Mật Ba Dao

Chương 95: Ngoại truyện 4



Cố Trinh khi còn là thanh niên trí thức, đời sống tinh thần của anh vô cùng thiếu thốn. Ban đêm nếu không phải lén lút đọc những quyển sách bí mật mang từ nhà đến thì là nói chuyện tình cảm với những nữ thanh niên trí thức khác. Chỉ là hẹn hò trò chuyện, quá lắm thì nắm tay, hôn môi. Gia đình người ta đều tốt hơn anh, mặc dù anh không phải người tốt đẹp gì nhưng không muốn liên luỵ người ta. Anh ở nông thôn giữ đất, tiễn đưa hết người bạn gái này đến người bạn gái khác, mấy cô gái trước khi về thành phố đều thề son sắt rằng ở trong thành phố chờ anh, anh không cảm kích, nói rõ với người ta, thanh xuân của anh chỉ có mấy năm này, cho dù các cô có tình nguyện chờ, anh cũng không chờ được. Mấy cô gái bị chọc giận mắng anh là đồ vô tình. Anh không thiếu bạn gái, chia tay người này thì sẽ hẹn hò người khác.

Khi anh xuống nông thôn, cha mẹ đều không còn. Khi đó anh cũng không hận ai, chỉ muốn tận hưởng lạc thú trước mắt. Từ khi về quê cũ, anh không còn ôm hy vọng quay lại thành thị, đọc sách cũng chỉ xem như là trò vui, chưa từng nghĩ tới việc trong sách chứa những điều quý báu. Anh chơi đàn accordion rất hay, đội văn công xã đang tuyển người, nếu anh có thể vào đội tuyên truyền thì có thể được không ít điểm, bí thư chi bộ thôn đề cử anh đi. Anh thấy Tập Lâm nhỏ nhỏ gầy gầy, làm việc cố gắng hết sức lực của mình, anh đem cơ hội đó nhường cho Tập Lâm, còn mình thì tiếp tục sửa chữa cầu đường, thời gian làm việc thỉnh thoảng tâm sự với mấy cô gái trong thôn đang đi làm đồng. Mấy cô gái trò chuyện với anh đôi câu đã đỏ mặt, anh được mấy cô tặng bánh ngô, thi thoảng còn có cả màn thầu trắng. Để báo đáp, anh cũng giúp mấy cô làm không ít việc nhà nông. Sở dĩ anh không hẹn hò với mấy cô gái trong thôn chủ yếu là vì sợ mấy cô ấy bảo thủ, nắm tay một cái đã xác định đây chính là việc cả đời.

Cố Trinh và Tập Lâm lớn lên cùng nhau từ bé. Tập Lâm luôn trầm lặng, không giống anh suốt ngày tựa như con khỉ con, hở tí là nghịch đến lật nóc nhà, khiến ba anh – một phần tử trí thức cao cấp – tức giận đến mức ngày nào cũng muốn đánh mắng anh. Đáng buồn là, không lần nào ông thành công. Tập Lâm luôn là ‘con nhà người ta’ được lấy ra so sánh với anh, mẹ anh luôn muốn có một cô con gái. Khi đó anh luôn cho là Tập Lâm là người giả tạo, không thèm để ý đến cô. Sau này khi cùng xuống nông thôn, Cố Trinh bất giác tự ý thức được mình là anh trai hàng xóm, ăn trộm gà của công đem nướng cũng để lại một phần cho Tập Lâm, công việc phân cho Tập Lâm anh cũng bao thầu gánh vác.

Nhưng chỉ dừng lại ở đó, anh không có ý đồ gì về mặt trai gái với Tập Lâm. Trong nhà Tập Lâm gửi đồ ăn đến cũng có phần anh, anh xem như là ‘có qua có lại’, cũng không cho rằng Tập Lâm có ý gì khác.

Quan hệ giữa Cố Trinh và Tập Lâm chính thức thân thiết là khi Tập Lâm được giới thiệu đến tỉnh thành học đại học, mẹ Tập Lâm đã sử dụng một số quan hệ để có được việc đó. Cố Trinh thỉnh thoảng giúp đỡ theo kiểu ‘đưa than ngày tuyết rơi’ chứ không bao giờ làm việc ‘dệt hoa trên gấm’, vì vậy anh không đến chúc mừng Tập Lâm. Nhưng Tập Lâm lại đột nhiên trở nên chủ động, khi cô đến trường đại học, mỗi tháng cô đều gửi cho anh một gói đồ, bên trong có đồ ăn, thư từ, còn có một ít sách hiếm. Có lẽ vì anh đọc nhiều sách nên cũng tạm thời quên mất việc yêu đương, quan trọng nhất là trong số thanh niên trí thức không còn bao nhiêu con gái cùng độ tuổi, họ tham gia quân ngũ, làm công, đi học đại học.

Trong thư, Tập Lâm tỏ ý muốn yêu anh. Anh không nhận lời, tương lai của Tập Lâm là một con đường bằng phẳng, số phận anh còn lăn lộn ở sườn núi đá vàng, hai người không phải là người chung một con đường. Anh trả lời thư Tập Lâm nói, con gái nhà bí thư chi bộ thôn làm đồ ăn ngon cho anh mỗi ngày, hôm trước nấu mì có hai quả trứng gà, hôm qua lại lấy màn thầu trắng hấp chín rồi lại rán vàng lên cùng trứng gà vàng ươm, gói cẩn thận vào hộp cơm tráng men mang đến cho anh. Anh không cưỡng lại được sức hấp dẫn của món ăn, ‘ăn tám lạng trả nửa cân’, nếu người ta đồng ý thì anh sẽ lấy thân báo đáp, hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước, cắm rễ xây dựng nông thôn.

Sau khi nhận được thư anh, Tập Lâm không viết thư cho anh nữa mà gửi một cân bánh trứng, hai miếng bánh hạch đào cùng sách.

Cuối cùng Cố Trinh không thực hiện được việc ‘lấy thân báo đáp’, bí thư chi bộ ngại xuất thân của anh không tốt, gả con gái cho cán bộ xã. Anh lại bắt đầu gặm bánh ngô, những phần màn thầu chiên một đi không trở lại.

Sau đó kỳ thi đại học được khôi phục, Tập Lâm đã gửi cho anh một chồng sách, những bức thư đầy những lời động viên. Anh ở nông thôn bao nhiêu năm, ngại lại mất bốn năm học đại học quá lãng phí, đi thẳng lên nghiên cứu sinh. Năm thứ ba sau khi Cố Trinh trở lại thành phố, ngôi nhà của gia đình anh bị tịch thu trước kia được trả lại, tiền lương của cha mẹ bị khấu trừ trước kia được trả lại cho anh. Tập Lâm chưa có bạn trai, anh chủ động đề nghị yêu cô.

Theo quan điểm Cố Trinh, quan hệ giữa nam nữ quan trọng nhất là tình nghĩa, mẹ đối với ba anh trọng tình trọng nghĩa, thà chết cũng không phân giới hạn với ông. Tập Lâm đối với anh cũng đủ tình nghĩa, khi anh không có hy vọng quay về còn chủ động muốn yêu đương cùng anh. Nếu Tập Lâm không chủ động đề nghị chia tay, đương nhiên anh không thể phụ lòng cô.

Cuối cùng anh vẫn phụ lòng Tập Lâm, kết hôn với Diệp Đường.

Sau khi Cố Trinh kết hôn với Diệp Đường, hai người chịu đủ loại tin đồn. Phổ biến nhất là Cố Trinh bội tình bạc nghĩa với Tập Lâm, Diệp Đường nhờ con mà mới giành được vị trí. Trong khoa đều là những người trọng thể diện, trước mặt Cố Trinh vẫn tử tế lịch sự, chỉ khi bàn luận sau lưng mới nói anh là Trần Thế Mỹ*. (Vụ án Trần Thế Mỹ nổi tiếng trong phim Bao Công đó, mình chú thích bên dưới.)

Diệp Đường không tỏ thái độ gì, tin đồn sẽ tự tan.

Mẹ của Diệp Đường có cảm giác phức tạp về con rể của mình. Cố Trinh là con rể đẹp nhất trong số con rể của bà, những người con gái khác đều vì lợi ích thực tế, không quan tâm đến tướng mạo bên ngoài của chồng, những đứa cháu ngoại của bà lại cực kỳ giống cha mình. Ánh mắt đầu tiên khi bà gặp Cố Trinh là thích vô cùng, không giống những người con rể khác bề ngoài xấu xí. Lúc đó con gái lại trong tình cảnh kia, tìm được một người con rể như vậy không có gì bất mãn.

Giáo sư đại học, cha mẹ đều mất, còn có căn nhà ba tầng lầu, điều kiện không thể tốt hơn. Bất mãn đối với Cố Trinh là từ hôm hôn lễ. Hôm đó không có một người đồng nghiệp nào của Cố Trinh tham dự. Bà thận trọng dò hỏi mới biết được, con rể là do con gái mình giật từ tay người khác mà có. Từ đó, bà đối với người con rể này có ba phần không yên tâm, trong lòng nghĩ, nếu Diệp Đường có thể cướp lấy con rể từ tay người khác thì anh ta cũng có thể bị người khác cướp đi. Nhưng ván đã đóng thuyền, bà cũng chỉ có thể chấp nhận, ngoài mặt vẫn đối xử đàng hoàng với con rể.

Ba Diệp Đường rất hài lòng với người con rể này, gia đình ông toàn là con gái, Cố Trinh lại không cha không mẹ, có thể xem như một nửa là con trai ông. Sau khi biết Cố Trinh không biết nấu ăn, cha mẹ Diệp Đường đề nghị cặp vợ chồng trẻ sống cùng nhà họ Diệp, có sẵn cơm để ăn.

Hai người họ mới cưới, không muốn ở cùng cha mẹ nên nhẹ nhàng từ chối. Mỗi ngày mua đồ ăn từ căn tin, ăn cùng nhau, ngày qua ngày rất thú vị. Khi Diệp Đường còn con gái, không thích đồ ăn ở nhà ăn nên thường mang cơm nhà theo. Kết hôn rồi thì tới giờ cơm đi tranh giành với người khác, có hôm vì hai miếng xương sườn mà suýt nữa đánh nhau với người khác, cuối cùng cô vẫn giành được thắng lợi. Nhìn Cố Trinh ăn những chiến lợi phẩm mà mình giành được, cô càng thêm sức chiến đấu.

Mỗi cuối tuần, hai người về nhà mẹ đẻ ăn cơm. Cả hai đều tiêu xài hoang phí, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không tiết kiệm được đồng nào. Cố Trinh lúc yêu Tập Lâm thì thường xuyên thu không đủ chi, mỗi tuần anh đều mời Tập Lâm đi ăn tiệm, thấy quần áo đồ đạc tốt thì không hỏi Tập Lâm có cần hay không mà vẫn mua, đến cuối tháng chỉ có thể ăn mì gói với dưa muối. Tập Lâm khuyên anh, anh cũng không thèm bận tâm, tiếp tục cuộc sống như vậy. Diệp Đường tiêu xài cũng không khác anh, cô ăn cơm nhà không cần phụ tiền, tiền kiếm được chỉ để mua quần áo, mỹ phẩm cho bản thân, mua đồ ăn cho ba mẹ. Ông Diệp mỗi tháng uống rượu Mao Đài do Diệp Đường mua, một bình Mao Đài bảy đồng, nhưng ngoài con gái út mua thì ông không uống rượu do người khác mua.

Diệp Đường kết hôn rồi mới có ý thức quản lý tài chính, mọi thứ chi tiêu đều dành cho Cố Trinh trước hết. Hai người kết hôn chưa đến hai tháng, từ đầu tới chân Cố Trinh, đến cả đôi vớ cũng là do cô mua.

Mỗi chủ nhật, con gái con rể nhà họ Diệp đều phải đến ăn cơm trưa. Hai người mỗi lần đến nhà họ Diệp đều đi một vòng chợ rồi mới đến, chưa bao giờ đến tay không.

Có hôm, Diệp Đường mua một con cá chép, đến giờ cơm không thấy có cá chép trên bàn nên hỏi mẹ sao không làm cá chép, mẹ bảo để mai rồi mới nấu. Chờ các chị, anh rể Diệp Đường đi về rồi, mẹ Diệp mới cố tình giữ con gái út và con rể lại ăn tối. Trên bàn ăn Diệp Đường thấy cá nằm trên dĩa, bà Diệp còn chiên riêng cho con rể một phần xương sườn.

Ăn xong, mẹ Diệp gói ghém phần cá và sườn còn lại để hai người mang về, dặn lần sau đến không cần đem về nhiều đồ như vậy.

Tuần sau, họ vẫn đi chợ mua một đống đồ mang đến. Bữa trưa mẹ Diệp nấu đồ ăn càng ít, tất cả những thứ hai người mua đều để dành cho bữa tối.

Trên bàn ăn, hai vợ chồng già không ngừng gắp giục con gái gắp thức ăn cho con rể.

Diệp Đường không chịu được nữa, khuyên mẹ: “Mẹ, cần gì mẹ phải làm thế này? Nếu chị con mà biết lại nói mẹ thiên vị.”

Mẹ Diệp cười nói: “Có tim ai mà nằm ngay chính giữa đâu? Không phải đều thiên vị sao. Hơn nữa đồ ăn đều là do con mua, sao lại cho bọn chúng ăn?” Nói rồi lại gắp một miếng lạp xưởng cho con rể.

“Lạp xưởng này không phải do anh rể hai mua sao?”

“Cái này là do cơ quan nó phát, không mang đến đây thì ăn cũng không hết, lát nữa tụi con mang về một ít đi.” Rồi lại nói với con rể, “Mấy đứa con gái của ta, có lẽ nó là đứa ngốc nhất, bị người ta lừa còn giúp đếm tiền, nhưng được cái nó thành thật, biết thương người. Cuộc sống tụi con còn dài, tiền vẫn nên tiết kiệm đi, đừng mang đến nhiều đồ như vậy.”

Nói rồi hai vợ chồng già lại gói ghém đồ cho con gái con rể út, đến tận sáu hộp.

Kết hôn không bao lâu, Diệp Đường mang thai. Hai người sinh hoạt vợ chồng thường xuyên nên cho dù tránh thai thì vẫn có sự cố ngoài ý muốn.

Việc Diệp Đường mang thai là do mẹ cô phát hiện trước tiên.

Cố Trinh đi họp tỉnh bên, chủ nhật Diệp Đường về nhà mẹ ăn cơm một mình như thường lệ.

“Con cũng học nấu ăn đi, làm gì có phụ nữ nào không biết nấu ăn, may là Cố Trinh không chê con.” Mẹ Diệp phê bình con gái út.

“Ai nói phụ nữ thì nhất định phải biết nấu ăn? Cố Trinh nói là theo truyền thống thì đàn ông mới nên chịu trách nhiệm nấu cơm, suy cho cùng mấy đầu bếp toàn là đàn ông.” Cố Trinh cũng không thể nói anh không thể nấu ăn, hồi trước ăn trộm gà nướng làm ăn cũng rất ngon, nhưng đồ ăn anh làm thực sự chẳng ra sao. Hai người nói sẽ thay phiên nhau nấu, kết quả là đều rất tệ, không ai đủ tư cách chê bai, vì vậy vui vẻ tiếp tục ăn cơm nhà ăn.

“Bây giờ con còn trẻ, nó còn tình nguyện chiều con, có thể chiều con cả đời sao? Con kết hôn rồi thì không thể cứ như trẻ con, tiền bạc chi tiêu phải có kế hoạch.”

Diệp Đường không để tâm, hôm đó cô ngủ lại nhà. Sáng hôm sau bắt đầu nôn mửa, đi bệnh viện khám mới xác định đúng là mang thai.

Hai vợ chồng già mừng lắm, đi chợ mua một con cá chép to về hầm canh cho con gái.

Diệp Đường không thích đứa trẻ này cho lắm, trong đoàn mới có diễn viên mới, nếu lúc này cô sinh con thì chắc hẳn phải đứng sang một bên. Hơn nữa cô cảm thấy trong nhà chỉ có cô và Cố Trinh là rất tốt, thêm một người nữa rất khó xử. Nhưng trước khi kết hôn cô đã hứa sẽ sinh con cho Cố Trinh, nếu Cố Trinh biết cô bỏ thai… Cô thật sự không dám tưởng tượng.

********

GHI CHÚ:

- Việc Cố Trinh là thanh niên trí thức về nông thôn có thể tham khảo thêm thông tin về Cách mạng văn hoá của Trung Quốc.

Cách mạng văn hoá diễn ra trong 10 năm từ tháng 5 năm 1966 tới tháng 10 năm 1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Trung Quốc. Cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị, và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, phong trào này cũng gây ra những vụ bạo động, sự hỗn loạn và tổn thất lớn, nên nó cũng được gọi là "10 năm hỗn loạn", "10 năm thảm họa".

Cuộc cách mạng này được Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo từ ngày 16 tháng 5 năm 1966, với mục tiêu chính thức là "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội". Tuy nhiên, mục đích chính của cách mạng này được một số người cho là một cách để Mao Trạch Đông lấy lại quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc sau cuộc Đại nhảy vọt bị thất bại dẫn đến sự tổn thất uy tín đáng kể của Mao Trạch Đông trước những lãnh đạo bất đồng ý kiến như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài,...

Mao tuyên bố rằng "các phần tử tư sản đã xâm nhập vào chính phủ và xã hội", chúng đang có âm mưu "khôi phục chủ nghĩa tư bản". Để tiêu diệt các thành phần chống đối trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cũng như trong các trường học, nhà máy và các tổ chức chính phủ, Mao nhấn mạnh rằng những người theo chủ nghĩa xét lại cần phải bị loại bỏ thông qua đấu tranh giai cấp bạo lực. Có‎ gì‎ hot?‎ Chọt‎ thử‎ tгang‎ #‎ 𝐓г𝗨‎ ⅿtг𝘂yện.𝚅n‎ #

Giới trẻ Trung Quốc hưởng ứng chủ trương này bằng việc thành lập các nhóm Hồng vệ binh trên khắp đất nước. Các trường trung học và đại học đã bị đóng cửa. Các công nhân đô thị cũng chia thành các phe phái, và quân Giải phóng được huy động để khôi phục trật tự. Nhiều quan chức cấp cao, đáng chú ý nhất là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, đã bị bắt giam hoặc bị lưu đày. Hàng triệu người bị buộc tội là "phần tử cánh hữu", họ bị bức hại hoặc chịu sự sỉ nhục công khai, bị cầm tù, bị tra tấn, phải chịu lao động khổ sai, bị tịch thu tài sản và thậm chí bị xử tử hoặc bị ép phải tự tử.

Nhiều thanh niên trí thức thành thị đã bị gửi đến các vùng nông thôn trong cái gọi là phong trào Tiến về Nông thôn. Hồng vệ binh đã phá hủy rất nhiều các di tích và hiện vật lịch sử có giá trị, nhiều địa điểm văn hóa và tôn giáo cũng bị lục soát.

- Trần Thế Mỹ: Trần Thế Mỹ xuất thân vốn là một thư sinh nghèo khó tại vùng Hồ Nam, có cha mẹ nghèo khó, anh ta kết hôn với Tần Hương Liên và có hai đứa con. Tần Hương Liên hết lòng dốc sức làm lụng cho Trần Thế Mỹ ăn học. Sau đó Trần Thế Mỹ lên kinh thi cử và đỗ trạng nguyên. Công chúa thấy Thế Mỹ sáng sủa và muốn kết hôn. Tân khoa trạng nguyên Trần Thế Mỹ tài học xuất chúng, được thái hậu yêu quí và chiêu làm phò mã, cả nước cùng ăn mừng.

Trần Thế Mỹ vì đỗ trạng nguyên mà được tung hô, tâng bốc và đã chán cảnh nghèo khổ nên muốn ruồng bỏ quá khứ, chối bỏ vợ con. Lúc này Tần Hương Liên dẫn hai người con lên kinh tìm chồng, trước đó cha mẹ của Trần Thế Mỹ vì quá già yếu nghèo khó nên mất, trước khi mất dặn Hương Liên lên tìm chồng trở về quê.

Thôn phụ Tần Hương Liên mang theo hai đứa con là Xuân Ca và Đông Muội vượt ngàn dặm đến kinh thành tìm chồng. Vốn là phò mã nên Trần Thế Mỹ đã không nhận vợ con và sai người đuổi họ đi vì sợ tội "Trùng hôn" (đã kết hôn rồi lại kết hôn lần nữa khi chưa hủy hôn ước nhất là dám lừa dối công chúa là chưa có vợ).

Tần Hương Liên uất ức nên chặn kiệu của Bao Chửng đệ đơn kêu oan. Được sự giúp đỡ của Triển Chiêu, cô tới được công đường nhờ Bao chửng phán xét. Trần Thế Mỹ biết chuyện liền phái Hàn Kỳ giết hại ba mẹ con để giết người diệt khẩu nhưng không thành. Hàn Kỳ cũng ăn năn những việc mình đã làm và tự kết liễu mình rồi đưa đao đồng vốn là vật trong phủ Phò mã cho Tần Hương Liên làm vật chứng để tố cáo tội ác của Trần Thế Mỹ.

Bao Chửng triệu Trần Thế Mỹ tới công đường Khai Phong hỏi tội rồi kết án và cho đao phủ xử chém. Trần Thế Mỹ ỷ vào sự che chở của vợ và thái hậu Lý thị (người mà trước đó đã nhờ Bao Thanh Thiên giải oan cho mình trong vụ án Linh miêu đánh tráo thái tử) gây áp lực đòi tha hắn. Tuy nhiên, Bao Công cùng với các cộng sự của mình kiên quyết xử chém, thậm chí ông cùng với các cộng sự cởi mũ quan và đưa Thế Mỹ lên Long đầu trảm xử chém.