Trở Về Năm 1994

Chương 3: Cuộc sống hàng ngày



Chị em cô về nhà không bao lâu thì trời bỗng nhiên đổ mưa. Cơn mưa mang theo hơi nước làm xua tan đi cái hanh khô của những ngày cuối thu.

Lúc này, mẹ cô và chị cô đang bận rộn chuẩn bị làm bữa trưa. Kiều Anh nhàn rỗi không có việc gì lẽo đẽo theo chị cô vào bếp. Còn chưa kịp đến cửa bếp đã bị mẹ cô xách lên. Đúng vậy, Kiều Anh lại bị mẹ cô xách lên như xách một con gà con. "Con lên nhà ngay đi. Đừng đi vào bếp." Mẹ cô trực tiếp hạ mệnh lệnh với cô.

Từ thái độ của bà cho thấy bà không muốn cô lại gần nhà bếp. Cô đột nhiên nhớ ra, mẹ cô từng kể cho cô một chuyện. Chẳng là hồi bé Kiều Anh rất tinh nghịch, có một lần cô không cẩn thận làm cháy bếp. May mắn mẹ cô kịp thời phát hiện, cứu cô ra khỏi đám cháy. Nghe mẹ cô kể lại, lúc mẹ cô bế cô ra thấy trên đầu cô bốc lửa làm bà sợ hết hồn. Đến khi dập lửa xong tóc với lông mày của cô đã không cánh mà bay. Nhìn cô như vậy mẹ cô vừa bực mình vừa buồn cười. Nhưng cuối cùng Kiều Anh cũng không tránh khỏi một bữa ăn no roi.

Kể từ đấy mẹ cô không cho cô xuống bếp nữa. Sau khi lớn lên trình độ nấu ăn của cô vô cùng thê thảm. Mọi người cho là cô không thiên phú. Nhưng cá nhân cô ngụy biện cho rằng, muốn nấu ăn ngon phải được hun đúc từ bé. Mẹ cô đã làm lỡ mất thời gian hoàng kim tích lũy kinh nghiệm của cô. Nên việc cô nấu ăn kém cỏi là lẽ đương nhiên. Không thấy mẹ cô bồi dưỡng chị cô từ nhỏ, lớn lên chị cô thành người đa tài đa nghệ. Giờ cô mới sáu tuổi còn có nhiều thời gian để cải thiện trình độ nấu nướng của mình.

Trận mưa nay không kéo dài lâu, ba mươi phút sau thì tạnh hẳn. Trưa nay bố cô không về nhà, chỉ còn lại ba mẹ con cô ăn cơm. Thức ăn khá đơn giản, một đĩa cá kho, một đĩa rau muống và một bát cà muối. Đây là bữa ăn phổ biến ở nông thôn thời điểm hiện tại.

Kiều Anh không kén ăn, cô còn rất thích ăn cá. Cá là cá đồng tự nhiên, không ăn thức ăn chăn nuôi nên thịt chắc và thơm. Mẹ cô kho cá rất kỹ. Khi ăn sẽ cảm nhận được bên ngoài thịt chắc bên trong xương mềm.

Sau khi ăn xong cơm trưa, Kiều Anh thấy hai mắt mình nặng trĩu. Hóa ra từ bé cô đã có thói quen ngủ trưa. Cô thuận theo nhu cầu của thân thể, leo lên giường nhắm mắt lại. Không đầy năm phút cô đã chìm vào mộng đẹp.

Lúc tỉnh dậy, Kiều Anh hơi hoảng hốt không biết mình ở nơi nào. Tỉnh táo lại cô nhìn hoàn cảnh xung quanh chỉ phải buông tiếng thở dài. Cô nhìn lên đồng hồ treo tường thấy kim đồng hồ chỉ hai giờ ba mươi phút. Tính ra cô đã ngủ hơn hai giờ.

Kiều Anh xuống giường đi ra ngoài nhà, thấy chị cô đang ngồi ở bàn học. Chị cô rất ít đi ra ngoài chơi. Thời gian chủ yếu của chị cô là dành cho học tập và giúp mẹ cô làm việc nhà. Trái ngược với chị cô, Kiều Anh rất hoạt bát và hướng ngoại. Trong làng này đường ngang ngõ tắt chỗ nào chẳng có dấu chân cô.

Cô kéo ghế ngồi xuống bên cạnh chị cô. Bàn học là bố cô tự đóng cho hai chị em cô học tập. Trên bàn bày ba chồng sách giáo khoa được sắp xếp lần lượt theo thứ tự từ lớp một đến lớp ba. Sách này được chị cô giữ gìn rất tốt, trang bìa còn hoàn chỉnh sách không bị cuốn mép. Không có gì xảy ra cô sẽ là người thừa kế tiếp theo của những chồng sách này. Việc chị truyền lại đồ cho em là một việc bình thường ở thời này. Không chỉ là sách vở, còn quần áo và giày dép nữa. Những vật dụng này được truyền đi truyền lại đến lúc hỏng mới thôi.

Từ bé đến lớn cô đã thói quen dùng lại đồ cũ của chị cô. Vì cô biết, bố mẹ cô nuôi hai chị em cô ăn học không dễ dàng gì.

Cô quay sang vẫn thấy chị cô vùi đầu viết chữ. Tò mò đến gần xem thì thấy là bài tập lớp ba. Cô kinh ngạc hỏi: "Hôm nay mới khai giảng mà chị đã được giao bài tập về nhà rồi à?"

Chị cô không ngẩng đầu lên vừa viết vừa trả lời cô: "Chị đang soạn bài trước. Lúc đi học cô giáo giảng thêm một lần nữa sẽ hiểu bài kỹ hơn."

Nghe câu trả lời của chị cô, Kiều Anh không khỏi bất ngờ. Chị cô năm nay mới tám tuổi mà đã tự giác học tập đến trình độ này. Bảo sao thành tích của chị cô xuất sắc như thế. Bị tinh thần hiếu học của chị cô cảm nhiễm. Kiều Anh cũng mang sách giáo khoa lớp một ra xem. Nội dung rất đơn giản nên cô đọc nhanh như gió. Chỉ trong chốc lát cô đã xem xong sách giáo khoa lớp một. Cô tiếp tục lấy thêm sách giáo khoa lớp hai. Không đến ba mươi phút cô đã xem xong sách giáo khoa của lớp một và lớp hai. Nhìn sang bên cạnh thấy chị cô vẫn mải mê làm bài. Ngồi không cũng nhàm chán, Kiều Anh nhớ ra từ lúc cô tỉnh ngủ đến giờ chưa nhìn thấy mẹ cô. Cô bèn hỏi chị cô: "Mẹ đi làm gì hả chị?"

Lần này, chị cô mới ngẩng đầu nhìn cô trả lời: "Mẹ ra ngoài đồng xem lúa chín chưa?" Nói vậy là sắp bước vào vụ gặt rồi. Những năm thập niên chín mươi này, máy móc rất thô sơ. Cấy gặt toàn dựa lao động thủ công thôi. Nhà cô chỉ có bố mẹ cô là lao động chính. Cô nhớ mỗi lần hết vụ cấy hoặc gặt bố mẹ cô lại gầy đi trông thấy. Nghĩ đến đây tâm trạng của Kiều Anh giảm xuống.

Ngọc Anh thấy em cô trở lên héo héo tưởng rằng cô sợ gặt lúa nên nói chuyện sang đề tài khác: "Mai mẹ đi chợ đấy." Ngày xưa, mỗi lần đi chợ các bà các mẹ đều sẽ mua quà về dỗ dành trẻ con ở nhà. Chỉ là vài cái kẹo hoặc vài cái bánh cũng làm cho lũ trẻ vui mừng cả ngày. Vì vậy lũ trẻ luôn ngóng người lớn đi chợ.

Kiều Anh không thích ăn kẹo, bánh. Cô chỉ có hứng thú với chợ thôi. Cô muốn đi tìm hiểu giá cả thị trường giờ thế nào? Xem có cơ hội kiếm tiền nào không? Ở quê cô có hai chợ, một là chợ Phiên chỉ mở hai lần một tháng. Còn lại một chợ nữa là chợ Huyện. Chợ này ngày nào cũng mở, hàng hóa nhiều hơn.

"Mai mẹ đi chợ nào chị biết không?" Cô hỏi.

"Mẹ đi chợ Huyện, em hỏi chuyện này làm gì?" Mỗi lần mẹ cô đều mua kẹo. Đi chợ nào chẳng giống nhau.

Kiều Anh trả lời rất tự nhiên: "Em muốn đi chợ với mẹ."

"Mẹ lần này đi chợ còn mang theo rau đi bán nữa. Em không có chỗ ngồi đâu." Chị cô dội gáo nước lạnh.

Nhưng Kiều Anh lại rất tự tin nói: "Em giúp mẹ bán rau." Bán hàng là thế mạnh của cô. Ba cái mớ rau sao có thể làm khó được cô.

Thấy cô kiên quyết như vậy. Chị cô cũng không khuyên nữa. Dù sao mẹ cô sẽ không đồng ý.

Chờ mẹ cô từ ngoài đồng trở về, Kiều Anh vội nói cho mẹ cô dự định của mình. Nghe xong cô nói, mẹ cô ngay lập tức từ chối. Lý do giống như chị cô vừa đưa ra. Kiều Anh cũng không nản chí, cô trực tiếp tung ra chiến thuật "làm nũng." Với ba mươi năm kinh nghiệm cô không tin mẹ cô có thể ý chí sắt đá được với cô.

Thế là, mẹ cô đi đến đâu là cô đi đến đấy, nghiễm nhiên biến thành trùng theo đuôi của mẹ cô. Mỗi lần mẹ cô quay lại nhìn cô, cô sẽ dùng ánh mắt đáng thương nhìn lại. Vài lần như vậy mẹ cô bắt đầu có dấu hiệu mềm hóa nhưng bà vẫn chưa lên tiếng xác nhận.

Phải đợi đến buổi tối bố cô về nhà, thấy sự bất thường của cô. Ông quay sang hỏi mẹ cô: "Kiều Anh hôm nay làm sao vậy?"

Lúc này, mẹ cô mới kể ra mong muốn của cô và nỗi khó xử của bà. Việc nhỏ này sao có thể làm khó được bố cô. Ông lập tức quyết định: "Ngày mai anh nghỉ một hôm, chút nữa đi mượn thêm một chiếc xe đạp. Mai cả nhà mình đều đi chợ chơi." Vậy là hoàn mỹ. Bố cô đúng là "ông bố của năm!"