Ngậm Ngải Tìm Trầm

Chương 6: Lên Đường Tìm Trầm



Trời đã tờ mờ sáng cũng là lúc Trương Đình An trở về nhà sau một đêm lăn lộn ở Chợ Âm Phủ, bản thân đầy mệt mỏi nằm trên giường ngủ say như chết. Không biết đã qua bao lâu nhưng chỉ nhớ là mặt trời đã lên cao chót vót, Trương Đình An bị một tiếng động làm cho bừng tỉnh, trước khi đứng dậy hắn cảm thấy đầu đau như búa bổ, cơ thể như không còn chút sức lực nào, miệng lẩm bẩm: "Đúng như lời lão phú hộ Đinh nói, ở càng lâu thì cơ thể càng mệt mỏi. Nếu ở bên trong quá năm canh giờ khéo mình cũng không ra ngoài được mất".

Thì ra lão phú hộ Đinh lo cho an nguy của hắn nên trời vừa đứng bóng ban trưa đã đến hỏi thăm, vừa trông thấy người cần thấy lão phú hộ Đinh đã nở nụ cười dê già mà kéo hắn vào ghế trong hỏi chuyện: "Sao? Có gặp lão thầy bói Lục Chỉ đấy không? Lão có dặn dò gì không?".

Trương Đình An bèn kể lại câu chuyện từ khi bước vào và từ khi bước ra cho lão phú hộ Đinh kia nghe, lão phú hộ Đinh nghe thấy vậy liền gọi gia nhân bên ngoài đem đồ ăn, trái cây vào cho hắn. Từ tối hôm qua đến giờ chưa bỏ gì vào bụng thành ra bây giờ bụng như đánh trống, trông thấy đồ ăn liền vồ đến nhai ngấu nhau nghiếng.

Lão phú hộ Đinh đứng dậy đi đến bóp vai cho hắn nói lời ngon ngọt: "Đây! Đây! Đồ ăn còn nhiều lắm đệ đây cứ ăn cho hết đi..".

Trần gian thế tục chẳng ai tốt với nhau bao giờ, đó là với những người cùng giai cấp cùng tần số với nhau còn đây là trường hợp chênh lệch giai cấp thậm tệ cho nên qua hành động của lão phú hộ Đinh có thể thấy lão đang có ý nhờ vả mà nhờ vả trong trường hợp này cũng chính là sau khi toàn mạng quay về mà kiếm được trầm, thì hắn đây phải chia cho lão một "chút ít" coi như tiền đồ ăn với lại tiền trung gian giới thiệu.

Người An Nam chúng ta hay có câu nói: "Tính trước bước không qua? Tính làm vua lại làm lính. Nhưng tính làm lính lại làm vua". Trước khi xông pha chiến trường thì binh lính thường được cho ăn "gần" no, vũ khí cũng không trong tình trạng hoàn hảo mà phải nứt chỗ này một "ti" nứt chỗ kia một "tí" âu cũng là điều Luật mà dân trầm phu cấm kị, đó là tránh làm mọi thứ như "chuẩn bị chết đến nơi" mà lão Lục Chỉ đã quên dặn dò Trương Đình An, nay hắn vì không biết mà lại phạm phải, coi bộ chuyến đi tìm trầm lần này chỉ biết thở dài.

Đúng như lời mà lão Lục Chỉ đã dặn dò, gần tới nửa đêm Trương Đình An đã đến nơi mà lão dặn dò từ trước. Đó chính là núi Cửu Xuyên, cũng chính là nơi được cho là ít thú dữ nhất, độ an toàn lại ở mức gần cao phù hợp cho những trầm phu mới vào nghề như Trương Đình An đây.

Lần này hắn đứng dưới núi, tay chân run rẩy đứng cạnh lão Tứ nhìn lên trên, hắn hỏi: "Chính là nó đúng không?".

Lão Tứ dường như trông thấy kẻ gà mờ này mới hôm qua còn tỏ ra cứng rắn nay lại tỏ ra nhát cấy như cậy liền phì cười nói: "Thả lỏng đi cậu em, có tôi đây rồi nên cứ yên tâm, lúc trước mới làm trầm phu tôi cũng giống như cậu y như đúc nhưng làm dần cũng quen à.. tính ra cũng gần chục năm trong nghề này rồi đấy!".

Lão Tứ lấy trong túi ra một sợi dây nanh hổ, dài bằng nửa ngón tay người cột bên trên là một sợi dây màu đen đưa cho Trương Đình An nói: "Này là dây nanh hổ được thầy tôi làm phép, nó có công dụng trừ yêu diệt ma mang lại an toàn cho người đeo nó".

Sau đó Lão Tứ lấy ra một tay nải giải thích bên trong đã chuẩn bị những thứ thiết yếu như: Lưỡi liềm, máu chó dây mực, nhang và đá lửa rồi đưa cho Trương Đình An.

Trương Đình An hỏi thì Lão Tứ mới trả lời như sau: "Lười liềm dùng để chặt cây, chặt xà vì nó khá nhẹ nên có thể mang theo, máu chó dùng để khi gặp ma quỷ thì hất vào người bọn chúng, đá lửa thì để tạo lửa còn dây mực và nhang lát hồi sẽ giải thích sau. Những thứ quan trọng tôi cầm ở đây rồi, cậu mang theo những món đó cho nhẹ người".

Tên Lão Tứ này là một kẻ rất mưu mô, khi không trông chờ gì vào Trương Đình An nên mới đưa những món đồ tầm thường, ai nào ngờ trong tay nải của Lão Tứ còn có một vật nhắc thôi chỉ muốn thở dài.

Trương Đình An lúc này thắc mắc hỏi: "Sao chúng ta không đi ban ngày mà lại đi ban đêm?".

Lão Tứ lắc đầu ngao ngán đáp: "Trầm rất thơm, người thích thì cả ma quỷ cũng thích, đi ban đêm thì nơi nào có ma ở đó chắc chắn có trầm".

Trương Đình An nghe đến đây thì nổi cả "da gà da heo" lên, trần đời lại có người thích đùa giỡn với ma quỷ như Lão Tứ này đây, nói như Lão Tứ này thì chắc chắn và sẽ gặp rồi, hắn nghĩ bụng: "Nếu điều đó xảy ra, lão tôn phải tìm cách chuồn trước. Ai đời lại chơi đùa với người cõi âm như thế, đã thế còn tính kế vớ người ta nữa".

Lão Tứ trước khi bước vào bên trong núi, liền quay sang nói với hắn như sau: "Sao! Sợ rồi à.. trước khi vào tôi nói luôn nhé. Gạo gọi là hạt, ly uống nước gọi là can, ăn gọi húp, bệnh đau thì nói là nhứt, đau bao tử phải gọi là đau bao tải và đặc biệt chết gọi bằng trẫu hoặc trỗi. Còn gặp thú dữ, sói thì gọi là ông sói, hổ thì gọi là ông hổ, rắn thì gọi là ông rắn, cứ có thú vật nào nguy hiểm thì gọi là ông, hiểu rồi chứ?".

Trương Đình An hỏi thì lão Tứ mới trả lời vì sao gọi như vậy. Trên rừng trên núi, trầm phu cấm kị nhất đó chính là nói điềm gở xui xẻo nên phải nói "lái" đi, giả sử như "ly" thì thường hay làm người ta biết đến "ly biệt" hay "ly tán" cái đó không nên. Còn gặp động vật gọi ông mục đích là để tỏ ra tôn kính bọn chúng, để chúng không để bụng mà gọi bầy đàn quay lại báo thù, âu cũng là "có thờ có kiêng có kiêng có lành".

Lão Tứ nói thêm: "Hiểu hết rồi chứ, còn nhiều điều Luật lắm, tôi sẽ kể cho nghe, chúng ta còn ở với nhau dài ngày mà.. bây giờ lên đường tìm vàng thôi".

Núi non hiểm trở, hai gã với mưu mô làm giàu, hóa vàng cuộc đời bằng thứ trầm hương đấy tiến thẳng vào rừng sâu. Âyu cũng là để tránh cái đói cái rét, số phận cả hai sẽ như thế nào? Hồi sau sẽ rõ.

* * * "Ai ơi chớ dại tìm trầm..

* * *Lúc đi ba bốn - lúc về bốn ba..

* * *Cớ sao lại ngược thế ta..

* * *Đương nhiên là bởi - chết ma hóa thành"..