Trăng Sáng Trên Lầu Bắc

Chương 35: Sứ đoàn Đông quốc



Thấm thoát đã một tháng trôi qua, tháng tư, sứ thần người Đông quốc sắp đến. Vi Thái phó ra lệnh cho Lễ bộ phải chuẩn bị nơi ở tiếp đón chu đáo, quy cách phải cao, đãi ngộ xa xỉ để thể hiện thành ý muốn hợp tác với người Đông quốc.

Đông quốc lấy biển làm nghề sinh sống, ngăn cách với Trần quốc bằng dãy Thiên Hạc mấy trăm dặm, trên cơ sở địa lý mà nói, không có quá nhiều xung đột lợi ích với Trần quốc.

Dựa trên tình huống tứ quốc ở thế chân vạc như hiện tại, việc liên minh với một quốc gia khác có ý nghĩa hết sức trọng đại, chẳng những giúp hai nước có thêm nhiều tài nguyên mà sẽ có tác dụng kinh sợ hai nước còn lại. Kì thật việc liên minh này Vi Thái phó đã phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều, thế nhưng thám tử của hắn đã báo lại trông thấy sứ giả nước Tấn xuất hiện trong cung điện của Lã quốc. Nước Lã vốn hiếu chiến, nếu có thêm trợ lực từ nước Tấn, Trần quốc vốn suy yếu sau mấy năm mất mùa sẽ không cách nào chống trả. Việc liên minh với Đông quốc, tuy rằng hắn đã trong tối âm thầm làm không ít rồi, thế nhưng Vi Thái phó đã quyết định lôi nó ra ngoài sáng, mục đích để làm Lã, Tấn phải kiêng kỵ một chút, tranh thủ thời gian cho vụ mùa năm nay, gom góp lương thảo và binh lực.

Dã tâm của Lã quốc quá lớn, qua mấy hành động lén lút liên hệ với người Chẩm, hay cấu kết với Mộ Dung Thừa tướng là biết. Lã quốc muốn nắn quả hồng mềm nhất trong bốn nước là Trần quốc này đây mà.

Một ngày xuân trời trong nắng ấm, sứ thần Đông quốc đến, dẫn theo đội ngũ ba trăm người, mang theo vô số sản vật cùng lời chúc phúc của Úc đế đến. Ngày hôm ấy lễ hoan nghênh được tổ chức long trọng cực kỳ, trăm dặm cờ tía, khắp kinh thành cùng ra đón tiếp.

Người Đông quốc mặt quần áo phóng khoáng hơn Trần quốc, nam tử để trần cánh tay, đeo vào vòng vỏ sò, san hô, ngọc trai lấy được từ biển cả. Quần áo nhuộm màu xanh lam, chàm, tía, có thêu hoa văn sóng biển, tay nghề không được tinh xảo như đồ thủ công Trần quốc nhưng thắng ở đơn sơ chất phác, mang vẻ đẹp mộc mạc. Người dẫn đầu đoàn sứ thần mặc áo bào tay rộng, đầu đội mũ sa, là người khoác trang phục tinh xảo nhất cũng như đẹp mắt nhất. Chất vải kia mềm mại như khói mà lại như không phải khói, mỏng manh như sương mà tựa hồ không phải sương, thật nhiều lớp chồng lên nhau, có xanh, có trắng, có ngân bạch, tạo nên một sắc màu huyền ảo như thể người mặt mang theo cả đại dương đi theo, một bước chân là một lần sóng biển vỗ vào bờ, kì kì ảo ảo như hoa mộng.

Khi người đó bước chân vào chính điện, Chung Yến đã siết chặt nắm tay, trong lòng mừng rỡ như điên.

Sứ thần cởi mũ sa, để lộ gương mặt tuyệt sắc, hướng Hoàng đế trên long ỷ hành lễ trang trọng của Đông quốc: "Người đến từ phương xa, sứ giả Liễm Trần, vấn an quốc chủ Trần quốc, thay quốc quân của chúng tôi gửi đến Hoàng thượng lời hỏi thăm sức khỏe."

Hoàng đế ngồi trên thiềm rồng, một dải mành châu phủ trước người gã, để quần thần bên dưới không cần 'phạm húy' nhìn thẳng mặt vua. Liễm Trần như cũng biết rõ phong tục này, y cúi chào nhưng tầm mắt lại đặt đến chúng quan lại bên kia.

Vi Thái phó bước ra khỏi hàng: "Hoàng thượng cảm kích trước thành ý của bổn quốc, ban tọa cho sứ thần. Người đâu!"

Liễm Trần và mười quan văn võ đi theo lần lượt ngồi xuống, trước tiên y hướng Vi Thái phó chào hỏi: "Nghe danh đã lâu Trần quốc có người tài hoa họ Vi, ung dung xuất trần, nay được tận mắt nhìn thấy, mới thấy lời đồn không bằng một góc người thật, Liễm Trần cửu ngưỡng đại danh! Đông quốc có chút lòng thành muốn biếu tặng Trần quốc, mong cho hợp tác giữa hai nước ta sẽ mĩ mãn thành công!" Nói rồi cho người mang lên tám mươi mốt kệ vật phẩm, có vốc trân châu đen hai mươi viên, có gốc san hô mã não lớn như người, có sơn trân quý giá bổ dưỡng, cùng vàng bạc đá quý, vải vóc hiếm có...

Vi Bắc Lâu cười khẽ, tán dương: "Nghe danh đã lâu phong tình Đông quốc hào sảng khoáng đạt, hôm nay Vi mỗ mới được tận mắt chứng kiến. Liễm đại nhân cũng là người tuấn tú lịch sự, những lễ vật dâng lên này, không có cái nào không phải trân phẩm. Đông quốc quả thực vô cùng có lòng, Vi mỗ thay mặt cho Hoàng thượng cảm kích tấm lòng của sứ đoàn Đông quốc."

Tán thưởng nhau một hồi thì đến cung yến, mấy mươi ca cơ vũ nữ mềm mại cầm dải lụa bước ra. Tiếng nhã nhạc vang lên, trong điện một mảnh hoan ca vui mừng, cả sứ thần và triều thần đều tẫn hoan.

Đến lúc tiệc tàn, Vi Thái phó phân phó: "Phong Kỵ tướng quân dẫn ba trăm cấm vệ quân hộ tống đoàn sứ thần về trạm dịch nghỉ ngơi. Phải thể hiện sự coi trọng của Trần quốc đối với hiệp ước giữa hai nước."

Mộ Dung Thừa tướng bên kia nghe được thì cắn răng, hắn là người không muốn Trần quốc liên hiệp với Đông quốc nhất, với yếu tố khó lường là Đông quốc nhảy vào, hết thảy tính toán của hắn đều gặp trở ngại. Mộ Dung Ninh đã an bày một số thích khách trên đoạn đường về trạm dịch để ám sát Liễm Trần, chỉ cần người dẫn đầu sứ thần chết ở lãnh thổ Trần quốc, Trần quốc khó mà chối tội được. Cho dù không làm kết thúc hiệp ước thì cũng làm cho Đông quốc lạnh tâm với Trần quốc. Bởi vì vị trí cách một dãy Thiên Hạc, Mộ Dung Ninh không vươn cánh tay đến xa như vậy được nên cũng không biết địa vị của vị sứ giả Liễm Trần này là thế nào, thế nhưng nhìn bộ lễ phục quý giá được may bằng vải giao, lại thêm sự cung kính hết mực của các quan văn võ đi theo hộ tống, hắn đã mường tượng được phần nào địa vị cao quý của Liễm Trần. Người này ở Đông quốc địa vị tuyệt không thấp.

Thế nhưng hết thảy tính toán lại bị một câu của Vi Bắc Lâu đánh lùi. Trước giờ tứ quốc chưa hề giao hảo với nhau nên cũng không có quy cách tiếp đón nào với sứ thần ngoại quốc. Lễ bộ đành dựa theo quy cách tiếp đón Thân vương để tiến hành. Thế nhưng Thân vương đến kinh thành ăn tết cũng không có ba trăm cấm vệ quân hộ tống về vương phủ! Họ Vi chết tiệt!

Trong lòng Mộ Dung Thừa tướng nghiến răng, nhưng trên mặt vẫn là nụ cười thong dong.

Bên kia sau khi Vi Thái phó ra lệnh, Phong Kỵ tướng quân vui sướng rạo rực mà tập quân hộ tống sứ đoàn Đông quốc. Lễ bộ đã chuẩn bị ngựa và mã xa cho sứ thần, Liễm Trần vừa rồi đã cạn chén không ít với quan lại, có hơi nhức đầu bèn chọn ngồi xe ngựa.

Chung Yến dẫn đoàn người ra khỏi cổng cung rồi mới để ngựa đi chậm lại, đến gần mã xa của Liễm Trần. Tình cờ bên trong Liễm đại nhân sợ nóng mà đẩy màn cửa ra, để lộ gương mặt phong hoa tuyệt đại, thấy Chung Yến đến gần một bộ muốn nói lại thôi, khẽ cười: "Phong Kỵ tướng quân, cửu ngưỡng đại danh, phiền toái tướng quân đã nửa đêm rồi còn vất vả đưa chúng ta về."

Chung Yến đáp: "Đó là bổn phận của mạt tướng."

Liễm Trần cười đáp với tiết tử bên ngoài: "Ta nhìn tướng quân rất giống người quen cũ, không biết có thể mời ngài cùng vào xe trò chuyện đôi câu không?"

Mấy võ tướng Đông quốc bảo hộ bên cạnh nghe vậy tỉnh rượu hơn nửa: khoan khoan quý phi của chúng ta ơi ngài đang làm gì vậy?

Chung Yến gật đầu: "Mạt tướng vừa gặp Liễm đại nhân liền thấy như quen biết đã lâu, nếu có thể kết xuống tình bằng hữu quả thật là tam sinh hữu hạnh."

Liễm Trần cười khẽ rồi ra lệnh người hầu mở cửa xe cho Chung Yến, mấy võ tướng Đông quốc bốn mắt nhìn nhau, trong lòng đã tưởng tượng ra cảnh Úc đế nổi trận lôi đình cầm đao ra quân doanh gặp đâu chém đó, quý phi cùng một nam tiết tử xa lạ 'vừa gặp đã quen' cùng vào xe ngựa tâm sự, đây là tiết tấu muốn chọc Hoàng thượng phát điên sao?

Thế nhưng lời của Hoàng thượng không phải lúc nào cũng nên nghe, còn lời quý phi tuyệt đối không được cãi! Tuy quý phi là người trong hậu cung nhưng trong lòng các vị võ tướng này tuyệt đối rõ ràng, trước khi được Úc đế phong làm quý phi, Liễm Trần là quân sư quân sự tài ba nhất ở đất phong của Úc vương. Chính người này đã giúp đỡ Úc vương có lương thảo, ngựa chiến, binh lính... để khởi nghĩa. Nghe nói y lớn hơn Úc đế tám tuối, đã nuôi nấng Úc đế từ nhỏ, giúp đỡ hắn tránh thoát độc thủ của những huynh đệ khác, lần lượt vượt qua mọi chướng ngại mà tiến đến ngôi cửu ngũ. Liễm Trần vừa là người thân, vừa là sư phụ, vừa là ân nhân của Úc đế... Chỉ là vài năm trước Cảnh vương đã nhận ra sự tồn tại của người trợ giúp thần bí này với Úc đế lúc ấy là Úc vương, không ngừng phái người thăm dò cùng ám sát, Liễm Trần lúc đó đã lấy danh nghĩa là con một thương nhân gả cho Úc vương làm trắc phi để đánh lạc hướng kẻ địch. Chỉ là sau khi lên ngôi Úc đế cũng không có ý định buông tha cho Liễm Trần, chỉ thăng người từ phi thành quý phi, nếu không phải sợ ý định quá lộ liễu chọc giận Liễm Trần, hắn đã phong y làm Hậu từ sớm rồi.

Cho nên trong lòng các vị võ tướng ở đây, lời của Liễm quý phi tuyệt đối không được cãi! Cho dù là ý tưởng này nghe qua có vẻ sẽ chọc Úc đế phát khùng cũng không thể cãi! Các vị võ tướng trong lòng sóng to gió lớn, bên ngoài vẫn thật bình tĩnh mở cửa xe cung kính mời Chung Yến đi lên.

Cửa xe vừa đóng lại, Liễm Trần cũng hạ rèm cửa xuống, hai người chăm chú nhìn nhau một hồi, đôi mắt Liễm Trần dần lóe lên ánh nước. Chung Yến cũng không thoát khỏi xúc động, trong lòng thiên ngôn vạn ngữ, cuối cùng chỉ hóa thành một tiếng gọi đã chôn trong lòng từ lâu: "Đệ..."

Nước mắt không nhịn được chảy xuống, Liễm Trần, không, phải gọi là Chung Nhuế lập tức nhảy bổ vào người trước mắt: "Ca ca, ca ca, ta rất nhớ ngươi..."

Chung Yến ôm chặt đệ đệ, hai người đã có bảy năm không gặp, có hàng vạn lời muốn nói với nhau. Chung Yến nhìn đệ đệ đã trổ mã trưởng thành không khỏi xúc động trong lòng, nam tử hán đổ máu không đổ lệ cũng không nhịn được rơi vài giọt nước mắt.

Chung Nhuế cầm khăn tay lau mặt cho hắn, một bên không quên cười nhạo: "Đã nhiều năm như vậy... gặp nhau liền khóc rồi... ngươi vẫn dễ xúc động thật nha."

Chung Yến không nhịn được cười lên: "Cái tính này của đệ cũng không đổi, nhất định phải trêu chọc ta mới được. Lại nói... chuyện Đông Úc với ngươi là thế nào?" Đến câu thứ hai hắn liền gằn giọng cười lạnh. Có biết rằng hắn nghe tin đệ đệ gả cho con gấu con kia đã kinh ngạc rồi nóng nảy ra sao không, nửa câu thông báo cũng không có, đùng một cái, đệ đệ ruột duy nhất đã gả cho người ta, mà người đó còn là tiểu tử mình và đệ đệ cùng nhau nuôi lớn nữa!

Chung Nhuế khó có khi chột dạ, dù y đã tự nhủ với lòng mình không làm gì sai: "Cái kia, chỉ là kế hoãn binh thôi. Ngươi cũng biết tình huống lúc ấy có bao nhiêu nguy cấp... Cảnh vương phát hiện ra ta vẫn luôn trợ giúp quân nhu cho Úc tiểu tử. Ta bèn ra sử kế này, tuy rằng không có gì hay nhưng trong lúc đó đây là cách nhanh nhất nha!"

Chung Yến thở dài: "Cũng là do ca ca bất lực, ở bên cạnh Cảnh vương nhưng không thể làm gì gã, không thể bảo vệ ngươi."

Chung Nhuế lắc đầu: "Này làm sao trách ca ca được, cũng nhờ có ngươi gửi đi không ít mật báo Úc tiểu tử mới khởi binh nhanh như vậy! Chậc, lúc này còn nói mấy việc này làm gì chứ..."

Chung Yến lập tức đổi sắc mặt: "Vậy tiếp tục với về chuyện làm trắc phi cho thằng nhóc kia đi. Nói thật đi, hiện tại ở Đông quốc ngươi có địa vị gì, đừng nói với ta là ngươi vẫn ngốc trong hậu cung của nó đấy?"

Chung Nhuế: "...Huynh đệ bảy năm không gặp ngươi chỉ muốn hỏi một chuyện vậy thôi sao?"

Chung Yến: "Bằng không còn chuyện gì nữa, chẳng lẽ chuyện chung thân đại sự không đáng để kể à? À quên nói cho ngươi, ca ca sắp kết hôn rồi!"

Chung Nhuế: "..."

Chung Yến: "... Ánh mắt đó của đệ là sao vậy, không phải vẫn chưa làm lễ cưới sao? Bây giờ ta đã báo cho biết rồi đấy còn gì?"

Trong lúc huynh đệ hai người đang mắt to trừng mắt nhỏ nhìn nhau, bên ngoài bỗng vang lên tiếng gõ cửa: "Liễm đại nhân, Phong Kỵ tướng quân, đã đến trạm dịch rồi ạ."

Vừa mới tâm sự với nhau được mấy câu đã phải chia tách, Chung Nhuế có chút không nỡ, một nam tử đã trưởng thành như y lại như hài tử kéo tay áo ca ca không buông. Chung Yến xoa đầu đệ đệ, thấp giọng nói: "Ngày mai ca lại đến tìm ngươi. Bây giờ cũng muộn rồi, về ngủ đi."

Chung Nhuế thấp giọng đáp ứng.

Đêm đó ba trăm tử cấm quân cùng Phong Kỵ tướng quân cũng không trở về, cả đội dựng trại khắp nơi, lại phân phối người trực đêm cẩn mật, con ruồi cũng không bay lọt nổi. Chuyện đàm phán với Đông quốc có thành công không là phụ thuộc vào an nguy của sứ đoàn và Liễm đại nhân cả. Cả đêm trạm dịch đèn đuốc sáng rực, những người tâm cơ thâm trầm lo lắng hết đêm cũng không ngủ được nhưng không có cách nào khác. Cấm vệ quân quang minh chính đại kè kè bên cạnh sứ đoàn bảo hộ, có tìm chết đi nữa cũng không thể động tay động chân được gì.

**

Bởi vì sứ đoàn đến nên Trần quốc đặt biệt ban hoàng lệnh: mở chợ phiên ba ngày liên tục. Bình thường chợ phiên chỉ mở để trao đổi buôn bán lương thực, đồ thủ công tinh xảo, đặc sản đường phố, đặc biệt là từng gian hàng ẩm thực mùi hương quyến rũ đến ba con phố còn nghe. Khi mở chợ người bán hàng rong nhiều vô kể làm tắc ách giao thông cho nên vẫn luôn có thời gian quy định rõ ràng, như bình thường phải nửa tháng mới họp chợ một lần, còn chỉ họp vào một vài tháng trong năm. Còn chợ thực phẩm thì có khu riêng để mua bán, gọi là chợ phiên chứ thực chất là lễ hội vui chơi cho dân chúng.

Nhân dịp đón tiếp sứ đoàn Đông quốc triều đình liền đặc xá cho phép chợ phiên ba ngày liên tục. Các tiểu thương xoa xoa tay, cơ hội ngàn năm có một đây rồi! Liền vắt óc nghĩ ra vô số trò chơi mới lạ để hốt bạc một phen.

Triều đình quyết định chi một số lớn cho sự kiện này để kỉ niệm ngày hai nước chính thức kết làm đồng minh. Kí hiệp ước cùng lùi cùng tiến, mở rộng thông thương trước là lương thực trồng ở trung lục địa: gạo, bắp, sắn dây, khoai, đậu; sau là vải vóc, rượu, đồ mỹ nghệ... Đông quốc sẽ buôn bán lúa mì, hải sản, đồ khô, muối, đặc sản biển, thuyền, bè... đồng ý chi viện cho Trần quốc khi đất nước gặp khó khăn ngoại xâm, Trần quốc sẽ toàn lực hỗ trợ cho Đông quốc mở rộng ngoại thương cùng buôn bán ngựa chiến.

Sau khi hiệp ước được kí kết thành công, Vi Bắc Lâu hiếm có mà vui sướng tận trong lòng. Người dẫn đầu sứ đoàn là Chung Nhuế nên việc đàm phán thuận lợi rất nhiều, Vi Thái phó cũng không phải người không biết giới hạn, trong mức độ kinh tế của Trần quốc hắn đã đưa ra thành ý lớn nhất có thể, cố gắng tranh thủ sự công bằng trong giao dịch. Cho dù Chung Nhuế thực chất là người của hắn, Vi Thái phó vẫn luôn hiểu lấy đức đối người thì mới dài lâu, nhược bằng hung hăng bóc lột Đông quốc, cho dù quốc chủ có đồng ý đi nữa thì chẳng lẽ triều thần sẽ để yên? Chi bằng ngay từ đầu đã kí kết dưới cương vị bình đẳng thì ngoại giao mới lâu bền, nhân dân hai nước mới hưởng được lợi ích. Tuy rằng Trần quốc hiện tại yếu thế nhưng không có nghĩa tương lai Trần quốc sẽ mãi mãi yếu kém. Chỉ cần giải quyết được vấn đề hạn hán và lương thực, trong lòng Vi Thái phó thở dài, còn phải miễn cưỡng làm thanh danh hắn không quá tệ nữa, thì cơ hội trở mình của Trần quốc đến rồi.

Nếu Hoàng đế là một người bớt lo, thì hiện tại mình cũng không phải mệnh lao lực như vậy. Nói Vi Thái phó không phải một người ham mê quyền lực thì đến đứa trẻ ba tuổi cũng không tin, nhưng đúng thật ngay từ đầu hắn không có ý định làm một gian thần vạn người phỉ nhổ. Khi xưa Vi gia còn lớn mạnh, tuổi thơ của hắn và tỷ tỷ đúng là sống không bằng chết. Mục tiêu lúc đó của hắn chỉ là thoát khỏi Vi gia, dẫn mẫu thân và tỷ tỷ đi thật xa... ở một nơi không có âm mưu tranh đoạt, sống cuộc sống bình thường.

Sự chẳng tày gang, mẫu thân qua đời, tỷ tỷ mất ở nhà chồng, Vi Bắc Lâu không còn cách nào khác, để sống sót, để trả thù cho tỷ tỷ, hắn nhập phe Thái tử, nhận rất nhiều ân huệ, để bù lại, hai tay cũng dần dà dính đầy máu tươi. Những năm tháng đen tối như đi trên băng mỏng, chút mơ ước về một chốn yên bình đã được giấu kín trong tiềm thức, không thể nhớ lại. Vi Bắc Lâu như một thanh gươm sắc cạnh bị cuốn trong dòng thác, không ngừng được tôi luyện thêm sắc bén, nhưng cũng không tìm được nơi về.

Thái tử bất hạnh bỏ mình, để giữ mạng, hắn không thể không tiếp tục đấu, đi một bước, tính mười bước. Người nương tựa ở hắn càng nhiều, phe cánh càng đông, hắn càng không thể ngã. Cứ như thế... lúc quay đầu nhìn lại, Vi Bắc Lâu đã trở thành gian thần bậc nhất Trần quốc, Nhiếp chính vương không ngai. Hắn từng có ý định bồi dưỡng Hoàng đế thế nhưng tư chất của gã thật khiến người thất vọng. Vì khi nhận vào cung đã hơn mười tuổi, bản tính đã định hình, không những hèn nhát còn ngu dốt vô năng. Trần quốc không thể rơi vào tay quốc chủ như vậy, lại thêm Sử gia dã tâm không chết không ngừng... Vi Bắc Lâu không còn cách nào khác, người ta mắng hắn lộng quyền, hắn bèn lộng quyền thật sự cho bọn họ xem!

Đến tận bước này rồi cũng không nói cái gì hối hận hay không, bước thì vẫn phải bước tiếp, vì những kẻ sĩ trung thành với hắn. Và cũng bởi vì... chốn đào hoa nguyên đã tìm được.

Người ngủ ngon sẽ không hiểu được nỗi khổ của những kẻ mất ngủ trắng đêm thao thức, người có gia đình êm ấm sẽ không hiểu được sự trống rỗng trong tim kẻ lưu lạc thiên nhai. Kẻ không trải qua mười năm đau đầu thành tật, mất ngủ thành chứng như Vi Bắc Lâu, sẽ không hiểu được khi hắn tìm được một người có thể giúp hắn thả lỏng mà yên tâm vào giấc ngủ, lòng hắn đã rung động mãnh liệt đến thế nào.