Vật Lộn Với Ảo Mộng

Chương 9



Lão về đến nhà, căn nhà trở nên trống vắng hẳn. Lão ngồi xuống bậc thềm, lôi quyển truyện "Đôn Ki-hô-tê" ra ngắm. Quyển sách này là Tâm dành tiền công gặt thuê đầu tiên, chạy xuống huyện mua về, trải qua bao nhiêu chuyện mới đến tay mình.

Ngay trang đầu tiên đã có một lá thư nhỏ.

"A Nùng, ông đọc thư này thì cũng là lúc tôi lên thành phố rồi. Tôi mới mượn được cái bút của chị Ngạn, chứ viết bút lông của ông có mà tốn mực khó viết chết. Tôi cũng mới viết đêm qua thôi, khi mà tôi chong đèn và ông hỏi tôi đang làm gì ấy. Hôm qua là lần đầu tiên tôi nói nhiều như vậy, tôi nói thế thôi, cũng chưa biết ông đã hiểu đến đâu. Nhưng nếu đọc cuốn truyện này, có lẽ ông sẽ ngộ ra nhiều đấy. Hôm qua tôi có chê ông, nhưng chưa nói gì đến mình. Tôi đúng là cũng giống nhân vật Xan-chô Pan-xa trong truyện này vậy, không, là hai ông con ta cùng giống Đôn Ki-hô-tê và Xan-cho Pan-xa trong chương tám á. Tôi đúng là sống thực tế hơn ông nhiều, nhưng tôi lại thực dụng. Tôi không có được tấm lòng thiện lương trong sáng như ông, cũng không có được sự nghĩa hiệp, trọng danh dự nghĩa tình và dũng cảm thương người như ông. Tôi ích kỷ, nhỏ nhen, trọng vật chất. Tôi nghĩ đến tiền và miếng ăn nhiều hơn, trong khi ông hào hiệp và không quan tâm lắm đến chuyện ăn uống. Ông thương tiếc, nhớ nhung người vợ xấu số của mình, nhưng tôi thì cố quên tất cả, bao gồm cả mẹ tôi..

Nhưng ông A Nùng à, chúng ta có cùng một điểm giống hệt nhau. Đó là cùng vật lộn với quá khứ, cùng chìm trong ảo mộng. Tôi thì gặm nhấm cái quá khứ huy hoàng hồi tôi còn được cha mẹ nuôi nhốt trong đống tiền, ăn chơi ngủ nghỉ học hành không phải lo gì hết. Tôi chìm mãi trong thế giới ấy, cái thế giới có niềm kiêu hãnh là cậu ấm cô chiêu của chính tôi. Còn ông, ông gặm nhấm quá khứ mất vợ khổ đau của riêng mình. Ông không chấp nhận sự thật bà Cát đã ra đi, ông không chịu đối mặt với sự cô đơn lạc lõng, nhất là ông trói buộc mình trong thế giới tủi nhục, day dứt, dằn vặt của mình. Tôi nhắc lại chuyện cũ, không phải muốn chọc lại cái kim đang đâm thọc trong bụng ông, mà muốn ông lôi nó ra. Ông đã kể với tôi mà, hôm đó ông có ngăn bà Cát lại, không muốn bà ra đồng, nhưng bà vẫn khăng khăng muốn đi. Cái cố chấp của đàn bà đáng sợ lắm. Bà Cát chắc cũng như tôi, quý vật chất chứ không tâm linh như ông. Mưa lũ dập lúa thì phải ra cứu mạ chứ. Chạy lụt không tính giống 100 ngày là phải khổ rồi, không thì có khi mất trắng. Nhưng đúng là ông sai thật, khi quên bảo bà bỏ cái vòng sắt ấy khỏi cổ. Khổ lắm chứ, lúc con người ta vội vội vàng vàng thì còn biết chú ý cái gì đâu. Ông cũng bảo tôi rằng người có số có mệnh của người. Bà Cát mệnh đoản, ta cũng không thể can thiệp vào số mệnh của chính mình được, huống chi là người khác. Ông thừa nhận với tôi chứ? Mười tám năm nay, ông dằn vặt thế là đủ rồi. Ông hương khói đầy đủ vậy cũng coi như an ủi bà Cát dưới hoàng tuyền, tha thứ cho lương tâm của chính mình. Đó là cái thứ nhất. Giờ đến điều thứ hai, đó là việc mà tôi muốn nhắc nhở ông thêm nữa. A Nùng à, ông còn chìm đắm mê muội vào một thế giới nữa, là thế giới tâm linh một chiều quá độ. Ông coi mình là thầy cúng truyền đạt thiên ý, là học trò của thần. Ông có lí tưởng, mục đích cao đẹp, trong sáng, nhưng chúng lại gắn liền với những hành động phi thực tiễn. Ông không chịu dung nạp kiến thức của xã hội mới, không tiếp nhận khoa học bên ngoài. Thế là sống không thực tế, là ảo tưởng viển vông. Lời thật thì không khéo, lời khéo thì không thật. Tôi nói toạc ra như thế, ông cũng đừng trách tôi đấy.

Hôm nay là ngày cuối tôi làm đệ tử ngoan của ông rồi. Coi như tôi có một món quà tặng ông đây. Nhớ đọc nó và suy ngẫm về bản thân mình đấy. Tạm biệt ông nhé. Giờ thì hãy đến với nhân vật Đôn Ki-hô-tê ở trời Âu xa xôi kia đi, ông A Nùng kính mến!"