Tương Tư Không Biệt Ly

Chương 2



Tác giả: Bắc Đồ Xuyên

Dịch & biên tập: AnVTNh

KHÔNG RE-UP ‼️ KHÔNG RE-UP ‼️KHÔNG RE-UP ‼️

- --

- TA ĐẾN ĐÓN NÀNG -

Dọc suốt đường đi, bệnh tình của Tương Tư mãi vẫn không thuyên giảm, Từ Diễn thấy mà sinh lòng tự trách, giữa mỗi trạm nghỉ chân lại mời thêm danh y đến chẩn trị cho nàng.

Một đường hồi kinh cứ liên tiếp trì hoãn như vậy, đợi đến khi về đến Đô thành đã là chuyện của hai tháng sau.

Quốc tang sớm qua, sắc xuân càng thêm đong đầy rực rỡ, cỏ xanh mươn mướt, chim chích hót vang suốt đoạn đường về.

Niệm Xuân vén màng che, dò đầu nhìn ra từ cửa xe ngựa, thấp giọng nói: "Tam tiểu thư, chúng ta đã đến cửa thành."

Bờ mi khép lại như đương đi vào cõi mộng thần tiên chợt vì câu nói ấy mà hé mở, Tương Tư lấy lại tinh thần, cánh môi khẽ động nhưng mãi một lúc sau mới thốt ra lời, nàng hỏi, "Thật ư?"

Trong một thoáng chớp mắt kia, dường như có điều phiền muộn ẩn hiện ở nơi nàng.

Xa rời hai năm, nàng cũng dần có cảm giác xa lạ đối với toà thành luỹ này rồi.

Gương mặt trong trí nhớ kia vẫn còn hiện hữu rõ ràng, dẫu vậy vẫn không tránh được chút cảm giác xa xôi mơ hồ.

Lời cô mẫu nói với nàng trước khi khởi hành vẫn còn vang vọng bên tai: "Giết cha từ mẹ, hắn đã sớm không còn là vị Thái tử thiện lương năm đó nữa rồi. Chỉ là hiện giờ cũng không còn lựa chọn nào khác, Chúc thị chỉ còn lại một dòng nhánh này, vẫn phải dựa vào con để chống đỡ, cho dù con có để bụng hay không, thì cha mẹ con cũng chẳng thể hay biết sự tình, mà con vẫn nên nhớ kỹ điều này, Chúc thị ta tuy bây giờ không còn sánh bằng với quá khứ, nhưng loài rết trăm chân có chết cũng không thể ngã xuống, Chúc thị còn chưa tới nông nỗi phải đi khom lưng quỳ gối với ai, con cũng không cần vì thế mà tự để mình chịu thiệt. Nếu hắn có bạc đãi con, không cần con phải làm chuyện ầm ĩ, tổ phụ cùng đại bá con vẫn đang lánh trong bóng tối, lại thêm ông ngoại con tuy không để ý chuyện triều chính, nhưng cũng vốn không phải là người ăn chay."

Cô mẫu vì gia tộc mà tính toán trăm bề, tuy lắm khi có vẻ quá mức khôn khéo chua đanh, mà cho cùng cũng là vì suy nghĩ cho nàng. Tương Tư lại ôm cô mẫu một hồi, "Cô mẫu yên tâm, con sẽ tự bảo vệ mình thật tốt."

Chúc gia mấy năm nay không thiết đặt tai mắt vào chuyện triều đình, lại thêm kiêng kị Tiên đế, thế lực gia đình dần dà đã xoay hướng về vùng Tây Bắc. Nhưng dù sau có thuận lợi ra sao, Tương Tư cũng sẽ không đặt mình vào cảnh phải đi nghe ngóng chuyện triều chính, bởi đối với cả nàng và hắn, đấy đều không phải chuyện tốt lành gì.

Cho nên những lời nghe được về Thái tử những năm gần đây, nàng cũng xem như tin lề đường, cũng không biết rõ nhiều hơn người khác bao nhiêu.

Mà thật ra hắn cũng gửi lại đây không ít tin tức, thế nhưng tâm tư hắn thâm sâu như vậy, cũng chỉ là nhặt bừa vài chuyện nhỏ nhặt kể nàng nghe, tuyệt đối không nhắc nửa câu đến chuyện của triều đình.

Hắn...

Liệu rằng hắn có thay đổi hay không, trở thành người như thế nào, so với năm xưa có gì khác biệt, nàng hoàn toàn chẳng biết được.

Niệm Xuân vẫn ham nhiều lời: "Cả đường đi Từ tướng quân chẳng nói một câu, như vậy đâu có giống như đi đón chúng ta, mà là đi áp giải phạm nhân thì đúng hơn."

Tương Tư chỉ dẫn theo hai thị nữ, một người tên Niệm Xuân, người kia tên Thính Hạ. Thính Hạ tính tình trầm ổn hơn đôi chút, cũng không thích nói nhiều, nghe Niệm Xuân nói vậy nàng ta mới mở miệng: "Từ tướng quân là thị vệ bên cạnh Bệ hạ, là người được ngài ấy tín nhiệm nhất, nay rời Kinh thành đến đón chúng ta, chỉ riêng điều này thôi đã đủ chứng tỏ tiểu thư chúng ta vô cùng được coi trọng rồi."

Thực ra nàng ta cũng rất lo lắng, nhưng nhìn lại Từ tướng quân mới thấy người này đã khẩn trương đến mức như thể trên người của tiểu thư có đến mười tám mạng người, một khi để thoát thì phải lập tức dùng mạng đền tội.

Niệm Xuân bĩu môi, "Dù có Bệ hạ tự mình đến đón cũng đâu phải quá lắm."

Tam tiểu thư tuy mất cha mẹ từ năm tám tuổi, nhưng rốt cuộc vẫn mang vị thế xứng đáng được kính trọng hơn người. Cha nàng là Định Bắc Hầu hàng năm đều đóng quân ở ngoài quan trường, mà mẹ nàng là Quận chúa Chiêu Bình, con gái duy nhất của lão Lương Vương, đã được phong tước Nữ hầu. Tình cảm giữa phu thê hai người vô cùng thắm thiết, tuy sau khi kết hôn thật lâu vẫn chưa có con nối dõi nhưng vẫn không màng đến chuyện nạp thiếp, mãi đến năm ba mươi mới được một cô con gái tên Tương Tư này. Tiếc rằng, cả hai người đều chết trận ở Long Quan, Tương Tư được cố Thái hậu giữ bên người để nuôi dưỡng, so về vị thế cũng chẳng kém gì bậc Công chúa hay Hoàng tộc. Thậm chí Tiên hoàng còn vì muốn ngăn lời đàm tiếu bên ngoài mà phong nàng làm Công chúa, sau cùng vẫn là do Thái hậu cản lại, bởi vì lo nàng sẽ bị người khác ghen ghét.

Về sau nghĩ lại mới thấy, so với việc trở thành Công chúa, danh xưng Thái tử phi càng có lợi hơn.

Chỉ đáng tiếc, Thái hậu yêu thương cháu trai của mình đến thế, mà cả Hoàng đế lẫn Hoàng hậu đều xem hắn như kẻ phản đồ.

Hắn từ nhỏ đã bước lên ngôi vị Thái tử cũng chẳng dễ dàng gì, cho nên tâm tính so với các vị Hoàng tử khác vừa kiên nhẫn hơn, nhưng cũng lạnh lùng hơn. Ban đầu tam tiểu thư còn e sợ hắn, gặp những người khác đều một câu huynh đệ tỷ muội, chỉ khi nhìn thấy hắn mới quy củ mà gọi một tiếng Điện hạ.

Con người Điện hạ bá đạo lại quyết liệt. Hắn ghét bỏ nét chữ xấu xí của Cửu Công chúa, xem thường Tam Hoàng tử ngu ngốc, lại trách Quận chúa An Hoa quá mức ngang ngược... Bởi vậy càng không cho phép tam tiểu thư được tiếp xúc quá nhiều với họ.

Vì lẽ ấy, tam tiểu thư vẫn luôn hiện diện bên cạnh Điện hạ, cùng Điện hạ dùng bữa, ban đêm Thái phó kiểm tra bài học, cùng Điện hạ đọc sách tập viết, tam tiểu thư cũng có mặt.

Tam tiểu thư khi ấy tuổi vẫn còn nhỏ, luôn ngủ thiếu giấc, thỉnh thoảng lại gục đầu thiếp đi bên cạnh bàn học của Điện hạ. Những lúc ấy Điện hạ cũng không gọi nàng dậy, càng không cho phép người khác quấy rầy nàng. Có đôi lần Thái hậu nhìn thấy, buông lời trách cứ chàng, khi đó Điện hạ mới đích thân cõng tam tiểu thư trở về phòng.

Thái tử cùng Thái hậu đều ở tại Đông Cung, tuy nói là tiện đường, nhưng suy cho cùng vẫn là chuyện đáng để người trong cung lưu tâm.

Người người đều nói tam tiểu thư sau này nhất định sẽ trở thành Thái tử phi, ấy mà nghi thức hay sính lễ đều không có, ngoài miệng nói như vậy nhưng mai sau ai dám đảm bảo sẽ thành toàn. Nếu không phải chính Điện hạ tự mình đón tiếp, người khác vẫn sẽ có cớ nói ra nói vào.

Niệm Xuân càng nghĩ càng tức giận, trên đường tam tiểu thư trở về Hoán Dương đã gặp biết bao nguy hiểm, vẫn luôn có kẻ bám đuôi với ý đồ muốn giết nàng, hại tam tiểu thư không dám đi đường tắt, chỉ có thể đi đường chính, cũng chẳng thể rời Linh Võ Vệ nửa bước. Mãi đến khi Điện hạ phái thân binh đi theo hộ tống, tình hình mới khả quan hơn, nhưng ngẫm lại, nếu không phải vì Điện hạ, thì một nữ tử khuê các như tam tiểu thư vì hà cớ gì mà lâm vào tình cảnh bị ám sát như thế?

Hiện giờ nghìn dặm hồi cung, tam tiểu thư xưa nay thân thể vẫn luôn không tốt, giờ lại chịu cảnh xóc nảy khó khăn muôn đường, nàng lại càng thêm hao gầy.

Điện hạ làm trò chòng ghẹo người khác như vậy, nàng ta lại cảm thấy lời mình nói chẳng có gì sai, lúc này Điện hạ có đích thân đến đón người cũng chẳng phải chuyện gì quá đáng.

Thính Hạ nghe vậy, nhíu mày đáp: "Tính cô nói không lựa lời, đến Kinh thành rồi hãy kiềm chế lại, tránh chọc thêm tai hoạ cho tiểu thư."

Niệm Xuân mím môi: "Biết rồi, ta cũng đâu phải kẻ ngốc."

Cuối cùng Tương Tư cũng thấy tỉnh táo hơn đôi chút, bất đắc dĩ lên tiếng: "Thôi đừng nói nữa."

Từ Diễn giữ đầu ngựa không tiếp tục di chuyển, hai chân trước tuấn mã buộc phải ghìm lại không thể duỗi thẳng, nán lại bên cạnh chiếc xe ngựa chầm chậm di chuyển.

Tương Tư nghe thấy động tĩnh, vén rèm hỏi: "Từ tướng quân, có chuyện gì vậy?"

Cách thành mười dặm, cửa thành đằng xa mơ hồ đến độ chẳng thể nhìn rõ hình dáng. Từ Diễn cho rằng nàng thị nữ kia đi đường xa đến mức choáng đầu mất rồi, cửa thành ở đâu giữa nơi xa này?

Cho dù nhãn lực của Từ Diễn có xuất chúng đến mấy thì vẫn chỉ có thể nhìn được khói bụi mịt mù giăng phủ cả đoạn đường, như thể có thân ngựa mạnh mẽ nào đó đang phi nước đại từ một khoảng xa đến nơi này.

Chỉ là, hắn vẫn luôn nhận được thư gửi từ Kinh thành, hiện giờ cổng thành vẫn đang bị khống chế nghiêm ngặt, chuyện ra vào đều bị hạn chế, huống hồ là một lượng quân lớn như vậy.

Ngay cả Từ Diễn dù nắm trong tay đặc quyền được dùng ngựa khi đi trong thành, nhưng khi đến gần cổng thành vẫn phải di chuyển chậm lại.

Thoáng dao động một lát, Từ Diễn lập tức sáng tỏ trong lòng.

Hẳn là Bệ hạ sẽ tự mình đi đón người.

Thế nhưng lại đón từ nơi xa như vậy.

Bệ hạ ắt tự có trù tính của riêng mình, nhưng quả thực ngài chẳng được nhiều phần trầm ổn cho cam, không biết ngày mai khi lâm triều lại sẽ có bao nhiêu lời nghị luận về Bệ hạ, rồi sau khi hạ triều, sẽ lại có thêm bao lời định tội cho ngài.

Bất hiếu bất kính, tàn bạo bất nhân...

Trầm mê nữ sắc?

Cũng chẳng đáng tính là trầm mê gì, bởi Bệ hạ cũng chỉ vừa ý duy nhất một người này mà thôi. Thế nhưng vào thời điểm lạc mất nhau vào hai năm về trước, ngài đã gây nên rất nhiều chuyện hoang đường, náo loạn đến mức khiến Nhị Hoàng tử và Tứ Hoàng tử được dịp đắc ý vì ngỡ Thái tử đã phát điên vì tình.

Nếu đã như vậy, liệu có nên gọi là trầm mê nữ sắc không đây?

Sử sách ngày sau e là sẽ viết tam tiểu thư thành một yêu hậu hoạ quốc mất thôi.

Từ Diễn cảm thấy suy nghĩ của mình cũng rất có lý, bởi cha con Thái gia hiện giờ vẫn còn đang ở lại điện Văn Hoa. Bệ hạ nào chỉ có thiếu kiên nhẫn, mà còn nhỏ nhen nóng nảy, ghen tuông đến mức trắng trợn, hai cha con nhà nọ chính là người đọc sách đấy!

Chọc cái gì không chọc, lại đi chọc vào người đọc sách. Về sau mấy hàng quán trà rượu còn chẳng biết sẽ bố trí thứ gì nữa đâu!

Từ Diễn không nói đến việc Bệ hạ đến đây cho tam tiểu thư biết, mà dọc đường đi tam tiểu thư cũng không hỏi nửa câu về chuyện của Bệ hạ. Thôi thì cũng đúng với ý hắn muốn, bởi nếu như tam tiểu thư thật sự để mắt đến tiểu công tử Thái gia, người lại biết chuyện Bệ hạ mượn việc nước trả thù riêng sẽ lại thêm chán ghét Bệ hạ.

Chuyện phiền não này cứ giao lại cho Bệ hạ đi thôi! Một thị vệ nho nhỏ như hắn không gánh thay được.

Từ Diễn khom lưng, kính cẩn nói: "Phía trước có một nơi mát mẻ lại thoáng đãng, mời tam tiểu thư dừng lại nghỉ ngơi một lát."

Tương Tư vốn cũng đã mệt mỏi lắm rồi, tuy Từ Diễn đã chuẩn bị loại xe ngựa tốt nhất nhưng cũng khó để ngăn được hết nỗi vất vả của việc đi đường xa. Nàng nghe vậy liền gật đầu, nhẹ giọng đáp: "Được".

Xe ngựa chầm chậm đi về phía trước, tiếng vó ngựa truyền giữa không trung ngày càng rõ ràng.

Niệm Xuân muốn đi thăm dò xem thế nào, nhưng nhanh chóng bị Thính Hạ ngăn lại: "Cô an phận một chút đi! Tới Hoàng thành rồi, chưa biết sẽ gặp phải điều gì đâu, Từ tướng quân nói việc ngài ấy đến đón tam tiểu thư là chuyện không ai hay biết, chớ có kiếm thêm chuyện phiền đến tiểu thư nữa."

Niệm Xuân nghe vậy đành từ bỏ ý định.

Mà tiếng vó ngựa ngày càng đến gần hơn, cách một màn che, Tương Tư khẽ hỏi: "Là người từ nơi nào vậy, lại yêu cầu chúng ta phải nhường đường?"

Từ Diễn "Ờ..." một tiếng dài nhưng mãi không biết nên đáp lại thế nào, một lát sau lại nói: "Tam tiểu thư, mời ngài xuống xe ngựa."

Xe ngựa dừng lại.

Một đoàn ngựa phi nước đại từ phía trước tiến đến nơi này, dẫn đầu là một nam nhân toàn thân khoác trang phục đen tuyền, mày kiếm sắc sảo nhíu vào thái dương, vẻ mặt nghiêm nghị uy vũ. Đoàn người bên này vừa nhìn thấy hắn liền lập tức hạ chân quỳ xuống, đến khi nam nhân lặng lẽ phất tay, đoàn người hai bên tức khắc đứng nghiêm chỉnh, không ai dám nói một lời nào.

Lý Văn Huyên xoay người xuống ngựa, bước chân nhanh nhẹn như bay, áo choàng tung bay phấp phơi sau lưng, đoạn theo bước chân hắn dừng lại trước xe ngựa mới chầm chậm buông xuống bên thân người.

Thời điểm Tương Tư vén rèm, hắn duỗi tay đón lấy, đôi mắt lặng yên nhìn nàng.

Khẩn trương phất roi cưỡi ngựa suốt cả đoạn đường, hơi thở hắn vẫn chưa kịp ổn định trở lại, trên vầng trán còn lấm tấm một tầng mồ hôi, ngay cả thanh âm thốt ra mang theo chút nghẹn ngào khó tả. Hắn nói: "Cô đến đón nàng."