Xa Gần Cao Thấp

Chương 4



Đem nuôi hợp pháp

......

Một mạng sống còn non đã biến mất. Vì chưa vị thành niên và là con gái nên việc tang lễ trong nhà Du Khai Minh diễn ra vừa vội vàng vừa tắc trách. Theo truyền thống của Du Trang, thi thể chỉ được đưa đi thiêu sau khi đặt linh cữu ba ngày. Nhưng Du Khai Minh không làm vậy, chờ đồn cảnh sát đến kiểm tra và cấp cho giấy chứng tử, ông ngay lập tức gọi người thân liên hệ với nhà tang lễ.

Du Nhậm không gặp được Du Quyên lần cuối. Một ngày sau sự việc, Du Nhậm nhìn chiếc ghế thừa ra trong lớp học, chỉ khi đó cô mới nhận ra nụ cười của Du Quyên trước cửa nhà ngày hôm đó có ý nghĩa gì.

Vợ của Du Thiên Khải biết bản thân gây hoạ, thế là trốn trong nhà mẹ đẻ ba tháng. Hầu như người Du Trang nào cũng mắng nhiếc một câu khi nhắc đến chuyện này: "Ít nhất cũng nên đến nhà tang lễ tiễn đưa chứ, hoặc đến nhà Khai Minh xem thế nào."

"Khai Minh cũng thật là, tát con không biết mạnh nhẹ là gì."

"Thật tiếc, đứa trẻ này thật xinh đẹp, dáng người cao ráo, đợi mấy năm nữa là có thể gả đi, mỗi tội tính tình tàn nhẫn giống Khai Minh, con bé lấy sợi dây thừng đâu ra không biết?"

Du Quyên thích gì, muốn trở thành hạng người nào, tinh nghịch ngồi đung đưa chân trên xà đôi trong sân chơi trường làng ra làm sao, khoảng khắc cô bé vui vẻ cầm cây kem bẻ nửa chia cho em gái, chỉ chỏ cười đứa út trong tã lót rằng: "Em ba lại chảy nước miếng kìa" thế nào... Không người Du Trang nào hay những điều ấy và cũng chưa từng muốn tìm hiểu. Đóng cửa lại, khói vẫn bốc lên từ nồi như thế, nấu thịt, om cá, xào rau và hầm canh, ngày qua ngày vẫn như cũ trôi qua.

Dần dần, Du Quyên đã hoá thân thành ánh mắt như muốn nói rồi lại thôi của người Du Trang khi nhìn Du Khai Minh và Hồ Mộc Chi. Có lẽ chẳng mấy chốc nữa, ngay cả ánh mắt này cũng sẽ biến mất - Năm nào cũng có trẻ em sinh ra ở Du Trang, đâu thiếu những điều mới mẻ và lạ kỳ.

Một năm học mới lại bắt đầu, Du Nhậm học năm cuối tiểu học, Du Cẩm cũng sẽ vào lớp một nhanh thôi. Nhưng cô bé không đến trường, Hồ Mộc Chi rất bất lực khi đối mặt với hiệu trưởng trường làng: "Nhà không ai trông đứa ba... Đợi khi đứa ba lớn hơn, nhiều nhất là hai năm nữa, đứa hai sẽ được đi học."

Đứa ba là một em bé mềm mại trắng nõn, vừa biết bám tường bước đi đã thích đến nhà nhà hàng xóm chơi, đặc biệt là thích chơi với Du Nhậm. Bé con líu lo "ya ya ya" không thể nói thành câu hoàn chỉnh, nước miếng chảy thành dòng ướt hết mảnh yếm nhỏ, luôn khiến mọi người muốn yêu thương bế lên.

Sau giờ học, nếu tình cờ gặp đứa ba đang mò góc tường, Du Nhậm sẽ bước tới bế cô bé nặng ký này lên, đút cho bé một ít đồ ăn vặt của mình. Nhiều khi Du Cẩm đang xem TV trong nhà bỗng hoảng hốt chạy ra ngoài tìm em gái, thấy đứa ba đang nằm trong vòng tay Du Nhậm, cô bé mới thở phào nhẹ nhõm: "Lại phải ra ngoài tìm!"

Đứa ba rất ngoan, biết ăn, biết ngủ, thích cười, thích chơi. Khi bắt đầu biết mở miệng nói, cô bé gọi Du Cẩm là "chị", gọi Du Nhậm thì ngọng líu ngọng lô, nói "Thái Thái" thành "Chai Chai".

Lần nào Du Nhậm nhìn thấy đứa ba cũng nhớ đến Du Quyên, cô cố gắng dạy đứa út nói: "Gọi chị là chị Thái Thái."

"Chị Chai Chai." Khuôn mặt đứa ba đã hình hài vài đường nét giống Du Quyên, nhưng trong ký ức của cô bé hồn nhiên ngây thơ không có hình bóng Du Quyên.

Cứ khi đút cho đứa ba một miếng hồng ngọt hoặc nửa mẩu bánh mì vàng nho nhỏ xong, Du Nhậm đều di chuyển ghế tới làm bài tập về nhà, trong khi đứa ba quanh quẩn bên cô, cứ chốc chốc lại nằm bò bên chiếc ghế nhỏ, tò mò nhìn cô bằng đôi mắt tròn vo đen láy. Sau mỗi trang bài tập Du Nhậm viết xong, cô lại ngẩng đầu lên chọc cười đứa ba.

Từ tiểu học lên cấp hai, vốn dĩ Du Nhậm nên học trong trường cấp hai ở thị trấn, nhưng Du Hiểu Mẫn chắc chắn không vừa lòng: "Tiểu học thì không nói, về quê vui chơi mấy năm, đã đến lúc phải kìm lại. Con thấy những gì Thái Thái đang học bây giờ không thể sánh được với những đứa trẻ học trường tiểu học thành phố. Con trai của ông Tả đồng nghiệp con cũng lớn bằng Thái Thái, cậu bé đã bắt đầu học đến kiến thức cấp hai trong lớp học thêm cuối tuần."

Thế là, không cần biết Du Nhậm có đồng ý hay không, Du Hiểu Mẫn nghĩ cách nhờ vả mối quan hệ và nộp thêm phí chọn trường, sắp xếp cho Du Nhậm vào trường Trung học Cơ sở Bồi dưỡng Nhân tài tốt nhất trong thành phố.

Vốn dĩ Du Hiểu Mẫn không cần nộp khoản tiền này, chỉ cần nhờ Nhậm Tụng Hồng gọi một cú điện thoại là xong. Nhưng lý do Nhậm Tụng Hồng không thể lên được chức bí thư là tại báo cáo của cô. Du Hiểu Mẫn nín nhịn: "Tự tôi không thể giải quyết việc học hành cho con tôi sao? Hai mẹ con tôi thèm vào mà lợi dụng anh."

Du Nhậm vượt qua kỳ thi từ tiểu học lên trung học cơ sở, ngay khi cô đang trải qua kỳ nghỉ hè thời thơ ấu cuối cùng tại Du Trang, có một người lạ đến nhà Du Khai Minh. Lần này, hai vợ chồng nhà Du Khai Minh không "đi ngang về tắt" nữa, họ quang minh chính đại làm rất nhiều thủ tục "đem nhờ nuôi" đứa thứ ba cho họ hàng ở ngoại ô.

Đứa ba từ lúc sinh ra đã không được đăng ký hộ khẩu vì cấp thôn và thị trấn kiểm soát nghiêm ngặt trường hợp sinh đẻ vượt mức, sẽ không làm thủ tục cho đến khi nộp phạt. Sau khi Du Quyên chết, Du Khai Minh đưa Hồ Mộc Chi đến cấp làng và cấp thị trấn làm ầm lên, ý là gia đình hắn hiện có hai đứa con, phù hợp với chính sách của thôn: nếu đứa đầu là con gái, có thể sinh thêm con thứ hai. Nếu họ vẫn bị phạt và con cái không được đăng ký hộ khẩu, đó chính là đang bắt nạt gia đình họ.

Chuyện này cũng khiến Du Văn Chiêu lãng phí không ít nước bọt là bao, và rồi rốt cuộc đứa ba cũng được cấp hộ khẩu khi vừa tròn hai tuổi.

Hôm uống rượu cùng Du Thiên Kỳ, Du Văn Chiêu thầm chửi mà rằng: "Đúng là thằng khốn nạn, thằng cha ấy đẻ những ba đứa, giờ quay sang đổ cho ông đây bắt nạt nhà nó."

"Khai Minh và Hồ Mộc Chi khù khờ như thế, sao lại biết làm ầm ĩ lên nhỉ?" Du Thiên Kỳ khó hiểu.

Câu trả lời được đưa ra ánh sáng khi người họ hàng ở ngoại ô đến làm thủ tục: người đứng sau giật dây là Viên Huệ Phương, người đến nhận đứa con thứ ba của họ.

Viên Huệ Phương, 38 tuổi, là chị họ của Hồ Mộc Chi, sở hữu một căn nhà bốn tầng ở ngoại ô. Nắm bắt thời cơ một trường đại học ở thành phố di dời và xây dựng cơ sở mới ở ngoại ô, là một người có đầu óc kinh doanh, Viên Huệ Phương cải tạo ngôi nhà bốn tầng gần khuôn viên trường mới thành một địa điểm làm giàu (tầng một khi xưa là một cửa hàng vật vờ chờ chết, giờ đây đã sống dậy hiên ngang).

Viên Huệ Phương cho ba tiệm ăn nhỏ thuê tầng một. Cơm suất, mì xào và hoành thánh bán chạy như tôm tươi. Tiếng nồi niêu loảng xoảng, tiếng ruồi vo ve và nước thải bắn tung tóe đều không thể ngăn lòng nhiệt tình chi tiêu cải tiến món ăn của các bạn sinh viên.

Tầng hai và tầng ba biến thành nhà nghỉ nhỏ do Viên Huệ Phương đích thân trấn thủ kinh doanh. Chia thành hàng chục phòng nhỏ, mỗi ngày Viên Huệ Phương ngồi trước quầy, cắn hạt dưa, thu tiền và xem TV.

Viên Huệ Phương có đôi lông mày xanh lam thô kệch do xăm hỏng, đôi mắt hẹp và dài thi thoảng láo liên nhìn khinh thường gian phòng nào đó phát ra tiếng động quá lớn, đôi gò má vốn đã cao và gầy mọc thêm nhiều da thịt vì điều kiện kinh tế mấy năm nay được cải thiện.

Đợi những thanh niên trẻ mặt đỏ tía tai trả phòng giao chìa khoá khi xong việc, Viên Huệ Phương mới đứng dậy, xoa cái bụng đầy "phúc", cầm miếng giẻ lau đi dọn phòng.

Nói là dọn phòng, nhưng thực chất chỉ kiểm tra xem dưới ga trải giường và vỏ chăn có bẩn hay không. Nếu vết máu quá rõ ràng hoặc chất dịch gì đó dính lên quá nhiều, Viên Huệ Phương sẽ vừa chửi "bẩn quá thể là bẩn", vừa kéo ga trải giường xuống. Nếu dưới đất có bao cao su đã dùng vứt bừa bãi, Viên Huệ Phương sẽ dùng kẹp nhặt và ném vào thùng rác, miệng lẩm bẩm chửi thêm: "Nhớp nháp, làm sàn nhà dính cả màu, bọn chó má."

Phương pháp làm giàu của Viên Huệ Phương không chỉ dừng lại ở thuê nhà và mở cửa hàng, quầy thu tiền nhỏ nơi cô cắn hạt dưa còn bán đủ loại thuốc tránh thai giả, kém chất lượng và những loại thức ăn nhanh thuận tiện cho sinh viên đại học lấp đầy dạ dày sau những màn "giao tiếp linh hồn". Nếu gặp anh chị sinh viên nào không muốn ra ngoài làm phong phú chất lượng cuộc sống, Viên Huệ Phương cũng chủ động giúp gọi đặt đồ ăn nhanh ở tầng một và đóng gói đến tận nhà, mỗi suất thêm 2 tệ.

Có thể nói, đầu thế kỷ này, Viên Huệ Phương đã bước đầu thử xây dựng chuỗi dây chuyền kinh doanh trong chính ngôi nhà bốn tầng của cô. Nhưng khi cuộc sống dần trở nên sung túc và số tiền tiết kiệm ngày càng tăng, Viên Huệ Phương có một điều tiếc nuối thi thoảng lại hiện về trong tâm trí: cô không thể có con.

Năm Viên Huệ Phương đến Du Trang tình cờ là một năm tuyệt vời khi cô hớn hở tận dụng dịp giáo dục cấp cao mở rộng tuyển sinh và đi theo sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ. Cô gạt đi sự thù địch của bà chủ quán trọ với người phụ nữ bao thuê, hào phóng đãi các cán bộ thôn giải quyết vấn đề nhận con nuôi một bữa no nê. Rượu là rượu ngũ lương, là loại mà nhà cô thậm chí còn không nỡ uống; thuốc lá là thuốc Trung Hoa, loại mà người bình thường không nỡ hút.

Rướn đôi lông mày thô kệch và nâng giọng nói the thé, cô nịnh ông bí thư trung thành với chức vụ, xuýt xoa trưởng thôn tuổi trẻ tài cao, khen ngợi đội trưởng dân quân mình đồng da sắt, tôn sùng những nữ cán bộ tích đức hành thiện. Ăn xong bữa cơm, trưởng thôn Du Thiên Kỳ lau miệng, ngậm điếu thuốc: "Người chị họ này thật thú vị."

Câu nói của Du Thiên Kỳ mang ba hàm ý: Viên Huệ Phương rong ruổi khắp nơi, nhưng không thấy mặt ông chồng đâu; Viên Huệ Phương lợi dụng kẽ hổng trong chính sách nhận con nuôi, nhưng lại muốn tất cả các bên cùng vui vẻ tụ tập với nhau, ngay cả tên Du Khai Minh câm điếc cũng uống say bí tỉ; nơi Viên Huệ Phương mời khách tới ăn là nhà của Du Khai Minh, trong lúc nâng ly chúc rượu, cô ôm đứa ba vào lòng, thân thiết trêu đùa con bé, hoàn toàn phớt lờ sắc mặt trắng bệch của người mẹ đẻ, Hồ Mộc Chi.

Mặt Du Văn Chiêu cũng đỏ bừng, một là vì đã có điểm thi lên cấp hai của Du Nhậm, xếp thứ hai toàn thôn, làm ông nở mày nở mặt; hai là vì Du Hiểu Mẫn đã trở thành bác sĩ chủ nhiệm khoa Sản phụ của Bệnh viện Trung tâm thành phố. Tương lai con gái và cháu gái sáng ngời, tâm trạng ông phấn khởi, hoà với men rượu nồng nàn, ông bộc bạch sự thật khi về nhà: "Tôi đã đăng ký hộ khẩu cho đứa ba, nếu có quan hệ họ hàng như vậy sẽ càng dễ làm thủ tục nhận con nuôi. Đương nhiên có sự khác nhau giữa người thân và người lạ."

Bên cạnh là Du Nhậm đang đọc tiểu thuyết, nghe vậy mơi biết: "Họ định bán đứa ba à ông?"

"Chỉ biết nói vớ vẩn, không phải bán, mà là nhận con nuôi hợp pháp." Du Văn Chiêu hiền hậu xoa đầu cháu gái.

"Du Quyên đã không còn, sao gia đình họ lại cho đứa ba đi? Đứa ba ở lại với bố mẹ không tốt sao?" Du Nhậm cau có, khuôn mặt nhỏ nhắn nhăn lại trông như lớn hơn mười tuổi.

"Điều kiện nhà mẹ nuôi con bé rất tốt, đứa trẻ này nếu đi theo cô ấy sẽ được làm con một, không chiều con bé thì chiều ai?" Hồ Trạch Phân nghĩ đây chưa chắc đã là chuyện xấu đối với đứa ba. Hơn nữa, bà cũng nhói lòng khi chứng kiến quá trình lớn lên của ba cô con gái nhà Hồ Mộc Chi: "Hai vợ chồng Khai Minh thì làm được gì, chỉ biết đẻ, không biết nuôi, thậm chí còn không giữ nổi đứa con cả. Bà nghĩ đây là chuyện tốt."

Du Nhậm nghiêng đầu, đăm chiêu suy nghĩ đến nỗi đôi mắt hai mí ẩn biến thành hai mí rõ ràng, tóc mái xoăn nhẹ trước trán khẽ giật giật: "Vậy sau này Du Cẩm có được cha mẹ yêu thương không? Cha mẹ em ấy sẽ không đẻ thêm đứa nữa chứ?"

Ông ngoại cười kéo bím tóc cô: "Sao có thể thế được?"

Hôm đó Du Trang náo nhiệt, cô ra ngoài gặp đứa ba lần cuối. Trong bộ quần áo mới màu hồng nhạt, đứa ba nằm ngủ trong vòng tay của người phụ nữ xa lạ sau khi đùa nghịch. Du Nhậm bước tới nắm lấy bàn tay nhỏ bé của đứa ba, nhẹ nhàng siết chặt, đứa ba cũng cuộn ngón tay lại như cảm nhận được.

"Cô ơi, cô sẽ đối xử tốt với đứa ba phải không?" Du Nhậm hỏi.

Viên Huệ Phương không mấy vui vẻ: "Đương nhiên, là con gái của cô mà." Nói xong còn hôn vài cái thật kêu lên mặt đứa ba, trịnh trọng giới thiệu: "Cô bé không phải tên là đứa ba, mà là Viên Liễu. Viên trong Viên Thế Khải*, cháu biết chữ này không? Liễu trong cây liễu."

*Viên Thế Khải (袁世凯): là một đại thần cuối thời nhà Thanh và là Đại Tổng thống thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời là hoàng đế duy nhất của Hồng Hiến Đế chế.

"Viên Liễu..." Du Nhậm kiễng chân lên: "Cháu có thể thơm đứa ba một cái nữa không?"

"Nào... để chị hôn một cái nhé." Viên Huệ Phương hào phóng ôm đứa trẻ xuống cho Du Nhậm toại nguyện. Nhìn Hồ Mộc Chi và Du Cẩm vẫn lưu luyến đứng ở cửa nhà: "Vẫn là người một nhà, khi nào có thời gian hãy đến nhà chị chơi."

Hồ Mộc Chi lại rơi nước mắt, Viên Huệ Phương lau nước mắt cho em họ: "Là con gái của em, cũng là con gái của chị. Sao chị có thể đối xử không tốt với con bé? Hơn nữa, em là mẹ ruột của con bé, sao con bé quên được em?" Trước khi đi, Viên Huệ Phương dúi một phong bao đỏ dày cộp vào tay Du Cẩm: "Tiểu Cẩm được nghỉ nhớ đến nhà bác chơi với em gái nhé?"

Du Cẩm bướng bỉnh không nhận phong bao, Viên Huệ Phương hơi sững sờ, ngay sau đó nhét phong bao vào tay Du Khai Minh: "Em rể giữ cho cháu gái chị nhé." Du Khai Minh cười, cuối cùng bỏ vào túi sau vài lần từ chối.

Vào một ngày nắng đầu hè, với tiếng ve kêu râm ran và làn gió nóng thổi qua, đầu Du Nhậm nhễ nhại mồ hôi nhìn Viên Huệ Phương ôm đứa ba đang ngủ trong vòng tay bước lên con đường đá, không giống lần từ biệt Du Quyên hôm đó, lần này hành xóm ở Du Trang đến xem rất náo nhiệt.

Đứa ba, hiện tên là Viên Liễu, được Viên Huệ Phương bế xuống con đường đá một trăm bậc, đi qua ba cổng thờ ở lối vào thôn, rồi nhanh chóng rẽ vào giao lộ thành phố nơi có một chiếc xe van đang đợi họ.

Khi bóng của đứa ba xa mãi và khuất dạng, Du Cẩm đột nhiên hoàn hồn, khóc "huhu" và đuổi theo Viên Huệ Phương: "Trả em gái lại đây... trả lại cho cháu." Tiếng khóc của cô bé làm Ngọc Nhân sực tỉnh, nhưng cô gái sắp được lên cấp hai ấy không còn bồng bột nữa, chỉ cúi đầu xuống, đứng đó với đôi mắt đỏ hoe.

Du Cẩm mới chạy được chục bước thì bị Du Khai Minh kéo lại, kẹp dưới khuỷu tay như bắt một con gà kéo về nhà. Đứng trông trước cửa, Hồ Mộc Chi âm thầm lăn nước mắt, một tay đặt lên bụng.

Cách đây vài ngày, Hồ Mộc Chi đã bí mật đến thành phố bên cạnh làm phẫu thuật tái thông, giờ lại mang thai. Siêu âm B cho thấy, lần này, hơn cả chính xác, là con trai.

......