi Bắc Lâu bèn bảo Trúc Lĩnh bình thường dắt theo y ra sân tập mấy đường. Thiếu niên lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe lời hắn cực kì, không khi nào lười biếng.

Trúc Lĩnh thấy lão gia đã về còn ra hiệu cho người hầu xung quanh giữ im lặng thì tự giác không nói, giả vờ như không có chuyện gì mà tập tiếp. Thanh Lê đã theo Tiểu Trúc Tử tập nửa canh giờ rồi, có chút thở không ra hơi, thấy Trúc Lĩnh đổi động tác thì luống cuống quơ tay quơ chân, trông như một con vịt đang cố học theo động tác của thiên nga vậy.

Vi Bắc Lâu cố gắng nhịn xuống không cười, nhìn thiếu niên tập sai bét nhè. Bình thường thấy y mệt như vậy Trúc Lĩnh đã cho nghỉ rồi, thế nhưng nhìn lão gia vẫn hưng trí ngồi kia quan sát, Trúc Lĩnh lại không dám hô dừng, cứng nhắc mà tập lại động tác lần hai.

Thanh Lê tập thêm một lát thì làm hết nổi, đứt quãng thở: "Trúc... Trúc tiểu ca, chúng ta...nghỉ nghỉ... một chút..."

Trúc Lĩnh liếc trộm lão gia một cái rồi nhỏ giọng nói: "Vậy hôm nay tập đến đây thôi nhé, nô tài phải đi đây... " Nói rồi nhanh chân chạy biến.

Thanh Lê từ nãy đến giờ vẫn đưa lưng lại với Vi Thái phó nên vẫn chưa hay biết bộ dáng con vịt của mình đã bị người ta thấy, ngơ ngác nhìn theo Trúc quản sự chạy nhanh như gió.

Sau đó liền nghe tiếng 'khụ' truyền đến từ đằng sau, Thanh Lê quay đầu lại, bắt gặp Thái phó đang tựa tiếu phi tiếu nhìn mình.

OvO! Thanh Lê trợn mắt.

Vi Thái phó làm người xấu xa, thấy thiếu niên mệt muốn chết mà không có ý định giúp đỡ còn ngồi ghế xem trò cười. Thiếu niên ngượng xong thì phồng mặt, nhìn rồi nhìn hắn. Vi Bắc Lâu cười khẽ: "Lại đây!"

Thanh Lê nghĩ tới cả người lem luốc mồ hôi của mình, chần chờ đi đến chỗ lão gia. Vi Bắc Lâu cầm một chén nước đưa cho y, Thanh Lê thấy có nước liền quên hết mọi thứ, cầm lấy uống ừng ực.

"Có mệt lắm không?"

Thiếu niên lắc đầu, môi vừa uống nước nên căng mọng ướt át, trán mướt mồ hôi, cả người trông như vừa vớt từ nước lên. Thái phó cầm khăn lau mặt cho y, hỏi: "Đói bụng không?"

Thiếu niên gật gật đầu, bình thường y được cho ăn nhiều bữa đã thành quen, tập thể dục một chút đã đói đến phát hoảng. Vi Bắc Lâu cho người dọn đồ ăn nhẹ lên, mấy món ăn vặt bổ sung chút năng lượng. Có bánh các loại hạt, bánh chuối nướng, bánh khoai mì nướng được cắt thành khối nhỏ tinh xảo. Thanh Lê thấy đồ ngon mắt liền sáng lên, ăn liền tù tì mấy miếng.

Vi Thái phó cười khẽ, thấp giọng trêu đùa một câu: "Cứ như nuôi thêm một đứa con nít..."

Bình thường đã thấy ngài ấy nói đùa bao giờ đâu, Thanh Lê thấy trong lòng vui vui, bị giễu cũng không ngại, tươi cười híp mắt.

Trong lòng y có chút suy nghĩ, lão gia nhắc đến 'đứa con nít' ngài ấy nuôi làm thiếu niên không khỏi nghĩ tới Vi Thịnh Tư, đại thiếu gia thích chơi dế mà năm ngoái mình từng một lần hầu hạ. Bất giác đã lâu như vậy rồi mình không còn gặp ai trong gia quyến của Thái phó. Đại tiểu thư và đại thiếu gia thì cũng thôi đi, chính là Thái phó phu nhân Phó thị, y cũng chưa gặp lần nào. Theo quy củ, lẽ ra mỗi ngày y đều phải đi thỉnh an phu nhân mới phải. Nhưng lão gia chưa bao giờ nhắc đến, cứ để y ở chính phòng luôn thôi. Thanh Lê ban đầu cũng nghĩ mình chỉ là thông phòng, nhưng thông phòng thì cũng do chính thất quản lí... chưa kể Lam Ngọc tỷ đã nói lão gia đã nâng mình lên làm 'trắc phu lang' rồi, thân khế cũng sửa thành hôn khế, ghi tên vào gia phả.

Thanh Lê không hiểu được, việc này làm y xoắn xuýt rất lâu, y chưa bao giờ dám mơ ước tới việc giữ lão gia thành của riêng mình. Ngài đã hơn ba mươi tuổi rồi, cũng đã có chính thất cùng rất nhiều thị thiếp. Được lão gia sủng ái mấy tháng liền đã là vạn hạnh, ít nhất, lão gia chính là người cứu mình để mình không phải chết rét trong tuyết lạnh. Đối với Thanh Lê, chút hạnh phúc trộm được như vậy đã là quá đủ, không thể đòi hỏi, không dám đòi hỏi.

Thế nhưng Thanh Lê chưa bao giờ nói ra, y không giả tạo mà dò hỏi vì sao lão gia không đến nhìn thị thiếp khác, y cũng không hỏi han bất kì thông tin gì về Đông viện bên kia. Chỉ duy nhất một lần y đề cập đến việc lão gia sẽ cho mình ở đâu, Vi Bắc Lâu cứng rắn bảo một câu: "Ở trong chính điện." Thanh Lê cứ thế mà im lặng chấp nhận mọi an bày.

Thiếu niên trong lòng có chút tâm sự nhưng ngoài mặt vẫn rất điềm nhiên, y tuyệt đối không để những phiền não nhỏ của mình làm phiền đến người đàn ông này. Bình thường lão gia đã có trăm công ngàn việc phải bận rộn, còn mắc phải chứng đau đầu. Hậu viện yên tĩnh, người bên gối hiểu chuyện ít gây thị phi mới là thứ lão gia cần nhất, y tội gì phải vì thắc mắc của chính mình mà gây phiền hà cho ngài? Dù sau này nam nhân này có phiền chán mà vứt bỏ y, Thanh Lê cũng thấy không có gì để oán trách... Dù sao cơ thể y tự y rõ nhất, không phải người trường mệnh, vậy băn khoăn tương lai nhiều để làm gì.

Phải nói rằng khôn tử khi mới phân hóa rất dễ xảy ra tình trạng tin tức tố chưa ổn định, dễ dẫn đến tâm tình bực bội, cáu gắt, nghĩ nhiều, tâm lí đều gặp chút vấn đề u uất. Dường như bởi vì Thanh Lê có nồng độ tin tức tố không cao, nên phá lệ mà nghĩ thông đi, ngày ngày trôi qua đều vui vẻ, để mỗi ngày Vi Thái phó mệt mỏi trở về đều gặp được thiếu niên với nụ cười ôn hòa.

Chỉ là Thanh Lê cũng không biết, sự sủng ái mà Vi Bắc Lâu dành cho y, là độc nhất vô nhị, xưa nay chưa từng có.

**

Hôm nay là lễ nhìn mặt ba ngày của trưởng hoàng tử và nhị hoàng tử, bởi vì Hoàng hậu và Nga phi sinh cùng một ngày, nên lễ nhìn mặt cũng tổ chức cùng lúc.

Qua ba ngày cả Nga phi và Hoàng hậu đều chưa thể xuống giường, hai tiểu hoàng tử cũng không thể ra gió, vì thế lễ nhìn mặt được tổ chức rất đơn giản, do hai ma ma phụ trách lễ nghi trong cung làm. Hoàng đế trước tiên đến Khôn Ninh cung ẵm con trưởng của gã một lát. Đứa nhỏ không khóc không quấy được quấn trong chăn gấm thêu tơ vàng, một gương mặt nhỏ nhắn vẫn chưa hết đỏ hồng. Trẻ sơ sinh xương cốt yếu ớt, Hoàng đế không dám ẵm bé, chỉ để bà vú bồng đến nhìn một hồi rồi vẫy tay cho người cáo lui. Nhấp nha nhấp nhổm nghe ma ma lễ nghi ngâm xướng một đống lời hay ý đẹp, đến khi vừa xong Hoàng đế đã ngựa không dừng vó đổi sang Trữ Tú cung.

Hoàng đế vội vã rời đi, không để ý đến trưởng hoàng tử trong lòng bà vú đang huơ huơ tay về phía gã, cứ như đang ra sức chào phụ hoàng của mình vậy. Bà vú thấp giọng hát một bài đồng dao, rồi bồng trưởng hoàng tử vào trong đặt cạnh Hoàng hậu. Hoàng hậu vừa dùng một ít đồ ăn, thấy trưởng hoàng tử thức dậy ọ ọe đòi sữa thì cười mỉm, ngón tay điểm nhẹ lên mặt đứa nhỏ: "Thật ngoan..."

Tình huống ở Khôn Ninh cung nghiêm trang bao nhiêu, thì đến Trữ Tú cung Hoàng đế càng thả lỏng bấy nhiêu, Hoàng đế được Lâm cô cô dẫn đến giường nơi Nga phi đang nằm, ả ta cố chải đầu rửa mặt cho gọn gàng, một vẻ mặt nhợt nhạt không điểm trang, cúi đầu để lộ gáy trắng nõn. Hoàng đế nhìn ả ta trong lòng không khỏi phát ra trìu mến, cầm tay ả: "Ái phi vất vả rồi."

Nga phi mềm mại dịu dàng tựa vào ngực Hoàng đế: "Được vì Hoàng thượng sở sinh hoàng tự, thần thiếp không vất vả. Hoàng thượng..." Ả ta hiểu rõ nhất là sở thích của Hoàng đế, bởi vì trên triều đình nơi nơi bị họ Vi điều khiển, Hoàng đế yêu thích nhất dạng nữ nhân nhu nhược mềm mại như cây tầm gửi, chỉ có thể dựa vào gã ta, cầu xin ân sủng của gã. Tính tình Hoàng hậu cứng rắn như bàn thạch, đoan trang hữu lễ, chính là kiểu Hoàng đế căm ghét nhất, bảo sao nàng ta lại bị Hoàng đế xa lánh như tránh tà như vậy.

Nhưng Nga phi lại cố tình không dám nhìn vào sự thật, từ lúc bắt đầu, thứ Hoàng hậu khinh thường nhất là sủng ái của Hoàng đế, sự sủng ái mà nàng ta tranh thủ cùng mẫu tộc để có, xưa nay trong mắt Hoàng hậu đều không đáng một xu.

Triều thần luôn chỉ trích Vi Thái phó chuyên quyền, thế nhưng không phải Thái phó cũng không nắm binh quyền sao? Một số người cứ ngu muội mà nghĩ, họ Vi có lộng hành đến mấy, trong tay không có binh mã cũng không có cách bức vua thoái vị, giang sơn vẫn là của hoàng tộc. Còn về Bình Vũ tướng tay nắm trọng binh, ông năm nay đã bảy mươi tuổi, trải qua mấy ba đời vua hưng vong, lòng trung thành không cần bàn cãi. Thế nên cho dù Nguyễn Tông có quang minh chính đại đứng ở trận tuyến của Vi Thái phó thì mọi người cũng không tin người trung thần nghĩa sĩ như Nguyễn Khắc sẽ đồng ý phò trợ loạn thần tặc tử lên ngôi.

Phải nói là hình tượng trung quân ái quốc của dòng họ nhà Nguyễn đã quá khắc sâu trong lòng quyền quý kinh thành. Ai cũng có thể phản, nhưng Nguyễn gia đã bao nhiêu đời cả gia tộc cầm ba vạn binh đóng ở phía Bắc cũng chưa từng có nửa hành động không phải nào với quốc sự, lại lập vô số chiến công, trước đẩy lùi xâm lược của ba nước Đông, Lã, Tấn, sau bảo vệ biên cương khỏi giặc Chẩm cướp bóc.

Nay Hoàng đế đã qua tuổi mười tám, năm nay phải làm lễ trưởng thành. Đến lúc đó, một số kẻ rục rịch trong lòng đã nghĩ đến chuyện hợp lực tấu sớ xin Hoàng đế tự mình chấp chính. Vi gia muốn đổ cũng rất đơn giản, chỉ cần Vi Thái phó không còn, phe cánh gian thần tự nhiên sẽ sụp đổ.

Hai vị hoàng tự sinh ra càng làm cho nước ở kinh thành bị quấy đục, bên ngoài cứ ngỡ là gió yên biển lặng, nhưng bên trong đã cuồn cuộn sóng ngầm.

Trích Cầu hiền chiếu