Nước Pháp Và Anh

Chương 3: Gặp gỡ



"Hmm, trường mình có câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, kịch, nghiện sách, nhiếp ảnh, truyền thông - event, guitar, tiếng anh... A, có cả câu lạc bộ toán nữa nè"

"Hết rồi hả?"

Ngữ Tịch gật đầu ý chỉ là đã hết. Đợi Mạn Nhu suy nghĩ một lúc lâu vẫn không có động tĩnh gì, cô bạn Ngữ Tịch liền lên tiếng trước.

"Mình chọn câu lạc bộ kịch và... câu lạc bộ truyền thông - event. Mình sợ sẽ thành con người bận rộn, không có thời gian vui chơi nên chỉ chọn 2 câu lạc bộ. Nhu Nhu, còn cậu thì sao?"

"Mình sẽ vào câu lạc bộ nhiếp ảnh.". Đam Mỹ Hài

Từ nhỏ Mạn Nhu đã rất thích chụp ảnh, cô hay chụp những bức ảnh đời thường hoặc những cảnh đẹp xung quanh mình. Nhưng dần lớn lên, cô luôn tập trung hết mình vào việc học, tạm gác những sở thích thuở nhỏ. Giờ lên cấp ba, câu lạc bộ nhiếp ảnh khiến cô chợt nhận ra bấy lâu nay đã lãng quên đi thứ mà từng khiến mình có cảm giác thoải mái và an yên.

Sau khi đăng ký câu lạc bộ xong, Mạn Nhu liền qua quán mì của ông bà Trương phụ giúp, vì thời tiết mùa đông năm nay rét hơn mọi năm nên một nhân viên lâu năm của quán bị cảm, ông bà Trương cũng có tuổi không thể một mình trông coi quán.

"Cháu tới rồi ạ, công nhận ngoài trời rét thật, cháu đông cứng hết cả người luôn." Nhu Nhu vừa nói vừa gấp chiếc ô đã ướt vì mưa, cất gọn vào trong góc. Xoa hai bàn tay vào nhau để đỡ lạnh.

"Ai chà, khổ thân cháu bà quá. Nào, ra đây ăn tô mì cho ấm bụng. Chắc cháu cũng đói rồi phải không?" Bà Trương mang tô mì nóng hổi ra, không quên đem theo túi giữ nhiệt cho cô.

"Tối nay cháu phụ cho ông bà. Ngày mai nếu anh Minh Minh chưa khỏi bệnh thì bà cứ gọi cháu tới nha, cháu làm việc năng suất lắm đấy."

"Minh Minh ấy hả, thằng bé xin nghỉ phép mỗi hôm nay nhưng bà không cho, bị bệnh thì phải dưỡng bệnh cho thật tốt nếu không trời này dễ cảm lại nên ngày mốt nó sẽ đi làm lại. Còn mai thì bà nhờ được người phụ rồi."

"Vậy thì tốt quá ạ."

Ăn xong tô mì, Mạn Nhu liền bắt tay vào việc. Nhiệt độ ban đêm lúc này của Thành phố Tự Hải xuống mức chín độ, mưa phùn trước đó tuy đã tạnh nhưng vẫn còn dư âm nó để lại, lượng khách ra vào quán vì thế mà giảm hơn so với thường ngày. Đến tầm chín rưỡi, những vị khách cuối cùng của quán đã rời đi, đầu bếp chính của quán cũng tan ca, cô giúp ông Trương dọn dẹp mọi thứ cho thật sạch sẽ, còn bà Trương thì bận bịu chuẩn bị nguyên liệu cho ngày mai. Ngày nào cũng vậy, quán sẽ mở lúc năm rưỡi sáng và đóng cửa khi đã hết khách. Đối với những con người ở tuổi xế chiều như ông bà Trương, tuy vất vả nhưng đã quen với nhịp sống này. Ông Trương từng nói rằng "Sẽ làm việc đến khi nào ông bà không còn sức nữa thì thôi. Khi ấy ông bà sẽ vô viện dưỡng lão, còn quán mì này thì nhượng lại cho họ hàng."

...

Hôm nay bà Mẫn Hoa được nghỉ làm nên quyết định vào bếp trổ tài làm bánh. Bà đã từng học qua một lớp nấu ăn hồi hè nhưng chưa có dịp thực hành khi ở nhà do tính chất công việc. Việc nấu ăn thường ngày là do chồng và con gái bà đảm nhận, chỉ khi nào cần thiết lắm Mẫn Hoa mới vào bếp nấu cơm cho gia đình mình, có hôm đồ ăn nhạt quá có hôm lại mặn quá khiến cả nhà ngao ngán. Chính vì thế nên khi nghe mẹ mình sẽ vào bếp, Mạn Nhu - con gái bà đã không tin, cô không nghĩ là sau khi đi học nấu ăn về thì tài nấu nướng của mẹ mình sẽ ổn. Tuy vậy Mạn Nhu vẫn hy vọng mẹ sẽ làm ra được món gì đó thật ngon, để cô có cái nhìn khác về mẹ mình.

Và sau đó, bánh tiramisu do chính tay bà Mẫn Hoa làm đã ra lò, ngoài ra còn có bánh quy bơ. Vì muốn ăn luôn trong ngày nên tiramisu chỉ để trong tủ lạnh khoảng sáu tiếng. Mạn Nhu hồi hộp nếm thử.

"Sao hả? Mẹ đã cố gắng hết sức rồi đó, con thấy sao?"

Sau khoảng lặng giữa hai mẹ con, cô nhìn mẹ gật đầu tỏ vẻ là được. Lần đầu làm tuy không quá xuất sắc nhưng đối với Mạn Nhu và mẹ cô thì như vậy là quá ổn. Khi mua nguyên liệu để làm bánh, Mẫn Hoa đã tính là sẽ làm thêm cho ông bà Trương, bà nhờ con gái mình gói lại một ít bánh quy và tiramisu đem qua quán mì.

Bây giờ là bốn giờ chiều, ngoài trời lúc này có nắng nhưng vẫn rất rét. Mạn Nhu vui vẻ bước vào quán mì, trong quán bấy giờ đang khá đông khách nhưng lại không thấy ông bà Trương và người phụ việc hôm nay. Cô vội vã đem bánh bỏ vào tủ lạnh rồi ra phụ. Ông Trương từ trong bếp đi ra, thấy Mạn Nhu liền tươi cười.

"Mẹ cháu hôm nay làm bánh bảo cháu đem một ít qua cho ông bà, nhưng mà bà đâu rồi ạ, sao cháu không thấy ai."

" y, bà ấy đang trong bếp đó, nhiều việc quá nên bà vào phụ đầu bếp cho nhanh."

"Ơ, thế hôm nay không ai phụ ông bà hết ạ, sao hôm qua cháu nghe bà bảo..." Mạn Nhu ngạc nhiên hỏi.

"Ôi dào có chứ, thằng bé vừa bê hàng vào kho. Đây rồi, ra rồi." Ông Trương vừa nói vừa chỉ tay về hướng nhà kho.

Từ trong kho, một người cao ráo cùng với thân hình gầy bước ra, Mạn Nhu ngay lập tức nhận ra gương mặt quen thuộc này... Không ai khác chính là... Lăng Viết Ngôn. Cô bất ngờ khựng lại vài giây cho đến khi có khách vào gọi món. Viết Ngôn liền nhanh nhẹn chạy ra, đi ngang qua quầy không quên cầm theo thực đơn. Thấy vẻ mặt bất ngờ của Mạn Nhu, ông Trương hiểu ý vội giải thích.

"À, đây là cháu trai của em gái bà Trương. Người họ hàng thân thiết mà ông từng kể cháu nghe đó. Hình như thằng bé cũng học chung trường với cháu đấy. Lăng Viết Ngôn, cháu có quen nó không?"

"Bọn cháu... cũng gọi là quen biết sơ sơ ạ, cháu học a hai, bạn ấy học a mười."

"Ôi thế là cũng được rồi. Đấy, sau này có gì cứ giúp đỡ nhau, người quen cả."

Tầm ba mươi phút sau, lượng khách trong quán cũng không còn mấy ai, lúc này ông bà Trương mới ngồi nghỉ ngơi, ăn thử bánh mà mẹ của Mạn Nhu đã làm, bỗng bà Trương sực nhớ ra điều gì đó, bà gọi cô và Viết Ngôn lại, nhẹ nhàng nói.

"Ngôn Ngôn, đây là người mà bà hay kể cháu nghe, cháu nhớ chứ?"

"Dạ cháu nhớ."

Trong khi đó thì Mạn Nhu vẫn không hiểu gì. Hay kể gì chứ, bà Trương hay kể cô với người khác sao? Cô hỏi lại với vẻ mặt ngơ ngác, một giọng nói quen thuộc ấm áp vang lên giải đáp thắc mắc của cô.

"Vậy ra cậu là Mạn Nhu. Bà Trương thường xuyên nhắc đến cậu với tôi."

Mạn Nhu định trả lời thì ông Trương lên tiếng.

"Cùng tuổi, cùng trường vậy là quá tốt rồi, sau này hai đứa nhớ đùm bọc giúp đỡ nhau. Mà Ngôn Ngôn từng gặp con bé trước đây lần nào chưa?"

"Chưa từng ạ."

...

Ngày khai giảng hằng năm luôn là chủ đề được nhiều nhà đài săn đón bởi quy mô và ý nghĩa lớn lao của nó. Đây là ngày mà toàn quốc tổ chức lễ khai giảng, đánh dấu một năm học mới bắt đầu. Thành phố Tự Hải cũng không ngoại lệ, từ mầm non đến trung học. Thời tiết hôm ấy rất biết chiều lòng người làm không khí cũng trở nên rạo rức, nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Mạn Nhu đã dậy từ sớm để chuẩn bị, hôm nay cô không phải đi xe buýt, Ngữ Tịch sẽ đến đón vậy nên cô không cần vội vã chạy ra bến xe đợi xe như những lần trước. Ánh sáng đầu tiên của ngày đã chiếu vào căn phòng khi cô vừa mở rèm ra. Mạn Nhu trèo lên nóc tủ, lấy xuống một chiếc hộp đã đóng bụi nhiều mảng, bên trong là một số đồ vật cô đã lưu giữ ở đây từ bé, có một chiếc máy ảnh nhỏ được cất cẩn thận ở chính giữa hộp, Mạn Nhu lấy máy ảnh ra lau chùi sơ qua. Hôm nay sau khi khai giảng kết thúc sẽ là lễ giới thiệu thành viên mới của câu lạc bộ nhiếp ảnh, vậy nên cô sẽ đem theo máy ảnh đã nhiều năm của mình, cô cũng muốn chụp lại vài cảnh đẹp ngày khai giảng. Tuy đã cũ nhưng chiếc máy ảnh nhỏ này lại có ý nghĩa với Mạn Nhu, cô được bố tặng vào sinh nhật lần thứ mười một, cũng là chiếc máy ảnh cô luôn mơ ước có được thuở đó.

Đã sáu giờ bốn lăm phút, Mạn Nhu tạm biệt bố mẹ sau khi ăn sáng xong. Cô hẹn Ngữ Tịch đi sớm để tiện ghé qua hiệu sách mua vài tấm phim cho máy ảnh. Trên đường đi không quên kể cho Ngữ Tịch nghe về việc gặp Viết Ngôn ở quán mì.

"À, cậu bạn này ấy hả, hôm bữa tựu trường mình cũng có bắt chuyện qua, căn bản là khá khó gần, hỏi một câu trả lời một câu, chẳng chủ động nói chuyện. Người ta bảo mấy đứa ít nói thường nguy hiểm, cậu cũng nên cẩn thận nha Nhu Nhu."

Mạn Nhu không nói gì, cô lặng lẽ nhìn quang cảnh xung quanh. Giờ mới để ý, tiếng còi xe hòa lẫn với tiếng người nói tạo nên một thành phố vội vã, tấp nập sáng ngày khai giảng. Học sinh thì hồn nhiên, háo hức đi khai giảng, người lớn thì lại không như vậy, trong ánh mắt họ dường như có nỗi khổ hoặc một nỗi buồn nào đấy không thể nói thành lời, cô suy nghĩ không biết bản thân mình năm năm nữa hay mười năm nữa sẽ là ai trong xã hội này. Thoát khỏi những suy nghĩ mơ hồ, Mạn Nhu trở về với thực tại, lúc này Ngữ Tịch cũng đã dừng lại trước cổng trường trung học phổ thông Tự Hải. Ngôi trường hôm nay trông thật hoành tráng, nhờ những tấm băng rôn treo ở cổng mà đã điểm thêm cho trường chút vẻ đẹp chuẩn bị đón chào những cô cậu học sinh mới.

...

Lễ khai giảng đã bắt đầu. Sau màn văn nghệ đầy ấn tượng là lời phát biểu vô cùng ý nghĩa của hiệu trưởng. Tiếng trống trường theo đó cũng được cất lên. Thanh xuân của Mạn Nhu cũng từ đó mà bắt đầu.