[Oneshot Series] Ngư Thúc Quái Đàm

Chương 14: Hồ Tiên



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cũng đã gần mười năm rồi nhỉ, lúc tôi còn là thiếu niên, mỗi năm đều phải ra ngoài phiêu bạt cả mấy tháng.

Có khi thì ở Tây Tạng, có lúc thì ở Nam Tân Cương, nhưng thời gian ở Vân Nam thì lại nhiều hơn.

Vân Nam mỹ nữ nhiều, nhất là ở Đại Lý, những cô gái của Bạch tộc* ven biển, đem theo chút ngại ngùng, rót cho bạn một ly rượu gạo tre, sau đó như con hươu nhỏ chạy đi chỗ khác.

(Bạch tộc: là dân tộc thiểu số đứng thứ 15 ở Trung Quốc, chủ yếu phân bố tại Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam các tỉnh, trong đó, người dân Bạch tộc sinh sống nhiều nhất ở Vân Nam, đa phần là ở tỉnh Vân Nam Đại Lý Bạch tộc châu tự trị. Ngoài ra ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh đều có phân bố rải rác.)

Rượu gạo thơm phức, hồ Nhĩ Hải mênh mông, xa xa chèo tới những chiếc thuyền nhỏ, có một cô gái đang thấp giọng hát nhạc sơn ca, không khí nồng đượm mùi vị ngọt ngào.

Tôi ở Đại Lý được hai tháng, trước lúc đi, cô gái đó mắt rưng rưng đưa cho tôi một đĩa điêu mai, để trên đường tôi có mà ăn.

Sau này tôi mới biết là, điêu mai là thực phẩm đặc sản của Bạch tộc, trước là dùng nước vôi trong để ngâm mận, phơi khô rồi mới lấy dao khắc lên phần thịt mận hoa văn các kiểu, rất là phức tạp.

Hơn nữa, điêu mai này không phải tùy tiện tặng người khác đâu, bởi vì đây là món ăn của những cặp phu thê mới cưới cùng nhau đối thực, được xem là tín vật định tình để tặng cho tân lang.

Cô gái đó, đã khắc tên ở Bạch tộc của mình lên mỗi quả mai, chi chít từng quả, như sợ là tôi sẽ quên đi cô vậy.

Tôi làm sao mà quên em ấy được chứ?

Thật xin lỗi…

Chúc em hạnh phúc.

Nữ tử Tây Tạng gan lớn táo bạo.

Một năm nọ, tôi đến miền Nam Tây Tạng để khảo sát, bị ngã từ trên vách đá xuống, gãy cả xương chân, chỉ có thể ở nhờ nhà của một hương gia Tạng tộc để dưỡng thương.

Miền Nam Tây Tạng còn rất lạc hậu, đa phần là họ săn bắn, mỗi lần săn được mồi thì ca hát nguyên đêm, nướng thịt để ăn, uống rượu lúa mạch, mọi người quây quần bên lửa trại nhảy múa.

Tôi không có tham gia săn bắn và nhảy múa, nên đành kể chuyện cho họ nghe vậy. Có một cô gái Tạng tộc rất thích nghe tôi kể, đôi mắt long lanh chớp chớp, đang kề sát vào người tôi, khuôn mặt nhỏ nhắn của cô đỏ bừng vì hơi lửa.

Ngày thứ hai, tộc trưởng đức cao vọng trọng của họ kêu tôi đến từ đường, có việc quan trọng phải bàn với tôi, nói con gái của ông nhìn trúng tôi rồi, nếu tôi cưới cô ấy, lễ bồi giá của tôi có bốn mươi con bò Tây Tạng và đàn dê trên núi…

Còn có cả dân tộc Cossack* ở bên Tân Cương.

(Dân tộc Cossack: hay còn gọi là Kozak hoặc Cô-dắc, là một dân tộc du mục sống ở Đông u và phần nằm trên lãnh thổ Châu Á của nước Nga.)

*Ủa sao tự nhiên chú Ngư có số hưởng vậy:)))*

Cô gái nói với tôi, dân tộc của họ chỉ có rượu mạnh và tình yêu.

………

Tằng nhân tửu túy tiên danh mã, sinh phạ tình đa lụy mỹ nhân*.

(Câu này có nghĩa là từng vì say rượu mà cưỡi ngựa đi ngàn dặm, chỉ sợ sự đa tình của mình sẽ liên lụy đến người đẹp.)

Bây giờ nghĩ lại, thời trai tráng phóng túng vô biên, cũng làm tổn thương rất nhiều cô gái, thật là tội lỗi mà.

Cũng hy vọng họ sẽ được hạnh phúc.

Được rồi, sám hối cũng xong rồi, dưới đây sẽ là câu chuyện của chúng ta hen.

Đó cũng là câu chuyện xảy ra ở thời niên thiếu, lúc đó tôi đang du lịch ở Nam Tân Cương. Những người biết đến Nam Tân Cương hẳn cũng sẽ biết, ở đây chủ yếu là sa mạc và vùng hoang mạc Gobi mênh mông, xung quanh yên tĩnh đến nỗi tiếng gió cũng không thể nghe được, đó chính là sự cô độc không đáy vô tận.

Ở tại nơi này đây, tôi đã nhìn thấy một quán trọ.

Vâng, sự thật rành rành nhé, chính xác là một quán trọ đó.

Quán trọ đó tên là “Khương Nam nhân gia”, là phong cách điển hình của Giang Nam, tường trắng ngói đen, hai bên cột đối hai câu thơ: “Nhân sinh như nghịch lữ, ngã diệc thị hàng nhân*”, với phong cách tươi sáng mạnh mẽ như vậy, ở tại những nơi như này thì thật là kỳ quái.

(Nhân sinh như nghịch lữ, ngã diệc thị hàng nhân: nôm na nghĩa là cuộc sống như những cuộc hành trình, mà chúng ta là người đi đường vậy đó.)

Phải biết là, nơi đây là hoang mạc Gobi, cách huyện thành xa nhất cũng phải mấy trăm cây số, tại đây hoặc là chút gió cũng không có, không thì một miếng gió thôi cũng có thể phủ lên nửa năm cát bụi tích tụ lại, quanh năm suốt tháng chẳng có một bóng ma nào thì làm sao có khả năng tồn tại một quán trọ chứ!?

Tình huống lúc đó, đừng nói quán trọ, dù là động ma hố quỷ thì cũng phải chui vào, chỉ cần không phải ảo ảnh là được.

Đương nhiên thôi, nơi này nếu như có động yêu ma quỷ quái gì, vậy thì tôi hy vọng chủ nhân của nó là một yêu nữ chân dài ngực to đẹp cực kì.

Vẫn tốt, tuy là không có cô em nào chân dài ngực to, nhưng cũng còn những trái dưa hoàng kim ngọt lịm, rượu sữa ngựa thơm phức, cùng với chiếc giường ngăn nắp sạch sẽ.

Ăn no uống đủ, tôi thở phào nhẹ nhõm, ngồi ở cái ghế bố trước cửa quán trọ, thoải mái nhìn quang cảnh của sa mạc.

Qua một hồi, chủ tiệm cũng bước ra, ngồi kế bên cái ghế bố, lãnh đạm nhìn xa xăm, như đang trông chờ điều gì vậy.

Đây là một người đàn ông trung niên phong độ, hiền lành và khiêm tốn, cũng như y phục của ông đang mặc, được ủi thẳng tắp, không dính một chút bụi trần.

Tất nhiên người như vậy sẽ có một câu chuyện.

Nhưng hỏi tới thì ông lại không nói, nên tôi đành không hỏi nữa.

Đêm tối ở Tân Cương, mặt trời luôn lặn vào lúc chín mười giờ, tạo nên từng lớp hoàng hôn màu đỏ thẫm trên sa mạc.

Nhìn xa xăm là một hoang mạc lớn trùng trùng điệp điệp, những cồn cát nhỏ cao thấp, từng hàng cây dương khô héo ngả nghiêng, kẹp trên hai ngón tay điếu thuốc rê, lúc này là con người dễ gần gũi nhất cũng là lúc dễ kể chuyện nhất.

Đợi lúc mặt trời lặn mất tăm rồi, chủ tiệm mới nhẹ nhàng thở một hơi dài, ánh mắt đầy thất vọng.

Tôi có chút hiếu kỳ, hỏi ông: “Đợi ai à?”

Ông gật gật đầu.

Tôi cười rồi nói: “Là người yêu sao?”

Ông lại gật đầu, khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc.

Tôi lại cười, nói tiếp: “Là người Hán ư?”

Tôi vốn chỉ muốn hỏi ông là, người phụ nữ mà ông đang đợi là người Hán hay là người dân tộc, dù sao thì ở Tân Cương thì người dân tộc nhiều hơn.

Nhưng không ngờ, ông do dự một chút, thấp giọng nói: “Cô ấy… Hình như không phải là người...”

Tôi giật mình, xém chút nữa là ngã từ trên ghế bố xuống rồi.

Ông cũng không đếm xỉa gì đến tôi, có lẽ là do đè nén quá lâu, ông trầm mặc một chút, lấy ra hai cái ly sứ, nấu ấm trà, rồi kể chuyện của ông cho tôi nghe.

…….

(Từ đây là lời ông Bạch kể nhé.)

Ông nói: “Tôi họ Bạch, là người Tô Châu, nhà tổ ở Giang Đông, Nghi Hưng.”

Từ triều đại nhà Thanh và nhà Minh bắt đầu, ở Giang Đông, Nghi Hưng đã nổi dậy bao nhiêu Giang Nam vọng tộc, như họ Chử, Tưởng, Nhậm, Trần, Ngô, Sử, Lục vân vân... Phu nhân nhà tôi thuộc quan lâm họ Tưởng, chứ không phải thuộc truyền thống vọng tộc ở Giang Đông, mà là từ Huệ Châu chuyển đến. Người Huệ Châu đặt nặng thi cử, gia tộc Tưởng Ngạc ở ngõ Đại Nhân, Cửa Nam Thành, huyện Nghi Hưng, thời nhà Thanh. Bà Tưởng Bích Vy, vợ cũ của Từ Bi Hồng (gia tộc của bà là một gia tộc có tiếng ở Nghi Hưng, tổ tiên là Hàm Đình Hầu thời nhà Hán), xuất thân từ một nhánh của họ.

Nhà của Trung Chính tiên sinh (Tưởng Giới Thạch), cũng là từ Nghi Hưng chuyển về Phụng Hóa được coi là nhất mạch tương truyền* cùng chúng tôi, trước giờ vẫn qua lại với nhau. Sau này Trung Chính tiên sinh thu phục được bang Thanh Hồng ở Thượng Hải, về quê gây quỹ, cũng là chủ yếu do gia tộc chúng tôi ủng hộ.

(Huyết mạch tương truyền: cha truyền con nối, truyền từ đời này sang đời khác.)

Tôi được sinh ra tại Nam Dương, sau khi tốt nghiệp đại học công nghệ ở Nam Dương thì về tiếp quản sự nghiệp của gia tộc, mọi thứ đều xảy ra rất bình thường.

Tôi lúc ấy vẫn còn trẻ, một lòng muốn đem sự nghiệp của gia tộc lên một tầng cao mới, cho nên suốt ngày lập kế hoạch cho những thứ to tác hơn.

Thời điểm đó, hội đồng hương cho biết, chính phủ Trung Quốc đang xúc tiến đầu tư, khuyến khích Hoa kiều về nước khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ thuế và chính sách của nước nhà.

Tôi hứng chí lẽo đẽo quay về, chính phủ đương nhiên là rất hoan nghênh, liền đem trả nhà tổ cho gia tộc chúng tôi.

Đó là một ngôi nhà lớn có lịch sử mấy trăm năm ở Tô Châu, nghe nói là lúc xây dựng ngôi nhà này có mười tám con hạc tiên bay vòng quanh ba vòng ở khuôn viên, cho nên lúc đấy được mọi người xưng là hoa viên Bạch phủ.

Hậu hoa viên rộng lớn với những loại cây thân to dang hai tay ôm không xuể như cây nguyệt quế, cây lựu, cây liễu, cây hòe Nhật Bản, còn có cả một mảng rừng trúc mai, hoa ngọc lan xếp từng lớp, có hòn non bộ và những tảng đá gồ ghề.

Tôi trước giờ là sống trong nhà kiểu phương Tây, lần đầu tiên ở trong một nơi cổ hương cổ sắc như vậy, nghĩ đến cuộc sống của tổ tiên tôi lúc trước, những nơi mà họ từng phấn đấu qua lại tràn đầy những thỏa mãn khác lạ.

Trước khi tôi đến, các cụ nhà chúng tôi đã dặn đi dặn lại, ở trong gia viên có cây nguyệt quế ba trăm năm tuổi, trước khi họ rời đi đã chôn một chiếc gương của thời chiến quốc. Khi tôi đến nhà tổ rồi, nhất định phải đào cái gương cổ đó lên, treo ngay giữa cửa chính.

Cái gương đó là để tránh tà đấy.

Người ta cho rằng, những ngôi nhà cổ có tuổi đời mấy trăm năm thường sẽ rất tốt về mặt phong thủy, do là cả gia tộc có con cháu mấy đời từng sinh sống ở đó, thành ra sẽ có một chút vận khí bao phủ trên bề mặt, vậy nên một số tà ma, linh hồn tinh quái vân vân... thích trốn trong này xem như được bảo vệ.

Lúc vừa về tới đây, mỗi ngày đều có rất nhiều yến tiệc để tôi ứng phó, cho nên đã quên mất đi việc này.

Sau đó có một đêm, tôi nghe tiếng sột soạt được truyền đến từ ngoài sân, liền khoác áo xuống giường.

Buổi tối hôm đó, là một đêm trăng đẹp, ánh trăng chiếu rọi xuống như phủ một lớp sương lên mặt đất vậy.

Dưới ánh trăng, tôi nhìn thấy một cô nương mảnh khảnh trên tay cầm một cây kéo lớn, đang ngân nga một bản ballad kỳ lạ, đang tỉa cành cho cây nguyệt quế.

Tỉa xong những cành cây phía dưới, cô với không tới những cành phía trên, đành trèo hẳn lên cây, giống như một con lười vậy, treo người trên cao để tỉa cành lá. Nhưng cô thật ngốc, còn chưa chạm được đến cành cây thì bị ngã từ trên xuống, sau đó ở phía dưới la um sùm.

Tôi nhịn không được liền cười to, cô ấy không những không sợ, còn đưa nắm đấm ra hù dọa tôi.

Tiểu gia hỏa nói, cô là láng giềng bên cạnh nhà tôi, bởi vì nhà tôi quá nhiều năm không ai ở, nên cô không thể chịu đựng được đành trèo tường qua, giúp chúng tôi chăm sóc hoa cỏ nơi này.

Cuối cùng, tiểu gia hỏa ép tôi tỉa cành lá rồi tưới đủ nước cho cây nguyệt quế, cây lựu, mới tha cho tôi.

Tôi lúc đó cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, dù sao cô ấy cũng là đứa trẻ tầm mười ba mười bốn tuổi thôi.

Sau này, tôi đã sống tại đây, cùng với cô bé đó làm bạn.

Cô bé đó rất tinh nghịch, thông minh tuyệt đỉnh, biết chơi cờ vây, biết đàn cổ cầm, còn biết vẽ quốc họa.

Ừm, có hôm cô bé đó lấy bức danh họa mà bố tôi sưu tầm, mỹ nhân đồ của bát đại sơn nhân, vẽ cho họ vài nhúm râu trên mặt.

Bởi vì cô bé cảm thấy các mỹ nhân không mặc xiêm y, nhìn thật vô sỉ, cho nên vẽ thêm râu xem như là cảnh cáo.

Lại vẽ lên bức “Độc điếu hàn Giang tuyết” đồ thời nhà Minh, trên đó thêm cho lão ngư phu câu được một con cá chép lớn, bởi vì cô bé cho rằng lão ngư phu câu cá giữa trời đông gió tuyết là chuyện không dễ dàng, tốt xấu gì thì cũng cho ông một chút thu hoạch chứ.

Đôi lúc ngẫu nhiên, cô bé nổi hứng là sẽ bảo tôi ôm chiếc cổ cầm ra, đích thân đàn tôi nghe một khúc, âm điệu cao ngút du dương, tựa như âm thanh của một con thiết mã.

Khúc nhạc mà cô đàn, tôi chưa từng nghe bao giờ, sau này tra tìm biết bao nhiêu nhạc phổ, cũng chưa từng có ai ghi lục qua khúc nhạc này cả.

Cô bé tự nói rằng: “Đây là cổ nhạc, người phàm mấy anh sẽ không biết đâu.”

Tôi đương nhiên là động lòng với cô bé ngây thơ hoạt bát này rồi.

Nhưng vào lúc đó, tôi cũng đã đứng tuổi, đáng lẽ phải tới tuổi cưới vợ sinh con, việc kế thừa sản nghiệp của gia tộc sớm đã không còn ương bướng như thời niên thiếu nữa.

Tôi cảm nhận được, cô bé nhất định biết những chuyện này, chỉ là chưa bao giờ hỏi tôi và tôi cũng chưa từng nói tới.

Sau này, phu nhân của tôi nghe được một chút lưu ngôn phi ngữ*, nên đã bế con tôi đến đây ở ba tháng.

(Lưu ngôn phi ngữ: những lời xì xầm đồn thổi.)

Mẹ già của tôi gọi đến từ Nam Dương, nói cô ta là một con hồ ly tinh, muốn tuyệt Tưởng gia của mình, mau mau đi đào cái gương cổ lên rồi mời cao nhân đến làm phép.

Tôi không biết nói gì, chỉ lãnh đạm đáp trả vài câu rồi cúp máy.

Ba tháng sau, vào một đêm trăng tròn, cô bưng một vò rượu lớn đến uống cùng tôi.

Cô nói là, phong tục cổ xưa của người Giang Nam, sau khi sinh con gái, ở trong sân trồng một cây long não, dưới cây chôn một vò rượu. Đợi tới lúc con gái trưởng thành, lá cây xum xuê ngoài tường, gốc cây như thác đổ, người qua đường ghé ngang sẽ biết ngay: Yo, nhà này có khuê nữ đợi cưới gả sao.

Chờ tới lúc con gái xuất giá, liền đem cây long não đó chặt đi, làm thành ba cái rương, một cái là để đựng trang sức ngọc trai, một cái là để đựng gấm vóc lụa là, một cái là đựng gối mền dệt bằng tơ tằm. Sau đó, lấy vò rượu đã chôn dưới đất hai mươi năm ra, mở nắp, chiêu đãi khách quý, loại rượu này người ta gọi nó là “Nữ nhi hồng”.

Cô rót đầy hai chén rượu rồi duyên dáng cười với tôi nói: “Khách quan, đây chính là nữ nhi hồng của <hoa viên Tưởng phủ> chôn cất ba trăm năm, để em kính anh một ly nhá!!!”

Chúng tôi cùng nhau uống rượu.

Cô nói: “Chẳng sao cả… Chỉ cần có thể ở bên cạnh anh, em đã thấy mãn nguyện lắm rồi.”

Cô lại nói: “Thật ra em cũng biết, cái gì quá hoàn mỹ thì rất khó tồn tại dài lâu. Giống như pháo hoa tỏa sáng trong đêm đen, như hoa anh đào nở rộ dưới chân núi Phú Sĩ, như tàn tuyết còn sót lại ở đoạn kiều* Tây Hồ, cái đẹp chỉ trong khoảnh khắc, nhưng nó đã cố gắng hết sức rồi. Cũng như thời khắc mà Hứa Tiên và Bạch Tố Trinh gặp nhau ở đoạn kiều, là vận mệnh của họ đã được đặt sẵn, không liên quan đến pháp hải, càng không liên quan đến tình yêu.”

(Đoạn kiều tàn tuyết: thắng cảnh ở Tây Hồ.)

Rồi cô nhìn tôi hỏi: “Anh có yêu em không?”

Tôi đáp: “... Anh xin lỗi…”

Cô cười tươi nói: “Không sao mà. Em và loài người các anh không giống nhau. Bọn em, chỉ cần tình yêu là đủ rồi…”

“Em là Khương Nam, xin hãy nhớ lấy tên của em.”

“Em nhảy một điệu cho anh xem nhé!”

Tôi nhắm mắt lại, lãnh đạm nói: “Anh sẽ vĩnh viễn nhớ lấy hơi nước trong sân, dưới cây nguyệt quế, vò nữ nhi hồng, mùi hương nồng đượm của hoa nguyệt quế, ánh trăng thanh khiết và một cô bé mảnh khảnh đang múa dưới vầng sáng đó, nó sẽ trở thành những hồi ức không thể nào xóa nhòa.”

Sau đó, cô biến mất rồi…

Tôi điên cuồng tìm kiếm khắp thành, nhưng phát hiện ra không người nào biết được cô bé đó là ai, càng không biết cô đến từ đâu và đi về đâu.

Từ hôm đó tôi bệnh nặng một trận.

Mẹ già của tôi vội vàng từ Nam Dương chạy đến, chiêu mời cao nhân thiên hạ, trói bắt hồ yêu.

Riêng tôi chỉ muốn hỏi vị cao nhân đó một câu: “Cô ấy rốt cuộc là người hay là yêu?”

Vị cao nhân nói là, đây là một con tiểu hồ ly tu luyện đã ba trăm năm rồi, cư ngụ tại đây hơn trăm năm, cho nên nói là láng giềng của anh, cũng không hoàn toàn sai.

Tôi lập tức chạnh lòng, nghĩ đến cô bé cầm vò rượu, nói đó chính là “nữ nhi hồng” của bản thân mình, nước mắt không kìm được mà rơi xuống.

(Tức nhà nào lấy vò nữ nhi hồng đãi khách là nhà đó gả con, cô bé đào vò rượu ra uống tức nghĩa là cô đã gả cho anh rồi. Nghe xót xa thật )

Tôi lại hỏi: “Tại sao cô ta rời đi?”

Cao nhân nói: “Tự cổ Giang Nam đã linh tú, sơn thủy chung thạch, rắn rết chuột kiến, hoa mộc cổ đằng dễ thành tinh. Nhà cổ của anh có vận khí áp thân, cho nên nó đến để tránh nạn. Về sau, có thể do xảy ra chuyện gì rồi, cho nên mới rời khỏi đây.”

Tôi hỏi: “Vậy cô ấy có trở về đây không?”

Vị cao nhân lắc đầu: “Từ nhỏ cô ta lớn lên ở đây, vận khí của nhà anh thì chính là vận khí của cô ta. Sau khi rời xa nơi này, linh khí bị lộ ra ngoài thì sẽ gặp phải ngũ lôi oanh đỉnh mà chết. Cô ta nhất định là gặp phải biến cố gì đó rất lớn, khiến cô bỏ mặc tất cả rời đi, đến cái mạng cũng không tiếc nữa. Cho nên cô ta nhất định sẽ không trở về đâu."

Tôi lại hỏi: “Vậy cô ấy có thể đi tới đâu?”

Vị cao nhân liền đáp: “Linh hồ khắp thiên hạ đều đi Nam Tân Cương, cô ta có thể đã đi đến đó.”

Tôi cảm ta vị cao nhân đó xong, rồi tôi trở về Nam Dương, đem toàn bộ gia sản, mối làm ăn đều bàn giao hết, một thân một mình đi đến Nam Cương, xây một quán trọ ở đây.

Rồi ông ngắm nhìn mặt trời lặn, nói một câu cuối cùng: “Tôi cũng không biết chắc, vị cao nhân đó đang nói dối tôi hoặc có thể là do mẹ tôi tìm cách để gạt tôi. Nhưng không sao cả, chỉ cần có một tia hy vọng, tôi cũng sẽ ở đây đợi cô ấy. Tôi chỉ muốn nói với cổ là, pháo hoa tỏa sáng trong màn đêm đen, hoa anh đào nở rộ dưới chân núi Phú Sĩ, tàn tuyết trên đoạn kiều của Tây Hồ dần dần biến mất, nhưng khoảnh khắc tuyệt vời đó vẫn mãi tồn tại trong lòng của chúng tôi, vĩnh viễn không phai nhòa.”

Rồi ông chầm chậm đứng dậy bước đi.

………..

Haizz, tôi ngồi trên ghế bố, nhìn thấy màn đêm vây quanh, cả bầu trời đầy sao, hồi ức lại mọi thứ ở Giang Nam.

Nhắm mắt lại, tôi như ngửi thấy được mùi thơm thoang thoảng nồng nàn của hoa nguyệt quế, mặt trăng từ từ lên cao, những đóa hoa lục bình màu tím đang trải dài trên mặt hồ, tiếng dế và những loài côn trùng không biết tên vang vọng trong từng bụi cỏ, lại nhìn thấy một chú chim bay ngang qua.

Đột nhiên cảm thấy mình thật sự đã già...

Và đột nhiên…

Có một chút nhớ em rồi!

- ---------------------------------