Xa Gần Cao Thấp

Chương 5



Suối chảy gặp núi non, có duyên ắt gặp lại

......

Thông báo xếp lớp được dán trên bảng thông báo của trường, có vài chữ sau dòng chú thích trong danh sách đầu bảng dễ thấy: Trường tiểu học thành phố Bách Châu.

Điều đặc sắc nằm ở cái tên đầu tiên của lớp số 9 năm nhất trường trung học cơ sở, ghi "Tên học sinh: Du Nhậm (Trường tiểu học Du Trang, thôn Đại Cảng, huyện Tùng Dương, thành phố Bách Châu)". Vừa nhìn đã biết đây là một đứa trẻ làng quê có thành tích học tập khá tốt.

Du Nhậm tự đến báo danh. Trong phòng khám bệnh viện của Du Hiểu Mẫn có một trường hợp ngàn cân treo sợi tóc: người phụ nữ có con bị dây rốn quấn quanh cổ. Trước khi bị gọi đi, cô đưa cho Du Nhậm thêm 100 tệ: "Nhớ báo danh xong đến hiệu sách Tân Hoa Xã mua giáo trình và tập luyện đề về, xem con cần gì thì mua, đừng lo chuyện tiền bạc."

Siết chặt đủ loại tài liệu và chứng nhận trong tay, Du Nhậm đến xếp hàng bên ngoài phòng học số 9 trong bộ váy liền màu be, trông cô bé cô đơn vô cùng nổi bật trong hàng ngũ những đứa trẻ được phụ huynh dẫn đi.

Cô cúi đầu tránh né những ánh mắt tò mò đôi lúc rọi tới, khi ấy, tay cô bị ai đó chạm vào, Du Nhậm ngẩng đầu lên, nhìn thấy một cô gái cao hơn mình một chút, sở hữu khuôn mặt ngọt ngào với mái tóc cắt ngắn. Cô gái mang vẻ mặt e dè và thận trọng: "Du Nhậm à? Cậu không nhớ mình sao?"

Du Nhậm nghĩ một lúc, chợt nhớ ra đây chính là Bạch Mão Sinh học lớp bên cạnh cô tại trường tiểu học trong thành phố.

Năm đó, tất cả bọn trẻ trong khoá đều biết Bạch Mão Sinh - một kẻ mít ướt có tiếng. Có lẽ vì mang họ Bạch, cô bé rất thích mặc áo khoác trắng, suốt ngày bị giáo viên gọi đến văn phòng bổ sung bài tập vì không hoàn thành bài đúng hạn, vừa khóc đến đỏ mũi, vừa lấy mu bàn tay lau nước mắt, cầm bút chì cũng rụt rè cứ như sợ cầm không chắc sẽ rơi xuống. Hoặc có khi bị phạt đứng vì đến muộn, giữa tiếng đọc sách đồng thanh vang lên trong lớp, Bạch Mão Sinh dựa vào tường với bức chân dung Einstein trên đầu và khóc thút thít. Thậm chí chẳng vì lý do gì, cô bé cũng ngồi xổm khóc một mình dưới chân hàng rào sân chơi. Mặt trắng, quần áo cũng trắng, khi khóc càng thấy rõ mắt mũi đỏ bừng.

Có lần, Du Nhậm tò mò hỏi: "Sao cậu cứ khóc hoài vậy? Lần sau cậu có thể làm bài tập về nhà sớm hơn, cũng đừng đến muộn nữa."

Bạch Mão Sinh khịt mũi, vươn cánh tay hằn vài vết đỏ ra: "Buổi chiều tan học, mình lại phải đến đoàn tập thêm. Nếu luyện... luyện eo không tốt, sư phụ sẽ đánh mình."

Kể từ dạo ấy, Du Nhậm mới nhớ rõ họ tên của đồ mít ướt lớp bên cạnh, bởi vì đồ mít ướt thực sự khác các bạn khác, giọng điệu nói năng lúc nào cũng tỉa tói từng câu từng chữ như trong phim truyền hình: "Mình sinh năm Mão, tức là sinh năm con thỏ, nên gọi là Mão Sinh. Có lẽ mình lớn hơn cậu vài tháng, tuy là sinh năm 1988 nhưng mình sinh vào tháng 12 âm lịch năm Đinh Mão, không phải tuổi Rồng như các cậu."

Dần Hổ, Mão Thố, Thìn Long, Tỵ Xà, sau này Du Nhậm mới biết những điều này khi tra cuốn hoàng lịch của bà ngoại. Khi đó, cô thấy trong cuốn hoàng lịch có con thỏ nhỏ cuộn tròn tay chân, càng nhìn càng có cảm giác thật giống đồ mít ướt.

"Cậu chính là Bạch Mão Sinh học kịch đó sao?" Trí nhớ tốt của Du Nhậm quả nhiên khiến đối phương rất vui vẻ, Bạch Mão Sinh gật đầu, nụ cười để lộ lúm đồng tiền sâu bên má trái. Cô bé ngước lên, quét đôi mắt ngấn nước qua trái rồi lại qua phải, dịu dàng thỏ thẻ hỏi: "Cậu cũng đến một mình à?"

Du Nhậm gật đầu, bỗng cô cảm thấy Bạch Mão Sinh mang khí chất thanh niên trưởng thành hơn mình một chút. Mà thanh niên thì luôn "chín chắn" hơn trẻ con, nên Bạch Mão Sinh sóng vai xếp hàng cạnh Du Nhậm, và nói như không kìm được niềm vui: "Rất nhiều bạn cùng trường tiểu học chúng ta cũng đến trường Bồi dưỡng Nhân tài".

Từ "chúng ta" khiến một người đang đơn độc xếp hàng như Du Nhậm bỗng chốc thấy ấm lòng. Hồi học tiểu học trong trường làng, cô thuộc diện chuyển trường và học chen lớp, không những lạc quẻ mà còn không thích nói chuyện, không mấy vui vẻ là bao. Nhưng Bạch Mão Sinh nói "chúng ta" như thể đã xếp cô vào hàng ngũ người quen như một lẽ đương nhiên.

Khi hai cô gái xinh xắn cùng đến báo danh với cô giáo chủ nhiệm Trương. Đến cả cô Trương, một giáo viên đã bước qua ngưỡng 50 và từng đọc vị vô số người cũng phải sửng sốt: "Ố." Trên tay cô là danh sách tên học sinh mà chỉ nội bộ mới có thể xem: Ai là học sinh đỗ đạt đàng hoàng, ai là học sinh đút lót đi cửa sau, ai là học sinh phải tiêu rất nhiều tiền, v.v... đều có thể biết rõ như ban ngày.

Trước tiên, cô nhìn Bạch Mão Sinh: "Con có phải cô bé học kịch không?" Khoé miệng phát âm chữ "kịch" của cô giáo cao vút lên, cô tiếp: "Con ở đoàn Việt kịch trong thành phố theo học giáo viên nào? Học bao lâu rồi? Sau này sẽ hát Đán hay hát Sinh*?"

*Hát Đán, hát Sinh: Diễn viên kinh kịch có bốn vai chính: Sinh (vai nam), Đán (vai nữ), Tịnh (vai tà, thô lỗ, hung dữ, mặt có sơn vẽ), và Sửu (vai hề).

Bạch Mão Sinh chợt căng thẳng, bấu chặt góc áo: "Con... con là học sinh của cô Vương Lê, con đã hát được năm năm." Có lẽ do nhiều năm học hí kịch, phát âm của Bạch Mão Sinh vô cùng trong trẻo và khiến người ta cảm thấy dễ chịu.

"Là đồ đệ của Vương Lê à, hay là Đồng Tử Công (theo học từ nhỏ)?" Vương Lê là trụ cột trong đoàn Việt kịch* của thành phố, rất nổi tiếng ở Bách Châu. Cô Trương mỉm cười hoàn tất thủ tục nhập học cho cô bé: "Sau này trong lớp sẽ không thể thiếu một dân chuyên như em tham gia vào các buổi văn nghệ." Cô giáo cười vui vẻ, nhìn sang cô gái còn lại: "Em là?"

*Việt kịch: Tên gọi một hình thức hí khúc Trung Quốc, là tuồng truyền thống thịnh hành ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đặc điểm của Việt kịch là diễn viên hầu như đều là nữ, làn điệu du dương, uyển chuyển.

"Chào cô, em tên Du Nhậm." Vốn dĩ, theo cách cô lấy họ cha mình, chữ "Nhậm" này phát âm thanh hai, đồng âm với "Nhân", và vì thế, "Du Nhậm" đồng âm với "Ngu Nhân" (người dốt nát). Cho nên Du Nhậm đã cố ý phát âm tên mình thành thanh bốn.

"Ồ..." Cô Trương liếc nhìn bảng kê khai, mặt sau chú thích một dòng chữ "Con gái của huyện trưởng huyện Sóc Đông", Nhậm Tụng Hồng vẫn đích thân chào hỏi trường học, sau khi biết, cô Trương có ghi chú lại. Cô điềm đạm gật đầu: "Phụ huynh em đều bận nhỉ? Thứ Hai tuần sau khi đến trường nhớ mang thêm túi ni lông đến đựng sách nhé. Trường Nhân tài có nhiều tài liệu lắm."

Sau khi đưa hai đứa trẻ lễ phép đi, cô Trương nhất thời sững sờ, trong đầu lóe lên một ý nghĩ: "Không thể xếp hai đứa trẻ ngồi cùng bàn với con trai, sẽ xảy ra chuyện mất."

Du Nhậm tạm biệt Bạch Mão Sinh ở cổng trường, "Mình còn phải đến hiệu sách Tân Hoa Xã mua tài liệu, tuần sau gặp lại nhé."

Trên khuôn mặt nhỏ nhắn của Bạch Mão Sinh lại hiện lên biểu cảm tủi thân: "Mình... mình cũng đang rảnh." Gần đây cô Vương Lê bận dẫn đội đi biểu diễn ở nơi khác, hiếm lắm Bạch Mão Sinh mới được rảnh rỗi, nhưng cô không muốn về nhà sớm nghe mẹ càm ràm.

Du Nhậm do dự một chút, đáp: "Được."

Tuy nói là đi mua tài liệu, nhưng phần lớn số tiền 100 tệ khổng lồ được mẹ cho sẽ được tiêu vào truyện tranh, tạp chí và tiểu thuyết. Trong hiệu sách Tân Hoa Xã, Du Nhậm nhắm mắt làm ngơ trước khu vực "giáo trình bổ trợ trung học cơ sở", cô tiến thẳng vào hàng sách nổi tiếng thế giới, cầm cuốn "Đen và đỏ" đã bị lật mòn rồi ngồi đọc chăm chú. Ngồi cạnh cô dưới giá sách, Bạch Mão Sinh cũng lấy cuốn này ra giở vài trang, có lẽ cảm thấy nhàm chán, cuối cùng chuyển sang đọc "Alice ở xứ sở thần tiên" thật say mê.

Sau đó khi thanh toán, Du Nhậm không mua được bộ truyện tranh nào đúng ý, chỉ lấy một bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình", kiêu hãnh đặt xuống 87 tệ, 13 tệ còn lại nắm chặt trong tay, vì Bạch Mão Sinh có nhắc nhở: "Cậu không mua giáo trình à?"

Du Nhậm sợ sệt, bỏ thêm một ít tiền tiêu vặt mua bộ "500 câu hỏi rèn luyện tư duy logic toán cho năm nhất trung học cơ sở" và một cuốn từ điển tiếng Anh, hy vọng mẹ đừng phát hiện mình "tiêu tiền bừa bãi" vào tiểu thuyết.

Về những cuốn sách không liên quan đến chương trình học trên trường, ông bà cô không hỏi nhiều, nhưng mẹ cô vẫn để mắt tới, vì chúng cũng tính là "thú vui làm suy đồi ý chí" trong mắt Du Hiểu Mẫn - một sinh viên tốt nghiệp từ trường y.

"Còn cậu thì sao?" Du Nhậm thấy hai tay Bạch Mão Sinh vẫn trống rỗng. Bạch Mão Sinh đặt một tay ra sau lưng, tay kia che mặt, khẽ lắc đầu, giơ một chân lên, hát một khúc hí như vào vai một thư sinh tỏ vẻ ngượng ngùng: "Xấu hổ thay, viêm màng túi."

Cùng Du Nhậm ra khỏi hiệu sách, đi thẳng đến phố ăn vặt, Bạch Mão Sinh "viêm màng túi" móc ra năm tệ tiền lẻ mua hai bát hoành thánh, vừa ăn vừa trò chuyện với Du Nhậm: "Cậu đọc cuốn tiểu thuyết đó nói về cái gì?"

Vừa nuốt miếng hoành thánh nóng hổi, Du Nhậm vừa kể đại khái cho Bạch Mão Sinh nghe về trải nghiệm của Julien, cuốn sách này cô đọc không liền mạch, mỗi lần đến nhà sách Tân Hoa Xã đều cầm lên đọc nối tiếp lần trước, đây là lần hiếm hoi cô vẫn chưa quên tình tiết trước đó.

Nghe hồi lâu, Bạch Mão Sinh tỏ ra biết tỏng: "Đây chính là 'Thám tử tình yêu' của Pháp." Cô giải thích vở kịch cho Du Nhậm: "Sau khi tốt nghiệp trung học, Vương Khôi như đũa mốc chòi mâm son, kết hôn với một tiểu thư có tiền có quyền, đuổi người vợ cả của mình đi. Sau khi đến Hải Thần Miếu khóc lóc, cô vợ cả tự vẫn, kinh động đến thần quỷ, thế là thần quỷ hiện thân bắt Vương Khôi đi."

"Không giống." Du Nhậm bưng bát uống nước, sau đó chùi nước dùng dính trên sống mũi: "Câu chuyện của Julian trắc trở hơn nhiều, anh ấy bị người tình đầu tiên là phu nhân De Rênal tố cáo, trong nỗi nhục nhã và tức giận, anh ấy rình bắn người yêu cũ, sau đó bị tuyên án tử hình".

"Không phải những người đàn ông làm điều ác đều đã bị trừng phạt sao? Có gì khác biệt?" Bạch Mão Sinh ăn uống từ tốn, bát của Du Nhậm đã thấy đáy, của cô thì vẫn còn một nửa, ngón tay phải cầm chiếc thìa nhựa vẫn xoè ra hình hoa lan.

"Ít ra Phu nhân De Rênal còn biết báo cáo, vợ cả của Vương Khôi thì chỉ biết khóc lóc tự mình tìm chỗ chết. Nói chung là không giống nhau." Du Nhậm vừa nói vừa mò tìm tiền lẻ, bị Bạch Mão Sinh giữ tay lại, cô gái hát Việt kịch mỉm cười: "Suối chảy gặp núi non, có duyên ắt gặp lại. Chúng ta còn gặp nhau dài dài, lần này mình mời."

Trở về nhà, Du Nhậm thấp thỏm đọc hết một nửa cuốn "Chiến tranh và hòa bình". Từ thứ Hai đầu tiên của tháng 9, Du Nhậm bắt đầu cuộc sống từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Không được ông bà chuẩn bị những bữa cơm nóng hổi khi còn ở quê, buổi trưa cô không về nhà mà ăn tại căn tin trường. Bạch Mão Sinh thì như cái đuôi không thể tách rời cô, hai đứa trẻ xinh đẹp được cô Trương xếp ngồi cùng một bàn ở dãy thứ năm. Hơn nữa, thật trùng hợp, ngồi ở phía trước, phía sau, bên trái và bên phải đều là các bạn nữ, do đó có thể thấy cô Trương đã đề phòng và chú ý đến từng chi tiết nhỏ để sắp xếp chỗ ngồi công phu đến nhường nào.

Du Nhậm ít nói, trông có vẻ điềm đạm trầm lặng, ngày nào cũng đắm chìm trong thế giới tiểu thuyết ngoài giờ học. Cô không quan tâm phải đi kết bạn với ai hay nói chuyện riêng với bất cứ bạn cùng lớp nào, nếu không nhờ có ngoại hình khá ổn và không phải bạn thân với Bạch Mão Sinh, có lẽ cô sẽ biến thành người tàng hình trong lớp.

Bạch Mão Sinh tuy ít khóc hơn hồi tiểu học nhưng vẫn nhiều hơn những đứa trẻ khác. Cô khóc khi các câu toán trong bài kiểm tra đơn vị quá khó, cũng tuôn nước mắt khi nghĩ đến cảnh ngộ của Lục Du và Đường Uyển trong vở kịch vào giờ ăn trưa.

Với khuôn mặt ưa nhìn bẩm sinh và tính cách dịu dàng dễ mến. Bạch Mão Sinh rất nhanh đã trở thành một người có tiếng tăm trong trường.

Trưa hôm đó, sau bữa trưa ở căn tin, hai người ngồi trên bậc thang ngoài bục biểu diễn trên sân trường, Du Nhậm vừa mở sách ra, thấy tuột ra một phong thư màu hồng, viết "Bạch Mão Sinh nhận". Với không chút biểu cảm, cô dúi cho Bạch Mão Sinh: "Lại là một chị gái, em gái hay anh trai, em trai?"

Du Nhậm tiếp tục đọc sách kinh điển, trong khi Bạch Mão Sinh đọc đủ loại thư tình và những thứ tương tự như thế, có nhiều cô gái đã viết lời mời chân thành sâu sắc: "Hy vọng được làm bạn với cậu."

Bạch Mão Sinh đọc xong những bức thư này đều sẽ trân trọng gấp lại và cất đi, thở dài nói: "Nhưng nếu làm bạn bè rồi thì sao? Không tránh khỏi sẽ có ngày chia xa." Du Nhậm đã thân quen với cô, cầm cuốn kinh điển vỗ lên đầu cô: "Đừng học kịch nữa. Nói chuyện đàng hoàng đi."

Nếu là lá thư của một bạn nam cùng lớp ca ngợi Bạch Mão Sinh lên tận chín tầng mây và đề nghị "hẹn hò", Bạch Mão Sinh sẽ đưa lá thư đó cho Du Nhậm xem.

Du Nhậm nhìn chằm chằm nét chữ: "Đây là do Tả Hạc Minh viết hộ, không phải chữ của chính chủ." Ai cũng công nhận Tả Hạc Minh là một người tài trong lớp 9, luôn ngồi ngay ngắn trong mọi tiết học, tích cực góp ý xây dựng bài, rất được giáo viên tuyên dương.

Bạch Mão Sinh xé thư của bọn con trai thành từng mảnh rồi ném đi, lầm bầm trong miệng: "Hừ, bọn con trai đều là xác thịt nặn từ bùn."

"Đừng nặn bùn nặn nước nữa," Du Nhậm cười thành tiếng: "Chiều nay có bài kiểm tra toán hàng tháng, đã nói mình sẽ không cho cậu chép bài đâu đó, cậu chuẩn bị đến đâu rồi?"

Đôi lông mày của Bạch Mão Sinh lại lo lắng, trông cứ rưng rưng bất hạnh, Du Nhậm cau mày: "Vậy... vậy chỉ được xem các câu trắc nghiệm thôi..." Thấy Bạch Mão Sinh chuyển từ buồn sang vui, cô gãi tai, quay đầu sang chỗ khác: "Đúng là nặn từ nước."

......